Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

Về một câu vỉa của nhân vật Lão Say trong chèo cổ


Nhân vật lão say là một loại hình nhân vật đặc sắc trong nghệ thuật chèo cổ. Tuy được chia ra thành hai loại: lão say bình dân, và lão say lớp trên (theo như cụ Hà Văn Cầu trong cuốn Hề Chèo – xuất bản lần đầu năm 1973), nhưng lối ra trò và những câu hát ra trò của lão say tương đối thống nhất, và vẫn được kế thừa đối với một số nhân vật được xây dựng mới hiện nay.

Trong các câu hát ra trò của nhân vật lão say trong chèo cổ, có một câu vỉa là hai câu thơ chữ Hán, mà ngày nay chúng ta vẫn thi thoảng được nghe có diễn viên còn hát, thế này:

“Quân tử chi giao đạo nhược hà;
Bắc phương nhâm quý bất tu đa.”

Trong chèo cổ, vì được viết và biểu diễn từ thời gian chữ Hán còn thịnh hành, nên số lượng thơ ca và các từ ngữ Hán còn rất nhiều, đã có hẳn những công trình viết về điển tích và từ ngữ Hán trong các vở chèo cổ(*). Hiện nay do chữ Hán không còn thông dụng, nên các khán giả trẻ hiện nay khi xem những vở chèo cổ còn nhiều điểm khó hiểu, hoặc chỉ có thể xem đại lược nôi dung chứ từng câu từng chữ đôi khi phải láo nháo cho qua. Trong khi đó, trong các bài bản chèo cổ từng chữ, từng câu hát đều vô cùng chắt lọc và có ý nghĩa sâu xa.

Trở lại hai câu vỉa chữ Hán trên, nếu như các bạn có ít nhiều vốn liếng về chữ Hán, thì có thể hiểu câu đầu nghĩa là: Cái đạo giao lưu của người quân tử ra sao? Còn câu hai thì thực sự là tối nghĩa. Vậy hai câu này ý tứ ra sao, và vì sao lại được nhân vật Lão say dùng làm câu vỉa ra trò của mình?
Thực ra hai câu thơ ấy vốn xuất phát từ một câu truyện cười dân gian, đến nay đã ít người còn biết. Tuy vậy may mắn khi đọc trong cuốn “Xuyết Thập Tạp Ký” của Lý Văn Phức – trong đó ông có ghi chép lại nhiều chuyện giai thoại về thơ văn liên quan đến danh nhân hoặc lưu truyền trong dân gian, tôi đã đọc được câu truyện ấy, xin dịch lại thế này:

“Xưa có hai vợ chồng, đều là người đọc sách hiểu lễ nghĩa. Một hôm có người bạn đến chơi, bèn bầy tiệc rượu thết đãi. Trong nhà vốn túng bấn, nên chỉ mua được một ít rượu. Người vợ sợ rằng như vậy trông không được hay, muốn pha thêm nước vào cho nhiều, nhưng lại sợ chồng không vui. Hỏi ngay tại chỗ thì lại khó mở miệng, bèn xuống dưới bếp, ngâm to một câu rằng: “Quân tử chi giao ĐẠM nhược hà?” Người chồng hiểu ý, nhưng sợ vợ cho nhiều nước quá, không phải với khách, bèn ngồi tại chỗ ngâm nối một câu rằng; “Bắc phương nhâm quý bất tu đa.” Người bạn cũng hiểu ngay ý tứ bèn ngâm: “Nguyện quân vật tác kim sinh lệ”. Người vợ vội đáp một câu kết rằng: “Vũ Đế sơ niên bản vị ba.”(**)

Cuối truyện có dòng chú thích nhỏ: “Tứ cú giai ám tàng thủy tự” (Bốn câu đều ngầm giấu một chữ Thủy). Xin được giải thích cho rõ bốn câu thơ ấy thế này:

(Trang Xuyết Thập Tạp Ký có chép câu chuyện trên)

Câu thơ đầu tiên của người vợ, vốn lấy từ câu “Quân tử chỉ giao đạm nhược thủy, Tiểu nhân chi giao cam nhược lễ” (Người quân tử tương giao với nhau chỉ thanh đạm như nước, kẻ tiểu nhân tương giao với nhau ngọt như  rượu) trong thiên Sơn Mộc – sách Trang tử. Ở đây người vợ bớt đi chữ “Thủy” mà thay bằng “Hà” nghĩa là “thế nào”, ý hỏi chồng pha nước thêm vào có được không? Người chồng đáp: “Bắc phương nhân quý bất tu đa” nghĩa là: “Phương bắc, hướng Nhâm, Quý, không nên nhiều”. Theo quan niệm ngũ hành và phương hướng cổ xưa, hướng bắc thuộc hai can nhâm quý, hành thủy. ý người chồng là, pha nước nhưng chớ pha nhiều. Người bạn nối tiếp luôn câu: “Nguyện quân vật tác kim sinh lệ.” Chữ “Kim sinh lệ” vốn xuất phát từ câu “Kim sinh Lệ thủy” trong Thiên tự văn. Nhưng người bạn ấy cũng bỏ bớt chữ thủy đi, với ý là: “Xin anh chớ có làm chuyện pha thêm nước vào!” Người vợ đáp: “Vũ đế sơ niên bản vị ba.” Câu này đúng ra phải có chữ thủy nữa, là “Vũ Đế sơ niên bản vị ba thủy” – nghĩa là: (Hán) Vũ Đế thuở ban đầu cũng chưa phải là kẻ làm sóng làm gió gì, ý là tôi chưa có pha!

Như vậy hai câu thơ vỉa của nhân vật lão say vốn xuất phát từ một câu chuyện hài hước về chuyện uống rượu. Rõ ràng câu thơ ấy rất phù hợp với vai diễn, và khi mà câu chuyện còn được lưu truyền rộng rãi trong xã hội Nho học xưa, thì một khi nó cất lên cũng đủ khiến khán giả phải cười rồi.
Ngày nay do sự hiểu biết về chữ Hán cũng như các câu chuyện chữ nghĩa văn chương xưa cũ đã mai một nhiều, thì câu hát có vẻ khó hiểu ấy, hầu như chỉ được khán giả nghe lướt qua không còn ai để tâm đến nữa, nên nhiều khi nó bị lược bớt. Và ngay cả những người nghệ sĩ cũng do không hiểu hết ý tứ câu thơ nên đã hát sai chữ Đạm thành Đạo như tôi trích dẫn ở đầu câu chuyện này. Nó không phải là “Quân tử chi giao ĐẠO nhược hà?” mà phải là “Quân tử chi giao ĐẠM nhược hà?” vậy!

Ghi chú:

(*) Như cuốn: “Điển cố văn học trong chèo cổ” của tác giả Đinh Quang Trung – NXB sân Khấu 2012.
(**) Trong cuốn “Hề Chèo” của cụ Hà Văn Cầu có ghi chính xác hai câu đầu là “Quân tử chi giao đạm nhược hà; Bắc phương nhâm quý bất tu đa.” Nhưng phần chú thích về ý nghĩa và xuất xứ hai câu vỉa này chưa chính xác.  Trong cuốn “Điển cố văn học trong chèo cổ” của tác giả Đinh Quang Trung thì chưa có chú giải về câu vỉa này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét