Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

Đàm Cửu (Dạ Đàm Tùy Lục)


Có người tên là Đàm Cửu mở một cửa hàng hoa ở kinh thành. Một bận, Đàm vâng lệnh cha mẹ đến Yên Giao thăm họ hàng, lúc cưỡi lừa ra cửa thì trời đã về chiều. Trên đường đi, Đàm thấy một bà già, áo quần lam lũ, nhưng lại cưỡi một con ngựa trán trắng, yên cương rất hoa lệ, đi sát theo sau chàng, hỏi: “Chàng trai trẻ định đi đâu?” Đàm Cửu nói cho bà ta biết chỗ mình muốn tới, bà già nói: “Từ đây đến Yên Giao còn mấy chục dặm nữa, trên đường đi lại có rất nhiều hồ đầm, chẳng dễ dàng gì. Cậu không nghe thấy ư, gió đã đưa tiếng chuông từ trong thành vẳng lại, tối muộn lắm rồi. Đồng không mông quạnh thế này, dám bảo không gặp phải kẻ xấu ư? Lều cỏ nhà ta ở ngay gần đây, sao không đến đấy ở tạm một đêm, rồi ngày mai đi sớm cũng chẳng lo gì.” Đàm vốn trong bụng đã hơi sợ, nghe được lời bà già, thì vô cùng cảm kích. Bà già ấy bèn cưỡi ngựa đi trước dẫn đường về nhà mình.

Men theo con đường nhỏ hoang vu, đi độ hơn hai dặm đường, thì thấp thoáng trông thấy trong lùm cây có ánh đèn. Bà già cầm roi ngựa, trỏ bảo: “Đến kia rồi!” Hai người cùng ra roi chạy tới, thì thấy có hai gian nhà thấp, tường đất cao đến vai. Bà già xuống ngựa mở cửa, mời khách vào nhà. Chỉ thấy trong nhà trống không, chẳng có đồ vật gì, chỉ có một ngọn đèn treo trên vách, một thiếu phụ trẻ đang nằm trên lò sưởi cho con bú. Bà già gọi bảo: “Có khách đến đấy, con mau dậy đi!” Thiếu phụ chậm rãi ngồi dậy, sửa lại mái tóc, khiến đứa trẻ cất tiếng khóc oa oa. Bà già bèn lấy từ trong tay áo ra một cái bánh nướng đưa cho đứa bé, nó mới nín không khóc nữa. Đàm Cửu nhìn nàng thiếu phụ ước độ hai mươi tuổi, ngấn lệ còn đầy trên mặt, thần sắc vô cùng thê thảm. Bà già nói: “Con dậy đun trà, ta đưa con ngựa đi một lát sẽ về ngay.” Nói xong, liền ra dắt ngựa đi. Thiếu phụ bẻ cành củi đến bên đèn châm lửa, rồi đi đun trà. Chỉ thấy cô ta mặc chiếc áo ngắn vải điều, váy vải xanh, và đôi tất chân vải chàm, chân đi đôi hài đỏ gót cao đã rách đế, trông rất tàn tệ, để lộ cả một cánh tay, một bên bắp chân và hai gót. Đàm Cửu còn ít tuổi, ăn nói ngập ngọng, không dám hỏi han, chỉ thấy thương cảm trong lòng. Một lát, bà già trở về, nói: “Tôi đi trả ngựa, khiến cho cậu phải ngồi một mình. Bên kia người ta nghe thấy nói có khách đến, cũng muốn chiêu đãi. Tôi từ chối rằng, đêm đã muộn quá rồi, người ta nhờ tôi ngỏ ý tới cậu.” Đàm Cửu liên mồm cảm tạ. Bà lão nói: “Đi lại đã nửa ngày, chắc hẳn cậu khách cũng đói lắm rồi. Con chuẩn bị cơm nước đi, ta ra cho con lừa ăn một chút.” Đàm nói: “Làm phiền các vị thế này, vãn bối làm sao đành dạ? Đồ ăn cho lừa thế nào, đến khi đi nhất định xin được gửi trả chút đỉnh.” Bà già xua tay bảo: “Không cần nói năng khách sáo thế, đồ ăn cho lừa thì đáng bao nhiêu?”

Cho lừa ăn xong, thì thiếu phụ bưng cơm nước lên. Bát sành niêu đất vô cùng thô lậu, lại bẻ cành rào để làm đũa, lấy chậu thau thay bình rượu. Món nhắm đều là cá thịt, nhưng nguội, mùi vị không ngon. Bà già đưa đèn lại gần, mời Đàm uống rượu, Đàm chối rằng không biết uống, bèn ăn cơm luôn. Cơm cũng nguội lạnh, Đàm chỉ gắng gượng ăn lấy một bát, rồi thiếu phụ bưng mâm bát đi. Mọi người cùng ngồi trò chuyện, thiếu phụ ngồi sát bên đèn bắt chấy cho con. Đàm Cửu nói: “Nghe giọng lão bà nói, dường như không phải người kinh thành. Nương tử thì lại ăn mặc theo lối người Mãn, dám hỏi các vị là người ở đâu?” Bà già nói: “Đúng như lời cậu nói, nhà tôi vốn là họ Hầu ở Phượng Dương. Vì gặp năm đói kém mất mùa, nên mới lưu lạc đến kinh thành, may thuê vá mướn, cố gắng kiếm ăn qua ngày. Sau mới lấy Hác Tứ, là người thôn này, đã gần ba mươi năm rồi, ông ấy cũng đã già lão rồi. Tôi sinh hạ được một trai một gái. Con gái đã gả cho người ta, còn con trai thì làm thợ gạch, ở trong thành. Ông lão vì tuổi cao sức yếu, làm công cho một quán rượu ngoài làng, bưng rượu rửa bát cho người ta. Ngày mai cậu đi qua chỗ ấy, nếu trông thấy một ông già râu bạc, mặt đầy nếp nhăn nheo, sau tai có một cái bướu to bằng quả trứng gà, thì chính là ông lão nhà tôi đấy. Đứa con dâu họ Dư, vốn là tỳ nữ nhà người ta. Chủ cũ của nó là Ba tham lĩnh, đã về hưu từ lâu, đứa con trai nhỏ đã tập ấm chức ấy. Chính là nhà mà tôi mượn ngựa khi nãy đấy.” Đàm nói: “Xem ra nhà bà lão cũng thanh bần, làm sao phải đem cơm rượu thịnh soạn như thế mà đãi khách chứ?’ Bà già cười nói: “Cậu bỗng nhiên đến lều cỏ làm khách, chúng tôi trong khi vội vàng đâu có thể phút chốc chuẩn bị được tiệc rượu chu đáo như thế? Cũng may là vừa vặn gặp tiết Trung nguyên, chúng tôi theo lệ được chia một phần rượu thịt đồ tế lễ còn dư của nhà Ba tham lĩnh. Chúng tôi đang lấy làm hổ thẹn vì lỗi mình, đâu dám nói là tiếp đãi thịnh soạn chứ?”

Đàm Cửu ngồi lâu, cảm thấy mệt mỏi, lại không tiện đòi hỏi chỗ ngủ, bèn lấy ống điếu ra, lại gần bên đèn châm hút. Thiếu phụ ấy cứ đưa mắt ngó cậu mãi, lộ vẻ muốn được hút thuốc. Bà già nhận ra ý của cô ta, bèn đập đập tay nói: “Con dâu tôi nó thèm thuốc, cũng muốn xin hút, không biết cậu có cho nó được thỏa cơn thèm một bận không?” Đàm đưa túi thuốc cho cô ta. Bà già nói: “Gần đây túng quẫn, đã nửa năm không được trông thấy thứ này rồi, lấy đâu ra điếu đóm chứ?” Đàm cửu bèn đưa tẩu cùng đồ hút, tất tật cho cô ta. Người con dâu hút thuốc vẻ rất ngon lành, đôi mày đang chau dúm lại nhất thời thư giãn đê mê. Bà già trông thấy, gật đầu nói: “Lão tôi sống trên đời đã hơn sáu chục năm, không biết mùi vị hút thuốc nó ra sao, thực sự không hiểu nổi người nghiện thuốc làm sao lại thèm thuốc đến thế.” Đàm Cửu nói: “Tôi cũng không hiểu thế nào, nhưng đã không biết hút thì thôi, chứ biết hút rồi thì một khắc cũng không rời được. Thà rằng không có cơm ăn, chứ không thể không có thuốc hút.” Bà già bật cười khanh khách. Đàm nói: “Cô đã nghiện thuốc thế này, thì sau tôi nhất định sẽ mua một bộ tẩu hút cùng thuốc lá đến biếu cô.” Bà già gật gật đầu mà cảm tạ.

Đàm Cửu ra ngoài đi tiểu, thì trông thấy dải ngân hà đã ngả về phía trời tây, vầng trăng lặn thấp qua vòm lá, ước độ canh tư. Bà già trong nhà nói to bảo: “Cậu khách thỉnh thoảng lại ngáp, nên để cậu ấy đi ngủ thôi.” Đàm ứng thanh đáp: “Vẫn còn ngồi chơi được lúc nữa.” Bà già nói: “Chớ nên miễn cưỡng ngồi cố, ngày mai còn phải đi đường. Tôi còn có một việc xin giúp, mong cậu lưu tâm cho.” Đàm hỏi: “Có việc gì vậy?” Bà già buồn bã nói: “Ngày mai cậu đi qua quán rượu, nếu như trông thấy ông lão nhà tôi, thì phiền cậu nói giúp một câu, giục ông ấy mau mau chuyển cho mấy quan tiền. Cậu chỉ việc nói, trong nhà đồ ăn thức dùng đã cạn cả rồi.” Đàm Cửu nói: “Nhất định tôi sẽ hết sức bảo giúp.” Bà già lại đỏ mặt, ngượng bảo: “Trong nhà nghèo túng, không có một cái giường chăn chiếu tử tế, tối nay, phiền cậu phải vất vả rồi!” Đàm Cửu nói: “Chỉ dám nhờ một khoảnh đất, ngủ nhờ qua một đêm yên ổn, đã là đội ơn bà lão hậu tặng lắm rồi, đâu dám mong muốn gì thêm nữa?” Nói rồi bèn ai nấy đi nằm.

Đàm mệt mỏi vô cùng, vừa ngả lưng liền ngủ say như chết. Sau nằm mơ chợt tỉnh, thấy tiếng côn trùng kêu rả rích bên tai, ánh đom đóm lập lòe trước mắt. Đàm lập tức giật mình ngồi bật dậy, hóa ra là mình đang nằm ngủ dưới gốc thông, sương thu đã thấm ướt cả áo sống, lạnh thấu tận xương, con lừa đang được buộc dưới gốc cây, thỏa thuê ăn cỏ. Không thấy có nhà cỏ đâu, bà già cùng người con dâu cũng đều không thấy bóng dáng đâu nữa. Chỉ thấy có ngôi mộ cũ sạt lở, sụt xuống trong đám cỏ gai. Đàm Cửu không ngăn được tóc gáy dựng ngược, vội vàng kéo con lừa nhảy lên lưng, tắc tắc chạy miết.

Chạy được độ dăm ba dặm đường, chân trời dần hé ánh mai, Đàm mới hơi bình tâm trở lại. Đến Yên Giao, làm xong việc rồi, lại men theo lối cũ mà về, đến một quán rượu nhỏ thì tạm dừng lại nghỉ chân. Bỗng nhiên Đàm trông thấy một ông lão đang rửa bát, rất giống như người mà bà già họ Hầu đã mô tả, bèn tiến lại hỏi thăm, quả nhiên chính là Hác Tứ, thì trong lòng vô cùng kinh ngạc. Đàm bèn kéo Hác Tứ vào một chỗ vắng, kể lại chuyện mình gặp được đêm qua cho nghe. Hác Tứ rỏ nước mắt nói: “Đúng như cậu nói, đó chính là người vợ đã mất, đứa con dâu và cháu nội của tôi. Bà lão qua đời đã hai năm, đứa con dâu thì mất vì đẻ khó, cùng cháu nội đều chết cả một đêm. Ai ngờ ở dưới cửu tuyền lại cùng cư trú một chỗ chứ?” Đàm Cửu cũng rất thương cảm, lại hỏi: “Ba tham lĩnh là người thế nào?” Hác Tứ nói: “Đó là phụ thân của viên tá lĩnh ở kỳ nọ, đã mất hơn chục năm rồi. Chỗ trồng nhiều cây lớn ở phía bắc, chính là phần mộ của ông ấy. Đứa con dâu đã mất của tôi chính là nữ tỳ nhà ông ấy. Vợ chồng chúng tôi vốn là người trông nom phần mộ cho Ba tham lĩnh. Năm ngoái mưa tuyết lớn, chỗ ở bị đổ sập cả, quan tá lĩnh chưa có tiền sửa sang lại, từ đó tôi không có chỗ dung thân, cho nên mới đến đây làm công, láo nháo sống qua ngày. Hôm qua là tết Trung nguyên, rằm tháng bảy, tá lĩnh đến thăm mộ, lại đốt thuyền giấy, ngựa giấy. Chỉ không biết bà nhà tôi mượn con ngựa để đi đâu, làm gì.” Đàm Cửu cảm khái than thở hồi lâu, bèn mở túi lấy ra năm trăm đồng tặng cho Hác Tứ, bảo ông ấy mua lấy một ít tiền giấy, áo mã, chớ để cho âm hồn dưới địa phủ phải chịu đói chịu rét. Hác Tứ khóc mà bái tạ. Đàm Cửu về nhà rồi, không muốn thất tín với ma, liền sắm ngay hai bộ đồ hút thuốc bằng giấy, một gói thuốc, rồi quay trở lại chỗ ngôi mộ cũ, khấn khứa một hồi, mà phần hóa. Lại tìm đến chỗ mộ của Ba tham lĩnh, quả nhiên là ở cách mấy chục bước về phía bắc, tùng bách rậm rạp um tùm, lại có cả một tấm bia mới, chữ khắc trên bia vẫn còn nhận rõ được cả./.

                                            (Trích "Dạ Đàm Tùy Lục" của Hòa Bang Ngạch)

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2020

THƯ SÀO KÝ (Bài Ký Về Cái Tổ Sách)


Lục Du (1125 - 1201) tự Vụ Quan, hiệu Phóng Ông, người Sơn Âm (nay là Thiệu Hưng - Triết Giang) là nhà thơ yêu nước vĩ đại thời Nam Tống. Năm Thiệu Hưng thứ 23 (1153) ông tham gia kỳ thi ở bộ Lễ và đỗ đầu, đứng trước Tần Huân là cháu Tần Cối, vì thế làm Tần Cối nổi giận mà bị truất miễn. Thời Tống Hiếu Tông ông trải làm các chức: Khu mật viện Biên tu; Thông phán ở Kiến Khang, Quỳ Châu... Sau ông chuyển sang làm việc dưới trướng của Vương Viêm và Phạm Thành Đại. Thời Quang Tông từng giữ chức Bảo Chương các Đặc chế. Lục Du trọn đời chủ trương đánh Kim, do vậy liên tục bị bãi miễn, cuối đời ông bị bức hồi hương, sống cuộc sống thanh bần cuối đời. Lục Du để lại gần vạn bài thơ, thành tựu về từ và tản văn cũng rất lớn. Ông có các tập sách như: "Kiếm Nam thi cảo", "Vị Nam văn tập", "Lão học am bút ký" ....
Xin giới thiệu với các bạn bài "Thư Sào Ký" của ông.

THƯ SÀO KÝ

(Lục Du)

Lục tử đã ở tuổi già sức yếu, nhưng vẫn không bỏ việc đọc sách, đặt tên cho phòng của mình là Thư Sào (tổ sách).
Có người khách đến hỏi: "Chim thước làm tổ ở trên cây, tổ của nó xa chỗ người; Chim én làm tổ trên xà nhà, tổ của nó gần chỗ người. Tổ của chim phượng, người ta cho là điềm lành, tổ của chim cú, thì người ta phá bỏ. Chim sẻ không biết làm tổ, hoặc đoạt lấy tổ của chim én, là kẻ hung tợn trong chuyện làm tổ; Chim cưu không biết làm tổ, nhờ chim thước nuôi con hộ rồi bỏ đi, thì có ở trong tổ cũng là kẻ vụng về trong chuyện làm tổ. Đời thượng cổ có họ Hữu Sào, ấy là nói khi người ta chưa có nhà cửa phải sống trên tổ. Dân đời vua Nghiêu bị khốn về nạn nước dâng, cũng lên cao mà làm tổ, ấy là tổ để tránh nạn. Đời trước, ở nơi thâm sơn cùng cốc, có những kẻ học đạo, cũng sống trên cây như ở tổ , ấy là tổ để ẩn cư. Gần đây những đệ tử làng say, có kẻ leo cả lên đầu ngọn cây, say xỉn hò hét, thì ấy lại là tổ của cuồng sĩ. Nay ngài may mắn có nơi để ở, cửa chính cửa sổ, tường vây tường bao, cũng có thể coi là một ngôi nhà, thế mà lại gọi là "Tổ" là cớ làm sao?"
(Chân dung Lục Du - Tranh của Thế Nam (TQ)

Lục tử đáp: "Anh thật giỏi biện bác, nhưng ấy là vì chưa vào phòng của tôi đấy thôi. Trong phòng của tôi, hoặc gác trên tủ, hoặc bầy trước mặt, hoặc bừa bãi như chăn gối trên giường, cúi ngửa nhìn khắp bốn xung quanh, chẳng thấy gì ngoài sách. Tôi ăn uống thức ngủ, ốm đau rên rỉ, buồn lo than giận, chưa từng có lúc nào không cùng với sách. Khách khứa không đến, vợ con không gặp, đến như gió mưa sấm chớp biến đổi cũng có khi không biết. Gián hoặc cũng có ý muốn đứng dậy, nhưng sách rối bời vây kín, như lấp gai rào, đến độ không đi ra nổi, chỉ còn biết cười mà bảo: "Đây chẳng phải cái tổ mà ta nói đây sao?" Bèn dẫn khách đến phòng xem. Khách ban đầu không thể bước vào nổi, đến lúc vào rồi, lại không thể đi ra được, bèn cười lớn mà bảo: "Giờ thì tôi tin đúng là tổ thật!"


Khách đi rồi, Lục tử than rằng: "Những việc trong thiên hạ, kẻ chỉ được nghe chẳng thể biết rõ bằng kẻ được thấy, kẻ chỉ được thấy chẳng thể biết tường tận bằng kẻ dự vào việc đó. Chúng ta chưa đến được chỗ áo bí của đạo, từ ngoài bờ rào mà cứ bàn luận bừa, liệu có được không?" Nhân viết lại để tự nhắc nhở mình.

Ngày mồng 3 tháng 9 năm Thuần Hi thứ 9 (1182), họ Lục tự Vụ Quan người Phủ Lý viết bài ký.

(Châu Hải Đường dịch)

Thứ Tư, 8 tháng 1, 2020

NGÀN XƯA MỘT CHÉN HOÀNG HOA

Xuân du phương thảo địa;
Hạ thưởng lục hà trì.
Thu ẩm hoàng hoa tửu;
Đông ngâm bạch tuyết thi.

Trong chúng ta có lẽ rất nhiều người đã biết đến bài cổ thi này, mặc dù có khi không biết rõ xuất xứ của nó, thậm chí không biết mấy về chữ Hán. Thậm chí người Quan họ còn có bài hát Vui Bốn Mùa dịch từ bài cổ thi này thành thơ lục bát như sau: “Mùa xuân chơi cỏ thong dong; Mùa hè tắm mát ở sông lục hà; Mùa thu uống rượu cúc hoa; Mùa đông Bạch tuyết ngâm nga chơi bời”.

Trước kia tôi cứ thắc mắc “hoàng hoa” là hoa vàng chứ chắc gì là hoa cúc, mà thơ văn nào cũng cứ dịch hoàng hoa thành hoa cúc vậy? Cho đến tận sau này tôi mới biết rằng dù có nhiều loại hoa màu vàng, và cúc cũng có nhiều màu khác nữa, nhưng nói tới hoàng hoa là nói tới cúc và Hoàng Hoa đã trở thành một biệt danh của hoa cúc.

Có thể nói hoa cúc là loài hoa đẹp, nhiều ý nghĩa, và gắn bó với đời sống con người lâu nhất trong các loài hoa. Hoa cúc có rất nhiều tên gọi khác nhau như: Nhật Tinh, Nữ Tiết, Nữ Hoa, Cánh Sinh, Chu Doanh, Âm Thành, Thọ Khách, Hoàng Hoa, ... Mỗi màu hoa lại có những cáI tên nổi tiếng khác nhau. Từ rất sớm, trong thiên Nguyệt Lệnh -  Lễ Ký đã viết: “Quý thu chi nguyệt; Cúc hữu hoàng hoa” (tháng cuối mùa thu có hoa cúc nở vàng).
Chính vì vậy nên cúc được coi là loài hoa đặc trưng của mùa thu. Cứ mỗi khi thu đến người ta lại nói đến cúc. Thậm chí hoa cúc còn được coi là loài hoa của tháng 9 (âm lịch) và tháng 9 còn có tên là Cúc Nguyệt. Cúc cũng được coi là loài hoa quân tử, bởi khi mùa thu đến khi mọi loài cây loài hoa đều đã lụi tàn thì cúc mới lại trổ hoa không đua tranh cùng muôn hoa chúng bạn, lại chẳng hiềm gió lạnh sương sa, ấy chẳng phảI cáI đức của người quân tử sao? Chính vì lẽ đó mà từ xa xưa trong thơ ca, đã thấy rất nhiều dấu ấn của Cúc. Từ Kinh Thi và Ly tao đã có nói đến cúc. Trong Ly Tao, Khuất Nguyên có câu: “Triêu ẩm mộc lan chi trụy lộ hề; Tịch xan thu cúc chi lạc anh” Đào Uyên Minh đời Tấn được coi là người yêu hóa cúc nhất, đến độ Chu Đôn Di đời Tống phảI thốt lên: “Cúc chi áI, Đào hậu tiển hữu văn”. Hoa cúc trong thơ của ông cũng rất nhiều, những câu thế này chắc ngoài ông Đào không ai có thể viết ra được: “Thái cúc đông ly hạ; Du nhiên kiến Nam Sơn” hay “Thu cúc hữu giai sắc; Canh lộ nhiếp kỳ anh” Thơ vịnh riêng từng loài cúc cũng rất lý thú: Đổ Phủ có bài thơ vịnh hoa cúc trắng: . Nhà thơ Trần Nguyên Đán đời Trần lại có bài thơ vịnh hoa cúc đỏ thế này: “Phương tâm diễm sắc thiên nhiên dị; Vãn tiết kiều tư vật thái vưu.” Ông còn có bài thơ: “Cửu nguyệt đối cúc canh ngự chế thi vận” vịnh hoa cúc, trong đó có câu: “Hoàng hoa thời tiết hảo thu thành”, “Ánh nhật kim ba chiếu hạm minh”. Trúc Lâm tam tổ Huyền Quang tôn giả còn có cả chùm 6 bài thơ vịnh cúc với những câu thật lý thú như: “Thi biều thực vị cúc hoa mang” hay “Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật; Cúc hoa khai xứ tức trùng dương” hay “Hậu điêu nhan sắc thuộc đông ly”. Thơ Nôm của Nguyễn Trãi cũng có câu: “Mưa thu tưới ba đường cúc; Gió xuân đưa một luống lan” … Đến thơ Nôm của Nguyễn Khuyến: “Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái” thì chẳng nói cúc mà ai cũng biết là nói cúc vậy. Có lẽ hoa cúc còn để lại ấn tượng sâu sắc trong câu thơ của Hoàng Sào: “Mãn thành tận đới hoàng kim giáp” tới tận ngày nay và gợi ý cho Trương Nghệ Mưu  đạo diễn lừng danh của Trung Quốc làm bộ phim Hoàng Kim Giáp với cuộc chiến hoa cúc trong lịch sử Trung Hoa mới đây.
(Thu xâm nhân ảnh sấu; Sương nhiễm cúc hoa phì.
Dịch: Sương giăng hoa cúc mập; Thu lấn bóng người gầy.
Thư pháp: Châu Hải Đường)

Cúc có mặt ở mọi loại hình văn hóa nghệ thuật từ rất sớm với những trang trí “cúc dây” trên đồ sứ, chạm khắc trên đồ gỗ và đá. Vẽ cúc là một thể tài có kỹ pháp riêng biệt trong tranh thủy mặc và là một chủ đề quan trọng trong những những bộ tranh như: Tứ quân tử – Mai Lan Cúc Trúc (cúc được coi là một trong bốn quân tử của cỏ hoa); hay  tổ hợp hoa Cúc và chim khách (hỉ thước) biểu thị toàn gia hoan lạc, tổ hợp Cúc và Tùng thể hiện “ích thọ diên niên” …

Cúc còn được biết đến là một vị thuốc với tên gọi: Cúc hoa, hay Cam cúc mà “Thần Nông Bản Thảo Kinh” xếp vào hàng thượng phẩm với những ghi chép như sau: “Cam cúc hoa khí vị khổ bình vô độc” (hoa cúc vị đắng tính bình không độc) và “cửu phục lợi huyết khí khinh thân, nại lão diên niên” (dùng lâu ngày lợi cho huyết khí thân thể nhẹ nhõm, trẻ dai thọ lâu. Sách Nam Dược Quốc Âm Phú của cụ Tuệ Tĩnh cũng chép về hoa cúc: Hoa cúc trắng rước diên thọ khách; Hoa cúc vàng mừng phó diên niên” và dùng trong nhiều bài thuốc.

Phải chăng vừa có hương thơm vừa có dược tính như vậy mà cúc từ lâu đã được dùng vào những thứ thức uống được coi là tinh tế nhất của con người: trà và rượu, đặc biệt là rượu cúc, mà vẫn được gọi bằng cáI tên thật đẹp: Hoàng Hoa Tửu!

Hoa và rượu vốn là tinh túy của đất trời tự nó đã được con người nâng niu yêu quý, đặc biệt với những bậc tao nhân mặc khách, hỏi có ai không yêu rượu yêu hoa. Rượu và hoa vốn muôn màu muôn vẻ, nhưng có lẽ riêng có Hoàng Hoa Tửu là cáI tên vừa đẹp vừa quen vừa cổ kính nhất, là hoa trong rượu là rượu trong hoa mà thôi. Đỗ Phủ đời Đường từng có câu thơ về Hoàng Hoa Tửu: “Y tích hoàng hoa tửu; Như kim bạch phát ông” hay Vương Thập Băng đời Tống có câu: “Thử nhật hoàng hoa tửu; Thâm kỳ chước đệ huynh” hay Đinh Phục đời Nguyên thì viết: “Bán sinh cửu nhật hoàng hoa tửu; Đa tại tây phong Bạch hạ kiều” Nhà thơ Cao Bá Quát viết trong một bài hát nói: “Chén hoàng hoa ngồi lắng ngọn thu phong”, Nguyễn Đình Chiểu cũng có câu: “ Này trà Bạch tuyết, nọ bầu hoàng hoa” . Nhà thơ Lưu Trọng Lư cũng viết thế này: “Tay em nâng chén hoàng hoa, Sá gì hớp rượu vì ta bận lòng” . Có lẽ không cần phải nói “rượu” bầu hoàng hoa, chén hoàng hoa đã là rượu rồi vậy.

PhảI chăng được chắt lọc tinh túy từ loài hoa “đắc thiên địa thu kim thanh túc chi khí” mà rượu hoàng hoa có hương thanh sắc vàng óng ánh đến lạ. Rót một ly nhỏ ra chén sứ rượu sánh như mật điểm một cánh hoa thanh mảnh trong rượu chẳng phảI đợi đến say mới thấy, thật quả khiến người tục cũng hóa thần tiên. Rượu hoàng hoa của Đỗ Phủ, bầu hoàng hoa của Nguyễn Khuyến, chén hoàng hoa của Cao Bá Quát, Lưu Trọng Lư nay vẫn còn đó. Thứ rượu thanh tao từ cổ nhân truyền lại phảI chăng là kết hợp thần kỳ giữa những thứ tinh túy nhất nên vẫn còn mãI với thời gian? Hãy tự mình nhấp một chén hoàng hoa bạn sẽ thấy câu trả lời ở ngay trong đó.

Hà Thành, thu 2009.