Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

Huyền Không Thảo


Cây cỏ là tinh hoa của đất trời, từ xửa xưa con người đã biết yêu hoa cỏ, và trên đời cũng có không biết bao nhiêu loài hoa cỏ khiến con người phải yêu mến, kỳ hoa dị thảo chẳng phải riêng có trong vườn ngự uyển hoàng cung. Cho nên Châu Đôn Di mới viết: “Thủy lục thảo mộc chi hoa, khả ái giả thậm phồn” (Hoa của các loài cây cỏ trên cạn dưới nước, thứ đáng yêu nhiều lắm) vậy. Thế nhưng cùng với thời gian và sự giao lưu văn hóa kinh tế từ khắp các miền trong một nước, và giữa nước nọ với nước kia, ngày càng có nhiều loài hoa thơm cỏ lạ được du nhập giữa nơi này với nơi khác. Trừ những loại hoa nổi danh được xưng tụng xưa nay như hồng, mai, lan, sen, cúc …. Thì cũng có những loài hoa không còn được ưa chuộng nữa, từ nơi vườn cảnh nó lại dần lui về nơi làng mạc, núi rừng, hoặc không thì cũng rất ít còn được thấy, vì nó phải nhường chỗ của mình cho những loài hoa đẹp cỏ thơm khác. Có lẽ loài cây tôi đang nói đến ở đây cũng vậy.

Khoảng năm 1988, 1989 khi tôi học cấp III ở Hải Phòng, có một loài cây cảnh nhỏ xinh, dù chỉ có lá xanh, chứ hình như không có hoa nhưng vẫn được nhiều người trồng làm cảnh. Những cây cỏ xanh tươi ấy sau khi được trồng trong những chậu nhỏ treo lên lan can, hoặc đinh đóng trên bờ tường, sẽ nhanh chóng nảy ra những đọt dài, phía đầu dần phát triển thành một chùm cây mới, một hay nhiều nhánh, những nhánh ấy được cây mẹ nuôi lớn qua cái đọt dây nối nó với gốc, nên cũng xanh tốt xum xuê rất nhanh, chả mấy mà thành một chùm cây buông thõng. Và cây mẹ không chỉ có một đọt như vậy, mà thường có khá nhiều, đôi khi những đọt cây buông xuống còn xum xuê hơn cả chậu cây ở trên, trông như những chiếc dù đang nhảy xuống, nên người ta gọi nó với cái tên là “Lan dù”.
Một bận đi chơi qua chợ Hàng – khu chợ họp theo phiên, chuyên bán hoa cây cảnh con giống ở ngoại ô Thành phố Cảng, tôi cũng mua được một nhánh lan dù, đem về nhà trồng vào một hộp nhựa nhỏ treo lên cành ổi trước sân.

Qua một quãng thời gian, người ta không còn thấy lạ mắt với những chiếc dù của cây lan dù nữa thì dần dần quên mất nó. Vì hình như ngoài những cái dù xanh xum xuê ấy, nó chẳng có hoa  đẹp, hương  thơm gì thì phải … Không còn ai treo nó làm cảnh, càng không có ai mua bán nó ở những phiên chợ chuyên bán cây hoa cảnh nữa. Tôi bận việc học hành, thi cử, rồi lại đi học Đại học, nên cũng chẳng còn thời gian ngó đến cây lan dù treo trên cành ổi hồi nào.
Đôi lần về nghỉ hè, vẫn thấy chậu lan dù treo ở đó, không ai để ý đến. Có khi thấy nó đã lá úa khô đen rủ thõng như rễ bèo, tưởng rằng đã chết, nhưng lần sau về nhà, có lẽ nhờ được mấy trận mưa, đã lại thấy nó đâm lá xanh tươi. Cứ như vậy, mùa nắng khô có khi tàn úa, nhưng gặp nước nó lại vươn mình sống dậy, sinh tồn mãi với chỉ nắm đất đã cằn khô, nước lã, không khí và ánh sáng …
Những chiếc dù treo lủng lẳng, tua tủa đâm ra những chiếc rễ trắng mập mạp như muốn hút lấy hơi ẩm trong không khí. Đến khi những tay nối với cây mẹ bị khô úa, gió thổi gãy ra, nó rơi xuống đất vườn liền bám ngay rễ xuống nhanh chóng tự mọc thành khóm xanh um.
Đến khi thành gia lập thất, hai vợ chồng về sống trong căn nhà nhỏ xíu ở đất cũ ấp Thái Hà xưa. Nhà nhỏ, chỉ có ô cửa sổ nhỏ mở ra phía ngõ trước, tính vốn thích cây cỏ, tôi lấy một nhánh lan dù lên trồng vào một chậu đất nhỏ treo ra trước ô cửa nhỏ ấy. Dẫu sao nó cũng là cái cây tôi đã mua trồng từ hồi còn là học sinh, và cũng có thể coi là cây kỷ niệm ở quê nhà.
Đất toàn cát sỏi, lại không mấy khi được mưa gió hắt vào, thế mà cây lan dù vẫn mọc xanh. Lại qua mấy bận chuyển chỗ ở, nhưng tôi cũng không quên mang theo nhánh lan dù theo. Có lần chuyển nhà ra vùng gần ngoại ô, có điều kiện dễ dàng lấy đất trồng cây, tôi lấy đất tốt hơn thay chậu cho nó. Lập tức cây nảy nhánh dù ngay. Vợ tôi lần đầu thấy cây nảy dù xanh, cũng thấy thích thú, nhưng khi chỉ thấy có lá, chứ chẳng thấy có hoa gì thì cười bảo: “Cây của anh y như cỏ vậy!” Tôi cười không nói gì, nhớ đến đôi câu đối của cụ tú Hải Văn – thân phụ nhà văn Nguyễn Tuân viết, mà sau này ông có chép vào truyện ngắn “Những chiếc ấm đất”:

Họ lịch sự như tiên, phú quý như giời, quất con ngựa rong chơi ngoài ngõ liễu.
Ta trồng cỏ đầy vườn, vãi hoa đầy đất, gọi hề đồng pha nước trước hiên mai

Thế thì từ xưa nay, đâu phải chỉ có mình là người trồng cỏ?

Có lần tiếc một nhánh lan bị gãy rơi khỏi đọt đã hơi héo, tôi để vào chiếc cốc thủy tinh rồi đổ nước vào. Lập tức nó tươi ngay và vài ngày sau thì đâm rễ trắng tua tủa. Chỉ cần nước lã, và ánh sáng mà nó trổ lá xanh tươi, sống mãi, thậm chí còn nhảy ra cả một chiếc dù nữa …. Khi ấy tôi mới thấy hết sức sống mạnh mẽ của lan dù. Chợt nghĩ thầm trong dạ, đáng phải đổi lại cho nó cái tên lan dù thành Huyền Không Thảo - Loại cỏ treo lơ lửng giữa không trung chỉ cần hơi nước và ánh sáng!

Lại một lần nữa tôi chuyển chỗ ở. Đồ đạc sách vở cũng nhiều, nhưng tôi vẫn không quên mang theo tới nơi ở mới mấy nhánh lan dù – Huyền Không Thảo. Nhánh thì để vào ly thủy tinh, nhánh thì trồng vào chậu đất, chả mấy chúng lại nảy dù. Lần này, mấy đọt dù được đất tốt nên vươn dài trắng muốt, rồi mới nảy thành mần cây. Dọc đọt cây lại đơm bao nhiêu hoa – Những bông hoa nhỏ sáu cánh trắng muốt. Vợ tôi hình như lần đầu thấy cây lan dù lại trổ hoa nhiều thế nên có vẻ ngạc nhiên lắm. Còn tôi tuy có hơi ngạc nhiên vì lần này cây lan dù – Huyền Không Thảo lại nhiều hoa như vậy, nhưng chuyện nó có hoa thì không phải bây giờ mới biết, chỉ cười bảo: “Nó vẫn có hoa mà!”
Đúng vậy, trời đất đã sinh ra cây cỏ, làm gì có loại cây nào không có hoa, dù có thể là nhiều hay ít, nồng nàn, hay thanh đạm …  Chỉ là con người có kiên tâm đợi đến khi cây trổ hoa không mà thôi!

Châu Hải Đường
Viết ở Huyền Phương Các (30 Jan 2015)