Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

擬楊太真教白鸚鵡誦多心經 Nghĩ Dương Thái Chân giáo bạch anh vũ tụng Đa tâm kinh - Phạm Đình Hổ

Phạm Đình Hổ 范廷琥 (1768 - 1839) là một trong những nhà thơ, nhà văn thời trung đại mà tôi rất yêu mến. Sống từ cuối thời Lê, Trịnh, trải sang đến đời Nguyễn, văn chương của ông có nhiều sáng tác vừa uyên bác sâu sắc, vừa tân kỳ lý thú. Đặc biệt là những bài thơ viết về hình tượng người phụ nữ từ nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên xin để một dịp khác sẽ nói về những bài thơ đó. Hôm nay, xin giới thiệu một bài thơ khác của ông. Đó là bài thơ: "Nghĩ Dương Thái Chân giáo bạch anh vũ tụng Đa tâm kinh". Bài thơ như sau:


擬楊太真教白鸚鵡誦多心經

南枝夢斷隴雲深;
十載棲遲玉樹林。
憐汝未能離羽翮;
及今還要悟身心。
早知綺語成魔障;
好傍曇花演梵音。
彼岸他年誰是侶;
普陀岩畔有靈禽。

Phiên âm:

Nam chi mộng đoạn Lũng vân thâm;
Thập tải thê trì ngọc thụ lâm.
Lân nhữ vị năng li vũ cách;
Cập kim hoàn yếu ngộ thân tâm.
Tảo tri ỷ ngữ thành ma chướng;
Hảo bạng Đàm hoa diễn phạn âm.
Bỉ ngạn tha niên thùy thị lữ?
Phổ Đà nham bạn hữu linh cầm.

Tạm dịch thơ:

Cành nam mộng dứt, Lũng mây chìm;
Rừng ngọc dừng chân đã chục năm.
Lông cánh thương ngươi rời chửa được;
Thân tâm nay phải ngộ sao nhằm?
Sớm hay xảo ngữ thành ma chướng;
Khá tựa hoa đàm diễn Phạn âm.
Bờ đối năm sau ai bạn với?
Phổ Đà bên núi có linh cầm.

Tôi đọc bài thơ cũng vài lần, nhưng thật ra đến hôn nay, mới dịch được thành thơ và hiểu nó kỹ lưỡng hơn, khi đọc được xuất xứ của câu chuyện "Dương Thái Chân dạy vẹt trắng tụng tâm kinh" trong "Dương Thái Chân ngoại truyện" thuộc tập " "Đường Tống truyền kỳ" thế này:

"Quảng Nam tiến cống một con vẹt trắng, hiểu được tiếng người, gọi tên là “Tuyết Y Nữ”. Một sớm, con vẹt bay lên đài gương của quý phi, tự nói rằng: “Tuyết Y Nữ tối qua mộng thấy bị chim ưng bắt.” Vua bảo Quý phi đem “Tâm kinh” dạy vẹt, nó đều đọc tụng được thuộc lòng. Về sau, vua và quý phi đến chơi biệt điện, để Tuyết Y Nữ đậu trên đòn kiệu cùng đi. Bỗng đâu có một con chim ưng bay đến, bắt lấy con vẹt quắp chết. Vua và Quý phi than thở mãi không nguôi, bèn đem vẹt chôn trong vườn, gọi là Anh Vũ trủng (mộ vẹt)."

Nhân lại được thấy, bức tranh vẽ dương Quý phi chơi đùa cùng vẹt trắng của đại danh họa gia Trương Đại Thiên (T.Q), mới hay, chẳng những Quý phi, mà ngay cả con vẹt trắng của Quý phi từ lâu cũng đã thành đề tài cho văn thơ hội họa vậy.

(Ảnh: Bài thơ "Nghĩ Dương Thái Chân giáo bạch anh vũ ..." trong tập "Đông Dã Học Ngôn" của Phạm Đình Hổ)

水潦 Thủy Lạo - Nguyễn Án

Vừa được bác Chang Feng tặng cuốn sách "Thơ văn Nguyễn Án", đặc biệt thích một bài thơ rất "hợp thời nghi" của cụ - bài Thủy Lạo (Nước Lụt). Trong đó có hai câu 5, 6: 將子雞棲屋;依人犬上床。(Gà dẫn con đậu nóc, Chó theo người lên giường) có thể nói là thấm thía, nếu chẳng phải người trong cảnh đó thì chẳng thể viết được vậy.
Nhân trong cuốn sách tuy hầu hết các bài đã được dịch thơ, nhưng bài Thủy Lạo chưa dịch, nên xin dịch vụng mấy vần cùng các tác giả.
水潦
雨漲河堤決;
吾居成澤鄉。
魚龍時出沒;
原野共蒼茫。
將子雞棲屋;
依人犬上床。
東南諸路水;
聞道更堪傷。
Phiên âm:
Thủy Lạo
Vũ trướng hà đê quyết;
Ngô cư thành trạch hương.
Ngư long thời xuất một;
Nguyên dã cộng thương mang.
Tương tử kê thê ốc;
Y nhân khuyển thượng sàng.
Đông nam chư lộ thủy;
Văn đạo cánh kham thương.
Dịch thơ:
Mưa lụt đê sông vỡ;
Nhà thành xứ đầm hoang.
Cá rồng thường ẩn hiện;
Đồng ruộng thảy mênh mang.
Gà dẫn con đậu nóc;
Chó theo ai lên giường.
Nước đông nam các lộ,
Nghe nói càng tang thương.
(C.H.Đ)

Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017

Hội Chân Thi - Nguyên Chẩn

《會真詩》
元稹

微月透簾櫳,螢光度碧空。
遙天初縹緲,低樹漸蔥蘢。
龍吹過庭竹,鸞歌拂井桐。
羅綃垂薄霧,環珮響輕風。
絳節隨金母,雲心捧玉童。
更深人悄悄,晨會雨濛濛。
珠瑩光文履,花明隱繡龍。
瑤釵行彩鳳,羅帔掩丹虹。
言自瑤華浦,將朝碧玉宮。
因遊洛城北,偶向宋家東。
戲調初微拒,柔情已暗通。
低鬟蟬影動,回步玉塵蒙。
轉面流花雪,登床抱綺叢。
鴛鴦交頸舞,翡翠合歡籠。
眉黛羞偏聚,唇朱暖更融。
氣清蘭蕊馥,膚潤玉肌豐。
無力慵移腕,多嬌愛斂躬。
汗流珠點點,髮亂綠葱葱。
方喜千年會,俄聞五夜窮。
留連時有恨,繾綣意難終。
慢臉含愁態,芳詞誓素衷。
贈環明運合,留結表心同。
啼粉流清鏡,殘燈遶暗蟲。
華光猶苒苒,旭日漸曈曈。
乘鶩還歸洛,吹簫亦上嵩,
衣香猶染麝,枕膩尚殘紅。
冪冪臨塘草,飄飄思渚蓬。
素琴鳴怨鶴,清漢望歸鴻。
海闊誠難度,天高不易衝。
行雲無定所,蕭史在樓中。

Phiên âm:
Vi nguyệt thấu liêm lung;
Huỳnh quang độ bích không.
Dao thiên sơ phiếu diểu;
Đê thụ tiệm thông lung.
Long xuy quá đình trúc;
Loan ca phất tỉnh đồng.
La tiêu thùy bạc vụ;
Hoàn bội hưởng khinh phong.
Giáng tiết tùy kim mẫu;
Vân tâm phủng ngọc đồng.
Canh thâm nhân tiễu tiễu;
Thần hội vũ mông mông.
Châu oánh quang văn lý;
Hoa minh ẩn tú long.
Dao thoa hành thái phượng;
La bí yểm đan hồng.
Ngôn tự Dao Hoa phố;
Tương triều Bích Ngọc cung.
Nhân du Lạc Thành bắc;
Ngẫu hướng Tống gia đông.
Hí điều sơ vi cự;
Nhu tình dĩ ám thông.
Đê hoàn thiền ảnh động;
Hồi bộ ngọc trần mông.
Chuyển diện lưu hoa tuyết;
Đăng sàng bão ỷ tùng.
Uyên ương giao hĩnh vũ;
Phỉ thúy hợp hoan lung.
Mi đại tu thiên tụ;
Thần chu noãn cánh dung.
Khí thanh lan nhị phức;
Phu nhuận ngọc cơ phong.
Vô lực dung di uyển;
Đa kiều ái liễm cung.
Hãn lưu châu điểm điểm;
Phát loạn lục thông thông.
Phương hỉ thiên niên hội;
Nga văn ngũ dạ cùng.
Lưu liên thời hữu hận;
Khiển quyển ý nan chung.
Mạn kiểm hàm sầu thái;
Phương từ thệ sách trung.
Tặng hoàn minh vận hợp;
Lưu kết biểu tâm đồng.
Đề phấn lưu tiêu kính;
Tàn đăng nhiễu ám trùng.
Hoa quang do nhiễm nhiễm;
Húc nhật tiệm đồng đồng.
Thừa vụ hoàn quy Lạc;
Xuy tiêu diệc thướng Tung.
Y hương do nhiễm xạ;
Chẩm nhị thượng tàn hồng.
Mịch mịch lâm đường thảo;
Phiêu phiêu tứ chử bồng.
Sách cầm minh oán hạc;
Thanh Hán vọng quy hồng.
Hải khoát thành nan độ;
Thiên cao bất dị xung.
Hành vân vô xứ sở;
Tiêu Sử tại lâu trung.



Dịch thơ:
Gặp Tiên

Trăng mờ soi lọt rèm song;
Chập chờn ánh đóm bầu không qua rồi.
Trời xa thấp thoáng vừa coi;
Muôn tàn cây thấp lần hồi xanh trong.
Ngâm nga sân trúc tiếng rồng;
Giọng oanh phơ phất ngô đồng giếng thu.
Áo là buông rủ sương mờ;
Leng keng vòng ngọc nhẹ hờ gió lay.
Theo vương mẫu, ngọn cờ bay;
Vấn vương ngọc nữ bóng mây la đà.
Canh khuya vắng lặng người qua;
Sớm ngày gặp gỡ nhạt nhòa mưa rơi.
Hài văn sắc ngọc chói ngời;
Rồng thêu ẩn hiện, sáng tươi hoa lồng.
Thoa cài cánh phượng linh lung;
Khăn là rờ rỡ, cầu vồng phủ che.
Dao Hoa, rằng tự ấy đi;
Sắp sang Bích Ngọc cung kia lạy chầu.
Lạc Thành nhân ghé qua mau;
Phía đông nhà Tống, ghé vào ngẫu nhiên.
Cợt đùa, thoáng cự trước tiên;
Mà nhu tình đã thuận êm trong lòng.
Cúi đầu cho cánh trâm rung;
Quay lưng khiến bụi ngọc tung gót hài.
Ngoái nhìn, vẻ tuyết hoa tươi;
Bước lên giường nệm, chung ngồi ôm chăn.
Uyên ương ghé cổ ái ân;
Đôi con phỉ thúy hợp hoan trong lồng.
Ngượng ngùng nhíu chặt mày cong;
Môi son ủ ấm, càng nồng càng say.
Hương lan sực nức đâu đây;
Nhuận tươi như ngọc, sẵn bày làn da.
Điệu đà tay ngại nhích qua;
Khép mình bao vẻ kiêu sa yêu kiều.
Mồ hôi giọt giọt châu gieo;
Vấn vương tóc rối mướt đều vẻ xanh.
Ngàn năm mừng gặp duyên lành;
Đã nghe khoảnh khắc năm canh hầu tàn.
Dùng dằng thời khắc có ngần;
Ý tình quyến luyến khôn phân cho cùng.
Ủ ê mặt, vẻ sầu đong;
Mấy lời thề nguyện tình chung tỏ bày.
Tặng vòng hội hợp mong ngày;
Dải đồng tâm, để người hay tâm đồng.
Phấn vương ngấn lệ gương trong;
Đèn tàn chấp chới bay vòng bướm đêm.
Ánh trăng vằng vặc còn xem;
Mà ra nắng sớm đã lên tỏ mờ.
Kẻ về sông Lạc, cánh cò;
Thổi tiêu người lại chơi bờ núi Tung.
Áo còn hương xạ đượm nồng;
Gối còn in dấu son hồng chưa phai.
Bên ao cỏ biếc phủ dài;
Lông chông ngán nỗi bãi ngoài phiêu diêu.
Vặn đàn ai oán hạc kêu;
Trông dòng Ngân Hán, ngóng theo cánh hồng.
Vượt qua bể rộng khó lòng;
Chín trùng trời thẳm dễ xông được nào.
Mây bay ai biết về đâu;
Một chàng Tiêu Sử trong lầu mà thôi.

Thứ Hai, 2 tháng 10, 2017

Cao Dương Đài - Chu Di Tôn

高陽臺
橋影流虹,湖光映雪。翠簾不捲春深。
一寸橫波,斷腸人在樓陰。
游絲不繫羊車住,倩何人,傳語青禽。
最難禁,倚遍雕闌,夢遍羅衾。

重來已是朝雲散。悵明珠珮冷,紫玉煙沉。
前度桃花,依然開滿江潯。
鍾情怕到相思路。盼長堤,草盡紅心。
動愁吟,碧落黃泉,兩處誰尋?

Cao Dương Đài

Kiều ảnh lưu hồng, hồ quang ánh tuyết, thúy liêm bất quyển xuân thâm.
Nhất thốn hoành ba, đoạn trường nhân tại lâu âm.
Du ti bất hệ dương xa trụ, thiến hà nhân truyền ngữ thanh cầm?
Tối nan câm,
ỷ biến điêu lan, mộng biến la khâm.
Trùng lai dĩ thị triêu vân tán, trướng minh châu bội lãnh, Tử Ngọc yên trầm.
Tiền độ đào hoa, y nhiên khai mãn giang tầm.
Chung tình phạ đáo tương tư lộ, phán trường đê thảo tận hồng tâm.
Động sầu ngâm,
Bích lạc hoàng tuyền, lưỡng xứ thùy tầm?

Dịch nguyên điệu:

Cầu bóng ánh vồng, hồ soi sắc tuyết, rèm xanh chẳng cuốn xuân nồng.
Sóng mắt đưa ngang, đoạn trường người ở lầu hồng.
Tơ trời chẳng níu xe dê được, nhủ chim xanh, ai giúp cho không?
Khó ngăn lòng,
Tựa khắp lan can, mộng khắp mền nhung.
Lại qua thôi đã tan mây sớm, tủi minh châu đeo lạnh, ngọc tía khói lồng.
Năm ngoái hoa đào, còn đây đua nở mom sông.
Chung tình sợ nẻo tương tư bước, ngóng đê dài, cỏ thảy tâm hồng
Tiếng sầu rung,
bích lạc hoàng tuyền, người ở đâu cùng?



Chu Di Tôn (1629 – 1709), tự Tích Xưởng, hiệu Trúc Trạ, Khu Phương, đến cuối đời lại lấy biệt hiệu là Tiểu Trường Lô Điếu Ngư Sư, Kim Phong đình trưởng, người Tú Thủy, Triết Giang, là nhà thơ, nhà viết từ, nhà tàng thư, học giả cuối đời Minh, đầu đời Thanh. Năm Kỷ mùi, Khang Hi thứ 18 (1679) thi đậu khoa bác học hồng từ, được làm chức kiểm thảo, đến năm Khang Hi 22 (1683) vào Trực Nam thư phòng, từng tham gia biên soạn Minh Sử. Ông tinh thông kinh sử, trong lĩnh vực thơ ca, cùng với Vương Sĩ Trinh được coi là hai bậc đại tông nam bắc. Từ của Chu Di Tôn có phong cách thanh nhã đẹp đẽ, là người sáng lập Triết Tây từ phái, cùng với Trần Duy Tùng được gọi chung là “Chu Trần”.

Bài từ “Cao Dương Đài” của Chu Di Tôn nguyên có lời tựa rằng:
“Diệp Nguyên Lễ người Ngô Giang, thuở còn trẻ từng đi qua cầu Lưu Hồng, có người con gái đứng ở trên lầu, trông thấy Diệp, rất ái mộ, cuối cùng sinh ốm tương tư mà chết. Đúng lúc nàng hấp hối sắp qua đời, thì Diệp lại qua trước cửa nhà. Mẹ cô gái đem lời cô trước lúc lâm chung nói cho Diệp biết, Diệp bèn vào nhà mà khóc, cô gái bấy giờ mới nhắm mắt. Bạn bè ta đều chép lại câu truyện đó, ta cũng viết lại chuyện ấy bằng bài từ này.”

Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

MẠN ĐÀM VỀ CHIẾN THUYỀN CÁC NƯỚC XƯA

Nước - khởi nguyên của sự sống và cũng là nguồn sống của con người. Con người không thể sống thiếu nước, vì vậy các con sông, các vùng nước luôn là nơi tụ cư của con người từ xưa đến nay. Và có lẽ chính vì vậy, mà cùng với đó, thuyền bè đã xuất hiện từ rất sớm cùng với đời sống của con người. Về nguồn gốc của thuyền bè, khắp các nước từ đông sang tây, như Trung Quốc, Ai Cập, Anh, Hy Lạp … đều có không ít truyền thuyết. Có thể nói, truyền thuyết về Đại Vũ trị thủy làm thuyền ở Trung Quốc, và câu chuyện về con thuyền Noah trong Kinh Thánh là hai truyền thuyết nổi tiếng nhất, được lưu truyền rộng rãi nhất. Theo phân tích của những nhà nghiên cứu, thì tổ tiên của tàu thuyền hiện nay chính là những con thuyền độc mộc. Thuyền độc mộc rất có thể đã được hình thành khi người nguyên thủy gặp những trận lũ lụt, hồng thủy, và những người không biết bơi đã nhờ bám víu trên những cành cây, thân cây trôi nổi mà thoát chết. Vì vậy mà người ta đã nghĩ ra cách khoét những thân cây gỗ để tạo thành những con thuyền để có thể cân bằng ổn định trên mặt nước, và chứa được nhiều người, nhiều đồ vật hơn. Theo những chứng cứ khảo cổ học, thì từ bảy ngàn năm trước đã có những con thuyền độc mộc ở Trung Quốc.
Sau khi thuyền độc mộc ra đời, do nhu cầu trong sản xuất và đời sống của nhân loại, người ta dần học được cách ghép nhiều cây gỗ lại thành bè, rồi đóng nhiều tấm gỗ lại thành những con thuyền lớn hơn. Sau khi nhân loại bước vào xã hội có giai cấp, thì cùng với đó đã xuất hiện những cuộc chiến tranh được lan rộng dần từ trên cạn xuống đến trên sông, hồ, hay biển. Những cuộc chiến tranh nổ ra trên mặt nước không thể vắng mặt thuyền bè, những con thuyền dùng trong chiến tranh ấy ban đầu chỉ là những con thuyền bình thường, nhưng nó đã nhanh chóng được phân hóa, không ngừng phát triển và hình thành nên những chiến thuyền trong thời cổ đại.
Trung Quốc và các nước khu vực Địa Trung Hải là những nơi phát nguyên của chiến thuyền cổ đại. Thế kỷ 16 – 11 trước Công nguyên, dưới thời nhà Thương ở Trung Quốc thuyền bè đã được sử dụng vào việc vận tải cho quân đội. Năm 1027 TCN, Chu Vũ Vương - Cơ Phát đã đem ba trăm cỗ binh xa, ba ngàn quân cận vệ, bốn vạn rưỡi quân giáp sĩ, cùng liên hợp với quân đội của một số bộ lạc khác, tiến binh đánh vua Trụ. Quân đội tham chiến được chở trên bốn mươi bảy chiếc thuyền lớn, vượt qua sông Hoàng Hà ở bến Mạnh Tân, tiến thẳng đến đô thành Triều Ca (nay là huyện Kỳ, Hà Nam) tiêu diệt nhà Thương. Trận chiến vượt sông Hoàng Hà này đã được tổ chức nghiêm ngặt, với quy mô rất lớn, có người chỉ huy chuyên trách trên các tàu thuyền. Tuy nhiên, những con thuyền ấy chỉ là được tập hợp khi có nhu cầu nhất thời, chứ chưa được chuyên dùng vào việc thủy chiến, vì vậy chưa được coi là chiến thuyền và thủy quân thực sự.
Những chiến thuyền dùng buồm và mái chèo sớm nhất là loại thuyền một tầng chèo, xuất hiện ở Ai Cập, Phoenicia và Hy Lạp khoảng hơn 1.200 năm trước Công nguyên. Đến năm 800 TCN, thì những chiến thuyền một tầng chèo bắt đầu được lắp thêm vào đầu thuyền các mũi nhọn được đúc bằng đồng để tăng cường uy lực khi đâm va trong các cuộc chiến trên biển. Đến năm 700 TCN thì ở các nước Phoenicia và Hy Lạp đã đóng được những chiến thuyền hai tầng chèo. Năm 550 TCN, Hy Lạp lần đầu tiên đóng  được những chiến thuyền ba tầng chèo: thuyền dài 40 đến 50 mét, lượng rẽ nước khoảng 200 tấn, có 170 mái chèo, vận tốc khi chèo bằng mái chèo có thể được 6 hải lý một giờ, khi thuận gió có thể dùng buồm. Vũ khí trên thuyền chủ yếu có mũi nhọn đầu thuyền để đâm va, và khoảng từ mười tám tới năm mươi chiến binh chiến đấu khi thuyền tiếp mạn. Các chiến binh được trang bị giáo, gươm, cung tên, thương và lá chắn. Số tay chèo không vũ trang là 170 người. Từ sau đó, chiến thuyền ba tầng chèo trở thành lực lượng chủ lực của các hạm đội hải quân ở các nước ven Địa Trung Hải, kéo dài liên tục suốt mười mấy thế kỷ.

(Chiến thuyền Hy Lạp cổ đại) 

Đến giữa thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, vào thời Xuân Thu ở Trung Quốc, để thích ứng với địa hình sông ngòi chằng chịt, các nước Ngô, Việt, Sở ở phương nam và nước Tề là nước ven biển ở phương bắc đều trước sau xây dựng chiến thuyền và cho quân đội luyện tập thủy chiến. Đến khi ấy, có thể nói là lực lượng thủy quân cổ đại Trung Quốc chính thức ra đời. Khi ấy thủy quân nước Ngô còn được gọi là “chu sư” đã có các loại thuyền như: Đại dực, Trung dực, Tiểu dực, Đột mạo, Lâu thuyền, Kiều thuyền … đồng thời xuất hiện một loại vũ khí chuyên dùng cho thủy quân gọi là “Câu cự” (Câu liêm). Năm 206 – 25 TCN, tức thời Tây Hán, thuyền chiến của Trung Quốc lại tiến thêm một bước, mà tính năng của nó đã dần từng bước đuổi kịp và vượt qua các nước Địa Trung Hải khi ấy, và duy trì cho tới tận giữa thế kỷ 15. Chiến thuyền của Trung Quốc khi ấy có thể nói là những chiếc thuyền lớn nhất, kiên cố nhất và thích ứng với việc đi biển nhất. Năm 220 – 265 sau CN, tức là thời kỳ Tam quốc ở Trung Quốc, đội thủy quân nước Ngô từng có tới 5.000 chiến thuyền, trong đó những lâu thuyền lớn, có tới năm tầng lầu, có thể chở được 3.000 quân sĩ. Đầu thế kỷ 3 sau công nguyên, dưới thời Tây Tấn, khi chuẩn bị cho việc đánh nước Ngô, Vương Tuấn đã cho đóng những chiến hạm liên thuyền, dài tới 120 bộ, trên có lầu, buồm, mở bốn cửa, có thể đi ngựa dong xe trên đó được. Năm 588 – 589 SCN, nhà Tùy diệt nước Trần, Dương Tố đã dùng đến chiến hạm lớn nhất khi ấy, có tên là “Ngũ Nha”, trên có lầu năm tầng, có thể chở được 800 quân, trước sau và hai bên có lắp đặt 6 “Phách can”. “Phách can” là một cây gỗ dài đầu có buộc đá nặng, lợi dụng lực đòn bẩy để có thể đập vỡ tàu địch khi tiếp cận, là một thứ vũ khí rất có uy lực bấy giờ. 

(Mô hình tàu Ngũ Nha)

Đến đời Đường, năm 618 đến 907 SCN, kỹ thuật đóng tàu đã phát triển thêm một bước, người ta đã đóng được những tàu “Hải Cốt” có thể vận hành và chiến đấu được trong điều kiện sóng gió khá lớn. Lý Cao phát minh ra “xa thuyền” (cũng gọi là “xa luân thuyền” hay “luân tương thuyền”) di chuyển nhanh hơn, thuận tiện hơn, có thể coi là một bước đi trước của tàu bánh xe cơ giới sau này. Năm 960 - 1279 SCN, dưới thời Tống, chiến thuyền Trung Quốc đã sử dụng phổ biến kỹ thuật vách ngăn không để nước thấm ở khoang đáy, để tàu giảm bớt khả năng bị đắm. Năm 1000, đội trưởng đội thủy sư Thần Vệ là Đường Phúc từng dâng lên triều đình các loại vũ khí để phóng hỏa như: hỏa tiễn (tên lửa), hỏa cầu (quả cầu lửa), hỏa tật lê (một loại trái pháo, có vỏ gai sắt) … Năm 1130, quân khởi nghĩa của Dương Yêu đã sử dụng một lượng lớn xa thuyền, trong đó cái lớn nhất dài gần 110 mét, trang bị 24 bánh xe, và sáu cỗ “phách can”, chở được hơn một ngàn quân. Năm 1203, Tần Thế Phụ đã đóng chiến thuyền Hải Cốt mặt phẳng, vỏ sắt, tải trọng ước 60 tấn, vách khoang được lắp bằng thép tấm, có thể nói là tổ tiên của thuyền bọc thép. Đầu mũi thuyền có lắp mũi nhọn bằng sắt như lưỡi cày, để đâm chìm tàu đối phương.
Chiến thuyền cổ đại được phát triển qua hai giai đoạn: thuyền chiến dùng chèo (Galley) và thuyền chiến dùng buồm . Tàu chiến dùng chèo được làm chỉ yếu bằng gỗ, dáng thuyền nhỏ dài, chiếm nước nông, mạn thuyền thấp, chủ yếu do sức người chèo thuyền là chính, khi thuận gió cũng có thể căng thêm buồm, nhưng chỉ là hỗ trợ. Thuyền chiến dùng chèo chủ yếu được trang bị các vũ khí lạnh, khi tác chiến chủ yếu dùng cách đâm va hoặc áp mạn giao chiến, dùng chủ yếu ở trên sông, hồ nội địa hoặc sát ven biển. Chiến thuyền cổ đại cho đến tận giai đoạn hậu kỳ mới bắt đầu lắp đặt các hỏa khí có thể thiêu đốt khác.
Thế kỷ 14, loại hỏa khí hình ống bằng kim loại sớm nhất trên thế giới được ra đời ở Trung Quốc – đó là hỏa súng. Mà cha đẻ của nó, chính là Hồ Nguyên Trừng – người Việt Nam, được nhà Minh bắt đưa từ Việt Nam sang, sau khi đánh được nhà Hồ và xâm chiếm nước ta. Sau này Hồ Nguyên Trừng được coi là ông tổ súng thần công Trung Quốc, các đời vua sau đó mỗi khi tế súng Thần công đều kiêm tế Hồ Nguyên Trừng. Theo khảo chứng của các nhà sử học, năm thứ 10 niên hiệu Hồng Vũ nhà Minh (1377), chiến thuyền nhà Minh đã được trang bị rộng rãi hỏa súng, từ đó bắt đầu đưa những vũ khí trên chiến thuyền từ vũ khí lạnh, hỏa khí đốt lửa, gây nổ, quá độ sang hỏa pháo.

(Lâu thuyền đời Hán)

Chiến thuyền trên thế giới từ thuyền chiến dùng chèo quá độ sang thuyền chiến dùng buồm, đã phải kéo dài liên tục suốt mấy thế kỷ. Chiến thuyền dùng buồm, thân thuyền cũng làm bằng gỗ, nhưng độ dãn nước sâu hơn, mạn thuyền cao, đầu đuôi thuyền vươn lên, trên có dựng nhiều cột buồm, lấy sức gió làm động lực chủ yếu, đồng thời vẫn bố trí hệ thống mái chèo. So với chiến thuyền dùng chèo, chiến thuyền dùng buồm có độ dãn nước, tính năng hàng hải, khả năng tác chiến ngoài khơi xa đều vượt xa rất nhiều. Vũ khí chủ yếu là súng thần công, phương pháp tác chiến là chiến thuyền hai bên đứng cách nhau từ vài chục tới hơn một ngàn mét rồi tiến hành pháo chiến, đồng thời vẫn có áp mạn giao chiến ở mức độ nhất định. Trịnh Hòa – nhà hàng hải đời Minh ở Trung Quốc từng dẫn đội thuyền lớn, bảy lần đến Đại Tây dương. Trịnh Hòa đi trên con thuyền lớn nhất có tên là “Bảo thuyền”, dài ước 137 mét, rộng ước 56 mét, có 9 cột, mười hai buồm, lắp đặt nhiều cửa châu mai hỏa súng, là con thuyền đi biển lớn nhất trên thế giới khi ấy.

Một số mô hình thuyền chiến trong sách Võ Kinh:
Đấu Hạm

Mông Xung

Tẩu Kha

Các nước Bắc Âu, đến đầu thế kỷ 15 bắt đầu xuất hiện những chiến thuyền dùng buồm có trang bị hỏa pháo. Năm 1485, nước Anh đóng được một chiến thuyền bốn cột buồm có tên là “Thống Đốc” (Governor), lắp đặt 225 cửa hỏa pháo loại nhỏ. Năm 1520, Anh lại đóng một chiến thuyền dùng buồm lớn, có tên là Great Harry, với lượng dãn nước đạt 1.000 tấn, lắp đặt 21 cửa châu mai với pháo từ 60 đến 203 ly. Năm 1561 tướng nhà Minh – Trung Quốc là Thích Kế Quang để đánh nhau với người Nhật đã đóng một chiến thuyền lớn có tên là “Phúc thuyền”, trên đó có bố trí một cửa pháo đại phát cống, ba cửa súng, sáu cửa pháo nạp hậu, mười cây súng hỏa mai. Năm 1637, người Anh lại đóng chiến thuyền dùng buồm, có lượng rẽ nước 1.700 tấn, có tên là “Kẻ thống trị biển cả”, với 100 cửa hỏa pháo. Năm 1797, nước Mỹ cũng đóng được tàu chiến dùng buồm có tên “Hiến Pháp” với lượng rẽ nước 1.576 tấn với 44 cửa hỏa pháo.

(Tàu Great Harry - Anh)

Đến thế kỷ 19, cùng với việc chiến tranh trên biển của các nước ở châu Âu càng ngày càng kịch liệt, thuyền chiến dùng buồm đã được phát triển thêm một bước. Chiến thuyền dùng buồm lớn nhất đã đạt tới 6.000 tấn với hơn một trăm cửa hỏa pháo cỡ lớn và cỡ trung. Khi ấy, có nước đã căn cứ vào lượng rẽ nước lớn nhỏ và số hỏa pháo nhiều ít chia chiến thuyền ra làm sáu bậc. Từ bậc một đến bậc ba, gọi là chiến liệt hạm (Tàu chiến tuyến – Ship of the line): là chiến thuyền có lượng rẽ nước từ 1.000 tấn trở lên, với 70 tới 120 cửa hỏa pháo bố trí trên hai hay ba tầng sàn. Bậc 4, 5 gọi là Tuần dương hạm, lượng rẽ nước từ 500 tới 750 tấn, với 40 tới 64 cửa hỏa pháo trên hai tầng sàn. Bậc 6 được gọi là Tuần dương hạm nhẹ, lượng rẽ nước khoảng 300 tấn, với 6 tới 30 cửa hỏa pháo trên một tầng sàn.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của chiến thuyền dùng buồm, từ đầu thế kỷ 19, động cơ hơi nước bắt đầu được dùng làm động cơ cho các chiến thuyền. Năm 1815, nước Mỹ đã đóng được chiếc tàu bánh xe hơi nước đầu tiên, có tên gọi là Demologos (sau đổi gọi là Fulton), với lượng rẽ nước đạt 2.745 tấn, vận tốc 6 hải lý/giờ, bố trí 32 cửa pháo 14.5 cân. Những tàu hơi nước thời kỳ đầu đều phát triển từ tàu bánh xe, nhưng tàu bánh xe sử dụng trong hải chiến bị hạn chế rất nhiều: Một là, bánh xe lớn và một phần máy móc bị lộ rõ trước hỏa lực của quân địch, do vậy khi chiến đấu rất dễ bị hỏa pháo phá hủy; Hai là, bánh xe bố trí ở hai bên mạn thuyền, chiếm cứ mất phần lớn không gian quý báu đáng ra dùng để bố trí hỏa pháo.

(Tàu Demologos - Fulton, Mỹ)

Năm 1929, Joseph Lyel người Áo đã phát minh ra cánh quạt chân vịt có thể dùng cho tàu thuyền, và được kỹ sư người Thụy Sĩ là John Eriksson cải tiến, từ đó khắc phục được những khuyết điểm của bánh xe hơi nước, khiến hệ thống máy hơi nước có thể lắp đặt ở dưới khoang thuyền. Sau khi chân vịt đẩy ra đời, máy hơi nước dần dần trở thành động cơ chủ yếu trong tàu chiến, từ đó khiến tàu chiến có được hàng loạt những cải tiến thay đổi mới. Vì tàu chiến hơi nước đã cải biến được sự phụ thuộc vào hướng gió, tốc độ gió và dòng hải lưu, do vậy thời đại của chiến thuyền dùng buồm chính thức cáo chung. Cùng với đó là hỏa pháo trên tàu cũng được phát triển nhanh chóng. Một là, đường kính nòng pháo không ngừng được lớn lên; Hai là, phát minh ra đạn pháo với uy lực lớn; Ba là, xuất hiện pháo với nòng có rãnh xoắn, khiến độ chính xác của đạn pháo khi bắn ra có độ chính xác cao hơn. Tính năng ưu việt của hỏa pháo khiến mạn thuyền bằng gỗ dễ bị phá hủy, vì vậy các tàu chiến lớn bắt đầu phải có biện pháp bảo vệ cho mạn tàu và sàn tàu để chống lại sự công phá của tàu địch. Tàu chiến bọc thép ra đời từ yêu cầu đó.
Năm 1859, nước Pháp đã đóng được tàu bọc thép “Quang Vinh”. Tàu có lượng rẽ nước 5.617 tấn, với 36 cửa hạm pháo, bọc thép bảo vệ dày 11cm, phía trong là gỗ cứng. Năm 1860, tàu bọc thép mang tên “Dũng Sĩ” của Anh cũng được hạ thủy, tàu này có lượng rẽ nước khi chở đầy là 9.210 tấn, vận tốc 14 hải lý/giờ, khi dùng cả máy và buồm có thể đặt được tốc độ 17 hải lý/giờ. Trên tàu trang bị 40 cửa pháo, trong đó có 10 cửa pháo bắn đạn 50 kg, nòng có rãnh xoắn; 26 cửa pháo bắn đạn 31 kg, nòng trơn; 4 cửa pháo bắn đạn 18kg, nòng có rãnh xoắn. Trên tàu có 4 máy hơi nước 920 kW. Tàu “Dũng Sĩ” hạ thủy đã kết thúc thời kì dài của tàu chiến tuyến vỏ gỗ.
Sau khi tàu chiến bọc thép được sử dụng rộng rãi trong hải chiến, đã rất nhanh chóng cho thấy uy lực và đặc tính vượt trội so với các tàu chiến trước đây. Trong chiến tranh Nam – Bắc ở Mỹ năm 1862, quân miền nam đã chuyên tâm cải tạo tàu chiến mang tên “Merrimack”. Tàu chiến này vốn bỏ hết các bộ phận phía trên mớn nước, với các bệ pháo thấp phẳng ở giữa tàu, bốn bên có vách gỗ dày hơn nửa mét, phía ngoài cùng là vỏ thép dày. Trong một lần hải chiến, tàu Merrimack đã bị hai tàu chiến của quân miền bắc và các pháo đài ven bờ biển điên cuồng bắn phá, nhưng điều khiến người ta kinh ngạc là đại bộ phận đạn pháo đã bị bật ngược lại, còn tàu Merrimack không hề bị tổn hại gì đáng kể, vẫn tiến về phía trước với tốc độ nhanh. Đến lượt tàu Merrimack đáp trả, nó mới bắn vài phát đạn thì các thuyền vỏ gỗ của quân miền bắc đã bốc cháy rừng rực. Trong khi quân miền bắc đang không thể chống đỡ nổi, thì một con tàu khác được quân miền bắc chú tâm thiết kế, mang tên là tàu Monitor đã kịp thời tới ứng cứu. Con tàu chiến bọc thép kiểu mới ấy chỉ để lộ thân tàu lên trên mặt nước có nửa mét, mạn thuyền từ vạch mớn nước trở lên được bọc 5 lớp thép dày 2,5 mm, trên sàn tàu cũng có lớp vỏ thép. Mặc dù tàu Monitor nhỏ hơn tàu Merrimack nhiều, nhưng nhờ có vỏ thép dày và tính linh hoạt của mình, có thể tiến đánh bốn phía, chiến đấu ngoan cường, nên đã thay đổi nhanh chóng cục diện bị động của quân miền bắc. Trận đánh điển hình của các tàu bọc thép này, đã cho thấy tàu chiến bọc thép có khả năng phòng đạn tốt, và khả năng tác chiến khá mạnh.

(Tàu Monitor - Mỹ)

Cùng với sự xuất hiện của tàu bọc thép, thì pháo nòng rãnh xoắn với đạn nổ cũng được dùng trên các tàu chiến của các cường quốc trên biển. Để chống lại với sức công phá mạnh mẽ của đạn pháo nổ, vỏ bọc théo của các tàu chiến càng ngày càng dày. Cuối cùng, sắt thép đã dần dần trở thành vật liệu chủ yếu để đóng tàu, khiến cho tàu chiến trở nên kiên cố chắc chắn hơn, lượng rẽ nước cũng tăng lên đến hơn vạn tấn.
Cùng với đó, các loại vũ khí chuyên dùng trong hải chiến như thủy lôi, ngư lôi cũng nối nhau được phát minh và sử dụng trên các tàu chiến. Năm 1877, nước Anh đã nghiên cứu chế tạo ra tàu ngư lôi đầu tiên. Năm 1892, Nga chế tạo ra tàu thả mìn. Rất nhanh chóng, hải quân các nước đều học làm theo, cũng làm ra tàu ngư lôi và tàu thả mìn của nước mình. Thủy lôi và ngư lôi đã tăng cường sức chiến đấu cho hải quân. Hải quân các nước, để đối phó với ngư lôi, thủy lôi, bắt đầu lắp đặt các hệ thống phòng lôi dưới nước cho các tàu chiến lớn. Năm 1893, Anh đã đóng ra ngư lôi pháo hạm chuyên để đối phó với các tàu ngư lôi. Ngư lôi pháo hạm ấy sau này đã dần dần diễn biến thành khu trục hạm hiện nay.
Thời gian này, ở Trung Quốc, chính quyền nhà Thanh vào những năm 60 của thế kỷ 19 cũng bắt đầu đặt mua và mở xưởng đóng những tàu chiến của mình. Năm 1889 nhà Thanh đóng được tuần dương hạm “Bình Viễn” với lượng rẽ nước 2.100 tấn, tốc độ 14 hải lý/giờ, với 12 cửa hạm pháo. Năm 1902, đóng ngư lôi khoái thuyền (tức khu trục hạm) “Kiến Uy”, lượng rẽ nước 850 tấn, tốc độ 23 hải lý/giờ, với 9 cửa hạm pháo và một số súng bắn ngư lôi.
Nước ta, là một nước ven biển với nhiều sông ngòi, lại liên tục có nạn ngoại xâm, việc sử dụng thuyền bè trong chiến tranh đã có lịch sử từ lâu đời. Trên các họa tiết trống đồng đã có xuất hiện hình thuyền bè với chiến binh. Nhiều trận thủy chiến nổi tiếng đến nay còn được ghi chép trong sử sách. Trong tác phẩm “Binh Thư Yếu Lược” của Trần Hưng Đạo, chương “Thủy chiến” đã biên chép về nhiều loại tàu chiến lớn nhỏ, từ xưa đã được dùng ở nước ta như: Thuyền máy thần phi; Thuyền mẹ con; Thuyền liên hoàn … đồng thời tham cứu các loại thuyền trong “Võ bị chế thắng chí” của Trung Quốc. Trong đó thuyền máy thần phi đã có dùng bánh xe bên mạn thuyền như các tàu bánh xe sau này ở phương tây.
Trong sánh “Hiểu biết về Việt Nam” của hai Ủy viên trường Viễn đông Bác cổ: Pierre Huard và Maurice Durand, có những ghi chép về chiến thuyền của Việt Nam như sau: “Việt Nam có đội chiến thuyền rất quan trọng từ thế kỷ 18 đến nửa đầu thế kỷ 19. Nhà Nguyễn vào năm 1674 có 133 thuyền chiến. Năm 1675, người Anh là Thomas Browyear đã rất ca ngợi những thuyền chiến Nam kỳ. Một thế kỷ sau, đội hải quân của Gia Long gồm: 200 tàu mang 16,18,20,22 đại bác; 500 tàu chiến nhỏ có 40 đến 44 tay chèo, vũ trang bằng súng bắn đá và một đại bác; 200 thuyền chiến lớn với 50 đến 70 tay chèo, vũ trang bằng các đại bác và súng bắn đá; 3 tàu thủy châu Âu đặt tên là: Phượng Hoàng (Phượng), Rồng Bay (Long Phi), Chim Ưng (Ưng).”
Hiện nay, trong tình hình mới của kỹ thuật quân sự cũng như kỹ thuật đóng tàu các loại hình tàu chiến hiện đại đã ngày càng phong phú, đa dạng với những chiến hạm lớn, có sức chiến đấu vô cùng mạnh mẽ. Là một quốc gia biển, để khai thác nguồn lợi hải dương cũng như bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của dân tộc, đang đặt ra một yêu cầu và cũng là niềm hy vọng lớn với nền công nghiệp đóng tàu nước ta.
                                                                                                               
Đường Lang (T.H) 
- Bài trên T.C Công nghiệp Tàu thủy - số 1+2, Xuân Đinh Dậu, 2017


Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017

Nhặt Lại Mấy Bài Dịch Thơ Lẻ Tẻ

Hôm nay rà soát lại các file tài liệu để xóa bớt cho gọn máy tính, chợt thấy có mấy vần thơ lẻ tẻ dịch từ chữ Hán ra, hình như khi trước có ngẫu hứng dịch cho một bạn nào đó khi được đề nghị. Thực tình, khi đọc lại chữ Hán, cũng không biết là thơ ở đâu, của ai. Lẩn thẩn tra tìm, thì hóa ra là mấy bài: “Tống Thôi Hướng nhập triều”, “Tạ đình tống biệt” của Hứa Hồn, cùng mấy câu (chưa tròn bài) trong bài “Tống tòng huynh biệt giá quy Thục”, “Lưu biệt Triệu Đoan công” cũng của Hứa Hồn và “Tặng biệt” của Đỗ Mục, mà có lẽ khi ấy chưa biết là một đoạn nên dịch như một bài riêng lẻ. Cụ thể thế này:


1.     Bài: “Tống Thôi Hướng nhập triều” (送崔珦入朝) của Hứa Hồn許渾:
Nguyên văn:
書劍功遲白髮新,
強登蕭寺送歸秦。
月斜松桂倚高閣,
明夜江南江北人。

Phiên âm:
Thư kiếm công trì, bạch phát tân;
Cưỡng đăng Tiêu tự tống quy Tần.
Nguyệt tà tùng quế ỷ cao các;
Minh dạ giang nam giang bắc nhân.

Dịch thơ:
Bạc đầu thư kiếm chửa thành;
Chùa Tiêu gắng đến tiễn anh về Tần.
Gác cao tùng quế trăng tàn,
Ngày mai kẻ bắc người nam đôi đường.

2.     Bài: “Tạ đình tống biệt” (謝亭送別) của Hứa Hồn許渾:
Nguyên văn:
勞歌一曲解行舟,
紅葉青山水急流。
日暮酒醒人已遠,
滿天風雨下西樓。

Phiên âm:
Lao ca nhất khúc giải hành chu;
Hồng diệp thanh sơn thủy cấp lưu.
Nhật mộ tửu tinh nhân dĩ viễn;
Mãn thiên phong vũ há tây lâu.

Dịch thơ:
Hò khoan một nhịp thuyền chèo;
Núi xanh cây đỏ ào ào nước trôi.
Chiều hôm rượu tỉnh, đâu người;
Lầu tây mù mịt một trời gió mưa.

 3.     Bốn câu đầu trong bài: “Tặng biệt” (贈別) của Đỗ Mục杜牧:
Nguyên văn:
眼前迎送不曾休,
相續輪蹄似水流。
門外若無南北路,
人間應免別離愁。

Phiên âm:
Nhãn tiền nghênh tống bất tằng hưu;
Tương tục luân đề tự thủy lưu.
Môn ngoại nhược vô nam bắc lộ;
Nhân gian ưng miễn biệt ly sầu …

Dịch thơ:
Đón tiễn không thôi, mắt đã nhàm;
Nối nhau xe ngựa nước miên man.
Cửa ngoài giá chẳng đường nam bắc,
Ly biệt chi buồn đến thế gian…

4.     Bốn câu cuối trong bài: “Tống tòng huynh biệt giá quy thục” (送從兄別駕歸蜀) của Hứa Hồn許渾:
Nguyên văn:
遠道書難達,
長亭酒莫持。
當憑蜀江水,
萬里寄相思。

Phiên âm:
Viễn đạo thư nan đạt;
Trường đình tửu mạc trì.
Đương bằng Thục giang thủy;
Vạn lý ký tương ti (tư).

Dịch thơ:
Đường thẳm thư khôn tới;
Trường đình rượu chớ ngừng.
Thục giang muôn dặm nước;
Gửi giúp mối tơ lòng.

5.     Lại thêm hai câu thực trong bài: “Lưu biệt Triệu Đoan công” (留別趙端公) cũng của Hứa Hồn許渾:
Nguyên văn:
簫鼓散時逢夜雨,
綺羅分處下秋江。

Phiên âm:
Tiêu cổ tán thời phùng dạ vũ;
Ỷ la phân xứ há thu giang.
Dịch thơ:

Vừa ngơi đàn sáo mưa đêm trút;
Khăn điều xé nửa bến sông thu.

(Khi ấy không biết là hai câu thực, nên bỏ qua đối ngẫu khi dịch.)

Lại dịch thành lục bắt rằng:

Vừa ngơi đàn sáo, đêm mưa;
Chia đôi khăn gấm bên bờ sông thu.

Tất cả đều là những câu thơ, bài thơ ly biệt. Nay tạm lưu lại cả đây trước khi dọn file, chưa kịp dịch lại toàn bài mấy bài còn thiếu nửa ở trên, vì biết rằng hẳn phải sửa lại cho phù hợp.

C.H.Đ