Thứ Tư, 8 tháng 1, 2020

NGÀN XƯA MỘT CHÉN HOÀNG HOA

Xuân du phương thảo địa;
Hạ thưởng lục hà trì.
Thu ẩm hoàng hoa tửu;
Đông ngâm bạch tuyết thi.

Trong chúng ta có lẽ rất nhiều người đã biết đến bài cổ thi này, mặc dù có khi không biết rõ xuất xứ của nó, thậm chí không biết mấy về chữ Hán. Thậm chí người Quan họ còn có bài hát Vui Bốn Mùa dịch từ bài cổ thi này thành thơ lục bát như sau: “Mùa xuân chơi cỏ thong dong; Mùa hè tắm mát ở sông lục hà; Mùa thu uống rượu cúc hoa; Mùa đông Bạch tuyết ngâm nga chơi bời”.

Trước kia tôi cứ thắc mắc “hoàng hoa” là hoa vàng chứ chắc gì là hoa cúc, mà thơ văn nào cũng cứ dịch hoàng hoa thành hoa cúc vậy? Cho đến tận sau này tôi mới biết rằng dù có nhiều loại hoa màu vàng, và cúc cũng có nhiều màu khác nữa, nhưng nói tới hoàng hoa là nói tới cúc và Hoàng Hoa đã trở thành một biệt danh của hoa cúc.

Có thể nói hoa cúc là loài hoa đẹp, nhiều ý nghĩa, và gắn bó với đời sống con người lâu nhất trong các loài hoa. Hoa cúc có rất nhiều tên gọi khác nhau như: Nhật Tinh, Nữ Tiết, Nữ Hoa, Cánh Sinh, Chu Doanh, Âm Thành, Thọ Khách, Hoàng Hoa, ... Mỗi màu hoa lại có những cáI tên nổi tiếng khác nhau. Từ rất sớm, trong thiên Nguyệt Lệnh -  Lễ Ký đã viết: “Quý thu chi nguyệt; Cúc hữu hoàng hoa” (tháng cuối mùa thu có hoa cúc nở vàng).
Chính vì vậy nên cúc được coi là loài hoa đặc trưng của mùa thu. Cứ mỗi khi thu đến người ta lại nói đến cúc. Thậm chí hoa cúc còn được coi là loài hoa của tháng 9 (âm lịch) và tháng 9 còn có tên là Cúc Nguyệt. Cúc cũng được coi là loài hoa quân tử, bởi khi mùa thu đến khi mọi loài cây loài hoa đều đã lụi tàn thì cúc mới lại trổ hoa không đua tranh cùng muôn hoa chúng bạn, lại chẳng hiềm gió lạnh sương sa, ấy chẳng phảI cáI đức của người quân tử sao? Chính vì lẽ đó mà từ xa xưa trong thơ ca, đã thấy rất nhiều dấu ấn của Cúc. Từ Kinh Thi và Ly tao đã có nói đến cúc. Trong Ly Tao, Khuất Nguyên có câu: “Triêu ẩm mộc lan chi trụy lộ hề; Tịch xan thu cúc chi lạc anh” Đào Uyên Minh đời Tấn được coi là người yêu hóa cúc nhất, đến độ Chu Đôn Di đời Tống phảI thốt lên: “Cúc chi áI, Đào hậu tiển hữu văn”. Hoa cúc trong thơ của ông cũng rất nhiều, những câu thế này chắc ngoài ông Đào không ai có thể viết ra được: “Thái cúc đông ly hạ; Du nhiên kiến Nam Sơn” hay “Thu cúc hữu giai sắc; Canh lộ nhiếp kỳ anh” Thơ vịnh riêng từng loài cúc cũng rất lý thú: Đổ Phủ có bài thơ vịnh hoa cúc trắng: . Nhà thơ Trần Nguyên Đán đời Trần lại có bài thơ vịnh hoa cúc đỏ thế này: “Phương tâm diễm sắc thiên nhiên dị; Vãn tiết kiều tư vật thái vưu.” Ông còn có bài thơ: “Cửu nguyệt đối cúc canh ngự chế thi vận” vịnh hoa cúc, trong đó có câu: “Hoàng hoa thời tiết hảo thu thành”, “Ánh nhật kim ba chiếu hạm minh”. Trúc Lâm tam tổ Huyền Quang tôn giả còn có cả chùm 6 bài thơ vịnh cúc với những câu thật lý thú như: “Thi biều thực vị cúc hoa mang” hay “Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật; Cúc hoa khai xứ tức trùng dương” hay “Hậu điêu nhan sắc thuộc đông ly”. Thơ Nôm của Nguyễn Trãi cũng có câu: “Mưa thu tưới ba đường cúc; Gió xuân đưa một luống lan” … Đến thơ Nôm của Nguyễn Khuyến: “Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái” thì chẳng nói cúc mà ai cũng biết là nói cúc vậy. Có lẽ hoa cúc còn để lại ấn tượng sâu sắc trong câu thơ của Hoàng Sào: “Mãn thành tận đới hoàng kim giáp” tới tận ngày nay và gợi ý cho Trương Nghệ Mưu  đạo diễn lừng danh của Trung Quốc làm bộ phim Hoàng Kim Giáp với cuộc chiến hoa cúc trong lịch sử Trung Hoa mới đây.
(Thu xâm nhân ảnh sấu; Sương nhiễm cúc hoa phì.
Dịch: Sương giăng hoa cúc mập; Thu lấn bóng người gầy.
Thư pháp: Châu Hải Đường)

Cúc có mặt ở mọi loại hình văn hóa nghệ thuật từ rất sớm với những trang trí “cúc dây” trên đồ sứ, chạm khắc trên đồ gỗ và đá. Vẽ cúc là một thể tài có kỹ pháp riêng biệt trong tranh thủy mặc và là một chủ đề quan trọng trong những những bộ tranh như: Tứ quân tử – Mai Lan Cúc Trúc (cúc được coi là một trong bốn quân tử của cỏ hoa); hay  tổ hợp hoa Cúc và chim khách (hỉ thước) biểu thị toàn gia hoan lạc, tổ hợp Cúc và Tùng thể hiện “ích thọ diên niên” …

Cúc còn được biết đến là một vị thuốc với tên gọi: Cúc hoa, hay Cam cúc mà “Thần Nông Bản Thảo Kinh” xếp vào hàng thượng phẩm với những ghi chép như sau: “Cam cúc hoa khí vị khổ bình vô độc” (hoa cúc vị đắng tính bình không độc) và “cửu phục lợi huyết khí khinh thân, nại lão diên niên” (dùng lâu ngày lợi cho huyết khí thân thể nhẹ nhõm, trẻ dai thọ lâu. Sách Nam Dược Quốc Âm Phú của cụ Tuệ Tĩnh cũng chép về hoa cúc: Hoa cúc trắng rước diên thọ khách; Hoa cúc vàng mừng phó diên niên” và dùng trong nhiều bài thuốc.

Phải chăng vừa có hương thơm vừa có dược tính như vậy mà cúc từ lâu đã được dùng vào những thứ thức uống được coi là tinh tế nhất của con người: trà và rượu, đặc biệt là rượu cúc, mà vẫn được gọi bằng cáI tên thật đẹp: Hoàng Hoa Tửu!

Hoa và rượu vốn là tinh túy của đất trời tự nó đã được con người nâng niu yêu quý, đặc biệt với những bậc tao nhân mặc khách, hỏi có ai không yêu rượu yêu hoa. Rượu và hoa vốn muôn màu muôn vẻ, nhưng có lẽ riêng có Hoàng Hoa Tửu là cáI tên vừa đẹp vừa quen vừa cổ kính nhất, là hoa trong rượu là rượu trong hoa mà thôi. Đỗ Phủ đời Đường từng có câu thơ về Hoàng Hoa Tửu: “Y tích hoàng hoa tửu; Như kim bạch phát ông” hay Vương Thập Băng đời Tống có câu: “Thử nhật hoàng hoa tửu; Thâm kỳ chước đệ huynh” hay Đinh Phục đời Nguyên thì viết: “Bán sinh cửu nhật hoàng hoa tửu; Đa tại tây phong Bạch hạ kiều” Nhà thơ Cao Bá Quát viết trong một bài hát nói: “Chén hoàng hoa ngồi lắng ngọn thu phong”, Nguyễn Đình Chiểu cũng có câu: “ Này trà Bạch tuyết, nọ bầu hoàng hoa” . Nhà thơ Lưu Trọng Lư cũng viết thế này: “Tay em nâng chén hoàng hoa, Sá gì hớp rượu vì ta bận lòng” . Có lẽ không cần phải nói “rượu” bầu hoàng hoa, chén hoàng hoa đã là rượu rồi vậy.

PhảI chăng được chắt lọc tinh túy từ loài hoa “đắc thiên địa thu kim thanh túc chi khí” mà rượu hoàng hoa có hương thanh sắc vàng óng ánh đến lạ. Rót một ly nhỏ ra chén sứ rượu sánh như mật điểm một cánh hoa thanh mảnh trong rượu chẳng phảI đợi đến say mới thấy, thật quả khiến người tục cũng hóa thần tiên. Rượu hoàng hoa của Đỗ Phủ, bầu hoàng hoa của Nguyễn Khuyến, chén hoàng hoa của Cao Bá Quát, Lưu Trọng Lư nay vẫn còn đó. Thứ rượu thanh tao từ cổ nhân truyền lại phảI chăng là kết hợp thần kỳ giữa những thứ tinh túy nhất nên vẫn còn mãI với thời gian? Hãy tự mình nhấp một chén hoàng hoa bạn sẽ thấy câu trả lời ở ngay trong đó.

Hà Thành, thu 2009.