Thứ Ba, 2 tháng 4, 2024

XUÂN ẤM - Trương Chí Minh (Trung Quốc)

 

Khu nhà họ Chân tọa lạc ở mé bắc đường lộ, qua cổng vào bên trong, là hai lớp nhà. Sân ngoài, sân trong đều theo hướng bắc nam, dài hẹp, sân ngoài có hai gian nhà đông tây, sân trong ngoài hai gian nhà đông tây còn có nhà chính. Cổng ngoài và cổng trong đều không có cửa đóng, thảy chỉ xếp chồng bằng đá xanh. Trước nhà là bậc thềm đá xanh, mặt sân cũng lát bằng đá xanh.

Ngày trước nhà họ Chân vốn là một nhà phú nông, cho nên mới có khu nhà lớn như thế.

Trong nhà khắp mọi chỗ đều làm bằng đá, hàng xóm láng giềng qua lại, lúc nào cũng cảm thấy lạnh lẽo.

Gian nhà bên đông ở sân ngoài có Triệu Hỉ ở, còn nhà chính ở sân trong có Thủy Đào và con gái cô.

Tháng Chạp trước Tết, Triệu Hỉ mới vừa đến ở đó.

Tối hôm Đông chí trước Tết, xưởng pháo trong xã phát nổ, những công nhân làm ca đêm không một ai chạy thoát được ra, chết tất cả hơn hai mươi người. Trong đó nhà họ Chân mất đến năm người: chú, thím, anh trai, chị dâu, và cả chồng của Thủy Đào.

Nhà Triệu Hỉ ở phía sau xưởng pháo, nhà cửa bị phá sập cả. Vợ Triệu Hỉ tối ấy cũng đi làm trong xưởng pháo, tất nhiên cũng chẳng sống sót.

Nhà họ Chân mất đi năm người vốn đều sinh sống ở đây chỉ trong một đêm, khu nhà họ Chân rộng lớn như thế chỉ còn lại hai mẹ con Thủy Đào.

Tháng Chạp đông hàn, năm hết tết đến tới nơi, mà Triệu Hỉ lại thành ra một thân một mình, không chốn nương thân. Triệu Hỉ vốn chơi thân với người con trai của chú thím Thủy Đào giờ đang ở trên thành phố, vì thế bèn vào ở trong gian nhà mé đông ở sân ngoài mà trước đây chú thím Thủy Đào vẫn ở.

Triệu Hỉ không có con cái, kết hôn với vợ đã bảy tám năm mà vợ vẫn chưa sinh nở gì.

Giao thừa, Tết, cho đến tận Nguyên tiêu, trong sân nhà họ Chân không có câu đối đỏ, không có đèn lồng, tất nhiên càng không có tiếng pháo nổ. Một cái tết đi qua buồn tẻ nhạt nhòa, im lìm lặng lẽ.  

Chẳng phải chỉ có một sân nhà họ Chân, mà cả cái thôn Hồ Gia Kiều này vẫn còn chìm lặng mãi vào trong tiếng nổ kinh tâm động phách tối hôm đó, chưa thể hoàn hồn nổi.

Qua tiết Thanh minh ruột gan đứt đoạn, mưa lạnh đìu hiu ấy, một hôm, bỗng có một đôi én chợt đến ngậm bùn đắp tổ ở dưới mái hiên phía trên cửa sổ của gian nhà mé đông.

Đôi én bay ra bay vào, bộ dạng bận rộn hân hoan, khiến không khí nặng nề trong sân nhà họ Chân chợt trở nên có sức sống hơn.

(Tranh của Ngô Quán Trung - T.Q)


Ban ngày, lúc Triệu Hỉ ra ngoài đi làm, Thủy Đào suốt mấy tháng nay ngày ngày chỉ buồn bã ở trong nhà lại nhẹ nhàng nhón bước, ra khỏi lớp cửa trong, nấp ở phía sau, lặng lẽ ngây ra nhìn ngắm cái tổ én dưới mái hiên suốt hồi lâu.

Thôn Hồ Gia Kiều này, trong thôn ngoài thôn chỗ nào cũng sẵn nước, sẵn bùn, sẵn cỏ, cái tổ én đẹp đẽ chả mấy đã được xây xong dưới mái hiên gian nhà mé đông của Triệu Hỉ.

Rồi một hôm, trong cái tổ én dưới mái hiên ấy đã thấy có tiếng đòi ăn lích cha lích chích của lũ én con. Én lớn én nhỏ cùng hòa nhau, con kêu con hót, khiến khoảng sân vốn đau buồn, lạnh lẽo suốt một đông một xuân của nhà họ Chân đã có lại được sinh khí, cũng khiến trái tim ngưng trệ như nước đọng ao tù của Thủy Đào hoạt bát lên một chút.

Tối hôm ấy, đêm đã rất khuya, Thủy Đào vốn mất ngủ đã mấy tháng, dường như nghe thấy có tiếng mèo kêu, liền sau đó tựa hồ loáng thoáng nghe có một tiếng kêu của con chim én lớn.

Thủy Đào nhỏm người ngồi dậy, định khoác áo xỏ giày. Lập tức nhớ ra, cái tổ én ấy ở bên ngoài cửa sổ buồng Triệu Hỉ, Thủy Đào vội đứng dừng lại ở bên giường, chậm rãi cởi giày ra.      

Tất nhiên, Thủy Đào vẫn lo sợ.

Ngồi ở bên giường đến dăm ba phút, Thủy Đào lại xỏ lại chân vào giày, đi ra trước cửa sổ. Đứng bên cửa sổ lại bảy tám phút đồng hồ nữa, rốt cùng cô không thể nào an tâm nổi, nhẹ nhàng mở cửa, nhón chân, đi ra sân ngoài.

Ra khỏi lớp cửa ngăn với sân ngoài, dưới ánh trăng nhàn nhạt, đã nhìn thấy ngay khuôn cửa sổ gian nhà Triệu Hỉ ở. Thủy Đào vẫn còn nghi ngại, lại đứng dừng lại bốn năm phút, tận đến khi loáng thoáng có tiếng lịch bịch từ chỗ tổ én vẳng lại, cuối cùng mới không cần quan tâm gì nữa, quyết định lại gần xem xét cho rõ ràng.

Ai ngờ, cô vừa mới đến gần cửa nhà phía đông, thì Triệu Hỉ bỗng nhiên mở cửa, bước một chân ra.

Khoảnh khắc hai người cùng đứng sững lại đó, tiến chẳng xong, lui chẳng được. Dưới ánh trăng lờ mờ ai nấy cùng chôn chân tại chỗ.

Nửa phút sau, Thủy Đào mới lí nhí nói: “Hình như tôi nghe thấy có tiếng mèo đến, tôi không yên tâm lũ én con, định xem xem …”

Triệu Hỉ tựa hồ cũng được cởi trói, vội bảo: “Vâng, tôi cũng nghe thấy thế, tôi cũng định …”

Hai người lại cùng im lặng, lại đứng như trời trồng ở đó.

Lại nửa phút sau, Triệu Hỉ mới nói: “Để tôi mang cái thang lại, trèo lên xem xem.”

Triệu Hỉ đi sang hiên nhà bên tây lấy cái thang cũ đã hơi mục đến, còn Thủy Đào vẫn đứng tại chỗ.

Triệu Hỉ dựng cái thang tựa vào trước cửa sổ, lại vào buồng lấy cái đèn pin ra, định trèo lên. Thủy Đào lại hơi do dự, chỉ chỉ vào dưới chân thang nhắc bảo: “Xem xem, đã chắc chưa?”

Triệu Hỉ cầm đèn pin soi soi xuống dưới, lay lay cái thang, rồi nhanh nhẹn trèo lên. Thủy Đào không đừng được lại dặn dò: “Nhẹ nhàng thôi … chớ làm chúng sợ!”

Chỉ là lo hão.

Vì thế, cô vội vã quay người đi vào sân trong. Anh cũng nhẹ nhàng đem trả cái thang về chỗ cũ.

Ai nấy về buồng của mình.

Đến lúc trời mờ sáng, Thủy Đào cảm thấy mình mẩy hơi không được khỏe, căn bệnh phong hàn đeo bám cô lâu nay tựa hồ lại quay trở lại.

Sáng sau trở dậy, trời u ám, gió nổi lên. Lúc buổi trưa, gió trở mạnh hơn, một cơn gió lốc cuộn đến chỗ tổ én dưới mái hiên nhà bên đông, cuốn một con én con vừa mọc lông nhung đang đứng trên vách tổ én nghển cổ đợi mẹ rơi xuống đất, kinh hãi chíp chíp chíp hốt hoảng kêu vang.

Thủy Đào nghe thấy tiếng kêu vội vàng chạy ra. Triệu Hỉ đi ra ngoài không có ở nhà, nên cô chỉ còn cách tự vác cái thang đến, nhẹ nhàng cầm con én con trong lòng bàn tay, đang chuẩn bị trèo lên thang thì vừa vặn Triệu Hỉ từ ngoài cửa bước vào.

“Để tôi! Để đấy tôi!” Triệu Hỉ bỏ cái cuốc chạy tới.

Lửng chiều, trong làn gió ấm áp bắt đầu lay phay vài sợi mưa mát lạnh, tí ta tí tách, vấn vít tâm can.

Trong cơn mưa xuân miên man, đã đến xẩm tối lúc lũ trẻ đã tan học về nhà. Suốt mấy ngày phải nằm trong buồng vì ho, Thủy Đào cảm thấy toàn thân không còn sức lực nữa, cô nặng nhọc bước xuống giường, cầm lấy ô, loạng choạng chuẩn bị đến trường đón con. Từ trước Tết, sau khi xảy ra việc bất hạnh với mọi người trong nhà, cô bắt đầu phải đưa đón con đi học hàng ngày.

Triệu Hỉ từ nhà phía đông đi ra, nhìn Thủy Đào như cây dương liễu lung lay trước gió, bước lại giành lấy cái ô trong tay cô, nói: “Cô vào nhà đi, để tôi đi cho!”

Triệu Hỉ cầm ô, bước vào giữa những sợi mưa trên đường. Thủy Đào trông thấy trong cái nồi của Triệu Hỉ ở dưới mái hiên, nước đang cuồn cuộn cuồn cuộn sôi. Cô đứng ở cửa, ngần ngừ một lát, rồi mới bước vào trong gian nhà của anh.

Trong buồng rất tối, trống hơ trống hoác, phảng phất một mùi vị của cánh đàn ông làm ruộng. Lượn quanh hai vòng, Thủy Đào cũng không tìm thấy bột mì của Triệu Hỉ ở đâu.

Thế là cô vội vã lui ra, đi về buồng mình, xúc lấy một ít bột ngô, rồi lại vội vã trở lại, bỏ vào nồi nấu cho Triệu Hỉ.

Mưa xuân nghiêng nghiêng gõ vang lên những tiếng tinh tinh tang tang trên nền đá xanh trong sân. Trong chiếc nồi của Triệu Hỉ cũng tỏa ra làn khói trắng thơm nức hương ngô. Thủy Đào cầm muôi quấy thật kỹ bột trong nồi, đậy vung cẩn thận, lại đứng một chốc, rồi mới yên tâm quay vào sân trong.

Một làn gió xuân, kéo một vệt mưa xuân rắc lên đầu, lên mặt, lên người Thủy Đào, cô mới cảm chợt thấy hơi lạnh trong người. Thủy Đào thầm nghĩ – Có nhẽ cơn sốt lúc ban ngày vẫn còn chưa dứt hẳn!

(Châu Hải Đường dịch - Báo Văn nghệ, số 10/2024)        

            

CHIẾC MŨ CÓI TRÔI SÔNG (Trương Chí Minh – TQ)

Mặt trăng rất lớn, ánh trăng như sương như lụa loang đầy, nhuộm khắp cánh đồng mênh mông cùng cây cối làng mạc xa gần thành một bức tranh thủy mặc trong đêm.

Bao vây trong tiếng ếch râm ran khắp nơi, Xuân Sinh hút hết một túi thuốc, đổ hết tàn đi, rồi đứng lên, men theo bờ ruộng đi sang mé đằng tây. Thấy nước đã đầy rồi, anh ta quay trở lại đổi bơm sang ruộng khác, rồi lại ngồi xuống dưới gốc cây dương bên sông Hương Mễ.

Chắc đã hơn 12 giờ rồi. Xuân Sinh lại hút hết hai túi thuốc, thì đã díu mắt lại, vừa nghe tiếng nước chảy tiếng ếch kêu vừa chìm vào giấc ngủ.

Xuân Sinh nằm mơ, thấy mình đang đứng bên một con đường, ông nội bà nội đã mất từ lâu cùng với mấy người họ hàng làng xóm, còn có cả một số người không rõ là ai đang ngồi trên một chiếc xe rất đẹp, hình thù kỳ dị đi qua trên đường. Xuân Sinh muốn gọi họ, nhưng không thốt được thành lời. Họ nhìn thấy Xuân Sinh, thì đều tựa như không hề quen biết, cứ ào ào đi qua. Tiếp theo đó, Xuân Sinh lại thấy buồn đi tiểu đã gấp lắm rồi, nhưng lại không tìm thấy nhà xí, cuối cùng không nhịn nổi nữa, anh ta chạy ra sau chỗ góc tường đổ vách xiêu, vừa cởi được quần ra thì bỗng nhiên tỉnh dậy.

Xuân Sinh mở bừng mắt, lơ mơ một lúc, mới hiểu ra là vừa chiêm bao. Dụi mắt đứng dậy, đi ra bên bờ sông, Xuân Sinh trông thấy có một chiếc mũ cói nổi trên mặt nước, đang quay vòng vòng ở đó, chậm chạp trôi xuôi. Anh ta bèn đứng trên bờ, đái vào cái mũ. Vừa mới đái, liền nghe thấy từ dưới nước có tiếng nói vọng lên: “Sao anh tệ thế, đái vào đầu tôi rồi!” Tiếng nói ấy vừa ngưng thì nước dưới sông Hương Mễ dường như lập tức chảy nhanh hẳn lên, cái mũ cói đột nhiên tăng tốc trôi xuống phía nam.

Đang đái dở, Xuân Sinh cũng phải cố nín lại, anh ta xách quần, lên cầu, líu ríu chạy một mạch về thôn. Tận đến khi vào hẳn trong thôn rồi, Xuân Sinh vẫn không dám ngoái đầu lại nhìn.

Xuân Sinh hốt hoảng chạy vào trong sân, thấy trong buồng đèn vẫn còn sáng. Anh ta đang định vào nhà, bỗng nhiên cảm thấy chỗ bức tường phía nam có tiếng động, quay đầu lại nhìn, một bóng đen đã vụt qua đầu tường, lăn xuống dưới. Trong cơn kinh hoảng, Xuân Sinh đá đổ một cái ghế đẩu trong sân, thì thấy cửa sổ buồng ngủ chợt tối đen.

“Nghe thấy tôi về, lại còn vội vàng thổi tắt đèn đi?” – Xuân Sinh vào nhà, nói với Thủy Đình vợ mình, vẻ oán trách.

“Ai biết là anh? Tôi tưởng con mèo.” Thủy Đình ở trên giường trả lời trong bóng tối.

Đợi đèn được thắp trở lại, Xuân Sinh trông thấy trên giường chăn chiếu bừa bộn, giữa đêm cuối thu mà khuôn mặt Thủy Đình mướt mát mồ hôi.

“Vừa nãy, chỗ góc tường phía nam đúng là có một bóng đen, loáng cái đã không trông thấy đâu nữa.” Xuân Sinh nói, vẫn chưa hết hoảng hồn.

“Chắc chắn là con mèo.” Thủy Đình vội quay mặt đi vuốt lại tóc, sắp lại chăn.

“Có vẻ to hơn con mèo.” Xuân Sinh nhấn giọng.

Trong ánh sáng ngọn đèn hạt đỗ, Thủy Đình nguýt anh ta, bảo: “Thế thì chắc là ma.”

Xuân Sinh vừa nghe thấy đã giật nảy mình, vội vàng xua tay: “Đừng nhắc đến ma nữa, tôi vừa mới gặp ma ở cánh ruộng bên tây đây.”



Rồi Xuân Sinh đem câu chuyện ở ngoài đồng khi nãy kể cho Thủy Đình nghe, trong lòng vẫn còn nguyên vẻ sợ hãi, lại bảo, vẫn còn chưa bơm xong nước vào ruộng, nhưng anh ta không dám đi nữa.

Thủy Đình vừa nghe, liền mắng bảo: “Lũ đàn ông các anh thật không ra làm sao, chỗ nào đái chả được, lại đi đái xuống sông! Không biết là cánh phụ nữ chúng tôi tối nào cũng phải ra sông giặt quần áo à?”

Xuân Sinh ngồi trên giường, xin Thủy Đình đi cùng mình ra bơm nước ruộng. Thủy Đình lừ mắt, bĩu môi, đạp cho Xuân Sinh một cái vào hông, mắng bảo: “Trông anh có ra cái giống gì không, rõ là gan thỏ đế, việc gì cũng phải bấu lấy vợ!”

Xuân Sinh ngả người nằm ngửa trên giường, nói: “Chả cần biết, nhưng tôi không đi nữa.”

Hai người im lặng lúc lâu, Thủy Đình bỗng ngồi dậy, bảo: “Nếu không thì anh đi gọi Quý Lai, bảo anh ấy đi với anh, anh ấy còn chưa ngủ đâu.”

“Làm sao em biết anh ấy chưa ngủ” – Xuân Sinh vẫn nằm trên giường, hỏi.

Câu hỏi lại của Xuân Sinh khiến Thủy Đình sững lại hồi lâu, cô tránh ánh mắt của anh ta, lại nằm xuống, nói: “Vừa nãy tôi nghe thấy, anh ta ở trong nhà kêu cái gì rất lớn tiếng, nhất định là chưa ngủ đâu.”

Xuân Sinh ở trên giường ngẫm nghĩ rất lâu, chỉ còn cách trở dậy tìm lấy nửa chai rượu còn lại từ hôm Tết, lại kiếm cái túi ni-lông lấy một ít đồ muối, đi ra sân gọi Quý Lai ở cách bên kia tường vây.

Nhà Quý Lai ở phía nam nhà Xuân Sinh, hai nhà chỉ cách nhau một bức tường cao bằng đầu người.

Nghe thấy Xuân Sinh gọi uống rượu, rất lâu sau Quý Lai mới đáp lời, rồi mặc quần áo mở cửa đi ra.

Đêm càng thêm tĩnh lặng, Xuân Sinh và Quý Lai thập thõm theo nhau đi ra cánh đồng phía tây, ngồi bên sông Hương Mễ uống rượu với đồ muối. Trong ruộng lúa, tiếng ếch kêu càng râm ran, bóng trăng đã tới ngọn hàng dương liễu phía tây, hai người cùng quay mặt sang phía đông, đối diện với những bông lúa, nói chuyện, uống rượu, trong bụng sợ hãi, nhưng không ngăn được ý muốn nhìn xuống dòng sông phía sau lưng mình.

Đến tờ mờ sáng, cuối cùng ruộng cũng đã bơm đủ nước rồi. Xuân Sinh và Quý Lai đều không xuống sông rửa chân, cứ xách giày đi chân không về thôn.

Xuân Sinh vừa mới rửa chân tay nằm xuống giường, thì chợt người bên nhà đẻ của Thủy Đình đã đến sân, đứng ngoài cửa sổ gọi gấp, nói rằng: em trai Thủy Đình đi lấy nước vào ruộng suốt đêm qua, nhẽ ra đã phải xong từ lâu rồi, mà tận bây giờ vẫn chưa thấy về nhà, cha Thủy Đình đi ra đồng tìm, chỉ thấy chỗ cửa cống có một đôi dép, mà người thì chẳng thấy đâu. Em trai Thủy Đình bị chứng động kinh. Cả nhà đều hoảng lên, gọi người nhà, hàng xóm, men theo bờ sông đi tìm. Người vừa đến bảo Xuân Sinh cũng mau mau ra đi tìm giúp.

Nhà đẻ Thủy Đình ở phía tây thôn, cách cầu Hồ Gia một khoảng đất, cũng đều lấy nước sông Hương Mễ bơm ruộng.

Tận tới lúc mặt trời đã lên đến đỉnh đầu, mọi người cuối cùng cũng tìm thấy em trai của Thủy Đình ở chỗ hõm cong của sông Hương Mễ, trên quãng đồng phía nam cầu Hồ Gia. Nó bập bềnh giữa đám cỏ nước um tùm, chiếc mũ cói vẫn đội trên đầu.

(Châu Hải Đường dịch - Báo Văn nghệ số 9/2024)

Trương Chí Minh là một tác giả đương đại Trung Quốc chuyên viết thể loại truyện ngắn mini (tiếng Trung gọi là Tiểu Tiểu thuyết, hay Vi hình Tiểu thuyết), ông liên tục có tác phẩm đăng trên "Tiểu tiểu thuyết Nguyệt báo" - Một tập san ra hàng tháng chuyên đăng các truyện ngắn mini, và nhiều lần có tác phẩm được tuyển chọn vào các tập "Trung Quốc Vi hình tiểu thuyết Tinh tuyển" hàng năm.

 

Thứ Ba, 6 tháng 6, 2023

Hoàng Tiểu Phối và “Thái Bình Thiên Quốc Diễn Nghĩa”

 Hoàng Tiểu Phối (1872 – 1912), còn có tên Hoàng Thế Trọng, người hương Đại Kiều, Phiên Ngung (nay là thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông), là một nhà tuyên truyền, một nhà cách mạng tư sản, đồng thời là một nhà báo cần mẫn, một tiểu thuyết gia xuất sắc.

Trong vòng ba năm kể từ mùa xuân năm 1903, Hoàng Tiểu Phối đã tham gia công tác soạn thuật, biên tập cho nhiều tờ báo nổi tiếng của cách mạng tư sản như “Trung Quốc nhật báo”, “Thế giới Công ích báo”, “Quảng Đông nhật báo”, “Hữu sở vị báo”, nhiệt tình tuyên truyền cho tư tưởng cách mạng dân chủ, chống lại những luận điểm bảo hoàng. Ông là người phản bác quan điểm chính trị của Khang Hữu Vi với tác phẩm “Biện Khang Hữu Vi chính kiến thư” dài ba vạn chữ, trước cả “Bác Khang Hữu Vi luận Cách mạng thư” của Chương Thái Viêm.

Tháng 10 năm 1905, ông gia nhập Trung Quốc Đồng minh Hội. Năm 1906 ông sáng lập “Hương Cảng thiếu niên báo”, và đảm nhiệm vai trò Tổng biên tập tờ báo này. Năm 1907, ông cùng anh trai là Hoàng Bá Diệu chủ biên tuần san “Quảng Đông bạch thoại báo” và “Trung ngoại Tiểu thuyết lâm” ở Quảng Châu, đồng thời tham gia viết, biên tập cho “Xã hội công báo” và “Nam Việt báo”. Năm 1911, ông lại đảm nhiệm việc soạn thuật và tổng trị sự cho “Tân Hán nhật báo” ở Hương Cảng. Ngày 10 tháng 10 cùng năm, Vũ Xương khởi nghĩa thành công. Hoàng Tiểu Phối đã thực hiện xuất sắc công việc của mình trên phương diện báo chí tuyên truyền, với chuyên mục: “Chờ xem Kinh hãm, đế băng, Vũ Xương khởi nghĩa thành công” với hàng loạt bài báo đưa tin cổ vũ lòng người. Năm 1912, do những bất đồng và mâu thuẫn trên chính trường, ông đã bị vu cáo một số tội danh không có thực và bị Trần Quýnh Minh, Hồ Hán Dân sát hại khi mới 40 tuổi.

(Hoàng Tiểu Phối (Thế Trọng)
- Chân dung khắc gỗ) 

Bên cạnh việc làm báo, Hoàng Tiểu Phối còn là một tiểu thuyết gia xuất sắc, trong thời gian trên dưới mười năm, ông đã có hơn mười tác phẩm truyện vừa và tiểu thuyết như: “Thái Bình Thiên Quốc diễn nghĩa” (nguyên tác: Hồng Tú Toàn diễn nghĩa); “Đại mã biển”; “Trấp tải phồn hoa mộng” (còn có tên là: Việt Đông phồn hoa mộng); “Đảng nhân bi”; “Hoạn hải thăng trầm lục” … Trong số đó, phải đặc biệt kể đến tiểu thuyết “Thái Bình Thiên Quốc diễn nghĩa” – viết về 14 năm từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc của cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc nổ ra chỉ già nửa thế kỷ trước thời điểm tác phẩm được sáng tác.

Năm 1851, trước sự bóc lột nặng nề cũng như nền chính trị suy đồi của nhà Thanh, đặc biệt là sự bất lực của triều đình trước sức ép quân sự cũng như kinh tế của các nước phương tây, khiến cuộc sống của nhân dân Trung Quốc trở nên vô cùng cực khổ và bế tắc, mâu thuẫn giai cấp ngày một thêm sâu đậm, dưới vỏ bọc tôn giáo, Hồng Tú Toàn đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc nổi dậy tại thôn Kim Điền, huyện Quế Bình, tỉnh Quảng Tây. Cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân cực khổ, chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng quân khởi nghĩa đã tăng lên nhanh chóng và liên tục giành thắng lợi: chiếm lĩnh châu Vĩnh An, tiến đánh Quế Lâm, Toàn Châu, rồi tiến lên phía bắc vào Hồ Nam, hạ Đạo Châu, Sâm Châu … Tháng 1 năm 1853, quân Thái Bình hạ Vũ Xương, tuần phủ Hồ Bắc Thường Đại Thuần tự tận. Tháng 3 năm 1853, quân Thái Bình hạ Giang Ninh (nay là Nam Kinh), tổng đốc Lưỡng Giang Lục Kiến Doanh trận vong. Hồng Tú Toàn dưới sự ủng hộ của văn võ bá quan và dân chúng đã tiến vào Kim Lăng, sửa sang lại thành trì, nha phủ, đổi làm Thiên Vương phủ, tuyên bố định đô ở Kim Lăng, đổi tên thành Thiên Kinh, chính thức kiến lập chính quyền Thái Bình Thiên Quốc, đối chọi lại với vương triều nhà Thanh. Hàng loạt tỉnh thành khi ấy như Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây, An Huy, … đã hoàn toàn nằm trong tay của Thái Bình Thiên Quốc. Sau khi chính thức định đô, lập quốc, Thái Bình Thiên Quốc đã có hàng loạt thay đổi trong việc cai trị, quản lý đất nước theo hướng văn minh hơn, tiến gần hơn đến văn minh phương tây, ví dụ như: thực hiện theo mô hình chính trị nghị viện (sơ khai), tăng cường bình đẳng nam nữ, tổ chức khoa thi cử cho cả nam và nữ, tăng cường đầu tư phát triển kinh tế: khai khoáng, xây dựng đường sắt … Và đặc biệt là tăng cường ngoại giao với các nước phương Tây, đại diện là Mỹ. Mà, như trong sách này, Hoàng Tiểu Phối đã viết, đại diện của các nước phương Tây khi tới diện kiến với triều đình Thái Bình Thiên Quốc đã nhận xét: “Chính trị ở Kim Lăng cũng tương tự như chính thể lập hiến của nước ngoài chúng ta.” Vì vậy công nhận Thiên Quốc là một nước văn minh ở phương Đông.

Tuy vậy, Thái Bình Thiên Quốc cũng đã vấp phải nhiều khó khăn và mâu thuẫn ngay chính từ nội tại nội bộ của mình: đó là việc tranh giành quyền lực lợi ích trong nội bộ các thành viên lãnh đạo chủ chốt của phong trào như Hồng Tú Toàn, Dương Tú Thanh, Vi Xương Huy; Sự nhu nhược thiếu quyết đoán của Hồng Tú Toàn trong xử lý các quan hệ gia đình và công việc khi để những người thân của mình gây hiềm nghi với các tướng lĩnh; Và nhiều bất cập khác trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước và nhân dân do căn nguyên tôn giáo của cuộc khởi nghĩa gây nên … Chính vì vậy mà dẫu cuộc khởi nghĩa đã thu hút được hàng loạt anh tài văn võ cùng tham gia, liên tục giành thắng lợi, thậm chí lão tướng Lâm Phượng Tường đã tiến quân lên phía bắc đánh đến tận Thiên Tân, ngay cạnh Bắc Kinh, ngoài ra là các cuộc Tây chinh của Thạch Đạt Khai, Đông chinh Tô Triết của Lý Tú Thành, tiến đánh Phúc Kiến của Dương Phụ Thanh … nhưng cuối cùng Thái Bình Thiên Quốc cũng đã bị triều đình nhà Thanh dẹp tan vào năm 1864, sau 14 năm tồn tại.

Với quan điểm chính thống của sử gia nhà Thanh, trước sau cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc đều bị coi là phản nghịch, là “giặc để tóc”, “phỉ họ Hồng”. Cho đến tận đầu thế kỷ 20, khi tư tưởng phương Tây ngày càng được các tầng lớp trí thức Trung Quốc tiếp thu rộng rãi hơn, cuộc cách mạng Tư sản ở Trung Hoa ngày càng lớn mạnh hơn, cùng với đó là tinh thần dân tộc, chủ nghĩa dân tộc ngày càng lên cao, đặc biệt trong bối cảnh chống lại chủ nghĩa thực dân phương tây, thì các nhà trí thức tiến bộ mới ngày càng quan tâm, đánh giá lại, nhìn nhận lại đối với cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc. Và một trong số họ chính là Hoàng Tiểu Phối với tác phẩm “Thái Bình Thiên Quốc diễn nghĩa”.


Được viết theo lối chương hồi cổ điển, qua 54 hồi của tiểu thuyết “Thái Bình Thiên Quốc diễn nghĩa” Hoàng Tiểu Phối đã dẫn dắt người đọc lần lượt đi theo từng bước phát triển của phong trào Thái Bình Thiên Quốc, qua từng trận đánh oanh liệt đẫm máu, với những con số thương vong ở mỗi trận chiến khiến độc giả phải kinh tâm động phách. Cùng với đó, mỗi nhân vật với tính cách, số phận, khác nhau cũng được ông mô tả và kể lại một cách sống động và đầy màu sắc: một Hồng Tú Toàn với tinh thần dân tộc và ý chí lớn lao, một Tiền Giang, Phùng Vân Sơn đầy mưu lược trí tuệ, một Thạch Đạt Khai, Lý Tú Thành anh hùng, hào sảng, một Lâm Phượng Tường, Trần Ngọc Thành dung mãnh, thiện chiến … Vi Xương Huy thẳng thắn, nóng nảy, mà trung trinh son sắt khiến ta phải nhớ đến Trương Phi thủa trước. Dương Tú Thanh tham lam, ngạo mạn, vị kỷ thì lại lạ lạ quen quen, ngỡ đã thấy trong lịch sử mà chẳng giống một nhân vật cụ thể nào.

Là một người sống cách chưa xa thời gian mà cuộc khởi nghĩa nổ ra, lại được gặp gỡ hỏi han những người từng trực tiếp tham gia phong trào ấy, rõ ràng Hoàng Tiểu Phối cho chúng ta thấy được độ tin cậy và chính xác nhất định của câu chuyện Thái Bình Thiên Quốc. Song, là một người theo chủ nghĩa dân tộc, với mục đích khích lệ tinh thần dân tộc ở thời điểm sáng tác tác phẩm, chúng ta có thể thấy rõ sự ủng hộ khen ngợi của ông đối với Thái Bình Thiên Quốc và những lãnh đạo của phong trào, cũng như sự phê bình đôi khi thái quá, đối với những nhân vật, những quan viên triều đình đã đàn áp, dẹp yên cuộc khởi nghĩa, như: Tăng Quốc Phiên, Hồ Lâm Dực, Bành Ngọc Lân, Tả Tông Đường … Đó chính là điểm hạn chế của tác giả cũng như tác phẩm này. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ, ta vẫn có thể thấy Hoàng Tiểu Phối cũng rất công tâm khi dành nhiều khen ngợi cho những quan viên trung nghĩa của nhà Thanh, những người đã gan dạ giữ thành, bảo vệ dân chúng, thà chết không hàng. Đó cũng chính là tấm lòng quang minh lỗi lạc mà một người viết tiểu thuyết lịch sử cần phải có, là điều mà những người cầm bút ngày nay học tập được từ Hoàng Tiểu Phối.     

Và trên tất cả, có thể nói, vào thời điểm hơn mười năm trước khi phong trào “Ngũ Tứ” nổ ra dẫn đến sự thay đổi trong sáng tác tiểu thuyết, thì “Thái Bình Thiên Quốc diễn nghĩa” của Hoàng Tiểu Phối đã đạt đến một mặt bằng cao nhất của loại hình tiểu thuyết lịch sử viết theo lối chương hồi lúc bấy giờ.

Hà Nội, những ngày tháng Tám, 2021

Châu Hải Đường

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2023

Ngẫu Hoa (trích "Dạ Đàm Tùy Lục" của Hòa Bang Ngạch)

     Tống Văn Học, người Thương Khâu, ngụ cư ở Dư Hàng (tức Hàng Châu), mượn một chỗ ở bên bờ Tây Hồ làm chỗ ở. Chỗ ấy,  ngoài tường dây tiết lệ bò đầy, trên đất rêu xanh mịn như nhung, thực là một chỗ vô cùng u tĩnh, thanh vắng. Cửa tre đối diện mặt hồ, khoảng cuối hạ đầu thu, trên hồ nhiều hoa sen nhất. Tống sinh bản tính thích hoa sen, viết đến một trăm bài thơ ngâm vịnh hoa sen.

    Đương buổi mùa hè, chàng đứng tựa cửa dõi mắt nhìn tít đằng xa, trông thấy có hai thiếu nữ, bơi một chiếc thuyền nhỏ đi hái hoa sen. Một nàng mặc áo hồng, một nàng mặc áo tía, dáng vẻ dung nhan đều rất xinh đẹp, nàng áo hồng lại càng đẹp hơn hẳn. Đến hôm sau, hai người lại đến, đại khái chiều thì đến, gần tối mới đi, mấy ngày liền đều như vậy. Tống ban đầu không dám hỏi, về sau vì họ thường xuyên đến, bèn dần dà quen biết với nhau. Tống hỏi họ rằng: “Bơi thuyền cũng có khi nguy hiểm, hơn nữa hái sen lại chẳng phải việc gấp, làm sao hai người lại không ngại phiền hà, mà ngày nào cũng đi thế?” Thiếu nữ cười không đáp. Tống lại đem lời nói mà trêu bỡn rằng: “Tệ xá của tôi cũng ở gần đây, mời hai nàng đến uống chén trà có được chăng?” Nàng áo hồng không đáp, chỉ chăm chú giục đẩy sào xoay mũi thuyền đi. Nhưng nàng áo tía lại dừng thuyền cho ghé vào bờ, nói: “Chàng ta đã cố muốn làm chủ mời, thì cứ đến xem, xem chàng ta đem cái gì ra mời khách đây.” Tống vô cùng vui mừng, tưởng muốn nhảy lên, mà dẫn đường cho hai người về chỗ mình.

    Tống vốn sống một mình ở đó, cùng với một người đầy tớ. Trông thấy hai thiếu nữ, đầy tớ vừa hoài nghi, vừa ngạc nhiên, nói: “Cậu tìm đâu ra hai mỹ nhân đẹp đến dường này?” Tống dối bảo: “Đây là chị em trong nhà, đến đây thăm ta, muôn vàn chớ tiết lộ cho người ngoài biết, lại phải thù tiếp phiền hà.” Người đầy tớ vâng lời, chỉ lo xuống bếp làm cơm, không còn hơi đâu lo chuyện khác nữa. Hai thiếu nữ nhìn nhau cả cười, nàng áo tía nói: “Ai bảo chàng mọt sách này thật thà. Thuận miệng cũng có thể bày chuyện dối trá được ngay, đến nghĩ cũng chẳng cần nghĩ nhiều nữa.” Tống cũng cười. Từ đó trở đi cùng đối đãi với nhau rất thân mật. Tống hỏi tên họ và nơi ở của hai người, nàng áo hồng nói: “Thiếp tên là Ngẫu Hoa, tỳ nữ tên là Lăng Hoa, nhà ở trên hồ cách đây không xa, là người vùng này.” Tối ấy, Tống liền giữ họ cùng ngủ lại.

    Sáng sớm hôm sau, khi gà vừa mới gáy, Ngẫu Hoa đã đòi từ biệt. Tống muốn giữ lại, Ngẫu Hoa buồn rầu hồi lâu, rồi mới nói với Tống: “Đội ơn chàng nhã ái, sao có thể nhẫn tâm chốc lát rồi chia tay, chỉ là tình thế bức bách, không thể không chia tay. Thiếp biết chàng vốn là người thông đạt, nhất định sẽ không trách cứ, vậy xin để thiếp nói thật cho chàng biết, thiếp vốn chẳng phải là người, mà là hoa yêu. Nếu như chàng không chê, xin đến trên hồ, trông thấy trong đám hoa sen có một bông đặc biệt tươi hồng đẹp đẽ, ở phía dưới nó lại có một đám hoa ấu, thì có thể cùng dời hết về đây, chớ có làm tổn thương một chút rễ lá nào, đem chúng trồng vào trong bồn, lấy nước hồ mà nuôi dưỡng, không được cho chó mèo quấy nhiễu, không được cho khách xấu tiếp xúc, như vậy thì thiếp với Lăng Hoa sẽ có thể sớm tối được ở bên chàng vậy.” Tống vừa kinh ngạc vừa vui mừng, thầm ghi nhớ thật kỹ, rồi mới cho nàng đi.

    Mặt trời vừa mọc, Tống bơi một chiếc thuyền nhỏ, đi ra hồ sen tìm kiếm khắp nơi, cuối cùng quả nhiên phát hiện có một gốc sen bông đỏ như ráng sớm, hương ngát hơn xạ hương, cũng lớn gấp đôi những bông hoa thông thường. Lại xem xét dưới đóa hoa, thấy có một bụi hoa ấu cũng lớn hơn hẳn so với loại thông thường. Tống bèn đem số tiền hậu hĩnh nhờ ngư phủ đánh cả sen lẫn ấu cùng bùn rễ mang về nhà, trồng vào trong cái vại lớn. Từ đó Tống bèn đóng cửa, không tiếp khách, cả ngày nằm ngồi bên cạnh hoa. Qua ba ngày, vẫn không thấy hai thiếu nữ đến, Tống thấy vô cùng hoài nghi, lo lắng nghĩ ngợi, suy tư rối bời. Đến ngày thứ tư, Tống buồn bực trong người, đang nằm ngủ trưa, bỗng nhiên cảm thấy như có tiếng váy chùng quết đất, mở mắt ra nhìn, thì hai người thiếu nữ đã đến bên giường của chàng rồi. Ba người gặp nhau ngạc nhiên mừng rỡ. Ngẫu Hoa nói: “Đội ơn chàng tận tình chăm sóc, trong lòng thiếp cảm động vô cùng. Chỉ có điều bọn thiếp tư chất yếu ớt, không chịu nổi lao khổ, cho nên mới nghỉ ngơi mấy ngày, không thể động đậy được, khiến cho chàng phải buồn lo, thực không an lòng.” Tống nói: “Chỉ cần có thể thường xuyên gặp gỡ, thì ngại chi tạm không được gặp nhau. Học trò nghèo mấy năm nay bần hàn vô cùng, cũng ít có khi vui. Đến nay có thể cùng hai nàng làm bạn, thì dù có chết cũng vừa lòng thỏa ý rồi.” Ngẫu Hoa nói: “Thành tâm của chàng, thiếp thật không thể phụ được. Chỉ cần có thể giữ được trọn đời không thay lòng, thì thiếp an tâm rồi. Chúng thiếp đến đây tuy rằng đã làm bại hoại thanh danh, nhưng thực cũng không uổng phụ đời này. Huống chi danh chỉ là khách so với thực. Đời người chỉ như bong bóng nổi trên mặt nước, khoảnh khắc rồi tan biến, nếu không kịp thời sống cho vui vẻ, thì dù cho có sống một trăm năm, cũng có khác chi con phù du, cây nấm sớm. Như chị em thiếp, rời khỏi muôn khoảnh sóng biếc, mà đến nơi chỉ có một muôi nước này, rời khỏi nước hồ sâu thẳm, mà đến chỗ cái ang nông choèn này, chẳng phải thiếp không biết giờ đây chẳng khác gì cá bơi lội trong chậu, yến làm tổ trong màn, hai đằng an nguy thọ yểu khác nhau một trời một vực. Chỉ vì một điều sống đơn độc một mình chẳng bằng chết có đôi có lứa vậy.” Bèn viết một bài thơ tặng Tống rằng:

“Thiều quang búng tay dễ cạn;

Nắng mai chớp mắt lại hun,

Từ nay chiều chiều sớm sớm;

Nhớ chàng nào ngại nước non.”

Từ đó, ba người như hình với bóng. Hai người con gái rất thương yêu nhau, quần áo giày tất đều đổi nhau mà mặc, không phân của ai với ai.

(Hoa Sen - Tranh của Phan Thiên Thọ)

Một hôm, Tống ra ngoài chơi, có hai người bạn đến thăm không gặp, trông thấy hoa ấu trong ang đẹp đẽ lạ lùng, bèn hái cầm đi. Đến tối, Tống về nhà, Ngẫu Hoa khóc lóc kể lại chuyện Lăng Hoa đã bị thương như thế nào, lại nói: “Nếu chàng không thương cô ấy, cứu cô ấy, thì thiếp sao có thể nhẫn tâm tiếp tục sống một mình được?” Tống đau buồn vô hạn, hỏi: “Có cách gì để cứu cô ấy?” Ngẫu Hoa nói: “Chỉ cần bồi đắp chăm sóc lại gốc rễ của cô ấy, rồi sáng sớm hàng ngày giúp cô ấy niệm Quan Âm chú chín mươi chín lần, thì ngày này năm sau, cô ấy sẽ có thể tái sinh được.” Tống bèn theo đúng lời chỉ bảo của Ngẫu Hoa, thành tâm niệm chú, thi thoảng lại lấy bùn dưới hồ về bồi đắp cho, ngày đêm không nghỉ. Đến năm sau hoa quả nhiên lại sống lại, Lăng Hoa cũng bỗng nhiên xuất hiện, tuy thấy có gầy đi đôi chút, nhưng dáng vẻ lại càng thêm xinh đẹp. Ba người gặp nhau mừng mừng tủi tủi, ai nấy đều kể lể tình ly biệt, nói mãi không thôi. Tống từ sau khi được hai Hoa, càng ngày càng thấy thần khí trong sáng, sách vở chỉ cần đọc một lần, liền có thể thuộc làu làu.

Lại quá một năm nữa, giữa đông tuyết lạnh, trong ang nước đóng thành băng, chỉ trong một đêm đều đã đông cứng, hai thiếu nữ liền không thấy đến nữa. Tống một mình lạnh lẽo, tối tối đều không thể ngủ được, nước mắt ướt đầm cả chăn chiếu. Vì thế ngày nào chàng cũng ngồi trước ang hoa, lặng lẽ cầu khấn. Không lâu sau, xuân hết hè sang, Ngẫu Hoa bỗng nhiên một mình đến nơi, nhưng dung nhan rất tiều tụy, vẻ vô cùng đau khổ. Tống ôm lấy nàng cho ngồi lên đùi mình, lau nước mắt vuốt tóc cho nàng, rồi hỏi: “Làm sao nàng gầy yếu đến thế này? Lăng Hoa ở đâu, sao không cùng đến đây với nàng?” Ngẫu Hoa rơi nước mắt nói: “Chàng vẫn còn nhớ đến Lăng Hoa muội muội ư? Lăng Hoa đã thành ma chết rét từ mùa đông năm ngoái rồi. Thiếp cũng không chịu nổi lạnh lẽo, tuy không chết, nhưng cũng chỉ thoi thóp, không lâu nữa cũng sẽ phải từ biệt nhân gian, vĩnh biệt với chàng rồi.” Tống đau đớn đến tưởng ngất đi, không thôi thương nhớ Lăng Hoa, may mà còn có Ngẫu Hoa ở bên, nên không đến nỗi đau buồn mà chết. Nhưng Ngẫu Hoa càng ngày càng gầy yếu, khiến Tống vô cùng lo lắng. Lại cho mời cả thày lang đến thuốc thang chữa trị. Thày lang vừa thấy Ngẫu Hoa xinh đẹp như vậy đã như kẻ mất hồn, đến lúc bắt mạch lại thấy không giống như mọi người, bèn kê bừa một toa thuốc cho. Tên thày lang ghi nhớ kỹ lấy địa chỉ, rồi ngày nào cũng đến trước cửa chờ đợi, hy vọng có thể được gặp lại nàng.

Vừa hay gặp buổi Tống đi vắng, chiều hôm ấy, thày lang rình trộm, thấy Ngẫu Hoa ra bờ hồ dạo chơi, phong tư yểu điệu như đua khoe vẻ đẹp với hoa sen trên hồ. Gã thày lang không nhịn nổi thêm được nữa, xông tới ôm chặt lấy Ngẫu Hoa. Ngẫu Hoa giật mình vùng chạy trốn, tung người nhảy xuống dưới hồ. Thày lang hoảng hồn vội túm lấy chân nàng giữ lại, thì bỗng nhiên rắc một tiếng cái chân đứt gãy ra, nhìn lại thì hóa ra một đoạn ngó sen. Khi ấy thày lang mới biết đó là yêu vật biến hóa, bèn vội vàng chạy đến nói cho Tống biết. Tống vô cùng oán hận, chạy đến bên hồ khóc ròng, hận thày lang đa sự, muốn kiện lên quan. Nhưng người đầy tớ khuyên rằng: “Rõ ràng là yêu vật, dù cho có lên đến quan phủ thì chúng ta cũng làm sao có lý được?” Tống nghe vậy mới không báo quan nữa. Ngày hôm sau, chàng lại ra giữa hồ than khóc, trông thấy có một đóa hoa sen trôi trên mặt nước, vẫn còn dính theo đoạn ngó gãy. Tống đau đớn khóc váng rồi đem đoạn ngó gãy về nhà, trồng lại vào ang nước, cách một đêm thì nó héo chết. Tống chỉ còn cách sắp sửa áo quan cùng các vật khâm liệm, an táng Ngẫu Hoa ở trên bờ hồ, lại viết một bài “Phù Dung từ” để tế nàng. Không lâu sau thì Tống gọt tóc làm tăng, vân du bốn phương không biết kết cục ra sao.

(Trích "Dạ Đàm Tùy Lục" của Hòa Bang Ngạch, CHĐ dịch, Nhã Nam và NXB Văn học 2018)

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

CHUYỆN ẾCH - Tản văn của Giả Bình Ao

Muôn vật trên đời này đều chia ra âm dương, loài ếch thuộc về dương, nó từ dưới nước đi lên. Đầu tiên là ở dưới ao chuôm hay kênh rạch có một đám dính nhơm nhớp nổi lên, bên trong có những cái đốm đen. Những đốm đen ấy lớn dần lên, mọc ra một cái đuôi, bèn bơi theo lũ cá. Nó nghĩ rằng nó cũng là cá, cứ bơi, cứ bơi, rồi một ngày nó bơi rụng cả đuôi, từ dưới nước trèo lên trên bờ.

Có loài vật luôn nghi hoặc về xuất thân của mình: một loài là bươm bướm, nó vốn chỉ bò trên mặt đất, làm sao lại bay vút được lên không trung? Một loài là ếch, vì sao nó vừa có thể ở dưới nước, lại có thể ở trên cạn? Bươm bướm không thốt một lời, cả đời đi tìm kiếm xem bông hoa nào là kiếp trước của nó. Còn ếch thì chỉ biết kinh ngạc kêu lên: Ộp! Ộp! Ộp! Tiếng kêu ấy đã thành cái tên "ếch ộp" của nó. 

Ếch là con vật mà người ta trước nay chưa từng thuần dưỡng, nhưng lại chưa từng rời xa khỏi con người. Nó và chim én cùng xưa cũ như nhau, nhưng chim én là loài vật báo tin xuân, được ở thoải mái trên mi cửa hay trên xà nhà của người ta. Còn ếch thì vĩnh viễn ở bên bờ nước hay ngoài đồng nội, chăm chú vào việc ăn, ăn cho lớn căng tròn cái bụng lên, thì lại sinh sản.

Khoảng cách giữa hai con mắt của ếch rất rộng, tựa hồ có con mắt mọc ngay trước trán, có con mắt lại mọc ở hai bên trán, vừa to vừa tròn, không khép mi. Tiếng kêu kinh ngạc lúc nó vừa sinh ra, về sau có thể vì trông thấy quá nhiều những chuyện xấu xa và những điều chẳng lành ở dưới ao ngòi hay trên mặt đất, tiếng kêu kinh ngạc ấy bèn trở thành chất vấn, rồi tiến triển thành thổ lộ, rồi suốt ngày đêm ộp oạp không nghỉ. Càng chất vấn lại càng thổ lộ, nảy sinh ra tức giận và chí khí, dưới cổ nó liền có một cái túi khí lớn. Thời Xuân Thu, Việt vương Câu Tiễn bị nước Ngô đánh bại, khi được tha cho về, trên đường đi trông thấy một con ếch, bèn xuống xe kính cẩn vái chào, nói: “Nó cũng là kẻ có chí khí chăng?” Rồi lập chí rửa nhục, sửa đức rèn quân, cuối cùng trở thành một trong ngũ bá đời Xuân Thu.

(Ếch - Tranh của Tề Bạch Thạch)

Dùng từ đồng âm là một kiểu tư duy độc đáo riêng có của dân gian Trung Quốc: từ con dơi có thể liên tưởng đến Phúc; từ “có cá” có thể liên tưởng đến “có dư”, thậm chí trong rất nhiều đồ án của các loại hình nghệ thuật như thêu thùa, cắt giấy, khắc đá, hình tượng của Nữ Oa được thể hiện bằng một con ếch[1]. Trong tên tôi có một chữ Ao, tôi cũng là đồng âm với chữ Oa là ếch, nên rất thích ếch, vì thế trong nhà tôi sưu tầm đủ các kiểu, các loại ếch: ếch đá, ếch nước, ếch gốm, ếch ngọc, ếch sứ … Đến khi sưu tầm được càng ngày càng nhiều rồi, thì tôi phát hiện bắp chân mình cũng nhỏ đi, còn bụng thì ngày một dần to tròn lên. Tôi đùa rằng mình cũng đã biến thành một con ếch rồi, một con ếch biết viết lách.

Có lẽ tiếng ếch kêu hơi nhiều một chút, nên tiếng kêu ấy giúp một số người nghe xong thì thấy thư thái, nhưng cũng khiến một số người nghe xong lại thấy ớn lạnh. Mao Trạch Đông từng viết một bài thơ về ếch rằng: “Bên ao độc tọa tựa hùm ngồi; Di dưỡng tinh thần dưới bóng cây. Xuân đến tớ còn chưa cất tiếng; Côn trùng nào dám thốt lên lời?” Nhưng cũng có lúc ếch không kêu, nếu nó không kêu, thì thế giới này mới trống vắng và đáng sợ. Tôi từng thấy ở làng quê tỉnh Quảng Tây người ta dùng ếch để chống trộm: họ bỏ ếch vào những cái hũ sành có đục lỗ thủng, để ở bốn góc sân. Đến tối, chủ nhân cứ việc yên giấc trong tiếng ếch kêu. Nếu đột nhiên không thấy tiếng ếch kêu nữa, chủ nhân liền vội vã chạy ra kiểm tra, ắt quả nhiên có trộm lẻn vào sân rồi.

Tuy có câu chuyện đồng thoại về Hoàng tử ếch, nhưng cũng có câu chuyện cười “cóc ghẻ đòi ăn thịt thiên nga”. Ếch thực sự là có bộ dạng xấu xí, mắt lồi, miệng rộng, hơn nữa lại còn chân ngắn tay ngắn, di chuyển bằng cách nhảy, nhảy một cái lại xa một chút, nhảy một cái lại xa một chút. Nhưng tôi cuối cùng cũng đã đọc được trong một cuốn sách cổ, trong đó có viết rằng: thiềm thừ, cóc ghẻ đều là một cách gọi khác của ếch, lại còn viết tên của Hằng Nga vốn là “Hằng Ngã”[2], rằng: “Xưa, Hằng Ngã lấy trộm thuốc bất tử của Tây Vương mẫu uống rồi chạy lên mặt trăng. Trước khi chạy đi, đến chỗ họ Hữu Hoàng để bói. Hữu Hoàng xem xong, bảo: Quẻ tốt. Cô em hối hả, một mình sang tây. Gặp trời tối tăm, chớ kinh chớ sợ, sau sẽ đại cát!” Hằng Ngã bèn thác thân lên mặt trăng, làm con Thiềm thừ.

A ha! Ếch là do mỹ nhân hóa thành, nó mãi trường sinh, nó là mặt trăng trong đêm tối. 

     Châu Hải Đường dịch

(Theo “Tinh tuyển Tản văn Trung Quốc 2020”)

                       



[1] Con dơi, tiếng Trung Quốc gọi là “biển bức”, chữ “bức” đồng âm với “phúc”. “Có cá” tức “hữu ngư” đồng âm với “hữu dư”. Ếch tiếng Trung Quốc đọc là Oa, đồng âm với tên Nữ Oa.

[2] Hằng Ngã: nghĩa là ta còn mãi mãi. Vì uống thuốc trường sinh nên nói như vậy.

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2023

CHIM TRẮNG - Hà Lập Vĩ (TQ)

 

“Mùa hạ lại về; Khiến tôi nhớ lại.”

– Dân ca nước ngoài

Giá như mặt trời tháng Bảy không nóng cháy như thế, thì khu bãi sông ấy đã không vắng vẻ, không mênh mông như vậy. Chỉ có tiếng ve râm ran đầy trời, như thế lại càng thêm vẻ tĩnh mịch giữa ngày nắng chói. Huống chi, lại là ban trưa, mây và gió đều chẳng biết đã lẳng lặng chạy trốn vào xó nào cả rồi.

Nhưng trên cồn cát dài tít tắp chẳng bao lâu đã xuất hiện hai chấm đen nho nhỏ, rồi dần dần lay động, dần dần lớn lên. Trên những chỗ chấm đen ấy di chuyển qua, ngoằn ngoèo hai hàng dấu chân khi nông khi sâu, nghiêng nghiêng ngả ngả, giống như những cái chung rượu đựng đầy ánh nắng, đựng đầy hương thơm của những bông hoa dại từ triền đê thoảng tới.

Và đầy cả những tiếng cười khanh khách giòn tan như bánh đa nữa.

Đó là hai cậu thiếu niên! Một đứa thì trắng trẻo, còn đứa kia thì đen thui. Chúng hối hả chạy lại. Đứa trắng trẻo, gầy, mặc quần soóc Âu, áo sơ mi ngắn tay. Trên cái dây lưng da giắt nghiêng một cây súng chạc bằng gỗ. Còn đứa đen thui thì cởi trần, mất một chiếc răng cửa, nhưng lại cứ thích ngoác miệng ra cười ha ha. Ngay cả kẽ ngón chân nó cũng bị nắng hè thui đen cả, chỉ không thui đen được chiếc răng cửa còn lại của nó mà thôi. Trên đầu nó còn mọc một cái nhọt bọc đỏ ửng như quả cà chua.    

Hai cậu bé vừa đi, vừa cúi người, những hạt mồ hôi lóng lánh nhỏ giọt xuống bãi sông.

“Ái chà, mệt quá. Nắng chết đi mất!”

“Thế thì nghỉ một chút đi. Người thành phố đúng là chẳng được việc gì.”

Hai đứa ngồi xuống nghỉ bên triền đê cao, cánh mũi phập phồng. Trên đê, hoa dại nở đầy chỗ vàng, chỗ đỏ, đóa nào đóa nấy rực rỡ như một bài ca! Chúng lười nhác vứt hai cái giỏ tre xuống bên chân . Mỗi đứa đều đã hái được già nửa giỏ rau sam tía rồi. Rau sam này, người ở quê sẽ đem rải ra trên những tấm ván cửa, phơi khô, rồi xào với thật nhiều ớt đỏ, ăn rất mềm, rất khoái khẩu. Người thành phố có nhẽ khó mà từng được nếm qua. Thế nên cậu bé trắng trẻo ấy cũng rất thích bà ngoại xào món rau sam khô thơm nức mũi đó, để ăn với cháo đậu xanh. Bà ngoại thì chỉ mỉm cười, nhẹ bảo: “Rõ cái thằng bé này!”

“Chơi chọi gà không?” – Đứa da đen đề nghị.

“Được! Được!

“Đứa nào thua bị đét tay nhé?

“Đét tay thì đét tay.

Hai đứa bèn hái cỏ gà cùng chơi, thắng thua không quan trọng, chỉ cốt cho vui là được. Tiếng ve réo rắt kêu đến chói tai. Ông mặt trời to thật.

Đến khi trò chọi gà đã chơi chán rồi, hai đứa lại đi hái rau sam, đầy chặt cả một giỏ rồi, không còn chứa thêm được tí nào nữa rồi, chúng lại ngồi xuống nghỉ. Đứa trắng trẻo lấy cây súng chạc ra, nhặt một viên sỏi, lấy hết sức bắn. Viên sỏi rơi tõm xuống giữa sông, làm bắn tung lên một đám bọt nước nho nhỏ.

“Ái chà, xa thế!”

“Tớ còn bắn được sang bên kia sông.”

“Nói khoác.”

“Tớ không hề nói khoác nhé.”

Nước sông, tựa như bị bắn đau, vội vã chảy đi, cuồn cuộn cuồn cuộn. Đó là một con sông nổi tiếng ở miền nam, ngày đêm đều có vô số những câu chuyện hoặc đẹp đẽ hoặc bi thương chảy qua chảy lại, xưa cũ mà mới mẻ. Thảng hoặc có một cánh buồm trắng, lướt qua như một tờ lịch ngày, trong không gian tĩnh mịch còn lại, chỉ có những con sóng nhỏ nhè nhẹ xô nhau, liếm nhẹ vào bầu trời, liếm nhẹ vào bờ cát. Những con cá nhỏ, tôm nhỏ nhảy búng lên. Đá cuội vô cùng sạch sẽ.

“Bây giờ tớ đố cậu nhé.” – Đứa trắng trẻo nói.

“Đố á? Tớ ghét nhất là toán đố!”

“Cậu có nhận ra, bên bờ trái và bờ phải con sông có gì khác nhau không?”

“Bên trái có ruộng ngô. Bên phải không có.”

“Không hỏi cái ấy nhá.”

“Bên trái … có trạm bơm. Bên phải không có.”

“Vẫn không phải hỏi cái ấy.”

Cuối cùng, đứa da đen đành lắc đầu chịu thua.

“Cậu đúng thật là … Nhìn đây này! Bờ bên trái bằng phẳng hơn, còn bờ bên phải cao hơn một chút. Đã nhìn ra chưa?”

“Ừ, ừ, đúng thật nhỉ!”

“Chuyện này có lý do của nó. Cậu có hiểu không?”

Nó lại lắc lắc cái đầu mọc nhọt:

“Nói đi, cậu hiểu thì nói đi.”

“Anh giai à, nó cho thấy rằng: đây là do địa cầu tự chuyển động mà tạo thành đấy!”

“Ồ, ồ, cậu biết nhiều chuyện thế nhỉ.”

Đứa trắng trẻo liền bật cười. Hai con mắt đen bóng ánh lên lấp lánh. Song nó lại quên mất rằng, việc hái rau sam là nó được cậu bé nhà quê kia dạy cho mình. Lại còn dạy cả cho nó biết nướng ngô mà ăn thế nào, câu ếch thế nào … Người ta ai cũng có trí thông minh và niềm tự hào của mình, chẳng ai là không cả.

Tiếng ve đã hơi ngưng nghỉ.    

“Yên tĩnh thật.”

“Phải.”

“Hái được nhiều rau sam thế này, về bà ngoại vui lắm đây.”

“Tất nhiên rồi. Tuyên dương công việc cậu đã làm!”

Đứa trắng trẻo, trong lúc im lặng tưởng tượng, như nhìn thấy nét mặt vui mừng của bà ngoại. Những sợi tóc bạc của bà đung dưa trước mắt nó. Chả trách, nó đã được bà ngoại nuôi khôn lớn.  Tuổi thơ lãng mạn như con thuyền trăng, đậu lại trong vòng tay của bà ngoại. Vòng tay bà vừa yên tĩnh, lại vừa ấm áp.

Nhưng bỗng một ngày, bà ngoại gói gém tay nải quay trở về quê. Rốt chẳng hiểu là vì sao nữa.

Vừa nãy trong khi ăn cơm trưa, có người cách ngoài bờ ruộng gọi bà, tiếng to lắm. Đến khi bà quay trở vào, thì dắt theo cu cậu đen trũi này – bạn nó, bảo hai đứa chúng nó cùng đi chơi với nhau, đi ra xa mãi tận bên bờ sông mà chơi, mà hái rau sam, bơi sông, tùy ý. Tóm lại là cứ đi chơi một buổi chiều cho thật thỏa thích. “Ngoan, nghe lời bà, không được để xảy ra chuyện gì. Chưa đến tối thì chưa được về nhé.” Rồi bà đưa cho mỗi đứa một cái giỏ tre to. Lúc ấy, trên đầu vừng mặt trời cứ y như một cái đĩa sắt nung đỏ. Thằng bé trắng trẻo thích lắm, nhưng nó cũng lấy làm ngạc nhiên vô cùng. Vì thường ngày cứ buổi trưa là bà nhất định lại bắt nó đi ngủ, nhất định không cho nó ra ngoài chơi. Vậy mà hôm nay, mọi việc lại thay đổi hẳn. Bà ngoại thật tốt biết bao! 


Tiếng ve lại cất lên inh ỏi. Một, hai con ong dại bay lượn vòng trên đầu, vì vì vù vù.

Đứa da đen bảo: “Cậu bơi chứ? Bơi sang bờ bên kia.”

“Được.” – Đứa trắng trẻo nheo mắt nhìn sang bờ sông xanh biếc và dãy núi xanh mờ xa xa phía bên kia  nói – “Được! Được!”

“Thi nhé?”

“Thi.”

“Đứa nào thua là chó nhé?”

“Là chó thì là chó.”

Đứa da đen bật cười. Nụ cười thiếu cái răng cửa rất ngượng ngùng, rất đáng mến.

Thế là cả hai cùng nhất tề nhảy thùm xuống sông. Nước sông êm đềm mát rượi. Nhẹ nhàng nâng hai đứa bé trần truồng, một đen, một trắng lên, nhẹ nhàng nở rồi lại tàn từng bông từng bông hoa nước thật đẹp. Cậu bé đến từ thành phố dường như nuốt mất mấy ngụm nước rồi. Bởi vì nó suýt cười khi nhìn thấy  bạn mình bơi bằng một tư thế mà người ta vẫn gọi là “bơi chó” rất buồn cười, lại còn phun phì phì nước ra từ chỗ cái răng cửa bị trẫng về phía nó. Xa tít ngoài kia là một lá buồm trắng đang chầm chậm lướt tới. Thật là thích, thật là vui.

Hơn nữa, bờ sông bên này quang cảnh lại khác hẳn, là một vùng cỏ nước xanh mướt. Cỏ nước thật xum xuê. Phía sau nó thì lại là một rừng lau lách. Cứ xanh ngăn ngắt, xanh không biết đến đâu là cùng, y như niềm mơ mộng của lũ trẻ.

“Ôi chao! Chỗ này trông đẹp thật đấy.”

“Chỉ người thành phố về mới nói nó là đẹp.”

Hai đứa trẻ trần như nhộng đứng trên bờ sông. Một đứa đen thui, một đứa trắng bóc, đầu tóc ướt sườn sượt, nhưng tâm tình thì lại chói sáng hơn cả bầu không.

Bỗng nhiên cậu bé trắng trẻo, kêu ối lên một tiếng kinh hãi, rồi lui lại phía sau mấy bước, lảo đảo chực ngã: Trong đám cỏ nước có một con rắn!

 “Đừng sợ” – Đứa da đen nói – “Đừng sợ, rắn nước thôi.”

Rồi nó cúi người, rất nhanh túm ngay lấy đuôi con rắn thuận tay vung mạnh, con rắn ngùng ngoằng như một tia chớp trên không, rồi rơi xuống giữa sông.  Thật đáng sợ. Cậu bé trắng trẻo sợ toát mồ hôi, lập tức cảm thấy ngưỡng mộ người bạn đi với nó vô cùng. 

Bạn nó lại chợt hỏi: “Mắt cậu có được tốt không?”

“Mắt bên phải bị cận một độ hai.”

“Không lo. Ngày mai tớ sẽ bắt mấy con rắn cạp nong, cạp nia, lấy mật cho cậu uống, đảm bảo mắt cậu sẽ tinh tường ngay.”

Đứa trắng trẻo lại thêm mấy phần nể phục. Nó nhìn cái răng cửa bị trẫng y như một cái lỗ chuột nhỏ của bạn mình cảm thấy vừa buồn cười, lại vừa thân thiết.

Nó đang định nói mấy câu, thì bạn nó bỗng nhiên giơ ngón tay trỏ lên ngăn lại, rồi ghé tai nó bảo: “Đừng làm ồn, mau nhìn đi.”

“Gì thế?”

“Bên kia.”

“Ôi chao!”

Ở phía bên kia, cậu bé trắng trẻo đã nhìn thấy hai con chim nước. Hai con chim nước trắng muốt như tuyết, đang đứng bên đám cỏ xanh rờn, nhẹ nhàng chải chuốt bộ lông cánh sáng trắng đến lóa mắt của nó. Đẹp đẽ, hiền hòa, mà tự do tự tại.

Chúng đáp xuống đây khi nào nhỉ?

Cậu bé trắng trẻo nghĩ: Ôi, giá như mang theo cây súng chạc sang bên này thì tốt biết bao! Nhưng nó lập tức tự gạt bỏ ngay cái “chủ nghĩa Phát-xít” của mình đi. Bởi vì, sinh mệnh đẹp đẽ, hòa bình, tự do ấy đã thực sự chinh phục nó hoàn toàn, khiến nó đến thở cũng không dám thở mạnh nữa.

Bốn bề thật tĩnh lặng. Chỉ có tiếng dòng sông rì rầm vỗ bờ. Trên bùn mịn có những con bọ cánh cứng đang bò, phát sáng lấp lóa. Màu xanh của cỏ, màu trắng của con chim khiến người ta cảm động.

“Giá bắt được nó thì tốt quá. Nuôi nó rồi ngày nào cũng tha hồ mà ngắm.” – Đứa da đen nói nhỏ.

“Không.”

“Cậu không thích à?”

“Tớ còn thích hơn cậu nhiều.”

Đứa da đen bật cười, rồi lập tức lặng im không nói gì nữa. Cái nhọt trên đầu nó hơi nhoi nhói đau.

Đôi chim tình tình tự tự, cùng soi bóng mình xuống bờ nước nông. Rồi chúng lấy mỏ đùa giỡn nhau, cọ cọ dụi dụi hai cái cổ dài vào nhau. Đôi chim cùng với bầu trời này, dòng sông này, cùng với một vùng bát ngát cỏ xanh tĩnh mịch này, hệt như một  bức tranh tuyệt đẹp.

Hai đứa bé trần như nhộng, nằm phục vào khóm cỏ nhìn trộm. Cỏ khiến toàn thân chúng ngứa ngáy, nhưng chúng vẫn không dám động đậy, không dám làm hỏng một chút nào bức tranh ấy. Bầu trời xanh lam như được dán vào hai tấm lưng trần.

Không khí đang thiêu đốt. Không tiếng không lời, vô biên vô tận.

Hốt nhiên có tiếng thanh la,  choeng choeng choeng choeng, từ bên kia sông vọng tới.

“Làm gì mà người ta khua thanh la thế?”

“Ôi chao!” – Đứa da đen lập tức bật dậy như cái lò xo, bụng nó dính đầy bùn đất – “Họp đấu tố! Chiều hôm nay có cuộc họp đấu tố!”

Ầm ầm ào ào, tiếng thanh la, tiếng hô hét vọng lại khiến hai con chim nước giật mình bay đi. Từ miền xanh ngun ngút ấy, hai cái bóng trắng tuyết vút lên, chấp chới chấp chới rồi dần biến mất ở mãi nơi xa tít.

Bầu trời trống không. Mặt trời mùa hạ vẫn chói lói một vẻ huy hoàng.  

 Châu Hải Đường dịch  (VNQĐ số 1001, tháng 11/2022)

 

 

  

Giới thiệu Tác giả:

(Nhà văn Hà Lập Vĩ)


Hà Lập Vĩ sinh năm 1954 tạ Hồ Nam, là nhà văn đương đại Trung Quốc. Ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Học viện sư phạm Hồ Nam năm 1978, từng làm qua nhiều công việc như công nhân, giáo viên, chuyên viên văn học, nhà văn chuyên nghiệp, chủ biên tạp chí … Hiện nay Hà Lập Vĩ là chủ biên tạp chí “Sáng tác”, Ủy viên Hội nhà văn Trung Quốc, Phó chủ tịch Hội nhà văn tỉnh Hồ Nam.

Ông chủ yếu sáng tác văn xuôi với ba thể loại truyện ngắn (như: “Bài ca của người thợ đá”, “Thành phố nhỏ không một câu chuyện”, “Ga xép”, “Chim trắng” ,,,) truyện vừa (như: “Hoa phi hoa”, “Đùa với tình yêu”, “Bài ca thiên đường” …) và trường thiên tiểu thuyết (như: “Em ở nơi đâu”, “Như mặt trời vào tám chín giờ” …) Ngoài ra ông còn vẽ tranh biếm họa, và đã xuất bản một số tập. Hà Lập Vĩ từng giành nhiều giải thưởng văn học, trong đó truyện ngắn “Chim trắng” của ông từng giành Giải thưởng Truyện ngắn Ưu tú Toàn quốc năm 1984.