Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Người gảy đàn đất Long Thành có phải được gọi là Cầm?

“Long Thành cầm giả ca”  - Bài ca người gảy đàn đất Long Thành - là một trong những bài thơ hay của Nguyễn Du. Với lời tiểu dẫn như một câu truyện ngắn kể về người con gái đánh đàn ấy cùng những kỷ niệm của Nguyễn Du với nàng, bài thơ đã trở thành cảm hứng cho nhiều tác giả sáng tác các tác phẩm văn học, kịch nghệ, phim ảnh viết về Nguyễn Du nói chung, cũng như về mối nhân duyên giữa Nguyễn Du với người con gái đánh đàn đất Long Thành ấy nói riêng. Có thể lấy ví dụ như: Kịch “Dòng lệ Tố Như” của tác giả Trần Đình Ngôn – sáng tác năm 1992, vừa được Nhà hát chèo Việt Nam dựng lại, hay như bộ phim “Long Thành cầm giả ca” cách đây không lâu … Và tất nhiên trong các tác phẩm ấy, không thể thiếu được nhân vật Người gảy đàn đất Long Thành. Vậy nhân vật người con gái ấy được gọi tên thế nào? Hầu hết các tác phẩm đó có lẽ đều căn cứ vào bài thơ (đúng hơn là, bản dịch bài thơ) “Long Thành cầm giả ca” của Nguyễn Du và gọi người gảy đàn ấy là cô/nàng Cầm.

Ta hãy đọc lại đoạn đầu bài thơ “Long Thành cầm giả ca” của Nguyễn Du:

龍城佳人
姓氏不記清
獨善阮琴
舉城之人以琴名。
 “Long Thành giai nhân,
Tính thị bất ký thanh,
Độc thiện Nguyễn cầm,
Cử thành chi nhân dĩ cầm danh.”

Trong cuốn “Thơ chữ Hán Nguyễn Du” của NXB Văn Học in năm 1988(*), mấy câu thơ trên được dịch nghĩa như sau:
“Người đẹp ở Long Thành,
Họ gì không nhớ rõ,
Chuyên giỏi đàn nguyệt cầm,
Người cả thành lấy “Cầm” mà đặt tên cho.”

Mấy câu trên tưởng chừng đã quá rõ ràng và không có gì để phải nói nữa, nhưng khi đọc kỹ lại, ta lại thấy có điểm bất ổn.

Trước hết ta hãy xem chú thích về chữ “Nguyễn cầm” trong sách đã dẫn: “Nguyễn cầm: Đàn Nguyễn, còn gọi đàn Nguyệt. Đàn này do Nguyễn Hàm người đời Tấn ở Trung Quốc (một trong Trúc Lâm thất hiền) sáng chế.”  Thực sự là cây đàn Nguyễn do Nguyễn Hàm đời Tấn chế ra, nên được gọi là đàn Nguyễn. Nhưng nó không phải là đàn nguyệt như chú thích trong sách. Đàn Nguyễn tuy cũng có hộp đàn hình tròn, nhưng cần đàn ngắn và có bốn dây, chứ không phải hai dây như đàn Nguyệt. Nếu có thể, thì nó chính là cây đàn hiện được gọi là đàn Tứ. Và khi so sánh nó với đàn Nguyệt, thậm chí người ta còn gọi nó là Nhật, để đối tỷ với nhau. Vì vậy đàn Nguyễn hoàn toàn không phải đàn Nguyệt. (Việc đàn Nguyệt có phải biến tấu từ đàn Nguyễn không, tạm chưa bàn tới.)
(Thiếu nữ chơi đàn Nguyễn)


Tiếp theo ta hãy xem tiếp về chữ “Cầm” 琴. Có thể thấy mấy trường nghĩa cơ bản của chữ Cầm như sau:
  1. Cầm còn gọi Cổ Cầm là một nhạc cụ cổ Trung Quốc, do Thần Nông thị sáng tạo ra, dài ba thước sáu tấc sáu, trên có năm dây, gọi là: Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ. Sau Văn Vương thêm vào hai dây nữa gọi là: Thiếu Cung, Thiếu Thương, thành cây đàn bảy dây.
  2. Cầm: Là phiếm chỉ chung các loại đàn.
  3. Cầm: Dùng theo nghĩa động từ là “gảy đàn” ví dụ như chữ Cầm trong tiêu đề bài thơ: “cầm giả” – tức người chơi đàn.
Bây giờ trở lại với câu thơ: “Độc thiện Nguyễn cầm, cử thành chi nhân dĩ cầm danh.” Theo như câu dịch nghĩa trong sách đã dẫn, thì câu này là: “Chuyên giỏi đàn nguyệt (Nguyễn) cầm, người cả thành lấy “Cầm” mà đặt tên cho”.  Chữ “Cầm” mà người ta “đặt tên cho” nàng ở đây, rõ ràng không thể là ở nghĩa thứ nhất của chữ Cầm – là đàn Cầm, Cổ Cầm ta nói trên, vì nàng đâu có chơi đàn Cầm. Mà nó chỉ có thể ở vào hai nghĩa phiếm chỉ ở dưới.  Nhưng nếu vậy, thì rõ ràng câu của Nguyễn Du lại rất phi lý, và việc ông nói rõ chữ “Nguyễn cầm” (đàn Nguyễn) dường như  là thừa:
“Riêng giỏi đàn Nguyễn, nên người cả thành gọi tên là Cầm (tức Đàn/chơi đàn)”
Chẳng ai nói một câu kiểu như: “Anh ấy rất giỏi đàn XYZ, nên tôi gọi anh ấy là “Đàn”/”Chơi đàn”. Như vậy thì còn phải nói đến cái tên đàn là XYZ làm gì? (Cũng nên lưu ý rằng, cây đàn Nguyễn được tác giả nhắc tới nhiều lần từ trong lời tiểu dẫn đầu bài thơ cũng như trong bài thơ)
Câu nguyên văn chữ Hán: 以琴名 “dĩ cầm danh” của Nguyễn Du ta phải hiểu là 以琴名而名之 “dĩ cầm danh nhi danh chi” mới đúng. Và như vậy câu này phải dịch nghĩa là: “Riêng giỏi đàn Nguyễn, nên người cả thành lấy tên đàn mà gọi tên.” Như vậy, người gảy đàn đất Long Thành, không phải được dân trong thành gọi là cô/nàng Cầm, mà chính là cô/nàng Nguyễn.
Tuy nhiên đó không phải là họ thật của nàng, mà chỉ là vì nàng giỏi đàn Nguyễn, nên gọi theo tên đàn mà thôi. Xét lại câu “tính thị bất ký thanh” cũng như cách gọi theo họ phổ biến trong xã hội xưa chúng ta sẽ thấy nó hợp logic.
Như vậy câu “cử thành chi nhân dĩ cầm danh”, chúng ta nếu không muốn nói rõ tên (họ) nàng là Nguyễn, thì cũng phải dịch là: “người cả thành lấy tên đàn mà gọi tên”. Chứ không thể dịch là: Người cả thành gọi tên nàng là Cầm được.
Thiết tưởng đối với một tác phẩm văn chương hay phim kịch dã sử thì tên gọi một nhân vật hư cấu sáng tạo cũng không có gì là quan trọng cả. Nhưng đối với câu thơ, cũng như bài thơ hay của một tác giả nổi tiếng, một danh nhân văn hóa thế giới thì chúng ta cũng cần phải hiểu cho chính xác, thấu đáo nhất tinh thần, ý tứ của tác giả, tác phẩm. Đôi khi một sai sót nhỏ cũng ảnh hưởng rất lâu dài vậy.

Huyền Phương Các
19.9.2015

(*)“Thơ chữ Hán Nguyễn Du” - NXB Văn Học in năm 1988 – Đào Duy Anh sắp xếp, dịch nghĩa, chú thích.

Trà nhàn ngẫu nhiên thấy mấy lỗi dịch sai khi đọc U Mộng Ảnh

Tôi vốn thích cuốn “U Mộng Ảnh” của Trương Triều, nên cách đây ít năm có người bạn tâm giao in tặng một cuốn là bản dịch của Huỳnh Ngọc Chiến, thi thoảng rảnh rỗi lại lấy ra đọc một vài mẩu giải khuây. Trước giờ vẫn biết trong bản dịch ấy còn khá nhiều chỗ dịch chưa thấu đáo vì không nhận ra tên riêng hay điển cố trong đó (Nhớ không lầm thì đã có lần tôi giải thích điển cố trong một mẩu nào đó cho một bạn trên FB thì phải), nhưng bản dịch có cả nguyên văn chữ Hán, nên tôi chỉ đọc nguyên văn cũng không để tâm nhiều lắm đến những lỗi ấy.


Sáng nay nhân ngồi uống trà lại cầm sách lật ngẫu nhiên đọc chơi một mẩu, thì đúng ba “tắc” được đánh theo số thứ tự là 199, 200, 201, đều là những tắc viết về chuyện thơ ca, khá thú vị. Tuy nhiên lại nhận ra một điều là cả ba “tắc” ấy đều có những sai sót trong dịch thuật. Xin dẫn lại dưới đây:

“199. Tô Đông Pha hãy còn để lại độ mấy chục bài”Họa Đào thi”. Tôi vẫn hằng muốn gộp những câu khác để thêm vào, nhưng khổ về nỗi vần chưa được hoàn bị. Như trong bài thơ”Trách tử thư” (thơ trách con) có câu”Bất thức lục dữ thất", "Đãn mịch lê dữ lật”(Không biết chữ lục cùng chữ thất, chỉ tìm cây lê với cây lật). Chữ”Thất” và chữ”Lật” không cùng một vần.

蘇 東 坡 〈 和 陶 詩 〉, 尚 遺 數 十 首, 予 嘗 欲 集 坡 句 以 補 之, 苦 于 韻 之 弗 備 而 止。 如 〈 責 子 詩 〉 中 : 「 不 識 六 與 七, 但 覓 梨 與 栗。 」 「 七 」 字 、 「 栗 」 字, 皆 無 其 韻 也。

Tô Đông Pha”Họa Đào thi”, thượng di sổ thập thủ. Dư thường dục tập pha cú dĩ bổ chi, khổ vu vận chi phất bị nhi chỉ. Như”Trách tử thư” trung :”Bất thức lục dữ thất, đán mịch lê dữ lật”.”Thất” tự,”Lật” tự giai vô kỳ vận dã.”

 Tắc 199 này có mấy điểm sai:
  1. Không nhận ra chữ Pha trong đoạn “Dư thường dục tập pha cú” là tên riêng. “Pha” hay “Pha công”, cách gọi có thể cho là gần gũi của hậu nhân với Tô Đông Pha. Ở đây bỏ qua mất chữ "Pha" đã đành, mà dường như cũng chưa hiểu hết câu "tập Pha cú". Chỗ này, đúng ra nên dịch rõ thành: "Tôi từng muốn tập những câu thơ của Đông Pha để (họa) bổ sung cho đủ".
  2. Chữ "Bị" (phất bị) không phải là "hoàn bị" mà là "đầy đủ". Chữ “Chỉ” ở cuối câu ấy bị bỏ qua. Câu: “Khổ vu vận chi phất bị nhi chỉ” có nghĩa là: “Khổ nỗi không có đủ vần mà phải dừng lại”
  3. Câu: “Thất tự, Lật tự giai vô kỳ vận dã.” Dịch như Huỳnh Ngọc Chiến thành: “Chữ Thất, chữ Lật không cùng một vần” là sai. Hai chữ này rõ ràng là cùng vần không nghi ngờ gì cả. Câu này chính là minh chứng cho câu "không đủ vần ở trên". Đoạn này chính nghĩa là: Ví như những câu "Bất thức lục dữ thất", "Đãn mịch lê dữ lật" trong bài "Trách tử" (của Đào Uyên Minh), thì thơ Tô Đông Pha không có câu nào có chữ "thất", chữ "lật" cả. 
“200. Tôi thường ngẫu nhiên làm được một câu, vui mừng khôn kể, đáng tiếc là không có câu đối hay, nên chưa thành thơ được. Một trong các câu đó là :”Thu diệp đới trùng phi (Lá khô mang côn trùng bay đi), một câu khác là : ”Hương nguyệt đại ư thành” (Trăng làng cũ mọc lớn trên thành). Đành để đó chờ đến ngày khác vậy.

予 嘗 偶 得 句, 亦 殊 可 喜, 惜 無 佳 對, 遂 未 成 詩。 其 一 為 「 枯 葉 帶 蟲 飛 」, 其 一 為 「 鄉 月 大 於 城 」, 姑 存 之, 以 俟 異 日。

Dư thường ngẫu đắc cú, diệc thù khả hỷ, tích vô giai đối, toại vị thành thi. Kỳ nhất vi ”khô diệp đới trùng phi", kỳ nhất vi ”Hương nguyệt đại ư thành”. Cô tồn chi dĩ sĩ dị nhật.”

Tắc 200 này có hai điểm sai, nhưng đáng tiếc là lại nằm ở chính hai câu giai cú của Trương Triều từng khiến  ông “vui mừng khôn kể” ấy.
  1. Câu: “Khô diệp đới trùng phi” (Chỗ bản dịch viết thành Thu – lỗi đánh máy), chữ Trùng ở đây nghĩa chỉ chung các loại sâu bọ, côn trùng. Nhưng nếu dịch như Huỳnh Ngọc Chiến là “Lá khô mang côn trùng bay đi” thì thực sự chưa hiểu chữ “Trùng” hay thế nào trong câu này. Chỗ này ý Trương Triều thì nó nghĩa là “Sâu” và phải dịch là “Lá khô mang sâu bay đi”. Vì sao? Vì côn trùng nhiều loại vốn có cánh, tự bay được. Ví như câu thơ của Tô Đông Pha “Thu trùng kiến đăng nhập” thì có thể biết ngay nó là loại biết bay, như con thiêu thân hay bướm đêm chẳng hạn. Còn con sâu thì không biết bay. Và nó ăn lá cây, bám trên lá cây. Lá khô bay đi, khiến con sâu bám trên đó tự dưng được bay. Đó là điểm lý thú của câu thơ, mà nếu dịch chung là “côn trùng” sẽ giảm giá trị rất nhiều.
  2. Câu: “Hương nguyệt đại ư thành” Huỳnh Ngọc Chiến dịch là “Trăng làng cũ mọc lớn trên thành”, rõ ràng đã không hiểu cấu trúc ngữ pháp của câu thơ. Ở câu thơ này Trương Triều đã ẩn bớt một chữ “nguyệt” không cần thiết, nếu viết đầy đủ nó phải là: “Hương nguyệt đại ư thành nguyệt” nghĩa là: “Trăng ở thôn quê lớn hơn trăng ở thành thị”. Cái này là một cảm nhận vô cùng tinh tế và cũng rất chính xác, bất kỳ người nào cũng có thể cảm nhận được điều ấy nếu từng chính bản thân mình ngắm trăng ở thôn quê và ngắm trăng nơi đô thị. Có lẽ tôi cũng không cần trình bày dài dòng.
201. Hai câu ”Không sơn vô nhân, thủy lưu hoa khai“ (Núi vắng không người, hoa nở nước trôi) , cực tả được diệu cảnh của thú chơi đàn, hai câu : “Thắng cố hân nhiên, bại diệc khả hỷ” (Thắng được thì vui, thua cũng chẳng buồn) cực tả được diệu cảnh của thú chơi bài; hai câu : ”Phàm tùy Tương chuyển, vọng hoành cửu diện“ (Buồm lướt sông Tương, ngoảnh nhìn chín phía) cực tả được diệu cảnh của thú đi thuyền, hai câu : “Hồ nhiên nhi thiên, hồ nhiên nhị đế” (hờ hững mà như Trời, hững hờ mà như Đế) tả được diệu cảnh của mỹ nhân.

「 空 山 無 人, 水 流 花 開 」 二 句, 極 琴 心 之 妙 境 ; 「 勝 固 欣 然, 敗 亦 可 喜 」 二 句, 極 手 談 之 妙 境 ; 「 帆 隨 湘 轉, 望 衡 九 面 」 二 句, 極 泛 舟 之 妙 境 ; 「 胡 然 而 天, 胡 然 而 帝 」 二 句, 極 美 人 之 妙 境。

"Không sơn vô nhân, thủy lưu hoa khai“ nhị cú, cực cầm tâm chi diệu cảnh, ”Thắng cố hân nhiên, bại diệc khả hỷ” nhị cú, cực thủ đàm chi diệu cảnh, ”Phàm tùy Tương chuyển, vọng hoành cửu diện“ nhị cú, cực phiếm chu chi diệu cảnh, “Hồ nhiên nhi thiên, hồ nhiên nhị Đế” nhị cú, cực mỹ nhân chi diệu cảnh.

Tắc 201 này có điểm sai lớn nhất nằm ở câu thơ: 帆 隨 湘 轉, 望 衡 九 面 – Phàm tùy Tương chuyển, Vọng Hành cửu diện.  Chữ Hành ở đây là tên riêng, tức núi Hành sơn. Câu này nghĩa là: Buồm di chuyển theo dòng sông Tương, ngắm được cả chín mặt của núi Hành sơn. Có lẽ Huỳnh Ngọc Chiến đã không nhận ra chữ Hành tên riêng ấy, nên phiên là “vọng hoành cửu diện”, rồi bỏ qua khi dịch nghĩa, mà chỉ dịch là: ngoảnh nhìn chín phía. Thế là núi Hành sơn tự dưng biến mất!
Ngoài ra tắc 201 này, câu “Hồ nhiên nhi thiên, Hồ nhiên nhi đế” vốn có xuất xứ từ kinh Thi – thiên Quân Tử Giai Lão phần Dung Phong. Chữ “Hồ nhiên” nghĩa là vì sao, làm sao, chứ không phải “hững hờ”. Hai câu này nghĩa là “Làm sao mà như trời vậy!  Làm sao mà như thượng đế vậy!” – Quả nhiên là “cực mỹ nhân chi diệu cảnh!”

Sáng trà nhàn 11.9

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

Về một câu vỉa của nhân vật Lão Say trong chèo cổ


Nhân vật lão say là một loại hình nhân vật đặc sắc trong nghệ thuật chèo cổ. Tuy được chia ra thành hai loại: lão say bình dân, và lão say lớp trên (theo như cụ Hà Văn Cầu trong cuốn Hề Chèo – xuất bản lần đầu năm 1973), nhưng lối ra trò và những câu hát ra trò của lão say tương đối thống nhất, và vẫn được kế thừa đối với một số nhân vật được xây dựng mới hiện nay.

Trong các câu hát ra trò của nhân vật lão say trong chèo cổ, có một câu vỉa là hai câu thơ chữ Hán, mà ngày nay chúng ta vẫn thi thoảng được nghe có diễn viên còn hát, thế này:

“Quân tử chi giao đạo nhược hà;
Bắc phương nhâm quý bất tu đa.”

Trong chèo cổ, vì được viết và biểu diễn từ thời gian chữ Hán còn thịnh hành, nên số lượng thơ ca và các từ ngữ Hán còn rất nhiều, đã có hẳn những công trình viết về điển tích và từ ngữ Hán trong các vở chèo cổ(*). Hiện nay do chữ Hán không còn thông dụng, nên các khán giả trẻ hiện nay khi xem những vở chèo cổ còn nhiều điểm khó hiểu, hoặc chỉ có thể xem đại lược nôi dung chứ từng câu từng chữ đôi khi phải láo nháo cho qua. Trong khi đó, trong các bài bản chèo cổ từng chữ, từng câu hát đều vô cùng chắt lọc và có ý nghĩa sâu xa.

Trở lại hai câu vỉa chữ Hán trên, nếu như các bạn có ít nhiều vốn liếng về chữ Hán, thì có thể hiểu câu đầu nghĩa là: Cái đạo giao lưu của người quân tử ra sao? Còn câu hai thì thực sự là tối nghĩa. Vậy hai câu này ý tứ ra sao, và vì sao lại được nhân vật Lão say dùng làm câu vỉa ra trò của mình?
Thực ra hai câu thơ ấy vốn xuất phát từ một câu truyện cười dân gian, đến nay đã ít người còn biết. Tuy vậy may mắn khi đọc trong cuốn “Xuyết Thập Tạp Ký” của Lý Văn Phức – trong đó ông có ghi chép lại nhiều chuyện giai thoại về thơ văn liên quan đến danh nhân hoặc lưu truyền trong dân gian, tôi đã đọc được câu truyện ấy, xin dịch lại thế này:

“Xưa có hai vợ chồng, đều là người đọc sách hiểu lễ nghĩa. Một hôm có người bạn đến chơi, bèn bầy tiệc rượu thết đãi. Trong nhà vốn túng bấn, nên chỉ mua được một ít rượu. Người vợ sợ rằng như vậy trông không được hay, muốn pha thêm nước vào cho nhiều, nhưng lại sợ chồng không vui. Hỏi ngay tại chỗ thì lại khó mở miệng, bèn xuống dưới bếp, ngâm to một câu rằng: “Quân tử chi giao ĐẠM nhược hà?” Người chồng hiểu ý, nhưng sợ vợ cho nhiều nước quá, không phải với khách, bèn ngồi tại chỗ ngâm nối một câu rằng; “Bắc phương nhâm quý bất tu đa.” Người bạn cũng hiểu ngay ý tứ bèn ngâm: “Nguyện quân vật tác kim sinh lệ”. Người vợ vội đáp một câu kết rằng: “Vũ Đế sơ niên bản vị ba.”(**)

Cuối truyện có dòng chú thích nhỏ: “Tứ cú giai ám tàng thủy tự” (Bốn câu đều ngầm giấu một chữ Thủy). Xin được giải thích cho rõ bốn câu thơ ấy thế này:

(Trang Xuyết Thập Tạp Ký có chép câu chuyện trên)

Câu thơ đầu tiên của người vợ, vốn lấy từ câu “Quân tử chỉ giao đạm nhược thủy, Tiểu nhân chi giao cam nhược lễ” (Người quân tử tương giao với nhau chỉ thanh đạm như nước, kẻ tiểu nhân tương giao với nhau ngọt như  rượu) trong thiên Sơn Mộc – sách Trang tử. Ở đây người vợ bớt đi chữ “Thủy” mà thay bằng “Hà” nghĩa là “thế nào”, ý hỏi chồng pha nước thêm vào có được không? Người chồng đáp: “Bắc phương nhân quý bất tu đa” nghĩa là: “Phương bắc, hướng Nhâm, Quý, không nên nhiều”. Theo quan niệm ngũ hành và phương hướng cổ xưa, hướng bắc thuộc hai can nhâm quý, hành thủy. ý người chồng là, pha nước nhưng chớ pha nhiều. Người bạn nối tiếp luôn câu: “Nguyện quân vật tác kim sinh lệ.” Chữ “Kim sinh lệ” vốn xuất phát từ câu “Kim sinh Lệ thủy” trong Thiên tự văn. Nhưng người bạn ấy cũng bỏ bớt chữ thủy đi, với ý là: “Xin anh chớ có làm chuyện pha thêm nước vào!” Người vợ đáp: “Vũ đế sơ niên bản vị ba.” Câu này đúng ra phải có chữ thủy nữa, là “Vũ Đế sơ niên bản vị ba thủy” – nghĩa là: (Hán) Vũ Đế thuở ban đầu cũng chưa phải là kẻ làm sóng làm gió gì, ý là tôi chưa có pha!

Như vậy hai câu thơ vỉa của nhân vật lão say vốn xuất phát từ một câu chuyện hài hước về chuyện uống rượu. Rõ ràng câu thơ ấy rất phù hợp với vai diễn, và khi mà câu chuyện còn được lưu truyền rộng rãi trong xã hội Nho học xưa, thì một khi nó cất lên cũng đủ khiến khán giả phải cười rồi.
Ngày nay do sự hiểu biết về chữ Hán cũng như các câu chuyện chữ nghĩa văn chương xưa cũ đã mai một nhiều, thì câu hát có vẻ khó hiểu ấy, hầu như chỉ được khán giả nghe lướt qua không còn ai để tâm đến nữa, nên nhiều khi nó bị lược bớt. Và ngay cả những người nghệ sĩ cũng do không hiểu hết ý tứ câu thơ nên đã hát sai chữ Đạm thành Đạo như tôi trích dẫn ở đầu câu chuyện này. Nó không phải là “Quân tử chi giao ĐẠO nhược hà?” mà phải là “Quân tử chi giao ĐẠM nhược hà?” vậy!

Ghi chú:

(*) Như cuốn: “Điển cố văn học trong chèo cổ” của tác giả Đinh Quang Trung – NXB sân Khấu 2012.
(**) Trong cuốn “Hề Chèo” của cụ Hà Văn Cầu có ghi chính xác hai câu đầu là “Quân tử chi giao đạm nhược hà; Bắc phương nhâm quý bất tu đa.” Nhưng phần chú thích về ý nghĩa và xuất xứ hai câu vỉa này chưa chính xác.  Trong cuốn “Điển cố văn học trong chèo cổ” của tác giả Đinh Quang Trung thì chưa có chú giải về câu vỉa này.

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015

Chơi Sa Hồ - (Tô Thức)


Ở phía đông nam Hoàng Châu(2) ba mươi dặm có Sa Hồ, cũng gọi là Loa Sư điếm. Ta tậu mảnh ruộng ở đó, nhân qua xem đất mà bị ốm. Nghe nói Bàng An Thường người Ma Kiều rất giỏi nghề thuốc nhưng bị điếc, bèn đến nhờ chữa bệnh. An Thường tuy bị điếc, nhưng đĩnh ngộ hơn đời, lấy giấy ra viết chữ, chỉ cần mấy chữ là đã hiểu rõ ý người muốn nói gì. Ta đùa bảo rằng: “Ta lấy tay làm miệng, còn ông lấy mắt làm tai, đều là dị nhân một thời vậy!” Bệnh khỏi, cùng nhau đến chơi chùa Thanh Tuyền. Chùa cách tường thành ngoài của Kỳ Thủy (3) độ hai dặm đường, có con suối rửa bút của Vương Dật Thiếu(4) khi xưa,  nước rất ngọt. Đi xuống dưới, đến bên Lan Khê, nước khe chảy ngược về phía tây. Ta làm một bài ca rằng:

山下蘭芽短浸溪,
松間沙路淨無泥,
蕭蕭暮雨子規啼。


誰道人生無再少?
君看流水尚能西,
休將白發唱黃雞。

“Sơn hạ lan nha đoản tẩm khê;
Tùng gian sa lộ tịnh vô nê,
Tiêu tiêu mộ vũ tử quy đề.

Thùy đạo nhân sinh vô tái thiếu;
Quân khan lưu thủy thượng năng tê.
Hưu tương bạch phát xướng hoàng kê(5).”

(Dưới núi nhành lan ngập nước nguồn;
Gốc tùng lối cát chẳng nhơ bùn,
Mưa chiều xao xác tiếng quyên dồn.

Ai bảo đời người không trẻ lại;
Anh xem nước chảy ngược tây luôn.
“Gà vàng” tóc trắng chớ ngâm buồn!)

Hôm ấy uống đến say khướt mới về.


Chú thích:
(1)    Sa Hồ: nay ở Miện Dương, tỉnh Hồ Bắc.
(2)    Hoàng Châu: địa danh xưa, được đặt ra dưới thời Tùy, trị sở ở Hoàng Cương. Nay thuộc Tp Hoàng Cương tỉnh Hồ Bắc.
(3)    Kỳ Thủy: địa danh, được đặt ra thời Tống, vì phía nam tiếp giáp với sông Kỳ Thủy nên có tên ấy. Nay thuộc Hy Thủy, Hồ Bắc.
(4)    Vương Dật Thiếu: tức Vương Hy Chi, tự Dật Thiếu, người Lâm Kỳ, Lang Nha (nay là Lâm Kỳ, Sơn Đông). Ông là nhà thư pháp nổi tiếng đời Tấn, tác giả Lan Đình Tự, được tôn xưng là Thư thánh.
(5) "Hoàng kê" tức "Hoàng kê thôi hiểu khúc" - Khúc Gà vàng gáy gọi trời sáng, ý nói thời gian trôi qua mau.