Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2018

LỤC NHẤT THI THOẠI - Âu Dương Tu


Âu Dương Tu tự Vĩnh Thúc, hiệu Túy Ông, Lục Nhất cư sĩ, thụy Văn Trung, người Vĩnh Phong, Cát Châu (nay là Giang Tây, Trung Quốc), là Nho gia, tác gia, làm quan trải nhiều chức vụ qua ba đời vua Nhân tông, Anh tông, Thần tông thời Bắc Tống, từng kế nhậm Bao Chửng làm chức Khai Phong phủ doãn. Ông là một trong tám nhà “Đường Tống bát đại gia”, để lại nhiều tác phẩm đồ sộ trong nhiều lĩnh vực lịch sử, văn học, khảo cứu …
“Lục Nhất thi thoại” chỉ là một tập sách nhỏ về thơ ca của ông, nhưng có thể nói, đó là một tác phẩm mở đầu cho phong trào viết “Thi thoại” kéo dài suốt từ đời Tống cho đến tận sau này trong lịch sử văn học Trung Quốc, mà đời nào cũng có những tên tuổi và tác phẩm lớn.
Dưới đây, xin giới thiệu lần lượt với các bạn toàn bộ nội dung tác phẩm “Lục Nhất thi thoại” của ông.
(Âu Dương Tu)

1
1.    Ông Lý Văn Chính dâng bài “Vĩnh Xương lăng vãn ca từ”, có câu rằng: “Điện ngọc ngũ hồi triều thượng đế; Ngự lâu tam độ nạp hàng vương” (Ngọc tế năm lần chầu thượng đế; Ngự lâu ba bận nhận vua hàng). Bấy giờ quần thần đều có bài ca dâng lên, nhưng duy có bài của ông có thể nói là đứng đầu. Câu “tam nạp hàng vương” là có ý nói đến ba ông vua đã phải chịu đầu hàng: Lưu Trưởng ở Quảng Nam, Mạnh Xưởng ở Tây Thục và Lý Hậu Chủ ở Giang Nam. Còn như “ngũ triều thượng đế” thì là sai vậy. Tống Thái Tổ niên hiệu Kiến Long hết bốn năm thì mùa xuân năm sau mới làm lễ tế Giao lần đầu, và đổi niên hiệu là Càn Đức. Đến năm thứ sáu thì lại tế Giao, đổi niên hiệu là Khai Bảo. Năm Khai Bảo thứ năm lại tế Giao, mà không đổi niên hiệu. Đến năm thứ chín thì bình định Giang Nam, tháng Tư có lễ cầu đảo lớn, cáo tạ ở Tây Kinh. Cho nên nói về việc đức vua cầm hốt ngọc tế trời thì đúng ra chỉ có bốn lần vậy. Lý công là người thời ấy, tất không thể sai sót như thế được, đó là do người ta truyền tụng sai ra thành năm mà thôi.

2
2.       Dưới triều Nhân Tông, có mấy vị quan hiển đạt nổi tiếng về thơ, thường chuộng lối thơ của Bạch Lạc Thiên (Bạch Cư Dị), nên lời lẽ phần nhiều là giản dị. Có người làm đôi câu liễn rằng: “Hữu lộc phì thê tử; Vô ân cập lại dân” (Có lộc phì thê tử; Không ơn đến chúng dân). Kẻ khác mới đùa mà bảo rằng: “Hôm qua tôi đi trên đường thấy có một cái xe bò, chở nặng lắm, mà con bò mệt nhọc đến khổ, có phải đấy là “phì thê tử” của túc hạ đó chăng?” Những người nghe thấy đều truyền nhau mà cười.  (“Phì thê tử” ở đây còn có nghĩa là “Bà vợ béo”)

3
3.       Chốn kinh sư tấp nập, cảnh vật phồn thịnh, nhưng sĩ đại phu thường vướng vào việc phục dịch, những cảnh đẹp ngày vui, thường ít khi có được cái thú yến ẩm du ngoạn. Đến nỗi trong thơ có những câu như: “Mãi hoa đảm thượng khan đào lý; Phách tửu lâu đầu thính quản huyền” (Trên gánh bán hoa ngắm đào mận, Trước lầu vỗ rượu nghe đàn sáo). Trong Ứng Thiên thiền viện ở Tây Kinh có Tổ Tông Thần Ngự Điện, nằm ở phía bắc sông Hán Thủy, cách Hà Nam phủ hơn mười dặm. Những quan lại bốn mùa phải đến triều bái, thường khốn khổ vì dậy sớm. Song những bậc đại quan quý tộc lưu thủ ở kinh, mỗi khi triều bái xong đều được ban ba chén rượu, lẳng lặng uống xong rồi lui. Cho nên có người viết thơ rằng: “Chính mộng mị trung hành thập lý; Bất ngôn ngữ xứ ngật tam bôi.” (Đang khi còn mơ ngủ phải đi mười dặm đường; Chẳng nói năng gì uống cạn ba chén rượu.) Lời lẽ tuy nông cạn, nhưng chính là sự thật ở hai kinh vậy.

 4
1.       Ông Mai Thánh Du từng làm bài thơ: “Phú Hà Đồn Ngư Thi” ngay trên tiệc tại nhà ông Phạm Hi Văn thế này: “Xuân châu sinh địch nha; Xuân ngạn phi dương hoa. Hà đồn đương thị thời; Quý bất số ngư hà.”. Giống hà đồn thường xuất hiện vào cuối mùa xuân, đi thành đàn trên mặt nước, ăn hoa dương liễu nên rất béo. Người miền nam thường lấy măng cây lau đem nấu thành món canh, được coi là món ngon nhất. Thế mới biết nhà thơ chỉ mới nói hai câu phá đề, đã tóm được hết những cái hay của giống hà đồn rồi. Thánh Du bình sinh khắt khe trong chuyện ngâm vịnh, lấy nhàn dật xa xôi cổ kính đơn sơ để lập ý, cho nên cấu tứ rất vất vả. Bài thơ này lại làm ngay trên bàn tiệc, bút lực mạnh mẽ, chốc lát viết xong, mà lại thành tuyệt xướng.

 5

2.       Học sĩ Tô Tử Chiêm là người đất Thục. Từng ở Dục Tỉnh giám mua được của người dân tộc ở Tây Nam một cái áo may bằng vải thổ cẩm, hoa văn của nó dệt thành bài thơ “Xuân Tuyết thi” của Mai Thánh Du. Bài thơ này ở trong “Thánh Du Tập” không phải là một bài tuyệt xướng, thế mà lại thành nổi tiếng ở thiên hạ, người ngâm kẻ vịnh, truyền đến tận nơi Di Địch, tới nỗi người đất khác quý trọng đến như vậy. Tử Chiêm cho ta là người hiểu rõ về Thánh Du, nên được áo xong, liền mang đến cho xem. Nhà ta xưa có lưu lại một cây đàn cầm, là cây đàn mà Lôi Hội tạo tác năm Bảo Lịch thứ ba, cách nay đã hai trăm năm mươi năm rồi. Âm thanh của nó trong vang như gõ vào vàng đá. Ta liền lấy vải áo ấy đổi may làm cái túi đựng đàn, hai vật này thực là những vật báu trong nhà ta vậy.

(còn nữa)