Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Người gảy đàn đất Long Thành có phải được gọi là Cầm?

“Long Thành cầm giả ca”  - Bài ca người gảy đàn đất Long Thành - là một trong những bài thơ hay của Nguyễn Du. Với lời tiểu dẫn như một câu truyện ngắn kể về người con gái đánh đàn ấy cùng những kỷ niệm của Nguyễn Du với nàng, bài thơ đã trở thành cảm hứng cho nhiều tác giả sáng tác các tác phẩm văn học, kịch nghệ, phim ảnh viết về Nguyễn Du nói chung, cũng như về mối nhân duyên giữa Nguyễn Du với người con gái đánh đàn đất Long Thành ấy nói riêng. Có thể lấy ví dụ như: Kịch “Dòng lệ Tố Như” của tác giả Trần Đình Ngôn – sáng tác năm 1992, vừa được Nhà hát chèo Việt Nam dựng lại, hay như bộ phim “Long Thành cầm giả ca” cách đây không lâu … Và tất nhiên trong các tác phẩm ấy, không thể thiếu được nhân vật Người gảy đàn đất Long Thành. Vậy nhân vật người con gái ấy được gọi tên thế nào? Hầu hết các tác phẩm đó có lẽ đều căn cứ vào bài thơ (đúng hơn là, bản dịch bài thơ) “Long Thành cầm giả ca” của Nguyễn Du và gọi người gảy đàn ấy là cô/nàng Cầm.

Ta hãy đọc lại đoạn đầu bài thơ “Long Thành cầm giả ca” của Nguyễn Du:

龍城佳人
姓氏不記清
獨善阮琴
舉城之人以琴名。
 “Long Thành giai nhân,
Tính thị bất ký thanh,
Độc thiện Nguyễn cầm,
Cử thành chi nhân dĩ cầm danh.”

Trong cuốn “Thơ chữ Hán Nguyễn Du” của NXB Văn Học in năm 1988(*), mấy câu thơ trên được dịch nghĩa như sau:
“Người đẹp ở Long Thành,
Họ gì không nhớ rõ,
Chuyên giỏi đàn nguyệt cầm,
Người cả thành lấy “Cầm” mà đặt tên cho.”

Mấy câu trên tưởng chừng đã quá rõ ràng và không có gì để phải nói nữa, nhưng khi đọc kỹ lại, ta lại thấy có điểm bất ổn.

Trước hết ta hãy xem chú thích về chữ “Nguyễn cầm” trong sách đã dẫn: “Nguyễn cầm: Đàn Nguyễn, còn gọi đàn Nguyệt. Đàn này do Nguyễn Hàm người đời Tấn ở Trung Quốc (một trong Trúc Lâm thất hiền) sáng chế.”  Thực sự là cây đàn Nguyễn do Nguyễn Hàm đời Tấn chế ra, nên được gọi là đàn Nguyễn. Nhưng nó không phải là đàn nguyệt như chú thích trong sách. Đàn Nguyễn tuy cũng có hộp đàn hình tròn, nhưng cần đàn ngắn và có bốn dây, chứ không phải hai dây như đàn Nguyệt. Nếu có thể, thì nó chính là cây đàn hiện được gọi là đàn Tứ. Và khi so sánh nó với đàn Nguyệt, thậm chí người ta còn gọi nó là Nhật, để đối tỷ với nhau. Vì vậy đàn Nguyễn hoàn toàn không phải đàn Nguyệt. (Việc đàn Nguyệt có phải biến tấu từ đàn Nguyễn không, tạm chưa bàn tới.)
(Thiếu nữ chơi đàn Nguyễn)


Tiếp theo ta hãy xem tiếp về chữ “Cầm” 琴. Có thể thấy mấy trường nghĩa cơ bản của chữ Cầm như sau:
  1. Cầm còn gọi Cổ Cầm là một nhạc cụ cổ Trung Quốc, do Thần Nông thị sáng tạo ra, dài ba thước sáu tấc sáu, trên có năm dây, gọi là: Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ. Sau Văn Vương thêm vào hai dây nữa gọi là: Thiếu Cung, Thiếu Thương, thành cây đàn bảy dây.
  2. Cầm: Là phiếm chỉ chung các loại đàn.
  3. Cầm: Dùng theo nghĩa động từ là “gảy đàn” ví dụ như chữ Cầm trong tiêu đề bài thơ: “cầm giả” – tức người chơi đàn.
Bây giờ trở lại với câu thơ: “Độc thiện Nguyễn cầm, cử thành chi nhân dĩ cầm danh.” Theo như câu dịch nghĩa trong sách đã dẫn, thì câu này là: “Chuyên giỏi đàn nguyệt (Nguyễn) cầm, người cả thành lấy “Cầm” mà đặt tên cho”.  Chữ “Cầm” mà người ta “đặt tên cho” nàng ở đây, rõ ràng không thể là ở nghĩa thứ nhất của chữ Cầm – là đàn Cầm, Cổ Cầm ta nói trên, vì nàng đâu có chơi đàn Cầm. Mà nó chỉ có thể ở vào hai nghĩa phiếm chỉ ở dưới.  Nhưng nếu vậy, thì rõ ràng câu của Nguyễn Du lại rất phi lý, và việc ông nói rõ chữ “Nguyễn cầm” (đàn Nguyễn) dường như  là thừa:
“Riêng giỏi đàn Nguyễn, nên người cả thành gọi tên là Cầm (tức Đàn/chơi đàn)”
Chẳng ai nói một câu kiểu như: “Anh ấy rất giỏi đàn XYZ, nên tôi gọi anh ấy là “Đàn”/”Chơi đàn”. Như vậy thì còn phải nói đến cái tên đàn là XYZ làm gì? (Cũng nên lưu ý rằng, cây đàn Nguyễn được tác giả nhắc tới nhiều lần từ trong lời tiểu dẫn đầu bài thơ cũng như trong bài thơ)
Câu nguyên văn chữ Hán: 以琴名 “dĩ cầm danh” của Nguyễn Du ta phải hiểu là 以琴名而名之 “dĩ cầm danh nhi danh chi” mới đúng. Và như vậy câu này phải dịch nghĩa là: “Riêng giỏi đàn Nguyễn, nên người cả thành lấy tên đàn mà gọi tên.” Như vậy, người gảy đàn đất Long Thành, không phải được dân trong thành gọi là cô/nàng Cầm, mà chính là cô/nàng Nguyễn.
Tuy nhiên đó không phải là họ thật của nàng, mà chỉ là vì nàng giỏi đàn Nguyễn, nên gọi theo tên đàn mà thôi. Xét lại câu “tính thị bất ký thanh” cũng như cách gọi theo họ phổ biến trong xã hội xưa chúng ta sẽ thấy nó hợp logic.
Như vậy câu “cử thành chi nhân dĩ cầm danh”, chúng ta nếu không muốn nói rõ tên (họ) nàng là Nguyễn, thì cũng phải dịch là: “người cả thành lấy tên đàn mà gọi tên”. Chứ không thể dịch là: Người cả thành gọi tên nàng là Cầm được.
Thiết tưởng đối với một tác phẩm văn chương hay phim kịch dã sử thì tên gọi một nhân vật hư cấu sáng tạo cũng không có gì là quan trọng cả. Nhưng đối với câu thơ, cũng như bài thơ hay của một tác giả nổi tiếng, một danh nhân văn hóa thế giới thì chúng ta cũng cần phải hiểu cho chính xác, thấu đáo nhất tinh thần, ý tứ của tác giả, tác phẩm. Đôi khi một sai sót nhỏ cũng ảnh hưởng rất lâu dài vậy.

Huyền Phương Các
19.9.2015

(*)“Thơ chữ Hán Nguyễn Du” - NXB Văn Học in năm 1988 – Đào Duy Anh sắp xếp, dịch nghĩa, chú thích.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét