Thứ Ba, 17 tháng 4, 2018

Trùng Cổ


Thiện Sĩ đến thăm Hải Đường thị, trong lúc trò chuyện nhân hỏi: “Nghe nói đời xưa có loại trùng cổ dùng để hại tính mạng người ta, rất đáng sợ, dám hỏi ngài, cách chế nó thế nào?”
Hải Đường thị cười bảo: “Thiên  “Địa lý chí - hạ” sách Tùy thư có viết rằng: “Phong tục các quận Tân An, Vĩnh Gia, Kiến An, Toại An, Nghi Xuân cũng giống như Dự Chương. Những quận này thường nuôi trùng cổ, nhất là quận Nghi Xuân. Tục của họ là vào ngày mùng 5 tháng 5 thu nhập hàng trăm loại côn trùng, lớn thì kể đến rắn rết, nhỏ thì kể đến chấy rận, rồi bỏ cả vào trong một thứ đồ đựng cho chúng ăn thịt lẫn nhau, khi nào còn một con thì lưu lại, nếu là rắn thì gọi là “xà cổ” (trùng rắn), nếu là chấy rận thì gọi là “sắt cổ” (trùng rận), dùng để giết người. Ấy là “tập chư độc vu nhất thân” mà thành trùng cổ vậy.”

Thiện sĩ lắc đầu lẽ lưỡi bảo: “Ghê gớm thật! Chả trách mà Sách Tặc luật viết: “Kẻ nào làm trùng cổ hại người hoặc truyền bá trùng cổ thì sẽ bị xử chém giữa chợ”. Cho nên đời Hán mới có chuyện dân chúng vu cho nhau làm vu cổ để làm hại nhau vậy.”
Hải Đường thị cười ha hả bảo: “Ghê gớm thì hẳn nhiên. Nhưng nếu so với bọn làm vu cổ đời nay thì có đáng gì?”
Thiện Sĩ ngạc nhiên hỏi: “Tưởng tà thuật đã bị cấm ngặt mà thất truyền từ lâu rồi chứ? Bây giờ mà vẫn còn thuật vu cổ ấy ư?”
Hải Đường thị gật đầu bảo: “Phải. Các thứ nọc độc của rắn rết, cóc rận có thấm vào đâu so với những thứ độc mà con người làm ra hiện thời? Ấy thế mà trong tất cả các thức ăn uống vào miệng của chúng nhân hiện nay có cái gì không có độc tố: Rau cũng có độc, quả cũng có độc, thịt cũng có độc, rượu cũng có độc, … Mới đây thôi Điện thị đài lại nói, ngay ở kinh sư mà tất cả các loại tôm cua cá ốc đều có độc tố gấp mấy bình thường. Thử hỏi trong cái thuật “tập chư độc vu nhất thân” thì mấy con chấy rận ngày xưa có sánh được với ngày nay không? Mà con “nhân cổ” bây giờ lại độc địa gấp mấy lần những “sắt cổ”, “xà cổ” xưa kia? Dám hỏi tiên sinh, nếu đem ra chợ mà chém bọn làm trùng cổ thì bây giờ liệu có đủ dao mà chém nổi không? Chúng biến ta thành cổ rồi đấy.”
Thiện Sĩ cầm chén trà, còn chưa kịp uống, quay sang nhìn Hải Đường thị, chợt tái mét mặt, đặt chén xuống không dám uống nữa, đứng dậy cáo từ ra về.
Hải Đường thị nhìn theo cười ngặt nghẽo bảo: “Này, có phải một mình tôi đâu, tiên sinh cũng là cổ đấy! Mà cả thế gian này đều bị biến thành cổ như vậy rồi …làm sao mà không dám uống?”
Rồi lại tự hoang mang: Kẻ biến người thành trùng cổ rồi chính mình lại bị người biến thành cổ, có phải thế chăng mà nhân thế càng ngày càng độc địa như vậy? Quay lại nhìn chén trà, chợt mới nhớ ra, thứ đồ uống thanh cao ấy, cách đây lâu lâu cũng nghe nói đã bị tẩm độc vào rồi!

 (C.H.Đ)