Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

Phi Lai Thảo Thụ

 

Rằm tháng Tám năm ngoái, tôi nhận được cuốn sách mới của nhà văn Phùng Ký Tài gửi tặng – cuốn “Thế giới Thư phòng”, đọc cuốn sách ấy quả là như được nhà văn mời vào chơi trong thư phòng của mình, được ông kể cho nghe những mẩu chuyện về rất nhiều kỷ vật trong thư phòng của mình (tất nhiên còn rất nhiều “văn phòng chi bảo” khác mà ông chưa kể hết). Nhưng, trong số những câu chuyện ông kể trong cuốn sách, có cả những thứ chẳng phải vốn ở trong văn phòng. Tôi nhớ mãi câu chuyện “Phi Lai Thụ” trong cuốn sách ấy. Trong câu chuyện, Phùng Ký Tài kể: trong bồn cây đã chết ngoài cửa sổ của ông chợt một hôm lại thấy có một cái cây nhỏ xanh tươi mọc lên. Nhà văn không biết đó là cây gì, sau hỏi mọi người, mới biết đó là một cây du: hạt (quả) cây du đã theo gió bay vào bồn đất cũ ấy, nhờ nước mưa, sương đêm, nảy mầm và mọc lên. Ông đã rất vui khi thấy trên mái nhà mọc cây xanh. Rồi đó, vì nhiều công việc bận, không thường ở thư phòng, lắm lúc vài ngày không tưới nước cho nó, khiến cây du nhỏ khi khô lúc héo, thế nhưng nó vẫn lớn dần lên càng ngày càng cao, khiến ông lo rằng không biết nó cao nữa thì thế nào? Cuối cùng ông đã nhờ người chuyển nó đến học viện của mình, trồng xuống đất bên một khối đá. Và cái cây đã được nước được gió, phát triển nhanh chóng, tỏa bóng mát xanh thành một cảnh trí của học viện. “Có người hỏi gọi nó là gì, tôi nghĩ lại thân thế của cái cây: là một trái du khô nhờ gió thổi bây tới, bèn cười bảo: “Gọi nó là Phi Lai Thụ (cây bay tới) đi!”

Đọc câu chuyện, tôi thấy cây du ấy quả thực may mắn. Và chợt nhớ lại chính bản thân tôi cũng từng chẳng phải chỉ một lần có những “Phi Lai Thụ” của mình. Khoảng năm 1996, 1997 khi vừa tốt nghiệp đại học, tôi về Hải Phòng làm việc. Nhà tôi ở trên tầng ba của khu tập thể Kim khí trên đường Máy Tơ. Trên “chuồng cọp” phía sau nhà, tôi cũng trồng mấy chậu cây cảnh. Bỗng một hôm trên chậu hoa loa kèn (bây giờ người ta hay gọi là huệ tây, chứ khi ấy chỉ gọi chung cả là hoa loa kèn) có một cái cây nhỏ mọc lên. Tôi là người thích cây cối từ nhỏ, thậm chí từ khi còn bé tôi chỉ cần nhìn cây non mới nảy mầm cũng biết đó là cây gì, vì vậy tôi nhận ra ngay nó là một cây hoa sữa. Trên quãng phố dưới khu tập thể nhà tôi có mấy cây hoa sữa lớn. Quả cây sữa sau khi già, khô, sẽ tách ra và những cái hạt nhỏ có lông tơ nhẹ sẽ theo gió bay khắp nơi. Đây chắc hẳn là hạt khô của nó bay lên đến bồn đất nhà tôi mà mọc lên. Đến khi cái cây lớn thêm một chút, thì tôi nghĩ chắc phải đưa nó xuống trồng dưới đất mới ổn. Nhân một lần về quê, tôi bèn đem nó về theo, và trước mắt trồng trong vườn nhà, rồi đợi có dịp sẽ trồng ở mé đường nào đó vừa làm bóng mát, vừa để hoa nở thơm xóm thơm làng – bấy giờ ở làng quê tôi chưa có cây hoa sữa ở đâu cả, trồng một cây cũng tốt. Tôi trồng trong vườn được ít lâu thì ông nội tôi đem nó ra trồng trước sân nhà thờ họ, định để cho có bóng mát mà hoa nở cũng thơm cả làng. Tôi vui mừng lắm, được trồng ở đó thì còn gì bằng.

Bẵng đi ít lâu, một bận tôi về quê chợt nghe ông tôi bảo: “Hôm trước, anh T làm dự án trồng cây trang trí ở khu di tích Trạng Trình, có nói cây hoa sữa trồng ở sân nhà thờ họ, ít nữa lớn lên hoa nó nở thì cả xóm chịu không nổi mùi hương, thôi để đem xuống trồng trong khu di tích cụ Trạng.” Tôi nghe xong, chợt bâng khuâng nửa buồn nửa vui. Cây hoa sữa ấy được trồng vào trong khu di tích thì cũng tốt quá, nhưng từ nay tôi sẽ mất “liên lạc” với nó rồi. Bởi làm sao biết cây hoa sữa nào trong khu ấy là “Phi Lai Thụ” của tôi nữa?

("Phi Lai Thảo" - Rau Mương)

Rồi tôi cũng thay đổi công việc, chuyển nhà nhiều nơi khác nhau nữa. Nhưng vốn thích cây cỏ, nên không đi đâu tôi không thể trồng được một vài cái cây, dẫu lớn hay nhỏ. Rồi lại một lần nữa có một cây hoa sữa “phi lai” bồn cây nhỏ của tôi. Tiếc rằng tôi đã cố giữ cây hoa sữa ấy mãi, đến khá lớn rồi, nhưng sau cũng không thể tìm một chỗ tốt đẹp cho nó. Quả thực là buồn khi những cái cây còn đang tràn trề sức sống nhưng lại không thể sống tiếp được. Vì thế với mỗi cái hạt tôi đều muốn nó có thể nảy mầm, với mỗi cái cây tôi đều muốn nó có thể có nơi đi về tốt đẹp, có thể lớn lên xanh tốt hết mình. Một cây quất, hay cây đào ngày tết cũng vậy – Vì thế nhiều khi biết không thể “cưu mang”, nên ngày Tết tôi chỉ mua cành đào, hết tết bỏ cũng không “áy náy lương tâm”.

Gần đây, trong chậu lan mạc xuân lại chợt có một cái cây nhỏ mọc lên, nhìn quen quá, mà chưa nghĩ ra là cây gì. Mấy hôm sau “trí nhớ xưa cũ” của tôi mới nhợt à lên nhận ra đó chính là cây Rau Mương – một loại cây dại mọc hoang thôi, nhưng nghe đâu nó là loại cây có thể làm thuốc chữa dạ dày, mà tôi từng thấy có bạn FB nào đó từng hỏi thăm tìm kiếm không ra. Chợt nhớ lại, hồi mấy nhóc nhà tôi còn bé, mỗi khi bị sốt tôi hay đi ra ngoài đường tìm những cây nhọ nồi mọc hoang hái ít ngọn về giã nát, buộc vào cổ tay để giảm sốt. Khi ấy, có khi đêm tối lang thang mãi mà không tìm được một cây nào. Mỗi khi bắt gặp bên một lối đi hoang vắng có mấy cây nhọ nồi xanh tươi mọc lên lại thấy mừng như bắt được của. Bèn đem cây rau mương trồng vào một chậu đất cũ hiện không trồng cây gì. Chậu đất ấy có thể cho nó đủ sống trọn đời. Và biết đâu, vào một lúc nào đó, nếu có một người nào đó chợt cần đến nó, thì tôi sẽ xin trao lại cái cây ấy để người cần đến có thể tiếp tục chăm sóc nó.

Tuy nhiên, nếu gọi với cái tên Phi Lai thì chắc cây Rau mương này phải gọi là “Phi Lai Thảo” chứ chắc không thể gọi là “Phi Lai Thụ” được nhỉ. Chợt nghĩ, không biết có cái hội “Cứu Hộ Cây Cỏ” như cứu hộ chó, mèo không? Lại chẳng biết liệu có người nào muốn cứu hộ những cái cây “Phi Lai thảo thụ” như mình không nhỉ?

Thứ Hai, 10 tháng 5, 2021

Mắt Xanh - Trích "Tục Thế Kỳ Nhân" của Phùng Ký Tài

 

Năm 2020, chùm tác phẩm tiểu thuyết “Quái thế kỳ đàm” với  truyện vừa “Roi thần” (1984), tiểu thuyết “Gót sen ba tấc” (1986), tiểu thuyết “Âm dương bát quái” (1988) và cuối cùng là tiểu thuyết “Ống nhòm một mắt” (2018) của Phùng Ký Tài đã được Tao Đàn và NXB Hội Nhà Văn ấn hành đầy đủ. Những năm qua, cùng với chùm tiểu thuyết trong mạch “quái kỳ” ấy, ông còn hoàn thành một tập truyện ngắn, mà từng truyện trong đó từng được nhiều lần tuyển chọn vào tuyển tập “Vi hình tiểu thuyết” (truyện cực ngắn) của Trung Quốc, cũng như được dịch và giới thiệu ở nhiều nước khác nhau trên thế giới, đó là tập truyện “Tục Thế Kỳ Nhân” – Kỳ nhân giữa đời thường. Tập truyện gồm nhiều câu chuyện về những nhân vật ở vệ Thiên Tân xưa, tất cả đều có nguyên mẫu từ người thực việc thực, nhưng mỗi câu chuyện của họ đều có những điểm ly kỳ lưu lại nhiều dư vị cho người đọc. Phùng Ký Tài từng viết trong lời tựa tập sách rằng: “Vệ Thiên Tân vốn là một bến cảng, cư dân khắp bốn phương đến tụ cư, tính cách hoàn toàn khác nhau. Nhưng nơi đất cũ Yên, Triệu, huyết khí cương liệt, nước mặn đất phèn, thói tục mạnh tợn. Hơn trăm năm nay, phàm những đại tai đại nạn của Trung Hoa, chẳng khi nào không khởi phát từ nơi này trước nhất, vì vậy mà sinh ra vô vàn nhân vật khác lạ, chẳng những ở thượng tầng lớp trên, mà ngay cả ở nơi dân gian thôn quê phố thị” Và những “kỳ nhân diệu sự ấy, nghe mà tưởng chưa nghe, nếu như vứt bỏ qua đi, há chẳng đáng tiếc lắm sao?”  Trên Văn Nghệ Quân Đội số 963, tháng 4/2021 vừa qua, tôi trích dịch và giới thiệu 3 trong số các truyện trong tập “Tục Thế Kỳ Nhân” của Phùng Ký Tài. Nay xin đăng một truyện trong số đó cùng hình minh họa của chính tác giả (trong tập "Tục Thế Kỳ Nhân" này, Phùng Ký Tài - vốn xuất thân là một họa sĩ tài năng - còn tự tay vẽ hình minh họa cho tất cả các truyện của mình) vẽ để các bạn đọc vui. Hy vọng toàn bộ tập truyện cũng sẽ sớm được ấn hành để các bạn thưởng thức. 


MẮT XANH

Trong hàng đồ cổ, có một cặp “kình địch”, đó là kẻ làm tranh giả và người thẩm định tranh giả. Kẻ làm tranh giả, dốc cạn tâm cơ, dùng hết tuyệt chiêu, chỉ cốt làm sao để lừa được qua đôi mắt vừa sắc nhọn vừa tinh quái của người thẩm định tranh giả; Còn người thẩm định tranh thì lại dựa vào đôi mắt của mình để nhìn ra thiên cơ, nhận biết quỷ kế, túm được cái chót đuôi còn chưa giấu được kỹ của tên làm tranh giả ấy, mà lôi được nó giữa cả đống tranh ra, đem phơi bày dưới ánh sáng ban ngày.

Người thẩm định tranh giả ấy tên gọi là Mắt Xanh, làm việc chuyên thẩm định tranh ở tiệm đồ cổ Dụ Thành Công trên phố Hàng Nồi. Mắt Xanh không phải tên thật ông ấy. Ông ấy họ Giang, vốn tên Tại Đường, Mắt Xanh là biệt hiệu của ông ta. Người Thiên Tân thích đặt biệt hiệu, một là dễ gọi, hai là dễ nhớ. Cái tên Mắt Xanh ấy bắt nguồn từ cặp kính cận của ông ta, mắt kính dày như cái đít chai, ánh lên màu xanh lam, nhìn y hệt như một đôi mắt xanh vậy. Nhưng, điểm quan trọng của Mắt Xanh là ở đôi mắt của ông ta. Nghe nói, ông ta dẫu tắt đèn nhìn tranh cũng có thể nhận ra tranh thật hay tranh giả, câu ấy tuy nghe có vẻ huyễn hoặc nhưng tài nghệ của ông ấy thì không hề sai. Đôi mắt xanh của ông ta khi xem tranh đúng thật là rất thần kỳ: khi nhìn tranh giả thì hai mắt không có thần thái gì, nhưng khi nhìn tranh thật, thì lóe lên một luồng ánh sáng xanh biếc.

Hôm ấy, có một người ăn mặc ra dáng học trò bước vào trong tiệm, tay cầm một cuộn tranh, bên ngoài có nhan đề ghi mấy chữ: “Đại Địch Tử hồ thiên xuân sắc đồ” (Tranh “Hồ thiên xuân sắc” của Đại Địch Tử). Mắt Xanh nhìn mà như không nhìn, ông biết rõ rằng bất luận nhan đề bên ngoài có viết thế nào cũng không nghĩa lý gì cả, thực hay giả cứ phải xem tranh mới biết. Nhanh như chớp, soẹt một cát ông ta kéo cuộn tranh ra để lộ chừng nửa thước bức tranh chính. Đó chính là “nửa thước sống còn” nổi tiếng của Mắt Xanh: ông ta xem tranh bất luận là tranh lớn hay nhỏ, chỉ xem nửa thước. Là thật hay giả, thảy chỉ cần dựa vào nửa thước tranh ấy nói chuyện, tuyệt nhiên không cần xem thêm một ly một tấc nào nữa. Mắt Xanh nhìn nửa thước tranh, cặp mắt kính chợt lóe lên một tia sáng xanh. Ông ta ngửng đầu lên hỏi người vừa tới: “Anh định bán bao nhiêu tiền?”

Người vừa đến không vội ra giá, mà nói: “Nghe nói ông ba Hoàng ở phía tây thành cũng từng lâm mô[1] bức tranh này.”

Ông ba Hoàng là một tay cao thủ đệ nhất về làm tranh giả ở Tân Môn. Những người làm trong các tiệm đồ cổ đều sợ ông ta. Chẳng ngờ, Mắt Xanh nghe mà cũng như không nghe, lại nói lại lần nữa: “Trong mắt ta trước giờ chẳng hề có ‘ông ba Hoàng’ nào cả. Anh nói đi, anh định bán bức tranh này bao nhiêu nào?”

“Hai dây!” – Người vừa đến nói. “Hai dây” ông ta nói, tức là hai mươi lạng vàng mười.

Giá ra không thấp, cũng không phải là quá cao, hai bên cùng mặc cả kẻ nâng lên người hạ xuống, cuối cùng thống nhất là mười tám lạng.

Từ hôm ấy, các tiệm đồ cổ ở Tân Môn đều cùng xôn xao chuyện tiệm Dụ Thành Công ở phố Hàng Nồi mua được một bức tranh sơn thủy của Đại Địch Tử - Thạch Đào[2], màu mực đỏ nhạt, vô cùng mướt nhuận, bên trên còn có một đoạn đề bạt, vô cùng hiếm có. Có người nói, món đồ ấy là từ trong phủ một vị vương gia nào đó ở Bắc Kinh lưu lạc ra. Người đến bán tranh không thạo nghề lắm, nên Mắt Xanh mới tóm được món hàng chuẩn như thế. Tiền nào của ấy, bỏ ra nhiều tiền thì món đồ càng quý. Bức tranh vẽ tinh vi như thế của Đại Địch Tử, mười năm nay chưa từng xuất hiện trong các tiệm đồ cổ ở Thiên Tân. Bấy giờ không có báo chí, chỉ có thông tin truyền miệng, càng nói càng thần kỳ, càng truyền càng rộng rãi. Người ta túm năm tụm ba, nối nhau đến xem tranh, khiến tiệm Dụ Thành Công hóa ra một hàng tơ lụa, trưng diễn đủ loại áo quần.

Chuyện ở đời, bên này nói đủ rồi, thì lại bắt đầu nói đến bên kia. Đại khái sau sự việc chừng ba tháng, bắt đầu có người nói, bức tranh của Đại Địch Tử ở tiệm Dụ Thành Công không đáng tin. Mới xem qua thì thực sự khiến người ta phải giật mình, nhưng xem qua mấy lần thì bắt đầu thấy nhạt nhẽo vô vị, không có tinh thần. Phân biệt giữa tranh thật với tranh giả là: tranh thật có thể ngắm mãi được, còn tranh giả thì không thể nhìn lâu được. Sau khi câu đồn đại ấy lan truyền, liền có tin nổi lên rằng: có người nói bức tranh ấy là tranh giả do bàn tay ông ba Hoàng ở phía tây thành làm ra! Câu nói ấy hỏi có khác nào một chậu nước bẩn té vào áo của Mắt Xanh không?

Mắt Xanh có căn cứ của mình, nên chẳng thèm quan tâm. Nhưng càng không thèm quan tâm thì lời đồn lại càng huyễn hoặc. Về sau thành ra nói đến chi li cụ thể, có mắt có tai. Rằng: có người trông thấy hàng thật của bức tranh này trong một nhà ở phố Chợ Kim. Thế là, lại liên tục có từng bọn túm năm tụm ba nối nhau đến tiệm đồ cổ Dụ Thành Công xem tranh, nhưng lần này là họ muốn xem xem ông ba Hoàng đã làm cách nào mà có thể bịt được mắt của Mắt Xanh. Trước nay chuyện xem một kẻ tài năng bị cho một vố bao giờ chả hào hứng thích thú!


Chủ tiệm Dụ Thành Công là ông năm Đồng trong lòng đã hơi lo sợ, bèn nói với Mắt Xanh: “Tôi tin vào nhãn lực của ông, nhưng tôi không chống nổi những lời đồn đại bên ngoài, kéo nhau đến quấy nhiễu khiến cho tiệm chúng ta cả ngày ầm ĩ. Hay là ta nên tìm lấy một người đi dò hỏi xem bức tranh kia ở đâu. Nếu như thực có một bức tranh giống hệt thế này, thì nghĩ cách đem được nó ra, phân biệt rõ ràng thực giả, thì càng cho họ thấy rằng chúng ta mới là cao thủ.”

Mắt Xanh nghe ra sự lo lắng trong câu nói của ông chủ, nhưng những lời đồn thổi nào có chịu ngừng, trừ phi làm theo như lời của ông chủ nói, thực giả cùng đưa cả ra một lượt. Họ gây náo loạn trong bóng tối, mình phải giành thắng lợi giữa ban ngày.

Ông chủ Đồng tìm được thằng năm Vưu. Năm Vưu là một con chuột già thổ địa ở vệ Thiên Tân, chui rúc khắp nơi, chuyện gì cũng có thể bảo hắn đem hai tai mà mò ra được. Họ sai thằng năm Vưu đi nghe ngóng, hôm sau thì liền có tin tức. Hóa ra đúng thực là có một bức tranh khác của Đại Địch Tử, cũng gọi là “Hồ thiên xuân sắc đồ”, hơn nữa đúng là trong nhà một người họ Thôi ở phố Chợ Kim! Ông chủ Đồng và Mắt Xanh đều không biết nhà họ Thôi ấy là ai. Ông chủ Đồng bèn bảo năm Vưu dẫn Mắt Xanh đi xem. Mắt Xanh không thể không đi, đến khi tới nhà ấy vừa nhìn xem, thì đôi mắt kính của Mắt Xanh chợt lóe lên hai luồng ánh sáng xanh biếc! Hỏng rồi!

Tranh thật hóa ra là bức tranh này. Còn bức tranh ở tiệm nhà mới là tranh giả! Kích thước, màu sắc, đường nét tất thảy của hai bức tranh hoàn toàn giống hệt nhau, ngay đến con dấu cũng là được phỏng khắc. Thế nhưng thần khí thì không giống nhau. Nhìn xem, bức tranh thật này mới thần khí thế nào!

Khi trước, mắt ông ta nhìn thế nào, thì cũng không biết được nữa. Nhưng bây giờ đối diện với bức tranh này, thì thực chỉ hận là không có lỗ nẻ mà chui xuống đất. Suốt hai mươi năm trời Mắt Xanh chưa nhìn lầm một bức tranh nào. Mắt Xanh ông ta gần như đã thành một vị thần trong giới đồ cổ rồi, ông ta nói thật là thật, mà nói giả thì chắc chắn là giả, không ai không tin. Nhưng lần này mắt lại nhìn trật, nếu như chuyện lan truyền ra thì danh tiếng sẽ bị hủy hoại hết. Nghề thẩm định tranh giả tranh thật, nhìn đúng cả đời cũng là điều đương nhiên, nhưng chỉ cần nhìn sai một bức là sự nghiệp đổ sông đổ biển sạch cả.

Mắt Xanh không nói một câu. Quay về đến tiệm ông ta nói hết sự thực với ông chủ. Dụ Thành Công và Mắt Xanh là một, nếu đổ thì sẽ cùng đổ cả. Ông chủ Đồng suy nghĩ một đêm, cuối cùng cũng có chủ ý của mình, quyết định phải mua bằng được bức tranh của Đại Địch Tử ở nhà họ Thôi. Có phải trả giá cao thế nào cũng không được tiếc. Hai bức tranh cùng nắm trong tay mình rồi, cái nào thật, cái nào giả đều do mình nói cả. Nhưng để làm việc này thì họ quyết không thể lộ mặt được, bèn lại bỏ tiền nhờ một người đóng giả làm người hỏi mua đi theo thằng năm Vưu đến nhà họ Thôi mua bức tranh ấy. Ai ngờ nhà họ Thôi kia vừa mở miệng đã đòi mức giá trên giời, nếu không được thế thì nhất định giữ lại chứ không bán. Mua bán thứ gì cũng sợ nhất là một bên chẳng bán chẳng sao, còn một bên thì chẳng mua chẳng được. Nhưng người đóng giả đi hỏi mua kia trong bụng đã vững chí, vì lúc đi mua ông chủ Đồng đã có lời với anh ta rằng, “dù có phải phá tan cả cái tiệm này của tôi, anh cũng phải mua bằng được bức tranh cho tôi”. Vậy nên anh ta cứ nhượng bộ hết lần này đến lần khác, cuối cùng phải bỏ ra đến bảy “dây” vàng mười mới mua được bức tranh về tay mình, gấp hơn bốn lần số tiền đã phải bỏ ra mua bức tranh lần trước.

Đến khi mang bức tranh ấy về tới tiệm Dụ Thành Công rồi, ông chủ Đồng mới thở phào một tiếng, tuy trong bụng sót tiền, nhưng còn giữ vững được biển hiệu của tiệm Dụ Thành Công. Ông gọi người làm đem hai bức tranh cùng treo lên tường sóng hàng cạnh nhau, để xem xét cho thật kỹ cho sáng mắt sáng lòng. Đợi hai bức tranh treo xong, Mắt Xanh bước lên xem xét, mắt kính ông ta soẹt soẹt soẹt lóe lên ba luồng sáng. Người đứng như trời trồng ở đó. Một chuyện kỳ quái dưới gầm giời đã hiện ra ngay trước mắt: Hóa ra chính bức tranh mua được lần đầu mới là tranh thật, còn bức tranh vừa mua về kia lại là tranh giả!

Thật giả nếu không để cùng một chỗ mà so sánh, thì căn bản không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả - Đó mới là tài nghệ của kẻ làm tranh giả, và cũng là tài nghệ cao siêu nhất!

Như thế thì đôi mắt của Mắt Xanh là con mắt gì? Mắt thịt chăng?

Mắt Xanh thở dài một hơi nhắm mắt lại. Ba hôm sau, ông đem tất cả mọi việc trước sau sâu chuỗi lại một lượt với nhau, khi ấy mới rõ, hóa ra tất cả những việc này đều là ông ba Hoàng ngầm giăng bẫy ra, rồi từng bước từng bước dụ cho Mắt Xanh chui vào. Người ta bán bức tranh thật cũng không thiệt, mà bán bức tranh giả giá lại càng cao như giời. Ông chợt nhớ lại, kẻ ăn mặc ra vẻ thư sinh đến bán tranh lúc đầu tiên chẳng phải đã nói với ông rằng: ‘Ông ba Hoàng cũng từng lâm mô bức tranh này’ đó sao? Người ta đã có lời nói trước, ngỏ rõ cho biết sớm rằng bức tranh này có thật có giả. Như vậy thì còn oán trách ai? Xem ra, ông ba Hoàng này chẳng phải chỉ là lừa để lấy tiền, mà chính là để thử mình. Người ta cho mình cầm sẵn bức tranh thật trong tay, rồi mới bán bức tranh giả của họ làm ra. Tuyệt làm sao! Đến khi Mắt Xanh hiểu rõ câu chuyện như thế, mới coi như hiểu rõ ngọn ngành, nhận thua thực sự! Sau hôm ấy, Mắt Xanh gói gém tay nải rời khỏi tiệm Dụ Thành Công. Từ đó, chẳng những giới đồ cổ ở Thiên Tân không còn cái biệt hiệu ấy của ông ta, mà khắp thành Thiên Tân cũng không trông thấy bóng dáng ông ta đâu cả. Có người nói, ông ta bị một trận ốm nặng, rồi nằm xuống, không bao giờ dậy nữa. Thua đến thảm thương như thế!

Lại thử nghĩ lại xem, Mắt Xanh lại còn có điểm thảm hơn nữa, đó là: ông ta thua ông ba Hoàng, nhưng chỉ trông thấy nét bút của ông ba Hoàng chứ mặt mũi người ta thế nào cũng không cho ông ta được thấy!

Điều may mắn là, Mắt Xanh cuối cùng cũng nghĩ được ra đó là bàn tay của ông ba Hoàng. Chết cũng hiểu rõ vì sao.

(Châu Hải Đường dịch)

[1] Lâm mô: Thuật ngữ thư họa, chỉ việc viết, vẽ lại theo một bức thư pháp, hay bức tranh của người khác.

[2] Thạch Đào: Danh họa gia đầu đời Thanh, tên thật Chu Nhược Cực, ông có nhiều biệt hiệu, trong đó có biệt hiệu “Đại Địch Tử”.