Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

CHẠY BỘ BUỔI SÁNG – Truyện ngắn Phùng Ký Tài (Châu Hải Đường dịch)

I.
Thế giới ngày nay, không hút thuốc, chống ô nhiễm và chạy bộ buổi sáng đã dần dần trở thành ba việc xếp trong danh mục các mối quan tâm hàng đầu trong cuộc sống nhân loại. Xưa nhờ có họ Toại Nhân(1), con người mới không còn là động vật ăn lông uống máu nữa, nhưng giờ chỉ mong là khói thuốc trước khi bước sang thế kỷ tiếp theo sẽ bị cấm tiệt. Không khí trên thế giới cũng sẽ hồi phục lại sự trong sạch thuần khiết như thời đại cuộc sống điền viên hồi trung thế kỷ, có dưỡng khí dồi dào, cho người ta yên tâm mà hít thở thoải mái. Còn chạy bộ buổi sáng – thói quen tốt có thể giúp mạnh khỏe sống lâu này, trở thành sở thích chung của mọi người, thì mới nở rộ thành phong trào trong thế kỷ này … vì thế bây giờ càng ngày càng nhiều người dậy sớm, sắm đồng hồ báo thức, mua giày chạy, người cao người  thấp, người béo người gầy, trong màn sương sớm mịt mù, họ có mặt khắp đường to ngõ nhỏ, trên quốc lộ thẳng tắp ngoại ô, hay xung quanh các công viên. Người ta ôm những kỳ vọng khác nhau: sống lâu, khỏe mạnh, hay giảm béo …bước chân chạy cũng đủ tư thế, chẳng ai quan tâm đến ai. Những tiếng bước chân ấy phá tan sự tĩnh lặng của buổi sáng, dẫn trước sự huyên náo của thành phố.
Hôm ấy, trên con đường dưới bóng rặng cây xanh ngắt bên ngoài công viên Thắng Lợi, mà các nhà thơ nơi này tôn vinh là “hành lang thiên nhiên”, xuất hiện hai người chạy bộ khiến người khác phải chú ý: một người là đàn ông, cao gầy đeo kính mắt, mặc chiếc áo sơ mi trắng, cổ hồ cứng; một người là đàn bà, to béo phốp pháp, với một bộ ngực đồ sộ, no căng, trông như hai con bồ câu đang nhảy nhót trước ngực. Hai người họ đều ở tuổi quá trung niên. Trông họ giống như chú Ống Sậy và bác Cà Chua trong một bộ phim hoạt hình cho trẻ em. Hai người sánh vai cùng chạy, tốc độ rất chậm, trông như cảnh quay chậm trong phim. Họ chưa chạy được mấy đã mồ hôi đầm đìa, thở hổn hển như trâu, có thể thấy rõ đó là hai người mới tập chạy. Trong con mắt những người bên cạnh, họ giống như một đôi vợ chồng đang hạ quyết tâm cùng rèn luyện.
Thực ra không phải thế. Hai người họ chỉ là ngẫu nhiên sánh vai nhau chạy chưa được ba phút đồng hồ. Người đàn ông gầy gò ấy là kỹ sư ở viện nghiên cứu công nghiệp hóa chất, họ Đào, từng làm kỹ sư trưởng cho một nhà máy chế biến muối, nên người ta thường quen gọi ông ấy là “trưởng Đào”. Trong thời kỳ mười năm tai họa(2) ông “được cách mạng” đến độ thân tàn ma dại, tuy mới sắp sáu chục tuổi đầu, mà da dẻ đã hằn sâu đầy những nếp nhăn, khắp cơ thể chỗ nào cũng có thể nhìn thấy hình thù những khúc xương dưới da, cái đầu đã trụi mất một nửa càng lộ rõ dấu hiệu suy kiệt sớm. Nhiều năm rồi ông không dám lộ diện trước mặt mọi người, rất ít ra phố. Năm ngoái ông được “giải phóng”, rồi được khôi phục công tác, từ trong nhà bước ra ngoài, bước đi chập chững như trẻ con mới tập đi. Mắt nhìn giấy tờ chỉ được mười phút đồng hồ là chữ nghĩa nhòa nhoẹt hết, chẳng còn nhìn rõ cái gì với cái gì nữa. Nhưng ông đã có một kế hoạch lớn vô cùng mạnh mẽ, ông muốn làm một công trình nghiên cứu có mức độ khó cao. Thời gian có thể phải mất bảy năm, mà phải là bảy năm với thể lực và tinh thần sung mãn. Thế mà tinh thần và thể lực ấy đã được dùng để ứng phó với các kiểu đe dọa và uy hiếp hết cả rồi, giờ tìm ở đâu?
Ông có một người bạn cũ, ông Lý, là một bác sĩ, có cặp lông mày vừa đen vừa cứng. Nếu như anh đứng từ xa và chưa nhìn rõ mặt mũi ông ta thế nào, thì vẫn có thể nhìn thấy hai vệt ngắn màu đen trên mặt ông ấy, y như hai đốm đen trên mắt gấu trúc vậy. Ông ta hay nói đùa, miệng lưỡi nanh lọc, nhưng tâm địa lại tốt vô cùng. Nhiều năm nay, ông trưởng Đào có nỗi đau đớn về thể xác cũng như tinh thần gì, đều nói với ông ấy để mong xin một liều thuốc chữa. Vừa rồi, trưởng Đào đã trình bày những nỗi khổ đau mới của mình với bác sĩ Lý. Bác sĩ Lý nghe xong, liền đe ngay:
-         Anh mà như thế này, thì chả làm gì cả, cũng chỉ sống được nhiều lắm là năm năm nữa thôi.
-         Thế tôi phải làm sao? – Trưởng Đào nói, trong lòng dường như có một cái khóa đã sập lại.
-         Trước hết anh phải cai tiệt thuốc lá!
-         Điều này không vấn đề. Anh có thể đảm bảo tôi sống được bảy năm nữa không? Tôi cần bảy năm là đủ rồi.
Đôi lông mày dày đậm của bác sĩ Lý giật nhướng lên vẻ tinh nghịch, trên khóe môi nhíu một nụ cười, hai mắt liếc bên nọ lại bên kia, trong lòng dường tính toán điều gì, tựa hồ bây giờ ông đang khống chế cửa ải chính cho sinh mệnh trưởng Đào vậy. Ông bảo:
-         Anh dậy sớm chạy bộ đi!
-         Chạy bộ? Mỗi ngày chạy bao lâu?
-         Khoảng một tiếng rưỡi gì đó. Nhưng ngày nào cũng phải chạy đều.
-         Có thể sống thêm được mấy năm? – Ông dường như đang mặc cả với bác sĩ Lý.
-         Mười năm đấy! – Bác sĩ Lý nói đùa như thật.
-         Mười năm?! – Trưởng Đào kinh ngạc kêu lên, rồi dùng ngay bộ óc nhanh như máy tính điện tử của mình tính toán, miệng nói ra thành lời – Mỗi ngày dùng mất một tiếng rưỡi chạy bộ, chiếm khoảng hai phần mười thời gian có thể dùng để làm việc. Bác sĩ nói, như thế có thể sống được mười năm. Trong mười năm thì chạy bộ mất đi hai năm, vẫn còn lại tám năm. Hà hà, thế là thừa đủ rồi! Rồi ông cũng nói vẻ đùa cợt nhưng lại vô cũng chân thật như bác sĩ Lý – “Được rồi, tôi sẽ chạy bộ buổi sáng!”
Thế là ông dậy sớm, xỏ đôi giày đá bóng cũ của con trai, đến đây chạy bộ. Hôm nay là ngày mở màn đầu tiên, mới chạy được mấy chục bước, ông đã vô tình cùng chạy sánh đôi với người đàn bà hồng hào béo tốt này.
Đời người ta, có được cái gì, mà không phải trả một cái giá nào đó. Muốn sống thêm mấy năm càng khó khăn hơn nhiều. Trưởng Đào chạy tổng cộng được hai trăm bước đã cảm thấy toàn bộ số sức lực ít ỏi của mình hết sạch, hai cổ chân như đeo hai khối đá, lết đi cũng không lết nổi. Cổ họng cũng trở nên bé như sợ dây thép, mỗi một hơi hít vào, vừa mới đến cuống họng lại bị chặn lại bật ngược trở ra, trong phổi dường không có chút không khí nào, mệt như chết đến nơi. Ông đứng lại, y như một con cá ngớp lên mặt nước, mắt trợn tròn, miệng há to, cố hết sức mà thở.
Bà béo kia đứng lại bên cạnh ông, khuôn mặt đỏ như quả dưa hồng chín nục. Hai tay bà ta chống hai bên nạnh sườn vừa to vừa tròn như cái bom bia, hổn hển thở ra thành tiếng. Giá như miệng bà ta để trước cái van bơm hơi ở bánh ô-tô, thì đảm bảo có thể thổi căng nó lên được. Nhưng bà ta cười, cứ y như vớ được cái gì vậy, vô cùng đắc ý, chứ không khốn khổ như trưởng Đào thế.
Hai người họ đứng nhìn nhau thở hồi lâu, chẳng ai cất lời nói gì cả.
-         Anh lần đầu chạy hả? – Bà béo ưỡn ngực, hơi lấy lại được trạng thái bình thường trước ông.
-         Ờ …vâng, dạ vâng. – Trưởng Đào vẫn chưa hoàn toàn lấy lại tình trạng bình thường, giọng nói còn bị át đi bởi hơi thở từ khí quản dồn ra.
-         Tôi cũng mới chạy lần đầu – Bà béo lại hỏi – Anh mệt không?
-          Mệt thì mệt rồi. Nhưng … nghe nói là có thể sống lâu mạnh khỏe. – Trưởng Đào thở hổn hển gượng nói.
-         Tôi thì chả mong sống lâu trăm tuổi. Chỉ cần có thể sống thoải mái bảy năm nữa là hài lòng thỏa dạ lắm rồi! – Bà béo vừa lau mồ hôi vừa nói.
Trưởng Đào vừa gật gật đầu đáp lại chợt sững người ra. Sao, bà ấy cũng muốn cuộc đời dài thêm bảy năm nữa ư? Người bạn chỉ vừa mới cùng chạy với ông chưa đầy một trăm mét, hóa ra lại có mong ước về quãng đời sắp tới dài ngắn y như ông vậy?
II.
Từ đó bọn họ kết bạn với nhau, có lẽ là bởi họ đều là người mới chạy. Bà béo khắp người chỗ nào cũng có mỡ thừa, và những khối thịt nung núc mềm nhũn. Chỉ cần cử động người là toàn thân rung rinh lay động, y như một chiếc túi ni-lon đựng đầy dầu ăn, đứng lại rồi vẫn còn lay động mãi không dừng. Điều đó trở thành một gánh nặng khi bà chạy bộ, nó khiến tốc độ của bà ta vừa vặn phù hợp với tốc độ sức suy lực kiệt của trưởng Đào.
Kết bạn cũng có cái hay, có thể thúc giục, lôi kéo, và đốc thúc lẫn nhau. Họ hẹn nhau mỗi ngày đúng năm giờ sáng thì cùng có mặt ở đầu phố. Gặp mặt rồi, cười với nhau một tiếng cho biết, rồi tiếp tục chạy mươi bước, lại gật đầu với nhau lần nữa, giống như hai búp bê đồ chơi đã vặn cót cùng chạy lật đật. Nhưng lần nào người đến đầu phố đợi đối phương trước cũng luôn là bà béo. Bà béo thích mặc chiếc áo thể thao màu xanh mực, đứng đó trông rất giống một cái bục bưu chính. Còn trưởng Đào? Thường là ông đến muộn. Về sau càng buổi đực buổi cái, ba ngày đánh cá, hai ngày phơi lưới. Hai người quen nhau rồi, bà béo mới phê bình ông một câu khách sáo:
-         Ông thiếu quyết tâm.
Trên khuôn mặt khô xác, không có mỡ của Trưởng Đào nở một nụ cười ngượng nghịu. Thực ra, ông đến muộn hoàn toàn không phải do lười nhác, mà chính là do chạy bộ kích thích sự hứng thú và mong muốn làm việc, đã khiến ông thức khuya làm việc, cho nên thường thường buổi sáng không bò dậy nổi. Đối với ông, cái ông mong muốn là sức lực và thời gian cần cho dự án đó. Một khi đã có sức khỏe rồi, sao lại không dùng? Cho đến lúc sức lực đã hết, mệt mỏi không gượng được nữa, ông mới lại nhớ đến lời bác sỹ Lý, nhớ đến chuyện chạy bộ. Khi đó ông mới lại đến với con đường dưới tán cây, gặp bà béo như mặt trời ngày ngày đúng giờ nhô lên ấy, ngượng ngùng nói một câu tỏ ý xin lỗi:
-         Từ nay trở đi, nói gì thì nói, tôi cũng phải kiên trì!
Ông vẫn chưa thực hiện được lời thề của mình. Còn bà béo ấy thì đúng giờ như một chiếc đồng hồ chạy tốt, giống như một người máy cứ thao tác theo đúng lập trình không sai một li, nghiêm túc thực hiện ý chí của mình. Trừ những ngày mưa to hay gió bắc từ cấp sáu trở lên, còn không một ngày nào mà bà ta bỏ qua. Trưởng Đào khâm phục nghị lực của bà ấy, đồng thời cũng lấy làm khó hiểu vô cùng về khởi nguồn của nghị lực ấy, cứ đoán mò đủ kiểu. Đặc biệt là, việc bà béo ấy nói với ông, cũng muốn kéo dài cuộc sống thêm bảy năm. Kỳ quái thật! Bảy năm ấy đối với bà ta có ý nghĩa đặc biệt gì không?
Một hôm, trưởng Đào ở nhà, tay kẹp điếu thuốc ngồi trên chiếc ghế song có tay vịn, suy nghĩ về một vấn đề khó trong công trình nghiên cứu chưa hoàn thành của mình. Bỗng có người gọi, vợ ông ra mở cửa. Qua câu chuyện của vợ với người khách đến nhà, ông nhận ra đó là bác sĩ Lý đến chơi, liền vội vã dụi điếu thuốc vẫn còn quá nửa, ném vào trong cái ống nhổ, bước ra cửa phòng đón bác sĩ Lý vào.
-         Thế nào rồi, bác trưởng Đào? Chạy bộ có hiệu quả không? – Bác sĩ Lý vừa bước vào vừa nói.
-         Tốt lắm, tốt lắm, thực sự có hiệu quả rõ ràng, tinh thần sức khỏe đều tiến triển, đến ngủ trưa cũng không muốn ngủ nữa. - Trưởng Đào cười hớn hở nói.
Bác sĩ Lý liếc nhìn đống sách vở, bản vẽ, tài liệu chất cao như núi trên cái bàn lớn bên cạnh và con mắt thiếu ngủ thâm quầng của trưởng Đào, đôi lông mày đậm của ông ta lại nghịch ngợm nhảy nhướn lên, trêu chọc bảo: “Không ngủ trưa thì tôi tin. Nhưng e là có chút sức khỏe rồi, đến ngủ tối cũng không chịu ngủ ấy chứ! Tôi còn ngờ rằng anh chạy bộ cũng chỉ là kiểu tùy hứng thôi. Thuốc cũng chưa cai hẳn!” Bác sĩ Lý cố ý hít hít cái mũi mấy cái, biểu thị ông có chứng cứ xác đáng từ hơi thuốc nhận ra trong phòng.
-         Không, không! – Trưởng Đào cuống lên xua xua cẳng tay gầy dài nghêu nói – Tôi công nhận, thi thoảng cũng có hút mấy hơi, nhưng chạy bộ thì tôi kiên trì rồi.
Vợ trưởng Đào đứng bên cạnh bảo: “Ông nghe bác ấy nói chưa! Một tuần chạy ba ngày cũng đã tốt lắm rồi.”
Bác sĩ Lý bật cười. Mặt trưởng Đào đỏ bừng lên, vội nói như chữa ngượng: “Bác Lý này, bác đừng nghe bà ấy. Tôi có một người bạn, đã hẹn ngày ngày gặp nhau ở đầu con đường chỗ vườn cây ngoài công viên Thắng Lợi để cùng chạy với nhau. Không tin, bác cứ ra đấy mà xem.”
-         Thật à? Là ai thế?
-         Vô tình gặp nhau ở đấy ấy mà. Một bà béo lắm.
-         Ồ?! – Bác sĩ Lý như nhận ra người quen – Có phải là bà Dương không?
-         Đúng rồi! Bác biết bà ấy?
-         Vô tình biết thôi – Giọng điệu bác sĩ Lý bỗng trở nên khắc bạc – Thân hình như cái vại nước đúng không? Nhưng nói vại nước cũng chưa chuẩn bằng nói thùng dầu, vì là toàn thân bà ta chỗ nào cũng là mỡ. Đó cũng là tôi khuyên bà ấy chạy bộ đấy! Nếu không sớm muộn bà ấy cũng bị mỡ dìm chết.
Câu nói của bác sĩ Lý khơi dậy sự tò mò của trưởng Đào. Ông không đừng được phải hỏi:
-         Bác đã biết bà ấy, vậy có chuyện này không rõ bác có biết không. Bà ấy nói với tôi, bà ấy chạy bộ không phải để sống lâu trăm tuổi, mà chỉ cần sống được bảy tám năm nữa là đủ. Mà tôi cũng giống thế, chỉ cần sống bảy tám năm. Bác nói xem có trùng hợp không, kỳ lạ không! Chỉ tội là tôi không biết bà ta cần sống bảy năm nữa là vì việc gì?
Bác sĩ Lý bỗng cười vang ha hả vẻ thích thú, cười đến nỗi hai bên má cũng như cái cằm ông rung lên bần bật, đôi lông mày đậm giống như hai con sâu róm đen nhảy nhót. Rồi nụ cười dần dần thu cả lại vào góc miệng đang ẩn chứa một ý vị khắc bạc. Ông đưa ra lời giải cho câu hỏi lý thú này của trưởng Đào:
-         Bà ấy nói bà ấy chạy bộ để có thể “sống thêm bảy tám năm nữa” cũng là tôi nói với bà ấy thế. Vừa hay là, tôi cũng nói với anh như vậy. Ai mà biết rằng hai người lại gặp nhau! Ông chồng bà béo ấy trước giải phóng có mở một xưởng sơn dầu, nhiều tiền lắm. Bà béo ấy chả phải làm gì, chỉ ngồi ăn không. Hồi đầu Cách mạng Văn hóa, tài khoản bị ngân hàng phong tỏa. Năm ngoái có chính sách mới ra, tất cả được trả lại cho bà ấy, có tới bảy tám ngàn đồng. Chồng bà ấy chết rồi, không con không cái, có mấy nhà họ hàng, quan hệ cũng không tốt. Bà ấy mới muốn tự mình tiêu cho bằng hết số tiền đó. Bà ta vốn đã không phải là gầy, đến lúc có tiền tiêu pha, lại càng phát phì thêm lên, béo đến nỗi buộc dây giày cũng khó. Đấy có lẽ đúng là loại người mà như Lê-Nin nói là “béo đến phát buồn”. Bà ấy đến tìm tôi, hỏi tôi xem phải làm thế nào. Tôi bảo, bà phải ăn kiêng, ít dùng dầu mỡ. Bà ấy không nghe, bảo: “Thà là sống ít đi mấy năm, chứ cứ phải ăn cho ngon lành. Đến ăn ngon mà cũng không được ăn, thì hỏi sống còn có ý nghĩa gì?”. Tôi nói: “Nếu bà cứ như thế, tất sẽ làm cho tim  mạch phải gánh gánh nặng, may ra chỉ sống được bốn năm năm nữa.” Bà ấy cuống lên, nói mình phải sống được bảy năm nữa trở ra, nếu không sẽ phải để tiền thừa lại cho người khác, nhưng bà ta lại chẳng muốn để lại cho ai cả. Tôi liền nghiêm giọng nói với bà ấy: “Thế thì bà phải dậy sớm chạy bộ đi! Chạy bộ có thể giúp bà tiêu hao mỡ thừa trên người, lại có thể giúp ăn ngon miệng. Nếu như bà kiên trì ngày nào cũng chạy, thì chuyện sống thêm bảy tám năm không thành vấn đề. Bà không cần phải lo về khoản tiền ấy nữa, chắc chắn sẽ sử dụng hết!” Thực ra chỉ là câu tôi nói đùa thế, ai ngờ bà ấy lại chạy thật! Hà hà …”
Vợ chồng trưởng Đào nghe xong, cười đến phát sặc. Vợ trưởng Đào nói với bác sĩ Lý:
-         Bác tệ quá, để cho bà béo ấy ngày ngày phải dậy từ gà gáy.
-         Không, không. Bà ấy chạy thế, thực sự sẽ có ích cho sức khỏe.- Bác sĩ Lý nói.
Trưởng Đào nhấc cái kính mắt xuống, lấy cái khăn tay mềm bằng sa trắng lau một lượt nước mắt cười văng xung quanh kính, bảo:
-         Nhưng phải nói bà ấy có nghị lực hơn tôi. Ngày nào cũng rất đúng giờ có mặt, tôi phải phục bà ấy.
-         Điều đó tất nhiên rồi! – Bác sĩ Lý bỗng trở lại vẻ nghiêm túc, dường như ông muốn nói mấy câu thật trịnh trọng, ngữ điệu cũng trầm lắng xuống. Ông quay mặt lại phía trưởng Đào nói – “Một người sống vì người khác, thì thường sẽ quên đi chính mình. Một người sống vì chính mình, thì thường muốn đặt mình lên vị trí hàng đầu trong cuộc sống. Ở phương diện đối xử với bản thân, tất nhiên anh không so được với bà ấy.”
Bác sĩ Lý thường ngày vốn thích nói bông đùa, bỗng lại thốt ra những câu nói đầy triết lý như vậy, khiến trưởng Đào nghe rất nhập tâm, cứ gật đầu liên tục để tán đồng. Vợ trưởng Đào ở bên cạnh bảo:
-         Bác sĩ Lý, lời ông nói rất đúng. Nhưng mà ông Đào nhà tôi dễ lại vin vào câu này của ông, mà không chịu rèn luyện mất.
Bác sĩ Lý nghe xong, quay mặt sang nhìn ông kỹ sư già đã trải qua nhiều năm bị thời cuộc hiểm nguy chà đạp mà vẫn còn nguyên chí lớn trong lòng, khiến người khác phải kính nể, nói với tất cả sự ấm áp, chân thành:
-         Anh trưởng Đào, chúng ta cũng nên yêu quý bản thân mình, đó đâu phải là vì chúng ta. Đúng không?
III
Một năm sau, một ngày chủ nhật đầu xuân, bác sĩ Lý đang ngồi ăn cơm sáng ở nhà. Từ ngoài cửa sổ mở hé, một làn gió xuân thổi tới, mang theo hơi thở của những mầm non mới nhú, khơi gợi niềm hứng thú làm việc của ông. Ông dự tính ăn sáng xong, sẽ dùng thời gian cả một ngày hiếm có này, phiên dịch một chương khá dài trong cuốn sách ngoại văn về y học. Lúc ấy chợt có người đến thăm, ông lật đật mở cửa, đứng chặn trước cửa là một người đàn bà to khỏe chắc chắn, mặt mũi hồng hào. Ông vẫn còn chưa kịp nhận ra là ai, thì người đàn bà ấy đã nói oang oang:
-         Tôi là Dương đây ạ! Ông không nhận ra tôi à?
Ồ, hóa ra đó là bà béo dậy sớm chạy bộ ấy. Ông mời bà ấy vào phòng, cùng ngồi đối diện với nhau. Nhìn ngắm khắp một lượt, bà béo ấy so với ngày xưa đúng là thay đổi khiến người ta phải kinh ngạc, giống như một con gà mái béo đã luộc qua nước sôi sùng sục, thịt trên người đều co săn cả lại, cái bụng căng tròn ra cũng đã gọn hơn, không còn cảm giác núng na núng nính nữa. Cái cằm trước kia tròn xoe xệ thành hai lớp, giờ cũng bớt đi một lớp, hiện rõ hình cái cằm. Hai con mắt sáng sủa có thần, như người đời Tống vẽ mắt chim, dùng sơn sống điểm mắt, vừa đen vừa bóng vậy. Chân bà ta đi một đôi giày đá bóng màu xanh lam, cánh tay vắt một chiếc áo gió, một tay cầm chiếc túi lưới bên trong là một tảng thịt bò tươi rất lớn. Nhìn dáng vẻ, chắc là bà ấy mới chạy bộ trở về, tỏa ra một khí thế và sức sống của gốc cây già xanh tươi trở lại. Bà ấy hào hứng nói với bác sĩ Lý: “Tôi nghe lời bác sĩ, dậy sớm chạy bộ, đúng là rất tốt! Khỏe khoắn cả người, ngồi cũng không yên, phải dậy đi ra chợ, đi một lần cả nửa ngày mà chẳng mệt mỏi gì. Tì vị cũng rất tốt, ông xem tảng thịt bò trong túi này, tôi một bữa có thể ăn hết bay. Mà này, ông nhìn xem, xem bắp chân tôi này …” – bà vừa nói vừa kéo ống quần, để lộ ra bắp chân to chắc, cổ chân vừa hơi động đậy, thì bắp chân đã cuộn lên khối cơ bắp hình trái xoan rắn câng câng. Bà ấy nhìn thấy trong ánh mắt bác sĩ Lý một sự kinh ngạc, rất đắc ý và tự hào, lại khoe tiếp: “Tôi luôn kiên trì ngày nào cũng chạy. Ông có biết không, rất nhiều người không kiên trì, chạy được một thời gian lại không chạy nữa. Tôi không thế. Tôi chạy!”
-         Tôi biết. Có một người cùng chạy với bà được mấy tháng rồi không chạy nữa!
-         Ai?
-         Kỹ sư trưởng Đào. Một ông cao gầy, đeo kính mắt ấy. Không biết bà còn nhớ không?
-         Nhớ, nhớ rõ lắm! Ông cũng biết ông ấy à? Ông này kém lắm. Chưa từng bao giờ chạy liên tục được ba ngày trở lên, cứ bữa đực bữa cái. Gần một năm nay, chẳng thấy bóng dáng ông ấy đâu nữa. Loại người này ý chí kém cỏi, không có quyết tâm, chẳng làm nên được việc lớn gì cả! – Bà ta khinh miệt bĩu môi – Tôi không coi loại người ấy ra gì!
Bác sĩ Lý ngó khuôn mặt béo tốt của bà ta, nhờ có dinh dưỡng và chăm sóc tốt nên sắc mặt càng sáng láng, nở một nụ cười châm chọc:
-         Nhưng theo như tôi biết, ông ta đã hoàn thành một việc lớn rồi đấy!
-         Việc gì thế?
-         Ông ta nghiên cứu ra một phương pháp chế biến muối mới, lại tự động hóa toàn bộ, làm sản lượng nâng cao kinh người, gấp mấy chục lần.
-         Vâng – Bà béo chẳng có vẻ gì rung động, tiện mồm lại hỏi – Ông ấy vẫn khỏe chứ ạ?
-         Không! Ông ấy làm việc suốt ngày suốt đêm, quỵ rồi. Vừa hoàn thành công trình nghiên cứu thì bị tắc mạch máu não, phải vào nhập viện, e là ngay cả việc muốn bình phục lại cũng còn khó!
-         Thế nghiên cứu ra rồi để làm gì, người thì hỏng rồi! Tôi thì ngược lại chả tội gì đày đọa thân xác mình.  Sức khỏe tốt cũng là một sự hưởng thụ. Nếu như ông ấy cũng chạy bộ với tôi, thì đã không đến nỗi quỵ, ông ấy phải chạy mới đúng! – Bà béo nói. Khí lực bà ta rất tốt, nói chuyện cứ oang oang như quát.
-         Bà nói cũng phải. Năm kia, khi ông ấy bắt đầu công trình nghiên cứu này, sức khỏe kém lắm. Mà nghiên cứu công trình này, phải cần thời gian bảy năm ….”
-         Sao cơ? Cũng là bảy năm? – Bà béo sững người, liên tưởng đến bản thân mình, cảm thấy thật là trùng hợp.
-         Vâng! Bảy năm, cũng giống như bà, cũng cần đến bảy năm. Tất nhiên, bảy năm ấy dùng làm gì thì hoàn toàn khác. Tôi khuyên ông ấy chạy bộ, cũng nói với ông ấy, “kiên trì chạy hàng ngày, có thể sống thêm bảy tám năm trở nên.” Thế là ông ấy chạy. Nhưng sau đó, công trình nghiên cứu của ông ấy có bước đột phá, không cần phải mất bảy năm, chỉ cần khoảng một năm là đủ rồi. Thế là ông ấy không chịu bỏ ra mỗi ngày hơn một tiếng đồng hồ để chạy bộ nữa, sợ không thể đưa ra kết quả nghiên cứu một cách nhanh nhất. Ông ấy không chạy nữa, bò ra bàn, làm liền một mạch bốn trăm ngày, làm đến kiệt sức!”
-         Cái kiểu người thật không thể hiểu nổi …  - Bà béo lắc đầu chán ngán.
Bác sĩ Lý cảm thấy lời nói của bà béo chỉ biết coi việc tiêu hóa thức ăn làm mục đích cuộc sống kia, chẳng phải chỉ là sỉ nhục riêng trưởng Đào, mà còn sỉ nhục cả chính mình. Ông không đừng được bảo:
-         Thế đấy! Có rất nhiều người mà thái độ ứng xử với mạng sống của mình, thật sự khiến người khác không thể hiểu nổi. Đó là do nhận thức khác nhau của mọi người đối với giá trị của cuộc sống. Đúng không?
Bà béo nghe xong, tuy mơ hồ nhưng cũng cảm thấy được trong lời nói và ánh mắt của đối phương, đều lộ rõ một sự giễu cợt với mình. Bà ta cáo từ ra về trong tâm trạng không được vui vẻ.
Cho đến hôm nay, mỗi sáng sớm, trên con đường ướt đâm sương đêm dưới tán cây bên ngoài công viên Thắng Lợi, vẫn có thể thấy một đàn bà béo tốt đang chạy bộ như hồi nào. Tất nhiên bà ta là một người chạy lão luyện rồi. Hai bắp chân đã được rèn luyện lâu ngày to chắc như chân trâu đực, sải những bước chạy nhẹ nhàng, mềm dẻo, lại có tiết tấu. Sau lưng áo phông một vầng mồ hôi thấm ướt to như cái bánh đa. Hơn thế nữa, không có một ngày nào là bà ta gián đoạn. Trong màn mưa bay bay mịt mù, bà ta còn cầm cả cái ô cán nhựa vải đen để chạy, dù rằng hình ảnh ấy trong con mắt những người đi đường nó thật buồn cười./.

(Châu Hải Đường dịch)

Chú thích:
(1) Họ Toại Nhân: tức Toại Nhân thị, theo truyền thuyết cổ Trung Quốc là người tìm ra lửa, dạy người cổ đại biết ăn đồ ăn chin.
(2) Mười năm tai họa: chỉ thời gian mười năm Cách mạng Văn hóa Trung Quốc từ 1966 đến 1976.



Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

VĂN HỌC TRONG LÒNG TÔI - Phùng Ký Tài

                                                                                                           (Châu Hải Đường dịch)


Văn học chân chính cũng giống như tình yêu chân chính, là đi tìm hạnh phúc trong sự khổ đau.

I.

Có người nói tôi là kẻ may mắn trong văn học, có người nói tôi có phúc tướng, có người nói tôi gặp thời vận tốt. Những bạn nói các câu này, tất nhiên còn ẩn chứa bên trong một thâm ý khác nữa.
Tôi thì tin rằng, ai từng là người bất hạnh trong cuộc sống, thì người đó đã có điều kiện để trở thành kẻ may mắn trong văn học. Ai từng phải đầm mình lặn lội trong dòng sông tai họa của cuộc sống, thì người đó có thể trở nên một kẻ có phúc tướng sáng láng. Sau khi cuộc đời cướp bóc bạn một trận thỏa thuê, nó mới đem văn học tặng lại cho bạn. Văn học là kết quả khổ đau của cuộc sống, cho dù thứ quả ấy có một hương vị thật ngọt ngào.
Tôi lớn lên trong thời gian mười năm đại động loạn. Cuộc sống rất khắc nghiệt, nó không đùa với tôi. Bởi vì không có con đường gập ghềnh của cuộc sống, không có hoạn nạn mài dũa, không có hi sinh, thì cũng sẽ không có văn học với sức sáng tạo chân chính, có phát hiện, có giá trị. Ngược lại, tôi thường oán trách cuộc sống quá ưu ái và khoan dung đối với mình. Nếu như nó đẩy tôi đến những tầng sâu hơn nữa, tôi có thể đã tìm thấy chân lý thực sự của cuộc sống một cách sâu sắc hơn. Giữa hưởng lạc và khổ đau, người thực sự có chí hướng ở văn học, nhất định sẽ sẵn sàng lựa chọn điều thứ hai.
Vì thế, tôi lại thừa nhận rằng, mình là người may mắn.
Cuộc đại động loạn và đại biến cách ấy, khiến xã hội từ hình phẳng trở thành hình lập thể, từ đơn nhất trở nên rối loạn, trong cái vỏ đã nẻ toác như mai rùa, lộ rõ màu sắc từ tận tầng đáy. Màu sắc dưới đáy thường là màu cơ bản. Sông hồ biển cả chỉ trong những cơn sóng to gió lớn mới lộ ra tất cả những gì ẩn chứa bên trong mình. Phàm người ta khi trải qua những sự biến lớn, lại được nhận thức đến cùng, chắc chắn có thể có được những tài sản tinh thần quý báu không gì so sánh được. Bởi vì giá trị giáo huấn của nó không hề thua kém kinh nghiệm của sự thành công. Từ trong đó, tôi đã học được những thứ mà hàng trăm năm thái bình thịnh trị chưa chắc có thể học được. Cho nên khi chúng tôi cầm bút lên, chẳng cần phải tự cho là kẻ đa tình, làm bộ làm tịch, để viết lên thơ gượng nói sầu. Nội tâm sung túc và no đủ, cái cần thiết chỉ là ngôn ngữ giản dị sáng sủa và chính xác. Chúng tôi dường như chỉ cần nói ra một chút về sự thật những gì tai nghe mắt thấy, đã làm cảm động lòng người hơn cả những gì mà một tác giả có sức tượng tưởng giỏi nhất thời xưa hư cấu ra. Trước tiên, cái tôi thu hoạch được là trách nhiệm xã hội nghiêm túc, và phát hiện ra thứ tôi có thể dùng để thể hiện trách nhiệm với xã hội là giấy và bút. Tôi rót trách nhiệm ấy vào bầu mực trong quản bút, cây bút trở nên thật nặng nề, nếu tôi đem tất cả những gì trong quản bút ấy dốc ra trang giấy – đó chính là cái mà tôi mong mỏi, cái mà tôi tìm kiếm, văn học trong lòng tôi.
Cuộc sống biến đổi từng giây từng phút không ngừng. Văn học lần theo dấu vết của nó.
Tư tưởng và cuộc sống, cũng giống như Tolstoy nói, là một chiếc xe ngựa phi nhanh từ sườn núi xuống dốc, không rõ là ngựa kéo xe hay là xe đẩy ngựa. Nhà văn cần phải vươn ra tất cả những xúc tu cảm nhận và những xúc giác có thể thăm dò, luôn tìm đến những nơi sâu xa của cuộc sống, cùng với những người trong thời đại của mình đau đớn suy nghĩ tìm tòi con đường để đi tới một ngày mai hạnh phúc trong lý tưởng. Nếu như không phải như thế, văn học cao thượng sẽ không còn tồn tại.
Văn học là một sứ mệnh, cũng là một sự phục dịch suốt đời vừa ngọt ngào vừa đau khổ. Chẳng trách thường có người mắng tôi là ngu ngốc. Không sai, đúng là ngu ngốc! Quá nửa những sự việc trong cuộc đời này, chính là do những kẻ ngốc thằng đần làm ra bằng kiểu này hay kiểu khác.

II.

Tìm kiếm văn học, là sự tìm kiếm của nhà văn đối với cuộc đời.
Cuộc đời rộng lớn như sa mạc mênh mông không có đường đi, càng không có người dẫn đường, chỉ có một cái đích đẹp đẽ, xa xôi không nhìn thấy được cắm trong tim mình. Đi thế nào đây? Không biết. Trong chuyến đi dài và gian khó này, có khi sẽ hoang mang vì không biết phương hướng, có khi sẽ vì quá cô đơn mà do dự không tiến bước, có khi trong lòng tràn đầy tự tin, mạnh mẽ như cọp, có khi lại nắm tay đấm thùm thụp vào cái đầu trống rỗng của mình. Bất kể là hưng phấn, bằng lòng, kiêu ngạo, hay là chán nản, tự ti, hối hận, tất cả đều từng xâm chiếm lòng mình. Tâm tình giống như thời tiết, khi nóng khi lạnh. Cõi lòng thì tựa bầu trời, khi sáng khi tối. Đó là cuộc chiến đấu giữa niềm tin và phần yếu đuối trong ý chí. Mỗi một bước đi của cuộc đời đều cùng lúc vừa phải chống đỡ với những khó khăn từ bên ngoài, vừa phải vượt qua những chướng ngại của chính mình, mới có thể tiến bước lên phía trước. Tiền đồ của xã hội mọi người đều cùng nhau phấn đấu để giành lấy, nhưng con đường của cá nhân thì phải tự mình mở mang từng chút một. Vừa mở mang, vừa đi, đến chết cũng không biết mình đã đi được bao xa. Người chân chính đều sử dụng sự nghiệp của mình để tìm kiếm giá trị của cuộc sống. Nhà văn còn phải trực tiếp tìm hiểu hàm nghĩa của giá trị ấy.
Tìm kiếm văn học, cũng là sự tìm kiếm của nhà văn đối với nghệ thuật.
Trên cánh đồng hoang của nghệ thuật, cũng phải trải qua sự vất vả tìm kiếm đường đi. Tất cả những con đường mà người trước đã đi qua, đều là con đường ở phía sau lưng mình. Chỉ có đi ngao du tham quan thắng cảnh, mới có những con đường quen thuộc có đầy đủ xe pháo chờ đón sẵn sàng. Nhà văn nghiêm túc phải có những phát hiện cho cuộc sống của chính mình, sáng tạo phương thức biểu đạt phù hợp. Nói một cách nghiêm túc, mỗi một phương thức, chỉ thích hợp với một nội dung biểu đạt nhất định của nó, một nội dung khác lại cần phải tìm kiếm một phương thức mới khác.
Văn học không cho phép sự giống nhau, bất kể là với người khác hay là bới chính mình. Đối với nhà văn, ngay một câu cách ngôn chí lý đã dùng qua cũng không thể lại xuất hiện dưới ngòi bút của mình, nếu không sẽ mắc lỗi sao chép của chính mình.
Tuy nhiên, vượt qua người khác không dễ, vượt qua chính mình còn khó hơn. Một nhà văn dựa vào sự trải nghiệm, cảm thụ và phát hiện cuộc sống cũng như kiến giải mỹ học riêng có của mình, có thể vượt qua người khác, sự vượt trội đó trên thực tế cũng là một sự khác biệt. Nhưng một khi anh ta đã lộ ra diện mạo của mình, nếu muốn khác với chính mình, đổi một khuôn mặt khác, thì còn khó khăn hơn rất nhiều. Do vậy, đại đa số những tác phẩm tạo nên tên tuổi của nhà văn, chính là đỉnh cao trong sáng tác của họ. Nếu muốn vượt qua đỉnh cao đó, thì cũng giống  như phải tự mình đứng lên vai của mình vậy. Có người tìm cách thay đổi hình thức nghệ thuật, có người bận rộn gom thêm nội dung cuộc sống. Nhưng, nếu chỉ dựa vào sự mới mẻ về nghệ thuật, cuối cùng chỉ có thể khiến cho tác phẩm biến thành một cái vỏ chói mắt nhưng nhẹ hều. Vội thu gom những chất liệu từ trong cuộc sống, lại không phải một sớm một chiều có thể gặt hái được. Nghệ thuật là một triền dốc, giữa chừng không thể dừng lại, nếu anh không trèo lên anh sẽ bị trôi tuột xuống. Mỗi một nhà văn đều phải trải qua những thời kỳ buồn khổ với sáng tác. Có người bước được ra khỏi nỗi buồn khổ ấy, có người sụp đổ trong nỗi buồn khổ ấy. Bất kỳ sự vật gì cũng đều có hạn chế, bên ngoài hạn chế đó mới là giới hạn cuối cùng. Sức người chỉ cho phép đạt đến giới hạn cuối cùng, nếu không sớm muộn cũng có một ngày, tôi nhất định sẽ bó tay hết cách, tằm già nến cạn, chỉ còn biết chính mình bắt chước mình, bạn đọc sẽ hét vào mặt tôi: “Ông Phùng! Ông đến đây là hết rồi!”. Giống như một câu ngạn ngữ Nga: “Chó già không biết diễn trò mới”. Sự thay thế trên văn đàn cũng vô tình như sự đào thải của tự nhiên, vì thế phải đem hết toàn bộ con người mình vẽ nên một đường parabol không đẹp lắm, để ném ra văn đàn. Điều ấy cũng không hề gì, chỉ cần ta từng lưu lại một chút gì đó ở nơi ấy, thế là đủ.
Đã sống thì đừng sống hoài sống phí, đó là hạnh phúc và an ủi lớn nhất của cuộc đời. Nhưng, nếu như tôi đem nỗ lực suốt đời ra chỉ để có thể góp thêm cho văn học một cái gì mới, thì đó sẽ là việc đáng tiếc nhất suốt cuộc đời tôi.
Tôi sẽ nói mình: Đúng là một thằng ngốc!

III.

Một nhà văn cần có những tố chất gì?
Khả năng tưởng tượng, khả năng phát hiện, khả năng cảm thụ, khả năng quan sát, khả năng nắm bắt, khả năng phán đoán; Tư duy hình tượng sống động và tư duy logic nghiêm túc; Tri thức về cuộc sống tổng hợp và sự bồi dưỡng về nghệ thuật toàn diện nhiều nhất có thể. Phải khéo, phải vụng, phải linh hoạt, phải mềm dẻo, phải có sự ham muốn khám phá thế giới xung quanh, phải nuôi dưỡng mẫn cảm đối với từng chi tiết riêng có các sự vật muôn hình muôn vẻ, phải nắm bắt được chắn chắn và chuẩn xác từng cử chỉ điệu bộ, dáng vẻ lời nói, nét mặt nụ cười của đủ loại kiểu người. Và đối với tất cả những điều đó, mênh mông nhất hay chi li nhất, hữu hình hay vô hình, vận động hay tĩnh lặng, rõ ràng rành mạch hay mông lung mơ hồ, đều phải có khả năng biểu đạt ra một cách chuẩn xác. Ngòi bút phải như mũi kim của nghệ nhân thêu đất Tương, bố cục phải như Napoleon bày trận, trong tay mình gần như thật sự có phép thuật, đem tất cả những thứ không có sự sống ấy thổi vào một linh hồn cho chúng trở nên sống động linh hoạt. Ngoài ra còn cần phải có cảm giác linh mẫn, tình cảm tràn đầy, tầm mắt rộng lớn. Nội tâm của nhà văn là một vũ đài nhỏ, là mô hình thu nhỏ của vũ đài xã hội, tất cả những gì của cuộc sống, qua sự nhào nặn của nghệ thuật, đều diễn lại ở đó. Hơn nữa nó còn phải không ngừng thay đổi nhân vật, phông cảnh, không khí và cảm hứng. Biểu hiện cao nhất khả năng của nhà văn, là sáng tạo ra những nhân vật mới mẻ, có đầy đủ ý nghĩa điển hình và giá trị thẩm mỹ ở trên sân khấu đó.
Mình đã có được bao nhiêu trong số những tố chất đó? Không biết là thiếu bao nhiêu, mà biết cũng không làm được gì. Trước khi sinh ra đã thiếu hụt, sau khi sinh ra cũng không thể thêm vào. Hơn nữa trong văn học nghệ thuật, sở đoản có thể biến thành sở trường, điểm thiếu sót là điều kiện cần có để tạo nên một phong cách nào đó. Chữ của nhà thư pháp viết tay trái, bức tranh của họa sĩ bị tật về mắt, bài hát có giọng khàn làm mọi người say mê của một ca sĩ nói tiếng khàn, cũng giống như vẻ đẹp của vầng trăng khuyết mà trăng tròn không thể thay thế được. Không ít các nhà văn không đủ khả năng xây dựng những tác phẩm đồ sộ, đã trở thành những bậc thầy về truyện ngắn tinh tế lung linh. Không có một nhà văn nào là có đầy đủ các điều kiện, nhưng họ đều có những sở trường về nghệ thuật riêng của mình. Nhà văn còn phải có một tài năng, đó là biết về mình, đi vào sở trường, tránh sở đoản, phát huy ưu thế, khiến cho khí chất của mình trở thành nét đặc sắc về nghệ thuật, cùng với việc thành công về nghệ thuật, cũng là thành công về con người mình.
Nhận thức về mình không hề dễ hơn nhận thức về thế giới. Nhà văn có thể nhìn thấy rất rõ người khác, nhưng với bản thân mình thường rất mơ hồ, và không tỉnh ngộ. Tôi đã viết đủ các thể loại tác phẩm, đến nay không biết loại nào thực sự là của mình. Có cái thiên về triết lý, có cái lại chú trọng trữ tình, có cái đau buồn, có cái hài hước, tôi đều cảm thấy tất cả là của mình. - Đau buồn mới là khí chất của tôi? Vui sướng mới là hóa thân của tôi? Tôi là người suy nghĩ sâu xa hay là tùy hứng? Tôi làm sao lúc thì cổ đại lúc lại hiện đại? Bỗng nhiên thì đi vào tình điệu nước ngoài, bỗng nhiên lại đi vào phong vị quê hương? Tôi giống như thày bói xem voi, lúc này thì sờ được vào cái chân to lớn vững chãi, lúc sau lại sờ đến cái tai vừa rộng vừa mềm, lúc nữa lại sờ đến cái ngà vô cùng sắc nhọn. Cái gì cũng thấy giống mình, cái gì lại cũng chẳng phải mình. Có người hỏi phong cách của tôi là gì, tôi cười bảo: Tôi không quan tâm đến điều đó. Tất cả sức lực của tôi là để làm việc, là đem hết tất cả những gì mình có dâng hiến cho bạn đọc. Phong cách không chỉ là vẻ ngoài của tác phẩm, nó là một chỉnh thể vừa hài hòa vừa phức tạp. Nó giống như một con người, tồn tại một cách thực sự rõ ràng, nhưng lại khó nói ra cho rành mạch. Trong tác phẩm của mình, nhà văn ngoài việc miêu tả rất nhiều sinh mệnh ra, còn có một sinh mệnh nữa, đó chính là sinh mệnh của nhà văn. Phong cách là khí chất của nhà văn, là hơi thở của một sinh mệnh sống động, là một linh hồn khác biệt với vẻ đẹp riêng của nó mà ta có thể cảm nhận được.
Vì thế, nhà văn đã biến sinh mệnh của mình thành từng cuốn từng cuốn sách. Cho đến một ngày sinh mệnh của anh ta kết thúc, thì những cuốn sách mà anh ta viết, những cuốn sách làm rung động trái tim, làm dâng tràn tình cảm, làm cháy lên yêu ghét, những cuốn sách tỏa ra khí chất riêng có của anh ta, vẫn còn trên cõi đời giống như chính bản thân nhà văn vậy. Nếu như thứ nhà văn để lại không phải chính mình, không phải là cuộc sống mà anh ta cảm nhận được một cách thiết thực, không phải là sáng tạo mà là bắt chước, thì tự nhiên nó sẽ bị hậu thế thậm chí ngay hiện thế phế bỏ.
Nhà văn phải chịu đem bản thân mình trao cho độc giả. Viết ra những điều mình nghĩ, không sợ chính mình trong tương lai có thể phản đối chính mình của ngày hôm nay. Com tim khi cầm lên cây bút giống như lòng thành của một tín đồ, thánh thiện và bình thản. Phép tắc của tư tưởng là trong sạch và ngay thẳng, phép tắc của nội dung là chân thực, phép tắc của nghệ thuật là cái đẹp. Không lấy văn chương để trang điểm cho mình, chỉ có thể phủ định và thay đổi bản thân mình để hoàn thiện cho nghệ thuật. Nhà văn khi phê phán thế giới cần phải có dũng khí, khi phê phán chính mình cần phải có dũng khí lớn hơn. Độc giả mong muốn được nhìn thấy những nhân vật chân thực mà không nhất định phải hoàn mỹ trong tác phẩm, cũng mong muốn nhìn thấy một nhà văn thật sự dù có thể tự mâu thuẫn với chính mình. Sau khi vứt bỏ tất cả mọi thứ của mình, văn học sẽ tự nhiên ra đời, cũng giống như mặt trời khi đốt cháy chính mình mới tỏa ra ánh sáng.
Nếu như nhà văn biến chính mình thành tác phẩm, thì tên tuổi trên tác phẩm, cũng giống như cái rốn trên cơ thể người, có thể có, có thể không, hoàn toàn vô dụng, chẳng qua là theo tập quán, không có cái tên ấy thì dường như chưa phải là một cơ thể đầy đủ mà thôi – Xin nói vui một câu như vậy. Tôi muốn nói rằng, nhà văn không cần hưởng thụ một cái gì bên ngoài văn học. Đó chính là văn học trong lòng tôi!
                                                                                                
                                                                                       Thiên Tân -Tháng 1/1984

                                                                                     (Văn Nghệ Trẻ số 23 /2013) 

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

TẢN VĂN HÓA TRONG TIỂU THUYẾT - (Uông Tăng Kỳ)


Tản Văn Hóa dường như là một loại hình (không phải là duy nhất) của xu thế tiểu thuyết trên thế giới. Trong tập “Bút Ký Người Đi Săn” của Turgenev có một số truyện gần giống như tản văn, đến “Thảo Nguyên Bezhin” thì càng là như vậy. Tác phẩm “Những bức thư từ xưởng xay” của Daudet (nhà văn Đức- ND) cũng như vậy. Các tác giả đã có ý dùng hình thức “”Nhật ký”, “Thư” để làm tiêu đề cho tập sách, biểu thị rằng các câu chuyện trong cuốn sách này, không phải là những truyện ngắn mang một ý nghĩa nghiêm túc như truyền thống vốn có của nó. Chekhov có một số truyện ngắn viết rất nhẹ nhàng, tùy ý. “Sợ Hãi” thực sự không giống như một tiểu thuyết, mà giống như một thiên tạp ký. Rất nhiều tiểu thuyết của Azorin (nhà văn Tây Ban Nha - ND) có thể gọi là tản văn mà không phải đắn đo gì cả, nhưng chính ông lại cho đó là tiểu thuyết. Có một số tác phẩm hoàn toàn không thể gọi là tiểu thuyết, thì được gọi là “Tiểu phẩm”, ví dụ như: “Ông Azorin là một người kỳ quái”. Những tiểu thuyết mang màu sắc tự truyện của Saroyan (tác giả người Mỹ - ND) là những thiên hồi ký mang đầy tính văn học. “Cố hương” của Lỗ Tấn viết rất tản mát. Tác phẩm “Xã Hí” là tiểu thuyết ư? Nhưng Lỗ Tấn lại không đưa nó vào tập tản văn “Nhặt Cánh Hoa Chiều”, mà lại xếp nó vào trong tập tiểu thuyết. Tác phẩm “Câu Chuyện Rừng Trúc” của Phế Danh có thể nói là thơ tản văn có tính liên tục. “Câu chuyện sông Hô Lan” của Tiêu Hồng hoàn toàn không có sự kiện gì. “Trường Hà” của Thẩm Tòng Văn là một bộ trường thiên tiểu thuyết rất kỳ lạ. Nó không có cao trào lên cao, xuống thấp, mở ra đóng vào, không có kịch tính mạnh mẽ, không có đỉnh cao, không có gay cấn, chỉ là một sự bình thản, tĩnh lặng, chậm rãi tiến về phía trước, giống hệt như một dòng sông trôi đi mà cuốn tiểu thuyết này nói tới. Đó chính là một bộ trường thiên tiểu thuyết được tản văn hóa. Có thể nói, tiểu thuyết truyền thống, trên một ý nghĩa nghiêm túc giống như núi, còn tiểu thuyết được tản văn hóa thì giống như nước vậy.

Tiểu thuyết tản văn, thường không viết về những đề tài trọng đại. Trong con mắt của tác giả tiểu thuyết tản văn, đề tài không có gì đáng nói. Cái mà họ tập trung vào thường lại là những chuyện nhỏ, một góc, một mảnh nhỏ của cuộc sống. Dù cho có một đề tài lớn, họ cũng sẽ biến nó từ chuyện lớn thành nhỏ. Tiểu thuyết tản văn không có nhiều khả năng dung nạp những tư tưởng quá nghiêm túc, quá cao xa. Tác giả của những tiểu thuyết loại này đại bộ phận là những người có tính cách ôn hòa, họ không muốn khảo vấn thế giới này như kiểu Dostoevsky, hay hoài nghi lạnh nhạt với nó như kiểu Kafka (nhà văn người Do Thái, viết bằng tiếng Đức – ND). Rất nhiều hiện thực tàn khốc, qua sự xử lý tản văn hóa, sẽ mất đi độ cứng vốn có của nó. Lỗ Tấn là một người có tính cách phức tạp. Ông vừa là một đấu sĩ cô độc, bi phẫn, đồng thời lại cực giàu tình cảm yếu mềm. Trong “Cố hương” và “Xã hí” có một nỗi buồn, một sự thê lương như nước thu, như hoàng hôn, khó có thể nói ra được. Thẩm Tòng Văn mong muốn qua tác phẩm “Trường Hà” “giải phẫu và miêu tả kỹ hơn về biểu hiện tính cách cũng như tâm hồn của người nông dân nơi này trong hai mươi năm trở lại đây đã bị thời đại ra sức đè nén uốn cong làm mất đi sự thật thà chất phác vốn có”. Đó là một tư tưởng vô cùng nghiêm túc, khiến người ta phải đau đớn. Ông “chỉ sợ tác phẩm khi đối diện với độc giả, chỉ đem đến cho độc giả một ấn tượng đau khổ”, cho nên “đặc biệt thêm vào một chút thú vị của bài hát mục đồng”. Trên thực tế, bộ phận trữ tình trong “Trường Hà” đã làm nhạt nhòa hẳn tư tưởng khổ đau đó. Tác giả của tiểu thuyết tản văn phần lớn là những nhà thơ trữ tình. Tiểu thuyết tản văn là thơ trữ tình, không phải sử thi. Vẻ đẹp của tiểu thuyết tản văn là vẻ đẹp nữ tính mềm mại, không phải là vẻ đẹp của nam tính mạnh mẽ. Là vẻ đẹp của hỷ kịch, không phải vẻ đẹp của bi kịch. Tiểu thuyết tản văn là dòng suối mát lành, không phải là thuốc đắng. Tác dụng của nó là nuôi nấng, không phải là trị liệu. Nói như vậy, tất nhiên cũng chỉ là tương đối.
Tiểu thuyết tản văn không đi quá sâu vào việc khắc họa nhân vật. Chúng không phải là một sự lý giải, cũng không quá chú tâm vào điển hình luận. Hemingway nói: Không tồn tại sự điển hình, điển hình là dối trá. Câu nói ấy nghe có vẻ trái tai, nhưng dưới sự ảnh hưởng của việc giải thích không chuẩn xác về điển hình luận, thực sự có một số nhà văn đã tạo ra hàng loạt hình tượng nhân vật rõ ràng, nổi bật, nhưng giả dối, không có thực. Yêu cầu một nhân vật giống như một nắm bọt biển, dung nạp vào trong mình nội dung xã hội nhiều như vậy, là rất khó khăn. Thông qua một nhân vật, nhìn ra được một thời đại, đó chỉ là điều nhà phê bình phân tích ra mà thôi, tác giả tiểu thuyết không nghĩ đến điều ấy trước đó. Nếu nghĩ đến trước đó, thì có lẽ tiểu thuyết ấy sẽ không thể viết ra nổi. Tác giả tiểu thuyết chỉ là nhìn thấy một người, cảm thấy có một điểm lạ, muốn viết một chút về anh ta, thế là viết. Chỉ như vậy thôi. Tác giả của tiểu thuyết tản văn thông thường không tiến hành khái quát về nhân vật. Nhìn thấy một ngàn bác sĩ, mới có thể viết ra được một bác sĩ. Phương pháp sáng tác như vậy e rằng chẳng có ai thật sự thực hành qua. Tác giả tiểu thuyết tản văn chỉ là vẽ ra một hai bông hồng, mà không muốn gom cả đống hoa hồng bỏ vào nồi chưng cất, để lấy tinh dầu hoa hồng. Tất nhiên, hoa hồng mà anh ta vẽ đã phải trải qua sự lựa chọn, phải có thể vẽ vào tranh được. Nhân vật trong tiểu thuyết tản văn không có tính khắc họa, đặc biệt là không có khả năng đem tinh thần của mình ngấm đến tận da thịt như Michelangelo được. Nó cũng không phải là tranh sơn dầu của Rembrandt. Nó chỉ là một chút Sketch, nhiều nhất cũng chỉ là tranh màu nhạt bút sắt của Repin. Hình tượng con người trong tiểu thuyết tản văn phải có thần. Chỉ nhẹ nhàng vài nét bút, đã thấy đủ thần đủ khí. Tác phẩm “Thế Thuyết Tân Ngữ” thực sự là một hình mẫu. Tiểu thuyết tản văn hóa, hầu hết không phải tiểu thuyết tâm lý. Những tiểu thuyết như vậy không đi vào kết cấu để đào xới sâu vào tâm lý của con người, tác giả của tiểu thuyết tản văn không thích từ “Đào Xới”. Con người ta có quyền gì để đào xới tâm hồn người khác? Lòng người luôn đóng kín. Vậy thì hãy để nó đóng kín đi.

Đặc trưng bên ngoài thấy rõ nhất của tiểu thuyết được tản văn hóa là kết cấu lỏng lẻo tản mát. Chỉ cần so sánh một chút giữa tiểu thuyết của Maupassant và Chekhov, có thể nhìn ra ngay sự khác biệt lý thú trong kết cấu giữa hai người. Maupassant, và cả O.Henry nữa, cả cuộc đời chơi trò kết cấu, nhưng họ lại cho thấy rõ sự ngốc nghếch, trên thực tế thì họ lại bị trò kết cấu chơi mình. Trong tiểu thuyết của họ, dấu vết nhân tạo rất nặng. Trong khi đó Chekhov dường như hoàn toàn không suy nghĩ đến việc kết cấu, viết rất nhẹ nhàng, tùy ý, tự tại. Ông vượt ra ngoài sự kết cấu, vì thế kết cấu trở nên vô cùng đa dạng. Chương Thái Viêm có luận về biền văn của Uông Trung rằng, “khởi và dừng tự tại, không có kiểu thủ vĩ hô ứng nữa.” Phá vỡ hình thức cố định, là đặc điểm kết cấu của tiểu thuyết tản văn. Ngụy Thúc Tử có luận về văn rằng: “người ta biết cái gọi là ẩn hiện, mà không biết rằng không có gì gọi là ẩn hiện cả, đó là đến cùng tận của ẩn hiện vậy; Người ta biết cái gọi là đứt nối mà không biết rằng không có cái gì là đứt nối cả, đó là đến cùng tận của đứt nối vậy.” (Bài tựa tập văn của Lục Huyền Phố). Kết cấu tác phẩm trong ngoài xưa nay, không nằm ngoài sự ẩn-hiện, đứt-nối. Vượt qua sự ẩn-hiện, đứt-nối, thì sẽ có được sự giải phóng về kết cấu. Tô Đông Pha có nói, “nên đi ở chỗ đáng đi, nên dừng ở chỗ không thể không dừng”, đó là nguyên tắc kết cấu mà tác giả tiểu thuyết tản văn tự biết phải tuân theo.
Ồ, lại còn tình tiết nữa. Tình tiết, điều đó không có gì cả.

Có một số tiểu thuyết tản văn thường chỉ viết về một loại ý cảnh. “Thảo nguyên Bezhin” đã viết về bao nhiêu sự việc? “Câu Chuyện Rừng Trúc” chỉ viết về sự cảm nhận của mấy đứa trẻ về khoảnh trời riêng của chúng, là một thiên “lưu thủy” (Các cửa hàng ở Trung Quốc thời trước gọi những phiếu ghi chép linh tinh hàng ngày là “lưu thủy”, đây là một từ vựng rất hay) về cuộc sống đầy ý thơ của chúng. Chương “Thu – Trong động có tĩnh” ở tác phẩm “Trường Hà” chỉ viết về những câu chuyện phiếm không ý tứ, không mục đích của một đám người qua đò, nhưng nó mới thân thiết làm sao, mới giàu hơi thở của cuộc sống làm sao. Thẩm Tòng Văn đã sáng tạo ra một ý cảnh tịch mịch và thê lương, một khoảnh khắc của mùa thu. Những tiểu thuyết tản văn đó cũng có thể được gọi là “nghệ thuật của sự tĩnh lặng”. Từ những tiêu đề “Thảo nguyên Bezhin”, “Thu – Trong động có tĩnh” đã có thể nhìn ra được điều đó. Tu viện mà Azorin viết cũng rất yên tĩnh. Âm thanh, màu sắc, mùi vị đều rất tĩnh lặng. Ánh mặt trời và chiếc bóng cũng tĩnh lặng. Những động tác, thần thái của con người cũng tĩnh lặng. Dây trường xuân trên tường cũng tĩnh lặng. Tiểu thuyết tản văn thường đều có một chút tình điệu hoài cựu. Thậm chí có ý vị ẩn dật. Điều đó có gì là không hay? Tôi không cho rằng ảnh hưởng mà một số tiểu thuyết như thế gây ra là tiêu cực. Tác giả của những tiểu thuyết như vậy rất yêu cuộc sống. Thái độ của họ với cuộc sống là thái độ ủng hộ. Họ không bao giờ quên cuộc sống đời thường sinh động và huyên náo bên ngoài cửa sổ.
Tác giả của những tiểu thuyết tản văn vô cùng dụng công trong ngôn ngữ. Họ biết rõ rằng, nếu bỏ ngôn ngữ đi, thì sẽ không tồn tại tiểu thuyết. Họ hy vọng ngôn từ của mình có đủ sự nhã trí, tinh xác, bình dị. Họ để thái độ đối với cuộc sống của mình được bộc lộ ra một cách tự nhiên từ từng dòng từng chữ, mà theo cách nói thông dụng ở phương tây hiện nay là: chú ý đến tính ám thị của ngôn ngữ đối với chủ đề. Họ không đem tính khuynh hướng “cố ý nói ra”. Tác giả tiểu thuyết tản văn không phải là nhà tiên tri, không phải là hiền triết, không phải là thượng đế cái gì cũng biết, cũng không phải là nhà diễn thuyết linh hoạt. Họ chỉ là những người bạn của độc giả. Vì thế, bản thân họ không câu thúc, và cũng mong muốn độc giả không bị câu thúc.

Tiểu thuyết tản văn hóa sẽ đem đến cho quan niệm về tiểu thuyết một chút biến hóa mới.

Bắc Kinh, ngày 17.11.1986

 (Châu Hải Đường dịch - Đăng trên Văn Nghệ Trẻ số 20 - 19/5/2013)




Vài nét về nhà văn Uông Tăng Kỳ


Uông Tăng Kỳ (5/3/1920 – 16/5/1997), người Cao Bưu, Giang Tô, là nhà văn, nhà viết kịch đương đại của Trung Quốc, là nhân vật đại biểu cho nhóm Kinh Phái. Ông tốt nghiệp Đại học Liên hợp Tây Nam từ khi còn rất trẻ, từng làm giáo viên trung học, cán bộ liên hiệp văn nghệ thành phố Bắc Kinh,biên tập báo “Văn Nghệ Bắc Kinh”, biên tập cho nhà hát kinh kịch Bắc Kinh. Ông giành được nhiều thành công trong sáng tác truyện ngắn. Ông có các tập truyện như: “Giải Cấu Tập”, các tiểu thuyết: “Thụ Giới”, “Đại Trác Ký Sự”, các tập tản văn như “Bồ Kiều Tập”, …Ông được đánh giá là người theo chủ nghĩa nhân đạo trữ tình, một bậc sĩ đại phu, một văn nhân thuần túy cuối cùng của Trung Quốc.

Năm 1940 ông bắt đầu viết tiểu thuyết, với sự hướng dẫn của thầy giáo là Thẩm Tòng Văn khi ấy dạy ở khoa Văn – Đại học Liên hợp Tây Nam. Năm 1943 sau khi tốt nghiệp đại học về làm giáo viên Trung học ở Côn Minh, Thượng Hải, ông đã xuất bản tập truyện ngắn: “Giải Cấu Tập”

Năm 1948 ông đến Bắc Bình, làm việc ở Viện bảo tàng Lịch sử, không lâu sau đó, ông tham gia đoàn công tác đi xuống phía nam của khu 4, quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, đi đến Vũ Hán được giữ lại tiếp quản các đơn vị giáo dục. Năm 1950 ông được điều về Bắc Kinh công tác ở các đoàn thể văn nghệ, tạp chí văn nghệ.

Năm 1956 ông cho ra đời kịch bản kinh kịch “Phạm Tiến trúng cử”

Năm 1958 ông bị cho là phái hữu, phải điều xuống ban nghiên cứu nông nghiệp ở Trương Gia Khẩu

Năm 1962 ông được điều về làm biên kịch ở đoàn Kinh Kịch Bắc Kinh. Năm 1963 xuất bản tập truyện cho thiếu nhi: “Buổi tối ở nhà Dê”. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, ông tham gia xây dựng kịch bản mẫu “Sa Gia Tân”.

Năm 1979, ông quay trở lại công việc sáng tác.

Từ những năm 1980 trở về sau, ông viết nhiều tiểu thuyết nói về phong tục, dân tình, trong thời Dân quốc, rất được hoan nghênh. Ông đã xuất bản các tập tiểu thuyết như: “Vãn Phạn Hoa Tập”, “Tuyển tập truyện ngắn Uông Tăng Kỳ”, tập bình luận văn học “Vãn Thúy Văn Đàm”… Tác phẩm “Đại Trác Ký Sự” của ông giành giải thưởng về truyện ngắn hay toàn quốc năm 1981. Các tác phẩm tương đối có ảnh hưởng khác của ông có thể kể đến: “Thụ Giới”, “Dị Bỉnh”, …Với phong cách giản dị, thanh đạm, thoát khỏi sự ồn ào rối loạn của ngoại giới, để tâm vào việc xây dựng thế giới nghệ thuật của mình, với văn phong hồn hậu giản dị, hấp thu một cách tự nhiên văn hóa truyền thống, mang đầy hơi thở quê hương, ông được coi là đi đầu trên phương diện viết tiểu thuyết bằng ngòi bút tản văn (tản văn hóa tiểu thuyết).

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Hoàng Sinh Tá Thư Thuyết - Viên Mai


Viên Mai (1716 - 1798) tự Tử Tài, hiệu Giản Trai, Tùy Viên lão nhân, người Tiền Đường (nay là Hàng Châu), đỗ Tiến sĩ thời Càn Long, từng làm tri huyện ở Lật Thủy, (nay thuộc Giang Tô), Giang Ninh (nay thuộc Nam Kinh). Sau khi từ quan ông dựng vườn Tùy Viên ở Tiểu Thương sơn phía tây Giang Ninh và ở đó. Viên Mai giỏi thơ văn, để lại một số tác phẩm như: "Tiểu Thương sơn phòng văn tập", "Tùy Viên thi thoại", "Tử bất ngữ" ... Bài thuyết dưới đây trích từ tập "Tiểu Thương Sơn phòng văn tập" của ông.




Hoàng sinh tên là Doãn Tu đến mượn sách, chủ nhân vườn Tùy đưa sách cho mượn, nhân bảo rằng: Sách nếu chẳng phải là đi mượn thì sẽ chẳng thể đọc được. Anh chẳng nghe về những người tàng thư đó sao? Thất lược, Tứ khố là sách của bậc thiên tử, nhưng thiên tử mà đọc sách thì có mấy người? Trâu chở nặng, nhà chứa đầy, là sách của những kẻ phú quý, nhưng phú quý mà đọc sách liệu được mấy người? Còn như ông cha cất trữ sách, rồi con cháu vứt bỏ đi chưa cần bàn đến. Chẳng phải chỉ có sách như vậy, phàm mọi vật dưới gầm giời này đều như thế. Nếu là vật cố đi mượn của người khác mà không phải của mình, tất sẽ lo sợ người ta đòi lại, nên luôn luôn nhìn ngắm xem chơi không rời, mà nhủ rằng: "Nay ở, mai đi, ta chẳng còn được thấy mi nữa." Còn nếu như đó là thứ của mình, tất sẽ gói chặt mà cất kỹ, tự bảo: "Đợi đến hôm khác sẽ xem!".
Ta khi còn nhỏ vốn thích sách, nhưng nhà nghèo không mua nổi. Có nhà họ Trương giữ rất nhiều sách. Ta đến mượn nhưng họ không cho mượn, trở về nhà đến nằm mơ cũng thấy đi mượn sách, bức thiết đến độ như vậy. Thế nên mỗi khi có sách đọc, là ghi nhớ ngay. Sau này thi đậu làm quan, lấy lương bổng ra mua sách hết, dần dần sách vở nhiều thêm, mọt ăn bụi bám, tơ nhện thường chăng trên sách vở. Phải than lên rằng dụng tâm của kẻ đi mượn sách thật là chuyên cần, mà tiếc cho những tháng năm tuổi trẻ của mình.

Nay Hoàng sinh cũng nghèo như ta, đi mượn sách cũng giống như ta. Duy chỉ có điểm khác là ta thì không giấu sách, còn họ Trương thì giấu sách là khác nhau mà thôi. Phải ta không may mà gặp họ Trương chăng? Hay sinh may mắn mà gặp ta chăng? Biết rằng may với không may, thì việc đọc sách ắt sẽ chuyên cần, mà trả sách ắt cũng nhanh vậy. Viết bài thuyết này cùng sách gửi tới sinh vậy.