Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2018

10 vị thần Tình ái tiêu biểu nhất trong truyền thuyết Trung Quốc


Đất nước Trung Hoa có rất nhiều những truyền thuyết về các vị thần tiên, mà hàng ngàn năm qua vẫn được phụng thờ trong tín ngưỡng dân gian. Những vị thần tiên này có thể nói là muôn màu muôn vẻ, có thần tình yêu, có thần hôn nhân, có thần về sinh sản, có thần bảo hộ cho gia đình, có thần chưởng quản về thi cử, đỗ đạt, phúc lộc, tiền tài …Trong đó có không ít thần tiên có liên quan đến chuyện tình ái. 


1. Nữ Oa - Thần mai mối:
Nữ Oa là một vị nữ thần được sùng bái từ rất lâu đời trong rộng rãi nhân dân Trung Quốc. Bà được coi là vị thần thuỷ tổ của người Hoa, đã sáng tạo ra thế giới. Trong truyền thuyết, Nữ Oa có thể hoá sinh ra vạn vật, và kỳ tích nổi tiếng nhất của bà mà không ai không biết, đó là luyện đá vá trời, và nặn đất tạo ra con người.
Trước khi tạo ra con người, thì bà đã tạo ra các con vật: Ngày 1 tháng Giêng tạo ra gà, mùng 2 tháng Giêng tạo ra chó, mùng 3 tạo ra dê, mùng 4 tạo ra lợn, mùng 5 tạo ra trâu, mùng 6 tạo ra ngựa, đến mùng 7 tháng Giêng mới nhào đất và nước tạo ra con người (chính vì vậy người Trung Hoa vẫn gọi ngày 7 tháng Giêng âm lịch là nhân nhật). Nghĩ đến con người phải được truyền nối đời đời, bà bèn tạo lập ra các chế độ hôn phối, kết hợp con trai và con gái để sinh con đẻ cái, vì vậy Nữ Oa trở thành bà mối đầu tiên trên thế gian, được người đời tôn thờ là vị tổ thần mai mối, gọi là "Cao Môi". Người ta dựng miếu thờ Nữ Oa, hay còn gọi miếu Cao Môi và tế lễ vị thần hôn nhân này rất linh đình bằng lễ thái lao (giết ba con vật lợn, trâu, dê để cúng tế), đây là lễ tế cao nhất trong các hoạt động tế tự xưa. Những miếu Cao Môi hiện vẫn còn ở nhiều nơi như Lạc Ninh - Sơn Đông, Hà Tân - Sơn Tây, Vu Đô - Giang Tây … Sự xuất hiện của thần Nữ Oa cho thấy dưới thời kỳ thị tộc mẫu hệ, phụ nữ là trung tâm trong việc hôn nhân và nữ tộc trưởng nắm việc hôn nhân của toàn bộ tộc.

2. Ngưu Lang - Chức Nữ:
Câu chuyện Ngưu Lang - Chức Nữ là một trong bốn truyền thuyết ca tụng tình yêu nam nữ nổi tiếng nhất của Trung Quốc (Ba truyền thuyết còn lại là Hằng Nga Hậu Nghệ, Mạnh Khương nữ, và Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài). Ngưu Lang và Chức Nữ là bắt nguồn từ tín ngưỡng tôn thờ các vì sao thời cổ xưa ở Trung Quốc, và người ta đã nhân cách hoá các vì sao thành những con người, rồi lại thần hoá thành các vị thần tiên. Trung Quốc có rất nhiều những vị thần kiểu này như: Nhị thập bát tú, Nam Tào, Bắc Đẩu, các vị thần Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ …
Ngưu Lang tức sao Ngưu, hay Khiên Ngưu là ngôi sao thứ hai trong chòm sao Huyền Vũ phương bắc, một trong Nhị thập bát tú. Chức Nữ tức sao Thiên Tôn nằm ở phía tây Ngân Hà, đối diện với sao Ngưu Lang. Từ rất sớm, trong "Kinh Thi" đã có ghi chép về hai ngôi sao Ngưu Lang, Chức Nữ, nhưng vẫn chưa có cốt truyện. Cho đến thời Hán mới có câu chuyện này. Sau thời Đông Hán thì câu chuyện tình yêu của Ngưu Lang - Chức Nữ được lưu truyền ra dân gian, đại ý cốt truyện là Chức Nữ là cháu của Ngọc Hoàng Thượng đế, đã đem lòng yêu chàng trai chăn trâu (Ngưu Lang) ở dưới trần gian, hai bên bèn kết duyên chồng vợ, sống với nhau rất hạnh phúc. Sau đó, Ngọc Hoàng biết chuyện, sai Vương Mẫu nương nương xuống trần gian bắt Chức Nữ về trời chịu tội. Ngưu Lang vô cùng đau khổ, nhờ con trâu giúp sức, đuổi theo lên trời, gần đuổi kịp thì bị Vương Mẫu dùng cây trâm trên đầu vạch một đường thành sông Ngân Hà ngăn cách. Ngưu Lang, Chức Nữ bị Ngân Hà cách trở chỉ biết đứng nhìn nhau qua sông mà khóc. Ngọc Hoàng biết chuyện thương tình, mới cho phép họ mỗi năm vào ngày mùng 7 tháng 7 nhờ chim ô thước bắc cầu để được gặp nhau. 
Sau này ngày 7 tháng 7 hàng năm trở thành một ngày lễ trong dân gian, gọi là "Thất xảo tiết" hay "Khất xảo tiết". Những người phụ nữ thường đem kim chỉ ra để "khất xảo" - cầu xin Chức Nữ ban cho sự khéo léo giỏi giang. Không những vậy, sau này người ta còn cầu xin cả thông minh, giàu sang, phúc thọ, … và đặc biệt là cầu tình duyên. 
Xưa kia, nơi nào ở Trung Quốc cũng có Chức Nữ miếu, thờ cúng Ngưu Lang và Chức Nữ như những vị thần của tự do yêu đương, trong đó miếu Chức Nữ ở Thái Thương tỉnh Giang Tô là nổi tiếng nhất.
(Ngưu Lang - Chức Nữ trên nghệ thuật cắt giấy)

3. Nguyệt thần (Thần mặt trăng):
Nguyệt thần là một trong những thần tiên được lưu truyền rộng rãi nhất ở Trung Quốc, còn được gọi với những tên khác như: Nguyệt Quang nương nương, Thái âm tinh chủ, Nguyệt Cô, Nguyệt Quang Bồ Tát… Việc sùng bái thần mặt trăng đã có từ rất xa xưa, ở nhiều nước khác trên thế giới cũng có những hiện tượng như vậy. Mặt trăng đem đến cho người ta ánh sáng trong đêm tối, ánh trăng lung linh huyền ảo thường khơi gợi nhiều tưởng tượng, "Hằng Nga lên trời" là một trong những câu chuyện của trí tưởng tượng đó. Theo truyền thuyết Hằng Nga (hay Thường Nga) là vợ của Hậu Nghệ, vì Hậu Nghệ bắn rơi chín mặt trời nên phải tội với Thượng Đế, bị đày xuống nhân gian. Sau Hậu Nghệ được thuốc trường sinh bất lão của Tây Vương Mẫu, Hằng Nga uống trộm của Hậu Nghệ rồi bay lên trời, ở trong cung trăng, trở thành Nguyệt thần. Các sách cổ như "Sơn hải kinh", "Sưu thần ký" … đều có chép chuyện này.
Sau đó, Nguyệt thần được rộng rãi nhân dân sùng bái, trai gái yêu đương thường cùng thề nguyền dưới trăng, bái cầu Nguyệt thần. Những người yêu nhau mà phải chia ly cũng thường cầu Nguyệt thần phù hộ để được đoàn viên. Nguyệt thần thường được coi là vị thần phù hộ và minh chứng cho tình yêu trai gái.

4. Nguyệt hạ lão nhân:
Nguyệt hạ lão nhân (còn gọi là Nguyệt lão) là vị thần chuyên quản việc hôn nhân theo truyền thuyết Trung Quốc. Theo Thẩm Tam Bạch ghi trong sách "Phù sinh lục ký" thì vị thần này "một tay cầm dây tơ đỏ, một tay chống cây gậy trên đầu có treo sổ hôn nhân, sắc mặt như trẻ thơ mà tóc bạc trắng, đi lại giữa mịt mù không ra khói, không ra sương". 
Người ta cho rằng Nguyệt lão là thần nhân duyên, chuyên se duyên cho các đôi trai gái. Ông lấy sợi dây đỏ buộc chân họ lại với nhau, đã buộc ai vào ai thì dù xa cách núi sông cũng đến được với nhau, còn nếu như hai người không có dây đỏ buộc chân vào nhau thì có ở kề bên cũng không nên duyên chồng vợ được. 
Rất nhiều nơi ở Trung Quốc có đền Nguyệt lão. Trong Bạch Vân am dưới núi Cô Sơn ở bên Tây Hồ - Hàng Châu có Nguyệt lão điện, thờ thần Nguyệt lão, với đôi câu đối: 
   願天下有情人,都成了眷屬;
   是前生注定事,莫錯過姻緣。
"Nguyện thiên hạ hữu tình nhân, đô thành liễu quyến thuộc; 
 Thị tiền sinh chú định sự, mạc thố quá nhân duyên" 
(Mong người yêu nhau trong thiên hạ đều được thành gia quyến; Là việc đã định sẵn từ kiếp trước, chuyện nhân duyên chẳng sai bao giờ)
Đó chính là nguyên nhân mà từ xưa đến nay người ta vẫn tôn thờ Nguyệt lão. Câu chuyện về Nguyệt lão nổi tiếng nhất là câu chuyện Vi Cố lấy vợ được ghi trong "Tục u quái lục" của Lý Phục Ngôn đời Đường. Câu chuyện này lưu truyền rộng rãi trong nhân dân, về sau Lưu Đoái đời Minh còn viết vở hý kịch "Nguyệt hạ lão nhân định thế gian phối ngẫu" diễn về tích này. 
Trong hôn lễ ở Trung Quốc còn có phong tục buộc dây tơ hồng, hoặc đôi trai gái cùng cầm một dải lụa đỏ đi vào phòng cưới…Tế thần Nguyệt lão (hay Tế tơ hồng) cũng trở thành một nghi thức trong hôn lễ xưa. (Tục lệ này cũng phổ biến ở Việt Nam).
(Một tượng thờ Nguyệt Hạ Lão Nhân)

5. Tứ châu Đại thánh - Thần tình yêu:
Tứ châu Đại thánh được lưu truyền ở vùng Quảng Đông, Phúc Kiến. Về vị thần này có câu chuyện như sau: Giữa hai huyện Huệ An và Tấn Giang của Phúc Kiến có con sông Lạc Dương chảy qua, nước sông chảy siết, không thể bắc cầu qua được, người dân ở đó đã nhiều đời cố gắng mà không thành. Một hôm có ông lão chở một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp đi trên thuyền ở giữa sông, ông lão bảo, ai có thể dùng tiền ném vào trúng người cô gái thì sẽ gả cô cho người ấy. Vì vậy mà người ta kéo nhau đến ném tiền đông như trảy hội, nhưng không có ai ném trúng được cô gái, tiền chỉ rơi xuống sông mà thôi. Như vậy đến vài tháng, lòng sông đầy những tiền, thành một cái móng vững chắc để dựng cầu. Hoá ra ông lão ấy là thần thổ địa, còn cô gái chính là Quan âm Bồ tát hoá thành để giúp dân xây cầu.
Nhưng khi sắp xong công việc thì có một người ở đất Tứ châu đã nghĩ ra một kế thông minh và ném trúng được cô gái. Ông lão bèn bảo anh ta ra lương đình bên sông ngồi chờ để bàn chuyện hôn nhân. Người ấy đến lương đình ngồi đợi nhưng đã không bao giờ đứng dậy nữa, nguyên là linh hồn anh ta đã được Quan âm Bồ tát đưa đến tây thiên thành phật rồi, chỉ còn nhục thân lưu lại ở lương đình và được nhân dân tôn sùng thờ phụng là Tứ châu Đại thánh.
Dân gian lưu truyền Tứ châu Đại thánh rất thương cảm cho những người tình si. Ai đang yêu mà muốn người yêu không bao giờ rời bỏ mình chỉ cần lấy một chút đất bụi ở phía sau gáy tượng Tứ châu Đại thánh rồi lặng lẽ rắc lên người đối phương thì người ấy trọn đời sẽ không thay lòng, tình yêu, hôn nhân đều hạnh phúc. Không biết đã bao nhiêu người làm theo điều đó, chỉ biết phía sau gáy tượng Tứ châu Đại thánh cứ phải thường xuyên sửa đi sửa lại mãi.

6. Hỷ thần:
Hỷ thần là thần may mắn và tốt lành. Con người ai cũng có mong muốn vươn tới cái tốt, tránh cái xấu, có được may mắn và sung sướng, do vậy mà người ta đã xây dựng ra hình ảnh Hỷ thần. Chuyện hôn nhân là một chuyện vui lớn trong đời mỗi con người, vì thế hôn nhân được coi là hỷ sự. Đã là hỷ sự thì đương nhiên không thể tách rời hỷ thần được. Theo tục lệ xưa ở Trung Quốc, trong ngày cưới, cô dâu phải ngồi ở vị trí đối diện với phương vị của hỷ thần trong ngày hôm đó, vậy vị trí của hỷ thần ở hướng nào? Thông thường trước lễ cưới người ta phải tìm hiểu về vấn đề đó qua các thầy bói, các nhà âm dương. Theo sách “Quân kỷ biện phương thư hỷ thần” viết thời Càn Long thì phương vị của hỷ thần vào các ngày theo lịch can chi Trung Quốc như sau:
   Ngày Giáp, Kỷ     - Hỷ thần ở hướng Cấn (Đông Bắc), giờ Dần
   Ngày Ất, Canh    - Hỷ thần ở hướng Càn (Tây Bắc), giờ Tuất
   Ngày Bính, Tân    - Hỷ thần ở hướng Khôn (Tây Nam), giờ Thân
   Ngày Đinh, Nhâm    - Hỷ thần ở hướng Ly (Chính Nam), giờ Ngọ
   Ngày Mậu, Quý   - Hỷ thần ở hướng Tốn (Đông Nam), giờ Thìn
Theo hướng hỷ thần mà thầy bói tính ra, kiệu của cô dâu phải để quay về đúng hướng đó, sau khi cô dâu lên kiệu, người ta không đi ngay mà phải dừng một lúc gọi là “Đón Hỷ thần”, sau đó mới xuất phát.
Thời xưa, vào ngày mùng 1 tết, kỹ nữ trong các kỹ viện ở Bắc Kinh cũng thường có tục lệ mặc trang phục đẹp để đi đón Hỷ thần cầu mong sự may mắn trong chuyện “làm ăn” của mình.

7. Sàng thần (thần Giường):
Phong tục lễ Sàng thần đã có từ rất lâu, từ thời Tống đã lưu hành tục lệ này. Tục truyền Sàng thần có thần nam (Sàng công), thần nữ (Sàng bà). Sàng bà thì thích uống rượu, Sàng công thì thích uống trà, gọi là “nam trà nữ tửu”, nên người ta truyền nhau “dùng rượu cúng Sàng bà, dùng trà cúng Sàng công”. Khi cúng tế, người ta đặt trà, rượu, bánh trái trong phòng ngủ, để cầu được ngủ yên giấc và cuộc sống hôn nhân như ý. Nhưng thời gian cúng tế Sàng thần thì mỗi nơi một khác, có nơi vào đêm trừ tịch, sau khi lễ đón thần linh, Táo quân, thì lễ đón Sàng thần, có nơi lại làm vào ngày 16 tháng Giêng (ÂL)…
Một số vùng ở Trung Quốc xưa còn có tục lệ “an sàng”, tức là trước ngày hôn lễ vài hôm, người ta đặt giường mới cho đôi vợ chồng trong phòng tân hôn. Vị trí đặt giường phải tính theo ngày, giờ, tháng, năm sinh của cô dâu và chú rể, ngoài ra còn phải chú ý hướng cửa, hướng của Sàng thần, kỵ đối diện với bàn, tủ… Khi “an sàng” cũng phải chọn ngày giờ tốt, an sàng xong thì tối hôm đó sẽ lễ Sàng thần. Tập tục này thời Minh, Thanh rất thịnh hành. Lễ Sàng thần trong ngày cưới để cầu mong cho đôi vợ chồng mới có được cuộc sống lứa đôi hạnh phúc keo sơn.

8. Thần Hòa Hợp:
Thuở xưa, thần Hòa Hợp có nhiều hàm ý khác nhau. Từ “hòa hợp”, có nghĩa là hòa thuận, đồng lòng, hài hòa, hợp ý… Rất sớm, trong sách “Chu lễ - Địa quan” phần “Môi thị” đã viết: “Sử môi cầu phụ, hòa hợp nhị tính” tức là: sai bà mối đi tìm vợ, làm cho hai họ được hòa hợp với nhau, đó là câu giải thích chính xác nhất về hai từ “hòa hợp”. Nhưng người ta lại có thể hiểu là: “sai bà mối đi tìm vợ, là hai người họ Hòa, họ Hợp”. Vì vậy mà người ta đã suy diễn ra hai thần Hòa Hợp. Ban đầu thần Hòa Hợp là vị thần chủ về việc giúp mọi người trong gia đình êm ấm, hòa thuận với nhau, nhưng rồi theo thời gian dần dần diễn biến ra vị thần phù hộ cho hôn nhân hòa hợp. Đồng thời, từ hình tượng một vị thần có gương mặt tươi cười, xõa tóc, đánh trống, hình ảnh thần Hòa Hợp cũng diễn biến thành hai vị thần một người cầm cành hoa sen, một người bưng chiếc tráp (do hoa sen tức “hà” đồng âm với từ “hòa”, còn tráp tức “hạp” đồng âm với từ “hợp”) gọi là Hòa Hợp nhị tiên.
Trong sách “Sự vật nguyên hội” lại nói: “Hòa Hợp thần nãi Thiên Thai sơn tăng Hàn San dữ Thập Đắc dã.” (Thần Hòa Hợp là hai vị sư Hàn San và Thập Đắc ở núi Thiên Thai). Trên vách sau tòa Đại Hùng bảo điện ở chùa Hàn San - Tô Châu, có bức tranh khắc đá về hai vị sư Hàn Sơn và Thập Đắc của La Sính – nhà danh họa đời Thanh. Trong đại điện cũng có tượng của Hàn Sơn và Thập Đắc, mà nghệ nhân xưa cũng cho hai ông một người cầm hoa sen, một người cầm chiếc tráp. Thực ra, vào năm Ung Chính thứ 11 đời Thanh (1733) triều đình có chỉ dụ phong Hàn San đại sĩ ở Thiên Thai làm “Hòa thánh”, Thập Đắc đại sĩ làm “Hợp thánh”, vì vậy mà hai ông được tôn xưng là “Hòa Hợp nhị tiên” hay “Hòa Hợp nhị thánh”. Qua đó có thể thấy thuyết này chỉ mới xuất hiện từ đời Thanh mà thôi.
Xưa kia người ta thường treo tranh “Hòa Hợp nhị tiên” ở phòng khách giữa nhà để mong cho gia đình cát tường hòa hợp, lại thường treo trong hôn lễ để tượng trưng cho vợ chồng hòa thuận yêu thương.
(Hòa Hợp Nhị Tiên Đồ)

9. Tử Tôn nương nương (Các bà mụ):
Người Trung Hoa quan niệm đông con cháu là có phúc, vì vậy ai hiếm muộn thường lễ bái thần phật để cầu tự. Do đó mà hàng loạt các vị thần tống tử (ban cho con cái) được xây dựng nên mà hầu như đều được gọi là Tử Tôn nương nương. Ở Quảng Châu có ngôi miếu cầu tự rất nổi tiếng, đó là Kim Hoa miếu, trong đó thờ Kim Hoa phu nhân, phối thờ thêm: Trương Tiên, Hoa Đà, Nguyệt Lão, Hoa Vương, Đào Hoa nữ, Đẩu Mẫu … đều là những thần thánh có liên quan đến sinh sản, ngoài ra là thờ 20 bà mụ, đều có đủ danh hiệu như: Bảo đậu phu nhân – Hồ thị (Bà mụ bảo vệ khỏi bệnh đậu mùa họ Hồ); Sơ tẩy phu nhân – Trương thị (Bà mụ lo chải đầu, tắm gội họ Trương); Giáo thực phu nhân – Lưu thị (Bà mụ dạy trẻ ăn uống họ Lưu) …. Các bà mụ rất nhiều, phân công “nhiệm vụ” rất chi tiết, từ đầu thai cho đến ăn uống, đi lại, tắm gội, bệnh tật …do vậy rất được người đời, đặc biệt là các phụ nữ sùng bái. Những người cầu tự thường dùng một sợi dây đỏ buộc vào đứa trẻ các bà mụ bế trên tay để xin con.
Người Đài Loan gọi Tử Tôn nương nương là “Chú Sinh nương nương” (cộng đồng người Hoa ở Việt Nam cũng gọi tên này) với nguyên mẫu là Trần phu nhân ở Lâm Thủy – tỉnh Phúc Kiến, là vị thần chuyên phù trợ cho những người phụ nữ khó sinh. Miếu Chú Sinh nương nương ở Phúc Châu (Phúc Kiến) ngoài thờ thần chính còn thờ 36 bà mụ, nhưng ở Đài Loan và các nơi khác của tỉnh này thường chỉ có 12 bà mụ.

10. Bạch Mi thần – thần của kỹ nữ:
Thời xưa trong các kỹ viện ở Trung Quốc, các kỹ nữ ngoài tôn thờ các vị thần nói chung còn có một vị thần riêng của mình, đó là thần Bạch Mi. Thẩm Đức Phù đời Minh trong sách “Vạn Lịch dã hoạch biên” có nói rất rõ về vị thần này: thần Bạch Mi có râu dài hai bên má, diện mạo kỳ vĩ, cầm đao cưỡi ngựa trông gần giống Quan Công, chỉ khác là lông mày trắng mà mắt đỏ (bạch mi xích nhãn). Còn Từ Kha trong sách “Thanh bại loại sao” nói: ma thuật của nhà thổ, thường thờ vị thần này, sớm chiều lễ bái, gọi là thần Bạch Mi, lại gọi là yêu thần. Xưa nay các kỹ nữ đều rất tôn thờ thần Bạch Mi, cho rằng thờ thần Bạch Mi có thể giúp được nhiều khách đến chơi, chuyện gối chăn thuận buồm xuôi gió./.


(Bài dịch đã đăng trên TC "Thế Giới Trong Ta")



Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

Mấy vần thơ Nôm của Nguyễn Gia Thiều trong "Xuyết Thập Tạp Ký"

Trong cuốn "Văn học VN nửa cuối TK 18 nửa đầu TK 19" - 1976 của Giáo sư Nguyễn Lộc phần về Nguyễn Gia Thiều có nói, cụ Ôn Như có mấy tập thơ như Ôn Như Thi Tập, Tây Hồ Thi Tập, Tứ Trai thi tập ... với số lượng hàng ngàn bài thơ, nhưng đến nay đều mất cả (chắc do tình cảnh loạn lạc Trịnh - Nguyễn - Tây Sơn thời kỳ này) chỉ còn vài ba bài chép trong Tạp Ký của Lý Văn Phức.
Vừa qua nhân đọc cuốn Tạp Ký của Lý Văn Phức mà G.S Nguyễn Lộc có nói đến, thấy đoạn chép về Nguyễn Gia Thiều, như sau:




(Hai trang sách ghi chép về Nguyễn Gia Thiều trong Xuyết thập tạp ký của Lý Văn Phức)

Ôn Như tiên sinh sở trường nhất ở lối thơ quốc âm. (Ông) có hai lối làm thơ, một là ứng khẩu thành chương mà lời lời đều khiến mọi người ưng ý; cách nữa là chau chuốt gọt giũa, thì lời lời đều khiến mọi người phải kinh ngạc. Có bận ông gọi đứa ở tên là Cam đi lấy đồ ở các nơi hiên viện, thế này:

"Cam, tốc ra thăm gốc hải đường;
Hái hoa về để kết làm tràng.
Những cành mới chiếng đừng vin nặng;
Mấy đoá còn xanh chớ bứt quàng.
Với lại tây hiên tìm liễn xạ;
Rồi sang đông viện lấy bình hương.
Mà về cho chóng đừng thơ thẩn;
Kẻo lại rằng chưa dặn kỹ càng."

Lại có hôm nhàn toạ trong vườn nhỏ, thấy mấy loại rau nho nhỏ như gừng, tói, đều bị mưa gió dập rụng, ông cảm khái nói:
"Lép nhép vài hàng tỏi;
Lơ thơ mấy luống khương.
Vẻ chi tẻo hèo cảnh;
Thế mà cũng tang thương."

Đó là lối ứng khẩu vậy.

Lại có câu vịnh Canh Năm rằng:

“Dế gọi người nằm thiên cổ dậy;
Sương trùm cảnh đứng tứ canh đi”

Lại có câu khóc vợ rằng:
“Đập cổ kính ra tìm lấy bóng;
Xếp tàn y lại để dành hơi”

Lại có câu vịnh cảnh”
“Đưa lọt kẽ mành khuôn gió dẹp;
Luồn qua cửa sổ dáng trăng thô”

Đó là lối chau chuốt gọn giũa vậy.

Lại có bài thơ "Gửi tình nhân" rằng:

“Khạc chẳng ra cho nuốt chẳng vào;
Miếng tình nghẹn mãi biết làm sao?
Muốn kêu một tiếng cho to lắm;
Rằng ối ai ơi khốn thế nào!”


Bài này thì lại kiêm dùng cả hai lối vậy. Học làm thơ quốc âm, mà đến được như Ôn Như tiên sinh, đáng gọi là tột bậc vậy!



Có thể nói đoạn ghi chép trên cũng như là một tiết phẩm bình về thơ của Ôn Như hầu của sách "Thi thoại" vậy. Thực đáng tiếc là mấy tập thơ của Ôn Như Hầu đều không còn. nếu không có thể chúng ta đã được đọc nhiều hơn thơ Nôm của ông. Nhưng, qua đoạn ghi chép này, có thể khẳng định được rõ ràng một lần nữa, về tác giả hai câu thơ được coi là hàng danh cú: "Đập cổ kính ra tìm lấy bóng; Xếp tàn y lại để dành hơi" chính là Nguyễn Gia Thiều chứ chẳng phải Tự Đức như một số lưu truyền trước đây. Bởi vì, Lý Văn Phức làm quan ngay thời Tự Đức thì không thể chép thơ của Vua ra rồi bảo của người khác được. 


Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2018

Ký Tài Nữ (Tịnh ngữ) - Ninh Tốn

Ninh Tốn 寧遜 (1743-?) tự là Khiêm Như, Hy Chi, hiệu là Mẫn Hiên, là đại thần thời Lê Trịnh và Tây Sơn, nhà thơ Việt Nam. Ông sinh năm 1743, quê ở xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Từ nhỏ, Ninh Tốn đã nổi tiếng là thông minh, được theo học ở kinh đô ở Thăng Long, văn tài của ông bộc lộ ngay từ khi còn nhỏ.

Trước khi đỗ Tiến sĩ, ông đã được tuyển dụng làm quan, giữ chức Hiệu thảo thiêm sai Công phiên. Năm 34 tuổi, đỗ Tiến sĩ (1778). Lần lượt được cử các chức: Tri bình phiên Phụng tá quân hải lộ, Tri bình phiên kiêm toản tu Quốc sử, Quốc luật, Hiệp trấn đạo Thuận Quảng, Tham tri chính sự kiêm Bồi tụng, Tham tán quân vụ. Năm 1788, theo Tây Sơn, được vua Quang Trung phong Hàn lâm trực học sĩ, giúp Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở điều khiển mọi công việc ở Bắc Thành. Năm 1790, được thăng chức Thượng thư bộ binh, tước Trường nguyên bá. Ông có các tác phẩm như: "Tây hộ mạn hứng", "Chuyết Sơn thi tập" gồm hơn 300 bài thơ chữ Hán, sáng tác ở nhiều giai đoạn khác nhau, do con cháu sưu tập. 

Đặc biệt ông có viết nhiều bài thơ nói về phụ nữ như: "Tặng tài nữ", "Kí tài nữ Thuỵ Liên", "Mã thượng mỹ nhân",... chứng tỏ Ninh Tốn có thái độ trân trọng đối với bạn hồng quần. Điều đó ít thấy trong thơ chữ Hán đương thời. 


Xin giới thiệu thêm một bài thơ cũng viết về phụ nữ cùng với những lời khen tụng rất mực của ông. 


寄才女 (並語) 

玉非卞和不能重連城之價;馬非伯樂不能展千里之長。女才而不見表於文人,安能增光脂粉 玄妙門楣者哉? 
娘子今番與某賡酬於閨范,想未甚妨,安得比諸行雲流水而欲付之釋然也。昔人有言:士伸於知己而屈於不知己 !” 某之伸屈亦惟娘子命! 


見說佳章出貴人; 
旅懷不覺倍殷勤。 
江山正妒無吟伴; 
翰墨寧期有美姻。 
歡愛風光應有份; 
古今觴詠豈無因。 
熙朝重制天南集; 
攜手騷壇作杜申。 

Ký Tài Nữ (Tịnh ngữ) 

Ngọc phi Biện Hoà, bất năng trọng liên thành chi giá; Mã phi Bá Nhạc bất năng triển thiên lý chi trường. Nữ tài nhi bất kiến biểu ư văn nhân, an năng tăng quang chi phấn, huyền diệu môn mi giả tai? 
Nương tử kim phiên, dữ mỗ canh thù ư khuê phạm, tưởng vị thậm phương, an đắc tỉ chư hành vân lưu thuỷ nhi dục phó chi thích nhiên dã. Tích nhân hữu ngôn: “Sĩ thân ư tri kỷ nhi khuất ư bất tri kỷ!” Mỗ chi thân khuất diệc duy nương tử mệnh! 

Kiến thuyết giai chương xuất quý nhân; 
Lữ hoài bất giác bội ân cần. 
Giang sơn chính đố vô ngâm bạn; 
Hàn mặc ninh kỳ hữu mỹ nhân. 
Hoan ái phong quang ưng hữu phận; 
Cổ kim trường vịnh khải vô nhân? 
Hi triều trùng chế Thiên Nam Tập; 
Huề thủ Tao đàn tác Đỗ, Thân! 

Dịch: 

Ngọc quý, nếu chẳng có Biện Hoà thì ai thấy được cái giá liên thành của ngọc; Ngựa hay, nếu chẳng có Bá Nhạc thì sao thi thố được cái tài ngàn dặm của ngựa. Người tài nữ mà chẳng có kẻ văn nhân khen ngợi nói ra, thì sao có thể làm rạng rỡ cho phấn son, huy hoàng cho nhà cửa? 
Nàng lúc này vốn cùng ta xướng hoạ ở nơi khuê phạm, nghĩ cũng chưa lấy gì làm đáng ngại. Đâu có thể ví như nước chảy mây trôi mà phó thác cho sự sở thích. Người xưa có câu: “Kẻ sĩ thổ lộ với người biết mình, mà che giấu với kẻ chẳng biết mình”. Cái sự thổ lộ hay che giấu của ta cũng là phụng mệnh nàng vậy! 

Quý nhân văn tốt vốn nghe thường; 
Đất khách càng thêm dạ vấn vương. 
Chẳng có bạn thơ, sông núi ghét; 
Được nên duyên đẹp, bút nghiên mừng. 
Yêu dấu cảnh tình đà có phận; 
Cổ kim thơ rượu há không dưng? 
Thịnh triều ví soạn Thiên Nam Tập; 
Tao đàn Thân, Đỗ dắt nàng cùng! 

(Châu Hải Đường)

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

Trả lại tên Tác giả & đính chính một chữ cho bài thơ cũ

Trong cuốn “Việt Nam văn học sử yếu” – một trong hai tác phẩm có giá trị nghiên cứu nhất của Dương Quảng Hàm in lần đầu năm 1941 đến nay được in lại nhiều lần, trong chương 13, giới thiệu về các thể loại thơ văn, mục nói về thơ tứ tuyệt, ông có dẫn bài thơ “Đề chùa Vô Vi” của tác giả Vô danh, như sau:

Vắt vẻo sườn non Trạo,
Lơ thơ mấy ngọn chùa.
Hỏi ai là chủ đó?
Có bán tớ xin mua.

Cho đến nay, rất nhiều người trong các công trình nghiên cứu hay giảng dạy của mình cũng dẫn bài thơ trên từ “Việt Nam văn học sử yếu” với cùng một nội dung và đều ghi của tác giả vô danh.

Tuy nhiên, một người bạn tôi là anh Nguyễn Học trong một lần đi chơi chùa Vô Vi, đã chụp được hình một tấm bia ma nhai gửi cho tôi xem. Tôi đã đọc và thấy nội dung chính là bài thơ “Đề chùa Vô Vi” trong “Việt Nam văn học sử yếu” mà Dương Quảng Hàm đã dẫn, tuy nhiên, nó có ghi rõ tên tác giả, cả quê quán, và đặc biệt có một chữ khác với nội dung bài thơ vẫn được lưu truyền lâu nay. Cụ thể nội dung bài thơ là:

Vắt vẻo sườn non Trạo,
Lơ thơ mấy ngọn chùa.
Hỏi ai là chủ đó?
NÀO bán tớ xin mua!
(Từ Ô – Trần Văn Tăng đề.)
(Nguyên văn bài thơ trên núi Trạo - ảnh Nguyễn Học)

Chữ đầu, trong câu cuối của bài thơ là chữ “Nào” chứ không phải chữ “Có”. Tuy chỉ một chữ, nhưng rõ ràng ý tứ đã khác hẳn. Nếu như câu “Có bán tớ xin mua” chỉ dừng lại ở chỗ thăm dò, hỏi han. Thì câu “Nào bán, tớ xin mua” lại ở một mức độ cao hơn, thúc giục, mong mỏi hơn, nó cho thấy cái tình mến yêu phong cảnh của tác giả hơn hẳn một mức.
Và đặc biệt, quan trọng hơn, nội dung văn bia đã cho thấy rõ bài thơ là của Trần Văn Tăng – người làng Từ Ô (huyện Thanh Miện – Hải Dương) – cùng quê, và biết đâu đấy, cùng họ với cụ Trần Văn Giáp – một nhà nghiên cứu Hán Nôm nổi tiếng.

Cũng ở chùa Vô Vi, ông Trần Văn Tăng còn có đề một bài thơ Nôm khác, có tiêu đề là: Trùng phỏng Vô Vi tự” (Lại đến thăm chùa Vô Vi) Nội dung như sau:

Trùng Phỏng Vô Vi Tự  
- (Tiên động chi bàng, Vô Vi Phật tựThuỳ kỳ tạo chi, Thiền sư Đại sĩ.)(*)

Bên này Thiên Trúc nọ Bồng Lai,
Đem cảnh thanh u đặt giữa trời.
Trang điểm đã nhờ ơn Đại Sĩ;
Độ trì còn đội đức Như Lai.
Mượn nền đá phẳng đề năm vận,
Sẵn quả chuông kêu đấm mấy hồi.
Cảnh ví mến người, người lại lại,
Đã vô vi khéo cũng lôi thôi.
(Bài thơ "Trùng phỏng Vô Vi tự" của Trần Văn Tăng)

Và dòng lạc khoản: Duy Tân Giáp dần thu - Từ Ô Trần Văn Tăng bái đề. (Mùa thu năm Giáp Dần niên hiệu Duy Tân – 1914, Trần Văn Tăng người Từ Ô bái đề) Như vậy, có thể bài thơ tứ tuyệt (vốn không có tiêu đề, tạm gọi là “Đề chùa Vô Vi”) đã được Trần Văn Tăng đề trong lần tới thăm chùa Vô Vi trước đó, tức thời điểm bài thơ ra đời là trước năm 1914 vậy.
Dẫu chỉ là một bài thơ nhỏ, nhưng có lẽ việc đính chính lại một chữ, và trả lai nó cho đúng tác giả là điều cần thiết cho những lần tái bản “Việt Nam văn học sử yếu” sau này, cũng như những ai sử dụng bài thơ trong các công trình của mình.

10-2018
Châu Hải Đường
(*) Nghĩa là: Bên cạnh động tiên, Có chùa Vô Vi. Ai tạo dựng nên? Thiền sư Đại sĩ!


Thứ Ba, 2 tháng 10, 2018

Bài Thể Tuyết Hương Đình Tạp Vịnh - Nguyên Hiếu Vấn

俳體雪香亭雜詠
                                 - 亭在故汴宮仁安殿西
(I)
洛陽城闕變灰煙;
暮虢朝虞只眼前.
為向杏梁雙燕道,
營巢何處過明年.

(II)
落日青山一片愁;
大河東注不還流.
若為長得熙春在;
時上髙層望宋州.

(III)
暖日晴雲錦樹新;
風吹雨打旋成塵.
宮園深閉無人到;
自在流鶯哭暮春.


Bài Thể Tuyết Hương Đình Tạp Vịnh 
                               - Đình tại cố Biện cung Nhân An điện tây
(Thập ngũ thủ tuyển tam)

(I)
Lạc Dương(1) thành khuyết biến hôi yên,
Mộ Quắc triêu Ngu(2) chỉ nhãn tiền.
Vi hướng hạnh lương song yến đạo,
Doanh sào hà xứ quá minh niên?

(II)
Lạc nhật thanh sơn nhất phiến sầu,
Đại hà đông chú bất hoàn lưu.
Nhược vi trường đắc Hi Xuân(3) tại,
Thời thướng cao tằng vọng Tống châu(4)?

(III)
Noãn nhật tình vân cẩm thụ tân,
Phong xuy vũ đả toàn thành trần.
Cung viên thâm bế vô nhân đáo,
Tự tại lưu oanh khốc mộ xuân.


Dịch nghĩa:

Ở đình Tuyết Hương ngâm vịnh tản mạn theo lối trò hát 
(Đình ở phía tây điện Nhân An trong Biện Cung xưa)
(Mười lăm bài chọn ba)

(I)
Đô thành Lạc Dương đã hoá tra tro than cả; Chuyện sớm Quắc chiều Ngu đã thấy nhãn tiền rồi. Xin hỏi đôi én trên đầu cột mái nhà kia; Sang năm biết xây tổ ở nơi nào để được yên ổn?

(II)
Mặt trời lặn, dãy núi xanh trùm một mảnh tâm sầu; Sông lớn kia chảy mãi về phía đông có bao giờ quay trở lại đâu. Biết làm sao để giữ gác Hi Xuân còn mãi; Để ta thường được lên tầng gác cao trên đó mà ngóng về Tống Châu.

(III)
Nắng ấm, mây trong, mọi cây cỏ đều tươi đẹp như gấm thêu; Khi gió vùi, mưa dập thì phút chốc hoá ra tơi bời bụi đất. Vườn cung đóng kín, không người nào đến; Mặc cho con chim oanh một mình khóc ngày xuân muộn.


Dịch thơ:
(I)
Lạc Dương thành quách hoá tro tàn,
Sớm Quắc chiều Ngu chỉ nhãn tiền.
Hỏi én mái nhà rằng có biết,
Sang năm xây tổ chốn nào yên?

(II)
Núi biếc chiều hôm một mảnh sầu,
Xuôi đông nước chảy trở về đâu? 
Làm sao giữ lấy Hi Xuân mãi,
Để được thường lên ngóng Tống châu.

(III)
Mây quang nắng ấm cỏ hoa tươi,
Gió dập mưa vùi hoá tả tơi.
Cửa nhặt vườn cung ai đến nữa,
Khóc xuân còn độc cái oanh thôi.


Chú thích:

Ngày 19 tháng Tư năm Thiên Hưng thứ 2 đời Kim Ai Tông (1233), tướng thủ thành Biện Kinh là Thôi Lập đã đầu hàng quân Mông Cổ, đem nộp hơn năm trăm người là tôn thất của nhà Kim cho quân Mông Cổ áp giải đến Thanh Thành (ở phía nam huyện Đăng Phong - Hà Nam ngày nay). Lúc này Nguyên Hiếu Vấn bị buộc phải nhận chức Tả tư Viên ngoại lang do Thôi Lập phong cho. Sau khi hậu phi, tôn thất nhà Kim rời cung, nhà thơ vào xem cung điện, tận mắt trông những dấu tích của sự hưng vong, trong lòng vô cùng cảm khái, ông đã viết chùm thơ này thể hiện nỗi đớn đau tuyệt vọng của một kẻ di thần mất nước. Bài thể, tức thơ làm theo lối trò hát, chỉ những bài thơ mà nội dung có tính chất chơi đùa. Chùm thơ nói về nỗi đau buồn mất nước được cố ý gọi là "bài thể" thực ra càng thể hiện nỗi bi thương sâu sắc của ông. Đình Tuyết Hương ở rất sâu trong nội cung, vì vậy tác giả mượn hình ảnh này để ngâm vịnh chuyện nội cung. Ở đây chọn các bài: 2, 3, 13 trong chùm 15 bài này.

(1) Lạc Dương: tên một kinh đô nổi tiếng ở Trung Quốc xưa. Đây tỉ dụ Biện kinh.
(2) Quắc, Ngu: tên hai nước chư hầu thời Chu. Nước Quắc, còn gọi là Bắc Quắc, và nước Ngu đều nằm ở khu vực Bình Lục, Sơn Tây ngày nay. Theo "Xuân Thu Công dương truyện - Hi Công nhị niên" ghi chép: Mưu thần nước Tấn là Tuân Tức dâng kế lên Tấn Hiến Công, xin mượn đường qua nước Ngu để đánh nước Quắc, khi đánh xong Quắc quay trở về thì tiện đường diệt nốt nước Ngu. Rồi nói: "Nếu nhà vua dùng kế này của thần, thì có thể hôm nay được nước Quắc mà chỉ hôm sau được thêm cả nước Ngu nữa vậy". Tấn Hiến Công y kế thực hiện, quả nhiên diệt được cả hai nước Ngu, Quắc. Đây chính là câu chuyện "Mượn đường diệt Quắc" nổi tiếng trong lịch sử. Ở đây, Nguyên Hiếu Vấn muốn nói Biện Kinh và Quy Đức (nơi Kim Ai Tông đang trú giữ) có mối quan hệ mật thiết với nhau, Biện kinh đã bị diệt thì sớm muộn nhà Kim khó lòng mà giữ được Quy Đức.
(3) Hi Xuân: tức gác Hi Xuân ở Biện Kinh, được xây dựng thời Tống Huy Tông. Theo "Quy Tiềm Chí" của Lưu Kì, khi quân Mông Cổ vây đánh Biện Kinh, người trong thành dỡ cả nhà cửa để giữ thành, riêng gác Hi Xuân vì xây dựng kiên cố, không thể dỡ nổi. 
(4) Tống Châu: tức phủ Quy Đức, vị trí ở phía nam huyện Thương Khâu - Hà Nam ngày nay. Lúc này Kim Ai Tông đang đóng giữ ở đây.

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2018

Thẩm Quát - “Mộng Khê Bút Đàm” - Quyển 17 - Thư Hoạ (Trích)


Người thâu tàng thư hoạ, phần lớn ưa theo danh tiếng. Ngẫu nhiên nghe thấy bảo là bút tích của các nhà: Chung, Vương, Cố, Lục thì tranh nhau mua, đó gọi là “nhĩ giám” (giám thưởng bằng tai) vậy. Lại có kẻ xem tranh mà lấy tay sờ vào, truyền nhau là màu sắc không dính ngón tay là bức vẽ hay, cái này so với “nhĩ giám” lại còn kém hơn nữa, gọi là “gõ xương nghe tiếng”.

Ông Âu Dương có một bức tranh cổ, vẽ một khóm mẫu đơn, phía dưới lại vẽ một con mèo, nhưng chưa thấy hết sự tinh thô trong đó. Quan thừa tướng là ông Ngô Chính Túc vốn là tình thông gia với ông Âu Dương, trông thấy bức tranh liền bảo: “Đây là bức vẽ hoa mẫu đơn vào đúng giữa trưa đây. Làm sao mà biết thế? Hoa nở hết độ mà sắc khô, đó là mẫu đơn khi mặt trời đứng bóng. Mắt con mèo lòng đen thành một sợi chỉ, đó là mắt con mèo lúc chính ngọ. Nếu hoa có sương thì cánh cụp mà sắc nhuận. Mắt mèo sáng và chiều thì lòng đen hình tròn, mặt trời lên cao thì nó nhỏ hẹp lại, chính ngọ thì mảnh như sợi chỉ vậy.” Đó cũng là người giỏi hiểu rõ tâm ý cổ nhân vậy.

Bức bích hoạ cũ ở chùa Tướng Quốc, là do Cao Ích vẽ. Trên đó vẽ cảnh các nhạc công đang chơi nhạc, rất là thú vị. Người ta phần lớn cho rằng bức vẽ có chỗ sai là vẽ người chơi đàn tỳ bà đang gảy ở dây dưới, trong khi các tay chơi sáo lại đang chơi ở chữ thứ tư. ở chữ thứ tư, tỳ bà phải ở dây trên, ở đây lại gảy mà che dây dưới, đó là lầm vậy. Ta cho là không có chuyện lầm. Thổi sáo nhấc ngón tay thì mới có tiếng, gảy tỳ bà thì ngón tay đi qua mới có tiếng, ở đây tay che trên dây dưới, tức là tiếng ở dây trên vậy. Cao Ích, vẽ được như vậy, thực có thể biết đã dụng tâm đến thế nào.

Cái tuyệt diệu của thư hoạ, phải lấy tinh thần mà cảm nhận, chứ không thể lấy hình khí mà cầu được. Những người xem tranh ở đời này, phần lớn mới có thể chỉ ra những hình tượng, vị trí, màu sắc tỳ vết mà thôi, còn đến những dụng tâm nghĩa lý sâu xa trong đó, ít có người thấy được. Ông Ngạn Viễn trong “Hoạ Bình” nói: Vương Duy vẽ vật, thường phần nhiều không để tâm đến chuyện bốn mùa, như khi vẽ hoa thường vẽ cả đào, hạnh, phù dung, hoa sen vào cùng một cảnh. Nhà ta có giữ bức tranh “Viên An ngoạ tuyết” của Vương Ma Cật (Vương Duy), có vẽ cây chuối trong tuyết, đó là sự đắc tâm ứng thủ, ý đáo tiện thành, tự nhiên nhập thần mà đắc thiên ý, chuyện đó khó mà nói với những kẻ tục nhân được.
(Phục Sinh Thụ Kinh đồ - Vương Duy)

Tạ Hách nói: “Tranh của Vệ Hiệp, tuy hình chưa đủ cái thần diệu, nhưng lại có khí vận, vượt khỏi quần hùng, khoáng đại tuyệt bút.” Lại như bài thơ “Bàn Xa Đồ” của Âu Văn Trung viết: “Cổ hoạ hoạ ý bất hoạ hình; Mai thi vịnh vật vô ẩn tình. Vong hình đắc ý tri giả quả; Bất nhược kiến thi như kiến hoạ.” (Tranh xưa họa ý mà không họa hình; Thơ Mai thi vịnh vật mà không ẩn dấu tình cảm gì sau đó cả. Người biết quên hình được ý thực ít ỏi; Nếu không thế thì đã thấy thơ cũng như thấy tranh rồi). Đó thực là biết về tranh vậy.

Vương Trọng Chí xem tranh ở nhà ta, rất thích bức tranh “Hoàng Mai Xuất Sơn Đồ” của Vương Duy, bức tranh vẽ hai người là Hoàng Mai và Tào Khê, khí vận rất thần kỳ, đều giống như hệt. Đọc sự tích hai người, lại xem tranh vẽ, có thể tưởng như thấy người thật vậy.

Sách “Quốc Sử Bổ” chép: “Có người đem bức tranh “Án Nhạc Đồ” cho Vương Duy xem, Duy bảo: “Đây vẽ khúc Nghê Thường ở vào phách thứ nhất, lớp thứ ba đây mà!” Người khách chưa cho là thật, cho dàn nhạc tấu khúc ấy, quả nhiên như vậy, khi ấy mới tin.” Đây đúng là chuyện của những kẻ hiếu kỳ dựng lên. Phàm vẽ cảnh tấu nhạc, chỉ vẽ được một tiếng, xong kim thạch quản huyền cùng dùng ở chữ thứ nhất, thì khúc nào mà chẳng có, há chỉ có phách thứ nhất, lớp thứ ba khúc Nghê Thường thôi sao? Hoặc có thể là phách trong nhịp múa hay cử động khác, có âm thanh đặc biệt để mà kiểm nghiệm chăng? Nhưng cũng không phải. Khúc Nghê Thường phàm có 13 lớp, 6 lớp trước không chia phách, đến lớp thứ 7 mới gọi là “điệp biến”, từ đây mới chia thành phách để mà múa. Cho nên Bạch Lạc Thiên (Cư Dị) có câu thơ: “Trung tự phách hoặc sơ nhập phách” (Lớp giữa réo rắt bắt đầu vào phách). “Trung tự” tức là chỉ lớp thứ 7 vậy, chứ lớp thứ ba làm gì có phách? Thế mà nói: “Phách thứ nhất lớp thứ ba”, thì có thể biết là bịa đặt rồi.

Lại có chuyện: có người xem bức tranh “Đàn Cầm Đồ” bảo: “Đây là tranh vẽ người đang chơI khúc “Quảng Lăng Tán” đây mà!” Chuyện này còn có thể tin được, bởi vì trong khúc Quảng Lăng Tán có một số thanh âm mà những khúc nhạc khác không có, kiểu như tiếng bát tiếng sái vậy.(…)

CHĐ

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2018

LỤC NHẤT THI THOẠI - Âu Dương Tu


Âu Dương Tu tự Vĩnh Thúc, hiệu Túy Ông, Lục Nhất cư sĩ, thụy Văn Trung, người Vĩnh Phong, Cát Châu (nay là Giang Tây, Trung Quốc), là Nho gia, tác gia, làm quan trải nhiều chức vụ qua ba đời vua Nhân tông, Anh tông, Thần tông thời Bắc Tống, từng kế nhậm Bao Chửng làm chức Khai Phong phủ doãn. Ông là một trong tám nhà “Đường Tống bát đại gia”, để lại nhiều tác phẩm đồ sộ trong nhiều lĩnh vực lịch sử, văn học, khảo cứu …
“Lục Nhất thi thoại” chỉ là một tập sách nhỏ về thơ ca của ông, nhưng có thể nói, đó là một tác phẩm mở đầu cho phong trào viết “Thi thoại” kéo dài suốt từ đời Tống cho đến tận sau này trong lịch sử văn học Trung Quốc, mà đời nào cũng có những tên tuổi và tác phẩm lớn.
Dưới đây, xin giới thiệu lần lượt với các bạn toàn bộ nội dung tác phẩm “Lục Nhất thi thoại” của ông.
(Âu Dương Tu)

1
1.    Ông Lý Văn Chính dâng bài “Vĩnh Xương lăng vãn ca từ”, có câu rằng: “Điện ngọc ngũ hồi triều thượng đế; Ngự lâu tam độ nạp hàng vương” (Ngọc tế năm lần chầu thượng đế; Ngự lâu ba bận nhận vua hàng). Bấy giờ quần thần đều có bài ca dâng lên, nhưng duy có bài của ông có thể nói là đứng đầu. Câu “tam nạp hàng vương” là có ý nói đến ba ông vua đã phải chịu đầu hàng: Lưu Trưởng ở Quảng Nam, Mạnh Xưởng ở Tây Thục và Lý Hậu Chủ ở Giang Nam. Còn như “ngũ triều thượng đế” thì là sai vậy. Tống Thái Tổ niên hiệu Kiến Long hết bốn năm thì mùa xuân năm sau mới làm lễ tế Giao lần đầu, và đổi niên hiệu là Càn Đức. Đến năm thứ sáu thì lại tế Giao, đổi niên hiệu là Khai Bảo. Năm Khai Bảo thứ năm lại tế Giao, mà không đổi niên hiệu. Đến năm thứ chín thì bình định Giang Nam, tháng Tư có lễ cầu đảo lớn, cáo tạ ở Tây Kinh. Cho nên nói về việc đức vua cầm hốt ngọc tế trời thì đúng ra chỉ có bốn lần vậy. Lý công là người thời ấy, tất không thể sai sót như thế được, đó là do người ta truyền tụng sai ra thành năm mà thôi.

2
2.       Dưới triều Nhân Tông, có mấy vị quan hiển đạt nổi tiếng về thơ, thường chuộng lối thơ của Bạch Lạc Thiên (Bạch Cư Dị), nên lời lẽ phần nhiều là giản dị. Có người làm đôi câu liễn rằng: “Hữu lộc phì thê tử; Vô ân cập lại dân” (Có lộc phì thê tử; Không ơn đến chúng dân). Kẻ khác mới đùa mà bảo rằng: “Hôm qua tôi đi trên đường thấy có một cái xe bò, chở nặng lắm, mà con bò mệt nhọc đến khổ, có phải đấy là “phì thê tử” của túc hạ đó chăng?” Những người nghe thấy đều truyền nhau mà cười.  (“Phì thê tử” ở đây còn có nghĩa là “Bà vợ béo”)

3
3.       Chốn kinh sư tấp nập, cảnh vật phồn thịnh, nhưng sĩ đại phu thường vướng vào việc phục dịch, những cảnh đẹp ngày vui, thường ít khi có được cái thú yến ẩm du ngoạn. Đến nỗi trong thơ có những câu như: “Mãi hoa đảm thượng khan đào lý; Phách tửu lâu đầu thính quản huyền” (Trên gánh bán hoa ngắm đào mận, Trước lầu vỗ rượu nghe đàn sáo). Trong Ứng Thiên thiền viện ở Tây Kinh có Tổ Tông Thần Ngự Điện, nằm ở phía bắc sông Hán Thủy, cách Hà Nam phủ hơn mười dặm. Những quan lại bốn mùa phải đến triều bái, thường khốn khổ vì dậy sớm. Song những bậc đại quan quý tộc lưu thủ ở kinh, mỗi khi triều bái xong đều được ban ba chén rượu, lẳng lặng uống xong rồi lui. Cho nên có người viết thơ rằng: “Chính mộng mị trung hành thập lý; Bất ngôn ngữ xứ ngật tam bôi.” (Đang khi còn mơ ngủ phải đi mười dặm đường; Chẳng nói năng gì uống cạn ba chén rượu.) Lời lẽ tuy nông cạn, nhưng chính là sự thật ở hai kinh vậy.

 4
1.       Ông Mai Thánh Du từng làm bài thơ: “Phú Hà Đồn Ngư Thi” ngay trên tiệc tại nhà ông Phạm Hi Văn thế này: “Xuân châu sinh địch nha; Xuân ngạn phi dương hoa. Hà đồn đương thị thời; Quý bất số ngư hà.”. Giống hà đồn thường xuất hiện vào cuối mùa xuân, đi thành đàn trên mặt nước, ăn hoa dương liễu nên rất béo. Người miền nam thường lấy măng cây lau đem nấu thành món canh, được coi là món ngon nhất. Thế mới biết nhà thơ chỉ mới nói hai câu phá đề, đã tóm được hết những cái hay của giống hà đồn rồi. Thánh Du bình sinh khắt khe trong chuyện ngâm vịnh, lấy nhàn dật xa xôi cổ kính đơn sơ để lập ý, cho nên cấu tứ rất vất vả. Bài thơ này lại làm ngay trên bàn tiệc, bút lực mạnh mẽ, chốc lát viết xong, mà lại thành tuyệt xướng.

 5

2.       Học sĩ Tô Tử Chiêm là người đất Thục. Từng ở Dục Tỉnh giám mua được của người dân tộc ở Tây Nam một cái áo may bằng vải thổ cẩm, hoa văn của nó dệt thành bài thơ “Xuân Tuyết thi” của Mai Thánh Du. Bài thơ này ở trong “Thánh Du Tập” không phải là một bài tuyệt xướng, thế mà lại thành nổi tiếng ở thiên hạ, người ngâm kẻ vịnh, truyền đến tận nơi Di Địch, tới nỗi người đất khác quý trọng đến như vậy. Tử Chiêm cho ta là người hiểu rõ về Thánh Du, nên được áo xong, liền mang đến cho xem. Nhà ta xưa có lưu lại một cây đàn cầm, là cây đàn mà Lôi Hội tạo tác năm Bảo Lịch thứ ba, cách nay đã hai trăm năm mươi năm rồi. Âm thanh của nó trong vang như gõ vào vàng đá. Ta liền lấy vải áo ấy đổi may làm cái túi đựng đàn, hai vật này thực là những vật báu trong nhà ta vậy.

(còn nữa)

Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2018

Từ Phù Tang đến Dâm Bụt


Trước nay, khi nói đến Phù Tang, chúng ta thường nghĩ ngay đến đất nước Nhật Bản đáng mến, mà không để ý rằng, nó cũng là tên một loại cây thực tế, chứ không phải chỉ là cây dâu thần huyền thoại. Và hơn thế nữa, chính từ cái tên này, đã gợi ý cho tôi truy nguyên lại cái tên chính xác của loài hoa rất đỗi thân thuộc với làng quê Việt Nam xưa nay. Hoa Dâm Bụt.
Cây Phù tang, trong “Bản Thảo cương mục – Mộc bộ” của Lý Thời Trân đời Minh, có chép như sau (Tôi xin dịch đại lược):
(Mục viết về Phù Tang trong "Bản Thảo Cương Mục")

Phù Tang: Các tên khác: Phật Tang (Theo “Phi tuyết lục”), Chu Cận, Xích Cận (theo “Thảo mộc trạng”), Nhật Cập.
Thời Trân nói: Nơi mặt trời mọc ở Đông Hải có cây Phù Tang. Loại hoa này đẹp rực rỡ như mặt trời, lá nó tựa lá dâu, nhân lấy đó mà so sánh (ý nói gọi là Tang). Người sau ngoa truyền ra gọi là Phật Tang. Tức là một loại khác của Mộc Cận vậy. Cho nên các tên như Nhật Cập (Chu Cận, Xích Cận) cũng cùng là  chỉ cây ấy.
Tập giải: Phù Tang sản ở phương nam, chính là một loại khác của Mộc cận vậy. Cành nhánh nó mềm yếu, lá xanh sẫm, hơi chát như dâu. Hoa nó có ba màu đỏ, vàng, trắng. Loại hoa đỏ càng quý, gọi là Chu cận. Kê Hàm trong “Thảo mộc trạng” nói: Chu cận, còn có tên Xích Cận, và Nhật Cập, xuất xứ Nam Lương quận. … Hoa của nó sắc đỏ sẫm, năm cánh, lớn như hoa Thục quỳ … có nhị là một dải dài, … ngày nở mấy trăm đóa, sớm nở tối tàn, bắt đầu từ tháng Năm cho tới giữa đông thì hết hoa. Cắm cây là mọc.
Như chúng ta đã biết: Cận, Mộc cận, Chu cận … chính là cây dâm bụt. Đồng thời, qua đoạn mô tả đặc tính của cây, cành, lá, hoa, cách cắm cành trồng cây…  ở trên, thì càng thêm khẳng định Phù Tang cũng chính là dâm bụt.
(Hoa Dâm Bụt)

Điều ấy, kể không có gì phải nói lại nữa, nhưng có một điểm khiến chúng ta phải suy nghĩ đó là cái tên Phật tang. Chữ Phật tang, rõ ràng có thể là đọc trại từ Phù tang sang, và trở thành một tên biệt xưng nữa của Mộc Cận. Mà sau này nó cũng được nhiều người dùng thay cả cái tên Phù Tang để chỉ Nhật Bản. (Kỷ Hiểu Lam trong “Duyệt Vi thảo đường bút ký”)
Vấn đề đặt ra, là chữ Phật lại nghĩa là Bụt, và Phật Tang, nếu dịch sang tiếng Việt, thì nghĩa: cây Dâu (của) Bụt (Phật). Rõ ràng có một nét tương đồng giữa tầm vóc, hình lá của dâm bụt với cây dâu mà chúng ta đã không còn để ý đến lâu nay. Rất có thể tên nguyên thủy của loài cây này trong tiếng Việt chính là cây Dâu Bụt, và trong quá trình truyền thừa ngôn ngữ, từ Phù Tang – Phật Tang – Dâu Bụt, sau nhiều biến thiên nó đã bị đọc trại thành Dâm Bụt như hiện nay./.

20.7.2018
Châu Hải Đường

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2018

Trùng Cổ


Thiện Sĩ đến thăm Hải Đường thị, trong lúc trò chuyện nhân hỏi: “Nghe nói đời xưa có loại trùng cổ dùng để hại tính mạng người ta, rất đáng sợ, dám hỏi ngài, cách chế nó thế nào?”
Hải Đường thị cười bảo: “Thiên  “Địa lý chí - hạ” sách Tùy thư có viết rằng: “Phong tục các quận Tân An, Vĩnh Gia, Kiến An, Toại An, Nghi Xuân cũng giống như Dự Chương. Những quận này thường nuôi trùng cổ, nhất là quận Nghi Xuân. Tục của họ là vào ngày mùng 5 tháng 5 thu nhập hàng trăm loại côn trùng, lớn thì kể đến rắn rết, nhỏ thì kể đến chấy rận, rồi bỏ cả vào trong một thứ đồ đựng cho chúng ăn thịt lẫn nhau, khi nào còn một con thì lưu lại, nếu là rắn thì gọi là “xà cổ” (trùng rắn), nếu là chấy rận thì gọi là “sắt cổ” (trùng rận), dùng để giết người. Ấy là “tập chư độc vu nhất thân” mà thành trùng cổ vậy.”

Thiện sĩ lắc đầu lẽ lưỡi bảo: “Ghê gớm thật! Chả trách mà Sách Tặc luật viết: “Kẻ nào làm trùng cổ hại người hoặc truyền bá trùng cổ thì sẽ bị xử chém giữa chợ”. Cho nên đời Hán mới có chuyện dân chúng vu cho nhau làm vu cổ để làm hại nhau vậy.”
Hải Đường thị cười ha hả bảo: “Ghê gớm thì hẳn nhiên. Nhưng nếu so với bọn làm vu cổ đời nay thì có đáng gì?”
Thiện Sĩ ngạc nhiên hỏi: “Tưởng tà thuật đã bị cấm ngặt mà thất truyền từ lâu rồi chứ? Bây giờ mà vẫn còn thuật vu cổ ấy ư?”
Hải Đường thị gật đầu bảo: “Phải. Các thứ nọc độc của rắn rết, cóc rận có thấm vào đâu so với những thứ độc mà con người làm ra hiện thời? Ấy thế mà trong tất cả các thức ăn uống vào miệng của chúng nhân hiện nay có cái gì không có độc tố: Rau cũng có độc, quả cũng có độc, thịt cũng có độc, rượu cũng có độc, … Mới đây thôi Điện thị đài lại nói, ngay ở kinh sư mà tất cả các loại tôm cua cá ốc đều có độc tố gấp mấy bình thường. Thử hỏi trong cái thuật “tập chư độc vu nhất thân” thì mấy con chấy rận ngày xưa có sánh được với ngày nay không? Mà con “nhân cổ” bây giờ lại độc địa gấp mấy lần những “sắt cổ”, “xà cổ” xưa kia? Dám hỏi tiên sinh, nếu đem ra chợ mà chém bọn làm trùng cổ thì bây giờ liệu có đủ dao mà chém nổi không? Chúng biến ta thành cổ rồi đấy.”
Thiện Sĩ cầm chén trà, còn chưa kịp uống, quay sang nhìn Hải Đường thị, chợt tái mét mặt, đặt chén xuống không dám uống nữa, đứng dậy cáo từ ra về.
Hải Đường thị nhìn theo cười ngặt nghẽo bảo: “Này, có phải một mình tôi đâu, tiên sinh cũng là cổ đấy! Mà cả thế gian này đều bị biến thành cổ như vậy rồi …làm sao mà không dám uống?”
Rồi lại tự hoang mang: Kẻ biến người thành trùng cổ rồi chính mình lại bị người biến thành cổ, có phải thế chăng mà nhân thế càng ngày càng độc địa như vậy? Quay lại nhìn chén trà, chợt mới nhớ ra, thứ đồ uống thanh cao ấy, cách đây lâu lâu cũng nghe nói đã bị tẩm độc vào rồi!

 (C.H.Đ) 

Thứ Tư, 14 tháng 2, 2018

Mấy biệt danh xưa của Chó

Chó là một loài vật thân thiết, có thể nói là một người bạn của con người từ rất xa xưa, thậm chí có dân tộc còn coi chó là tổ tiên của mình (như tộc Di ở Vũ Lăng coi Bàn Hồ- một con chó của Đế Khốc - là tổ tiên mình). Chính vì vậy, từ xưa tới nay đã nhiều chú chó được lưu danh trong thơ văn sách vở, thậm chí nhiều tên riêng của chúng đã trở thành tên phiếm chỉ chung như một biệt danh của chó. Nhân dịp xuân Mậu Tuất sắp sang, Châu Hải Đường xin nói về mấy biệt danh của Chó thường xuất hiện trong thơ văn, sách vở xưa.


1Hoàng Nhĩ (tai vàng):
Theo “Tấn thư – Lục Cơ truyện”, Lục Cơ (261  303) tự Sĩ Hành, người Hoa Đình, Ngô quận là nhà văn, nhà thơ, tác gia nổi tiếng đời Ngụy Tấn. Thuở thiếu thời, ông rất ham săn bắn, nên khi còn ở đất Ngô có người môn khách dâng tặng một con chó hay, tên là Hoàng Nhĩ. Sau, Lục Cơ đến Lạc dương làm quan, đem theo cả con Hoàng Nhĩ đi cùng. Con chó rất thông minh, hiểu được tiếng người. Cơ từng cho người khác mượn, cách xa hơn ba trăm dặm, mà con chó vẫn biết đường tự về nhà. Ở nơi đất khách lâu ngày, không có tin nhà, Cơ nhân nói đùa với con chó rằng: “Nhà ta từ lâu tuyệt không âm tín, mi có thể giúp ta đem thư hỏi thăm về nhà không?” Con chó vui vẻ vẫy đuôi kêu lên như bằng lòng. Cơ bèn thử viết thư, cho vào ống trúc, buộc vào cổ chó. Con chó bèn ra đường dịch lộ, chạy nhanh về hướng đất Ngô, thẳng đến nhà Cơ. Người nhà Cơ lấy thư ra xem xong, chó lại xủa lên mấy tiếng như giục giã. Người nhà bèn viết thư hồi âm, lại bỏ vào ống trúc, buộc cổ cho nó mang đi về Lạ Dương. Tính ra, nếu người đi thì mất năm mươi ngày, mà con chó chỉ đi mất nửa tháng. Về sau con Hoàng Nhĩ chết, Cơ bèn khâm liệm, sai người đem về làng chôn cất ở cách nhà Cơ hai trăm bước. Người trong thôn gọi đó là “Hoàng Nhĩ trủng”.
Đến nay, trong dân gian Trung Quốc vẫn truyền tụng câu chuyện “Trung cẩu tống tín” (Chú chó trung thành đưa thư). Sách “Tùng Giang phủ chí” cũng chép “Hoàng Nhi trủng” ở phía nam Phủ thành. Lý Hạ đời Đường trong bài thơ “Thủy vi Phụng lễ, ức Xương Cốc sơn cư” (mới được làm chức Phụng lễ lang, nhớ nơi sơn cư ở Xương Cốc), có câu: “Khuyển thư tằng khứ lạc; Hạc bệnh hối du Tần” (犬書曾去洛,鶴病悔遊秦). Trương Chứ đời Nguyên trong bài “Dư Bá Trù quy Triết đông giản Quận thú vương Cư Chính” cũng viết: “Gia tín thập niên Hoàng Nhĩ khuyển; Hương tâm nhất dạ bạch đầu ô.” Thẩm Thuyên Kỳ trong bài “Đáp li mị đại thư ký gia nhân” có câu: “Âm trần hoàng nhĩ gián; Mộng tưởng bạch mi lương” (音塵黃耳間,夢想白眉良). Lâm Cảnh Hi đời Tống có bài thơ “Hoàng Nhĩ trủng”, Viên Khải đời Minh cũng có bài thơ: “Quá Hoàng Nhĩ mộ hữu cảm”. …
Các nhà thơ đời sau cũng thường dùng chữ “Hoàng Nhĩ” trong thơ ca của mình như một biệt danh của chó, chứ không còn là riêng chỉ việc đưa thư theo điển cố Lục Cơ nữa. Ví như Nguyên Chẩn trong “Hữu phong thể” có câu: “Hoa chúc diệm cao hoàng nhĩ phệ; Liễu đê phong tĩnh tử lưu thanh” (樺燭焰高黃耳吠,柳堤風靜紫騮聲.). Trương từ đời Tống trong bài “Quá Hồng thành tử” có câu: “Phệ nhân hoàng nhĩ xuyên li tẩu; Hoán tử thanh cư xuất hộ nghênh”, hay Trần Doãn Bình đời Tống trong bài “Đài thượng” cũng có câu: “Đinh ninh hoàng nhĩ hưu kinh phệ, Bất thị nhàn nhân định bất lai”. …


2Ô Long:
Theo “Sưu thần ký” của Đào Tiềm, truyền rằng đời Tấn có Trương Nhiên người Cối Kê, trong nhà nuôi một con chó, tên là Ô Long. Có tên đày tớ tư thông với vợ Nhiên, định giết Nhiên, con Ô Long bèn cắn tên đày tớ mà cứu chủ. Người đời sau nhân đó gọi chó là Ô Long theo tên con nghĩa khuyển ấy. Phùng Chí đời Đường trong “Vân tiên  tạp ký” cũng chép chuyện này.
“Thái Bình quảng ký” quyển 417, lại có truyện Vi Thiện Tuấn, chép theo “Tiên truyện thập di” của Đỗ Quang Đình đời Đường, viết: Vi Thiện Tuấn người Đỗ Lăng, Kinh Triệu, đi khắp nơi chu du cầu đạo. Tuấn thường đem theo một con chó, gọi là Ô Long, đến đâu cũng chia đôi phần ăn cho nó. Con chó lại bị ghẻ, rụng hết cả lông, nhưng Tuấn cũng không ghét bỏ. Tuấn có người anh, làm tăng ở chùa Tung Sơn, đã lên trưởng lão. Tuấn sắp thành tiên, bỗng nói với mọi người rằng: “Ta còn có món nợ chưa trả xong.” Rồi bèn vào núi gặp anh. Chúng tăng thấy Tuấn là em của sư trưởng, nhiều năm xa cách nay mới trở về, thì đều kính trọng. Mỗi khi Tuấn lên nhà trai thực, đều dắt theo con chó bên mình, chia thức ăn cho cùng ăn. Mọi người lấy làm ghét, bèn bẩm với trưởng lão, trưởng lão nổi giận, bèn gọi tới trách mắng, rồi đánh cho mười mấy roi, và đuổi ra khỏi chùa. Thiện Tuấn lạy tạ nói: “Túc trái của tôi đã trả xong rồi, lần này sẽ không quay về nữa, xin cho tắm rửa sạch sẽ rồi sẽ đi.” Trưởng lão bằng lòng. Tuấn tắm xong dắt chó mà đi, con chó đã dài tới sáu bảy thước, đi đến trước điện, bèn hóa ra một con rồng, dài mấy chục trượng. Thiện Tuấn bèn cưỡi rồng bay lên trời, làm vỡ một góc mái điện, dấu tích đến nay vẫn còn.
Vì vậy, về sau, người ta còn dùng chữ “Ô Long” như một biệt danh của chó. Bạch Cư Dị đời Đường có câu thơ: “Ô long ngọa bất kinh; Thanh điểu phi tương trục” (烏龍臥不驚,青鳥飛相逐), Lý Thương Ẩn cũng có câu: “Dao tri tiểu các hoàn tà chiếu; Tiện sát ô long ngọa cẩm nhân” (遙知小閣還斜照,羨殺烏龍臥錦茵).

3Hàn Lư:
Hàn Lư vốn là tên một giống chó lông đen, có tiếng ở nước Hàn xưa. (Chữ “Lư” nguyên có nghĩa là sắc đen). “Chiến quốc sách – Tần sách 3” có câu: “Đem nước Tần với quân sĩ dũng mãnh, xe ngựa sẵn nhiều như vậy mà đối chọi lại chư hầu, thì có khác chi xua Hàn Lư đuổi thỏ nhãi vậy.” Ngũ Mại đời Tống có câu: “Phần võng hủy độc thỉ; Phóng ưng trục hàn lư” (焚綱毀毒矢,放鷹逐韓盧) Hồng Quán đời Minh trong bài thơ “Cung từ 7” có câu: “Hoa âm trường nhật ngọa hàn lư” (花陰長日臥韓盧) …

4Sài Cữu:
Sách “Nhĩ nhã dực - Thích thú 2” – “Sài” (sói) chép: Người đời truyền rằng, chó là cậu của sói, nên khi sói thấy chó thì quỳ phục xuống như bái lạy.” Vì vậy người ta cũng gọi chó là “Sài cữu”. “Sự vật dị danh lục – Thú súc – Khuyển” dẫn “Dậu dương tạp trở” của Đoàn Thành Thức cũng nói như vậy.

5Địa Dương:

Lý Thời Trân đời Minh trong “Bản thảo cương mục – Thú 1 – Cẩu”, viết: “Người đất Tề gọi chó là Địa dương (dê đất). 
...

Xuân Mậu Tuất
CHĐ