Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Quy Khứ Lai Từ - Đào Uyên Minh




歸去來兮,田園將蕪胡不歸?既自以心為形役,奚惆悵而獨悲!悟已往之不諫,知來者之可追。實迷途其未遠,覺今是而昨非。舟搖搖以輕揚,風飄飄而吹衣。 問征夫以前路,恨晨光之熹微。乃瞻衡宇,載欣載奔。僮僕歡迎,稚子候門。三徑就荒,松菊猶存。攜幼入室,有酒盈樽。引壺觴以自酌,眄庭柯以怡顏。倚南窗以寄傲,審容膝之易安。園日涉以成趣,門雖設而常關。策扶老以流憩,時矯首而遐觀。雲無心以出岫,鳥倦飛而知還。景翳翳以將入,撫孤松而盤恆。 歸去來兮,請息交以絕游。世與我而相遺,復駕言兮焉求!悅親戚之情話,樂琴書以消憂。農人告余以春及,將有事于西疇。或命巾車,或棹孤舟。既窈窕以尋壑,亦崎嶇而經邱。木欣欣以向榮,泉涓涓而始流。羨萬物之得時,感吾生之行休! 以矣乎!寓形宇內復幾時,曷不委心任去留!胡為乎遑遑,欲何之?富貴非吾願,帝鄉不可期。懷良辰以孤往,或植仗而耘耔。登東皋以舒嘯,臨清流而賦詩。聊乘化以歸盡,樂夫天命復奚疑!

Phiên âm:

Quy khứ lai hề,

Điền viên tương vu hồ bất quy?

Ký tự dĩ tâm vi hình dịch,

Hề trù trướng nhi độc bi?

Ngộ dĩ vãng chi bất gián,

Tri lai giả chi khả truy?

Thực mê đồ kỳ vị viễn,

Giác kim thị nhi tạc phi.

Chu dao dao dĩ kinh dương,

Phong phiêu phiêu nhi xuy y.

Vấn chinh phu dĩ tiền lộ,

Hận thần quang chi hi vi.

Nãi chiêm hành vũ,

Tải hân tải bôn.

Đồng bộc hoan nghênh,

Trĩ tử hầu môn.

Tam kính tựu hoang,

Tùng cúc do tồn.

Huề ấu nhập thất,

Hữu tửu doanh tôn.

Dẫn hồ trường dĩ tự chước,

Miến đình kha dĩ di nhan.

Ỷ nam song dĩ ký ngạo,

Thẩm dung tất chi dị an.

Viên nhật thiệp dĩ thành thú,

Môn tuy thiết nhi thường quan.

Sách phù lão dĩ lưu khế,

Thời kiểu thủ nhi hà quan.

Vân vô tâm dĩ xuất tụ,

Điểu quyện phi nhi tri hoàn.

Cảnh ế ế dĩ tương nhập,

Phủ cô tùng nhi bàn hoàn.

Quy khứ lai hề,

Thỉnh tức giao dĩ tuyệt du,

Thế dữ ngã nhi tương di,

Phục giá ngôn hề yên cầu?

Duyệt thân thích chi tình thoại,

Lạc cầm thư dĩ tiêu ưu.

Nông phu cáo dư dĩ xuân cập,

Tương hữu sự ư tây trù.

Hoặc mệnh cân xa,

Hoặc trạo cô chu.

Ký yểu điệu dĩ tầm hác,

Diệc kỳ khu nhi kinh khâu.

Mộc hân hân dĩ hướng vinh,

Tuyền quyên quyên nhi thuỷ lưu.

Tiện vạn vật chi đắc thời,

Cảm ngô sinh chi hành hưu.

Dĩ hĩ hồ!

Ngụ hình vũ nội phục kỷ thời,

Hạt bất uỷ tâm nhiệm khứ lưu?

Hồ vi hồ hoàng hoàng

Dục hà chi?

Phú quý phi ngô nguyện,

Đế hương bất khả kỳ.

Hoài lương thần dĩ cô vãng,

Hoặc thực trượng nhi vân tỷ.

Đăng đông cao dĩ thư khiếu,

Lâm thanh lưu nhi phú thi.

Liêu thừa hoá dĩ quy tận,

Lạc phù thiên mệnh phục hề nghi?

Dịch thơ:

Người ơi thôi hãy về thôi,

Ruộng vườn sắp lụi hoang rồi về đi.

Tâm này đem luỵ thân kia,

Sao còn buồn bã sầu chi một mình?

Việc xưa biết chẳng can thành,

Việc sau sắp lại đuổi mình đến nơi.

Đường mê thực chửa xa xôi,

Nhân ra nay đúng, xưa thời là sai.

Con thuyền nhẹ gió lung lay,

Hiu hiu gió thổi áo bay phật phờ.

Hỏi người đi đoạn đường xa,

Hận vì nỗi ánh mai đà còn thưa.

Mừng trông mái thấp chạy ùa,

Tiểu đồng vui đón, con chờ cửa bên.

Ngõ hoang tùng cúc còn nguyên,

Dắt con vào cửa, rượu liền đầy chung.

Nâng bầu tự chuốc rưng rưng,

Trông cây sân, mặt vui mừng xiết bao.

Tựa song nam, thoả ngạo cao,

Xem trong chật hẹp dạt dào an vui.

Thú riêng ngày lội vườn chơi,

Cửa tuy có đó, thường thời chặt then.

Nghỉ ngơi tựa gậy bên ghềnh,

Nghển đầu dạo bước ngắm quanh bốn bề.

Lòng không dời núi mây đi,

Chim bay mỏi cánh lại về chốn xưa.

Chiều hôm cảnh vật dần mờ

Bồi hồi ôm gốc tùng già đơn côi.

Người ơi thôi hãy về thôi,

Đừng giao du nữa với đời mà chi.

Người đời đã bỏ ta đi,

Những lời tâm huyết mong gì nữa đây?

Tâm tình thân thích vui vầy,

Khuây đàn sách để sầu này nhẹ vơi.

Nông phu bảo, sắp xuân rồi,

Việc đồng tây lại tới nơi bây giờ.

Khi thuyền lẻ, khi xe bò

Tìm khe luồn lách, qua gò nhấp nhô.

Xanh tươi cây cũng nhởn nhơ,

Rì rào tiếng suối nãy giờ vừa tuôn.

Nỗi ta làm, nghỉ cảm buồn,

Đắc thời muôn vật thèm thuồng được như.

Gửi hình trời đất vô hư,

Mặc cho đi ở sao chưa thả lòng?

Mong chi thấp thỏm chờ trông,

Chẳng thèm phú quý, chẳng hòng đế hương!

Mong ngày đẹp lại lên đường,

Hoặc thời chống gậy lên nương cấy trồng.

Ngâm nga thư thái bờ đông.

Lại qua bên suối viết dòng thơ quê.

Thuận theo lẽ đạo mà về,

Vui theo thiên mệnh chớ hề ngờ nghi!
                                                                                                                                               (Đông Các - 2006)

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

白居易 - 养竹记 (Bạch Cư Dị - Dưỡng Trúc Ký)

竹似贤,何哉?竹本固,固以树德,君子见其本,则思善建不拔者。竹性直,直以立身;君子见其性,则思中立不倚者。竹心空,空以体道;君子见其心,则思应用虚受者。竹节贞,贞以立志;君子见其节,则思砥砺名行,夷险一致者。夫如是,故君子人多树之为庭实焉。 贞元十九年春,居易以拔萃选及第,授校书郎,始于长安求假居处,得常乐里故关相国私第之东亭而处之。明日,履及于亭之东南隅,见丛竹于斯,枝叶殄瘁,无声无色。询于关氏之老,则曰:此相国之手植者。自相国捐馆,他人假居,由是筐篚者斩焉,篲帚者刈焉,刑余之材,长无寻焉,数无百焉。又有凡草木杂生其中,菶茸荟郁,有无竹之心焉。居易惜其尝经长者之手,而见贱俗人之目,剪弃若是,本性犹存。乃芟翳荟,除粪壤,疏其间,封其下,不终日而毕。于是日出有清阴,风来有清声。依依然,欣欣然,若有情于感遇也。 嗟乎!竹,植物也,于人何有哉?以其有似于贤而人爱惜之,封植之,况其真贤者乎?然则竹之于草木,犹贤之于众庶。呜呼!竹不能自异,唯人异之。贤不能自异,唯用贤者异之。故作《养竹记》,书于亭之壁,以贻其后之居斯者,亦欲以闻于今之用贤者云。(白居易/文)




Phiên âm:


Trúc tự hiền, hà tai? Trúc bản cố, cố dĩ thụ đức, quân tử kiến kỳ bản, tắc tư thiện kiến bất bạt giả. Trúc tính trực, trực dĩ lập thân, quân tử kiến kỳ tính, tắc tư trung lập bất ỷ giả. Trúc tâm không, không dĩ thể đạo, quân tử kiến kỳ tâm, tắc tư ứng dụng hư thụ giả. Trúc tiết trinh, trinh dĩ lập chí, quân tử kiến kỳ tiết, tắc tư để lệ danh hạnh, di hiểm nhất trí giả. Phù như thị, cố quân tử nhân đa thụ chi vi đình thực yên.

Trinh Nguyên thập cửu niên xuân, Cư Dị dĩ bạt tuỵ tuyển cập đệ, thụ hiệu thư lang, thuỷ vu Trường An cầu giả cư xứ, đắc Thường Lạc lý cố Quan tướng quốc tư đệ chi Đông Đình xử chi. Minh nhật, lý cập vu đình chi đông nam ngung, kiến tùng trúc ư tư, chi diệp điễn tuỵ, vô thanh vô sắc. Tuần vu Quan thị chi lão, tắc viết: “Thử tướng quốc chi thủ thực dã. Tự tướng qu ốc quyên quán, tha nhân giả cư, do thị khuông phỉ giả trảm yên, tuệ trửu giả ngải yên, hình dư chi tài, trưởng vô tầm yên, sổ vô bách yên. Hựu hữu phàm thảo mộc t ạp sinh k ỳ trung, bổng nhung hội úc, hữu vô trúc chi tâm yên.” Cư Dị tích kỳ thường kinh trưởng giả chi thủ, nhi kiến tiện tục nhân chi mục, tiễn khí nhược thị, bản tính do tồn. Nãi sam ế hội, trừ phẩn nhưỡng, sơ kỳ gian, phong kỳ hạ, bất chung nhật nhi tất. Vu thị nhật xuất hữu thanh âm, phong lai hữu thanh thanh. Y y nhi ên, hân hân nhiên, nhược hữu tình ư cảm ngộ dã.

Ta hồ! Trúc, thực vật dã, ư nhân hà hữu tai? Dĩ kỳ hữu tự vu hiền nhi nhân ái tích chi, phong thực chi, huống kỳ chân hiền giả hồ? Nhiên tắc trúc chi ư thảo mộc, do hiền chi ư chúng thứ. Ô hô! Trúc bất năng tự dị, duy nhân dị chi. Hiền bất năng tự dị, duy dụng hiền giả dị chi. Cố tác “Dưỡng Trúc Ký” thư vu đình chi bích, dĩ di kỳ hậu chi cư tư giả, diệc dục dĩ văn ư kim chi dụng hiền giả vân.

Dịch văn:

Trúc cũng như bậc hiền nhân, vì sao vậy? Gốc trúc vững, vững để lập đức, người quân tử trông gốc trúc, thì nghĩ đến việc tạo lập cho mình cái ý chí kiên định không dời. Tính trúc thẳng, thẳng để lập thân, người quân tử thấy tính trúc, thì nghĩ đến sự trung lập thẳng thắn, không thiên lệch. Lòng trúc rỗng không, rỗng không để thể nghiệm lẽ đạo, người quân tử thấy tấm lòng của trúc, thì nghĩ đến việc dùng cái tâm hư không mà dung nạp người. Đốt trúc cứng cỏi, cứng cỏi để lập chí, người quân tử thấy tiết của trúc, thì nghĩ đển việc mài giũa danh hạnh, dù qua khó khăn nguy hiểm vẫn thuỷ chung như nhất. Chính vì như thế, mà bậc quân tử thường trồng trúc đầy quanh sân nhành vậy.

a xuân năm Trinh Nguyên thứ 19, Cư Dị tôi được chọn trong đám anh tài mà đỗ tiến sĩ, và được ban chức hiệu thư lang, mới đi tìm nơi ở nhờ ở Trường An, rồi tìm được chỗ ở đình Đông trong tư dinh quan tướng quốc họ Quan khi xưa ở làng Thường Lạc. Hôm sau, tôi dạo bước tới góc đông nam đình, chợt thấy có khóm trúc ở đó, cành lác xơ, không thanh không sắc. Hỏi thăm các bậc già lão họ Quan, thấy bảo: “Trúc này là trúc do chính tay tướng quốc trồng khi xưa. Từ khi tướng quốc dời đi, người khác đến ở nhờ, thì trúc bị bọn đan gùi giỏ đến chặt, bọn làm chổi rễ đến cắt. Khóm bị chém còn lại, lớn không quá một sải, đếm không đến trăm cây. Lại có đám cỏ hoang cây dại mọc bừa trong đó, um tùm rậm rạp, toàn giống chẳng có tâm như trúc.” Cư Dị tôi tiếc khóm trúc vốn là cây được tay bậc trưởng giả vun trồng, nay lại chỉ có con mắt của bọn tục nhân ngó tới, chặt phá như vậy, mà bản tính vẫn giữ nguyên. Bèn cắt hết cỏ rậm, nhặt sạch rác rưới, tỉa thoáng khóm cành, vun rào gốc rễ, chưa hết ngày thìm xong. Thế là khi mặt trời mọc lại cóng mát râm, lúc gió thổi về lại có tiếng vi vút. Lánh vui nhởn nhơ, xanh mơn mởn, như cũng cói tình cảm ngộ vậy.

Than ôi! Trúc là loài thực vật, sao có thể sánh với con người? Chỉ vì những điểm giống bậc hiền nhân mà được người đời yêu mến vun trồng, huống nữa là bậc hiền nhân thực sự? Vả trúc ở trong đám cỏ cây, cũng như bậc hiền nhân trong đám người phàm. Ôi, trúc chẳng tự cho mình là khác, chỉ là con người thấy sự khác biệt đó thôi. Bậc hiền nhân chẳng tự cho mình là khác, chỉ có người biết dùng người hiền thấy sự khác biệt đó thôi. Nên tôi bèn làm bài “Dưỡng Trúc Ký” này, viết lên vách đình, để để lại cho người sau lại đến ở nơi này, cũng là muốn cho những người dụng hiền đời nay nghe lấy vậy.

(Tiết Đại thử năm Mậu Tý - Châu Hải Đường dịch)

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Mấy lỗi dịch thuật trong cuốn "Thơ văn Nguyễn Cao"

I. Từ chữ "Niết" đến cách hiểu câu cuối 1 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Cao:

Hình ảnh

Trong cuốn "Thơ văn Nguyễn Cao" tác giả GS Phan Văn Các sưu tầm, phiên dịch chú giải, do nhà xuất bản KHXH in năm 1992 có bài thơ: "Quá Kim Anh huyện Xuân Bảng xã vũ trung dữ Tán tương Đào niên huynh thoại đồn điền sự", như sau:

Hình ảnh

"Kim Anh mộng lý vãng lai tần;
Phong vũ kim triêu ấp lộ trần.
Thu thảo mãng tùng Xuân Bảng địa;
Mã sơn hình thế Tản Viên lân.
Thiên hoài ngô thổ đa tân kiến;
Thả hỉ điền mưu cộng cố nhân.
Thuỳ đạo thử phi đồ báo niệm;
Niết trung Vị thượng nhất kinh luân!"


Và chú thích rằng:
"Niết trung, Vị thượng: Niết là nước nhuộm đen. Vị là dòng sông nước trong nổi tiếng ở vùng Cam Túc, Thiểm Tây. Cả thành ngữ có nghĩa: trong bất cứ hoàn cảnh nào."

Cảm thấy chữ "Niết" 涅 ở câu này ý nghĩa khá mơ hồ, vả chăng nếu muốn nói đến "trong và đục" thì người xưa thường dùng chữ "Kinh Vị" (sông Kinh nước đục, sông Vị nước trong) chứ không dùng chữ Niết bao giờ. Rất may mắn cuối sách có in photo bản nguyên văn chữ Hán của bài thơ. Chữ trong văn bản gốc viết hành thư cũng không quá khó đọc, xem lại nguyên văn câu cuối thì tôi thấy chữ được phiên âm thành "Niết" trong sách không phải là chữ "Niết" 涅 mà là chữ "Hoàng"湟. Và tác giả đã nhầm nó thành chữ Niết. Câu cuối của bài thơ là: "Hoàng trung Vị thượng nhất kinh luân" (湟中渭上一经纶).

Hình ảnh

Vậy câu này nghĩa là gì?
Nếu bạn đọc nhiều thơ văn cổ, bằng cảm nhận của mình cũng có thể thấy ngay ở đây chắc chắn ẩn chứa một điển cố sâu xa nào đó và nó phải có sự liên quan đến chủ đề bài thơ. Đúng vậy, trong câu kết bài thơ này, Nguyễn Cao đã nhắc đến hai điển cố về Triệu Sung Quốc và Gia Cát Lượng, có liên quan chặt chẽ đến chuyện "thoại đồn điền sự" như đầu đề bài thơ.

Trước hết xin giải nghĩa chữ Hoàng: Hoàng là tên một con sông - sông Hoàng nằm ở tỉnh Thanh Hải - TQ. Hoàng Trung chỉ vùng đất nằm hai bên sông Hoàng.

Triệu Sung Quốc (137 - 52 trước CN) tên tự là Ông Tôn, là một nhà quân sự, danh tướng thời Tây Hán. Cuối thời Hán Vũ Đế, người Khương ở địa bàn Thanh Hải ngày nay thường xuyên quấy nhiễu. Khi ấy Triệu Sung Quốc được phái đánh dẹp. Đến bên sông Hoàng ông thiết lập trận địa vững vàng cố thủ để chống cự lại với quân Khương. Để đảm bảo lương thực cho quân lính, ông kiến nghị triều đình thực hiện việc "đồn điền ở Hoàng Trung", tức là quân lính sẽ tham gia cày cấy lấy lương ăn, với 12 điều lợi ích của việc đó, như: không làm nghề nông bị bỏ bễ, giảm chi phí vận chuyển, giảm lao dịch ... Chiến thuật ấy có tác dụng lớn, và được áp dụng mãi về sau này.

Còn Gia Cát Lượng thì mọi người biết quá rõ rồi, Gia Cát Lượng cũng đã ứng dụng phép "đồn điền" trong cuộc chiến tại Kỳ Sơn năm Kiến Hưng thứ 12, đánh nhau với Tư Mã Ý. Đó là lần cuối cùng Gia Cát lượng tiến hành bắc phạt. Quân Nguỵ do Tư Mã Ý chỉ huy cố thủ không ra đánh. Khổng Minh liền dùng chiến thuật "đồn điền" cho lính cùng ở với dân làm ruộng trên bãi sông Vị thuỷ và đã có khả năng chiến thắng nếu như ông không qua đời sau đó.

Lưu Khắc Trang đời Tống trong: "Thư sự tam tuyệt cú" (Ba bài tuyệt cú ghi lại chuyện) ghi lại một năm đói kém mất mùa dưới thời Tống, từng viết: "Thục tướng tích tằng canh Vị thượng; Hán gia kim hữu địch Hoàng trung" (Tướng nước Thục xưa từng cày ruộng trên bờ sông Vị, Nhà Hán đến nay vẫn thu được thóc ở Hoàng trung) nói về cả hai điển tích trên.

Như vậy câu thơ cuối của Nguyễn Cao có ý so sánh việc đồn điền của ông Đào với việc làm của Triệu Sung Quốc, Gia Cát Lượng, và đó đều là sự thể hiện của một tài năng kinh bang tế thế.

"Hoàng trung Vị thượng nhất kinh luân"
Nghĩa là: Cùng một tài kinh luân như người đồn điền ở Hoàng Trung, kẻ đồn điền trên bờ Vị vậy.

Vậy là từ việc đọc sai một chữ, đến việc không biết về điển cố, cũng như sự võ đoán đã làm bản dịch bị sai và mất hẳn ý tứ sâu xa của bài thơ.

II. Thiệu Ung Vương Tích đâu rồi; Để xem "hối quá" là người nào đây?

Cũng trong cuốn "Thơ văn Nguyễn Cao" của tác giả GS Phan Văn Các nói trên, có bài thơ "Tửu hậu hối quá" như sau:

Hình ảnh

"Nhất dạ hoan phùng tiện giác đa;
Ngôn ngôn tiếu tiếu hựu ca ca.
Hứng thâm vong khước nhân thuỳ ngã;
Tỉnh hậu hoàn giao hối thậm ma?
Vương tích vị ưng khan tận tuý;
Nghiêu thiên do thả ái vi đà.
Huống kim bán thị sơ diên hội;
Đồng cổ tri đương xuất nại hà?

(Bản dịch chi tiết xin mời xem trang sách kèm theo)

Tác giả PVC có chú thích về hai chữ "Vương tích" và "Nghiêu thiên" như sau:

(1) Vương tích: tích tức tích tượng. Vương tích là những dấu vết hay những điềm báo trước sự nghiệp của bậc vương giả.
(2) Nghiêu thiên: Trời Nghiêu, thời thịnh trị thanh bình.


Chữ "Nghiêu thiên" quả cũng thường nghe rồi, "Nghiêu thiên Thuấn nhật" chẳng hạn là nói những năm tháng thịnh trị như thời Nghiêu Thuấn. Nhưng thấy chữ "Vương tích" giả thích có vẻ thiếu thuyết phục, nhất là khi đem đối với "Nghiêu thiên", lật xem lại nguyên văn chữ Hán gốc thì hoá ra đúng là có vấn đề thật. Ngày xưa bà Hồ Xuân Hương có câu thơ: "Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc". Chữ "thiên" ở đây thì tôi thấy rõ là đã "nhô đầu dọc rồi. Lại nữa, chữ "tích" ở đây cũng không phải là tích = dấu vết, mà là tích = công trạng, thành tích.

Hình ảnh

Hình ảnh

Hai câu ấy phải đọc lại là:

Vương Tích vị ưng khan tận tuý;
Nghiêu Phu do thả ái vi đà.


Vương Tích ở đây là chỉ Vương Tích - nhà thơ thời sơ Đường. Vương Tích (585-644), tự Vô Công, hiệu Đông Cao tử, là em danh nho đời cuối Tuỳ là Vương Thông. Ông nổi tiếng ham rượu. Vì ham rượu nên không làm quan ở kinh mà xin đi xa để tiện uống. Thế mà vẫn bị đàn hặc phải về quê ẩn cư, Sau đến đời Đường Vũ Đức lại ra làm chức đãi chiếu, quan thị trung Trần Thúc Đạt biết tính ham rượu nên đặc biệt cấp cho mỗi ngày một đấu rượu, nên khi ấy người ta gọi là "Đấu tửu học sĩ". Sau bỏ quan về ở ẩn ở Đông Cao thường ví mình với Đào Tiềm, Nguyễn Tịch (cũng là những "cây" rượu).Chữ "khan tận tuý" còn có ý gợi đến câu thơ của Vương Tích trong bài "Quá tửu gia": "Nhãn khan nhân tận tuý; Hà nhẫn độc vi tinh!" (Mắt thấy mọi người say cả, Sao đành một mình mình tỉnh!)

Còn Nghiêu Phu tức Thiệu Ung - học giả nổi tiếng đời Tống. Thiệu Ung (1011-1077) tự Nghiêu Phu, thuỵ hiệu Khang Tiết, là nhà triết học, dịch học nổi tiếng. Là người tài cao hiểu rộng, nhưng ông không làm quan. Trong một bài "Tiểu Xa Ngâm" ông viết: "Tính hỉ ẩm tửu; Ẩm hỉ vi đà. Ẩm vị vi đà; Khẩu tiên ngâm nga."

Như vậy hai câu thơ của Nguyễn Cao có nhắc đến chuyện uống rượu của Vương Tích và Thiệu Ung (Thiệu Nghiêu Phu) với nghĩa như sau:

(Văn chương như) Vương Tích cũng không nên để mình say khướt như mọi người;
(Tài năng như) Nghiêu Phu cũng chỉ thích hơi lâng lâng thôi.


Vậy mà nó thành ra như trong sách các bác đã xem đó.

Ngoài ra đọc lại, thấy Tg PVC còn nhầm khi phiên âm chữ Khởi (dậy) phiên thành Hậu (sau) ở câu 4, tuy nhiên không gây sai lệch quá nhiều.

Mới hay, chữ Hán không viết hoa tên riêng thật là tai hại quá, khiến cho GS của chúng ta không nhận ra đó là tên của hai người đời xưa. Hay nói chính xác là mới nhậ được một nửa cái tên mà thôi.
Nhân đây, xin nói thêm về hai câu cuối bài thơ trên:

Hai câu này dùng điển cố trong Kinh thi - Tiểu nhã bài "Tân chi sơ diên", người dịch đã nhận ra điều đó, nhưng lại dịch không đúng ý tác giả.

Nguyên câu trong kinh Thi là: "Do tuý chi ngôn, Tì xuất đồng cổ". Đồng cổ nghĩa là con dê đực không sừng, chỉ chuyện vô lý không có thật. Ý kinh Thi nói: do say rượu mà nói ra những sự việc sai lầm không đúng.
Câu cuối của Nguyễn Cao không phải như PVC dịch là: "Dê con biết nên ra mắt như thế nào", mà là: "(Do say) Đã trót nói những chuyện không đúng, như "dê không sừng", giờ biết làm sao đây?"

...................

(còn tiếp)

Thẩm Quát - “Mộng Khê Bút Đàm” - Quyển 17 - Thư Hoạ (trích)

(Mộng Khê Bút Đàm của Thẩm Quát - học giả đời Tống gồm hơn 20 cuốn là một bộ tùy bút, trong đó Thẩm Quát viết về khá nhiều lĩnh vực từ văn hóa nghệ thuật đến khoa học, y học ... Quyển 17 chuyên viết về Thư Họa. CHĐ xin dịch một đoạn đầu quyển 17 này để các bạn xem chơi! - CHĐ)


Người thâu tàng thư hoạ, phần lớn ưa theo danh tiếng. Ngẫu nhiên nghe thấy bảo là bút tích của các nhà: Chung, Vương, Cố, Lục thì tranh nhau mua, đó gọi là “nhĩ giám” (giám thưởng bằng tai) vậy. Lại có kẻ xem tranh mà lấy tay sờ vào, truyền nhau là màu sắc không dính ngón tay là bức vẽ hay, cái này so với “nhĩ giám” lại còn kém hơn nữa, gọi là “gõ xương nghe tiếng”.

Ông Âu Dương có một bức tranh cổ, vẽ một khóm mẫu đơn, phía dưới lại vẽ một con mèo, nhưng chưa thấy hết sự tinh thô trong đó. Quan thừa tướng là ông Ngô Chính Túc vốn là tình thông gia với ông Âu Dương, trông thấy bức tranh liền bảo: “Đây là bức vẽ hoa mẫu đơn vào đúng giữa trưa đây. Làm sao mà biết thế? Hoa nở hết độ mà sắc khô, đó là mẫu đơn khi mặt trời đứng bóng. Mắt con mèo lòng đen thành một sợi chỉ, đó là mắt con mèo lúc chính ngọ. Nếu hoa có sương thì cánh cụp mà sắc nhuận. Mắt mèo sáng và chiều thì lòng đen hình tròn, mặt trời lên cao thì nó nhỏ hẹp lại, chính ngọ thì mảnh như sợi chỉ vậy.” Đó cũng là người giỏi hiểu rõ tâm ý cổ nhân vậy.

Bức bích hoạ cũ ở chùa Tướng Quốc, là do Cao Ích vẽ. Trên đó vẽ cảnh các nhạc công đang chơi nhạc, rất là thú vị. Người ta phần lớn cho rằng bức vẽ có chỗ sai là vẽ người chơi đàn tỳ bà đang gảy ở dây dưới, trong khi các tay chơi sáo lại đang chơi ở chữ thứ tư. ở chữ thứ tư, tỳ bà phải ở dây trên, ở đây lại gảy mà che dây dưới, đó là lầm vậy. Ta cho là không có chuyện lầm. Thổi sáo nhấc ngón tay thì mới có tiếng, gảy tỳ bà thì ngón tay đi qua mới có tiếng, ở đây tay che trên dây dưới, tức là tiếng ở dây trên vậy. Cao Ích, vẽ được như vậy, thực có thể biết đã dụng tâm đến thế nào.

Cái tuyệt diệu của thư hoạ, phải lấy tinh thần mà cảm nhận, chứ không thể lấy hình khí mà cầu được. Những người xem tranh ở đời này, phần lớn mới có thể chỉ ra những hình tượng, vị trí, màu sắc tỳ vết mà thôi, còn đến những dụng tâm nghĩa lý sâu xa trong đó, ít có người thấy được. Ông Ngạn Viễn trong “Hoạ Bình” nói: Vương Duy vẽ vật, thường phần nhiều không để tâm đến chuyện bốn mùa, như khi vẽ hoa thường vẽ cả đào, hạnh, phù dung, hoa sen vào cùng một cảnh. Nhà ta có giữ bức tranh “Viên An ngoạ tuyết” của Vương Ma Cật (Vương Duy), có vẽ cây chuối trong tuyết, đó là sự đắc tâm ứng thủ, ý đáo tiện thành, tự nhiên nhập thần mà đắc thiên ý, chuyện đó khó mà nói với những kẻ tục nhân được.

Tạ Hách nói: “Tranh của Vệ Hiệp, tuy hình chưa đủ cái thần diệu, nhưng lại có khí vận, vượt khỏi quần hùng, khoáng đại tuyệt bút.” Lại như bài thơ “Bàn Xa Đồ” của Âu Văn Trung viết: “Cổ hoạ hoạ ý bất hoạ hình; Mai thi vịnh vật vô ẩn tình. Vong hình đắc ý tri giả quả; Bất nhược kiến thi như kiến hoạ.” (Tranh xưa họa ý mà không họa hình; Thơ Mai thi vịnh vật mà không ẩn dấu tình cảm gì sau đó cả. Người biết quên hình được ý thực ít ỏi; Nếu không thế thì đã thấy thơ cũng như thấy tranh rồi). Đó thực là biết về tranh vậy.

Vương Trọng Chí xem tranh ở nhà ta, rất thích bức tranh “Hoàng Mai Xuất Sơn Đồ” của Vương Duy, bức tranh vẽ hai người là Hoàng Mai và Tào Khê, khí vận rất thần kỳ, đều giống như hệt. Đọc sự tích hai người, lại xem tranh vẽ, có thể tưởng như thấy người thật vậy.

Sách “Quốc Sử Bổ” chép: “Có người đem bức tranh “Án Nhạc Đồ” cho Vương Duy xem, Duy bảo: “Đây vẽ khúc Nghê Thường ở vào phách thứ nhất, lớp thứ ba đây mà!” Người khách chưa cho là thật, cho dàn nhạc tấu khúc ấy, quả nhiên như vậy, khi ấy mới tin.” Đây đúng là chuyện của những kẻ hiếu kỳ dựng lên. Phàm vẽ cảnh tấu nhạc, chỉ vẽ được một tiếng, xong kim thạch quản huyền cùng dùng ở chữ thứ nhất, thì khúc nào mà chẳng có, há chỉ có phách thứ nhất, lớp thứ ba khúc Nghê Thường thôi sao? Hoặc có thể là phách trong nhịp múa hay cử động khác, có âm thanh đặc biệt để mà kiểm nghiệm chăng? Nhưng cũng không phải. Khúc Nghê Thường phàm có 13 lớp, 6 lớp trước không chia phách, đến lớp thứ 7 mới gọi là “điệp biến”, từ đây mới chia thành phách để mà múa. Cho nên Bạch Lạc Thiên (Cư Dị) có câu thơ: “Trung tự phách hoặc sơ nhập phách” (Lớp giữa réo rắt bắt đầu vào phách). “Trung tự” tức là chỉ lớp thứ 7 vậy, chứ lớp thứ ba làm gì có phách? Thế mà nói: “Phách thứ nhất lớp thứ ba”, thì có thể biết là bịa đặt rồi.

Lại có chuyện: có người xem bức tranh “Đàn Cầm Đồ” bảo: “Đây là tranh vẽ người đang chơI khúc “Quảng Lăng Tán” đây mà!” Chuyện này còn có thể tin được, bởi vì trong khúc Quảng Lăng Tán có một số thanh âm mà những khúc nhạc khác không có, kiểu như tiếng bát tiếng sái vậy.(…)

Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

Dịch "Thính Tranh" của Liễu Trung Dung


Liễu Trung Dung 柳中庸 tên thật là Đạm 淡, người Hà Đông (TQ), không rõ năm sinh năm mất, đậu Tiến sĩ khoảng niên hiệu Đại Lịch đời Đường, từng làm chức Hộ tào ở Hồng Phủ, là bạn thơ cùng nhóm Lư Luân, Lý Đoan.
Gần đây đọc được bài thơ Thính Tranh của ông, thấy chưa có ai dịch (hoặc mình chưa được biết) nên đưa lên đây mong mọi người cùng tham gia dịch.

听筝

  抽弦促柱听秦筝, 无限秦人悲怨声。
  似逐春风知柳态, 如随啼鸟识花情。
  谁家独夜愁灯影? 何处空楼思月明?
  更入几重离别恨, 江南歧路洛阳城。

THÍNH TRANH

Trừu huyền xúc trụ thính Tần tranh;
Vô hạn Tần nhân bi oán thanh.
Tự trục xuân phong tri liễu thái;
Như tùy đề điểu thức hoa tình.
Thùy gia độc dạ sầu đăng ảnh;
Hà xứ không lâu tư nguyệt minh?
Cánh nhập kỷ trùng li biệt hận;
Giang Nam kỳ lộ Lạc Dương thành.


Dịch nghĩa:

So dây nắn phím nghe vẳng tiếng đàn tranh nước Tần;
Biết bao nhiêu tiếng buòn thảm của người đất Tần.
(âm thanh) Dường như đuổi theo làn gió xuân biết được dáng vẻ của liễu;
(Lại) như theo tiếng chim hót hiểu rõ tâm tình của hoa.
Nhà ai đêm một mình buồn bã với bóng đèn cô lẻ;
Nơi nào lầu cao trống vắng nhớ đến đêm trăng sáng?
Lại càng thêm vào mấy lớp hận chia li;
đất Giang Nam, thành Lạc Dương con đường gập ghềnh trắc trở.


(Bài thơ Thính Tranh CHĐ viết tặng đào nương Thùy Linh - Ca trù Thăng Long)


Dịch thơ:

Nắn phím so dây vẳng tiếng tranh;
Nghe dường ai oán biết bao tình.
Như hòa chim hót hay hoa thắm;
Tựa quyện xuân phong biết liễu xanh.
Đêm vắng nhà ai sầu bóng lẻ;
Lầu không nào chốn nhớ trăng thanh.
Khúc đâu mấy lớp sầu ly biệt;
Khắc khoải Giang Nam lại Lạc Thành.

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

“Tế Điệt Cảo” của Nhan Chân Khanh - Thiên hạ đệ nhị hành thư

“Tế Điệt Cảo” hay “Tế Điệt Thiếp” gọi đầy đủ là “Tế Điệt Quý Minh Văn Cảo” (Bản thảo bài văn tế cháu là Quý Minh) là một trong những tác phẩm thư pháp còn lại của nhà thư pháp nổi tiếng đời Đường – Nhan Chân Khanh. Tế Điệt Cảo được tôn xưng là “Thiên hạ đệ nhị hành thư” trong tam đại hành thư thư pháp thiếp (Đệ nhất là “Lan Đình tự” của Vương Hi Chi, và đệ tam là “Hàn Thực thiếp” của Tô Đông Pha), và là một trong 10 danh thiếp truyền thế của Trung Hoa.




Nhan Chân Khanh (709 – 785) tự Thanh Thần, thường được người đời gọi là: Nhan Bình Nguyên, Nhan Lỗ Công, xuất thân trong một gia đình danh gia vọng tộc ở thôn Đôn Hóa, huyện Trường An tỉnh Thiểm Tây (nay là ngoại ô TP Tây An), là cháu 7 đời của Nhan Sư Cổ đời Bắc Tề (nhà văn học, học giả nổi tiếng từng chú giải sách Hán Thư). Ông là một vị quan thanh liêm, trung trực không ngừng đấu tranh vì sự thống nhất và an định của quốc gia, chống lại các gian thần khi ấy như: Dương Quốc Trung, Lư Kỷ, khi loạn An Sử nổ ra, ông lại anh dũng ngoan cường chiến đấu chống lại các phần tử phản loạn An Lộc Sơn, Lý Hi Liệt …và hi sinh vì nước. Có thể nói thành tích cả về chính trị lẫn thư pháp của ông đều đáng để người đời truyền tụng và ngưỡng vọng.

Năm Thiên Bảo thứ 12 đời Đường Huyền Tông (753) Nhan Chân Khanh bị Dương Quốc Trung bài xích, ra làm chức Thái thú Bình Nguyên (nay là Đức Châu, Sơn Đông), đến năm Thiên Bảo thứ 14 (755) An Lộc Sơn và Sử Tư Minh nổi dậy ở Phạm Dương (phía nam Bắc Kinh ngày nay) bắt đầu thời kỳ loạn An Sử nổi tiếng trong lịch sử. Các quận ở Hà Bắc nhanh chóng bị quân phiến loạn đánh chiếm, duy có quận Bình Nguyên của Nhan Chân Khanh dương cao cờ nghĩa, khởi binh chống giặc và được suy tôn là thủ lĩnh. Khi ấy người anh họ của ông là Nhan Cảo Khanh làm thái thú ở Thường Sơn (nay là Chính Đinh, Hà Bắc) phái người con thứ 3 là Nhan Quý Minh liên hệ với Nhan Chân Khanh để hợp tác chống giặc. Nhan Cảo Khanh và quan trưởng sử Viên Lịch Khiêm bày kế giết tay chân của An Lộc Sơn, Lý Khâm Tấu trấn thủ ở ải Thổ Môn (nay là Tỉnh Kinh, Hà Bắc) cũng đoạt lại được Thổ Môn. Tình thế có chuyển biến tốt, Nhan Cảo Khanh lại phái con trưởng là Nhan Tuyền Minh áp giải tù binh về Trường An báo tiệp, đồng thời xin thêm quân cứu viện. Không ngờ, trên đường khi qua Thái Nguyên, bị tiết độ sứ Thái Nguyên là Vương Thừa Nghiệp giữ lại, Vương muốn mạo nhận công lao, liền án binh, không cứu. An Lộc Sơn biết tin Hà Bắc có biến, phái Sử Tư Minh hồi binh trở lại Thường Sơn. Quân của Nhan Cảo Khanh bị cô lập, chiến đấu kịch liệt 3 ngày lương cạn, tên kết, cuối cùng thành bị phá và bị bắt làm tù binh. Bọn Nhan Quý Minh bị sát hại, nhà họ Nhan bị giết hơn 30 người. Nhan Cảo Khanh bị áp giải đến Lạc Dương, vẫn anh dũng bất khuất, đầu tiên bị giặc chặt 1 chân, rồi bị lăng trì đến chết. Đến tận tháng 5 năm Càn Nguyên nguyên niên (758) Nhan Cảo Khanh mới được triều đình truy tặng chức Thái tử Thái bảo, ban thụy là Trung Tiết. Nhan Chân Khanh khi ấy nhậm chức Thái thú Bồ Châu, sau khi nghe được tin này, liền phái con trưởng của Cảo Khanh là Nhan Tuyền Minh đến Thường Sơn, Lạc Dương để tìm di hài của Quý Minh và Cảo Khanh, chỉ tìm thấy đầu của Quý Minh và một phần di cốt của Cảo Khanh. Nhan Chân Khanh đã viết bản thảo văn tế người cháu là Quý Minh này để tạm thời an táng phần thi cốt tìm được. (Trần Hưng Đạo trong bài Hịch Tướng Sĩ từng nhắc đến tấm gương hi sinh anh dũng của Nhan Cảo Khanh trong đoạn đầu - phần nêu gương các anh hùng nghĩa sĩ đời xưa, như sau: “Cảo Khanh nhất viễn thần dã, khẩu mạ Lộc Sơn nhi bất tòng nghịch tặc chi kế. Tự cổ trung thần nghĩa sĩ, dĩ thân tuẫn quốc, hà đại vô chi?” (Cảo Khanh, một bề tôi xa, miệng mắng Lộc Sơn chẳng chịu theo mưu kế của giặc. Từ xưa, bậc trung thần nghĩa sĩ xả thân vì nước đời nào chẳng có!) )

Tế Điệt Cảo của Nhan Chân Khanh được viết năm Càn Nguyên nguyên niên đời Đường (758) theo lối hành thư trên giấy bản kích thước 28,2 x 75,5 cm, bao gồm 23 hàng, mỗi hàng từ 11 đến 12 chữ không giống nhau, tổng cộng 234 chữ. Trải qua thời gian, tác phẩm từng được lưu giữ tại Nội phủ đời Tuyên Hòa nhà Tống, qua tay Trương Yến, Tiên Vu Khu đời Nguyên, Ngô Đình đời Minh, Từ Càn Học, Vương Hồng Tự đời Thanh, và Nội phủ nhà Thanh, hiện nay được lưu giữ tại viện Bảo tàng Cố cung ở Đài Bắc. Trên tác phẩm hiện có thể thấy nhiều dấu triện khác nhau như: Triệu thị Tử Ngang thị, Đại Nhã, Tiên Vu, Khu, Tiên Vu Khu Bá Kỷ Phụ, Từ ….

Về thư pháp, Tế Điệt Cảo có 3 đặc điểm chính là:

1. Có bút pháp viên chuyển mạnh cứng của triện thư: tức lấy viên bút trung phong làm chính và tàng phong thu bút. Những chỗ chuyển triết hoặc hóa phồn thành giản, cứng đẹp tự nhiên, hoặc đột ngột dừng bút, đè bút thật mạnh. Chỗ liền nối, bút viên ý gộp, thống khoái lâm ly …

2. Mở ra lối kết thể chương pháp tự nhiên: Bản thảo này khác hẳn phong cách tú dật đẹp đẽ, mậu mật thanh gầy của Nhị Vương, lối kết thể trở nên rộng mở, tự nhiên, thưa thoáng. Hành khí giữa các chữ tùy tình cảm mà biến hóa.không để tâm đến khéo hay vụng, nhưng khoanh gạch xóa sửa chữ có thể thấy rải rác, chính sự vô tâm đó càng khiến bức chữ mang nét đẹp tự nhiên. Công lực thư pháp không hề có nét dụng công mà chỉ là công lực tự nhiên do rèn luyện mà mang lại, khiến bức thiếp biến hóa sinh động, qua nét chữ thấy rõ tình cảm, nỗi niềm bi phẫn trong lòng người viết.

3. Mặc pháp khô sít, sinh động: Trong bản thảo này, số nét viết với mực khô sít khá nhiều, màu mực đậm mà khô. Điều này có liên quan tới các công cụ mà Nhan Chân Khanh sử dụng khi viết (bút kiêm hào hoặc ngạnh hào ngắn và cùn, mực đậm và giấy bản) Những nét bút khô và mạch bút liền nối có thể cho ta quá trình hành bút cũng như nét kỳ diệu trong sự thay đổi của bút phong, có tác dụng rất lớn cho người học hành thảo thư.

Nội dung của thiếp Tế Điệt Cảo:

Duy Càn Nguyên nguyên niên, tuế thứ Mậu Tuất, cửu nguyệt Canh Ngọ sóc, tam nhật Nhâm Thân. (xóa 2 chữ: “tòng phụ”) Đệ thập tam thúc, ngân thanh Quang lộc đại phu (thiếu chữ đại), sứ trì tiết Bồ châu chư quân sự, Bồ châu Thứ sử, Thượng khinh xa đô úy, Đan Dương huyện khai quốc hầu Chân Khanh, dĩ thanh chước thứ tu, tế ư vong điệt tặng Tán thiện Đại phu Quý Minh chi linh viết:
Duy nhĩ đỉnh sinh; Túc tiêu ấu đức; Tông miếu hồ liễn; Giai đình lan ngọc (xóa 4 chữ: “phương bằng tích thiện”) Mỗi úy nhân tâm; Phương kỳ tiển cốc.

Hà đồ, Nghịch tặc khai hấn; Xưng binh phạm thuận. Nhĩ phụ (xóa 2 chữ: “(…) chế” đổi thành “Bị hiếp” rồi lại xóa) kiệt thành; Thường Sơn tác quận. Dư thời thụ mệnh; Diệc tại Bình Nguyên. Nhân huynh ái ngã; (xóa chữ: “khủng”) Tỉ nhĩ truyền ngôn. Nhĩ ký quy chỉ; Viên khai thổ môn. Thổ môn ký khai; Hung uy đại kiển. (xóa 6 chữ: “tặc thần ủng chúng bất cứu”) Tặc thần (xóa chữ “ủng”) bất cứu; Cô thành vi bức. Phụ (xóa chữ “cầm”) hãm tử tử; Sào khuynh noãn phúc. Thiên bất hối họa; Thùy vi đồ độc? Niệm nhĩ cấu tàn; Bách thân hà thục? Ô hô ai tai!
Ngô thừa thiên trạch; Di mục (xóa 3 chữ: “hà đông cận”) hà quan. (xóa 2 chữ: “Nhĩ chi”) Tuyền Minh tỉ giả; Tái hãm Thường Sơn. (xóa chữ “đề”) Huề nhĩ thủ thấn; (xóa 4 chữ: “diệc tự Thường Sơn) Cập tư đồng hoàn. Phủ niệm thôi thiết; Chấn điệu tâm nhan. Phương sĩ (xóa 2 chữ không rõ là chữ gì) viễn nhật. (lại xóa 1 chữ không rõ) Bốc nhĩ u trạch. (xóa chữ “phủ”) Hồn nhi hữu tri. Vô ta cửu khách. Ô hô ai tai! Thượng hưởng!

Dịch nghĩa:

Niên hiệu Càn Nguyên năm thứ nhất, nhằm năm Mậu Tuất, tháng 9 ngày mồng một là ngày Canh Ngọ, đến mồng 3 là ngày Nhân Thân. Chú thứ 13 là Chân Khanh chức Quang Lộc đại phu mang ấn bạc dây xanh, quản các việc quân sự ở Bồ Châu, Bồ châu Thứ sử, Thượng khinh xa đô úy, tước Khai quốc hầu huyện Đan Dương, đem rượu nhạt thức quê mà tế trước vong linh cháu là Quý Minh được tặng chức Tán thiện Đại phu rằng:

Nhớ cháu xưa khi mới sinh ra, từ nhỏ đã nêu cao đức hạnh. Thực như hồ liễn làm rạng rỡ cho tông miếu, lan ngọc gây tiếng thơm cho sân thềm. Trong lòng ai cũng vui mừng, Mong muốn nên hay nên tốt.

Nào ngờ đâu, quân nghịch tặc gây hấn; nổi binh xâm phạm. Cha cháu dốc lòng trung, làm chức quận ở Thường Sơn. Chú khi ấy cũng nhận mệnh, đang giữ đất Bình Nguyên. Nhân huynh thực thương ta, sai cháu đưa tin đến. Đến lúc cháu trở về, lại lấy lại được đất Thổ Môn. Đất Thổ Môn lấy lại rồi, quân hung đồ phải khốn đốn. Thế mà tên tặc thần không cứu, khiến cô thành lại bị vây bức. Làm cho cha bị bắt, con hi sinh. Thực là tổ nhào trứng lật! Hỡi trời có hối vì gây họa, bởi ai gây chuyện ác độc này. Ngẫm cháu chịu cảnh tàn sát, dẫu có trăm thân nào chuộc? Ô hô ai tai!

Chú được ơn vua, đến làm chức châu mục ở nơi quan hà (Bồ Châu). Chỉ có Tuyền Minh là người ruột thịt, lại đến Thường Sơn đưa thủ thấn (quan tài chỉ có đầu) của cháu cùng trở về đây. Thấy cháu lòng thêm xót xa thương nhớ, ruột quặn lòng đau. Cháu hãy đợi đến ngày sau, chọn được nơi đất tốt xây mộ. Linh hồn cháu như có thấu cho, xin chớ oán thán phải làm khách trọ mãi. Ô hô ai tai! Thượng hưởng!

Anh sẽ cùng em đến nơi xa nhất

ANH SẼ CÙNG EM ĐẾN NƠI XA NHẤT
                                                                                                                - Vương Văn (TQ)


Nhân vật chính trong câu chuyện này là hai chiếc lá. Một chiếc lá bàng và chiếc kia là một chiếc lá lộc vừng. Chúng đã không thể có cơ hội gặp nhau, nếu như … Có lẽ là duyên chăng, mà đã khiến cho giữa chúng nảy sinh một tình yêu mà không ai nghĩ có thể thuộc về chúng.
A
Bên khuôn hồ trong vắt, một con đường nhỏ với hai hàng cây bàng cao lớn khiến cho nó trở nên thật yên tĩnh và thanh bình giống như một chốn đào nguyên xa rời hẳn sự ồn ào nơi phố xá. Những cây bàng trồng bên đường thật thẳng thắn. Nhưng cũng giống như tất cả sự tĩnh lặng đều ẩn chứa một tiếng gào thét, tất cả những tứ nhạc đều tồn tại một âm thanh không hài hoà, ở đó cũng có một sự không chỉnh tề, không quy tắc: bên một gốc bàng xù xì thô ráp, có một cây lộc vừng nhỏ mọc lên. Vì chúng rất gần nhau, nên qua vài năm lớn lên, hai vòm lá của hai cái cây đã có những cành đan xen với nhau, những lớp lá đã loà xoà chạm vào nhau. Thế rồi vào một đêm lặng gió, khi những chiếc lá đã ngủ yên, một chú nhện đã bò lên cây bàng, và dệt một tấm lưới thật đẹp giữa hai nhân vật chính của chúng ta. Sáng sớm hôm sau, chiếc lá bàng bừng mở mắt, và phát hiện mình đã bị tấm lưới nhện dính chặt với một chiếc lá lộc vừng xa lạ. Chiếc lá lộc vừng đối diện thật trẻ trung, với một màu xanh mướt toả bừng lên hơi thở của cuộc sống. Chàng lá bàng không thể không thừa nhận vì sự xuất hiện của cô nàng lộc vừng mà trái tim nó như đập nhanh hơn hẳn mọi ngày.
B

"Xin chào, anh lá bàng cao lớn" - nàng lộc vừng cất lời chào chiếc lá lớn như một bàn tay trước mắt. Chàng cũng cúi mình thật lịch lãm. "Chiếc lưới này thật chắc, cứ đứng lặng với nó thế này thì buồn lắm, mình trò chuyện với nhau nhé!" Chàng lá bàng vui vẻ nhận lời ngay. Tim nó đập rộn ràng. Nhìn tấm lưới chằng chịt phức tạp giữa mình với nàng lộc vừng, trong lòng nó hơi lo lắng. "Này…" lá lộc vừng nói to bên tai nó, "Trong lúc nói chuyện với một cô gái mà anh lại để tâm đi đâu thế, đó không phải là việc một người lịch sự làm đâu đấy." Lá bàng giật mình, chợt thấy mình đã thất thố, nó cuộn mép lá, bật cười hì hì trông thật ngốc nghếch. Vừa nãy nó đang nghĩ đến một câu chuyện vẫn được lưu truyền trong đám lá bàng với nhau, câu chuyện kể rằng một chiếc lá đã đem lòng yêu một con bướm, thời khắc cuối cùng con bướm đến bên chiếc lá là lúc nào thì không rõ nữa. Nó đến rồi đi, chiếc lá cứ trông ngóng bóng hình của bướm, để rồi mình thì đã bị tuyết trắng phủ kín lúc nào không biết. Chàng thấy chiếc lá ấy thật ngu xuẩn, chỉ vì cái tình yêu mà từ xưa đến nay chẳng bao giờ thuộc về giới thực vật mà lại đem cả tính mạng ra để chống lại số mệnh đã định.

Lá lộc vừng vẫn đang hào hứng nói, những chủ đề nàng nói đến cũng giống y như nàng, tràn đầy sức sống và tung tăng khắp bốn phương. Điều ấy khiến chàng lá bàng chỉ ứng đối thôi đã mệt toát cả mồ hôi. Nàng chẳng rõ cố ý hay vô ý, còn đưa ra cho chàng hàng loạt câu hỏi về đủ thứ lĩnh vực: về cuộc sống, về tự nhiên, về tình yêu … Lá bàng thực sự ngạc nhiên về độ khó và độ sâu sắc của các câu hỏi ấy. Chàng phát huy tất cả các tế bào có thể sử dụng để suy nghĩ, và cẩn thận từng từ từng câu đáp lại, cuối cùng thì cũng giải quyết được đống câu hỏi của nàng.

"Không ngờ anh đúng là một chiếc lá đầy vẻ đẹp bên trong đấy! Anh không sợ em sẽ yêu anh hay sao?" Giọng nàng nói nhẹ nhàng, vậy mà như "một tiếng nổ kinh người". Chàng nghe được câu này, chỉ kém chút nữa thì rơi từ trên cành xuống đất. Lá lộc vừng cười khanh khách, tiếng cười thật vang thật giòn. Chàng nhìn nàng cười, trong lòng như si dại.


C

Những ngôi sao treo trên bầu trời đêm, những con chim cũng trở về tổ ấm. Lá lộc vừng trong lòng cảm thấy thật thư thái, chưa hề có chút gì tỏ ý muốn đi nghỉ. Nàng cất tiếng hát một bài hát, giọng hát của nàng thật nhẹ, nhưng lại có thể truyền tới tận những nơi thật xa. Tiếng hát bay qua mặt hồ, nhẹ nhàng như múa lên mặt sóng. Nàng mỉm cười dừng lại, như nhìn thấy sự kinh ngạc khó tả trên khuôn mặt chàng. "Em hát xong rồi, đến lượt anh đó."

Lá bàng sợ nhất là hát, chàng không có cái năng khiếu ấy. Để khỏi phải hát, chàng quay ra đem tình lý thuyết phục nàng để nàng bỏ cái suy nghĩ "đáng sợ" ấy đi. "Nếu anh không hát, em sẽ không chơi với anh nữa đâu, thật đấy." Lá lộc vừng nhìn thẳng vào chàng vẻ rất cương quyết. Thôi được, hát thì hát, cứ cho da mặt dầy thêm một chút là không xấu hổ. Lá bàng suy nghĩ hồi lâu. Chàng chọn bài hát "Sao nói được lời yêu", hắng giọng mấy lần, rồi hát: "…Sao nói được lời yêu, trong lòng anh thật khó thốt lên lời, nếu có thể ôm em vào lòng, anh sẽ nén tim mình không bật khóc…" Lần ấy quả là chàng đã hát hay một cách khó hiểu. Có lẽ nhạc sĩ đã viết bài hát quá hay chăng, hay là những lời ấy đã được thốt ra từ chính trái tim chàng, ai rõ được nhỉ? Từ lúc tiếng hát của chàng cất lên cho đến lúc kết thúc, nàng cứ tròn miệng nhìn chàng đăm đắm.

Một khoảng trống im ắng, nàng chợt quay người lại, chiếc lá xanh non tươi mới của nàng nhẹ nhàng ngả vào chiếc lá to rộng như một bàn tay của chàng và chìm vào giấc ngủ êm đềm. Gần sáng, trời đổ một trận mưa bất chợt, để cho nàng khỏi lạnh, chàng cúi mình dùng chiếc lá lớn của mình để che cho toàn thân nàng khỏi ướt. "Đêm nay anh không cần những giấc mơ, anh đã có em rồi!" Nghe những hơi thở nhẹ nhàng và bình yên của nàng, chàng thốt lên. Hôm sau, chàng ốm - chàng bị cảm nặng và thắt lưng đau buốt …

D

Đó là những ngày chàng và nàng sống thật hạnh phúc, đến ông trời trông thấy họ cũng phải phát ghen. Năm ấy mùa đông đến sớm một cách đặc biệt, lại còn mang theo những trận gió bắc thật lạnh giá. Lá lộc vừng đã không còn cái màu xanh non tơ nữa, quanh những mạch lá đã có những sắc hồng, chỉ có mép ngoài là còn lưu những điểm xanh. Cuống lá của nàng đã có vẻ lung lay, nàng hiểu, cái ngày mình sẽ theo gió bay đi không còn xa nữa.

"Cảm ơn anh đã ở bên em trong suốt thời gian dài như vậy" - nàng có vẻ đau buồn. "Anh sẽ cùng em tới nơi xa nhất, hãy tin anh" - chàng ráng hết sức nói. Nàng không thể ngăn được những giọt lệ đã đong đầy trong khoé mắt, lần đầu tiên nàng khóc trước mặt chàng. Chàng muốn cười một tiếng thật sảng khoái để an ủi nàng, nhưng chàng không làm được. Để che những luồng gió rét cho nàng, chàng dường như phải gượng hết sức mình. Tấm lá vốn to lớn như vậy nhưng không thể mở rộng ra được hết, phần lớn đã khô vàng rồi, chỉ còn dựa vào một vệt xanh còn lại trên mạch lá chính để duy trì mà thôi.

Do dự mãi, chàng mới kể cho nàng nghe câu chuyện về chiếc lá và con bướm, rồi nói cho nàng nghe cách nghĩ của mình về chiếc lá. "Ngu ngốc! Anh đúng là một kẻ đại ngốc không hơn không kém! Ai bảo rằng tình yêu nhất định không thuộc về chúng ta? Nếu như anh đi tìm nó, anh cũng có thể có được hạnh phúc." - Trên má nàng hai hàng lệ lăn dài, vô cùng xúc động. Rồi một khoảng im lặng. "Nếu như anh nói anh yêu em, em cho anh là kỳ không?" - Chàng thận trọng hỏi. "Một anh chàng ngốc như anh mà cũng có lúc rất đáng yêu đấy!" Nàng nghiêng chiếc lá đã trở lên đỏ thắm nhẹ nhàng ngả vào lòng chiếc lá đã khô vàng của chàng, chẳng còn để ý đến những bông tuyết đã bay đến bên mình. Lại là một khoảng im lặng. Hai chiếc lá đã rơi khỏi cuống lá, và cứ như vậy, chúng ôm nhau bay rơi xuống mặt đất.

Gió bắc lại thổi, chúng lại được đưa lên thật cao, chiếc lưới nhện đã không còn, nhưng chúng vẫn chưa hề rời xa nhau … Hai chiếc lá rơi xuống giữa lòng hồ, nơi ấy chỉ có chúng mà thôi. "Anh đã nói, anh sẽ cùng em đến nơi xa nhất!" Chiếc lá bàng dùng những sức lực cuối cùng, kết thúc câu chuyện tình không ai có thể hay biết. Hai chiếc lá được gió lạnh thổi lăn trên mặt hồ phẳng lặng, giống như một cặp múa vũ ba lê, đang nhảy múa một điệu múa của cuộc đời, một điệu múa của tình yêu.

Sang năm sẽ lại có những mầm xanh mới, sẽ lại có những sợi tơ nhện, và đương nhiên như vậy, cũng sẽ có những tình yêu …

(CHĐ dịch)

Bài Văn Bia của Hồ Nguyên Trừng Và Ngôi Chùa Việt Ở TQ TK15

Hồ Nguyên Trừng (1374 – 1446) là con trai cả của Hồ Quý Ly. Tháng 11.1394 lần đầu tiên sử sách nhắc đến Hồ Nguyên Trừng với việc bổ nhiệm ông làm Phán tư sự dưới triều Trần Nghệ Tông.
Tháng 2 năm 1400 Hồ Quý Ly tiếm ngôi nhà Trần, đến tháng 12 thì tự xưng Thái thượng hoàng và nhường ngôi cho con là  Hồ  Hán Thương. Hồ Nguyên Trừng lãnh chức Tả tướng quốc.
Cuối năm 1405, nguy cơ xâm lăng của nhà Minh ngày càng rõ rệt. Khi nghị bàn quốc sự các quan trong triều chia thành hai phái đánh và hòa. Khi ấy Hồ Nguyên Trừng nói: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo thôi”.
Giữa năm 1406 Hồ Nguyên Trừng thống lĩnh binh mã cự 10 vạn quân Minh từ Quảng Tây đánh sang. Trận đầu ông thất bại ở khu vực Đáp Cầu - Bắc Ninh ngày nay, vì khinh quân địch ít. Sau đó ông cũng đuổi được chúng ra khỏi bờ cõi. Cuối năm 1406, đợt xâm lược mới của nhà Minh có quân số lên tới 80 vạn. Tả tướng quốc Nguyên Trừng chỉ huy một cánh quân tiên phong dọc sông Cái.
Thất bại này nối thất bại kia vì giặc mạnh lại biết dùng kế ly gián, chia rẽ họ Hồ với quân tướng và dân chúng. Giữa năm 1407, toàn bộ gia tộc họ Hồ, từ Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, Hồ Nguyên Trừng đến con cháu đều bị bắt sống và giải về Kim Lăng, Trung Quốc.
Vì có tài, nên sau khi bị bắt về Trung Quốc, Nguyên Trừng được tha bổng và nhậm một chức quan thuộc Công bộ, chịu trách nhiệm chế tạo hỏa súng, hỏa tiễn và thuốc súng trong Binh tượng cục (Cục chế tạo vũ khí)
Tháng sáu, năm Chính Thống thứ 10 (1445) Hồ Nguyên Trừng được thăng làm thượng thư bộ công, giữ việc nội phủ, tháng 7 năm sau mất, hưởng thọ 73 tuổi, an táng tại vùng núi phía tây Bắc Kinh, sườn núi Ngọc Đài, thôn Nam An Hà. Theo một số sách vở Trung Hoa (Minh sử cảo), triều Minh khi tế thần súng cũng thường hiến cúng Hồ Nguyên Trừng.
Hiện ở Việt Nam văn chương của Hồ Nguyên Trừng mới được biết đến qua cuốn “Nam Ông Mộng Lục” là tác phẩm ông viết trong thời gian ở Trung Quốc, với bút hiệu Nam Ông (ông già nước Nam). Trước tác gồm 31 thiên, do Hồ Huỳnh, Thượng thư bộ Lễ Minh triều đề từ năm 1440, có cả hậu tự năm 1442 của Tống Chương - cũng người gốc Việt. Hồ Huỳnh từng nhận định: "Văn họ Hồ ngắn gọn mà nghiêm trang, cẩn mật, cao nhã mà uyên bác, theo tình kể lại, theo nghĩa đặt lời... Ca ngợi sự tiết nghĩa thì bừng bừng cảm khái, có thể uốn nắn phong tục, biểu dương trước thuật thì siêu thoát, thanh tân, có thể nuôi dưỡng tính tình...". (Trong Thơ Văn Lý Trần tập III - 1978, có in toàn bộ Nam Ông Mộng Lục, tuy nhiên thiếu mấy một số thiên)
Nhưng tại chùa Tú Phong - một ngôi chùa do người Việt dựng tại Trung Quốc từ đời Minh ở phía Tây Bắc Kinh hiện còn một tấm bia do Hồ Nguyên Trừng soạn văn bia. Đó là tấm bia: “Sắc tứ Tú Phong tự bi”.


(Một góc chùa Tú Phong và Bia)

Chùa Tú Phong nằm trên núi Tú Phong thuộc thôn Nam An Hà, xã Bắc An Hà, khu Hải Điện, Bắc Kinh. Chùa do thái giám Cao Nhượng và nhà sư trụ trì người gốc Việt Nam là Trí Thâm khởi công xây dựng năm Tuyên Đức thứ 8 đời Minh (1433) đến năm Chính Thống thứ 2 đời Minh (1437) thì hoàn thành, được hoàng đế nhà Minh ban tên là Tú Phong Tự.
Ngôi chùa được dây dựng theo hướng đông, gồm ba lớp điện chính. Cuối đời Thanh chùa Tú Phong bị để hoang tàn. Đầu năm Dân quốc (1911) nhóm Lưu Trọng Lỗ, Bảo Thuỵ Thần mượn chùa và sửa chưa thêm lập toà báo Hạc Quần. Mùa xuân năm Dân quốc 14 (1925) đạo sĩ Vương Tú Chân bỏ tiền ra mua lại chùa, năm 1926 lại mua thêm các núi xung quang chùa, sau đó đổi tên chùa thành Tu Chân quán, bái Trương Nghĩa Cung làm thầy trụ trì quán này. Năm 1928, Trương Nghĩa Cung chết, Tu Chân đạo sĩ bỏ đi, Lâm Hành Quy lấy núi Tú Phong làm biệt thự đã mua chùa viện và các khu xung quanh, và lại bỏ tên quán, đổi lại thành chùa, Bảo Thuỵ Thần đề một biển cho chùa là “Tú Phong Cổ Sát”. Năm 1937 nổ ra sự kiện Mùng 7/7 ở cầu Lư Câu chùa Tú Phong trở thành căn cứ địa cho đội quân du kích Trung Quốc. Năm 1944 lập trạm tình báo Bình Tây ở chùa Tú Phong, trạm trưởng là Lương Ba. Năm 1945, lập ra Tân Văn Yếu Báo ở chùa Tú Phong, trong vòng 3 tháng phát hành khoảng 30 số, tổng biên tập là Triệu Phàm.
Có thể nói, chùa Tú Phong là một trong những ngôi chùa Việt đầu tiên của người Việt tại Hải Ngoại, và hiện còn lưu một bài văn bia do Hồ Nguyên Trừng một người Việt tài năng soạn. Xin giới thiệu nội dung bài văn bia “Sắc tứ Tú Phong tự bi” của Hồ Nguyên Trừng:


(Bản rập bia Sắc Tứ Tú Phong Tự)

SẮC TỨ TÚ PHONG TỰ BI
Chính nghị Đại phu, Tư trị doãn Công bộ Tả thị lang, Giao Nam – Lê Trừng soạn.
Tướng sĩ lang, Hồng Lô tự Tự ban, Quát quận – Quý Thuần thư.
Văn lâm lang, Đại Lý tự Hữu tự Hữu bình sự Thanh Nguyên – Trang Sâm triện ngạch.
Kinh đô chi tây khứ thành lục thập dư lý hữu tự viết Tú Phong, nãi thái giám Cao công Nhượng dữ trụ trì tăng Trí Thâm sở sáng dã. Thâm – Giao Nam danh tăng, tính Ngô thị, tự ấu xuất gia, khắc khổ tham học. Dĩ Tuyên Đức mậu thân lai đáo bắc kinh, ngẫu ngộ đại quốc sư ngô công thân tăng lục ti giảng kinh, Nguyệt Công, Luật Thiếp công định giác, Nghĩa Ô công, Hiển Toản công, Thắng Nạp công, Lý Thiền công, Nhẫn Tam công phổ hữu đồng hương chi nghị đắc lễ. Quán đỉnh Quảng thiện tây thiên phật tử đại pháp sư toại thụ tâm ấn, trú tích vu Dương Đài sơn Đại Giác tự. Nhật thường biến duyệt Đại tạng, cửu bất hạ sơn, giới hạnh tinh nghiêm, nhân đa khâm ngưỡng. 
Nhất nhật, tán sách tự bắc khả tam lý hứa, chí vu Tú Phong sơn lộc, kiến kỳ cảnh trí thanh thắng, long hổ bàn toàn, thạch bích sàm nham hoàn ủng vu kỳ hậu, tả hữu song giản giao lưu vu kỳ tiền, thảo mộc ông uý, hoa quả mậu thịnh, ý phi phàm địa. Nãi tuần vu dã lão, viết: Kỳ củ tương truyền thử cổ bảo sát chi địa dã. Thâm bi hỉ giao tịnh, thệ dĩ khôi phục thánh cảnh. Cao công văn nhi hỷ chi, nãi dũng mãnh phát tâm, khuynh kiệt tài lực vi công đức chủ, cập dữ thái giám Trần công Ngang, trung quý Hoàng công Hùng, Nguyễn Phúc Thâm, Phạm Giác Thọ, Bùi Hỉ, Kim Cương, Nguyễn Giác Mục, Trịnh Trí Quảng, Châu Phổ Minh, Trương Phúc Sơn đẳng đồng xả kỷ tư, trợ sư kiến lập đạo trường, dĩ thượng chúc thánh cung vạn tuế, thiên hạ thái bình. Sư nãi vận dụng tâm tượng, bố trí quy mô, thân tự phục cần dĩ tiên đồ lữ, phong kỳ dung thực dĩ lai chúng công. Việt tự Tuyên Đức quý sửu xuân khởi tạo, chí Chính Thống đinh tỵ đông tất công, bất ngũ lục niên nhi sơn môn trác lạc, điện vũ nguy nga, đan hoạch tinh huỳnh, kim bích hoán lạn, viên tường liêu nhiễu, lang vũ huy phi, phàm thường trụ chi du ti, các hữu kỳ sở. Thái giám Trần công Ngang, Nguyễn công Tông hựu quyên gia tư ấn tạo Đại Tạng kinh văn, trang nghiêm quỹ hạp, lưu vu bản tự dĩ vĩnh kỳ truyền. Sư giai vãng phản duyệt độc lệ chúng hiệu cần, chung cổ hương đăng, thần hôn tán vịnh, dĩ bảo hộ quốc thổ, phổ tế quần sinh.
Chí Chính Thống lục niên, tam nguyệt nhị thập nhất nhật, thái giám Cao công Nhượng thực cụ tấu, khâm mông thánh ân sắc tứ danh ngạch viết: “Tú Phong Tự”, lâm lộc sinh quang, tăng tục cải quan. Trí Thâm phần hương, khể thủ ngôn viết: “Hạnh ngộ hải nội thanh bình, nhân dân phú ấp, hựu nhân chư công đồng phát thiện tâm, trợ thành Phật sát, trí mông ân tứ, vạn đại thuỳ quang, khả bất khắc thạch dĩ thị vĩnh viễn?” Nãi mệnh kỳ đồ, yết dư trưng văn. Dư viết: “Thâm sư cần lao dĩ thành phật sự, chư công tác phúc dĩ báo thượng ân, quan kỳ dụng tâm, đồng quy chí thiện, thị nghi minh minh viết:
Thần châu đoài dã;  Sơn đĩnh Tú Phong;
Bàn long cứ hổ;          Hấp cảnh tàng phong;
Hàm hoằng sảng lãng;  Tú khí sở chung;
Giản tuyền lãnh liệt;   Thảo mộc phong nhung;
Ái nhiên phúc địa;   Nghiễm nhược phạn cung.
Phạn cung y hà?   Hữu quy hữu chế;
Điện vũ nguy nga;   Sơn môn tráng lệ;
Tượng thiết tôn nghiêm;  Long thiên dực vệ.
Sáng giả y thuỳ?   Trí Thâm trụ trì;
Viên kinh viên thuỷ;   Tải cấu tải ky (cơ)
Đại thiện đàn việt;   Trợ dĩ thành chi.
Thượng chúc thánh thọ;  Hạ hựu sinh dân;
Phúc điền quảng đại;   U hiển triêm ân.
Tự ký thành chỉ;   Danh diệc chính chỉ;
Tứ ngạch kim thư;   Sủng quang vĩ vĩ.
Duy ngã Thâm sư;  Phúc tuệ kiêm bị;
Đệ nhất khai sơn;  Lưu truyền hậu duệ;
Thuỳ phạm tương lai;  Thuật sự kế chí;
Bách thế vu tư;           Hữu long vô thế;
Tự dĩ vĩnh tồn;   Minh đồng đới lệ.
Đại Minh Chính Thống bát niên, tuế thứ Quý Hợi mạnh hạ Phật đản nhật khai sơn. Trụ trì sa môn Trí Thâm lập thạch.
Cẩm y xá nhân Chu Hưng thuyên.

Bản Dịch:
Bài văn bia ghi lại việc sắc ban biển đề Tú Phong Tự

Chính nghị Đại phu, Tư trị doãn Công bộ Tả thị lang, Lê Trừng người Giao Nam soạn.
Tướng sĩ lang, Hồng Lô tự Tự ban, Quý Thuần người Quát quận viết chữ.
Văn lâm lang, Đại Lý tự Hữu tự Hữu bình sự – Trang Sâm ở Thanh Nguyên viết chữ triện trán bia.

Từ kinh đô đi về phía tây thành hơn sáu mươi dặm, có ngôi chùa tên gọi Tú Phong, vốn do quan thái giám Cao Nhượng cùng với nhà sư trụ trì là Trí Thâm sáng lập lên. Trí Thâm là bậc danh tăng ở Giao Nam vốn người họ Ngô, từ nhỏ đã xuất gia, khắc khổ học hỏi. Năm Mậu thân niên hiệu Tuyên Đức (1428) sư đến Bắc Kinh, ngẫu nhiên gặp đại quốc sư giảng kinh ở ti Tăng lục, có các ngài Nguyệt Công, Luật Thiếp biết đến. Lại nhân các ông Nghĩa Ô, Hiển Toản, Thắng Nạp, Lý Thiền, Nhẫn Tam đều là những người có tình đồng hương mà đắc lễ. Đại pháp sư là bậc Tây thiên Phật tử có lòng quảng thiện bao trùm bèn truyền cho tâm ấn và trụ trì ở chùa Đại Giác trên núi Dương Đài. Thường ngày sư đọc hết kinh Đại Tạng, suốt thời gian dài không xuống núi, giới hạnh rất tinh nghiêm, mọi người đều kính ngưỡng.
Một hôm, sư chống gậy dạo bước lên phía bắc chùa chừng 3 dặm đến sườn núi Tú Phong, trông thấy cảnh trí đẹp đẽ, hình thế như rồng cuộn hổ nằm, vách đá chon von vây bọc quanh phía sau, bên phải bên trái hai dòng suối nối dòng ở trước mặt, cỏ cây mươn mướt, hoa quả tốt tươi, ý chẳng phải nơi phàm địa. Sư bèn hỏi thăm các bậc già lão, thì thấy bảo: các cụ già truyền lại đất này vốn là nơi chùa thiêng ngày xưa. Trí Thâm vui sướng nghẹn ngào nguyền sẽ khôi phục lại nơi đất thánh. Cao công nghe được mừng lắm, bèn ra sức phát tâm, dốc hết tiền của đứng ra làm chủ công đức, cùng với thái giám Trần Ngang, trung quý Hoàng Hùng, Nguyễn Phúc Thâm, Phạm Giác Thọ, Bùi Hỉ, Kim Cương, Nguyễn Giác Mục, Trịnh Trí Quảng, Châu Phổ Minh, Trương Phúc Sơn, …cùng bỏ tiền riêng giúp sư xây dựng đạo trường để cầu chúc thiên hạ thái bình, đức vua muôn tuổi.
Sư bèn dụng tâm sắp đặt, bố trí quy mô, tự mình chăm chỉ tân cần để làm gương cho môn đồ, sắp đặt tiền gạo dồi dào để thợ thuyền kéo đến. Thế là từ mùa xuân năm Quý sửu niên hiệu Tuyên Đức (1433) bắt đầu khởi tạo, đến mùa đông năm Đinh tỵ niên hiệu Chính Thống (1437) thì xong, chưa tới năm sáu năm mà sơn môn chất ngất, điện vũ nguy nga, màu son chói lọi, kim bích lung linh, tường hoa quanh co, toà ngang dãy dọc, phàm những nơi thường phải có thì chỗ nào chỗ ấy đều đầy đủ. Thái giám Trần Ngang, Nguyễn Tông lại quyên góp gia tư, để in ấn Đại Tạng kinh, đầy đủ hộp tủ nghiêm trang lưu giữ ở trong chùa để lưu truyền mãi mãi. Sư (Trí Thâm) vẫn thường qua lại xem đọc luôn luôn để khuyến khích mọi người cùng chăm chỉ học tập, chuông trống hương đèn, sớm hôm tán vịnh những mong bảo hộ quốc thổ, phổ tế quần sinh.
Đến ngày 21 tháng Ba năm Chính Thống thứ 6 (1441), thái giám Cao Nhượng thực tình dâng tấu lên hoàng đế, kính đội ơn vua ban cho biển ngạch đề tên “Tú Phong Tự”, khiến cho rừng núi cũng rạng rỡ, tăng tục đều mở mắt. Trí Thâm đốt hương dập đầu bảo: “May được gặp khi trong nước thái bình, nhân dân no ấm, lại nhân các ngài cùng phát thiện tâm mà giúp thành chùa phật, nên được ơn vua ân tứ, soi sáng muôn đời, há chẳng nên khắc bia mà lưu truyền mãi về sau ư?” Bèn sai đệ tử đến chỗ tôi nhờ viết văn bia. Tôi nói: “Sư Trí Thâm khó nhọc mong nên Phật sự, các ngài lại làm việc phúc để báo ơn vua, coi chỗ dụng tâm đều cùng đến nơi cực thiện, vậy xin viết bài minh rằng:
Đồng tây Thần Châu;   Núi dựng Tú Phong
Hổ ngồi rồng cuộn;   Cảnh đẹp ẩn trong;
Rộng cao sáng láng;  Tú khí đúc hun;
Suối khe mát rượi;   Cây cỏ tươi hồng
Thực nơi phúc địa;  Tựa chốn Phạn cung;
Phạn cung thế nào?   Có quy có chế;
Điện vũ nguy nga;  Cổng tường tráng lệ;
Tượng phật tôn nghiêm; Thiên thần bảo vệ;
Dựng cảnh là ai?   Trí Thâm trụ trì;
Nào sau nào trước;  Xây đắp đủ bề;
Đàn việt lòng thiện;   Giúp việc chẳng nề.
Cầu chúc thánh thọ;   Phù trợ nhân dân;
Ruộng phúc to lớn;   Linh hiển ra ân!
Chùa đã dựng được;   Danh đã lập được;
Vua ban chữ vàng;   Sủng ân chói rực;
Sư Trí Thâm ta:           Kiêm gồm phúc tuệ;
Đứng đầu dựng chùa;  Lưu truyền hậu duệ;
Làm gương đời sau;   Thuật chuyện nối chí;
Trăm đời ở đây;   Thịnh hưng vẫn để;
Còn mãi chùa này;  Viết minh cổ lệ
Ngày Phật đản tháng đầu mùa hạ năm Quý Hợi niên hiệu Chính Thống năm thứ 8 (1443) triều Đại Minh. Sa môn trụ trì Trí Thâm lập bia.
Cẩm y xá nhân Chu Hưng khắc.

Tết Trung Thu năm Mậu Tí
Lê Tiến Đạt  - Hà Nội

Đoạn kết cuộc đời Danh kỹ Lý Sư Sư

Lý Sư Sư là một danh kỹ nổi tiếng tài hoa sống cuối thời Bắc Tống tại Đông Kinh (Khai Phong), mà cũng đã khá quen thuộc với khán giả Việt Nam qua một số phim dã sử Trung Quốc. Các nhà làm phim đã khai thác nhân vật này ở các khía cạnh khác nhau, trong những giai đoạn khác nhau. Thế nhưng đoạn kết cuộc đời của Lý Sư Sư thực sự như thế nào, có lẽ vẫn còn nhiều tranh cãi. Dưới đây là một bài viết CHĐ sưu tầm và dịch từ tài liệu tổng hợp của Trung Quốc để mọi người tham khảo.

Những câu chuyện về Lý Sư Sư tuy không thấy trong chính sử, nhưng trong dã sử hay các thoại bản dân gian thì có thể thấy rất đầy đủ và sinh động. Trong "Thuỷ Hử Truyện", tác giả sách này đã viết về Lý Sư Sư với quan hệ mật thiết tới việc chiêu an các anh hùng Lương Sơn Bạc, và nhờ vậy mà cô đã trở thành một nhân vật phong lưu tột bực trong những năm Chính Hoà thời Tống Huy Tông. Về sau, cô lại trở thành một hình mẫu đặc thù cho các văn nhân mượn để châm biếm những ông vua hoang dâm vô độ. Sử Mộng Lan đời Thanh có bài thơ: "Vi Tống diễm đề từ" (Đề từ cho bức tranh người đẹp đời Tống) như sau:

Tống sử cao tiêu đạo học danh,
Phong lưu thiên tử khước đa tình.
An An Đường dữ Sư Sư Lý,
Tận đắc thừa ân nhập cấm thành.

(Tạm dịch:

Tống sử nêu cao người học đạo,
Phong lưu thiên tử cũng đa tình.
An An Đường với Sư Sư Lý,
Đều được ơn vua đến Cấm thành.)

(Đường An An cũng là một danh kỹ ở Hàng Châu được Tống Lý Tông rất sủng ái)

Những câu chuyện về Lý Sư Sư phần nhiều được thấy trong các bút ký của người thời Tống. Trong "Quý Nhĩ Lục" của Trương Đoan Nghĩa, "Mặc Trang Mạn Lục" của Trương Bang Cơ đều nói đến Lý Sư Sư là một người dịu dàng, phong nhã, từng giao lưu với các nhà viết từ nổi tiếng như Chu bang Ngạn, Tiều Xung Chi, và hai ông đều có thơ, từ lưu tặng. Sách "Thanh Nê Liên Hoa Ký" thì chép: "Danh kỹ Lý Sư Sư ở ngõ Kim Tuyến trong thành Đông Kinh, tài nghệ và dung mạo đều tuyệt trần. Huy Tông từ những năm Chính Hoà về sau, thường vi hành ngồi kiệu nhỏ, với vài nội thần dẫn đường đến chơi nhà Lý Sư Sư." Nhưng vi hành thế nào cũng không thể che giấu mãi được, chuyện hoàng đế đến chơi nhà kỹ nữ thời đó quả thực là một chuyện "kinh thiên động địa" ở kinh đô, nên ai cũng biết. Lý Sư Sư nhờ có thể đầu gối má kề với vua nên quyền thế nghiêng ngửa một thời, thậm chí như sách "Úng Thiên Toả Ngữ" nói: "Tướng giặc ở Sơn Đông là Tống Giang, tính chuyện quy thuận, bèn trốn đến Đông Kinh tìm gặp Lý Sư Sư." Sau đó, Tống Huy Tông đã cố tình tạo ra một cái vỏ bọc là khách buôn cho Lý Sư Sư rồi công khai đưa vào hoàng cung phong làm Doanh Quốc Phu nhân, Lý Minh phi.

Tuy nhiên ngày vui ngắn chẳng tày gang, chẳng bao lâu thì Huy Tông do sợ hãi uy lực nước Kim, phải truyền ngôi cho thái tử Triệu Hoàn tức Tống Khâm Tông, rồi trốn vào trong cung Thái Ất xưng là Đạo Quân Giáo chủ. Lý Sư Sư mất chỗ dựa, bị phế làm thứ dân, và đuổi khỏi cung, nhà cửa, gia sản đều bị tịch biên.

Cũng có thuyết nói, Sư Sư tự thấy trong nhà nhiều của cải, khó trách khỏi tai hoạ, bèn nhân khi quân Kim gây loạn ở Hà Bắc, "đem hết của cải được ban tặng khi xưa, giao nộp cho phủ doãn Khai Phong, xung vào của công để giúp quân lương ở Hà Bắc" (Theo "Lý Sư Sư ngoại truyện").

Nhưng dù thế nào thì qua lần đại biến động đó, Lý Sư Sư trong nhà cũng "sạch như chùi". Chẳng bao lâu, quân Kim lại vây đánh Khai Phong lần thứ 2, bắt Huy Tông, Khâm Tông và tôn thất họ Triệu đem về phương bắc, chuyện về Lý Sư Sư từ đó về sau có nhiều người chép, nhưng mỗi người một khác.

Tác phẩm khuyết danh thời Nam Tống - "Lý Sư Sư Ngoại Truyện" có thể nói là đã ghi chép tường tận nhất, rằng: "Sau khi người Kim phá Biện Kinh, chủ soái giặc là Thát Lãn đòi tìm Sư Sư, nói: "Chúa ta đã biết đến tên Sư Sư, tất phải bắt sống. Tìm nhiều ngày vẫn chưa thấy, bọn Trương Bang Xương (hàng thần nhà Tống - CHĐ) dò theo tông tích, bắt được, đem hiến vào doanh trại quân Kim. Sư Sư liền mắng rằng: "Ta chỉ là một kỹ nữ hèn kém, nhưng đã chịu ơn vua yêu mến, thì thà chết chứ không có lòng khác. Còn như các người, chức cao lộc hậu, triều đình nào có phụ bạc gì các người, mà các người lại tìm cách chém giết muôn dân, huỷ hoại tông miếu?" Nói rồi rút cây trâm trên đầu tự đâm vào cổ, nhưng không chết, bèn bẻ ra nuốt vào bụng mà chết." Tác giả cũng bình luận: "Xem tiết tháo cuối đời của Sư Sư, lẫm liệt khác nào trang hiệp sĩ, không thể coi là kẻ phàm dung được!"

Hoàng Đình Giám đời Thanh trong "Lâm Lang Bí Thất Tùng Thư" cũng ca ngợi chuyện Lý Sư Sư tuẫn tiết vì nước: "Sư Sư không chỉ nổi tiếng tài sắc một thời, mà xem tiết tháo quyên sinh khảng khái lúc sau cùng, chẳng khác bậc trượng phu lẫm liệt. Chỉ bất hạnh là phải hãm thâm vào chốn ti tiện, chẳng được vào nơi màn trướng quân cơ, để tranh nêu tên tuổi ở sử xanh."

Nhưng sau này, có nhiều người dị nghị về chuyện đó, giáo sư Đặng Quảng Minh trong "Đông Kinh Mộng Hoa Lục Chú" cho rằng: "Xem chuyện này có thể thấy ngay đây là chuyện bịa đặt do người cuối đời Minh viết." Lỗ Tấn cũng xếp cuốn ngoại truyện này vào thể loại truyện truyền kỳ, và biên tập vào "Đường Tống Truyền Kỳ Tập". Nhà viết kịch Tống Chi Đích nói: "Những điều tác giả "Lý Sư Sư ngoại truyện" viết hoàn toàn là truyền kỳ, e rằng cảm khái nhiều hơn là sự thực. Có lẽ ông muốn mượn chuyện trung nghĩa của Sư Sư để chê trách thời thế bấy giờ mà thôi."

Chuyện về Lý Sư Sư sau khi Biện Kinh thất thủ, còn có người cho rằng, cô bị bắt làm tù binh đưa về phương bắc, ép gả cho một tên lính già ốm bệnh, kết thúc cuộc đời một cách nhục nhã. Đinh Dược Cang người đời Thanh trong "Tục Kim Bình Mai" đã tán đồng theo cách nói này.

Nhưng lại có thuyết nói: Khi tướng Kim là Thát Lãn theo danh sách các phụ nữ được bọn hàng thần Trương Bang Xương đưa lên để bắt về hoàng cung nhà Kim, thì Lý Sư Sư đã đi tu, trở thành một nữ đạo sĩ rồi, nên không nằm trong số đó nữa. Có thể nói, các tiểu thuyết gia tuỳ vào mục đích của mình đã thêm bớt và tạo ra rất nhiều kết cục cho nhân vật này.

Thực ra ngay thời Nam Tống đã có những ghi chép về chuyện cuối đời của Lý Sư Sư. Sách "Thanh Nê Liên Hoa Ký" nói: "Loạn Tĩnh Khang, Sư Sư chạy xuống phía nam, có người từng gặp cô ở vùng Hồ - Tương, thấy già nua tiều tuỵ, không còn phong thái như ngày trước."

Sách "Mặc Trang Mạn Lục" cũng nói: "Khoảng niên hiệu Tĩnh Khang, Lý Sư Sư và bọn Triệu Nguyên Nô ... đều bị tịch thu gia sản. Sư Sư lưu lạc đến đất Triết, sĩ đại phu đều mời đến nhà để nghe hát, nhưng đã tiều tuỵ, không còn phong thái như xưa." Ở đây chỉ có điểm khác với "Thanh Nê Liên Hoa Ký" về địa điểm mà Sư Sư đến, đó là Triết Giang chứ không phải Hồ Nam.

Đầu đời Thanh, Trần Thẩm trong "Thuỷ Hử Hậu Truyện" cũng nói theo cách này, cho rằng đầu thời Nam Tống, Lý Sư Sư lưu lạc đến Lâm An (tức Hàng Châu) ngụ cư dưới núi Cát Lĩnh bên Tây Hồ, vẫn sống bằng nghiệp xướng ca như cũ. Trong thoại bản "Tuyên Hoà Di Sự" đời Tống, cũng có những ghi chép tương tự như trên, nhưng lại thêm vào mấy câu: "sau lưu lạc đến vùng Hồ - Tương, làm vợ một khách buôn."

Có lẽ vì vậy mà Lưu Tử Huy thời Tống đã có bài thơ "Biện Kinh Ký Sự Thi" như sau:

Liễn cốc phồn hoa sự khả thương,
Sư Sư thuỳ lão quá Hồ Tương.
Lũ kim đàn bản kim vô sắc,
Nhất khúc đương niên động đế vương

(Tạm dịch:

Xe ngựa phồn hoa chuyện khá thương,
Sư Sư già lão đến Hồ - Tương.
Áo vàng đàn phách nay đâu nhỉ,
Một khúc năm xưa động đế vương.)

Kết cục buồn đau dễ gợi lòng trắc ẩn với chính người đương thời như vậy có lẽ là đúng hơn cả với cuộc đời của danh kỹ này chăng?.