Thứ Hai, 8 tháng 2, 2021

THƠ ĐƯỜNG: THỂ LOẠI VÀ THANH LUẬT

Nền thi ca của Trung Quốc đã có lịch sử lâu đời, mà bắt nguồn sớm nhất của thơ ca chính là từ những bài ca dao của nhân dân lao động, mà từ rất sớm, Khổng Tử đã ghi chép và biên soạn thành Kinh Thi với hơn ba trăm bài. Suốt thời gian tiếp theo đó, thơ ca vẫn  luôn được kế thừa và sáng tạo, với nhiều tên tuổi thi nhân xuất sắc từ Khuất Nguyên với tác phẩm “Ly tao” nổi tiếng thời Chiến Quốc, đến các tác giả đời Hán: như Lý Lăng, Tam Tào, Kiến An thất tử cùng thể loại Nhạc phủ, đến đời Tấn với Tạ Linh Vận, Tạ Diểu, Nhan Diên Chi, Bão Chiếu … Và đến đời Đường thì có thể nói, nền thi ca Trung Quốc đã hoàn thiện  đến đỉnh cao và ảnh hưởng tiếp nối suốt thời gian dài sau này. Không những chỉ ở Trung Hoa, mà còn ảnh hưởng chung đến nền thi ca nói riêng cũng như văn chương nói chung của các nước đồng văn lân cận, trong đó có Việt Nam.

1.       Sơ lược diễn tiến phát triển của thi ca đời Đường:

Đời Đường, có thể nói là thời kỳ hoàng kim của thi ca Trung Quốc, “Toàn Đường thi” đời Thanh thu lục tới hơn 50.000 bài thơ cùng gần 3.000 tác giả, trong đó có tới mấy ngàn bài thơ được lưu truyền rộng rãi, cùng nhiều tên tuổi được quảng đại quần chúng biết tới. Thi ca đời Đường có thể chia làm 4 thời kỳ: Sơ, Thịnh, Trung và Vãn Đường.

Thời kỳ Sơ Đường (618 – 712):

Là thời kỳ thơ Đường bắt đầu manh nha và hình thành phong cách thơ Đường. Thời kỳ này, thi ca cơ bản tiếp nối thời kỳ Nam Triều, những nhân vật chủ chốt trên thi đàn phần lớn là cựu thần nhà Trần, nhà Tùy và các văn nhân trong cung đình, như: Ngu Thế Nam, Chử Lượng, Dương Sư Đạo, Lý Bách Dược, Thượng Quan Nghi, Lý Kiệu, Tô Vị Đạo, Thôi Dung, Thẩm Thuyên Kỳ, Tống Chi Vấn … Tác phẩm phần đa là ứng chế phụng họa. Trong đó có thể kể đến: Thượng Quan Nghi, Thẩm Thuyên Kỳ và Tống Chi Vấn – những văn nhân ngự dụng của triều đình - cách luật của thơ cận thể đời Đường đã được hoàn thiện bởi bàn tay của họ.

Nổi bật nhất trong thời kỳ này phải kể đến “Sơ Đường tứ kiệt” và Trần Tử Ngang, với những bài thơ nói nên nỗi lòng mình, cùng cảm thán về nhân sinh và đời sống xã hội. 

Tứ kiệt tức Vương (Bột), Dương (Quýnh), Lư (Chiếu Lân), Lạc (Tân Vương).

Một nhân vật quan trọng nhất của thời Sơ Đường là Trần Tử Ngang. Cống hiến của Tử Ngang là đề ra được lý luận và thúc đẩy sự cách tân một cách hoàn toàn cho Đường thi. Cuộc đời của Trần Tử Ngang có thể dùng mấy chữ “Bất hợp thời nghi”, ông không làm quan chức gì nhưng lại dám dâng thư can gián lên Võ Hậu và cuối cùng bị hại chết trong ngục. Nhưng, điều lớn hơn mà Trần Tử Ngang đã làm là: không theo thói tục theo con đường thi ca đời Lục Triều, mà chủ trương phát huy Kinh Thi cũng như “Hán Ngụy phong cốt” điều ấy đã ảnh hưởng lớn đến con đường trở nên thành thục và lớn mạnh của thơ Đường từ đó về sau.

Thời kỳ Thịnh Đường (713 – 765): chỉ thời kỳ từ niên hiệu Khai Nguyên, Thiên Bảo đời Đường Huyền Tông đến những năm 50 niên hiệu Đại Lịch đời Đường Đại Tông.

Thời kỳ Khai Nguyên và đầu Thiên Bảo chính trị đời Đường thịnh trị thái bình, kinh tế phát triển, khiến văn hóa cũng phát triển mạnh mẽ, có thể kể đến: thư pháp của Trương Húc, Hoài Tố, Nhan Chân Khanh; Hội họa của Ngô Đạo Tử, Lý Tư Huấn, Vương Duy, âm nhạc của Lý Quy Niên, Đổng Đình Lan, Lý Mô, Hoàng Phiên Xước …

Thi ca Thịnh Đường phát triển trước tiên ở số lượng lớn danh gia xuất hiện, mà trước tiên phải kể đến Lý Bạch, Đỗ Phủ, ngoài ra còn có: Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên, Cao Thích, Sầm Tham, Vương Xương Linh, Vương Chi Hoán, Thôi Hiệu …

Thời kỳ này, không thể không nhắc đến loạn An Sử vào năm Thiên Bảo 14 (755) và kéo dài 8 năm. Nó không những là đòn đánh mạnh vào nền chính trị nhà Đường, khiến nhà Đường ngã quỵ khó mạnh lên nổi, mà còn phá tan thi đàn Thịnh Đường, khiến hàng loạt thi nhân phải chịu kết cục bi thảm, nhưng cũng có những tác phẩm (như của Đỗ Phủ) phản ánh sâu sắc đời sống khổ cực của nhân dân, khiến thi ca Thịnh Đường chẳng những không bị chìm lắng, mà còn thêm huy hoàng rực rỡ.

Vương Duy, Lý Bạch, Đỗ Phủ trở thành những đại biểu kiệt xuất không chỉ trong thời kỳ này, mà còn của cả nền thi ca đời Đường.

(Lý Bạch Túy Tửu Đồ - tranh T.Q - Nguồn: Internet)


Thời kỳ Trung Đường (766 – 859):
chỉ thời kỳ 100 năm từ  niên hiệu Đại Lịch đến Đại Trung

Loạn An Sử tuy chỉ kéo dài 8 năm, nhưng lại mang tính hủy diệt đối với đế quốc Đường bấy giờ. Để dẹp loạn An Sử, nhà Đường đã làm hai việc sai lầm là: mượn quân của Thổ Phồn, Hồi Hột, dẫn đến việc ngoại tộc xâm nhập biên cảnh; và ứng sử mềm yếu với phiên trấn, tạo nên hiện tượng phiên trấn cát cứ, khiến nhà Đường khi bước vào thời kỳ Trung Đường đã có những dấu hiệu suy bại. Nhà Đường tuy “Trung hưng” những đã không còn lớn mạnh và hưng thịnh như trước nữa.

Thi đàn thời Trung Đường đối diện với vấn đề: các nhà thơ đời Thịnh Đường đã đạt đến một cảnh giới rất cao, đề tài rất rộng, và thơ viết rất hay, khiến người sau khó mà vượt qua nổi. Vì vậy họ đã lựa chọn một lối đi khác. Các tác giả thời kỳ này như Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên, Mạnh Giao, Bạch Cư Dị, Nguyên Chẩn, Lưu Vũ Tích , Lý Hạ đều tìm con đường cách tân thi ca. Phất ngọn cờ lớn nhất trong việc cách tân thi ca phải nói đến Hàn Dũ, Mạnh Giao, và Bạch Cư Dị, Nguyên Chẩn.

Trước Hàn Mạnh Nguyên Bạch một chút phải kể đến: “Đại Lịch thập tài tử”[1] cùng mấy người như: Lưu Trường Khanh, Vi Ứng Vật, Nguyên Kết, Cố Huống đã mở lối cho thời kỳ này.

Đồng thời, trong giai đoạn này cũng phải nhắc đến: Thiên tài đoản mệnh, thi quỷ Lý Hạ - một người nổi tiếng thần đồng khiến Hàn Dũ phải kinh ngạc, cùng Hoàng Phủ Thực đích thân đến tận nhà thăm. Khi ấy Lý Hạ liền viết bài thơ “Cao hiên quá” để tặng, khi ấy ông mới 7 tuổi. Về sau Lý hạ mất khi mới 27 tuổi. Và hai nhân vật Trung Đường hậu kỳ: Đỗ Mục, Lý Thương Ẩn được gọi là “Tiểu Lý Đỗ” khi so với Lý Bạch và Đỗ Phủ trước kia.

Thời kỳ Vãn Đường (860 – 907): chỉ giai đoạn từ năm Hàm Thông nguyên niên đời Đường Ý Tông cho đến cuối đời Đường.

Thời kỳ Vãn Đường, nhà Đường đã không còn khí tượng phồn thịnh của thời kỳ trước nữa, thi ca thời kỳ này cũng mang đầy tình cảm đau đớn bi ai, nhưng về mặt kỹ xảo, lại có sự phát triển nhất định. Trong “Lục Nhất thi thoại”, Âu Dương Tu đời Tống có nói: “đời Vãn Đường, thi nhân không còn phong cách hào phóng như Lý, Đỗ, nhưng ý tứ tinh tế lại rất cao” chính là như vậy.

Thi ca Vãn Đường có thể chia làm 3 loại hình:

Loại 1: đại biểu là Bì Nhật Hưu, Lục Quy Mông, Nhiếp Di Trung, Đỗ Tuân Hạc, kế thừa Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, vạch trần mặt đen tối của xã hội.

Loại 2: đại biểu là Giả Đảo, Diêu Hợp:, thi ca nội dung bó hẹp, rất ít phản ánh đời sống xã hội, hình thành một phong cách nghệ thuật: Thanh sấu khổ tịch ().

Loại 3: Đại biểu là Vi Trang, Tư Không Đồ, Hàn Ốc, những tác giả này đường hoạn lộ tương đối hanh thông, cuộc sống đầy đủ, thi ca phần nhiều trốn tránh hiện thực, hoặc gửi tình vào sơn thủy, hoặc chìm đắm vào thanh sắc, cách điệu không cao lắm, nhưng thành tựu nghệ thuật rất cao.

Một trong những nhà thơ trọng yếu nhất thời Vãn Đường phải kể đến là Ôn Đình Quân.

2.       Thể loại thơ Đường:

Về thể loại thơ Đường, ở mức độ khái quát nhất, có thể chia làm hai loại lớn: Cổ Thể Thi và Kim Thể Thi (hay Cận Thể Thi). Cổ thể thi: chỉ những thể loại thi ca mà các thi nhân đời Đường kế thừa từ các đời trước đó; còn Kim thể thi chỉ những bài thơ làm theo cách thức mới được sáng tạo từ đời Đường – gọi là thơ Đường luật. Vì sao lại gọi như vậy? Là vì, thể thơ mới này có quy định chặt chẽ về số câu, số chữ, bằng trắc và đối tỉ. (Cụ thể chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn ở các mục dưới đây.)

Cổ Thể thi lại chia thành : Ngũ ngôn cổ thi (cũng gọi Ngũ cổ) – chỉ thể loại thơ mỗi câu có 5 chữ, không giới hạn số câu, ví dụ những bài: “Tam Lại”, “Tam Biệt” của Đỗ Phủ mỗi bài có tới mấy chục câu, nhưng “Du tử ngâm” của Mạnh Giao lại chỉ có 6 câu; và Thất ngôn cổ thi (cũng gọi Thất cổ): mỗi câu 7 chữ và không giới hạn số câu. Ví dụ như: “Trường hận ca” của Bạch Cư Dị có tới 120 câu, nhưng “Ngư ông” của Liễu Tông Nguyên lại chỉ có 6 câu.  Trong Cổ Thể thi, lại có một thể loại gọi là Tạp ngôn, số chữ trong câu dài ngắn khác nhau từ 3 đến 9 chữ. Ví dụ như bài: “Mộng du Thiên Mụ ngâm lưu biệt” Vì trong Tạp ngôn thi số câu có 7 chữ chiếm phần lớn, nên người ta thường xếp nó vào thể loại Thất ngôn cổ thi.

Kim Thể thi (hay Cận thể thi) lại chia thành: Luật thi Tuyệt cú.

Luật thi lại chia ra: Ngũ ngôn luật thi (cũng gọi Ngũ luật): mỗi bài chỉ có 8 câu, mỗi câu 5 chữ. Ví dụ như bài “Sơn cư thu mính” của Vương Duy; Và Thất ngôn luật thi (cũng gọi Thất luật): mỗi bài 8 câu, mỗi câu 7 chữ. Ví dụ như: “Văn quan quân thu Hà Nam, Hà Bắc” của Đỗ Phủ. Trong Luật thi, lại có một loại là Ngũ ngôn trường luật, cũng gọi Ngũ ngôn bài luật: mỗi câu 5 chữ, giữ theo thể thức (đối ngẫu) như thơ luật, nhưng số câu dài hơn 8 câu, thường thường là 12 câu, cũng có bài dài hơn. (thể loại này, chủ yếu là ngũ ngôn, rất ít có thất ngôn) Ví dụ bài: “Học chư tiến sĩ tác Tinh Vệ hàm thạch điền hải” của Hàn Dũ có 12 câu.

Tuyệt cú cũng chia làm 2 loại: Ngũ ngôn tuyệt cú (cũng gọi Ngũ tuyệt): mỗi bài 4 câu, mỗi câu 5 chữ. Ví dụ bài “Đăng Quán Tước lâu” của Vương Chi Hoán; và Thất ngôn tuyệt cú (thất tuyệt): mỗi bài 4 câu, mỗi câu 7 chữ. Ví dụ bài “Dạ vũ ký bắc” của Lý Thương Ẩn.

Tuyệt cú xuất hiện sớm hơn so với luật thi, nhưng trước thời Đường thì phương diện dùng vần và bằng trắc của thơ tuyệt cú còn chưa có quy định, không được chuẩn tắc. Vì vậy, người sau này mới gọi những bài tuyệt cú làm tương đối tự do, không có quy định gì là Cổ tuyệt, mà gọi những bài tuyệt cú làm chuẩn tắc theo quy định là Luật tuyệt. Nhưng trong Cổ tuyệt cũng có không ít những câu có thể dùng thông vào Luật tuyệt, vì vậy ranh giới giữa hai thể loại này không thực sự rõ ràng, thường chỉ gọi chung là Tuyệt cú. 

1.       Bằng trắc và niêm luật:

a.      Bằng trắc:

Thanh điệu ngôn ngữ xưa chia ra thành 4 loại: Bình, Thượng, Khứ, Nhập. Trong 4 thanh, thì Bình thuộc về thanh Bằng- âm thanh nhu hòa, kéo dài, bằng phẳng ít lên xuống giọng. Còn lại 3 thanh: Thượng, Khứ, Nhập đều thuộc thanh Trắc – ý nói không bằng phẳng, lên xuống nhiều, ít kéo dài thậm chí không có. Thơ Luật căn cứ theo quy tắc nhất định để sắp đặt bằng trắc, sao cho thanh bằng thanh trắc được điều tiết, hình thành nên sự biến hóa cao thấp trong thanh điệu và sự hài hòa của ngôn ngữ.

Theo cách phân chia dấu thanh hiện đại của tiếng Việt, chúng ta có các thanh: huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã, và không dấu. Nếu chia ra bằng trắc, thì các từ có dấu huyền, hoặc không dấu thuộc về thanh bằng; còn lại: sắc, nặng, hỏi, ngã đều thuộc thanh trắc. Nếu chia kỹ hơn nữa, ta còn có thể chia thanh điệu ra trầm phù, thanh trọc hay âm dương. Tuy nhiên việc này trong Đường thi không quá quan trọng, nhưng đối với thể loại khác (ví dụ Tống từ) thì rất quan trọng. (Ví dụ âm bình: không dấu; dương bình: dấu huyền).

Tham khảo cách phân chia thanh điệu và dấu thanh hiện đại:

 

Bình

Thượng

Khứ

Nhập

Phù, Thanh. Thượng (âm)

Không dấu

Hỏi (?)

Sắc (/)

Sắc (/) (có p, t, ch ở cuối)

Trầm, Trọc, Hạ (dương)

Huyền (\)

Ngã (~)

Nặng (.)

Nặng (.) (có p, t, ch ở cuối)

 

b.      Niêm luật:

Như trên đã nói, những bài thơ làm theo cách thức mới được sáng tạo từ đời Đường – gọi là thơ Đường luật. Sở dĩ gọi như vậy, là vì, thể thơ mới này có quy định chặt chẽ về số câu, số chữ, bằng trắc và đối tỉ. Cụ thể:

1.       Số câu, số chữ cố định: 8 câu, 7 chữ; hoặc 8 câu 5 chữ.

2.       Áp vận nghiêm ngặt (toàn bài 1 vần), vần bắt buộc là vần bằng, và phải áp ở các câu chẵn. Và có thể theo hoặc không ở câu đầu (câu đầu theo vần là chính cách).

3.       Bằng trắc của các chữ trong câu được quy định chặt chẽ. Cụ thể các chữ ở vị trí chẵn trong mỗi câu (tức vị trí thứ 2,4,6) phải luân phiên mang  các thanh bằng – trắc – bằng; hoặc ngược lại.

4.       Yêu cầu đối ngẫu ở 2 cặp câu giữa bài.

Cụ thể rõ hơn về luật bằng trắc trong một bài thơ Đường luật là: 

-          Các chữ thứ 2,4,6 trong mỗi câu luân phiên nhau bằng trắc. Tức là: nếu chữ thứ 2 là thành bằng, thì chữ thứ 4 sẽ thanh trắc, và chữ thứ 6 lại thành bằng. Hoặc ngược lại.

-          Các câu 1-2, 3-4, 5-6, 7-8 bằng trắc ở các chữ vị trí chẵn nói trên phải đối thanh với nhau. Tức là: nếu câu 1 có các chữ thứ 2,4,6 mang thanh bằng trắc lần lượt là: bằng-trắc-bằng; thì câu thứ 2, các chữ 2,4,6 sẽ mang thanh bằng trắc lần lượt là: trắc-bằng-trắc. Hoặc ngược lại. Với các cặp câu còn lại cũng như vậy.

-          Bằng trắc của các chữ vị trí chẵn (2,4,6) ở các câu: 2 và 3; 4 và 5, 6 và 7; và cuối cùng là 8 và 1, phải cùng thanh bằng hoặc trắc. Tức là, nếu các chữ vị trí chẵn của câu 1 là: bằng - trắc - bằng, thì như trên nói, các chữ vị trí chẵn của câu 2 sẽ phải là: trắc - bằng - trắc. Và các chữ vị trí ấy của câu thứ 3 cũng phải là: trắc - bằng – trắc, giống như câu 2. Đây chính là khái niệm “Niêm” mà chúng ta vẫn thường nghe. 

Từ 3 quy định trên, ta sẽ phải xác định bằng trắc của các chữ vị trí chẵn ở các câu tiếp theo cho tới hết bài sao cho đảm bảo đúng luật và niêm.

Quy định bằng trắc của luật thi chủ yếu là với các chữ số chẵn, tức các chữ thứ 2, 4 trong câu đối với thơ ngũ ngôn, và các chữ thứ 2, 4, 6 trong câu đối với thơ thất ngôn. Vì vậy người ta có câu khẩu quyết: “Nhất tam ngũ bất luận; Nhị tứ lục phân minh.”

Đối với thơ Ngũ luật, thì quy định về niêm luật vẫn áp dụng tương tự như thơ thất luật, với các chữ vị trí chẵn tức các chữ thứ 2, 4 trong câu. Và niêm thì cũng tương tự,

Đối với thơ Tuyệt luật, thất ngôn hay ngũ ngôn cũng tương tự như vậy. Chỉ là rút xuống còn 4 câu mà thôi.

Chính vì vậy người ta thường coi, thơ ngũ luật chỉ là thơ thất luật mà giảm bớt đi 2 chữ. Và thơ tuyệt luật cũng là thơ luật mà giảm bớt đi 4 câu vậy.

2.       Vần trong thơ Đường:

Áp vận trong thi từ thơ ca có tác dụng giúp bài thơ có âm điệu hài hòa, giàu nhạc cảm. Mỗi thể loại thơ ca có một quy định về vần (hay áp vận) khác nhau, từ vị trí cho đến sự biến hóa thay đổi. (ví dụ: thơ lục bát, song thất lục bát, hát nói … Từ, thơ..) Chữ có vần (áp vận) được gọi là “vận cước” (韵脚).

Quy định về vần trong thơ cận thể có mấy điểm cần lưu ý như sau:

1.       Các câu áp vận là những câu chẵn cụ thể là các câu: 2,4,6,8. Câu đàu có thể theo vần hoặc không. Ví dụ “Đăng quán tước lâu” của Vương Chỉ Hoán câu đầu không áp vận. “Dạ vũ ký bắc” của Lý Thương Ẩn thì có.

2.       Chữ áp vận bắt buộc phải là thanh bằng, còn chữ cuối những câu không áp vận bắt buộc phải là thanh trắc. (những bài thơ có vần trắc đương nhiên được xếp vào thơ cổ thể)

3.       Bài thơ theo vần nào thì phải theo 1 vần đó cho đến hết bài, không thể đổi vận (trừ câu có thể dùng bàng vận thì các câu khác đều không) (Thơ cổ thể có thể đổi nhiều vần khác nhau, thậm chí chấp nhận 1 vài câu lạc vận)

Đối với  Thơ cổ thể, việc áp vận lại là:

1.       Không cần phải chỉ dùng 1 vần, có thể đổi vần (ví dụ bài “Bạch tuyết ca tống Vũ phán quan quy kinh” của Sầm Tham

2.       Do việc đổi vận, nên không chỉ câu chẵn mới theo vần, mà đôi khi câu lẻ cũng theo vần

3.       Có thể dùng vần trắc.

Tuy nhiên do sự ảnh hưởng của thơ luật, nên trong thơ cổ thể cũng có một số tác phẩm áp vận gần như theo cách thức của thơ luật, có quy tắc nhất định (như bài “Thùy lão biệt” của Đỗ Phủ chẳng hạn.

Việc chia vần để làm thơ thường rất chặt chẽ, vì vậy từ xưa người ta đã có những sách “Vận thư” chuyên biệt về vần để người học làm thơ vận dụng theo, trông đó chia ra những từ thuộc chính vận và bàng vận mà đôi khi chính người xưa còn khó phân biệt một cách rạch ròi được. Hiện nay, các bạn làm thơ, có thể tham khảo thêm từ bộ “Bình Thủy vận”.

 

3.       Đối trong thơ Đường:

Đối (sách Trung Quốc gọi là “đối trượng”) là quy tắc bắt buộc phải tuân thủ trong thơ Đường luật. Thơ Đường  luật, ngũ ngôn, hay thất ngôn đều gồm 8 câu, trong đó 2 câu làm thành 1 cặp (liễn), câu trước gọi là “xuất cú”, câu sau gọi là “đối cú”. danh xưng của từng cặp như sau:

Cặp 2 câu 1 và 2 gọi là: “Thủ liễn” (ta gọi là Đề/khai, khởi)

Cặp 2 câu: 3 và 4 gọi là “Hàm liễn” (ta gọi là Thực/thừa)

Cặp  câu 5, 6 gọi là: “Cảnh liễn” (ta gọi là Luận/chuyển)

Cặp  câu 7, 8 gọi là “Vĩ liễn” (ta gọi là Kết/hợp)

Trong đó 2 cặp giữa yêu cầu là  cặp câu đối nhau.

Vậy đối phải thế nào? Có thể các bạn cũng đã hiểu, nhưng tôi xin nói thêm cho rõ, đối ở đây cần đảm bảo mấy ý là:

 

Một là: từ tính đối nhau. Danh từ đối danh từ, động từ đối động từ …

Hai là: Loại hình kết cấu của từng cụm từ đối nhau. Ví dụ, kết cấu chủ vị, phải dùng kết cấu chủ vị đối lại; kết cấu động tân phải dùng kết cấu động tân đối lại…

Ba là: Nội dung ý nghĩa đối nhau, tên riêng đối nhau, thậm chí hình thức, từ ngữ trong 1 tên riêng cũng phải đối nhau…

Bốn là: Bằng trắc đối nhau.

Tuy nhiên cũng có những bài thơ không theo luật bằng trắc, nhưng được cho là giai tác, nên đặt cho danh xưng là “biến thể thi” mà xếp vào Luật thi, như “Hoàng Hạc lâu” của Thôi Hiệu chẳng hạn: 4 chữ cuối cặp 2 câu 3,4 không hề đối nhau.

 

(Minh họa bài thơ "Thiếu niên hành"của
Vương Duy trong "Đường Thi Họa Phổ")

4.       Mô thức tiêu biểu của thơ Đường Luật:

 

Từ luật bằng trắc ở trên, chúng ta có thể thấy, trong mỗi câu thơ Đường, nếu xét các chữ ở vị trí chẵn thì có hai mô típ kết cấu câu là: bằng – trắc – bằng; hoặc: trắc – bằng – trắc. Những câu khởi chữ thứ 2 là vần bằng, người ta gọi là câu “bằng khởi”, còn những câu khởi chữ thứ 2 là vần trắc, người ta gọi là “trắc khởi”.

Nếu chữ cuối cùng trong câu (tức chữ thứ 7) là vần bằng, thì người ta gọi là “bằng thu”, còn nếu chữ ấy là vần trắc thì người ta gọi là “trắc thu”.

Bây giờ, kết hợp giữa khởi và thu, ta sẽ có 4 kiểu câu bằng trắc tiêu biểu  của thơ Đường luật, đó là:

 

a.       (*)B (*)T (T)BB (bằng khởi, bằng thu)

b.      (*)B (*)T (*)BT (bằng khởi, trắc thu)

c.       (*)T (B)B (*)TB (trắc khởi, bằng thu)

d.      (*)T (B)B (B) TT (trắc khởi, trắc thu)

(Vị trí (*) tức các chữ vị trí nhất tam ngũ bất luận)

Từ 4 câu tiêu chuẩn ấy, kết hợp cùng quy định về đối thanh, ta sẽ có 4 mô thức của một bài thơ luật Đường.

Chúng ta thử xem xét mô thức của thơ thất ngôn luật:

a.       (*)B (*)T (T)BB ;  - Câu mở đầu: bằng khởi bằng thu

(*)T (B)B (*)TB.

(*)T (B)B (B) TT;

(*)B (*)T (T)BB.

(*)B (*)T (*)BT;

(*)T (B)B (*)TB.

(*)T (B)B (B) TT; 

(*)B (*)T (T)BB

Ví dụ bài thơ “Tiền Đường hồ xuân hành” 錢塘湖春行của Bạch Cư Dị:

 

孤山寺北賈亭西,

水面初平雲腳低。

幾處早鶯爭暖樹,

誰家新燕啄春泥。

亂花漸欲迷人眼,

淺草才能沒馬蹄。

最愛湖東行不足,

綠楊蔭裏白沙堤。

 

Cô Sơn tự bắc, Giả đình tê (tây);

Thủy diện sơ bình vân cước đê.

Kỷ xứ tảo oanh tranh noãn thụ;

Thùy gia tân yến trác xuân nê.

Loạn hoa tiệm dục mê nhân nhãn;

Thiển thảo tài năng một mã đề.

Tối ái hồ đông hành bất túc;

Lục dương âm lý bạch sa đê.

 

b.      (*)T (B)B (*)TB ;  - Câu mở đầu: trắc khởi bằng thu

(*)B (*)T (T)BB.

(*)B (*)T (*)BT;

(*)T (B)B (*)TB.

(*)T (B)B (B) TT;

(*)B (*)T (T)BB.

(*)B (*)T (*)BT; 

(*)T (B)B (*)TB.

Ví dụ bài thơ”Vô đề” 無題của Lý Thương Ẩn:

 

相見時難別亦難,

東風無力百花殘。

春蠶到死絲方盡,

蠟炬成灰淚始乾。

曉鏡但愁雲鬢改,

夜吟應覺月光寒。

蓬萊此去無多路,

青鳥殷勤為探看。

 

Tương kiến thời nan, biệt diệc nan;

Đông phong vô lực bách hoa tàn.

Xuân tàm đáo tử ti phương tận;

Lạp cự thành hôi lệ thủy can.

Hiểu kính đãn sầu vân mấn cải;

Dạ ngâm ưng giác nguyệt quang hàn.

Bồng Lai thử khứ vô đa lộ;

Thanh điểu ân cần vị thám khan.

 

c.       (*)B (*)T (*)BT;  - Câu mở đầu: bằng khởi trắc thu

(*)T (B)B (*)TB.

(*)T (B)B (B) TT;

(*)B (*)T (T)BB.

(*)B (*)T (*)BT;

(*)T (B)B (*)TB.

(*)T (B)B (B) TT;

(*)B (*)T (T)BB.

Ví dụ bài thơ ”Thù Lạc Thiên Dương Châu sơ phùng tịch thượng kiến tặng” 酬樂天揚州初逢席上見贈của Lưu Vũ Tích:

 

巴山楚水淒涼地,

二十三年棄置身。

懷舊空吟聞笛賦,

到鄉翻似爛柯人。

沉舟側畔千帆過,

病樹前頭萬木春。

今日聽君歌一曲,

暫憑杯酒長精神。

 

Ba sơn Sở thủy thê lương địa;

Nhị thập tam niên khí trí thân.

Hoài cựu không ngâm văn địch phú;

Đáo hương phiên tự lạn kha nhân.

Trầm chu trắc bạn thiên phàm quá;

Bệnh thụ tiền đầu vạn mộc xuân.

Kim nhật thinh quân ca nhất khúc;

Tạm bằng bôi tửu trưởng tinh thần.

 

d.      (*)T (B)B (B) TT;  - Câu mở đầu: trắc khởi trắc thu

(*)B (*)T (T)BB.

(*)B (*)T (*)BT;

(*)T (B)B (*)TB.

(*)T (B)B (B) TT;

(*)B (*)T (T)BB.

(*)B (*)T (*)BT; 

(*)T (B)B (*)TB.

Ví dụ bài thơ ”Văn quan quân thu Hà Nam, Hà Bắc” 聞官軍收河南河北của Đỗ Phủ:

 

劍外忽傳收薊北,

初聞涕淚滿衣裳。

卻看妻子愁何在,

漫捲詩書喜欲狂。

白日放歌須縱酒,

青春作伴好還鄉。

即從巴峽穿巫峽,

便下襄陽向洛陽。

 

Kiếm ngoại hốt truyền thu Kế Bắc;

Sơ văn thế lệ mãn y thường.

Khước khan thê tử sầu hà tại;

Mạn quyển thi thư hỉ dục cuồng.

Bạch nhật phóng ca tu túng tửu;

Thanh xuân tác bạn hảo hoàn hương.

Tức tòng Ba Hiệp xuyên Vu Hiệp;

Tiện há Tương Dương hướng Lạc Dương.

 

Từ 4 mô típ này của thơ thất luật, ta có thể dễ dàng tìm thấy 4 mô típ tương tự ở các thể loại thơ ngũ luật, ngũ tuyệt, thất tuyệt. Các bạn có thể tự mình lập lấy các mô thức ấy, và tìm các ví dụ đối chiếu.

 

5.       Thi bệnh – Hay một số vấn đề cần tránh trong sáng tác thơ Đường luật:

Bát bệnh trong thơ xưa mà Thẩm Ước từng đặt ra với thơ ngũ ngôn  là: Bình đầu, Thượng vĩ, Phong yêu, Hạc tất, Đại vận, Tiểu vận, Bàng nữu, Chính nữu, tôi xin không bàn kỹ ở đây. Riêng với việc làm thơ Đường luật, chúng ta nên lưu ý một số lỗi nên tránh như sau:

Lỗi về vần: tránh: xuất vận (lạc vận) – có vần nằm ngoài vận bộ; trùng vận – lặp lại vần; tấu vận – vì gượng theo vần mà dùng chữ không hợp lỹ. Ví dụ bài “Thứ vận đại cửu biệt” (次韻代久別) của Tô Thức: 絳蠟燒殘玉斝飛,離歌唱徹萬行啼。他年一舸鴟夷去,應記儂家舊姓西。(Giáng lạp thiêu tàn, ngọc giả phi; Li ca xướng triệt vạn hàng đề. Tha niên nhất khả Si Di khứ; Ung ký nùng gia cựu tính Tê (Tây)) Bị cho rằng, chữ “Tây” (Tê)  là “tấu vận”. Vì Tây Thi vốn họ Thi, không phải “Tây”. …

Lỗi cô bằng: các học giả như Vương Sĩ Trinh, Triệu Chấp Tín, Lý Nhữ Tương … đời Thanh trong “Luật thi định thể” có nói về lỗi này đại khái trong câu thơ ngoài chữ cuối theo vần, nếu chỉ có một chữ vần bằng thì phạm lỗi “cô bằng”. Ví dụ câu thuộc mô típ: TTBBTTB, thì chữ thứ 3 dẫu là bất luận, nhưng trường hợp này không thể đồi thành thah trắc được. Đó cũng là lỗi “khổ độc” Đối với thơ ngũ ngôn thì câu “BBTTB” chữ thứ nhất cũng không thể là thanh trắc. Trong một phạm vi nào đó, lỗi “khổ độc” mà chúng ta hay nói tức là: nếu chữ thứ 4 là thanh bằng, thì chữ thứ 3 bắc buộc phải giữ thanh bằng, không thể là thanh trắc (trong khi, nếu nó là thanh trắc, thì chữ thứ 3 có thể thanh bằng), chính là lỗi “cô bằng” này.

Lỗi “tam liên bằng”/tam liên trắc: 3 chữ cuối câu cùng vần bằng. Như vậy câu có mô thức “BBTTTBB” chữ thứ năm trắc, tuy là nhất tam ngũ, nhưng cũng không thể đổi sang thanh bằng được. Hay tương tự là câu: TTBBBTT cũng vậy. (Chính vì thế, mà ở 4 mô típ câu trên đây, tôi đã đóng mở ngoặc những thanh ở vị trí bất luận, nhưng không thể đổi thanh.)

Lỗi “Hợp chưởng”: trong các cặp liễn có những từ hay cụm từ gần nghĩa, đồng nghĩa đối nhau. Ví dụ câu: “Mộ thiền bất khả thính; Lạc diệp khải kham văn” của Lang Sĩ Nguyên (chữ Thính, chữ Văn cùng nghĩa là Nghe) …

Lỗi “Tứ bình đầu”: liên tục 4 lần dùng cụm từ, kết cấu từ ngữ tính chất giống nhau ở đầu câu.

Lỗi trùng tự, điệp tự …

 

6.       Một số hình thức đặc thù trong sáng tác thơ Đường:

Trong tiêu đề nhiều bài thơ chúng ta hay thấy nhắc đến các từ như: “họa”, “thứ vận”, bộ vận, phân vận …  hay “liên cú”, “tục cú”. Đó là nói về một số hình thức sáng tác mà tác giả dùng trong bài thơ đó. Cụ thể:

 

-          Họa vần (Phân biệt: thứ vận, bộ vận, y vận, dụng vận): Họa thơ hiện nay hiểu là họa ần, nhưng vốn họa thơ chỉ là làm một bài thơ họa theo ý hoặc đáp lại bài thơ của ai đó mà không nhất thiết theo vần. Nếu họa theo nguyên thứ  tự vần của bài thơ gốc, thì người ta nói là thứ vận hay bộ vận. Nếu chỉ dùng những chữ vần của bài thơ gốc nhưng không lần lượt theo thứ tự thì gọi là “dụng vận”.  Nếu chỉ theo vận bộ (mục vần) của vần bài gốc, nhưng dùng các chữ khác, thì gọi là “y vận”

-          Định vận, phân vận: dùng những chữ nhất định nào đó lấy vần làm thơ gọi là định vận. Thường là dùng câu thơ của tiền nhân, lấy từng chữ theo  vần làm thơ. Nếu dùng câu nào đó, rồi chia ra cho nhiều người, mỗi người một vài chữ để làm thơ thì gọi là “phân vận” (chia vần).

-          Tục cú: từ một câu của ai đó viết hoàn thiện thành một bài thơ.

-          Liên cú: nhiều người, lần lượt mỗi người viết 1 câu thơ, hay  câu thơ.

Ngoài ra, thơ Đường cũng có một số hình thức mang tính chất đặc biệt như: hồi văn, thuận nghịch độc, … đối với thơ Đường của người Việt lại có hình thức đọc xuôi Hán ngược Nôm (ví dụ bài thơ của Phạm Thái, hay thủ vĩ ngâm, vĩ tam thanh …. Thể loại thơ “yết hậu” cũng có cả Hán và Nôm, nhưng nếu xếp loại, có lẽ nó thuộc về thể loại Tạp ngôn - “cổ thi” chứ không phải luật thi. Những hình thức này chỉ là một số ít mang tính chất ‘du hý” nhiều hơn thi ca một cách đích thực. Chúng ta đọc thêm để biết, nhưng nên hiểu đúng rằng, bản chất thi ca nằm trong ý tứ và ngôn từ  mà một bài thơ bắt buộc phải có, đó là: Lập ý và Hành văn, chứ không phải ở những kiểu cách cầu kỳ và khác lạ đó.

Châu Hải Đường (T.H)

[1] Đại Lịch thập tài tử: theo “Tân Đường thư” và “Cực huyền tập” của Diêu Hợp thì 10 người ấy là: Lý Đoan, Lư Luân, Cát Trung Phu, Hàn Hoành, Tiền Khởi, Tư Không Thự, Miêu Phát, Thôi Động, Cảnh Vĩ, Hạ Hầu Thẩm. Từ đời Tống về sau, thuyết này có một số cách nói khác. Một số người như: Lưu Trường Khanh, Lý Ích, Lang Sĩ Nguyên, Hoàng Phủ Tăng, Hoàng Phủ Nhiễm … cũng được xếp vào “Thập tài tử”.