Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

Châu Uyển Như và chùm thơ “Ngư – Tiều – Canh – Mục”

Châu Uyển Như (1824 – 1864) tự hiệu Nhẫn Tương Nữ Sử, Ngâm Thu Sơn Quán Chủ Nhân, người huyện Tất Tiết, Quý Châu, là nhà thơ nữ nổi tiếng đời Thanh. Cha bà – Châu Phượng Cương đậu Hàn Lâm trong những năm Đạo Quang, làm quan tri phủ Miên Châu – Tứ Xuyên. Châu Uyển Như từ nhỏ thiên tư mẫn tuệ, thông minh ham học, giỏi làm thơ từ, lại có năng khiếu thư họa, thông hiểu âm luật. Theo cha ngụ cư ở Tứ Xuyên hơn mười năm, đã giao lưu với nhiều người nổi tiếng trong giới thơ văn, nhân có tài hoa xuất chúng, nên được gọi là Quý Châu tài nữ, “Tiến sĩ tóc dài”. Năm Đạo Quang thứ 22 (1842), bà được gả cho Hoàng Dục Đức người phủ Đại Gia, Quý Châu (nay là huyện Đại Phương). Hôm kết hôn, vào tân phòng, lúc ấy đã đến nửa đêm, mà mọi người vẫn vây quang chưa tan, bắt bà đi mười bước phải làm một bài thơ. Bà ứng khẩu đọc:

Thâm thâm nhất tập tạ chư quân;
Nô bản vô tài bất hội ngâm.
Ký đắc Đường nhân thi nhất cú;
Xuân tiêu nhất khắc trị thiên câm.

(Tạm dịch:

Vái dài một vái tạ chư quân;
Thơ phú nô gia chẳng giỏi giang.
Chỉ nhớ Đường thi từng có nói:
Đêm xuân một khắc đáng ngàn vàng.)

Sau khi kết hôn, vợ chồng mười phần ân ái, thường làm thơ ngâm họa. Ngoài ra bà lại thường cùng với các danh nhân, học sĩ như: nữ thi nhân đương địa là: Trần Thẩm Vân, cháu ngoại: Chương Vĩnh Khang, cháu họ:  Dương Bạt Chương … qua lại xướng vịnh với nhau. Không lâu sau, chồng bà lên tỉnh ứng thí, bà liền viết bài từ Túy Hoa Âm tiễn chồng:

Liêm quyển tây phong hàn dục thấu;
Cảm biệt sầu y cựu.
Nhất viện mộc tê hương; mộng hồn ảnh lý, chính đoạn trường thời hậu.
Thu lai nhân cộng hoàng hoa sấu;
Lãnh phách hương doanh tụ.
Mạn đạo nhân đoàn viên, tư lượng quy kỳ, ưng tại Trùng Dương hậu.” 

(Tạm dịch:

Rèm cuốn gió tây nghe giá rét;
Vẫn vậy, sầu ly biệt.
Hương quế ngát đầy sân, mộng hồn bảng lảng, chính lúc lòng tan nát.
Thu về, như cúc người gầy quắt.
Tay áo hương lạnh ngắt.
Nói phiếm chuyện đoàn viên, nghĩ đến ngày về, hẳn buổi Trùng Dương hết.)

Bài từ miêu tả nỗi nhớ chồng, được người sau ca ngợi, có thể thấy mang dấu ấn đậm nét của từ Lý Dị An. Sau chồng bà đi nhậm chức Phiên khố Sảnh thừa ở Quảng Đông, vì binh hỏa liên miên, thư từ gián đoạn, vợ chồng mỗi người một nơi, gia đạo suy vi, cuộc sống khó khăn, phải sống những năm tháng nghèo khổ bệnh tật. Tới tận năm Đồng Trị thứ ba (1864) bà mới liên lạc được với chồng mình, bèn lên đường đến Quảng Đông, chỉ một lòng mong được sớm đoàn tụ cùng nhau. Ai ngờ lại gặp khi binh loạn, bà chỉ còn cách quay trở lại Vân Dương, Tứ Xuyên, ở nhờ nhà người em rể là huyện lệnh Vân Dương – Dương mỗ. Không lâu sau có tin chồng bà đã qua đời truyền đến, trong lòng vô cùng đau buồn, bà mắc bệnh ít lâu thì mất, khi ấy mới 40 tuổi. Bà để lại các tập: “Ngâm Thu Sơn Quán thi sao” “Từ sao”. Thơ của bà thường ần gũi với đời sống, nhẹ nhàng tế nhị, sinh động truyền cảm, nhiều bài về cuộc sống gia đình đời thường. Có lẽ vì vậy mà được nhân dân yêu mến, nhớ thuộc.

Vừa qua, có người bạn của Châu Hải Đường cho xem một chiếc bình sứ trên đó có chép mấy bài thơ chữ Hán, đọc xong tìm hiểu thêm thì hóa ra đó là chùm bài thơ vịnh cảnh Ngư Tiều Canh Mục – vốn được viết trên bình phong - của Châu Uyển Như. Qua đó, có thể thấy rằng thơ ca của bà đã được đi sâu vào đời sống thường nhật của nhân dân như thế nào. Nội dung bốn bài thơ Ngư – Tiều – Canh – Mục như sau:




柳貫魚歸正午時,兒童門外笑嘻嘻.
問翁何事收竿早,懶看沙頭鷸蚌持.

脫卻烏巾去打柴,白雲滿地襯芒鞋.
老妻囑咐輕挑擔,莫踏高崗與險崖.

農事紛紛日夜忙,問渠餘有幾多糧.
阿婆笑指南山下,小麥青青大麥黃.

束髮孩童枕地眠,朦朧細雨草生煙.
醒來不見黃坡犢,尋到落花流水邊.

Phiên âm:

Liễu quán ngư quy chính ngọ thì;
Nhi đồng môn ngoại tiếu hi hi.
Vấn ông hà sự thu can tảo;
Lãn khán sa đầu duật bạng trì. ( Vịnh Ngư)

Thoát khước ô cân khứ đả sài;
Bạch vân mãn địa thấn mang hài.
Lão thê chúc phó khinh khiêu đảm;
Mạc đạp cao cương dữ hiểm nhai. (Vịnh Tiều)

Nông sự phân phân nhật dạ mang;
Vấn cừ dư hữu kỷ đa lương.
A bà tiếu chỉ Nam Sơn hạ;
Tiểu mạch thanh thanh, đại mạch hoàng. (Vịnh Canh)

Thúc phát hài đồng chẩm địa miên;
Mông lung tế vũ thảo sinh yên.
Tỉnh lai bất kiến hoàng pha độc;
Tầm đáo lạc hoa lưu thủy biên. (Vịnh Mục)

Tạm dịch thơ:

Cá xâu cành liễu giữa trưa về;
Lũ nhóc ngoài sân hớn hở ghê. 
Hỏi lão thu cần sao sớm vậy? 
Trai cò ngoài bãi chán không nghe!

Lên non hái củi, cởi khăn đầu; 
Hài sảo miên man mây trắng theo; 
Gánh nhẹ khăng khăng lời vợ dặn . 
Núi cao, vách hiểm chớ ham trèo.

Đêm ngày bận rộn việc nông tang; 
Dám hỏi dư thừa được lắm chăng? 
Mẹ cháu cười xòa, chân núi chỉ; 
Tiểu mạch xanh xanh, đại mạch vàng.

Mục đồng tóc búi, bãi bên khò; 
Mưa nhỏ lâm thâm, cỏ khói mờ. 
Tỉnh dậy nghé con đâu chẳng thấy; 
Tìm nơi hoa rụng, nước xô bờ.


14.12.2014
(Châu Hải Đường)

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Nhân chuyện “Sư Tử đá”, nói về tên một nhân vật Việt Nam trở thành danh từ chung ở Trung Quốc

Vừa qua trên các phương tiện thông tin đại chúng có đưa một số tranh luận xung quanh việc sư tử đá tạo hình kiểu Trung Quốc xuất hiện nhiều trong các kiến trúc truyền thống của Việt Nam. Đồng thời cũng xuất hiện quan điểm của một số người về những tên gọi của nhân vật lịch sử Trung Quốc hay câu chữ trong sách vở Trung Quốc có nguồn gốc từ tiếng Việt, tuy có thể nhận thấy ngay đó là sự khiên cưỡng rất ngây thơ, cụ thể như tên Việt vương Câu Tiễn thực ra theo tiếng Việt là “Cu Tí” bị người Trung Quốc phiên âm thành Câu Tiễn; hay chữ “Hảo cầu” trong câu Kinh Thi “Quân tử hảo cầu” vốn là chữ “Hiếu kều” .v.v. Trong khi có một điều ít ai biết, đó là có một tên riêng của nhân vật Việt Nam đã trở thành một danh từ chung ở Trung Quốc từ rất lâu và còn sử dụng đến ngày nay. Đó là nhân vật Lý Ông Trọng.

Về nhân vật Lý Ông Trọng, sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Phần Ngoại kỷ, quyển I có chép như sau: “Canh Thìn, năm thứ 37 [221 TCN], (Tần Thủy Hoàng Lữ Chính năm thứ 26). Nước Tần thôn tính cả 6 nước, xưng hoàng đế. Bấy giờ người Từ Liêm, Giao Chỉ ta, là Lý Ông Trọng, người cao 2 trượng 3 thước, lúc ít tuổi đến hương ấp làm lực dịch, bị trưởng quan đánh, bèn bỏ sang nước Tần làm quan đến chức Tư lệ hiệu úy. Thủy Hoàng lấy được thiên hạ, sai ông đem quân đóng giữ đất Lâm Thao, uy danh chấn động nước Hung Nô. Khi tuổi già, về làng rồi chết. Thủy Hoàng cho ông là người kỳ lạ, đúc đồng làm tượng, để ở cửa Tư Mã ở Hàm Dương, bụng tượng chứa được mấy chục người, ngầm lay thì chuyển động được, Hung Nô tưởng đó là hiệu úy còn sống, không dám đến xâm phạm (Triệu Xương nhà Đường làm đô hộ Giao Châu, đêm thường nằm chiêm bao thấy cùng Ông Trọng giảng bàn sách Xuân Thu, Tả Truyện, nhân hỏi chỗ ở cũ, rồi dựng đền thờ. Khi Cao Vương đi đánh Nam Chiếu, thần thường hiển linh giúp sức. Cao Vương cho sửa lại đền thờ, tạc gỗ làm tượng, gọi là [tượng] Lý hiệu úy. Để ở xã Thụy Hương huyện Từ Liêm)

Đình/Đền Chèm - H.N (Ảnh St)

Các tài liệu khác như “Lĩnh Nam Chích Quái”, “Việt Điện U Linh” đều có những ghi chép tương tự. Sách “Lĩnh Nam Chích Quái” của Vũ Quỳnh và Kiều Phú, cho biết thêm thông tin, Lý Ông Trọng còn có tên là Lý Thân, Tần Thủy Hoàng đúc đồng làm tượng mới đặt hiệu là Ông Trọng, và “đền Lý hiệu úy nay thuộc xã Thụy Hương, huyện Từ Liêm (xưa gọi là xã Thụy Hàm, nay gọi là xã Thụy Hương) ở bên bờ sông Cái cách kinh thành 15 dặm”.  Sách “Viện Điện U Linh” của Lý Tế Xuyên thì cho biết thêm: “Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu (đời Trần), sắc phong Anh Liệt Vương, đến năm thứ tư, gia phong hai chữ Dũng Mãnh, năm Hưng Long thứ hai mươi, gia phong Phụ Tín Đại Vương.”
Như vậy có thể thấy đền thờ Lý Ông Trọng đã có từ lâu và đến đời Trần vẫn được tiếp tục duy trì, đồng thời được gia phong tên hiệu nhiều lần. Phạm Sư Mạnh (đời Trần) cũng từng nhắc đến đền thờ Lý Ông Trọng trong bài thơ Họa Đại Minh Sứ Đề Nhĩ Hà Dịch 3 (Họa thơ sứ giả nhà Minh đề trạm dịch Nhĩ Hà – bài 3) của mình: “Văn Lang thành cổ sơn trùng điệp, Ông Trọng từ thâm vân đạm nùng” (Văn Lang thành cổ non trùng điệp; Ông Trọng đền thiêng mây nhạt nồng). Trong dân gian Lý Ông Trọng vẫn được tôn xưng là Đức Thánh Chèm, đến nay dân ba làng Thụy Phương, Hoàng Mạc, Liên Mạc hàng năm vẫn tổ chức lễ hội tưởng nhớ ông ở đình, đền Chèm từ 14 – 16 tháng Năm (Âm Lịch).
Như vậy Lý Ông Trọng – một nhân vật Việt Nam đã trở thành một danh tướng lẫy lừng thời Tần, mà uy danh còn chấn động cả Hung Nô. Câu chuyện lịch sử mang tính huyền thoại ấy có lẽ đã dừng lại ở đây. Nhưng có một điều chúng ta còn chưa biết, đó là sau khi Tần Thủy hoàng cho đúc tượng đồng lớn để ngoài cửa Tư Mã ở Hàm Dương thì cách làm ấy và tên gọi “Ông Trọng” đã dần dần được lan truyền ra khắp Trung Quốc: Người ta bắt đầu cho đúc hay tạc những pho tượng người để hai bên các kiến trúc, lăng tẩm coi như một vị thần trừ mọi tà ma, và đều gọi những pho tượng ấy là “Ông Trọng”.
Sớm nhất có thể thấy trong “Sử ký sách ẩn” của Tư Mã Trinh (tự Tử Chính, người Hà Nội nay là Thấm Dương, Hà Nam, niên hiệu Khai Nguyên – Đường Huyền Tông làm chức Triều tán đại phu, Hoằng Văn quán học sĩ, biên tập “Sử ký Sách ẩn” 13 quyển) đời Đường chú câu viết về việc Tần Thúy hoàng đúc mười hai người đồng - “Chú vi kim nhân thập nhị” - trong “Sử Ký quyển 48 – Trần Thiệp thế gia” là: “Các trọng thiên thạch, tọa cao nhị trượng, hiệu viết Ông Trọng” (Mỗi pho nặng một ngàn thạch, ngồi cao hai trượng, gọi là Ông Trọng). Như vậy có thể thấy việc đặt tượng Ông Trọng đã xuất hiện từ đời Tần.  Trong “Tam Quốc chí – Ngụy chí – Minh Đế kỷ” Bùi Tùng Chi chú cũng có câu: “Ngụy Minh đế Cảnh Sơ nguyên niên, phát đồng chú vi cự nhân nhị, hiệu viết Ông Trọng” (Năm Cảnh Sơ nguyên niên đời Ngụy Minh đế (Tào Phi), cho lấy đồng đúc hai tượng người to lớn, gọi là Ông Trọng)
Liễu Tông Nguyên đời Đường cũng từng nhắc đến Lý Ông Trọng trong bài thơ: “Hành Dương dữ Mộng Đắc phân lộ tặng biệt” (Chia tay ở Hành Dương làm tặng Mộng Đắc-Lưu Vũ Tích): “Thập niên tiều tụy đáo Tần Kinh; Thùy liệu phiên vi Lĩnh Ngoại hành. Phục Ba cố đạo phong yên tại; Ông Trọng di khư thảo thụ bình…” (Nghĩa là: Mười năm tiều tụy đến kinh đô nhà Tần; Ai biết lại bị đày đi ra đất Lĩnh Ngoại. Đường cũ Phục Ba (Mã Viện) từng đi gió sương vẫn còn; Di tích cũ của Ông Trọng cỏ cây đã kín…)
Thẩm Thuyên Kỳ đời Đường cũng nhớ đến Ông Trọng khi bị đày sang Giao Chỉ, trong bài thơ “Độ An Hải nhập Long Biên” (Vượt An Hải vào Long Biên) có câu: “Úy Đà tằng ngự quốc; Ông Trọng cửu du tuyền” (Đất nước của Úy Đà từng cai trị, Con suối nơi Ông Trọng chơi từ xưa)
Chuyện về Lý Ông Trọng tiếp tục được ghi chép với nội dung tương tự như “Viện Điện U Linh” trong các sách sử Trung Quốc khác như: “Minh nhất thống chí” hoàn thành năm Thiên Thuận thứ 5 đời Minh, hay “Quảng Dư Ký” – Quyển 9 – “Thiểm Tây –Lâm Thao phủ-Danh thần”; “Sơn Đường Tứ Khảo” – Quyển 149 – “Thần Kỳ Thần” viết khoảng niên hiệu Vạn Lịch  đời Minh, hay “Thuyết Lược” – quyển 5 – “Nhân kỷ”, “Thiên Trung Ký” – quyển 21 – “Trường nhân” … (Tuy nhiên những sách này viết muộn hơn, nên đều chép là Nguyễn Ông Trọng, có lẽ đã tham khảo các sách của Việt Nam viết sau đời Trần, nên đã sửa họ Lý thành Nguyễn. Nhà viết kịch nổi tiếng đời Minh – Thang Hiển Tổ, trong bài thơ “Hạ Châu loạn” (Loạn lạc ở Hạ Châu) cũng nhắc lại chuyện Ông Trọng và cho Ông Trọng họ Nguyễn: “Bất tín Tần nhân Nguyễn Ông Trọng; Chú kim chung đắc trấn Lâm Thao” (Chẳng tin Nguyễn Ông Trọng đời Tần, Đem vàng đúc có thể trấn giữ được đất Lâm Thao)
(Tượng Lý Ông Trọng và phu nhân ở Đình Chèm - Ảnh St)

Như vậy rõ ràng sự tích về Lý Ông Trọng ở Việt Nam, sau đời Minh phổ biến được biết đến là Nguyễn Ông Trọng đã tồn tại từ rất lâu, và lưu truyền qua các thời đại ở Trung Quốc.
Cùng với đó sau khi Tần Thủy Hoàng đúc tượng đồng gọi là Ông Trọng, qua đời Tam Quốc dần dần tên Ông Trọng đã được dùng để chỉ chung những pho tượng người cao lớn đặt trước cung điện. Rồi lại diễn tiến ra người ta dùng từ “Ông Trọng” gọi cả những tượng người được đặt trước lăng mộ. Rõ ràng nhất có thể thấy trong “Lịch viên Tùng thoại” phần “Lăng mộ” mục “Vũ Túc vương mộ” của Tiền Vịnh đời Thanh viết, có câu: “Hoa biểu nhất đôi, thạch mã, thạch dương, thạch hổ câu toàn, thạch ông trọng lưỡng đôi, thạch tướng quân nhất đôi” (Cột hoa biểu một đôi, ngựa đá, dê đá, hổ đá đều đủ, ông trọng đá hai đôi, tướng quân đá một đôi). Sớm hơn trước đó, trong thơ ca từ đời Tống, ta đã có thể thấy từ “ông trọng” với nghĩa là tượng đá trước mộ được nói đến rất nhiều.
Lưu Khắc Trang (Tống) trong bài thơ “Đề Hải Lăng Từ Thần Ông mộ” (Đề mộ Từ Thần Ông ở Hải Lăng) có câu: “Thu phần ông trọng tương thù đáp” (trước nấm mồ thu, chỉ có tượng ông trọng thù đáp với mình)
Hay Cát Thiên Dân (Tống), trong bài thơ “Sơn trung đề cổ mộ” (Đề ngôi mộ cổ trong núi) cũng có câu: “Hoại đạo thượng tồn ông trọng thủ; Truyền gia tri thị tử tôn thùy?” (Con đường cũ hỏng vẫn còn tượng ông trọng đứng giữ; Truyền lại biết con cháu là ai?)
Nhà thơ nổi tiếng nước Kim là Nguyên Hiếu Vấn, sống vào thời gian giặc Nguyên Mông bắt đầu tấn công nước Kim, đuối nhà Tống xuống phía Nam cũng từng nhắc đến tượng ông trọng trước mộ: “Ông trọng di khư thảo cức thu” (Bên gò hoang tượng ông trọng lẫn với cỏ gai mùa thu) trong bài thơ “Trấn Châu dữ Văn Cử, Bách Nhất ẩm” (Cùng uống rượu với Văn Cử, Bách Nhất ở Trấn Châu)
Đời Minh tên gọi “ông trọng” dùng cho tượng đá trước mộ vẫn tiếp tục được sử dụng, Lý Diên Hưng trong bài thơ “Vãn Trương Cập Dân lão tiên sinh” (Viếng Trương Cập Dân lão tiên sinh) có câu: “Mộ môn ông trọng khiếu thu phong” (Cửa mộ ông trọng kêu gió thu). Hay Vương Trĩ Đăng trong bài “Khốc Viên tướng công nhị thủ” (Khóc Viên tướng công hai bài) cũng viết: “Mộ tiền ông trọng thạch vi nhân” (Trước mộ ông trọng khắc đá thành người)
Như vậy có thể nói liên tục qua nhiều thời kỳ, câu chuyện về Lý Ông Trọng vẫn được lưu truyền ở Trung Quốc, và dần dần tên “Ông Trọng” được dùng làm một danh từ riêng để chỉ các tượng người được đúc bằng kim loại hay làm bằng đá, ngọc, đặc biệt với nghĩa là tượng người đặt trước lăng mộ. Danh từ chung ấy đến nay vẫn được sử dụng, có mặt trong các từ điển, và vẫn được giải thích bằng câu chuyện về Lý (Nguyễn) Ông Trọng người Việt Nam.
Tóm lại, trong quá trình giao lưu văn hóa, giữa các quốc gia lân cận đều có những giao thoa qua lại với nhau. Đặc biệt là hai nước có quan hệ mật thiết lâu đời như Việt Nam và Trung Quốc, giữa ngôn ngữ, truyền thuyết, phong tục, tập quán có những nét tương đồng, học tập lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, khó có thể phân định rạch ròi, và không thể bởi một hay vài hiện tượng nhỏ lẻ mà e ngại có thể thay đổi được cả một lịch sử và tinh thần của dân tộc.

Châu Hải Đường

Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

宴山亭 - 北行見杏花 (徽宗皇帝) - YẾN SƠN ĐÌNH - Bắc hành kiến hạnh hoa (Tống Huy Tông)

裁剪冰綃,輕疊數重,淡著燕脂勻注。
新樣靚粧,艷溢香融,羞殺蕊珠宮女。
易得凋零,更多少、無情風雨。
愁苦,
問淒涼院落,幾番春暮?

憑寄離恨重重,這雙燕何曾,會人言語?
天遙地遠,萬水千山,知他故宮何處?
怎不思量?除夢裏有時曾去。
無據,
和夢也新來不做!


Yến Sơn Đình  - Bắc hành kiến hạnh hoa

Tài tiễn băng tiêu, khinh điệp sổ trùng, đạm trước yên chi quân chú.
Tân dạng tịnh trang, diễm dật hương dung, tu sát Nhị Châu cung nữ.
Dị đắc điêu linh, cánh đa thiểu vô tình phong vũ.
Sầu khổ.
Vấn viện lạc thê lương, kỷ phiên xuân mộ.
Bằng ký ly hận trùng trùng, giả song yến hà tằng hội nhân ngôn ngữ.
Thiên dao địa viễn, vạn thủy thiên sơn, tri tha cố cung hà xứ?
Chẩm bất tư lường? Trừ mộng lý hữu thời tằng khứ!
Vô cứ.
Hòa mộng dã tân lai bất tố.

Dịch từ:

Tỉa cắt lụa mềm, nhẹ xếp mấy tầng, son phấn nhạt thoa cánh đỏ.
Trang điểm thanh tân, sắc ngợp hương nồng, thẹn cả Nhị Châu cung nữ.
Dễ lắm điêu tàn, nào kể mấy vô tình mưa gió.
Sầu khổ.
Hỏi sân ngõ thê lương, mấy phen xuân úa?
Gửi nhờ biệt hận trùng trùng, đôi cái én nào đâu hiểu lời ta ngỏ.
Trời xa đất cách, muôn núi ngàn sông, nào biết cố cung đâu chứ?
Há chẳng đau buồn, chỉ trong mộng đôi khi về đó.
Không cứ.
Giờ mộng mị cũng không thấy nữa.

(Châu Hải Đường)

Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Mạch Vọng

 - Tặng các bạn Sách Xưa. net nhân ngày nghỉ lễ.

Khoảng cuối niên hiệu Kiến Trung (Đường), có người học trò là Hà Phúng từng mua được một cuốn sách cổ giấy vàng. Mang ra đọc, thấy trong cuống sách có một vòng tóc, dài bốn tấc, tựa như cái vòng, nhưng không biết đầu nối ở chỗ nào. Hà liền đem cắt đứt ra, hai đầu chố bị cắt, thấy có nước nhỏ ra đến hơn một thăng, đem đốt thấy mùi khét như tóc cháy.
Phúng đem chuyện hỏi một đạo sĩ, đạo sĩ bỗng than thở bảo: “Anh vốn chỉ là kẻ tục cốt, gặp duyên may như vậy mà không thể thành tiên, cũng là mệnh vậy! Cứ như sách “Tiên Kinh” nói thì, con cá bạc, ăn hết chữ “Thần tiên” ba lần, thì hóa ra vật như thế, gọi tên là “Mạch Vọng”. Ban đêm, cầm nó chiếu lên trời mà nhìn sao, thì tiên sứ trên trời lập tức sẽ giáng xuống, có thể xin được  tiên đan. Khi đó cắt nó ra lấy nước, hòa đan ra mà uống, sẽ tức khắc hoán cốt thành tiên.”

Phúng quay về, lấy cuốn sách cổ ấy ra xem, có mấy chỗ bị con cá bạc ăn thủng, tìm theo nghĩa câu văn mà đọc thì đều đúng là chữ “Thần tiên” thực! Phúng chỉ còn biết phục lăn ra mà khóc.


(Trích Dậu Dương Tạp Trở)

Chú:
1. Kiến Trung: niên hiệu Đường Đức Tông, từ 780 - 783.
2. Cá bạc: Nguyên văn "Đố ngư", loại côn trùng nhỏ chuyên ăn giấy, vải, thường sống trong các giá sách.

Trúc Lâm tiểu hòa thượng tam sinh ký

(Chí Thiện huynh nhã chính!)

Khoảng niên hiệu Hưng Long đời Trần, có nhà họ Giả ở phủ Ninh Vân, cả hai vợ chồng đều đã lớn tuổi mà chưa có con. Hai ông bà phát tâm tạc tượng Quan Âm tống tử cung tiến lên chùa trên Thúy Sơn, lại nhất tâm ăn chay cầu xin ban cho một mụn con. Một hôm bà nằm mơ thấy đức Quan âm Đại sĩ đến trao cho một đứa con trai, lại dặn về sau hãy cho nên chùa hầu hạ tam bảo thì hậu vận mới tốt. Quả nhiên Giả phu nhân sau đó có mang, kịp đủ chín tháng mười ngày sinh được một trai, đặt tên là Xích Văn. Xích Văn lớn lên dung mạo uy nghi phúc hậu, tính tình hào sảng, nhưng rất nghịch ngợm, nhiều khi khiến ông bà Giả phát phiền. Nhớ lại câu Quan âm nói trong giấc mộng năm xưa, tuy chỉ có một trai, nhưng lo cho con, bà cũng bảo ông hay là cho Xích Văn lên chùa hầu hạ tam bảo một thời gian.
Bấy giờ ở xứ Đông nổi lên ba vị tổ thiền phái Trúc Lâm, nối nhau trụ trì trên núi Yên Tử, danh vọng vang khắp cửu châu, ra tận hải ngoại. Đến lúc ông bà Giả tính cho Xích Văn lên chùa thì đã là đời vị tổ thứ ba là Huyền Quang.
Nghe tiếng tam tổ đã lâu, thấy cha mẹ nói cho lên chùa học tập, Xích Văn bèn xin được lên Yên Tử tầm sư. Vào được sơn môn rồi, Xích Văn được giao cho việc hàng ngày quét dọn tự viện và kê cấp bậc đá lên xuống từ chùa trên đỉnh mây xuống mãi chân núi.
Một bận tam tổ đi vân du về, thấy lối lên xuống bụi bám lá rụng, gọi Xích Văn bảo sao không quét dọn, Xích Văn thưa một câu: “Thạch kính hữu trần phong tự tảo” (Lối đá có bụi, gió tự quét). Huyền Quang  thấy câu ấy có ý thú, gật gù khen, rồi bảo: “Ngươi biện bạch thật hay. Vậy ta giao cho ngươi viết nốt câu thơ đối lại cho thành một cặp. Nếu đối được thì ta tha tội trễ nải cho, bằng không thì phải đòn.”
Xích Văn lĩnh ý, hẹn tối sẽ trình câu đối lên.
Quá giờ Tuất, sư vẫn chưa thấy Xích Văn đến, cho người ra ngoài gọi vào, thì thấy Xích Văn đang nằm ngủ, mà cổng chùa cũng không đóng. Người ấy quay về bẩm lại với sư, sư thân hành xuống xem thực hư ra sao, thấy đúng như vậy, liền gọi Xích Văn dậy hỏi. Văn đáp: “Bạch thầy! Đó là câu đối của con làm như lời thày bảo đó ạ!” Sư hỏi: “Đối thế nào?” Văn đáp: “Thiền môn vô tỏa nguyệt thường lâm.” (Cửa thiền không đóng, trăng thường vào)
Sư giật mình khen ngợi, nghĩ thầm: Xưa kia, Lục tổ cũng là kẻ nấu bếp không biết chữ. Nay ta gặp đứa quét dọn này, thực cũng gần như vậy. Nhưng xem ra trong văn khí chốn thiền quan, mà không dứt được phong nguyệt, khó mà tu thành. Vậy hãy cho lên hầu cận nơi ta, để ta dạy bảo thêm.
Từ ấy Xích Văn được thầy Huyền Quang cho lên ở gần bên mà dạy bảo cho chữ nghĩa phật pháp. Vốn là người thong minh, nên Văn học hành tấn tới, chữ viết rất đẹp, lại giỏi thư pháp, chữ ai cũng bắt chước được y như chính người đó viết ra.
Bấy giờ, có kẻ xiểm nịnh, đưa lời gièm pha lên đức Anh Tông, nói xấu tam tổ. Anh Tông liền bảo cung nhân là Điểm Bích lên Yên Tử thử lòng Tam Tổ. Tuy nhiên, Điểm Bích lên chùa đã gần nửa năm vẫn không thể thử được lòng sư, lo buồn lắm. Một bận, Xích Văn nhân rảnh rỗi đi vòng quanh dạo chơi, chợt thấy người con gái vô cùng xinh đẹp đang ngồi khóc bên bụi trúc cạnh sườn non, Văn chợt động lòng, tiến lại hỏi han, nàng kể lại sự tình, đoạn ôm chầm lấy Văn xin được giúp cho, nếu không e khó tránh khỏi tội chết. Xích Văn lần đầu tiếp xúc với nữ nhân, chợt tâm thần rạo rực, bao nhiêu lời kinh sách bay đi đâu hết, cũng ôm lấy Điểm Bích mà nói: “Chuyện ấy không khó gì, để ta giúp cho. Nàng định thử sư thế nào cứ chiều ta thế ấy, tất được như ý …”
Điểm Bích không còn bấu víu vào đâu đành phó thác vào một tay Văn. Nhưng một mực không cho Văn động đến, bảo cứ giúp xong rồi tất đền ơn. Văn bèn ngẫm nghĩ, rồi theo tình ý của mình mà làm một bài thơ nôm, lại bắt chước chữ của sư mà viết rằng:

Vằng vặc trăng mai ánh nước;
Hiu hiu gió trúc ngâm sênh.
Người hòa tươi tốt cảnh hòa lạ;
Mâu Thích Ca nào thuở hữu tình.

Điểm Bích được thơ, được chữ, bèn mang ngay về dâng lên Anh Tông. Lập tức triều đình cho sứ giả đến mời Huyền Quang về kinh. Xích Văn thấy thầy bị bắt đi, ân hận thời đã muộn, chạy theo ra mãi xa, rồi sau không làm sao được đâm đầu xuống vách núi tự vẫn …
Bỗng Văn thấy ngã lộn dưới gốc tùng già, rồi bỗng đâu xuất hiện liền hai tên quỷ đầu trâu mặt ngựa, cùng lôi đi. Đến một tòa thành, thấy biển đề hai chữ “Phong Đô” mới biết là mình đã xuống âm ti rồi. Quỷ lại dẫn Văn vào một tòa điện, nhìn lên thấy một vị vương mặt đen dữ tợn, hai bên có các phán quan đứng hầu.
Vương đập bàn hặc tội, cho lôi đi trừng trị. Sau mấy vòng tra khảo, quỷ sứ lôi Văn rã rượi xác xơ về trước điện, một vị phán quan đứng bên liền tâu: “Tên Giả Xích Văn này vì lòng tà dâm đã phạm giới luật, lại làm hại đến thầy mà không biết. Nhưng xét ra cũng chưa được Điểm Bích kia cho biết nỗi xuân tình. Xin đại vương hãy cho y lên làm kiếp rận để thỏa lòng nhìn ngắm.”
Vương gật đầu. Bọn quỷ sứ lôi ngay Văn ấn vào một cái túi đen kịt. Chớp mắt lại thấy sáng lòa, nhìn quanh thấy toàn những rận mà con nào con nấy to như mình. Nhìn rộng hơn nữa, thấy toàn những cây gì nhẵn trơn đen bóng, lớn bằng cổ chân. Mới biết mình đã thành kiếp rận mà đang ở trên đầu một vị lão nhân nào rồi.
Hóa ra đó là một viên quan án sát. Lão quan tuổi đã sáu ba nhưng còn tráng kiện. Xích Văn giờ đây là rận, chợt giận viên phán quan ăn nói hai lời, bảo cho mình được ngắm nhìn mỹ nữ, mà rốt cuộc lại tống lên đầu một lão già thế này thì có ức chết được không? Văn cũng tỉnh táo, sợ rằng cắn lão già nhiều thì tất phải chết sớm, nên thường tối đến mới cắn, còn thường biết nằm im, hoặc có đi lại cũng nhẹ nhàng. Chính vì vậy nên có bận chu du lên tận chòm râu của lão mà lão không biết.
Một hôm đang núp trong chòm râu quan ngài thì chợt có mấy kẻ đồng liêu kéo đến chuyện trò hệ toàn những chuyện nào tên lái buôn Dương Mãnh ở ngoài bờ bể, lại đến chuyện quan thị lang Phạm Bảo Ngự ở trong triều đường. Rận nghe không hứng thú gì. Bỗng lại nghe mấy quan rủ nhau ra chơi phố Bình Khang, không biết có gì hay mà mấy quan ngài hào hứng lắm, thành thử rận cũng tò mò nằm im nhìn xem.
Đến nơi, mới biết đó là chốn thanh lâu kỹ viện, từ xa đã nghe mùi phấn sáp thơm tho, tiếng nói cười rổn rảng. Rận thầm lấy làm mừng, bỗng một mỹ nhân chạy đến bá vai án sát đại nhân kéo vào phòng kín. Rận càng luống cuống cuối cùng rơi tuột khỏi chòm râu quan lớn, rớt thẳng xuống một quả đồi tròn trịa nhẵn trơn như bôi sáp mà mềm hơn nhung.
Rận đành lần mò xuống dưới. Hóa ra vị phán quan đã không lừa mình. Đây chẳng phải cơ hội cho mình thooar sức mà ngắm mỹ nhân ư? Trong bóng tối nhờ nhờ, nó len lỏi giữa bờ khe hẹp của hai quả đồi, đi mải miết. Đi mãi, tới một bình nguyên rộng. Nơi đây đã khá yên tĩnh, nhưng cả một khoảng mênh mông trống trải, không bụi cây ngọn cỏ. Chỉ độc một bờ giếng cạn nằm chơ vơ.

Rận tiếp tục lê bước, nó không dám mạo hiểm nơi miền đất lạ. Cuối khoảng mênh mông, ngay khi vừa vượt qua một sườn dốc nhỏ, một ốc đảo um tùm đột ngột hiện ra. Dọc hai bên khe lạch nhỏ xâp xấp một thứ nước ánh lên trong ánh sáng mờ ảo, um tùm một loài cỏ lạ, được xén tỉa kỹ càng. Một nơi trú ẩn tuyệt vời như nó từng có. Quá mệt, Rận chỉ kịp vạt đám cỏ êm mượt như nhung ra lấy chỗ nằm rồi thiếp đi trong nồng nàn hương cỏ…

Bỗng ánh sáng chói choang lên làm nó thức giấc. Vươn vai, Rận định bụng mò ra bờ lạch vục nước đánh răng rồi tắm nhẹ một chút. Nhưng nó đứng chết trân. Nó dụi mắt, lần 1, lần 2, rồi lần 3 nữa … Nó còn cấu vào đùi mình xem nó tỉnh hay mê. Điều kỳ lạ bậc nhất từ khi cha sinh mẹ đẻ tới giờ nó chưa bao giờ từng gặp, đang hiển hiện rõ mồn một, như không thể rõ ràng hơn: nó lại thấy mình vẫn ở nơi xưa chốn cũ, nơi đám râu ria rậm rạp của lão đại nhân đáng kính! Hận quá, nó nhảy luôn xuống lạch nước tự vẫn.

Chớp mắt, rận lại thấy mình là Xích Văn đã đang quỳ mọp trước công đường ở Phong Đô. Xích Văn oán hận bẩm trình lên vị vương giả và các phán quan, rằng tuy đúng như lời phán quan nói, nhưng kiếp rận thì thực không thể thấy gì.

Vị vương giả quay sang phán quan lần trước cười ha hả bảo:  “Ngài thực là làm khó nó quá! Tô Tử Chiêm ở nước Tống có câu thơ rất hay rằng: “Bất thức Lư sơn chân diện mục, Chỉ duyên thân tại thử sơn trung”. Ngài cho nó làm rận mà đi ngắm mỹ nhân, thì khác nào đứng trong hang mà ngắm núi Lư Sơn chứ? Thôi đã có nhã ý như vậy, thì cho hắn lại làm kiếp người vậy.”
Vị phán quan lại bảo: “Xin tuân mệnh đại vương, có điều, chẳng phải chỉ để hắn biết “Lư sơn chân diện mục” thôi đâu, cái nợ phong nguyệt, cái duyên thiền môn hắn vẫn còn phải đeo đẳng đấy ạ!”
Vị vương giả gật đầu, tức thì quỷ xứ lại lôi Văn quăng vào cái túi đen như lần trước.

Lần này Xích Văn đã được giáng sinh làm người, làm con nhà họ Phi ở trấn Sơn Nam, lấy tên là Chí Thiện. Vì có căn duyên xây bậc chùa khi xưa, nên từ nhỏ đã thích việc xây đắp, lớn lên thạo nghề thổ mộc, có thể giám sát chỉ đạo hàng trăm người cùng lúc. Vẫn nhớ niềm mong mỏi thổ lộ với Phán quan nên lần này, mới quá tuổi thành niên, Phi đã lập tức đòi cha mẹ hỏi cho cô nương nhà họ Vi ở Bố Hải Khẩu, nhanh chóng có liền hai con, một trai một gái.

Nhưng vì túc duyên phong nguyệt cùng nợ thiền môn nên Phi không ở yên được ở quê nhà, dù vợ một mực cản ngăn vẫn nhất quyết lên kinh dựng thêm một cơ nghiệp ở bên sông Tô Lịch. Phủ đệ của Phi ở đó rộng rãi to lớn, đi xe từ ngoài cổng vào phải qua mấy lớp cửa, cầu thang ngoắt nghéo mấy lớp mới đi hết các tầng. Trong dinh lại đặt riêng một chỗ gọi là Lê Hương Viện để cho các ca nương cầm khách luyện rèn ca múa.
Một bận nhàn hạ, dạo chơi ngắm cảnh Tây Hồ, Phi vô tình sải bước qua cửa chùa Linh Sơn, hốt nhiên rùng mình như nhận ra điều gì, dấn bước đi vào, thấy mấy tên đồ gàn đang nghịch mực, Phi cũng len vào nghịch chơi, bỗng nhiên chữ nghĩa thơ phú ở đâu như dồn vào trong đầu, không cần học mà thông thạo chữ nghĩa. Từ ấy lại tự động cạo hết tóc trên đầu không khác gì một vị thầy tăng.
Tính ưa phong thú, lại sẵn chữ trong bụng, nên Phi cũng thường hay đề vịnh, mà thường là trêu chọc bỡn cợt không kiêng ai. Khi xây lại cổng phủ, Phi tự đề đôi câu đối rằng:

Kim cổ đồng chinh, triêu mộ càn khôn khai hạp;
Ngọc tiêu dao sắt, thần hôn vân vũ hòa ca.
(Trống vàng, chiêng đồng, sớm tối càn khôn đóng mở;
Đàn dao, sáo ngọc, chiều hôm mây mưa hòa ca)

Kim cổ đồng chinh ý nói mặt trăng mặt trời, mà cũng là nói cảnh viện Lê Hương đàn sáo trống chiêng vui vẻ cả ngày, song cái ý nghịch ngợm đọc qua đã thấy rõ vậy.
Hay khi xuân về, tân khách đến chúc tụng, bạn chữ nghĩa thơ văn cũng có, bạn thổ mộc tượng ngõa cũng nhiều, Phi lại đề đôi câu đối rằng:

Thư sử lâu đài trường kiến trúc;
 Văn chương để trụ cửu bồi đôn.
(Thư sử lâu đài xây dựng mãi;
Văn chương nền móng đắp bồi lâu)
Khiến ai đến xem được cũng đều thấy lý thú.

Lại có bận, có vị nhạc sư đến thăm viện Lê Hương, biết tiếng thư pháp của Phi liền xin được tặng cho hai chữ. Phi liền viết luôn hai chữ “Lạc Đạo” (Vui với đạo) Chữ Hán Lạc với Nhạc đồng một chữ, đạo (lý) với đạo (chích) đồng âm. Vị nhạc sư đi rồi, Phi mới quay sang tả hữu nói: Ấy “Lạc Đạo”, cũng như là “NHạc Đạo” vậy! Khiến ai nấy đều bật cười. Ấy phàm những chuyện phong thú của Phi là như thế …

Khoảng niên hiệu Phú Trọng, chính sự nhũng nhiễu, lòng dân rối loạn, không biết quy về đâu, thành thử trò tà ma đồng cốt nổi lên, con người chỉ biết gửi niềm tin vào đấng tối cao, thánh thần ma quỷ. Tự viện đình đền miếu mạo mọc lên khắp nơi. Triều đình cũng dựng lên không biết bao nhiêu là tự viện quy mô cực kỳ to lớn. Các trấn Sơn Nam, Yên Quảng, Tam Đới đều có các đại thiền viện. Phi vì có tài thổ mộc, nên được triều đình trưng vời ra đốc sát việc dựng đại bảo tháp ở Thiền viện Trúc Lâm ở Tam Đới.

Thiền viện dựng trên đỉnh non, rộng hàng ngàn mẫu, kiêm mấy quả núi, trên đó tụ tập hàng trăm tăng ni đến tu hành. Phi đốc công dựng tháp cũng phải ở trên tự viện ăn chay, nằm mộng, sớm trống chiều chuông, nghe kinh thính pháp, âu cũng là túc trái tiền duyên từ kiếp trước vậy. Ban đầu Phi còn giữ ý cẩn thận, sau ở lâu dần quen tính hay trêu bỡn mọi người, giờ ở trên núi cao, chỉ có sư sãi, nhưng cũng không từ.

Có bận xuống núi về kinh, dong chơi qua tận bờ bắc Đức Giang, đến lúc lên thiền viện, trò chuyện với các vị tăng trẻ, có người hỏi: “Bác về kinh có chuyện gì hay, xin kể cho nghe?” Phi ngẫm nghĩ rồi bảo: “Nhân đi đường làm được bài thơ đọc cho các ngài nghe. Thơ rằng:

Yên viên cô tịch cô liêu các;
Thiếu nữ đơn sầu mộng cố nhân.
Môn ngoại hốt văn như hữu khách;
Khai cầu chỉ kiến vũ liên xuân.

Các sư tăng vốn không biết bên bờ bắc Đức Giang có chỗ gọi là Yên Viên, vốn lắm kỹ nữ, nên đều trầm ngâm khen ngợi. Riêng Phi lấy làm thú, cứ cười ngặt nghẽo mãi.

Trên thiền môn ăn chay lâu ngày, Phi không chịu được. Nên thỉnh thoảng lại trốn xuống dưới núi đi chơi bời ăn uống. Xứ Tam Đới nổi tiếng lắm trâu, nên Phi thường cứ xuống núi là tìm đến nơi có quán thịt trâu mà ăn. Có bận ăn thịt uống rượu ngà say, đến lúc trăng tà, Phi mới ngất ngưởng cầm theo bầu rượu trèo lên núi mà về. Dưới ánh trăng thấp thoáng, Phi chợt thấy như có vị sư đi lướt qua nói: “Chốn cửa phật từ bi, ông chớ có làm ô uế mới được!” Phi ngẩng lên nhìn thì lại chẳng thấy ai cả, cho là say quá tai ù, liền về nhà đi ngủ.

Được ít hôm, thèm thịt, Phi lại nhân đêm hôm, mò xuống núi. Lần này mới đến lưng núi, bỗng thấy một quán hàng hình như mới mở ra, dựng dưới gốc cây thị lớn. Trong quán, đèn đuốc ấm áp, rượu thịt ngon lành, Phi liền vào ăn uống say sưa, đến khuya mới về. Về đến phòng rồi, Phi mới hay là quên mất chìa khóa, ngẫm nghĩ lại, hình như để trên đầu bàn ăn. Đành bấm bụng quay lại quán để tìm. Leo hết nửa dốc, mới trông thấy quán hàng thấp thoáng bên gốc cây thị cổ, Phi đã hơi mừng, cố đi nốt quãng đường. Cách một đoạn, chợt nghe thấy có tiếng gà rừng gáy sớm. Phi ngoái cổ sang bên tiếng gáy nhìn, đến lúc quay lại, thì đã không thấy quán hàng đâu nữa. Bên gốc cây thị cổ chỉ còn mấy tảng đá hộc. Phi đi đến nơi, thì chìa khóa của mình đúng là trên một tảng đá. Chợt Phi thấy bụng đau quằn quại, nôn nao khắp người, vội chạy ra bên mé rừng móc họng nôn mửa. Chỉ thấy từ trong họng nôn ra, không phải thịt trâu mà toàn sâu bọ, giun dế! Phi hãi quá biết là bị ma trêu, vội chạy thẳng lên núi, trốn vào phòng mình.

Từ ấy Phi không dám xuống núi nữa, chỉ quanh quẩn ở trên Thiền viện. Một hôm, đi vòng ra phía quả đồi sau núi chơi, Phi chợt thấy mấy mảnh vườn rau, đồi chè do sư ni trên Thiền viện tự trồng lấy cái ăn. Thơ thẩn dạo quanh, chợt trông thấy xa xa một ni cô đang hái chè, Phi lượn lại gần bắt chuyện, thấy ni cô mặt hoa da phấn, trong bộ quần áo nâu xồng giản dị càng lộ vẻ thanh tân kiều diễm. Bàn tay nhỏ mềm, dài như măng ngọc, khiến búp chè hái trong tay cũng như ánh sáng hẳn lên. Hỏi ra mới biết vốn là con nhà khuê các, chỉ vì hận tình đời đen bạc duyên phận hẩm hiu, nên mới đến Thiền viện chưa lâu. Phi thầm nghĩ, người trông thế ấy, tình bởi thế kia, chắc gì đã dứt được duyên phàm mà yên thân cửa Phật? Nghĩ xong chợt nổi ý muốn được gần gũi, nhưng chưa kịp nói thêm thì ni cô đã từ biệt đi khuất.


Phi về ngẫm nghĩ, tính kế lại được gặp ni cô. Dò hỏi mới biết thường sáng sớm ni cô ấy đã phải ra sau đồi hái lá chè để dùng cả ngày trong viện. Vì vậy bèn định sẵn một kế trong đầu.

Sáng hôm sau nữa, Phi thức dậy từ gà gáy, ra sau suối tắm, rồi ngồi gần đồi chè rình xem. Ít lâu quả thấy ni cô đeo gùi đi lên, Phi bèn mặc quần áo ướt, chạy lên trước lối vào vườn chè nằm vật xuống. Ni cô đi tới, thấy có người bất tỉnh, quần áo ướt cả, cho là đã nằm đó từ đêm, lại nhận ra là người hôm trước bèn xốc dậy đỡ vào lều canh phía trên. Đoạn đặt Phi nằm xuống mà ủ cỏ khô, rồi lại cởi quần áo của Phi ra rồi lấy một lần áo của mình thay cho. Đang mặc cho Phi thì Phi chợt bừng dậy, giả vờ bảo: “Thôi chết, sao cô lại cởi quần áo của tôi ra như thế? Kẻ tu hành mà lại một mình cởi quần áo dị phái, không sợ ư?” Chỉ thấy ni cô mỉm cười nói: “Phật dạy, cứu một người phúc đẳng hà sa, há tôi lại giữ đạo hạnh không đâu, mà để ngài nằm chết ở đấy ư? Vả chăng, chấp sắc thì có sắc, chấp tướng thì có tướng, không chấp vào sắc tướng, thì sắc tướng còn có thấy nữa không? Xưa quỷ vương đưa người con gái ra trước mặt đức Phật, mà Phật chỉ thấy như cái túi da đựng máu huyết. Nhà nho các ngài lại cũng hay nói chuyện ông Liễu Hạ Huệ ôm nữ nhân cả đêm, mà không sợ bẩn thanh danh. Ngài không nghe chuyện ấy ư?”

Phi nghĩ thầm, dưới vỏ văn tự bóng bẩy ấy, lòng vả hẳn như lòng sung thôi. Bèn cầm lấy tay ni cô mà ôm lấy, nhưng ni cô chỉ bảo nằm im sưởi ấm, khỏe rồi hãy về phòng.

Nghĩ trêu gợi trần tâm ni cô như vậy không được, mấy hôm sau nữa, Phi lại cuộn một bức tranh xuân cung, rồi cũng lựa khi ni cô ra đồi chè, tiến đến trò chuyện. Xong từ biệt rồi, đưa cuộn tranh nói: “Có bức tranh đẹp, tặng ni cô xem chơi.” Ni cô giở ngay ra xem. Phi đứng phía trước, đợi xem sắc diện ý tứ thế nào, chỉ thấy ni cô nói: “Tranh này đẹp lắm, truyện Tô Tử Chiêm có bảy người thiếp, mà Phật Ấn đến chơi bước qua bảy lò lửa, tưởng chỉ có trong sách, hóa lại có người vẽ nên tranh.” Rồi vẫy Phi lại xem, Phi khấp khởi đến gần thì thấy tranh ấy lại là tranh vẽ Phật Ấn đang bước trên mấy lò lửa! Phi lấy làm ngạc nhiên, giận kẻ nào đã đánh tráo tranh của mình.

Một bận, có vị Lạt-ma từ phương tây đến đàm đạo giao hữu ở ngôi chùa lân cận, Thiền sư viện chủ dẫn chư tăng ni đi bái phỏng, số tăng ni ở lại cũng ít. Biết ni cô mới đến, không được đi lần này, Phi mừng lắm. Đến tối, bèn lẻn đến dưới cửa sổ gõ cửa, nói là đêm trăng sáng muốn mời ni cô ra ngoài đàm đạo. Ni cô nói: “Nếu ngài đoán được tục danh của ta thì ta sẽ ra.” Đoạn đưa giấy và bút ra cửa. Phi liền viết ba chữ: “Thạch Bất Tùy” (Họ Thạch, chẳng theo ư?) Ni cô cười bảo: “Ngài cũng tài thật, ta đúng họ Thạch. Vậy hãy lên chòi canh trên đồi đợi ta.”

Phi lên đồi trước, lát sau thấy ni cô đến. Ánh trăng trung tuần sáng tựa ban ngày. Nhìn vẻ đẹp ni cô dưới ánh trăng mờ càng thêm hư ảo, như hư như thực, tựa Hằng Nga mới giáng trần, như Lạc Thần trên sóng nước. Phi chẳng chần chừ gì, lôi luôn vào lòng mà ôm ấp, ni cô chẳng nói chẳng rằng chỉ để mặc cho Phi thỏa chí. Vuy vầy suốt đêm, đến tận lúc Phi thiếp đi lúc nào không hay.

Sáng hôm sau, có bọn trẻ lên sau đồi chùa lấy củi, chợt trông thấy một người không quần không áo, đang nằm ôm lấy tảng đá mà ngủ. Nhìn lại thì hóa là Phi. Bèn lay mãi, Phi mới dậy. Chúng hỏi: Sao một mình ông lại ôm phiến đá nằm đây thế này? Phi ngơ ngác không biết nói sao, vơ quần áo mặc lại về phòng, trong lòng nghi hoặc, không biết chuyện hôm qua là thế nào? Lúc sờ đến túi áo, chợt thấy có một tờ giấy viết rằng: “Ta đã mấy lần khuyến cáo, mà ông lòng dục ý tà vẫn không dứt bỏ được? Có còn nhớ Điểm Bích xưa chăng? Ta nay đã sửa tâm mấy kiếp theo về chính pháp rồi, sao ông vẫn ngàn năm không dứt tính cũ vậy? Chỉ vì có chút duyên hội ngộ xưa kia, vả còn chút nợ nần, nên mới giúp nốt lần cuối này thôi.” Lại có một bài thơ dài …hai câu cuối là:
“…Phải qua mấy vạn lỗi lầm;
Thời ta mới chạm uyên thâm cõi thiền.”

Phi hốt nhiên giác ngộ, từ bấy giờ chuyên tâm thành kính mà dựng Phật tháp. Quả đến mùa xuân năm sau thì tháp xây xong. Phi trở về kinh sư, dọn dẹp phủ đệ, giải tán cả viện Lê Hương, dời hết ca nương cầm khách đi nơi khác.

(Hết)

Tào Tháo - Thiện Tai Hành (Kỳ nhị) 曹操-善哉行 (其二)

Đọc thơ Tào Tháo mới thấy thật khó hiểu. Cố gắng tự dịch một bài thơ mà thấy lâu bằng dịch 1/3 chương sách. Hiii ..... Dịch xong đọc lại mới thấy Tào Tháo rất trọng tình cảm gia đình, và trong thơ cũng rất đậm chất nho giáo đấy chứ ... Quả không hổ là người nhờ thông hiểu Kinh Thi mà được vào làm chức Nghị lang. :D



自惜身薄祜,夙賤罹孤苦。

既無三徙教,不聞過庭語。

其窮如抽裂,自以思所怙。

雖懷一介志,是時其能與!

守窮者貧賤,惋嘆淚如雨。

泣涕於悲夫,乞活安能睹?

我願於天窮,琅邪傾側左。

雖欲竭忠誠,欣公歸其楚。

快人由為嘆,抱情不得敘。

顯行天教人,誰知莫不緒。

我願何時隨?此嘆亦難處。

今我將何照於光曜?釋銜不如雨。



Phiên âm:



Tự tích thân bạc hỗ;

Túc tiện ly cô khổ.

Ký vô tam tỷ giáo;

Bất văn quá đình ngữ.

Kỳ cùng như trừu liệt;

Tự dĩ tư sở hỗ.

Tuy hoài nhất giới chí;

Thị thời kỳ năng dữ!

Thủ cùng giả bần tiện;

Uyển thán lệ như vũ.

Khấp thế ư bi phu;

Khất hoạt an năng đổ?

Ngã nguyện ư thiên cùng;

Lang Nha khuynh trắc tả.

Tuy dục kiệt trung thành;

Hân công quy kỳ sở.

Khoái nhân do vi thán;

Bão tình bất đắc tự.

Hiển hành thiên giáo nhân;

Thùy tri mạc bất tự.

Ngã nguyện hà thời tùy?

Thử thán diệc nan xử.

Kim ngã tương hà chiếu vu quang diệu?

Thích hàm bất như vũ.






Dịch thơ:



Thương thân phúc mỏng hơn người;

Phận mồ côi khổ tự thời ấu thơ.

“Tam thiên”  (1) vốn đã thưa tiếng mẹ;

“Quá đình” (2) thêm vắng vẻ lời cha.

Khốn cùng gan ruột xót xa;

Hằng luôn nhớ đến cha già mà thương.

Chút chí khí tuy mang trong dạ; 

Lúc bấy giờ nào đã lập nên.

Vận cùng người lại nghèo hèn;

Đớn đau ta thán lệ tràn như mưa.

Thảm thiết những mau thưa lệ chảy;

Đường sống nay trông cậy vào đâu?

Mong hoàng thiên giúp phép màu;

Lang Nha mé trái đổ nhào một khi.

Hết dạ tận trung tuy vẫn nguyện;

Mừng vui thiên tử vẹn quay về.

Hân hoan người cứ hát đi;

Trong lòng hoài bão biết thì cùng ai.

Muốn vương hóa khắp nơi dân chúng;

Có ai hay việc cũng khó lòng.

Khi nào mới thỏa ước mong?

Thở than này cũng khó trông bề nào.

Lấy gì ta sánh trăng sao?

Có khi mưa hết, khi nào hết lo.



Chú thích:



(1) Tam thiên: ba lần dời chỗ ở. Ở đây Tào Tháo nhắc đến tích Mạnh mẫu khi xưa ba lần dời đổi chỗ ở của mình để dạy con phải học hành. 

(2) Quá đình: Đi qua sân. Câu này Tào Tháo nhắc đến chuyện con trai của Khổng Tử là Khổng Lý, đi qua sân, gặp Khổng Tử đang đứng ở đó. Khổng tử liền hỏi Khổng Lý về việc học Kinh Thi, và bảo: “Không học Kinh thi thì không có gì để nói.” Lại lần khác như vậy, Khổng Tử lại hỏi con về việc học Lễ, lại bảo: “Không học Lễ thì không có gì để lập thân. Qua 2 câu thơ trên, Tào Tháo muốn nói việc mình không còn mẹ, cha để được dạy bảo)