Thứ Tư, 20 tháng 4, 2022

VỀ VIỆC ĐỌC SÁCH - Lỗ Tấn (Trò chuyện tại trường Trung học Tri Dụng, Quảng Châu ngày 16.7.1927)

 Nhân các thầy ở trường trung học Tri Dụng muốn tôi có một buổi diễn thuyết tại trường, cho nên ngày hôm nay tôi đã đến và được gặp mặt các bạn tại đây. Thực ra tôi cũng không có cái gì đáng để nói cả, bỗng nhiên nghĩ đến, trường học là nơi đọc sách, vì vậy tôi xin tùy tiện nói một chút về việc đọc sách. Đó chỉ là những ý kiến của cá nhân tôi, tạm đưa ra để các bạn tham khảo, chứ thực cũng không có gì đáng để gọi là diễn thuyết cả.

Nói đến đọc sách, tựa hồ đó là một việc rất rõ ràng, chỉ cầm đem sách ra đọc là được rồi. Nhưng không hề đơn giản như vậy. Ít nhất là có hai kiểu: một là đọc sách vì công việc, và hai là đọc sách vì sở thích. Gọi là đọc sách vì công việc, ví dụ như học sinh vì phải lên lớp, giáo viên vì phải giảng bài, nếu không mở sách ra đọc thì sẽ khá nguy hiểm. Tôi nghĩ, trong các bạn đang ngồi ở đây, nhất định có một số bạn có kinh nghiệm thế này: có người không thích toán, có người không thích vật lý, nhưng không thể không học được, nếu không, sẽ không thể hoàn thành chương trình, không thể lên lớp, và nó sẽ phương hại đến sinh kế tương lai của các bạn. Bản thân tôi cũng như vậy. Vì tôi làm thầy giáo, nên cũng có lúc không thể không đọc loại sách mà mình không thích, nếu không như vậy, chỉ e rằng không bao lâu sẽ ảnh hưởng ngay đến bát cơm của mình. Chúng ta đã thành thói quen, cứ nói đến đọc sách, bèn cảm thấy đó là một việc rất cao thượng, kỳ thực việc đọc sách như thế này, cũng chẳng khác gì việc một ông thợ mộc mài lưỡi cưa, ông thợ may sửa kim chỉ cả. Chẳng những không có gì là cao thượng, mà có khi còn rất đau khổ, rất đáng thương.  Việc bạn muốn làm, thì lại không cho bạn làm, còn việc bạn không muốn làm, thì lại không làm không được. Đó là vì giữa công việc và sở thích không thể hợp nhất được lại với nhau. Nếu như mọi người đều có thể làm những việc mà mình yêu thích, mà ai nấy vẫn có cơm ăn, thì hạnh phúc biết bao. Song, xã hội hiện nay còn chưa làm như vậy được, cho nên phần lớn những người đọc sách hầu như chỉ là đọc một cách miễn cưỡng và đau khổ vì công việc của mình mà thôi.

Bây giờ, tôi xin nói đến việc đọc sách vì sở thích. Đó là việc xuất phát từ tự nguyện, không hề bắt buộc, tách rời hoàn toàn khỏi những quan hệ lợi ích. Tôi nghĩ, việc đọc sách vì sở thích, cũng giống như người mê bài bạc vậy, ngày nào cũng chơi, tối nào cũng chơi, liên tục chơi, có khi bị cảnh sát bắt rồi, nhưng sau khi được thả ra lại tiếp tục chơi. Các bạn nên biết rằng, một người thực sự mê bài bạc thì mục đích của họ không phải ở kiếm tiền, mà ở cái thú của bài bạc. Bài bạc thì có cái thú thế nào, tôi là người ngoại đạo, cũng không hiểu lắm. Nhưng tôi có được nghe những người mê bài bạc nói, nó lý thú ở chỗ từng lá từng lá bài anh bốc lên, đều luôn biến hóa vô cùng. Tôi nghĩ, phàm những người mê đọc sách, có thể tay không rời quyển sách, thì nguyên nhân cũng là như vậy. Trong mỗi một trang sách, anh ta đều thấy một thú vị vô cùng sâu sắc. Tất nhiên, nó cũng có thể giúp mở mang tinh thần, tăng thêm tri thức nữa. Nhưng tôi không đề cập đến những điều này, vì nếu tính đến những điều ấy, thì cũng giống như những con bạc có ý định ở việc kiếm tiền rồi, việc này, trong đám con bạc mà nói, thì cũng bị coi là hàng hạ phẩm.

(Lỗ Tấn trong thư phòng)

Nhưng, ý tôi, hoàn toàn không phải là khuyên các bạn nên bỏ học, để đi đọc những cuốn sách mà mình thích đọc. Thời điểm ấy còn chưa đến. Cũng có thể trước sau không bao giờ đến, mà nhiều nhất chỉ là, sau này có thể tìm cách khiến cho mọi người nảy sinh thêm nhiều hơn hứng thú với những việc mình không làm không được mà thôi. Tôi đang nói rằng, các bạn thanh niên thích đọc sách, rất có thể đọc thêm những cuốn sách ngoài những cuốn bổn phận phải đọc của mình, tức là những cuốn ngoài sách học ở trường, chứ không phải chỉ có ôm chặt lấy những cuốn giáo khoa. Nhưng xin chớ hiểu lầm, tôi không hề nói rằng, tỷ như trong giờ ngữ văn, nên đọc trộm những cuốn như “Hồng lâu mộng” giấu dưới ngăn bàn. Mà là nói rằng, trong lúc rảnh rỗi sau khi đã làm xong bài tập, các bạn có thể đọc xem các loại sách khác, dù rằng có cuốn không liên quan gì đến chuyên môn của mình cả, cũng nên rộng đọc. Ví như người học Vật Lý, thì nên đọc thêm sách văn học, người học Văn Học, thì nên đọc thêm sách khoa học, xem xem những nghiên cứu của người khác về lĩnh vực ấy rốt cuộc là như thế nào. Như vậy, thì với những người khác, việc khác, có thể có những hiểu biết sâu hơn. Trung Quốc hiện nay có một cái tật rất lớn, đó là người ta hầu như đều cho rằng những gì mà mình học mới là thứ học vấn hay nhất, tuyệt nhất, quan trọng nhất, còn những cái khác đều vô dụng, đều không đáng để nói. Những người làm những việc không đáng để nói ấy, rồi tương lai tất chết đói. Kỳ thực là, thế giới không hề giản đơn như vậy, thứ học vấn nào cũng đều có chỗ dùng của nó, muốn xác định xem cái nào mới là hàng đầu là rất khó. Cũng may rằng, chúng ta có đủ mọi kiểu người, chứ giả như trên thế giới tất cả đều là nhà văn, chỗ nào cũng chỉ thấy nói đến nếu không phải là “phân loại văn học” lại là “cấu tạo của thơ”, thì không biết sẽ vô vị đến đâu.

Nhưng những điều tôi vừa nói trên, chỉ là những hiệu quả kèm theo có được mà thôi. Khi đọc sách theo sở thích, thì bản thân người ta tự nhiên không tính toán đến những cái đó, cũng giống như đi chơi công viên vậy, cứ thoải mái mà đi, vì thoải mái đi, cho nên không thấy mệt, vì không thấy mệt, cho nên cảm thấy thú vị. Nếu như một quyển sách cầm đến tay, mà trong lòng luôn nghĩ rằng, “Mình đang đọc sách đây!”, “Mình đang ra sức đây!”, như vậy sẽ rất dễ mệt mỏi, và vì thế mà giảm mất cả thú vị, hoặc giả sẽ biến thành một việc khổ sở.

Tôi thấy thanh niên ngày nay, vì hứng thú mà đọc sách là có, và tôi cũng luôn luôn gặp những câu hỏi khác nhau của họ. Bây giờ, tôi xin nói một chút về những điều suy nghĩ của mình, nhưng chỉ giới hạn ở phương diện văn học, bởi vì tôi không hiểu lắm về những lĩnh vực khác.

Thứ nhất, là chúng ta thường không có sự phân biệt rõ giữa văn học và văn chương. Thậm chí có người đã bắt tay vào làm công việc phê bình văn chương, cũng không tránh khỏi lỗi ấy. Thực ra, nói một cách đại khái, cái này rất dễ phân biệt. Những người nghiên cứu về lịch sử hay lí luận văn chương, là những nhà văn học, nhà nghiên cứu; Còn những người làm thơ, viết kịch, tiểu thuyết, là những người làm văn chương, mà như thời xưa vẫn nói là văn nhân, và bây giờ thì gọi là nhà sáng tác. Nhà sáng tác không hiểu chút nào về văn học sử hay lý luận văn học cũng không hề gì cả, và nhà văn học không làm nổi một câu thơ cũng không sao. Thế nhưng trong xã hội Trung Quốc vẫn hiểu rất sai lầm rằng, anh viết được mấy thiên truyện ngắn, thì liền cho rằng anh nhất định phải hiểu được khái luận về tiểu thuyết, làm được mấy câu thơ mới, liền muốn anh phải nói về nguyên lý của thơ. Tôi cũng thường gặp những bạn thanh niên muốn viết tiểu thuyết, bèn trước tiên đi mua sách về cách thức viết tiểu thuyết và lịch sử văn học để đọc. Cứ như tôi thấy thì, dẫu các bạn ấy có đọc nát mấy cuốn sách đó, cũng không có tác dụng gì với việc sáng tác của các bạn ấy cả.

Trên thực tế, hiện nay cũng có một số người làm văn chương, có khi cũng đi làm thầy giáo. Nhưng đó là bởi vì công việc sáng tác ở Trung Quốc không kiếm ra tiền, không nuôi nổi bản thân mình. Nghe nói, những tiểu thuyết gia ở Mỹ viết một truyện vừa, cũng có giá tới hai ngàn Mỹ kim. Còn Trung Quốc, người khác tôi không biết thế nào, chứ bản thân tôi thì truyện ngắn gửi tới nhà sách lớn, mỗi truyện được trả hai mươi đồng. Vì thế đương nhiên, phải tìm một việc khác, ví dụ như làm thày giáo, diễn giảng văn học. Nghiên cứu thì phải dùng đến lý trí, phải bình tĩnh lạnh lùng, còn sáng tác thì cần tình cảm, chí ít cũng phải có chút lửa nóng, và thế là chợt nóng chợt lạnh, làm cho đầu óc quay cuồng – Đó cũng là nỗi khổ của vấn đề công việc và sở thích không thể hợp làm một vậy. Nếu chỉ có khổ thì cũng coi như thôi không nói nữa, nhưng kết quả còn là chẳng việc gì làm được ra hồn cả. Chứng cứ của nó là, các bạn thử giở lịch sử văn học thế giới ra xem, những người trong đó, cơ hồ chẳng có ai là kiêm làm giáo viên cả.

Lại còn một cái hỏng nữa, ấy là khi đã làm giáo viên rồi, không tránh khỏi sẽ có những chỗ tránh né. Giáo viên phải có khuôn khổ của giáo viên, không thể tùy ý nói những điều mình muốn nói. Nói như vậy, có thể sẽ có người phản bác rằng: Vậy ông cứ thoải mái nói những điều mình muốn nói là được rồi, hà tất phải cẩn trọng như thế. Nhưng đó chỉ là những câu nói cho có khi chưa vào việc mà thôi, một khi xảy ra việc rồi, tự nhiên kẻ ấy cũng sẽ theo số đông mà công kích anh vậy. Mặt khác, bản thân người thầy giáo, dẫu rằng có tự cho mình phóng khoáng đến mức nào, thì trong ý thức rốt vẫn không tránh khỏi luôn có một khuôn khổ. Cho nên, ở nước ngoài, những cái gọi là “Tiểu thuyết giáo sư” cũng không ít, nhưng không có mấy ai khen hay, ít ra là nó luôn khó tránh khỏi có những chỗ khoe khoang học thức khiến người ta chán ớn.

Cho nên, tôi nghĩ rằng, nghiên cứu văn học là một việc, còn làm văn chương lại là một việc khác.

Thứ hai, tôi thường được hỏi rằng: Muốn làm về văn học, thì nên đọc sách gì? Đây thực sự là một câu hỏi rất khó trả lời. Trước đây cũng có mấy vị tiên sinh đã kê ra danh mục dài một loạt các loại sách cho thanh niên đọc. Nhưng cứ như tôi thấy, cái đó không hề có tác dụng gì, bởi vì tôi cảm thấy đó đều là những cuốn sách mà bản thân vị tiên sinh kê danh mục sách ấy muốn đọc, hoặc giả chưa hẳn đã muốn đọc. Tôi cho rằng, nếu muốn theo cách cũ, thì chẳng gì bằng tạm căn cứ vào “Thư mục vấn đáp” của Trương Chi Động mà đi tìm theo. Còn nếu muốn theo cách mới, nghiên cứu văn học, thì tự mình trước hết hãy đọc các loại sách sổ tay, như “Khái luận Văn học mới” của Honma Hisao, “Biểu tượng của sầu khổ” của Kuriyagawa Hakuson, “Luận chiến văn nghệ Nga Xô” của Voronsky, sau đó hãy tự mình thử suy nghĩ, mà tiếp tục đọc rộng thêm. Bởi vì, lý luận của văn học không giống như toán học, hai lần hai nhất định là bốn, cho nên chúng rất trái khác nhau. Như cuốn sách thứ ba kể trên, chính là tranh luận giữa hai phái văn chương của Nga, - tôi xin nói thêm một câu, gần đây nghe nói, đến tiểu thuyết của Nga cũng không có mấy người xem, dường như cứ thấy một chữ “Nga” là giật mình, kỳ thực những sáng tác mới của Nga Xô đã từng có ai giới thiệu đâu, hiện nay có mấy cuốn được dịch in, thì đều là những tác phẩm trước cách mạng, mà tác giả của nó ở bên nước ấy đều đã bị coi là phản cách mạng rồi. Nếu muốn thử đọc những tác phẩm văn nghệ, thì trước hết nên đọc những cuốn tuyển chọn của các danh gia, từ đó cảm thấy tác phẩm của ai khiến bản thân mình thích đọc nhất, rồi sau sẽ tìm đọc tập riêng của tác giả đó, tiếp theo nữa lại từ lịch sử văn học xem xem vị trí lịch sử của tác giả ấy. Nếu như muốn biết một cách tường tận, thì xem một vài cuốn truyện ký của người ấy, là có thể hiểu rõ được đại lược rồi. Nếu chuyên chỉ có đi hỏi người khác, thì mỗi người có một sở thích khác nhau, rốt sẽ chỉ là ông chẳng bà chuộc vậy.

Thứ ba, tôi xin nói mấy câu về việc phê bình. Hiện nay, vì các xuất bản phẩm quá nhiều, - kỳ thực là có bao nhiêu đâu, nhưng vì độc giả không khỏi có chỗ phân vân, bèn trông đợi ở việc phê bình, vì vậy mà các nhà phê bình cũng được dịp nổi lên. Cái gọi là phê bình này, đối với độc giả, chí ít là những độc giả tương cận với tôn chỉ của nhà phê bình ấy, là hữu dụng vậy. Nhưng ở Trung Quốc hiện nay, nhẽ nên tạm thời có một cách nói khác. Thường thường có người nhầm tưởng rằng, nhà phê bình nắm quyền sinh sát với việc sáng tác, chiếm vị trí tối cao trong văn đàn, vì vậy anh ta bèn bỗng nhiên biến thành nhà phê bình. Trên linh hồn anh ta đã treo một cây đao. Nhưng sợ rằng lập luận của mình còn chưa kín kẽ, thì anh ta bèn chủ trương chủ quan. Cũng có lúc anh ta sợ quan sát của mình người khác không coi trọng, thì lại chủ trương khách quan. Có lúc anh ta nói bài viết của mình căn bản là hoàn toàn đồng tình, có lúc lại đem người bị phê bình mắng nhiếc đến không còn đáng một đồng. Phàm những bài viết phê bình của Trung Quốc, tôi càng xem càng thấy mơ hồ, nếu như cho nó là thật, thì sẽ không còn lối nào mà đi nữa. Người Ấn Độ đã sớm biết việc này, nên có một câu chuyện ví dụ rất phổ biến, thế này: Có một ông già cùng đứa con trai dắt theo một con lừa chở hàng đi chợ bán. Bán hàng xong, đứa con cưỡi lừa về, còn ông già đi theo sau. Người đi đường bèn trách cứ người con, rằng không có hiểu biết gì, để cho ông già tuổi cao phải đi bộ. Hai người họ bèn đổi chỗ cho nhau, người cha cưỡi lừa, người con đi bộ. Nhưng người đi đường lại nói ông già nhẫn tâm, bắt con đi bộ. Ông già vội đỡ cả đứa con cùng lên yên ngồi. Người đi đường trông thấy thế lại nói rằng cha con ông tàn ác, kéo cả hai người lên lưng con lừa. Vì vậy hai cha con ông già lại cùng nhau xuống đi bộ cả. Đi chưa được bao lâu, thì lại thấy có người chê cười họ, bảo họ ngốc nghếch, để con lừa đi không mà không cưỡi. Thế là, ông già đành quay sang than thở với đứa con rằng: Chúng ta chỉ còn mỗi một cách thôi, đó là hai cha con ta khiêng con lừa này mà đi! Bất luận là đọc, hay là viết, nếu như lại đi hỏi ý hết người nọ người kia, thì kết quả cuối cùng thường sẽ là khiêng lừa mà đi vậy.

Nhưng tôi hoàn toàn không phải là muốn mọi người không đọc phê bình, chỉ là nói rằng, sau khi đọc rồi, vẫn phải tự mình đọc cuốn sách ấy, tự mình suy nghĩ, tự mình làm chủ. Đọc các loại sách khác cũng vậy, vẫn phải tự mình suy nghĩ, tự mình quan sát. Nếu chỉ đọc sách, sẽ biến thành một cái tủ sách, dẫu cho tự mình cảm thấy thú vị, nhưng thú vị ấy kỳ thực đã dần dà trở nên khô cứng, dần dà chết đi rồi. Trước đây, tôi từng phản đối việc các bạn thanh niên ẩn mình vào trong các phòng nghiên cứu, chính là vì ý này. Đến nay, có một số học giả, vẫn còn đem câu nói ấy coi là một tội trạng của tôi đấy.

Nghe nói, ông Bernard Shaw ở nước Anh, có nói một câu với ý thế này: Thứ tệ nhất trên thế gian này là những kẻ đọc sách. Bởi vì, họ chỉ biết xem tư tưởng nghệ thuật của người khác, mà không dùng cái của chính bản thân mình. Đó cũng chính như Schopenhauer nói là: để kẻ khác phi ngựa trong não mình. Khá hơn một chút là những người suy nghĩ. Bởi vì, họ có thể dùng sức sống của chính bản thân mình, nhưng vẫn không tránh khỏi có những điều nghĩ suông. Cho nên, tốt hơn cả là những người quan sát, họ dùng con mắt của chính mình để đọc bộ sách sống của thế gian này.

Câu ấy rất chính xác, kinh nghiệm thực tế luôn đúng đắn hơn nhiều so với đọc, nghe, hay nghĩ suông. Trước đây tôi đã từng ăn trái vải khô, trái vải đóng hộp, trái vải đã qua nhiều năm, và từ những thứ này suy tưởng về những trái vải tươi. Đến nay, sau khi đã ăn rồi, thì thấy nó hoàn toàn khác với những điều tôi đã suy tưởng. Nếu như tôi không đến Quảng Đông mà ăn trái vải tươi, thì vĩnh viễn tôi sẽ không biết điều ấy. Nhưng đối với câu nói của Shaw, tôi vẫn muốn có thêm một lời bàn  trung lập. Vì Shaw là người Ái Nhĩ Lan, lập luận của ông không tránh khỏi có chút chưa thỏa đáng. Tôi cho rằng, giả như tìm lấy một người quê mùa chưa từng trải ở Quảng Đông, bảo anh ta đi từ Thượng Hải đến Bắc Kinh, hoặc một nơi nào đó, sau đó hỏi xem anh ta quan sát được những gì, thì e những điều anh ta quan sát được sẽ rất hạn chế, bởi vì anh ta chưa từng rèn luyện qua kỹ năng quan sát. Cho nên, muốn quan sát, thì trước tiên vẫn phải trải qua quá trình suy nghĩ và đọc sách.

Tóm lại, ý tôi rất đơn giản: Chúng ta hãy tự mình đọc sách, tức là đọc sách như một sở thích, thỉnh giáo người khác đại để sẽ chẳng tác dụng gì, chỉ nên trước tiên đọc rộng rãi nhiều thể loại, sau đó chọn lựa và đi vào một hoặc vài lĩnh vực tương đối chuyên sâu mà mình yêu thích. Nhưng, chuyên chỉ đọc sách cũng có tệ bệnh của nó, vì vậy tất yếu phải tiếp xúc với hiện thực xã hội, khiến cho những cuốn sách mà mình đọc được sống trở lại.

CHÂU HẢI ĐƯỜNG dịch

(Tạp chí Sông Hương 363 Tháng 5/2019)

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2022

ANH KHANG TRỞ VỀ - (Vương An Ức)

 Nghe nói anh Khang đã về rồi, đang ở nhà người anh trai, hình như bị ốm nặng lắm. Đã hẹn nhau đi thăm anh ấy, nhưng vì bận quá, mà đường lại xa, hơn nữa lại đông người, nên cuối cùng cũng không thể tụ tập đủ và hẹn ngày cụ thể được, thế là dây dưa mãi đến hôm nay đã gần một tháng rồi, mà vẫn còn chưa đi thăm được. Hơn nữa, cũng không nghe thấy có tin tức gì mới, thành thử dần dà mọi người cũng quên khuấy cả đi.

Xa nhau tròn hai chục năm, gần như là nửa đời người rồi còn gì. Cuộc sống bận rộn mà lại lắm biến cố, thực sự là không có mấy khi rảnh rỗi an nhàn để nhìn lại, đến khi bất chợt ngoảnh đầu, thì chẳng khác gì chỉ trong khoảnh khắc búng ngón tay mà đã đi xa mười vạn tám ngàn dặm vậy. Những chuyện ngày xưa, nghĩ lại tuy còn rõ ràng, mà rốt vẫn mờ mịt như từ kiếp trước, giống như một giấc mơ chẳng phải là thực.

Thuở học cùng với anh Khang, chúng tôi mới độ hơn hai mươi tuổi một chút, ai cũng có hùng tâm tráng chí bể rộng sông dài cả. Chí nguyện của anh Khang là viết một bộ sách về Lịch sử âm nhạc Trung Quốc, đó là một tâm nguyện không nhỏ cũng không lớn, nhưng thực tế lại muôn phần khó khăn. Anh ấy vốn có biệt danh là “kho tư liệu sống”, hồi học năm thứ hai đã tích lũy được số phích thư viện đầy một thùng đựng xà phòng. Anh luôn nói rằng, Trung Quốc là quốc gia viết sử sớm nhất, và lập chí phát huy truyền thống đó. Nhưng chỉ thấy anh ấy khổ công tìm kiếm thu thập tư liệu, mà rất lâu vẫn không đặt bút viết. Đừng nói là sách, đến một bài viết ngăn ngắn để có thể đăng trên tập san của trường cũng không thấy có, khiến ai cũng thất vọng. Trong khi ấy, đã có người hùng tâm hăng hái, viết xong được bản đại hợp xướng “Dòng sông hạnh phúc” hùng vĩ, giành được huy chương hạng nhất về Đại hợp xướng trong của Liên hoan Thanh niên Quốc tế lần thứ 7 rồi. Hỏi anh, thì anh liền nói: “Để thời gian nữa, để thời gian nữa!”. Tận đến khi phải đội lên đầu cái mũ Phái Hữu trong cuộc đấu tranh chống hữu khuynh, bị đày tới Thanh Hải, cũng chưa thấy anh viết ra được nửa câu một chữ nào. Tôi với anh, tuy không có khúc mắc gì, nhưng cũng không phải là thân thiết. Vì là một con mọt sách, nên anh ấy trước giờ rất ít bạn bè thân mật. Tuy là “mọt sách”, nhưng anh cũng rất bình thường, không có nhiều chuyện buồn cười, cũng không gây ra việc ngu ngốc gì mà những kẻ đọc sách đọc đến mụ đầu hay làm. Cho nên, khi nhớ về anh, nó rất mờ nhạt và không có mấy điều xúc động. Chỉ là thấy anh nhanh chóng bị cho là phái hữu mà trong lòng cảm thấy có chút tiếc nuối. Song, tội trạng của anh ấy cũng chỉ là mấy câu bình luận hơi tỏ ra bất mãn với hiện thực mà thôi, nếu so với nhóm của ba người công nhiên đưa ra những ý kiến khác với Tiển Tinh Hải[1], thì còn thiếu sự mạnh mẽ oanh liệt, vì vậy, rốt cuộc cũng không lưu lại ấn tượng sâu sắc gì. Về sau, ngày càng có nhiều người vô tội, mà dường như đều gặp phải những bất hạnh bi thảm hơn, vì vậy chút tiếc nuối ấy cũng mờ nhạt đi.

Nhưng rốt cùng, đã từng là bạn học với nhau, sau hai mươi năm đến bây giờ, thì ý vị của hai từ “bạn học” đã không còn chỉ là “bạn học” nữa, mà tựa hồ còn bao gồm cả những ký ức về những năm tháng đẹp đẽ hai mươi năm trước. Cho nên, cái tâm tình muốn đến thăm anh là hoàn toàn thành thực.

Hôm ấy, có việc ở gần nhà anh trai Khang, nên sau khi xong việc, tôi bèn đến thăm anh.

Quê anh Khang vốn không phải ở Thượng Hải, nhà ở Trấn Giang là anh cả anh ấy đưa anh ấy ra ở để đi học. Vì vậy mỗi cuối tuần, anh ấy lại đến nhà anh trai mình chơi. Khi ấy, anh cả anh ấy đứng đầu nhóm vĩ cầm của dàn nhạc, bây giờ đã nghỉ hưu, lúc thì viết mấy bản nhạc, cũng có lúc viết văn chương. Khi hội họp hay liên hoan cũng có lúc trông thấy, thấy thì đều gật đầu chào, nên cũng không xa lạ gì, tôi cũng biết chỗ nhà ông ấy mới chuyển đến.

Nhà ông ấy trên tầng 12 của một tòa nhà mới được xây dựng, đi thang máy lên. Ra khỏi thang máy rẽ sang tay trái thì là căn hộ đầu tiên chính là nhà ông ấy. Trên cửa có chuông điện, nhấn chuông, không có ai đáp lời. Lại nhấn lần nữa, còn chưa nhấn xong, thì cửa đã lặng lẽ mở ra. Một người đàn bà quê mùa chừng hơn sáu mươi nhìn tôi vẻ dò hỏi, có lẽ là người giúp việc nhà ông ấy. Giọng Thượng Hải của bà ta còn nặng khẩu âm vùng Tô Bắc.

“Nhà bác ấy đi vắng cả rồi.”

“Đi vắng cả rồi ạ?” – Tôi vô cùng thất vọng, bởi quãng đường đi chẳng gần chút nào, mà cơ hội để qua lại thế này cũng không lấy đâu ra nhiều.     

“Chỉ có một người đang ốm.” Bà ấy lại nói.

“Tôi chính đang muốn thăm người bị ốm ấy đây.” – Tôi vội vàng nói, cảm thấy mừng rỡ vô cùng, rốt cuộc đã không uổng công mình đi.

“Thăm người ốm?” – Bà ta nhìn tôi vẻ vô cùng nghi hoặc, sau đó mới né người, để tôi bước vào.

Tôi bước vào trong, đó là một căn hộ chung cư nho nhỏ mới xây dựng, trước khi chuyển vào ở, chủ nhà đã tự sửa chữa lại, dán giấy dán tường, lát sàn, nhà tắm đã ốp lát gạch men và tranh khảm, lắp đèn chùm, treo mấy bức tranh sơn dầu, xem ra cũng khá sang trọng. Tôi nhìn ngó hết bên trái lại bên phải, đi qua lối đi hẹp và ngắn, căn buồng quay hướng nam cửa đã khóa, còn căn buồng quay hướng bắc thì đang mở, bên chiếc bàn vuông có một người đang ngồi, gục xuống mặt bàn ngủ gật. Khả năng chính là anh Khang rồi.

“Anh Khang!” – Tôi gọi.

Không có tiếng trả lời, anh ấy vẫn ngủ gật.

Tôi lại gọi một tiếng nữa.

Vẫn không có động tĩnh gì, hình như có gì đó không ổn, tôi lấy làm nghi hoặc, quay đầu lại nhìn xem, thì bà già giúp việc đã đứng sau lưng, hai tay khoanh tròn lại đè lên cạp váy, đứng nhìn rất ra vẻ.

“Đây là anh em của ông chủ nhà phải không?” – Tôi hỏi bà ta.

“Chú quen biết với chú ấy?” – Bà ta hỏi lại tôi.

Tôi gật đầu.

Bà ta bèn nói: “Chú cứ gọi thử xem thế nào.”, rồi đi khỏi. Từ trong nhà vệ sinh vọng lại tiếng giật nước.

Tôi lại gọi, nhưng anh ấy vẫn không đáp lời. Trong lòng thấy vô cùng kỳ lạ và bất an, tôi chầm chậm đi vòng qua bên cạnh anh ấy, thì phát hiện ra anh ấy không hề ngủ, mà chỉ cúi đầu, một tay đỡ lấy đầu, còn một tay cứng đờ đang vạch gì đó trên mặt bàn. Nhưng đó là một người hoàn toàn lạ mặt, gầy kinh dị, mà trước nay tôi chưa từng trông thấy một dáng vẻ nào gầy gò đến như thế, tựa hồ chưa từng có mặt mũi, mà chỉ là một bộ xương trán, xương gò má, xương hàm, bọc một lớp da gần như thấu sáng. Bất giác tôi thấy hơi run.

“Có phải anh Khang không?” – Tôi hỏi ông ta.

Ông ta không hề nhìn tôi, tựa như không nghe thấy gì cả, ngón tay vẫn vạch vạch cái gì đó trên bàn.

Tôi đi lại gần, đỡ lấy vai ông ta, để mặt ông ta đối thẳng trước mắt mình, khi ấy ông ta mới nhìn vào tôi, nhưng biểu hiện rất mơ hồ.

“Anh có nhận ra tôi không?” – Tôi hỏi ông ta.

Ông ta không có biểu hiện gì, trên khuôn mặt không có chút cơ thịt gì để có thể giúp ông ấy biểu lộ cảm giác được, nhưng ông ta thực sự không có biểu lộ gì.

Tôi buông vai ông ta ra, ông ta lại phục xuống mặt bàn như cũ, tay vạch vạch cái gì đó. Cứ nhìn theo như nét viết, thì giống như ông ta đang viết một chữ “Gạo”.

Tôi hơi run lên, chầm chậm lui khỏi căn buồng. Bà giúp việc đang giặt quần áo trong nhà tắm, thấy tôi đi ra, bèn hỏi:

“Có nhận ra chú không?”

Tôi lắc đầu.

“Từ Thanh Hải về chú ấy đã như thế rồi. Nhưng, ăn cơm, đi ngủ vẫn còn biết, đại tiểu tiện cũng biết. Nhưng cũng không thể nói là biết được, phải có người chỉ dẫn cho chú ấy, thì chú ấy sẽ làm được, không hề rối loạn bao giờ.” Bà ấy có vẻ khá hài lòng.     

“Bà có biết anh ấy bị làm sao không?” – Tôi vừa hỏi, vừa đưa tay sờ lên trên trán, thấy mồ hôi đã rịn ra dâm dấp. 

“Nghe nói là bị vỡ mạch máu não, mà vỡ cũng vỡ đến lạ, không hề bị ngã, cũng không va đập vào cái gì, đang ngủ ngon lành thế là bị vỡ.”

“Thế chắc là bị xuất huyết não rồi.”

“Cũng là cái số, vốn đã sắp được về Thượng Hải rồi, hộ khẩu, công tác, nghe nói đều đã làm xong cả rồi, cuối cùng lại bị vỡ mạch máu não, hóa ra bộ dạng thế này.” Bà ta cần mẫn vò quần áo, bọt xà phòng trắng xóa như tuyết tràn ra khắp xung quanh.

“Bà được thuê để chăm nom cho anh ấy đấy à?”  Tôi hỏi.

“Tôi trông chú ấy cũng đáng thương nên mới đến đây, chứ tôi vốn đang làm bên tòa nhà Long Phi tốt lắm. Một nhà bốn người, hai người lớn, hai đứa trẻ, đứa lớn đang học đại học, thứ bảy mới về, nên tự do nhàn nhã lắm. Thực sự là tôi thấy chú ấy đáng thương nên mới sang đây.” Bà ta vừa nói, hai tay vẫn chăm chỉ vò trong đống bọt xà phòng.

“Ở đây cũng không đến nỗi bận lắm.”

“Sao lại không bận? Chả khác nào trông em bé, đi đâu cũng không dám đi. Ở bên tòa nhà Long Phi, tôi còn làm thêm việc giặt đồ cho hai nhà nữa cơ đấy. Ông chủ nhà đây nói, sẽ bù thêm tiền lương cho tôi. Tôi bảo, tôi làm có phải là vì tiền đâu!”

Tôi nói rằng mình phải đi rồi, thì bà ta mới tỏ ý giữ ở lại, nói là quên mất chưa pha trà mời uống nước, tôi vội bảo không cần thiết, rồi đi khỏi ra ngoài. Sau khi ra khỏi nhà thì phát hiện ra quên mất chìa khóa xe, nhớ lại khi nãy lúc tôi đỡ vai anh ấy đã vứt nó lên mặt bàn, vì vậy tôi lại quay vào để lấy. Anh ấy nhìn mà như không trông thấy, vẫn tựa vào bên cạnh bàn, ngón tay vạch lên mặt bàn hình chữ “Gạo”, không biết là nghĩa thế nào.

Trên đường về nhà, trong đầu tôi cứ nghĩ đến anh Khang mãi, không rõ anh ấy làm sao mà ra nông nỗi như thế. Một thân một mình ở Thanh Hải, suốt hai mươi năm, các bạn cùng học không một ai tin tức thư từ gì. Rốt cuộc anh ấy đã sống qua hai mươi năm đó thế nào, tất cả đã bị chôn giấu trong im lặng. Về tới nhà, ăn cơm, đi ngủ, chơi đùa với các con rồi, mà tôi vẫn không thể gạt bỏ được hình ảnh bộ dạng như một cây củi khô của anh Khang sang một bên, thành thử chẳng làm sao mà an tĩnh lại được. Tôi luôn muốn tìm một ai đó để nói chuyện này, nhưng cứ định cất lời, lại cảm thấy chẳng nói được rõ ràng, nên cuối cùng không nói nữa, mà chỉ tính cách bố trí lại đến thăm anh ấy một bận, hy vọng có thể gặp được người anh cả của anh ấy.

Chọn một ngày nghỉ, mang theo một hộp bánh, tôi lại đến nhà Khang.

Chẳng ngờ, anh cả anh ấy không ở nhà, nghe nói là có cuộc hẹn, chị dâu anh ấy cũng không ở nhà, dẫn con đến lớp học đàn rồi. Anh Khang đang nằm ngủ trưa trên chiếc giường gấp. Bà giúp việc thấy tôi đến, bất chợt khỏi cơn buồn ngủ. Vì đây đã là lần thứ hai gặp lại, nên bà ấy nhiệt tình hơn hẳn, lập tức pha trà, mời tôi ngồi, rồi bảo:

“Buổi trưa, ăn được bát rưỡi cơm, với sườn, cải xanh, đậu, lại húp bát canh. Ăn thì ăn được đấy, chỉ phải đút cho chú ấy ăn. Ăn xong thì đi ngủ, cứ ngủ một giấc là đến ba giờ, rồi là ngồi ở đó.”

“Trông anh ấy như thế, chắc chẳng nhận ra được ai mấy?” – Tôi hỏi. Trong lòng chỉ mong anh ấy có chút chuyển biến tốt.

“Chẳng nhận được ai mấy.”

“Thế, anh cả anh ấy thì sao?”

“Bác cả bảo, thì chú ấy dường như có vẻ nghe được một tí. Bây giờ, tôi bảo chú ấy, thì chú ấy có vẻ cũng nghe được chút rồi.”

“Xem chừng, trong tâm trí anh ấy vẫn còn hiểu được một chút.” Tôi thở phào một hơi.

“Tôi bảo chú ấy ăn cơm, chú ấy cũng biết cầm bát, bảo đi ngủ, chú ấy cũng biết cởi giày, cởi áo ngoài, làm giỏi lắm.”

“Bà phải chăm sóc cho anh ấy tốt vào.”

“Tôi có chăm sóc chú ấy không tốt bao giờ! Ông chủ bảo tôi mua cái gì ngon ngon cho chú ấy ăn, nghe nói ở Thanh Hải chú ấy chả có gì ăn, bây giờ nên là lúc được hưởng phúc rồi. Ngày nào tôi cũng phải động não nghĩ món mới cho chú ấy, hôm qua đã mua gan lợn, còn hôm nay là sườn, làm sườn xào chua ngọt.”

“Anh ấy có thích ăn không?”

“Chú ấy biết thế nào là ngon đấy! Như hôm nay này, sườn xào, chú ấy ăn nhiều lắm, biết cả đấy!”

Tôi thở phù một hơi.

“Chú này!” – Bà giúp việc gọi tôi – “Chú bảo, tôi làm như thế, chẳng phải là được việc quá còn gì? Chỉ còn kịp mỗi thở thôi đấy!”

Tôi không biết đáp lời bà ấy thế nào.

“Nói cũng đúng, người ta cũng chỉ cần còn thở được, còn thở được là còn sống, không còn thở thì chết mất rồi.” Bà ấy chép miệng nói. Ánh nắng buổi chiều qua cửa sổ phía tây rọi vào, soi lên mái đầu dường như rụng gần hết tóc của bà ấy, sáng lấp loáng.

Anh Khang động đậy trở mình trên chiếc giường gấp.

“Dậy rồi.” Bà giúp việc đứng dậy, đi đến đỡ anh ấy lên. Anh Khang nhờ bà ấy đỡ ngồi trở dậy, rồi lại đứng hẳn lên, chầm chậm nhờ bà giúp việc đỡ đến bên chiếc bàn vuông ngồi xuống, đối diện với chỗ tôi ngồi. Ánh mắt lướt qua tôi vô định, rồi đáp xuống mặt bàn. Ngồi như vậy hồi lâu, ngón tay anh bắt đầu cử động trên mặt bàn, vẫn là vạch nên một chữ “Gạo” ấy.

Bà giúp việc vừa thu dọn chiếc giường gấp, vừa nói với tôi: “Đấy, chú ấy lúc nào cũng như thế.” Bỏ chiếc giường vào trong tủ tường xong, bà ấy bèn đi lại, đỡ anh Khang bảo: “Đi vệ sinh nhé!”

Anh Khang ngoan ngoãn đi theo bà ấy, một lát, từ trong nhà vệ sinh có tiếng xối nước vọng lại. Tôi đứng lên, quyết định cáo từ, trong bụng rất không muốn nhìn bà giúp việc biểu diễn công việc sinh hoạt của anh ấy cho tôi xem. Tôi nói mình phải đi, quả nhiên bà ấy tỏ ý thất vọng, bảo còn chưa uống xong trà! Nhưng tôi vẫn rời khỏi đó.     

Tôi không còn muốn lại tới thăm anh ấy nữa, nhưng trong lòng vẫn đầy nghi hoặc, không biết cuộc sống trong hai mươi năm ấy của anh rốt cuộc thế nào? Xem ra còn chưa lấy vợ, mà làm sao anh đột nhiên lại đổ bệnh như vậy? Còn nữa, cái chữ “Gạo” được anh luôn viết đi viết lại mãi ấy, là nghĩa thế nào? Tất cả những điều ấy, chỉ có đi hỏi anh cả anh ấy thôi. Thật khéo, hôm ấy đi xem phim ở Hội trường Văn nghệ, tôi đã gặp được anh cả của anh Khang, sau khi gật đầu chào nhau, tôi bèn lên tiếng:

“Đến nhà anh hai bận mà đều không gặp được anh.”

“Hóa ra là anh! Tôi có nghe bà cô giúp việc nói, mà rốt không nghĩ ra được là ai.” – Ông ấy vô cùng nhiệt tình, mời tôi ra căng-tin ngồi một chút, tôi bèn cùng đi. Vẫn còn hơn mười phút mới đến giờ chiếu phim.

“Anh Khang bị làm sao mà khổ thế không biết!” – Không đợi ngồi yên, tôi bèn hỏi ngay.

Anh ấy lặng lẽ hồi lâu, móc một điếu thuốc, châm.

“Anh Khang vẫn chưa lập gia đình?”

“Chưa.” – Ông ấy lắc đầu.

“Anh Khang ở đó thế nào?”

Người anh cả nhả một hơi khói. Ngón tay trỏ và ngón tay giữa kẹp lấy điếu thuốc, ngón cái và ngón áp út xoay xoay hộp diêm, rồi chậm rãi nói: “Đầu tiên là lao động, sau đó được điều đến phòng văn hóa một huyện.” Ông ấy nói tên của một huyện, mà tôi chưa từng nghe thấy bao giờ.

“Huyện gì?” – Tôi hỏi lại.

Ông ấy nhắc lại một lần nữa, nhưng vẫn là rất xa lạ, nghe rất kỳ dị, cũng không biết mấy chữ ấy viết như thế nào.

“Từng ấy năm, anh ấy có về nhà lần nào không?”

“Về nhà hai lần, cũng không tránh khỏi gầy đi một chút, nhưng tinh thần còn tốt.”

“Anh ấy vẫn gửi thư về luôn chứ?”     

“Trong thư thì lúc nào cũng nói tốt lắm. Tôi có mấy lần gửi bột mạch khô cho nó, nhưng lúc nào nó cũng bảo không cần phải gửi, thế là tôi không gửi nữa. Bây giờ nghĩ lại, vẫn cứ áy náy với nó. Về sau nghe người ta nói, cuộc sống ở Thanh Hải vô cùng khốn khó.”

“Nhưng, rốt cuộc thì anh cũng khó làm được gì cho anh ấy.” Tôi an ủi ông.

“Sau khi “Bè lũ bốn tên” bị đánh đổ, tôi đã chạy vạy cho nó, cuối cùng cũng xong. Được cải chính rồi, có chính sách rồi, sắp được về Thượng Hải rồi, hành lý cũng đều đã chuẩn bị xong xuôi, đã đánh điện đi rồi đấy. Chúng tôi đi đón xe, nhưng không đón được, nghĩ bụng không chừng có việc gì ngăn trở rồi, nào ngờ vừa từ bến xe quay về đến nhà, thì nhận được điện báo khẩn cấp của đơn vị nó, nói là nó bị bệnh rất nguy ngập. Chúng tôi bàn nhau đi Thanh Hải, chẳng ngờ lại có điện báo gửi đến, nói là nó đã qua cơn nguy hiểm, trong ngày đã cho người hộ tống về Thượng Hải, nên chúng tôi lại không đi nữa. Về sau lại lấy làm tiếc, đáng ra nên đi một chuyến, chứ bây giờ rốt cuộc nó đã ở đâu, sống như thế nào, chúng tôi chẳng biết gì hết.”

“Anh không hỏi thăm cái người đã đưa anh ấy về ư?”

“Đưa nó về là một cậu thanh niên còn trẻ, vừa mới được phân về phòng Văn hóa chỗ nó mấy tháng, cũng không quen biết gì em tôi cả, chỉ nói nó là người rất trung hậu. Điều ấy thì chẳng cần cậu ta nói.” – Ông ta bật cười với vẻ khác thường – “Cùng đem về theo người, còn có một cuốn sổ nát, một cái vali da rách, với mấy trăm đồng bạc. Chỉ có thế thôi.”

“Anh ấy về đến nhà đã như thế rồi?”

“Đã thế đấy! Có lẽ ngây ngơ hơn một chút. Bây giờ ở nhà đã khá hơn lên tí xíu rồi.”

“Rốt cuộc là anh ấy bị bệnh gì?”

“Xuất huyết não. Vào tối trước hôm lên xe về, đại khái là vì hưng phấn quá độ mà bị như thế.”

Tôi im lặng.

Ông ấy cũng im lặng.

Im lặng hồi lâu, tôi hỏi: “Anh ấy cứ luôn luôn viết một chữ “Gạo” ấy là nghĩa làm sao?”

“Chúng tôi cũng cảm thấy rất kỳ lạ, thực sự là kỳ lạ. Cái gì nó cũng quên hết, nhưng chỉ nhớ một chữ “Gạo” vô nghĩa ấy. Bà xã tôi bảo, có nhẽ đận đói kém mất mùa khi ấy đã khiến chú ấy vô cùng khốn khó, nên đã nhớ chết vào đầu một chữ “Gạo” ấy. Thằng con tôi thì bảo, chắc đó là cô gái họ Mễ[2] nào, nó lại còn mở cả cuốn “Bách gia tính” ra để chứng minh cho tôi là đích thực có họ Mễ nữa chứ. Tôi nghĩ, cũng có khi chả phải là chữ nào cả, mà đó chỉ là những đường nét đơn giản, mà nó quen tay vẽ ra một cách máy móc vô ý thức thôi. Anh xem, đó chẳng phải là những đường nét đơn ư, chỉ có hai chữ thập cắt nhau.” Ông ấy dùng ngón áp út, chấm vào vết nước trà ở bên cạnh, vẽ ra cho tôi xem.

Tôi thấy buồn bực trong lòng, xin một điếu thuốc, chụm vào đầu điếu thuốc của ông ấy châm, rồi bật ho thành tiếng.

“Cũng có thể, đó đúng là chữ, thì ấy hẳn phải là một điều khắc cốt ghi tâm lắm. Rốt cuộc nó có nghĩa là gì, thì lại thấy không đành lòng mà truy xét tiếp nữa.” – Ông ấy cười vẻ buồn rầu.

Tôi ho hắng.

“Muốn hiểu được tất cả mọi điều, tốt nhất là tới nơi ấy một chuyến. Nhưng, xa xôi quá, huyện mà nó ở lại càng hẻo lánh, cơ hội để đi tới đó e là chẳng có nhiều.”

“Những năm tháng ấy, các bạn học cũ chúng tôi đã thiếu quan tâm đến anh ấy quá.” Tôi hối hận nói.

“Nếu nói như vậy, thì phải là tôi mới đúng. Thời gian đó, mọi người đều khó mà bảo vệ nổi chính mình. Nói ra thì, tôi với nó cũng chỉ là anh em cùng mẹ khác cha. Tôi đưa nó đến Thượng Hải, có thể lại là làm hại nó.”

Tôi dừng lại giây lát, cuối cùng cũng hỏi một câu mà tôi muốn hỏi từ lâu nhưng không dám nói ra: “Bác sĩ, có nói là, anh ấy có thể duy trì được bao lâu không?”

“Bác sĩ nói rồi. Nói là, có thể rất lâu.” Ông ấy nói xong bèn trở nên lặng lẽ, rồi dụi tắt điếu thuốc.

Tiếng chuông trong hội trường đã vang lên, không một ai trong chúng tôi cử động.          

Những cảnh ngộ mà anh ấy đã gặp phải suốt hai mươi năm qua rốt cuộc không thể biết được một tí gì, càng không biết cái chữ “Gạo” bất tử ấy là biểu thị điều gì? Chỉ biết rằng tất cả những gì bên trong anh ấy, thì chỉ có một chữ “Gạo” này là còn sống. May mà chữ “Gạo” này còn sống, nên anh ấy mới không bị chết hẳn, vẫn còn một chút hơi thở ra hít vào. Tôi bất giác nhớ đến câu nói về sự sống của bà giúp việc ấy, và cảm thấy thật thấu đáo, rốt cuộc vẫn là người già từng trải.   

Tiếng chuông lại vang lên lần thứ hai. Chúng tôi đều nghe thấy, và dường như cùng đứng lên một lúc.

“Vào xem phim đi!” – Ông ấy nói.

“Vào xem phim!” – Tôi nói.

Rồi chúng tôi cùng đi. Ánh mặt trời tựa như những giọt thủy ngân lăn tròn trên mặt lá./.


Châu Hải Đường dịch

(Đăng trên TC VNQĐ số 983, tháng 2/2022)

                                                                                                                                

 


Giới thiệu tác giả:

Vương An Ức, sinh năm 1954 tại Nam Kinh, Giang Tô, hiện sống tại Thượng Hải, nữ nhà văn đương đại Trung Quốc, hiện là Phó chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc, chủ tịch Hội nhà văn Thượng Hải, Giáo sư đại học Phúc Đán. Năm 1976 bà xuất bản tập tản văn đầu tay “Tiến lên”, năm 1987 được điều vào Ban sáng tác Hội nhà văn Thượng Hải, và theo đuổi sáng tác chuyên nghiệp. Năm 1996, Vương An Ức xuất bản tiểu thuyết “Trường Hận ca” và giành được Giải thưởng văn học Mao Thuẫn lần thứ 5. Từ năm 2005 đến nay, Vương An Ức nhiều lần giành được giải thưởng văn học như: giải thưởng văn học Lỗ Tấn lần 3 cho truyện ngắn “Phát lang tình thoại”, giải thưởng “Hồng Lâu Mộng” hạng nhất về Tiểu thuyết tiếng Hoa thế giới lần thứ 4 cho tiểu thuyết “Thiên hương”, Huân chương Hiệp sĩ về Văn học nghệ thuật của Pháp … Các tiểu thuyết của bà như “Thời đại Khải mông”, “Trường Hận ca”, “Thắm sắc hoa đào” đã được dịch và giới thiệu ở Việt Nam.



[1] Tiển Tinh Hải (1905 – 1945): đảng viên Đảng Cộng sản, nhà soạn nhạc nổi tiếng thời kỳ cận hiện đại Trung Quốc.

[2] Chữ “Gạo”, nguyên văn chữ Hán là “Mễ” (). Họ Mễ là một trong những họ của người Trung Quốc.