Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2023

Ngẫu Hoa (trích "Dạ Đàm Tùy Lục" của Hòa Bang Ngạch)

     Tống Văn Học, người Thương Khâu, ngụ cư ở Dư Hàng (tức Hàng Châu), mượn một chỗ ở bên bờ Tây Hồ làm chỗ ở. Chỗ ấy,  ngoài tường dây tiết lệ bò đầy, trên đất rêu xanh mịn như nhung, thực là một chỗ vô cùng u tĩnh, thanh vắng. Cửa tre đối diện mặt hồ, khoảng cuối hạ đầu thu, trên hồ nhiều hoa sen nhất. Tống sinh bản tính thích hoa sen, viết đến một trăm bài thơ ngâm vịnh hoa sen.

    Đương buổi mùa hè, chàng đứng tựa cửa dõi mắt nhìn tít đằng xa, trông thấy có hai thiếu nữ, bơi một chiếc thuyền nhỏ đi hái hoa sen. Một nàng mặc áo hồng, một nàng mặc áo tía, dáng vẻ dung nhan đều rất xinh đẹp, nàng áo hồng lại càng đẹp hơn hẳn. Đến hôm sau, hai người lại đến, đại khái chiều thì đến, gần tối mới đi, mấy ngày liền đều như vậy. Tống ban đầu không dám hỏi, về sau vì họ thường xuyên đến, bèn dần dà quen biết với nhau. Tống hỏi họ rằng: “Bơi thuyền cũng có khi nguy hiểm, hơn nữa hái sen lại chẳng phải việc gấp, làm sao hai người lại không ngại phiền hà, mà ngày nào cũng đi thế?” Thiếu nữ cười không đáp. Tống lại đem lời nói mà trêu bỡn rằng: “Tệ xá của tôi cũng ở gần đây, mời hai nàng đến uống chén trà có được chăng?” Nàng áo hồng không đáp, chỉ chăm chú giục đẩy sào xoay mũi thuyền đi. Nhưng nàng áo tía lại dừng thuyền cho ghé vào bờ, nói: “Chàng ta đã cố muốn làm chủ mời, thì cứ đến xem, xem chàng ta đem cái gì ra mời khách đây.” Tống vô cùng vui mừng, tưởng muốn nhảy lên, mà dẫn đường cho hai người về chỗ mình.

    Tống vốn sống một mình ở đó, cùng với một người đầy tớ. Trông thấy hai thiếu nữ, đầy tớ vừa hoài nghi, vừa ngạc nhiên, nói: “Cậu tìm đâu ra hai mỹ nhân đẹp đến dường này?” Tống dối bảo: “Đây là chị em trong nhà, đến đây thăm ta, muôn vàn chớ tiết lộ cho người ngoài biết, lại phải thù tiếp phiền hà.” Người đầy tớ vâng lời, chỉ lo xuống bếp làm cơm, không còn hơi đâu lo chuyện khác nữa. Hai thiếu nữ nhìn nhau cả cười, nàng áo tía nói: “Ai bảo chàng mọt sách này thật thà. Thuận miệng cũng có thể bày chuyện dối trá được ngay, đến nghĩ cũng chẳng cần nghĩ nhiều nữa.” Tống cũng cười. Từ đó trở đi cùng đối đãi với nhau rất thân mật. Tống hỏi tên họ và nơi ở của hai người, nàng áo hồng nói: “Thiếp tên là Ngẫu Hoa, tỳ nữ tên là Lăng Hoa, nhà ở trên hồ cách đây không xa, là người vùng này.” Tối ấy, Tống liền giữ họ cùng ngủ lại.

    Sáng sớm hôm sau, khi gà vừa mới gáy, Ngẫu Hoa đã đòi từ biệt. Tống muốn giữ lại, Ngẫu Hoa buồn rầu hồi lâu, rồi mới nói với Tống: “Đội ơn chàng nhã ái, sao có thể nhẫn tâm chốc lát rồi chia tay, chỉ là tình thế bức bách, không thể không chia tay. Thiếp biết chàng vốn là người thông đạt, nhất định sẽ không trách cứ, vậy xin để thiếp nói thật cho chàng biết, thiếp vốn chẳng phải là người, mà là hoa yêu. Nếu như chàng không chê, xin đến trên hồ, trông thấy trong đám hoa sen có một bông đặc biệt tươi hồng đẹp đẽ, ở phía dưới nó lại có một đám hoa ấu, thì có thể cùng dời hết về đây, chớ có làm tổn thương một chút rễ lá nào, đem chúng trồng vào trong bồn, lấy nước hồ mà nuôi dưỡng, không được cho chó mèo quấy nhiễu, không được cho khách xấu tiếp xúc, như vậy thì thiếp với Lăng Hoa sẽ có thể sớm tối được ở bên chàng vậy.” Tống vừa kinh ngạc vừa vui mừng, thầm ghi nhớ thật kỹ, rồi mới cho nàng đi.

    Mặt trời vừa mọc, Tống bơi một chiếc thuyền nhỏ, đi ra hồ sen tìm kiếm khắp nơi, cuối cùng quả nhiên phát hiện có một gốc sen bông đỏ như ráng sớm, hương ngát hơn xạ hương, cũng lớn gấp đôi những bông hoa thông thường. Lại xem xét dưới đóa hoa, thấy có một bụi hoa ấu cũng lớn hơn hẳn so với loại thông thường. Tống bèn đem số tiền hậu hĩnh nhờ ngư phủ đánh cả sen lẫn ấu cùng bùn rễ mang về nhà, trồng vào trong cái vại lớn. Từ đó Tống bèn đóng cửa, không tiếp khách, cả ngày nằm ngồi bên cạnh hoa. Qua ba ngày, vẫn không thấy hai thiếu nữ đến, Tống thấy vô cùng hoài nghi, lo lắng nghĩ ngợi, suy tư rối bời. Đến ngày thứ tư, Tống buồn bực trong người, đang nằm ngủ trưa, bỗng nhiên cảm thấy như có tiếng váy chùng quết đất, mở mắt ra nhìn, thì hai người thiếu nữ đã đến bên giường của chàng rồi. Ba người gặp nhau ngạc nhiên mừng rỡ. Ngẫu Hoa nói: “Đội ơn chàng tận tình chăm sóc, trong lòng thiếp cảm động vô cùng. Chỉ có điều bọn thiếp tư chất yếu ớt, không chịu nổi lao khổ, cho nên mới nghỉ ngơi mấy ngày, không thể động đậy được, khiến cho chàng phải buồn lo, thực không an lòng.” Tống nói: “Chỉ cần có thể thường xuyên gặp gỡ, thì ngại chi tạm không được gặp nhau. Học trò nghèo mấy năm nay bần hàn vô cùng, cũng ít có khi vui. Đến nay có thể cùng hai nàng làm bạn, thì dù có chết cũng vừa lòng thỏa ý rồi.” Ngẫu Hoa nói: “Thành tâm của chàng, thiếp thật không thể phụ được. Chỉ cần có thể giữ được trọn đời không thay lòng, thì thiếp an tâm rồi. Chúng thiếp đến đây tuy rằng đã làm bại hoại thanh danh, nhưng thực cũng không uổng phụ đời này. Huống chi danh chỉ là khách so với thực. Đời người chỉ như bong bóng nổi trên mặt nước, khoảnh khắc rồi tan biến, nếu không kịp thời sống cho vui vẻ, thì dù cho có sống một trăm năm, cũng có khác chi con phù du, cây nấm sớm. Như chị em thiếp, rời khỏi muôn khoảnh sóng biếc, mà đến nơi chỉ có một muôi nước này, rời khỏi nước hồ sâu thẳm, mà đến chỗ cái ang nông choèn này, chẳng phải thiếp không biết giờ đây chẳng khác gì cá bơi lội trong chậu, yến làm tổ trong màn, hai đằng an nguy thọ yểu khác nhau một trời một vực. Chỉ vì một điều sống đơn độc một mình chẳng bằng chết có đôi có lứa vậy.” Bèn viết một bài thơ tặng Tống rằng:

“Thiều quang búng tay dễ cạn;

Nắng mai chớp mắt lại hun,

Từ nay chiều chiều sớm sớm;

Nhớ chàng nào ngại nước non.”

Từ đó, ba người như hình với bóng. Hai người con gái rất thương yêu nhau, quần áo giày tất đều đổi nhau mà mặc, không phân của ai với ai.

(Hoa Sen - Tranh của Phan Thiên Thọ)

Một hôm, Tống ra ngoài chơi, có hai người bạn đến thăm không gặp, trông thấy hoa ấu trong ang đẹp đẽ lạ lùng, bèn hái cầm đi. Đến tối, Tống về nhà, Ngẫu Hoa khóc lóc kể lại chuyện Lăng Hoa đã bị thương như thế nào, lại nói: “Nếu chàng không thương cô ấy, cứu cô ấy, thì thiếp sao có thể nhẫn tâm tiếp tục sống một mình được?” Tống đau buồn vô hạn, hỏi: “Có cách gì để cứu cô ấy?” Ngẫu Hoa nói: “Chỉ cần bồi đắp chăm sóc lại gốc rễ của cô ấy, rồi sáng sớm hàng ngày giúp cô ấy niệm Quan Âm chú chín mươi chín lần, thì ngày này năm sau, cô ấy sẽ có thể tái sinh được.” Tống bèn theo đúng lời chỉ bảo của Ngẫu Hoa, thành tâm niệm chú, thi thoảng lại lấy bùn dưới hồ về bồi đắp cho, ngày đêm không nghỉ. Đến năm sau hoa quả nhiên lại sống lại, Lăng Hoa cũng bỗng nhiên xuất hiện, tuy thấy có gầy đi đôi chút, nhưng dáng vẻ lại càng thêm xinh đẹp. Ba người gặp nhau mừng mừng tủi tủi, ai nấy đều kể lể tình ly biệt, nói mãi không thôi. Tống từ sau khi được hai Hoa, càng ngày càng thấy thần khí trong sáng, sách vở chỉ cần đọc một lần, liền có thể thuộc làu làu.

Lại quá một năm nữa, giữa đông tuyết lạnh, trong ang nước đóng thành băng, chỉ trong một đêm đều đã đông cứng, hai thiếu nữ liền không thấy đến nữa. Tống một mình lạnh lẽo, tối tối đều không thể ngủ được, nước mắt ướt đầm cả chăn chiếu. Vì thế ngày nào chàng cũng ngồi trước ang hoa, lặng lẽ cầu khấn. Không lâu sau, xuân hết hè sang, Ngẫu Hoa bỗng nhiên một mình đến nơi, nhưng dung nhan rất tiều tụy, vẻ vô cùng đau khổ. Tống ôm lấy nàng cho ngồi lên đùi mình, lau nước mắt vuốt tóc cho nàng, rồi hỏi: “Làm sao nàng gầy yếu đến thế này? Lăng Hoa ở đâu, sao không cùng đến đây với nàng?” Ngẫu Hoa rơi nước mắt nói: “Chàng vẫn còn nhớ đến Lăng Hoa muội muội ư? Lăng Hoa đã thành ma chết rét từ mùa đông năm ngoái rồi. Thiếp cũng không chịu nổi lạnh lẽo, tuy không chết, nhưng cũng chỉ thoi thóp, không lâu nữa cũng sẽ phải từ biệt nhân gian, vĩnh biệt với chàng rồi.” Tống đau đớn đến tưởng ngất đi, không thôi thương nhớ Lăng Hoa, may mà còn có Ngẫu Hoa ở bên, nên không đến nỗi đau buồn mà chết. Nhưng Ngẫu Hoa càng ngày càng gầy yếu, khiến Tống vô cùng lo lắng. Lại cho mời cả thày lang đến thuốc thang chữa trị. Thày lang vừa thấy Ngẫu Hoa xinh đẹp như vậy đã như kẻ mất hồn, đến lúc bắt mạch lại thấy không giống như mọi người, bèn kê bừa một toa thuốc cho. Tên thày lang ghi nhớ kỹ lấy địa chỉ, rồi ngày nào cũng đến trước cửa chờ đợi, hy vọng có thể được gặp lại nàng.

Vừa hay gặp buổi Tống đi vắng, chiều hôm ấy, thày lang rình trộm, thấy Ngẫu Hoa ra bờ hồ dạo chơi, phong tư yểu điệu như đua khoe vẻ đẹp với hoa sen trên hồ. Gã thày lang không nhịn nổi thêm được nữa, xông tới ôm chặt lấy Ngẫu Hoa. Ngẫu Hoa giật mình vùng chạy trốn, tung người nhảy xuống dưới hồ. Thày lang hoảng hồn vội túm lấy chân nàng giữ lại, thì bỗng nhiên rắc một tiếng cái chân đứt gãy ra, nhìn lại thì hóa ra một đoạn ngó sen. Khi ấy thày lang mới biết đó là yêu vật biến hóa, bèn vội vàng chạy đến nói cho Tống biết. Tống vô cùng oán hận, chạy đến bên hồ khóc ròng, hận thày lang đa sự, muốn kiện lên quan. Nhưng người đầy tớ khuyên rằng: “Rõ ràng là yêu vật, dù cho có lên đến quan phủ thì chúng ta cũng làm sao có lý được?” Tống nghe vậy mới không báo quan nữa. Ngày hôm sau, chàng lại ra giữa hồ than khóc, trông thấy có một đóa hoa sen trôi trên mặt nước, vẫn còn dính theo đoạn ngó gãy. Tống đau đớn khóc váng rồi đem đoạn ngó gãy về nhà, trồng lại vào ang nước, cách một đêm thì nó héo chết. Tống chỉ còn cách sắp sửa áo quan cùng các vật khâm liệm, an táng Ngẫu Hoa ở trên bờ hồ, lại viết một bài “Phù Dung từ” để tế nàng. Không lâu sau thì Tống gọt tóc làm tăng, vân du bốn phương không biết kết cục ra sao.

(Trích "Dạ Đàm Tùy Lục" của Hòa Bang Ngạch, CHĐ dịch, Nhã Nam và NXB Văn học 2018)

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

CHUYỆN ẾCH - Tản văn của Giả Bình Ao

Muôn vật trên đời này đều chia ra âm dương, loài ếch thuộc về dương, nó từ dưới nước đi lên. Đầu tiên là ở dưới ao chuôm hay kênh rạch có một đám dính nhơm nhớp nổi lên, bên trong có những cái đốm đen. Những đốm đen ấy lớn dần lên, mọc ra một cái đuôi, bèn bơi theo lũ cá. Nó nghĩ rằng nó cũng là cá, cứ bơi, cứ bơi, rồi một ngày nó bơi rụng cả đuôi, từ dưới nước trèo lên trên bờ.

Có loài vật luôn nghi hoặc về xuất thân của mình: một loài là bươm bướm, nó vốn chỉ bò trên mặt đất, làm sao lại bay vút được lên không trung? Một loài là ếch, vì sao nó vừa có thể ở dưới nước, lại có thể ở trên cạn? Bươm bướm không thốt một lời, cả đời đi tìm kiếm xem bông hoa nào là kiếp trước của nó. Còn ếch thì chỉ biết kinh ngạc kêu lên: Ộp! Ộp! Ộp! Tiếng kêu ấy đã thành cái tên "ếch ộp" của nó. 

Ếch là con vật mà người ta trước nay chưa từng thuần dưỡng, nhưng lại chưa từng rời xa khỏi con người. Nó và chim én cùng xưa cũ như nhau, nhưng chim én là loài vật báo tin xuân, được ở thoải mái trên mi cửa hay trên xà nhà của người ta. Còn ếch thì vĩnh viễn ở bên bờ nước hay ngoài đồng nội, chăm chú vào việc ăn, ăn cho lớn căng tròn cái bụng lên, thì lại sinh sản.

Khoảng cách giữa hai con mắt của ếch rất rộng, tựa hồ có con mắt mọc ngay trước trán, có con mắt lại mọc ở hai bên trán, vừa to vừa tròn, không khép mi. Tiếng kêu kinh ngạc lúc nó vừa sinh ra, về sau có thể vì trông thấy quá nhiều những chuyện xấu xa và những điều chẳng lành ở dưới ao ngòi hay trên mặt đất, tiếng kêu kinh ngạc ấy bèn trở thành chất vấn, rồi tiến triển thành thổ lộ, rồi suốt ngày đêm ộp oạp không nghỉ. Càng chất vấn lại càng thổ lộ, nảy sinh ra tức giận và chí khí, dưới cổ nó liền có một cái túi khí lớn. Thời Xuân Thu, Việt vương Câu Tiễn bị nước Ngô đánh bại, khi được tha cho về, trên đường đi trông thấy một con ếch, bèn xuống xe kính cẩn vái chào, nói: “Nó cũng là kẻ có chí khí chăng?” Rồi lập chí rửa nhục, sửa đức rèn quân, cuối cùng trở thành một trong ngũ bá đời Xuân Thu.

(Ếch - Tranh của Tề Bạch Thạch)

Dùng từ đồng âm là một kiểu tư duy độc đáo riêng có của dân gian Trung Quốc: từ con dơi có thể liên tưởng đến Phúc; từ “có cá” có thể liên tưởng đến “có dư”, thậm chí trong rất nhiều đồ án của các loại hình nghệ thuật như thêu thùa, cắt giấy, khắc đá, hình tượng của Nữ Oa được thể hiện bằng một con ếch[1]. Trong tên tôi có một chữ Ao, tôi cũng là đồng âm với chữ Oa là ếch, nên rất thích ếch, vì thế trong nhà tôi sưu tầm đủ các kiểu, các loại ếch: ếch đá, ếch nước, ếch gốm, ếch ngọc, ếch sứ … Đến khi sưu tầm được càng ngày càng nhiều rồi, thì tôi phát hiện bắp chân mình cũng nhỏ đi, còn bụng thì ngày một dần to tròn lên. Tôi đùa rằng mình cũng đã biến thành một con ếch rồi, một con ếch biết viết lách.

Có lẽ tiếng ếch kêu hơi nhiều một chút, nên tiếng kêu ấy giúp một số người nghe xong thì thấy thư thái, nhưng cũng khiến một số người nghe xong lại thấy ớn lạnh. Mao Trạch Đông từng viết một bài thơ về ếch rằng: “Bên ao độc tọa tựa hùm ngồi; Di dưỡng tinh thần dưới bóng cây. Xuân đến tớ còn chưa cất tiếng; Côn trùng nào dám thốt lên lời?” Nhưng cũng có lúc ếch không kêu, nếu nó không kêu, thì thế giới này mới trống vắng và đáng sợ. Tôi từng thấy ở làng quê tỉnh Quảng Tây người ta dùng ếch để chống trộm: họ bỏ ếch vào những cái hũ sành có đục lỗ thủng, để ở bốn góc sân. Đến tối, chủ nhân cứ việc yên giấc trong tiếng ếch kêu. Nếu đột nhiên không thấy tiếng ếch kêu nữa, chủ nhân liền vội vã chạy ra kiểm tra, ắt quả nhiên có trộm lẻn vào sân rồi.

Tuy có câu chuyện đồng thoại về Hoàng tử ếch, nhưng cũng có câu chuyện cười “cóc ghẻ đòi ăn thịt thiên nga”. Ếch thực sự là có bộ dạng xấu xí, mắt lồi, miệng rộng, hơn nữa lại còn chân ngắn tay ngắn, di chuyển bằng cách nhảy, nhảy một cái lại xa một chút, nhảy một cái lại xa một chút. Nhưng tôi cuối cùng cũng đã đọc được trong một cuốn sách cổ, trong đó có viết rằng: thiềm thừ, cóc ghẻ đều là một cách gọi khác của ếch, lại còn viết tên của Hằng Nga vốn là “Hằng Ngã”[2], rằng: “Xưa, Hằng Ngã lấy trộm thuốc bất tử của Tây Vương mẫu uống rồi chạy lên mặt trăng. Trước khi chạy đi, đến chỗ họ Hữu Hoàng để bói. Hữu Hoàng xem xong, bảo: Quẻ tốt. Cô em hối hả, một mình sang tây. Gặp trời tối tăm, chớ kinh chớ sợ, sau sẽ đại cát!” Hằng Ngã bèn thác thân lên mặt trăng, làm con Thiềm thừ.

A ha! Ếch là do mỹ nhân hóa thành, nó mãi trường sinh, nó là mặt trăng trong đêm tối. 

     Châu Hải Đường dịch

(Theo “Tinh tuyển Tản văn Trung Quốc 2020”)

                       



[1] Con dơi, tiếng Trung Quốc gọi là “biển bức”, chữ “bức” đồng âm với “phúc”. “Có cá” tức “hữu ngư” đồng âm với “hữu dư”. Ếch tiếng Trung Quốc đọc là Oa, đồng âm với tên Nữ Oa.

[2] Hằng Ngã: nghĩa là ta còn mãi mãi. Vì uống thuốc trường sinh nên nói như vậy.