Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

TẢN VĂN HÓA TRONG TIỂU THUYẾT - (Uông Tăng Kỳ)


Tản Văn Hóa dường như là một loại hình (không phải là duy nhất) của xu thế tiểu thuyết trên thế giới. Trong tập “Bút Ký Người Đi Săn” của Turgenev có một số truyện gần giống như tản văn, đến “Thảo Nguyên Bezhin” thì càng là như vậy. Tác phẩm “Những bức thư từ xưởng xay” của Daudet (nhà văn Đức- ND) cũng như vậy. Các tác giả đã có ý dùng hình thức “”Nhật ký”, “Thư” để làm tiêu đề cho tập sách, biểu thị rằng các câu chuyện trong cuốn sách này, không phải là những truyện ngắn mang một ý nghĩa nghiêm túc như truyền thống vốn có của nó. Chekhov có một số truyện ngắn viết rất nhẹ nhàng, tùy ý. “Sợ Hãi” thực sự không giống như một tiểu thuyết, mà giống như một thiên tạp ký. Rất nhiều tiểu thuyết của Azorin (nhà văn Tây Ban Nha - ND) có thể gọi là tản văn mà không phải đắn đo gì cả, nhưng chính ông lại cho đó là tiểu thuyết. Có một số tác phẩm hoàn toàn không thể gọi là tiểu thuyết, thì được gọi là “Tiểu phẩm”, ví dụ như: “Ông Azorin là một người kỳ quái”. Những tiểu thuyết mang màu sắc tự truyện của Saroyan (tác giả người Mỹ - ND) là những thiên hồi ký mang đầy tính văn học. “Cố hương” của Lỗ Tấn viết rất tản mát. Tác phẩm “Xã Hí” là tiểu thuyết ư? Nhưng Lỗ Tấn lại không đưa nó vào tập tản văn “Nhặt Cánh Hoa Chiều”, mà lại xếp nó vào trong tập tiểu thuyết. Tác phẩm “Câu Chuyện Rừng Trúc” của Phế Danh có thể nói là thơ tản văn có tính liên tục. “Câu chuyện sông Hô Lan” của Tiêu Hồng hoàn toàn không có sự kiện gì. “Trường Hà” của Thẩm Tòng Văn là một bộ trường thiên tiểu thuyết rất kỳ lạ. Nó không có cao trào lên cao, xuống thấp, mở ra đóng vào, không có kịch tính mạnh mẽ, không có đỉnh cao, không có gay cấn, chỉ là một sự bình thản, tĩnh lặng, chậm rãi tiến về phía trước, giống hệt như một dòng sông trôi đi mà cuốn tiểu thuyết này nói tới. Đó chính là một bộ trường thiên tiểu thuyết được tản văn hóa. Có thể nói, tiểu thuyết truyền thống, trên một ý nghĩa nghiêm túc giống như núi, còn tiểu thuyết được tản văn hóa thì giống như nước vậy.

Tiểu thuyết tản văn, thường không viết về những đề tài trọng đại. Trong con mắt của tác giả tiểu thuyết tản văn, đề tài không có gì đáng nói. Cái mà họ tập trung vào thường lại là những chuyện nhỏ, một góc, một mảnh nhỏ của cuộc sống. Dù cho có một đề tài lớn, họ cũng sẽ biến nó từ chuyện lớn thành nhỏ. Tiểu thuyết tản văn không có nhiều khả năng dung nạp những tư tưởng quá nghiêm túc, quá cao xa. Tác giả của những tiểu thuyết loại này đại bộ phận là những người có tính cách ôn hòa, họ không muốn khảo vấn thế giới này như kiểu Dostoevsky, hay hoài nghi lạnh nhạt với nó như kiểu Kafka (nhà văn người Do Thái, viết bằng tiếng Đức – ND). Rất nhiều hiện thực tàn khốc, qua sự xử lý tản văn hóa, sẽ mất đi độ cứng vốn có của nó. Lỗ Tấn là một người có tính cách phức tạp. Ông vừa là một đấu sĩ cô độc, bi phẫn, đồng thời lại cực giàu tình cảm yếu mềm. Trong “Cố hương” và “Xã hí” có một nỗi buồn, một sự thê lương như nước thu, như hoàng hôn, khó có thể nói ra được. Thẩm Tòng Văn mong muốn qua tác phẩm “Trường Hà” “giải phẫu và miêu tả kỹ hơn về biểu hiện tính cách cũng như tâm hồn của người nông dân nơi này trong hai mươi năm trở lại đây đã bị thời đại ra sức đè nén uốn cong làm mất đi sự thật thà chất phác vốn có”. Đó là một tư tưởng vô cùng nghiêm túc, khiến người ta phải đau đớn. Ông “chỉ sợ tác phẩm khi đối diện với độc giả, chỉ đem đến cho độc giả một ấn tượng đau khổ”, cho nên “đặc biệt thêm vào một chút thú vị của bài hát mục đồng”. Trên thực tế, bộ phận trữ tình trong “Trường Hà” đã làm nhạt nhòa hẳn tư tưởng khổ đau đó. Tác giả của tiểu thuyết tản văn phần lớn là những nhà thơ trữ tình. Tiểu thuyết tản văn là thơ trữ tình, không phải sử thi. Vẻ đẹp của tiểu thuyết tản văn là vẻ đẹp nữ tính mềm mại, không phải là vẻ đẹp của nam tính mạnh mẽ. Là vẻ đẹp của hỷ kịch, không phải vẻ đẹp của bi kịch. Tiểu thuyết tản văn là dòng suối mát lành, không phải là thuốc đắng. Tác dụng của nó là nuôi nấng, không phải là trị liệu. Nói như vậy, tất nhiên cũng chỉ là tương đối.
Tiểu thuyết tản văn không đi quá sâu vào việc khắc họa nhân vật. Chúng không phải là một sự lý giải, cũng không quá chú tâm vào điển hình luận. Hemingway nói: Không tồn tại sự điển hình, điển hình là dối trá. Câu nói ấy nghe có vẻ trái tai, nhưng dưới sự ảnh hưởng của việc giải thích không chuẩn xác về điển hình luận, thực sự có một số nhà văn đã tạo ra hàng loạt hình tượng nhân vật rõ ràng, nổi bật, nhưng giả dối, không có thực. Yêu cầu một nhân vật giống như một nắm bọt biển, dung nạp vào trong mình nội dung xã hội nhiều như vậy, là rất khó khăn. Thông qua một nhân vật, nhìn ra được một thời đại, đó chỉ là điều nhà phê bình phân tích ra mà thôi, tác giả tiểu thuyết không nghĩ đến điều ấy trước đó. Nếu nghĩ đến trước đó, thì có lẽ tiểu thuyết ấy sẽ không thể viết ra nổi. Tác giả tiểu thuyết chỉ là nhìn thấy một người, cảm thấy có một điểm lạ, muốn viết một chút về anh ta, thế là viết. Chỉ như vậy thôi. Tác giả của tiểu thuyết tản văn thông thường không tiến hành khái quát về nhân vật. Nhìn thấy một ngàn bác sĩ, mới có thể viết ra được một bác sĩ. Phương pháp sáng tác như vậy e rằng chẳng có ai thật sự thực hành qua. Tác giả tiểu thuyết tản văn chỉ là vẽ ra một hai bông hồng, mà không muốn gom cả đống hoa hồng bỏ vào nồi chưng cất, để lấy tinh dầu hoa hồng. Tất nhiên, hoa hồng mà anh ta vẽ đã phải trải qua sự lựa chọn, phải có thể vẽ vào tranh được. Nhân vật trong tiểu thuyết tản văn không có tính khắc họa, đặc biệt là không có khả năng đem tinh thần của mình ngấm đến tận da thịt như Michelangelo được. Nó cũng không phải là tranh sơn dầu của Rembrandt. Nó chỉ là một chút Sketch, nhiều nhất cũng chỉ là tranh màu nhạt bút sắt của Repin. Hình tượng con người trong tiểu thuyết tản văn phải có thần. Chỉ nhẹ nhàng vài nét bút, đã thấy đủ thần đủ khí. Tác phẩm “Thế Thuyết Tân Ngữ” thực sự là một hình mẫu. Tiểu thuyết tản văn hóa, hầu hết không phải tiểu thuyết tâm lý. Những tiểu thuyết như vậy không đi vào kết cấu để đào xới sâu vào tâm lý của con người, tác giả của tiểu thuyết tản văn không thích từ “Đào Xới”. Con người ta có quyền gì để đào xới tâm hồn người khác? Lòng người luôn đóng kín. Vậy thì hãy để nó đóng kín đi.

Đặc trưng bên ngoài thấy rõ nhất của tiểu thuyết được tản văn hóa là kết cấu lỏng lẻo tản mát. Chỉ cần so sánh một chút giữa tiểu thuyết của Maupassant và Chekhov, có thể nhìn ra ngay sự khác biệt lý thú trong kết cấu giữa hai người. Maupassant, và cả O.Henry nữa, cả cuộc đời chơi trò kết cấu, nhưng họ lại cho thấy rõ sự ngốc nghếch, trên thực tế thì họ lại bị trò kết cấu chơi mình. Trong tiểu thuyết của họ, dấu vết nhân tạo rất nặng. Trong khi đó Chekhov dường như hoàn toàn không suy nghĩ đến việc kết cấu, viết rất nhẹ nhàng, tùy ý, tự tại. Ông vượt ra ngoài sự kết cấu, vì thế kết cấu trở nên vô cùng đa dạng. Chương Thái Viêm có luận về biền văn của Uông Trung rằng, “khởi và dừng tự tại, không có kiểu thủ vĩ hô ứng nữa.” Phá vỡ hình thức cố định, là đặc điểm kết cấu của tiểu thuyết tản văn. Ngụy Thúc Tử có luận về văn rằng: “người ta biết cái gọi là ẩn hiện, mà không biết rằng không có gì gọi là ẩn hiện cả, đó là đến cùng tận của ẩn hiện vậy; Người ta biết cái gọi là đứt nối mà không biết rằng không có cái gì là đứt nối cả, đó là đến cùng tận của đứt nối vậy.” (Bài tựa tập văn của Lục Huyền Phố). Kết cấu tác phẩm trong ngoài xưa nay, không nằm ngoài sự ẩn-hiện, đứt-nối. Vượt qua sự ẩn-hiện, đứt-nối, thì sẽ có được sự giải phóng về kết cấu. Tô Đông Pha có nói, “nên đi ở chỗ đáng đi, nên dừng ở chỗ không thể không dừng”, đó là nguyên tắc kết cấu mà tác giả tiểu thuyết tản văn tự biết phải tuân theo.
Ồ, lại còn tình tiết nữa. Tình tiết, điều đó không có gì cả.

Có một số tiểu thuyết tản văn thường chỉ viết về một loại ý cảnh. “Thảo nguyên Bezhin” đã viết về bao nhiêu sự việc? “Câu Chuyện Rừng Trúc” chỉ viết về sự cảm nhận của mấy đứa trẻ về khoảnh trời riêng của chúng, là một thiên “lưu thủy” (Các cửa hàng ở Trung Quốc thời trước gọi những phiếu ghi chép linh tinh hàng ngày là “lưu thủy”, đây là một từ vựng rất hay) về cuộc sống đầy ý thơ của chúng. Chương “Thu – Trong động có tĩnh” ở tác phẩm “Trường Hà” chỉ viết về những câu chuyện phiếm không ý tứ, không mục đích của một đám người qua đò, nhưng nó mới thân thiết làm sao, mới giàu hơi thở của cuộc sống làm sao. Thẩm Tòng Văn đã sáng tạo ra một ý cảnh tịch mịch và thê lương, một khoảnh khắc của mùa thu. Những tiểu thuyết tản văn đó cũng có thể được gọi là “nghệ thuật của sự tĩnh lặng”. Từ những tiêu đề “Thảo nguyên Bezhin”, “Thu – Trong động có tĩnh” đã có thể nhìn ra được điều đó. Tu viện mà Azorin viết cũng rất yên tĩnh. Âm thanh, màu sắc, mùi vị đều rất tĩnh lặng. Ánh mặt trời và chiếc bóng cũng tĩnh lặng. Những động tác, thần thái của con người cũng tĩnh lặng. Dây trường xuân trên tường cũng tĩnh lặng. Tiểu thuyết tản văn thường đều có một chút tình điệu hoài cựu. Thậm chí có ý vị ẩn dật. Điều đó có gì là không hay? Tôi không cho rằng ảnh hưởng mà một số tiểu thuyết như thế gây ra là tiêu cực. Tác giả của những tiểu thuyết như vậy rất yêu cuộc sống. Thái độ của họ với cuộc sống là thái độ ủng hộ. Họ không bao giờ quên cuộc sống đời thường sinh động và huyên náo bên ngoài cửa sổ.
Tác giả của những tiểu thuyết tản văn vô cùng dụng công trong ngôn ngữ. Họ biết rõ rằng, nếu bỏ ngôn ngữ đi, thì sẽ không tồn tại tiểu thuyết. Họ hy vọng ngôn từ của mình có đủ sự nhã trí, tinh xác, bình dị. Họ để thái độ đối với cuộc sống của mình được bộc lộ ra một cách tự nhiên từ từng dòng từng chữ, mà theo cách nói thông dụng ở phương tây hiện nay là: chú ý đến tính ám thị của ngôn ngữ đối với chủ đề. Họ không đem tính khuynh hướng “cố ý nói ra”. Tác giả tiểu thuyết tản văn không phải là nhà tiên tri, không phải là hiền triết, không phải là thượng đế cái gì cũng biết, cũng không phải là nhà diễn thuyết linh hoạt. Họ chỉ là những người bạn của độc giả. Vì thế, bản thân họ không câu thúc, và cũng mong muốn độc giả không bị câu thúc.

Tiểu thuyết tản văn hóa sẽ đem đến cho quan niệm về tiểu thuyết một chút biến hóa mới.

Bắc Kinh, ngày 17.11.1986

 (Châu Hải Đường dịch - Đăng trên Văn Nghệ Trẻ số 20 - 19/5/2013)




Vài nét về nhà văn Uông Tăng Kỳ


Uông Tăng Kỳ (5/3/1920 – 16/5/1997), người Cao Bưu, Giang Tô, là nhà văn, nhà viết kịch đương đại của Trung Quốc, là nhân vật đại biểu cho nhóm Kinh Phái. Ông tốt nghiệp Đại học Liên hợp Tây Nam từ khi còn rất trẻ, từng làm giáo viên trung học, cán bộ liên hiệp văn nghệ thành phố Bắc Kinh,biên tập báo “Văn Nghệ Bắc Kinh”, biên tập cho nhà hát kinh kịch Bắc Kinh. Ông giành được nhiều thành công trong sáng tác truyện ngắn. Ông có các tập truyện như: “Giải Cấu Tập”, các tiểu thuyết: “Thụ Giới”, “Đại Trác Ký Sự”, các tập tản văn như “Bồ Kiều Tập”, …Ông được đánh giá là người theo chủ nghĩa nhân đạo trữ tình, một bậc sĩ đại phu, một văn nhân thuần túy cuối cùng của Trung Quốc.

Năm 1940 ông bắt đầu viết tiểu thuyết, với sự hướng dẫn của thầy giáo là Thẩm Tòng Văn khi ấy dạy ở khoa Văn – Đại học Liên hợp Tây Nam. Năm 1943 sau khi tốt nghiệp đại học về làm giáo viên Trung học ở Côn Minh, Thượng Hải, ông đã xuất bản tập truyện ngắn: “Giải Cấu Tập”

Năm 1948 ông đến Bắc Bình, làm việc ở Viện bảo tàng Lịch sử, không lâu sau đó, ông tham gia đoàn công tác đi xuống phía nam của khu 4, quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, đi đến Vũ Hán được giữ lại tiếp quản các đơn vị giáo dục. Năm 1950 ông được điều về Bắc Kinh công tác ở các đoàn thể văn nghệ, tạp chí văn nghệ.

Năm 1956 ông cho ra đời kịch bản kinh kịch “Phạm Tiến trúng cử”

Năm 1958 ông bị cho là phái hữu, phải điều xuống ban nghiên cứu nông nghiệp ở Trương Gia Khẩu

Năm 1962 ông được điều về làm biên kịch ở đoàn Kinh Kịch Bắc Kinh. Năm 1963 xuất bản tập truyện cho thiếu nhi: “Buổi tối ở nhà Dê”. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, ông tham gia xây dựng kịch bản mẫu “Sa Gia Tân”.

Năm 1979, ông quay trở lại công việc sáng tác.

Từ những năm 1980 trở về sau, ông viết nhiều tiểu thuyết nói về phong tục, dân tình, trong thời Dân quốc, rất được hoan nghênh. Ông đã xuất bản các tập tiểu thuyết như: “Vãn Phạn Hoa Tập”, “Tuyển tập truyện ngắn Uông Tăng Kỳ”, tập bình luận văn học “Vãn Thúy Văn Đàm”… Tác phẩm “Đại Trác Ký Sự” của ông giành giải thưởng về truyện ngắn hay toàn quốc năm 1981. Các tác phẩm tương đối có ảnh hưởng khác của ông có thể kể đến: “Thụ Giới”, “Dị Bỉnh”, …Với phong cách giản dị, thanh đạm, thoát khỏi sự ồn ào rối loạn của ngoại giới, để tâm vào việc xây dựng thế giới nghệ thuật của mình, với văn phong hồn hậu giản dị, hấp thu một cách tự nhiên văn hóa truyền thống, mang đầy hơi thở quê hương, ông được coi là đi đầu trên phương diện viết tiểu thuyết bằng ngòi bút tản văn (tản văn hóa tiểu thuyết).