Thứ Tư, 27 tháng 10, 2021

ĐÔI ĐIỀU VỀ TRUYỆN CỰC NGẮN - Uông Tăng Kỳ


Truyện cực ngắn (hay Truyện ngắn mini) vốn vẫn có từ xưa. Nước ngoài cũng có. Nhưng ở Trung Quốc mấy năm gần đây truyện cực ngắn đặc biệt phổ biến, diện độc giả cũng rất rộng, vì vậy truyện cực ngắn lại trở thành một hiện tượng mới đáng chú ý, và truyện cực ngắn trên thực tế cũng hình thành một khái niệm mới. Truyện cực ngắn là gì? Khái niệm này bao gồm những nội dung gì? Tìm hiểu một chút về vấn đề này sẽ giúp ích cho sự phát triển trong sáng tác truyện cực ngắn.

Truyện cực ngắn thịnh hành, không chỉ là vì tiết tấu khẩn trương của cuộc sống hiện nay, khiến cuộc sống trở nên gấp gáp, thiếu thời gian rảnh rỗi. Nếu đúng như thế thì những tiểu thuyết dài ắt hẳn sẽ không có ai đọc nữa. Nguyên nhân quan trọng hơn chính là yêu cầu của độc giả đối với hình thức của tiểu thuyết ngày càng nhiều hơn. Họ đòi hỏi có những sản phẩm mới, hình thức mới, hương vị mới. Thừa nhận điểm này, thì truyện cực ngắn mới có thể thực sự chiếm được một chỗ ngồi trong bàn tiệc văn học, tác giả của truyện cực ngắn mới có thể có những tìm kiếm đặc biệt riêng có của mình.

(Nhà văn Uông Tăng Kỳ)

Truyện cực ngắn không phải chỉ là một câu chuyện ngắn. “Ngắn” không phải là đặc trưng bên ngoài duy nhất của nó. Truyện cực ngắn vẫn có thể được coi là một nhánh của truyện ngắn, nhưng nó lại đứng bên lề của truyện ngắn. Truyện cực ngắn nên có đầy đủ những tính chất bình thường của truyện ngắn. Truyện cực ngắn và truyện ngắn xét về bản chất vừa tương cận lại vừa có những khác biệt. Nói một cách đại thể: trong truyện ngắn có nhiều thành phần tản văn hơn, còn trong truyện cực ngắn thì nên có nhiều thành phần thơ hơn. Truyện cực ngắn là một sản phẩm kết hợp hòa trộn giữa truyện ngắn và thơ. Nó không có sự hoành tráng của thơ tự sự, cũng không có tính âm nhạc mạnh mẽ như thơ trữ tình. Có thể nói, nó là một sản phẩm được viết bằng tản văn, mờ ảo hơn so với thơ tự sự, và có tính tình tiết hơn thơ trữ tình. Nó lại không phải là thơ tản văn, bởi vì rốt cuộc nó vẫn là một truyện ngắn. Truyện cực ngắn có “bốn cái không giống” ấy, vì vậy nó mới có ý nghĩa, mới “hay ho”, mới khiến người ta thích thú.    

Truyện cực ngắn thì phải “ngắn”. Ngắn thì là ngắn thôi: từ ngoài vào trong đều ngắn. “Trong nhỏ thấy lớn” là câu cửa miệng của những nhà bình luận, nhưng những ai có một chút kinh nghiệm sáng tác truyện cực ngắn thì đều biết, trên thực tế điều đó không thể làm nổi. Ai cũng không thể thực sự từ một giọt nước mà nhìn ra biển lớn được. Hình thế lớn, vấn đề lớn, đề tài lớn đều là những cái mà truyện cực ngắn không thể dung nạp được. Yêu cầu truyện cực ngắn phải có cảm súc lịch sử to lớn dày nặng, khái quát cả một thời đại, thì không khác nào ép một con lừa đi kéo một đoàn tàu hỏa cả. Điều mà tác giả truyện cực ngắn phát hiện, suy nghĩ, thể hiện chỉ có thể là một phiến đoạn, một mảnh ghép nho nhỏ trong cuộc sống. Mảnh ghép ấy người khác chưa từng thể hiện qua, chưa từng suy nghĩ đến, chưa từng phát hiện ra. Quan trọng nhất là phát hiện. Phát hiện tất nhiên là đi cùng với suy nghĩ, cùng với đó cũng sẽ khá dễ dàng tìm thấy một hình thức biểu hiện thích hợp một cách tự nhiên. Văn học vốn đều là sự phát hiện. Nhưng, tác giả truyện cực ngắn càng cần phải có “mắt nhìn” hơn, bởi những điều thu hút sự chú ý của tác giả truyện cực ngắn thường là những chuyện nhỏ mà người bình thường dễ dàng bỏ qua. Chuyện nhỏ ấy phải là nguyên liệu tự nhiên cho một truyện cực ngắn. Một nguyên liệu như vậy, không phải cứ cúi xuống nhặt mà được, tiện tay vơ là có thể vơ được. Có được nguyên liệu cho một truyện cực ngắn thường là việc mang tính ngẫu nhiên, thiên duyên kỳ ngộ, chẳng hẹn mà gặp. Hơn nữa, thường thường phải lưu giữ một thời gian, tác giả mới có thể hiểu ra được ý nghĩa của chuyện nhỏ ấy một cách đại khái. Viết truyện cực ngắn quả thực cần phải có một chút “thiền cơ”.

Truyện cực ngắn không có nhiều khả năng có tư tưởng gì quá sâu sắc, và cũng không nên có tư tưởng sâu sắc gì. Truyện cực ngắn có thể có một chút triết lý, nhưng không thể tiến hành một tư biện triết học nghiêm túc gì trong đó (truyện vừa, và trường thiên tiểu thuyết thì có thể). Đặc điểm của truyện cực ngắn là tư tưởng sáng rõ. Nửa mẫu mặt hồ, một vụng nước khe, nông mà chẳng lộ. Truyện cực ngắn nên phải có tính mờ ảo ở một trình độ nhất định. Mờ ảo không phải là thủ pháp, mà chính là tư tưởng của tác giả vốn không phải là quá rõ ràng. Có một chút ý tứ như vậy, nhưng hoàn toàn không hề thấu triệt. “Trong đây có chân ý; Muốn nói đã quên lời” (Câu thơ của Đào Uyên Minh – N.D). Trên thế giới không có một ai thực sự hiểu rõ một cách triệt để và toàn diện về thế giới cả, mà họ chỉ có thể hiểu về phần thế giới mà họ cảm biết được. Hemingway nói, những tiểu thuyết gia thế kỷ 19 tự coi mình là thượng đế, họ cái gì cũng biết. Balzac thì cho là cái gì ông cũng biết, độc giả chỉ cần nghe ông nói. Vì vậy, độc giả liền trở thành một kẻ thật thà nghe thế nào thì biết như thế, còn bản thân ông ấy thì đã nói rất nhiều cái mà kỳ thực ông cũng không biết. Cái gọi là hàm súc, hoàn toàn không phải là tác giả biết rất nhiều điều, nhưng cố ý không nói nhiều, mà chỉ là anh ta không nói những điều mà mình còn chưa biết. Tác giả truyện cực ngắn phải thực sự thành khẩn thể hiện cho độc giả biết rằng: về câu chuyện nhỏ này, ý nghĩa của nó, đến nay tôi vẫn mới chỉ có thể nghĩ được đến mức độ này thôi. Một thiên truyện cực ngắn được viết ra, thì quá trình sáng tác vẫn còn chưa kết thúc. Tác giả vẫn còn có thể suy nghĩ tiếp, độc giả cũng sẵn lòng cùng tác giả tiếp tục suy nghĩ. Như vậy, độc giả mới có thể vừa có được khoái cảm thưởng thức, vừa có được khoái cảm của suy tưởng. Tìm tòi, là vẫn còn chưa đạt được. Tìm tòi là việc của tác giả, cũng là việc của độc giả. Truyện cực ngắn không cần nhiều nhiệt tình quá, thậm chí không cần nhiệt tình. Hô hào, hò hét, hoa tay múa chân, sẽ khiến độc giả chán ngấy. Tác giả truyện cực ngắn trước mảnh ghép cuộc sống mà anh ta phát hiện, tốt nhất hãy vượt lên trên một chút, giữ một thái độ khách quan, hết sức để không thể hiện lên tiếng bày tỏ riêng gì. Truyện cực ngắn luôn có thái độ của nó, nhưng phải hết sức thu gọn. Có thể thể hiện sự mến mộ đối với một người, nhưng không thể khoa trương thành một đóa hoa; Có thể châm biếm đối với một sự việc, nhưng không sâu cay. Điều mà một tác giả truyện cực ngắn cần là: thông minh, an tĩnh, thân thiết.

(Thư pháp Uông Tăng Kỳ)

Truyện cực ngắn là một dây hoa anh đào, là một cành bạch lan đượm sương, bản sắc thiên nhiên, đầy đặn hoàn mỹ. Truyện cực ngắn không phải là một cái bánh lương khô ép nhỏ, không phải rau sấy khô, không thể đem một truyện ngắn vắt khô hết nước đi, ép chặt lại trong khuôn khổ nhỏ nhoi, để biến thành một thiên truyện cực ngắn. Tất nhiên, cũng chẳng có ai đi làm một việc ngốc nghếch không ai nghĩ đến ấy. Truyện cực ngắn không thể viết một cách quá khô khan, quá bó chặt, quá chật hẹp. Càng trong một khuôn khổ có hạn, càng cần phải ung dung thoải mái. Truyện cực ngắn tự thành một kiểu, với kỹ năng riêng. Truyện cực ngắn giống như một bức tranh khổ nhỏ hình vuông, hình quạt, hay sách gấp. Cách vẽ bức tranh với khuôn khổ như thế, khác hẳn với cách vẽ một bức tranh lớn hay cuộn dài. Bố cục,  dùng mực, bố trí màu sắc cũng hoàn toàn khác nhau. Một bức tranh sơn thủy hoành tráng rất khó thu nhỏ lại vẽ vào một bức tranh nhỏ. Đời Tống từng có vẽ những khung cảnh lớn như tranh đua thuyền rồng – “Long chu cạnh độ đồ”, tranh núi non lầu gác – “Tiên sơn lâu các đồ” vào những chiếc quạt lụa, dụng bút tuy cực kỳ tinh tế kỹ thuật, nhưng nhất định phải để lại những khoảng trống lớn, chứ không thể vẽ chen chúc đầy kín vào đó được. Khoảng trống, là đặc điểm của truyện cực ngắn. Có thể nói, truyện cực ngắn là nghệ thuật của khoảng trống. Trung Quốc họa coi trọng việc cân đối giữa hình vẽ và khoảng trống. Bao Thế Thần (Nhà thư pháp đời Thanh – N.D) luận về thư pháp, lại cho rằng nên làm sao để “trên dưới tả hữu mỗi chữ đều có chữ”. Vì vậy, chú ý đến việc “để trống”, thì không gian của truyện cực ngắn sẽ vô cùng rộng rãi dư thừa. Cái gọi là “để trống”, nói một cách giản dị chính là viết ít. Truyện cực ngắn không phải là cắt bỏ bớt mà thành. Một câu truyện mà cắt bỏ quá tàn nhẫn thì có thể nhìn ra được ngay, thường nó sẽ không thuận, không hài hòa, không “tròn”. Nên ngay trong lúc viết khống chế ngòi bút của mình, mỗi khi viết một câu đều phải suy nghĩ xem: câu này có thể không cần viết hay không? Hết sức viết ít, để những gì viết ra đều là những cái cần phải viết, một câu là một câu. Những cái không viết ra cũng vẫn có mặt, có ở “trên dưới tả hữu” của mỗi một câu. Như thế mới có thể đạt đến việc mỗi câu có dư vị, mỗi truyện có dư ý.       

Những bức tranh nhỏ thì càng cần phải chú ý “bút mặc tình thú”. Còn truyện cực ngắn thì cần phải chọn lựa ngôn ngữ. Người xưa luận về thơ rằng: “Thơ thất ngôn tuyệt cú như hai mươi tám hiền nhân, lẫn một kẻ đồ tể, hàng rượu vào là không thể được.” Viết truyện cực ngắn cũng nên như vậy. Truyện cực ngắn tốt nhất chớ để có khí vị của bình sách, của tấu hài, chớ nên dùng lối văn chương nhờn nhã, nửa sống nửa chín. Truyện cực ngắn nên có cảm xúc hóm hỉnh, nhưng không phải là văn chương bỡn cợt. Truyện cực ngắn không nên dùng những câu hiểm hóc kỳ quái, như người đời Tống nói là “lời khù khoằm”. Ngôn ngữ của truyện cực ngắn phải giản dị, bình đạm, nhưng có vận vị.

Dẫu không thể hoàn hảo, song lòng phải luôn hướng tới vậy.

Châu Hải Đường dịch

(Bài trên báo Văn Nghệ số 43, 23/10/2021)


Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2021

KẺ ĐÒI NỢ - (Tàn Tuyết)

 Cuối cùng tôi cũng tống được con mèo của mình ra khỏi nhà. Tôi nghĩ từ nay có thể bắt đầu cuộc sống mới rồi. Tôi ngồi trước bàn nhắm mắt suy tư, muốn sắp xếp lại một chút những suy nghĩ đang rối như tơ vò trong đầu mình. Nhưng tôi đã tính toán nhầm, nó đã quay về rồi và đang không ngừng cất lên những tiếng kêu gào đáng sợ. Tiếng kêu ấy chẳng những không có một chút ý vị cầu xin gì, mà ngược lại đầy oán hờn, thù hận đến mức uy hiếp. Nó còn lấy móng cào, dùng răng gặm vào cánh cửa nhà của tôi. Hết cắn một hồi, nó lại kêu gào một hồi, khiến tôi chợt không lạnh mà run, nghĩ bụng: nếu như tôi để cho nó vào nhà, không chừng nó sẽ thừa lúc tôi không đề phòng mà cắn chết tôi mất.

Đó là một ngày đông lạnh giá, khi tôi nhìn thấy con mèo trong rãnh nước thải trước cửa nhà: một con mèo nhỏ bé, bộ lông màu nâu vàng trên có hai đám trắng, trong mắt ngân ngấn lệ, toàn thân run lên bần bật. Nó còn nhỏ như vậy, có lẽ cũng không hiểu vì sao mẹ nó lại bỏ rơi nó, không hiểu vì sao thế giới này không có chỗ cho nó dung thân, nhưng cũng rất có thể là nó đã làm ra bộ dạng đáng thương ấy để tôi phải thu nhận cho nó ở lại. Khi ấy, tôi cảm thấy có một sự xúc động khó nói nên lời, tựa như muốn thực hiện một điều mới lạ, lại tựa như muốn chống lại những quy tắc sống trước nay của mình. Tôi đã giữ nó ở lại, bế nó vào nhà để xuống bên lò sưởi, lấy sữa, bánh quy và súp cá cho nó ăn. Nó ăn rất nhanh, với một điệu bộ bặm trợn hùng hổ, ăn xong lại còn đạp chân đổ cả bát và đĩa, sau đó đi một vòng khắp quanh nhà, rồi chạy lại ôm chặt lấy chân tôi tiếp tục đòi ăn. Tôi cho nó ăn một miếng thịt, nó ăn hết lại đòi tiếp, như vậy lặp đi lặp lại bốn năm lần, bụng nó đã căng tròn như cái trống rồi mới thôi. Khi ấy tôi muốn giỡn chơi với nó một chút, nên lại vê một nắm giấy, lấy dây treo lên, nhử nhử qua lại trước mặt nó, có ý muốn làm thân với nó. Nhưng nó lạnh lùng đưa mắt nhìn tôi một cái, rồi uể oải đi ra chỗ khác, nhảy vào trong chiếc thùng gỗ đựng giấy loại không ra nữa, một lát sau thì nó ngủ. 

Thời gian trôi đi, ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác, ngày nào tôi cũng cho nó ăn những thức ăn ngon, kiên trì lấy lòng nó không biết mệt mỏi. Kết quả của việc ấy là nó mỗi ngày một thêm to béo, bộ lông cũng ngày càng bóng mượt, lượng thức ăn cũng mỗi ngày một nhiều hơn. Nhưng đối với tôi, nó vẫn không hề tỏ ra thân thiết gần gũi một chút nào cả, vẫn cứ làm theo như những gì nó vốn đã làm, đói thì kêu đòi ăn, lấy cho nó chậm một chút là nó liền ôm lấy chân tôi mà cắn, may mà nó cắn cũng không mạnh lắm, chỉ để lại hai dấu răng mà thôi. Bình thường nó chỉ thi thoảng dạo mấy bước trong phòng, mi mắt hơi cụp xuống, ngốc nghếch nặng nề, dáng vẻ lười nhác chẳng thèm quan tâm tới những gì xung quanh, tựa như đang ở nhờ trong nhà của người khác vậy, còn phần lớn thời gian thì nó ngủ lì ở trong chiếc thùng gỗ.

Một hôm, tự nhiên tôi cảm thấy có vẻ thời cơ đã chín muồi rồi, bèn nảy ra một ý tưởng khác thường, muốn cho nó ngủ trên giường của tôi, định dùng cách ấy khiến nó cảm động, để quan hệ giữa tôi và nó phát triển theo hướng thân thiết hơn. Lúc tôi bế nó lên giường, nó chẳng đồng tình chút nào, ra sức chống cự, cào rách cả tay tôi chảy máu đầm đìa, tôi vừa buông tay ra, nó liền nhanh như trộm lủi mất, trốn dưới gầm giường, hai mắt lóe ánh hàn quang, miệng phát ra những âm thanh đe dọa nghe không rõ ràng. Tôi tức giận điên tiết, lấy cái chổi lông gà định đuổi nó ra, nhưng nó bỗng trở nên hành động vô cùng mau lẹ, thoắt cái đã nhảy lên đầu cái tủ đứng, thoắt cái lại chui xuống dưới gầm bàn viết, rồi không chịu ra nữa. Tôi toát dã mồ hôi, trong bụng than thầm: Cuối cùng con súc sinh ấy cũng vẫn có chút cảm tình với căn nhà này. Nghĩ như vậy rồi thì cũng thấy bớt giận đi nhiều. Không ngờ đúng lúc ấy, thì nó đã nhảy lên trên vai, cào mạnh một nhát vào má tôi, làm thành hai vệt rách tứa máu, rồi lại trốn vào dưới gầm giường. Tôi giật mình kinh hãi, ngồi bệt xuống giường , như một quả bóng da bị xì hết hơi. Tôi nghĩ kỹ trước sau, tựa hồ hiểu ra điều gì, lại tựa hồ chẳng hiểu gì cả. Cuối cùng, tôi vứt cái chổi lông gà đi, vờ như đã quên hết những chuyện này.

Bề ngoài tôi không chú ý gì đến con mèo nữa, hàng ngày chỉ lặng lẽ làm công việc của mình. Tất nhiên, tôi vẫn lấy cho nó đồ ăn, và không can thiệp vào hành động của nó, song cũng không còn ảo tưởng gì với nó nữa. Trong lòng tôi xác định nó chỉ là một con mèo hoang bình thường, chỉ là chính tôi đã quá đa tình, muốn phức tạp hóa vấn đề lên. Nhưng thực là như vậy ư? Tôi chẳng phải đã nhận ra một điểm khác lạ nào đó của nó rồi ư? Ví dụ như, trước nay nó chưa từng ra khỏi nhà gặp gỡ một con mèo hoang nào khác cả, nó chỉ ở lì trong nhà, tỏ ra vô cùng cô đơn; Lại nữa, sức ăn của nó cũng rất đáng kinh ngạc, còn ăn nhiều hơn cả tôi.

Như thế ba ngày, con mèo bỗng nhiên nổi đóa lên vì sự lạnh nhạt của tôi, cũng vì tôi đã làm lơ nó. Điệu bộ của nó cho tôi thấy: nó quyết không chấp nhận kiểu làm lơ ấy của tôi, tôi sẽ phải đền bù tất cả. Nhân lúc tôi không có ở nhà, nó nhảy lên bàn viết của tôi, cào tan nát cả thư từ giấy tờ, rồi lại còn đái một bãi lên giường tôi nữa.

Vừa bước vào phòng đã ngửi thấy mùi khai, tôi tức điên lên, đến nỗi ngồi phịch xuống ghế bất động và cảm thấy buồn nôn. Nhưng tôi không nghĩ sẽ trừng phạt nó. Tôi biết làm thế là trúng kế của nó. Thử nghĩ coi, nếu như tôi đánh nó, nhất định nó sẽ kêu gào như hóa rồ, mà càng trả thù tôi hung ác hơn, nham hiểm hơn. Tôi cứ để mặc cho nó đái trên giường, làm loạn trên bàn viết, chỉ cần đem những giấy tờ quan trọng khóa kỹ lại. Thế là cả ngày tôi sống trong cảnh ngửi mùi khai nước đái mèo, hơn nữa còn đem theo cả mùi khai ấy đến văn phòng làm việc, may mà không có ai chú ý. Tôi nghĩ, thực ra con người ta cái gì cũng có thể quen được, nghĩ đã thông rồi thì có thể làm được chẳng khó khăn gì. Con mèo của tôi thấy việc phá hoại của nó chẳng có tác dụng gì, nên đã ngồi im lìm trong thùng gỗ. Đang khi tôi dương dương tự đắc với thành công của mình thì tai họa lại giáng xuống đầu.

Một tối, khi tôi vừa chợp mắt, liền bị một tiếng kêu kỳ quái đánh thức dậy. Tiếng kêu ấy không hề giống tiếng mèo kêu, mà nghe âm u tựa như tiếng ma quỷ đang gào khóc. Không còn nghi ngờ gì nữa, âm thanh ấy là ở trong phòng. Tôi bật đèn, nhỏm người dậy nhìn, thì thấy con mèo của tôi đang ngủ, thế là tôi bắt đầu run lên. Tôi cầm cái đèn pin soi dưới gầm giường hết bên trái lại bên phải rất lâu, lại soi lên trần nhà, soi bên trong tủ đứng, soi tủ bát, kiểm tra chốt cửa đại và cửa sổ, xem xét hết tất cả những nơi có thể cho một con thú hoang nào ẩn nấp, rồi mới thấp thỏm không yên lên giường tắt đèn. Tôi suy nghĩ mông lung, than dài thở ngắn, lăn bên nọ trở bên kia, khó khăn lắm cuối cùng mới chập chờn đi vào giấc ngủ. Nhưng đúng vào lúc tôi vừa thiu thiu ngủ, thì cái âm thanh ấy lại kêu lên. Đích xác là ở một chỗ nào đó trong phòng! Tôi lại vùng dậy bật đèn, chạy thẳng đến chỗ cái thùng gỗ mà con mèo của tôi đang ngủ. Tôi trông thấy nó đang ngủ say sưa, giơ cả bốn chân lên trời vẻ lười nhác. Có phải là nó đang giả vờ không? Nhớ lại hành vi của nó khi trước, tôi càng nghĩ càng cảm nhận rõ ràng chân tướng của nó, nhận ra loại động vật này không thể nuôi được, bèn đưa tay túm lấy nó, định ném ra ngoài cửa. Lúc tôi túm nó lên đi ra cửa, thì nó chợt cắn một miếng thật mạnh vào hổ khẩu[1] trên bàn tay tôi. Tôi kêu ối lên một tiếng, buông tay ra. Nó liền nhanh chóng chui ngay vào gầm giường.

Đêm ấy, vết thương trên tay tôi đau buốt đến tận tim. Trong cơn đau ấy, tôi lại tiến thêm một bước chứng thực rằng: chính là nó! Chính nó đã giả làm tiếng quỷ khóc để dọa tôi. Con súc sinh đáng chết, nếu như nó đã oán hận tôi, cơ hồ muốn đẩy tôi vào chỗ chết như thế, thì làm sao nó lại cứ đòi ở trong nhà không đi? Phải chăng nó muốn chiếm cứ căn nhà này, mà đuổi tôi đi? Không thể nào. Phải chăng nó rất hiểu cá tính của tôi, mà nảy sinh niềm hứng thú với tôi? Dường như cũng không phải. Tôi chỉ có thể nói, nó cứ ở lại đây, là vì ở đây có thể tránh được gió mưa lại có cơm ăn, là vì ở đây nó đã được nuôi ăn đến béo mượt. Nhưng tất cả những điều đó vẫn chưa đủ, nó còn muốn tôi phải từng giờ từng phút quan tâm nó, trọng vọng nó, chỉ cần hơi sơ nhãng là nó liền oán hận, liền tìm cơ hội trả thù. Ngoảnh đầu lại nghĩ, nếu như hồi đó tôi không thu nhận và giữ nó ở lại, thì chẳng phải sẽ không có những phiền phức này ư? Nhưng ai dám đảm bảo rằng cả đời mình không bao giờ có một lần phát tâm từ bi? Và, trong lúc phát tâm từ bi ai có thể dự liệu hết được những điều phiền phức từ đó về sau? Hơn nữa, lúc ấy tôi giữ nó lại thuần túy là xuất phát từ lòng từ bi ư? Có khi nào chính bản thân tôi trong tình hình cùng đường tận lối lúc ấy, đã có ý thức tìm kiếm một thứ để gửi gắm tinh thần không? Tóm lại, tôi hoàn toàn phải tự chịu hậu quả của chính mình.

Cắn tôi rồi, tối ấy nó bèn không kêu nữa. Nhưng vết thương thì sưng tím, tấy lên, không lâu thì tôi bị sốt cao, uống bao nhiêu thuốc cũng chẳng tác dụng, chỉ còn cách vào viện truyền nước, thiếu chút nữa thì biến chứng thành viêm thận cấp gì đó. Coi như tôi đã lĩnh giáo được sự lợi hại của nó! Lúc nằm trong phòng bệnh, tôi nghĩ: Bây giờ ở nhà không có ai, cũng không có gì ăn, nó không được ăn gì cũng chẳng thể trách tôi được, tất cả là do nó gây ra hết. Bây giờ tôi không cần đuổi, nó cũng chỉ còn cách tìm chỗ ở khác thôi, nếu không thì chỉ có chết đói. Không chừng bây giờ rủi lại hóa may, từ nay tôi có thể được yên lành rồi. Nghĩ được như thế rồi, bệnh tình của tôi tự nhiên cũng thuyên giảm đi rất nhiều. Tôi yên tâm nằm trong viện, mỗi một ngày qua lại thấy đó như là một sự trả thù đối với tội ác của nó. Mười ngày sau, cuối cùng tôi cũng được ra viện trở về nhà.



Tôi nhìn thấy con mèo trong căn buồng phủ đầy bụi của mình. Nó gầy đến không thể nhận ra, tập tễnh từ gầm giường chạy lại, không kêu một tiếng, chỉ lượn quanh chân tôi một vòng, rồi lại chui vào gầm giường. Tôi đưa mắt nhìn quanh phòng, tất cả vẫn y nguyên như cũ không hề suy suyển, chỉ có cửa tủ lạnh là mở ra. Tôi không biết nó đã cậy cửa tủ lạnh ra bằng cách nào. Nửa túi xúc xích trên góc tủ lạnh đã biến mất. Xem ra mấy ngày qua, nó đã sống được nhờ vào chút thức ăn đó. Nghĩ đến bộ dạng tham ăn của nó, nước mắt tôi chợt trào ra. Tôi gọi nó ra, lấy cái bánh bao mới mua cho nó ăn, vừa vuốt ve, tôi vừa cất tiếng an ủi cưng nựng nó. Nó ăn xong rồi lại nhảy vào trong thùng gỗ ngủ.

Trong lòng tôi tràn đầy ân hận. Là ân hận vì hành vi của tôi? Ân hận vì những ý nghĩ độc ác đã nảy ra khi tôi nằm viện? Hay là ân hận vì khi trước đã thu nhận và giữ nó lại? Tôi không biết nữa, cũng có thể tôi đã rơi vào cái bẫy mà chính tôi giăng ra rồi.

Tôi quyết tâm phải làm hòa với con mèo của mình. Tôi mua đồ ăn về, ngày nào cũng chăm chút cho nó ăn. Nó thích ăn cái gì thì tôi cho ăn cái ấy. Chưa đầy mười ngày, nó lại trở nên béo tốt đẫy đà, bộ lông trơn mượt, và dáng vẻ của nó lại bắt đầu lộ rõ vẻ nặng nề chậm chạp và tự phụ ấy. Nó chỉ thi thoảng mới đi ra một lúc, còn đại bộ phận thời gian đều giữ vẻ trầm mặc cao ngạo trong thùng gỗ.

Ngày nào tôi cũng ngồi bên cạnh cái thùng gỗ, đưa vết thương trên tay tôi ra cho nó nhìn, không ngừng nói chuyện, kể về dụng tâm gian khó của tôi với nó, về sự báo đáp của nó với tôi, cho tới ý nghĩ báo thù ngẫu nhĩ manh nha trỗi dậy của tôi, và cả muôn vàn ân tình cũng như mong mỏi của tôi với nó. Những điều ấy đều là những điều tôi chưa bao giờ có đối với con người. Vì sao vậy? Vì tôi đã mất hứng thú với con người, tôi cần một tri kỷ như nó, một tri kỷ không phải là đồng loại của mình, cùng nhau quấn quýt, làm bạn bên cạnh tôi trong cái thế giới như một cánh đồng hoang này. Tôi đã vì nó mà thay đổi cuộc sống của mình, trong khi trước nay chưa từng vì bất kỳ ai mà thay đổi bản thân cả. Vì tôi bản tính ương ngạnh, chẳng để ai vào mắt mình cả. Lại có ai giống như tôi, ngày nào cũng làm việc trong mùi khai của nước đái mèo không? Tôi nói ra những điều này, không phải vì muốn nó báo đáp tôi, tôi không cần báo đáp, chỉ là muốn nó và tôi đối xử hữu hảo với nhau, đừng nên nhìn tôi như kẻ thù thế, chỉ cần có một chút lòng thương cảm với tôi cũng được. Lùi thêm một bước nữa mà nói, nếu như nó không quen với việc có lòng thương cảm, thì cứ chung sống hòa bình với tôi cũng được, chỉ cần nó không làm khổ tôi như trước đây nữa. Trong thế giới này, tôi chỉ có một thân một mình, chẳng có gia đình cũng chẳng có họ hàng bè bạn. Mối duyên gắn bó ngẫu nhiên giữa tôi và nó tựa hồ đã trở thành tất cả cuộc sống của tôi. Có thể nghĩ được rằng, nếu như mối quan hệ này trở thành quan hệ đối địch vĩnh viễn, thì trái tim tôi sẽ băng giá thế nào! Hơn nữa, không gian của chúng tôi nhỏ bé thế này, tất cả chỉ có một gian phòng này, nếu như đôi bên tiếp tục coi nhau như kẻ thù, thì kết cục sẽ như thế nào đây? Tôi cứ lải nhải kể lể như thế, nói đến cuộc sống đơn điệu nhạt nhẽo của tôi, nói đến những khổ nạn mà tôi phải chịu trên thế giới này, cuối cùng cơ hồ vừa nói vừa khóc. Tôi hy vọng khơi dậy từ nó dẫu chỉ một mảy may lòng trắc ẩn, cũng mong muốn dẫu chỉ một chút chuyển biến trong quan hệ giữa tôi và nó. Kết quả như thế nào? Đại khái các bạn cũng chẳng thể nghĩ đến: kết quả là tất cả vẫn y như cũ. Muốn cảm động nó, cũng chẳng khác gì chạch đẻ ngọn đa vậy. Không thể. Trong khi tôi đang nói chuyện, thì nó ban đầu là mở một mắt, nhắm một mắt lắng nghe, lộ rõ vẻ coi thường, rồi chẳng bao lâu liền duỗi chân ngủ thẳng cẳng. Đó chính báo đáp của nó với tôi! 

Một tuần sau khi tôi về nhà, thì nó trở nên vô cùng bồn chồn bất an. Mới đầu, nó ở trong thùng gỗ cất tiếng gào nho nhỏ, tựa như bị dồn nén cực độ, sau đó là suốt đêm nó dùng móng cào chân giường của tôi. Những âm thanh ấy rất khó nghe đã đành, lại còn khiến tôi liên tục nằm mơ thấy ác mộng. Tôi nghi ngờ rằng nó đã đến thời kỳ động dục rồi, vì nó là một con mèo đực. Thông thường mà nói, thì kết quả tất nhiên là nó sẽ bỏ đi, trong khi ngoài cửa lại có rất nhiều mèo hoang đang gọi bạn tình. Tôi trở dậy, cầm cái que tre, định đuổi cho nó ra ngoài tìm nơi vui vẻ, cũng để thả lỏng không khí căng thẳng trong phòng. Chẳng ngờ, nó cứ ở lì dưới gầm giường không chịu đi, đánh nó cũng không động. Trước những tiếng kêu gọi đầy kích thích ngoài cửa nó cứ như bịt tai không nghe thấy, tựa hồ nó chẳng phải là đồng loại với lũ mèo ấy vậy. Tôi vừa lên giường, thì nó lại cào. Qua mấy hôm, chân giường xước nát đến không nhận ra nổi nữa, phía trên có hai chỗ bị cào sâu hoắm. Còn tôi, lại tiếp tục với những cơn ác mộng trong tiếng cào móng chân của nó, ngày nào cũng đi làm với nét mặt bợt bạt.

Có lẽ nó cảm thấy cào chân giường vẫn không đã, vào một đêm, trong cơn ác mộng, tôi bỗng nhiên cảm thấy bàn chân mình bị một vật sắc cứa vào. Giật mình tỉnh dậy, tôi nhìn thấy con mèo từ trên giường vụt chạy đi nhanh như bay. Lòng bàn chân tôi đã bị nó cào một vết rách dài.

Sức nhẫn nại của mình đã đến cực điểm rồi ư? Mình nên tiếp tục nhẫn nại tiếp ư? Tôi tự hỏi chính mình. Câu trả lời là: nên tiếp tục nhẫn nại. Còn làm sao nữa? Hiện giờ con mèo đã chiếm lĩnh toàn bộ tâm trí tôi rồi, nếu như tôi mưu giết nó, thì khoảng trống khổng lồ trong tâm trí nhất định sẽ khiến tôi sụp đổ. Cho nên bây giờ, dẫu thân thể chịu một chút thương tổn, thần kinh chịu một chút phiền nhiễu đều không có gì đáng nói cả. Hơn nữa, kiểu gì chả có cách, tôi có thể đi giày mà ngủ, lấy chăn quấn chặt lấy người. Nếu như nó “tập kích” vào mặt tôi, thì tôi sẽ đội mũ bảo hiểm. Kiểu gì cũng có cách giải quyết.

Tôi thực sự đã mặc nguyên quần áo, đi tất, giày, đội mũ bảo hiểm đi ngủ rồi. Hơn nữa, ban đêm cũng không dám tắt đèn, chỉ lấy tờ báo che chắn bớt ánh đèn đi. Làm như thế, thì nó không đến cào tôi nữa, nhưng nó không thích tôi bật đèn ban đêm, có lẽ nó bị kích thích thần kinh vì việc ấy. Tôi không tắt đèn, thì nó đi moi rương, lục tủ trong phòng, hất đổ vỡ cả bình trà, gương soi. Sau khi gây rối loạn hai đêm, nó lại nhảy lên giường ghé sát bên tai tôi mà kêu, cào vào mũ bảo hiểm của tôi, hung hăng như muốn lại cắn bị thương tôi một lần nữa. Tôi sợ hãi, chỉ còn cách tắt đèn đi.

Đêm đầu tiên tắt đèn không xảy ra chuyện gì cả. Đêm thứ hai thì nó chạy ra ngoài dẫn theo hai con mèo hoang quay về. Hai con mèo ấy đuổi đánh nhau trong phòng, cắn lộn lẫn nhau, rối loạn tưởng đổ đình đổ chùa, trong phòng không ngớt phát ra những tiếng kêu thảm thiết. Tận đến bình minh, hai con mèo ấy mới rời đi. Đêm thứ ba, màn kịch ấy lại tái diễn.

Tôi nghĩ: hơn một năm nay, con mèo của tôi luôn chỉ có một mình mình biết, một mình mình hay, đã không tơ tưởng xuân tình, cũng không bước chân ra ngoài, tựa như một kẻ theo chủ nghĩa cấm dục. Bây giờ, nó lại dẫn bọn mèo hoang về nhà làm loạn, nhưng bản thân mình không hề đắm chìm vào đó mà theo bọn chúng cao chạy xa bay. Như thế xem ra, đúng là “lão say nào bởi rượu đâu”, mục tiêu của nó chỉ là cốt gây phiền nhiễu cho cuộc sống của tôi, phá đám tôi mà thôi. Nó muốn biến nhà tôi thành nơi tụ họp của lũ mèo hoang, mà bản thân nó thì không nhập bọn vào với lũ chúng, mà chỉ đứng bên cạnh sung sướng xem người khác gặp họa.

Qua mấy hôm, số mèo hoang từ hai con đã tăng lên đến năm con. Tắt đèn rồi, vẫn thấy khắp phòng đầy những bóng đen đi lại nhảy nhót không ngừng, vô cùng đáng sợ. Lúc ấy, còn mèo của tôi lại không đứng trên bàn, hay trên giường nữa. Nó quay vào trong chiếc thùng gỗ, ngủ như không hề có chuyện gì xảy ra. Nhưng tôi thì không cách nào nghỉ ngơi được, vì lũ mèo hoang thấy tôi không đuổi chúng đi, thì càng ngày càng thả sức không kiêng nể gì cả, cuối cùng kéo nhau lên tận giường của tôi mà đánh nhau, con nọ cắn bị thương con kia, phát ra những tiếng kêu gào thê thảm, phải nói là kinh thiên động địa. Trước tình thế thực sự không còn cách nào khác, tôi vùng dậy khỏi giường bật đèn, vớ lấy một cái búa sắt, nhắm đầu một con mèo đen trong bọn chúng lấy hết sức táng xuống. Nó ngã lăn xuống đất, giật giật mấy cái rồi chết. Những con còn lại đều hoảng sợ chạy trốn biệt cả. Tôi sợ run tận trong dạ, nhặt con mèo chết lên, đem ném nó ra bãi rác cách đó hơn trăm mét. Quay về đến phòng, tôi cảm thấy đầu mình căng phồng như quả bí ngô, chỉ muốn đập mạnh đầu vào tường mấy cái. Con mèo của tôi nằm trong thùng gỗ nhìn tôi với ánh mắt lạnh lùng, nó đã chứng kiến tất cả mọi việc từ đầu đến cuối. Tất cả. Nó đang cười nhạt trong lòng.    

Sáng hôm sau, dĩ nhiên tôi lại mang bộ mặt tái xám đi làm. Mấy hôm nay, mọi người đều bàn luận xôn xao, bảo tôi gầy đi đến không ra hồn người nữa. Thậm chí có người còn nói đùa ngay trước mặt, bảo rằng tôi bị hồ li tinh ám rồi. Tôi làm sao có thể nói cho họ biết những chuyện này được? Nếu như tôi nói ra, mọi người lại không cho tôi là người ngoài hành tinh, hay là bị bệnh tâm thần ư? Nhưng, trong văn phòng có người cứ nhất quyết bám lấy tôi, bắt tôi phải khai báo chuyện hồ li tinh bằng được, còn bảo là mọi người đều đang nóng lòng muốn nghe, tôi không thể phụ lòng mong mỏi của mọi người được. Tôi mặc xác hắn ta, hắn bèn ngồi lì trên bàn làm việc của tôi, còn ôm chặt lấy cổ tôi, khiến tôi vô cùng mất mặt. Lúc ấy, khuôn mặt tôi chắc chắn đã xám xịt như miếng gan lợn. Nghĩ đến cái căn nguyên gây ra sự hổ thẹn này cho mình, tôi càng uất hận con mèo. Tôi nhất định phải đuổi nó đi, cho nó vĩnh viễn không thể quay về nữa. Tôi sẽ không tránh né trạng thái tâm lý của mình nữa, trống vắng thì trống vắng, dầu sao cũng còn hơn bị sỉ nhục thế này.

Tôi thầm định sẵn một kế hoạch trong lòng, ngoài mặt không để lộ ra chút gì cả. Lúc về nhà, tôi mua sẵn món cá chiên dầu mà nó thích ăn, rồi nhân khi nó đang ăn một cách sung sướng thì dùng cái túi gai chụp lấy nó, buộc chặt miệng túi, xách trên tay, bắt xe buýt đi ra ngoại ô. Có lẽ nó đã hiểu rõ tâm tư của tôi như lòng bàn tay chăng, mà suốt dọc đường đi nó chỉ nằm im không phát ra một tiếng động, khiến tôi lại cảm thấy do dự. Nhưng nghĩ đến nỗi sỉ nhục đó, ý chí tôi lại kiên định trở lại. Giống như một kẻ độc ác trong chuyện đồng thoại, tôi đem con mèo treo lên một cành cây bên đường, rồi chạy biến mất như một tên tội phạm bỏ trốn. Tôi nghĩ, những người qua đường sẽ cởi nó xuống thôi.

Vì vậy mà đã có câu chuyện đầu tiên ở trên. Tôi yên tĩnh được hai ngày thì nó lại quay về rồi! Như các bạn đã biết, tôi không cho nó vào nhà. Tiếp theo sẽ thế nào đây? Các bạn có thể nói cho tôi biết, sau đây sẽ thế nào không? Tôi thì chỉ biết, tất cả mọi việc từ nay về sau sẽ chẳng thể tưởng tượng được./.

Châu Hải Đường dịch
(TC Văn Nghệ Quân Đội số 973 tháng 9/2021)


[1] Hổ khẩu: Khoảng mở giữa ngón cái và ngón trỏ trên bàn tay.