Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Trà nhàn ngẫu nhiên thấy mấy lỗi dịch sai khi đọc U Mộng Ảnh

Tôi vốn thích cuốn “U Mộng Ảnh” của Trương Triều, nên cách đây ít năm có người bạn tâm giao in tặng một cuốn là bản dịch của Huỳnh Ngọc Chiến, thi thoảng rảnh rỗi lại lấy ra đọc một vài mẩu giải khuây. Trước giờ vẫn biết trong bản dịch ấy còn khá nhiều chỗ dịch chưa thấu đáo vì không nhận ra tên riêng hay điển cố trong đó (Nhớ không lầm thì đã có lần tôi giải thích điển cố trong một mẩu nào đó cho một bạn trên FB thì phải), nhưng bản dịch có cả nguyên văn chữ Hán, nên tôi chỉ đọc nguyên văn cũng không để tâm nhiều lắm đến những lỗi ấy.


Sáng nay nhân ngồi uống trà lại cầm sách lật ngẫu nhiên đọc chơi một mẩu, thì đúng ba “tắc” được đánh theo số thứ tự là 199, 200, 201, đều là những tắc viết về chuyện thơ ca, khá thú vị. Tuy nhiên lại nhận ra một điều là cả ba “tắc” ấy đều có những sai sót trong dịch thuật. Xin dẫn lại dưới đây:

“199. Tô Đông Pha hãy còn để lại độ mấy chục bài”Họa Đào thi”. Tôi vẫn hằng muốn gộp những câu khác để thêm vào, nhưng khổ về nỗi vần chưa được hoàn bị. Như trong bài thơ”Trách tử thư” (thơ trách con) có câu”Bất thức lục dữ thất", "Đãn mịch lê dữ lật”(Không biết chữ lục cùng chữ thất, chỉ tìm cây lê với cây lật). Chữ”Thất” và chữ”Lật” không cùng một vần.

蘇 東 坡 〈 和 陶 詩 〉, 尚 遺 數 十 首, 予 嘗 欲 集 坡 句 以 補 之, 苦 于 韻 之 弗 備 而 止。 如 〈 責 子 詩 〉 中 : 「 不 識 六 與 七, 但 覓 梨 與 栗。 」 「 七 」 字 、 「 栗 」 字, 皆 無 其 韻 也。

Tô Đông Pha”Họa Đào thi”, thượng di sổ thập thủ. Dư thường dục tập pha cú dĩ bổ chi, khổ vu vận chi phất bị nhi chỉ. Như”Trách tử thư” trung :”Bất thức lục dữ thất, đán mịch lê dữ lật”.”Thất” tự,”Lật” tự giai vô kỳ vận dã.”

 Tắc 199 này có mấy điểm sai:
  1. Không nhận ra chữ Pha trong đoạn “Dư thường dục tập pha cú” là tên riêng. “Pha” hay “Pha công”, cách gọi có thể cho là gần gũi của hậu nhân với Tô Đông Pha. Ở đây bỏ qua mất chữ "Pha" đã đành, mà dường như cũng chưa hiểu hết câu "tập Pha cú". Chỗ này, đúng ra nên dịch rõ thành: "Tôi từng muốn tập những câu thơ của Đông Pha để (họa) bổ sung cho đủ".
  2. Chữ "Bị" (phất bị) không phải là "hoàn bị" mà là "đầy đủ". Chữ “Chỉ” ở cuối câu ấy bị bỏ qua. Câu: “Khổ vu vận chi phất bị nhi chỉ” có nghĩa là: “Khổ nỗi không có đủ vần mà phải dừng lại”
  3. Câu: “Thất tự, Lật tự giai vô kỳ vận dã.” Dịch như Huỳnh Ngọc Chiến thành: “Chữ Thất, chữ Lật không cùng một vần” là sai. Hai chữ này rõ ràng là cùng vần không nghi ngờ gì cả. Câu này chính là minh chứng cho câu "không đủ vần ở trên". Đoạn này chính nghĩa là: Ví như những câu "Bất thức lục dữ thất", "Đãn mịch lê dữ lật" trong bài "Trách tử" (của Đào Uyên Minh), thì thơ Tô Đông Pha không có câu nào có chữ "thất", chữ "lật" cả. 
“200. Tôi thường ngẫu nhiên làm được một câu, vui mừng khôn kể, đáng tiếc là không có câu đối hay, nên chưa thành thơ được. Một trong các câu đó là :”Thu diệp đới trùng phi (Lá khô mang côn trùng bay đi), một câu khác là : ”Hương nguyệt đại ư thành” (Trăng làng cũ mọc lớn trên thành). Đành để đó chờ đến ngày khác vậy.

予 嘗 偶 得 句, 亦 殊 可 喜, 惜 無 佳 對, 遂 未 成 詩。 其 一 為 「 枯 葉 帶 蟲 飛 」, 其 一 為 「 鄉 月 大 於 城 」, 姑 存 之, 以 俟 異 日。

Dư thường ngẫu đắc cú, diệc thù khả hỷ, tích vô giai đối, toại vị thành thi. Kỳ nhất vi ”khô diệp đới trùng phi", kỳ nhất vi ”Hương nguyệt đại ư thành”. Cô tồn chi dĩ sĩ dị nhật.”

Tắc 200 này có hai điểm sai, nhưng đáng tiếc là lại nằm ở chính hai câu giai cú của Trương Triều từng khiến  ông “vui mừng khôn kể” ấy.
  1. Câu: “Khô diệp đới trùng phi” (Chỗ bản dịch viết thành Thu – lỗi đánh máy), chữ Trùng ở đây nghĩa chỉ chung các loại sâu bọ, côn trùng. Nhưng nếu dịch như Huỳnh Ngọc Chiến là “Lá khô mang côn trùng bay đi” thì thực sự chưa hiểu chữ “Trùng” hay thế nào trong câu này. Chỗ này ý Trương Triều thì nó nghĩa là “Sâu” và phải dịch là “Lá khô mang sâu bay đi”. Vì sao? Vì côn trùng nhiều loại vốn có cánh, tự bay được. Ví như câu thơ của Tô Đông Pha “Thu trùng kiến đăng nhập” thì có thể biết ngay nó là loại biết bay, như con thiêu thân hay bướm đêm chẳng hạn. Còn con sâu thì không biết bay. Và nó ăn lá cây, bám trên lá cây. Lá khô bay đi, khiến con sâu bám trên đó tự dưng được bay. Đó là điểm lý thú của câu thơ, mà nếu dịch chung là “côn trùng” sẽ giảm giá trị rất nhiều.
  2. Câu: “Hương nguyệt đại ư thành” Huỳnh Ngọc Chiến dịch là “Trăng làng cũ mọc lớn trên thành”, rõ ràng đã không hiểu cấu trúc ngữ pháp của câu thơ. Ở câu thơ này Trương Triều đã ẩn bớt một chữ “nguyệt” không cần thiết, nếu viết đầy đủ nó phải là: “Hương nguyệt đại ư thành nguyệt” nghĩa là: “Trăng ở thôn quê lớn hơn trăng ở thành thị”. Cái này là một cảm nhận vô cùng tinh tế và cũng rất chính xác, bất kỳ người nào cũng có thể cảm nhận được điều ấy nếu từng chính bản thân mình ngắm trăng ở thôn quê và ngắm trăng nơi đô thị. Có lẽ tôi cũng không cần trình bày dài dòng.
201. Hai câu ”Không sơn vô nhân, thủy lưu hoa khai“ (Núi vắng không người, hoa nở nước trôi) , cực tả được diệu cảnh của thú chơi đàn, hai câu : “Thắng cố hân nhiên, bại diệc khả hỷ” (Thắng được thì vui, thua cũng chẳng buồn) cực tả được diệu cảnh của thú chơi bài; hai câu : ”Phàm tùy Tương chuyển, vọng hoành cửu diện“ (Buồm lướt sông Tương, ngoảnh nhìn chín phía) cực tả được diệu cảnh của thú đi thuyền, hai câu : “Hồ nhiên nhi thiên, hồ nhiên nhị đế” (hờ hững mà như Trời, hững hờ mà như Đế) tả được diệu cảnh của mỹ nhân.

「 空 山 無 人, 水 流 花 開 」 二 句, 極 琴 心 之 妙 境 ; 「 勝 固 欣 然, 敗 亦 可 喜 」 二 句, 極 手 談 之 妙 境 ; 「 帆 隨 湘 轉, 望 衡 九 面 」 二 句, 極 泛 舟 之 妙 境 ; 「 胡 然 而 天, 胡 然 而 帝 」 二 句, 極 美 人 之 妙 境。

"Không sơn vô nhân, thủy lưu hoa khai“ nhị cú, cực cầm tâm chi diệu cảnh, ”Thắng cố hân nhiên, bại diệc khả hỷ” nhị cú, cực thủ đàm chi diệu cảnh, ”Phàm tùy Tương chuyển, vọng hoành cửu diện“ nhị cú, cực phiếm chu chi diệu cảnh, “Hồ nhiên nhi thiên, hồ nhiên nhị Đế” nhị cú, cực mỹ nhân chi diệu cảnh.

Tắc 201 này có điểm sai lớn nhất nằm ở câu thơ: 帆 隨 湘 轉, 望 衡 九 面 – Phàm tùy Tương chuyển, Vọng Hành cửu diện.  Chữ Hành ở đây là tên riêng, tức núi Hành sơn. Câu này nghĩa là: Buồm di chuyển theo dòng sông Tương, ngắm được cả chín mặt của núi Hành sơn. Có lẽ Huỳnh Ngọc Chiến đã không nhận ra chữ Hành tên riêng ấy, nên phiên là “vọng hoành cửu diện”, rồi bỏ qua khi dịch nghĩa, mà chỉ dịch là: ngoảnh nhìn chín phía. Thế là núi Hành sơn tự dưng biến mất!
Ngoài ra tắc 201 này, câu “Hồ nhiên nhi thiên, Hồ nhiên nhi đế” vốn có xuất xứ từ kinh Thi – thiên Quân Tử Giai Lão phần Dung Phong. Chữ “Hồ nhiên” nghĩa là vì sao, làm sao, chứ không phải “hững hờ”. Hai câu này nghĩa là “Làm sao mà như trời vậy!  Làm sao mà như thượng đế vậy!” – Quả nhiên là “cực mỹ nhân chi diệu cảnh!”

Sáng trà nhàn 11.9

1 nhận xét:

  1. Tìm hiểu ra thì dịch giả Huỳnh Ngọc Chiến cũng chỉ là tự học tự dịch và còn bao quát nhiều mảng khác, khó tránh được các sai sót.

    Trả lờiXóa