Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Tân Liêu Trai - Trừ Thảo Truyện (Truyện trừ cỏ)

Khoảng niên hiệu Phú Trọng, chẳng biết có phải do triều chính rối loạn, mà phát sinh ra vô số sự quái dị. Mùa xuân năm Ất Mùi, xứ Bắc phát sinh thứ cỏ độc kỳ lạ, nó mọc tới đâu là tất cả các cây khác đều chết hết, khiến mùa màng thất bát dân tình đói khổ. Giống cỏ ấy lại lan tràn rất nhanh, chẳng mấy chốc mà tới tận kinh đô, khiến triều đình vô cùng sợ hãi. Phải lập hẳn một vệ quân để đối phó với cỏ độc, nhưng càng chặt bỏ, nó lại càng mọc khỏe hơn. Vả chăng nhổ cỏ lại sợ lẫn với lúa, cũng như nói ném chuột sợ vỡ bình, nên chẳng làm được gì. Cuối cùng đến nỗi nhà vua phải xuống chiếu cầu hiền khắp tứ xứ.


Ngoại thành phía đông có tên học trò nghèo là Phương sinh, vốn thường ở nhà đọc sách không màng chuyện thế sự. Một sáng ra trở dậy ra trước thềm thấy có thứ cỏ lạ mọc tới tận thềm lấy làm kinh ngạc, bứt cho thỏ ăn, nó liền chết ngay, thì càng hãi. Tra cứu khắp các sách vở  mấy ngày liền mà không biết là giống cỏ gì. Nghe nói phía bắc thành có đền Trấn Vũ thờ đức Huyền Thiên Đế Quân vô cùng linh ứng, bèn ngắt một cây mang tới tận đền thắp hương cầu đảo xin thần minh chỉ dạy cho biết. Tối hôm ấy ăn chay nằm mộng ở đền, đến quá canh ba thiếp đi, chợt mơ thấy có vị đạo sĩ mũ vàng cùng đến trò chuyện. Sinh bèn đem cành cỏ ra hỏi là thứ cỏ gì. Đạo sĩ liền hỏi lại: “Ngươi lấy thứ cỏ này ở đâu?” Sinh đáp: “Ở bên thềm!” Đạo sĩ bèn cười nói: “Đó chính là tên cỏ đấy! Thềm chữ Hán là “Thế”, thứ cỏ này gọi là Thế Thảo – tức cỏ bên thềm vậy!” Sinh gật gù thầm ghi nhớ lấy. Chợt đạo sĩ lại vuốt râu nói: “Lại có sách chép chữ Thế nghĩa là đời, vì thứ cỏ này tập hợp tất cả độc hại của các thứ cỏ khác trên đời lại, nên sách Nhĩ Nhã có chú thích: “Thế Thảo chi độc, tập thế thượng chư thảo chi độc nhi đắc danh.” (Cái độc của Thế Thảo là tập hợp độc hại của tất cả các loại cỏ trê đời, nên có tên ấy). Ngươi khá nhớ cho kỹ!”
Sinh lại hỏi: “Vậy giống cỏ độc này trừ thế nào?”
Đạo sĩ cười nói: “Ta chỉ là người xuất thế, học đạo tu tiên ngâm phong vịnh nguyệt, nào biết chuyện trừ cỏ? Nếu ngươi thích ngâm vịnh thì cùng trò chuyện, chứ nói chuyện trừ cỏ ta không biết đâu!”
Sinh gặng hỏi mãi không được, bèn thôi. Chỉ cùng nhau trò chuyện thơ phú. Hồi lâu đạo sĩ chỉ cái rương bên góc nhà nói: “Trong rương kia là bộ “Toàn Đường Thi”. Tất cả thơ phú của thi gia đời Đường đều được tập hợp trong ấy. Ngươi lấy một cuốn ra chúng ta ngâm vịnh.”
Sinh mở rương, lấy bừa một cuốn, định mở ra. Đạo sĩ bèn ngăn lại, bảo: “Ta có lưỡi chủy thủ đây, ngươi hãy cầm mũi dao, lách vào trang sách. Mũi dao chỉ đúng bài nào thì chúng ta ngâm bài ấy.”
Sinh cho là một cách chơi thú vị, bèn làm theo. Giở ra thì là bài tứ tuyệt của Từ Ngưng, thế này:

Cổ thụ y tà lâm cổ đạo;
Chi bất sinh hoa phúc sinh thảo.
Hành nhân bất kiến thụ thiếu thời,
Thụ kiến hành nhân kỷ phiên lão

(Cổ thụ nghiêng nghiêng bên lối cũ;
Cành chẳng mọc hoa, ruột mọc cỏ.
Hành nhân nào thấy thuở cây non;
Cây thấy hành nhân già mấy độ.)

Ngâm dứt nhìn lên thì chẳng thấy đạo sĩ đâu nữa. Nhìn ra cửa đền chỉ thấy sương mờ man mác, gió động lá rơi, phía làng Thọ Xương tiếng gà sớm đã gáy.
Sinh giật mình tỉnh dậy, nhớ lại bài thơ chép vội vào vạt áo. Nhẩm đi nhẩm lại, chợt giật mình ngộ ra: “Thơ nói cây cổ thụ nghiêng bên đường cũ .. trong ruột sinh ra cỏ …” Lại đưa mũi dao vào. Vậy phải chăng là có cây cổ thụ đẻ ra cỏ ấy, muốn trừ cỏ thì phải tìm cái cây đó mà chặt đi?” Bèn lập tức trở về, chong đèn viết sớ dâng lên triều đình rằng: “Muốn trừ cỏ phải chặt hết các cây cổ thụ nghiêng cong, mối rỗng ruột bên đường cũ ở kinh đô!”
Triều đình y lời theo, bèn cho người kiểm số cây nghiêng cong mối mọt dâng lên. Đám quan lại ở kinh đô nhân dịp ấy cấu kết với bọn gian thương lái gỗ, bèn dâng lên rằng phải chặt đến 6.700 cây. Vì nạn cỏ dại hoành hành quá dữ, nên triều đình cũng phê chuẩn cả. Thế là quan quân ra sức chặt hết các cây cổ thụ trên phố ở kinh kỳ, có những phố trọi không, không còn bóng cây. Nhưng chặt mãi vẫn chưa dứt được nạn cỏ, quan quân lại chặt tiếp. Dân tình vốn coi trọng những cây đại thụ vẫn gắn bó với họ, nhưng vì đại cục, lại chẳng làm được gì đành nuốt nước mắt mà thương những cây bị chém oan. Cuối cùng đến khi nạn cỏ hơi lui thì cũng đã chặt hơn hai ngàn cây rồi. Người dân thương những cây chết oan, từ đó kiêng húy chữ “Cây”, lại gọi chuyện chặt cây là “Chém lũ đẻ ra thảo” (Trảm sinh thảo chi bối) để cây khỏi oán./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét