Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2019

“DẠ ĐÀM TÙY LỤC” CỦA HÒA BANG NGẠCH VỚI VIỆC PHÊ PHÁN GIỚI TĂNG LỮ



“Dạ Đàm Tùy Lục” là bộ tiểu thuyết chí quái viết theo lối văn ngôn của Hòa Bang Ngạch đời Thanh. Trên nối tiếp Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh, dưới khơi mở cho Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký của Kỷ Hiểu Lam, có thể nói Dạ Đàm Tùy Lục đã tạo ra được một chỗ đứng riêng trong số các tiểu thuyết cùng thể loại, với một đặc điểm nổi bật nhất, đó là: lấy chuyện ma để nói chuyện người, vạch trần phê phán những mặt xấu xa của hiện thực. Qua những câu chuyện trong “Dạ Đàm Tùy Lục” Hòa Bang Ngạch đã phê phán mạnh mẽ nhiều thành phần trong đời sống xã hội bấy giờ, đặc biệt là các thành phần được coi là “lớp trên” của xã hội, như: quan lại, thầy giáo, học trò, … đặc biệt là tầng lớp tăng lữ của nhiều loại hình tôn giáo.
Mạch chủ yếu của Tiểu thuyết chí quái thường là những chuyện về ma, quỷ, hồ ly, thần phật, tiên thánh, thông qua đó tác giả thường thể hiện một tâm lý sùng chuộng tín ngưỡng tâm linh, thậm chí mang tính thuyết giáo mạnh mẽ. Hòa Bang Ngạch chẳng những tuyên truyền cho tư tưởng xuất thế của Phật, Lão, quan niệm về nhân quả, định mệnh, cùng cả luân thường đạo lý của Nho gia. Trong Dạ Đàm Tùy Lục có rất nhiều chuyện liên quan đến các loại hình tôn giáo hay tín ngưỡng dân gian, rất nhiều nhân vật đại diện cho các tín ngưỡng ấy được Hòa Bang Ngạch khen ngợi qua những câu chuyện về họ, có thể kể đến như Ông già bán bánh, Y Ngũ, Đồng Kỳ Giác trong các truyện cùng tên, hay vị đạo sĩ trong truyện “Tống Tú Tài” …
Thế nhưng bên cạnh những vị chân nhân thực sự ấy, cũng có không ít những thầy bà bịp bợm, nói khoác gặp thời, đến khi chẳng những không trừ nổi hồ li ma quỷ, trái lại còn bị chúng trêu chọc sỉ nhục lại mới lộ rõ chân tướng. Truyện “Tung Sa Cao” kể về một người cậy có cái mũ chóp vàng vua ban, đến nhà một người bị hồ ly tác quái, bỏ mũ lớn tiếng thách thức hồ có giỏi thì tới nhà mình, thấy hồ li im bặt, ngỡ là mình giỏi giang có uy lực, cuối cùng mới biết hóa ra hồ đã đến tận nhà mình làm loạn rồi. Lúc sau người nhà chạy đến gọi, ông ta mới biết, sợ hãi chạy về để quên cả mũ. Người nhà kia chạy theo để đưa mũ, vẫn còn nói: “Không cần phải trả lại, cứ tạm để lại nhà anh để trấn yêu quái đi!”. Câu chuyện rõ ràng có ý vị như một chuyện hài hước, hơn là chuyện chí quái vậy.
Ở mẩu chuyện thứ 4 trong chùm “Tạp ký ngũ tắc” (Năm mẩu tạp ký) mức độ hài hước và châm biếm bọn thầy bà bất tài khoác lác còn cao hơn hẳn một bậc. Chuyện kể, nhà thái thú họ Lý ở Uyển Khâu có người con gái bị hồ ám. Phu nhân thái thú bèn mời một bà đồng có tiếng trong quận đến để trừ hồ cho, bà đồng hẹn tối đến sẽ “bắt con tiểu yêu hồ phải ăn no gậy”. Đếm sẩm tối, bà đồng dẫn theo mấy nữ đồ đệ đến lập đàn pháp trừ yêu hồ. Bỗng nhiên thấy gió nổi, bụi cuốn có lũ tiểu tử xuất hiện cầm gậy tiến lại “đánh ba thầy trò bà đồng ngã lăn xuống đất, lột quần ra rồi dùng gậy chọc vào âm hộ, vỗ tay nói: “Mời các người ăn no gậy trước đi đã!”. Đến khi mọi người lại cứu, ba thầy trò đau đớn vô cùng, hai nữ đồ đệ y phục còn dính đầy máu huyết. Bọn nha hoàn đỡ dậy, “bà đồng còn quay đầu lại dặn dò đệ tử: “Cái áo dính máu này là vật hiếm có lắm đấy, trở về phải cất giữ cẩn thận!” Phu nhân hỏi: “Cất giữ cái này làm gì?” Bà đồng nói: “Cất đi để sau này phòng yêu quái!” Phu nhân nghe xong không nén được bật cười, rồi đuổi cả bọn họ ra khỏi nhà.”
Ở chuyện “Phan Lạn Đầu” (Phan Chốc đầu) nói về đạo sĩ họ Phan vốn rất tài giỏi, nhưng vì hành ngông cuống, trêu chọc cả lại quan dưới âm phủ, đã bị điểm bút vào trán mà thành chốc đầu, song vẫn không sửa đổi được bản tính, lại dùng pháp thuật trêu chọc cả Trương thiên sư, cuối cùng bị Trương thiên sư tới tận đạo quán, phá hủy pháp thuật của Phan, khiến Phan phải chết mà không thành tựu được kết quả. Ấy cũng là bài học cho những kẻ tài chưa tới mà lại sẵn ngông cuồng, thiếu khiêm tốn.

Có thể nói, mặc dù có nhiều tán dương với các loại hình tôn giáo, nhưng Hòa Bang Ngạch hoàn toàn không có sự tôn thờ mù quáng, mà trái lại còn có sự phê phán mạnh mẽ trước những cái xấu xa ghê tởm, hay châm biếm sâu cay với thói tham lam bị tiền bạc làm mê mẩn của họ.
Tiền và Tình hay vật chất và nhục dục, là một trong những điều cấm kỵ của nhiều tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo. Nhưng không phải kẻ tu hành nào cũng giữ được giới luật ấy. Một truyện không dài trong Dạ Đàm Tùy Lục là truyện “Bách Lâm tự tăng” (Nhà sư chùa Bách Lâm) kể về một ông sư vì bị mất cục vàng tìm không thấy mà hóa bệnh, đến nỗi tinh thần xuất thể hóa ra con cóc ôm cục vàng trong hố xí, đến khi người ta dọn nhà xí, tìm thấy cục vàng cho ông ta, thì ông ta lập tức khỏi bệnh. Câu chuyện châm biếm một cách sâu cay với thói ham vât chất nói chung, đặc biệt là với một kẻ tu hành nói riêng.
Nhưng sự “mê tiền” của vị tăng chùa Bách Lâm chưa đáng kể gì so với chuyện: bắt người làm nô lệ tình dục một cách có tổ chức và tiến hành trong thời gian dài của các ni cô ở ngôi chùa gần kinh thành trong chuyện “Mẫn Dự”. Chuyện kể về người tên là Mẫn Dự, theo chú lên kinh thi, bị một kẻ lừa cho uống thuốc mê rồi đem tới “cung cấp” cho các ni cô trong chùa nọ. Khi Mẫn Dự tỉnh dậy thì đã thấy mình trần truồng nằm trong căn buồng như buồng khuê một nhà quyền quý, mãi sau mới biết đang bị nhốt trong buồng kín của một ngôi chùa ni. Ở đó, Mẫn Dự đã bị các ni cô thay nhau giao hoan, và được cho biết người đã đánh thuốc mê mình là thầy lang họ Úc ở sau chùa, người chuyên nhận tiền của các ni cô để ngầm đi tìm kiếm những nam nhân hợp ý họ. Sau ít ngày, Mẫn Dự có xin đi, nhưng chẳng những không được cho đi, mà chỉ được đem cho thêm cá thịt đồ ăn, rồi “buổi tối thì cùng tụ tập một chỗ uống rượu, uống say rồi cùng lên một giường, hoan lạc suốt đêm. Bốn nữ ni thì có thể thay phiên nhau, chứ một mình Mẫn Dự khó mà ứng phó, xin nghỉ một lúc cũng không được” Cuối cùng qua thời gian dài, Mẫn Dự trở lên tàn tạ, và suýt bị “đem giết quách đi, để khỏi làm lộ dấu vết.” Cuối cùng, Mẫn Dự phải nhờ đến sự cứu rỗi của đức Quan Âm bồ tát mới thoát được nạn ấy. Câu chuyện thực sự khiến người đọc khó có thể tin nổi.
Ngoài hai tôn giáo lớn trong xã hội Trung quốc bấy giờ là Phật giáo và Đạo giáo, đời Thanh cũng xuất hiện thêm nhiều loại hình tôn giáo, tín ngưỡng khác, mà có lẽ xuất phát từ địa vị của mình và ủng hộ triều đình, Hòa Bang Ngạch cũng đồng tình coi đó là tà giáo, mà truyện “Bạch Liên Giáo” là một ví dụ. Truyện kể về tên ăn trộm Dương Tam, vì đi ăn trộm đêm mà phát hiện ra thành viên của Bạch Liên Giáo – gọi là yêu nhân – dùng tà thuật làm việc giết hại thai phụ lấy cắp tim gan thai nhi, nên đã gọi người cũng bắt được yêu nhân, phá được vụ án Bạch Liên Giáo trộm cắp tim gan thai nhi dùng vào tà thuật của mình.
Bạch Liên Giáo là một giáo phái tụ tập tín đồ chống lại chính quyền nhà Thanh, nên bị coi là tà giáo. Thế nhưng chuyện ấy có lẽ không dừng lại ở một giáo phái Bạch Liên. Trong truyện “Song Kế Đạo Nhân” (Đạo nhân hai búi tóc) chẳng những nói về chuyện đạo sĩ tụ tập tín đồ làm phản, mà còn kể lại khá rành rọt quá trình một kẻ lợi dụng niềm tin tín ngường, dụ dỗ lừa bịp người khác cùng theo mình, làm thành tội phản quốc đến nỗi nhà tan cửa nát thân bại danh liệt. Chuyện kể về Song Kế Đạo Nhân ở thành Phong Đô, nhân một buổi trổ tà thuật mua chuộc được một người tên là Lã Hoa, được Lã Hoa mời về nhà xin học đạo, anh ta và em gái cùng thụ giáo pháp thuật, quên cả thê thiếp. Cuối cùng đạo nhân ở nhà anh ta gian dâm với em gái có thai, lại lôi kéo Lã Hoa cùng em vào làm đồ đảng mưu việc phản nghịch đàm luận toàn những chuyện “đánh chiếm châu nào, chiếm lĩnh huyện nào, giết chết quan nào, đại khái đều là chuyện tạo phản”, cuối cùng bị quan quân triều đình đánh dẹp, phát hiện ra là Lã Hoa và Song Kế Đạo Nhân. Cuối truyện, tác giả đã thể hiện rõ quan điểm quyết liệt của mình với chi tiết: Quan quân vây nhà Lã Hoa bắt nhị cô nương, nhị cô nương dùng tà thuật trốn được, nhưng cuối cùng bị sét đánh chết, và người ta thấy có chữ trên lưng rằng: “Tà thuật lừa người, Yêu nhân Lã thị.” Trong truyện có chi tiết: “Đạo nhân lại gian dâm với em gái của Lã Hoa, nói: “Ta sẽ cho nhị tiên cô được mang tiên thai.” Rõ ràng chiêu trò này, đến nay nhiều kẻ thầy bà bịp bợp vẫn còn vận dụng hiệu quả.
Truyện “Quỷ Hoàng”, lại kể về một kẻ chuyên dùng “tà thuật dụ dỗ phụ nữ nhà lành đến những nơi u tịch vắng vẻ rồi gian dâm họ, con số đã lên đến hơn trăm người”. Cuối cùng phải nhận quả báo, bị chính đồ đệ dùng thuật ấy để dụ thê thiếp của mình mà gian dâm, kết cục việc bị bại lộ, bản thân bị giết chết. Có thể nói, truyện “Quỷ Hoàng” không hề có dính dáng tới việc “tạo phản”, nhưng Hòa Bang Ngạch vẫn có một sự phê phán mạnh mẽ với những thứ tà giáo chuyên làm hại cho đời sống xã hội như thế.
Trước khi dừng bút, người viết xin mượn lời bàn của Hòa Bang Ngạch ở cuối truyện “Mẫn Dự” coi như một lời kết cho bài viết này rằng: đám hòa thượng tụ tập trong các chùa chiền, đám ni cô phân bố ra các am đường, … trốn vào cửa chùa, niệm Phật đọc kinh, ý muốn làm bạn với đèn xanh kinh vàng… Ngồi trên bồ đoàn tu hành, dần dà cảm thấy cô đơn lạnh lẽo, hàng ngày tai nghe trống sớm chuông chiều, âm thanh đơn điệu thê lương; mắt thấy xuân hoa thu nguyệt, lại khó tránh nảy sinh muôn vạn tâm tình. Trong số ấy, có kẻ đã mượn tiếng hóa duyên, để làm chuyện hò hẹn; mượn nơi thiền viện, để làm việc vụng tình, cuối cùng phạm vào tội lỗi, hoại cả thanh danh. Với bọn họ, cách tốt nhất là hoàn tục quay về, lại làm người bình thường. Những kẻ đã thành niên thì kết hôn thành gia, những kẻ chưa thành niên thì nên về bên cạnh cha mẹ. Nếu như cuộc sống không có chỗ trông cậy, có thể làm việc nữ công sinh sống; dù cho gia đình không hòa thuận, cũng có thể tin Phật để mà giữ tâm mình được trong sáng bình hòa. Giữ đạo làm vợ trong đời thực, còn hơn nhiều việc thân ở cửa Phật mà làm chuyện xấu xa ô uế nơi thanh tịnh. Vì sao lại không nhập thế mà cứ nhất định phải xuất thế như vậy? … Nhân duyên nam nữ giống như nước cam lồ tắm gội cội bồ đề; Mối khắng khít vợ chồng hệt tựa gió đông đưa mùa xuân cho muôn cây. Đó chẳng phải là một mặt quan trọng để thay đổi phong tục ư? Nó cũng là thuận với đại đạo lý của tình người vậy!

13.7.2019
Châu Hải Đường