Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

擬楊太真教白鸚鵡誦多心經 Nghĩ Dương Thái Chân giáo bạch anh vũ tụng Đa tâm kinh - Phạm Đình Hổ

Phạm Đình Hổ 范廷琥 (1768 - 1839) là một trong những nhà thơ, nhà văn thời trung đại mà tôi rất yêu mến. Sống từ cuối thời Lê, Trịnh, trải sang đến đời Nguyễn, văn chương của ông có nhiều sáng tác vừa uyên bác sâu sắc, vừa tân kỳ lý thú. Đặc biệt là những bài thơ viết về hình tượng người phụ nữ từ nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên xin để một dịp khác sẽ nói về những bài thơ đó. Hôm nay, xin giới thiệu một bài thơ khác của ông. Đó là bài thơ: "Nghĩ Dương Thái Chân giáo bạch anh vũ tụng Đa tâm kinh". Bài thơ như sau:


擬楊太真教白鸚鵡誦多心經

南枝夢斷隴雲深;
十載棲遲玉樹林。
憐汝未能離羽翮;
及今還要悟身心。
早知綺語成魔障;
好傍曇花演梵音。
彼岸他年誰是侶;
普陀岩畔有靈禽。

Phiên âm:

Nam chi mộng đoạn Lũng vân thâm;
Thập tải thê trì ngọc thụ lâm.
Lân nhữ vị năng li vũ cách;
Cập kim hoàn yếu ngộ thân tâm.
Tảo tri ỷ ngữ thành ma chướng;
Hảo bạng Đàm hoa diễn phạn âm.
Bỉ ngạn tha niên thùy thị lữ?
Phổ Đà nham bạn hữu linh cầm.

Tạm dịch thơ:

Cành nam mộng dứt, Lũng mây chìm;
Rừng ngọc dừng chân đã chục năm.
Lông cánh thương ngươi rời chửa được;
Thân tâm nay phải ngộ sao nhằm?
Sớm hay xảo ngữ thành ma chướng;
Khá tựa hoa đàm diễn Phạn âm.
Bờ đối năm sau ai bạn với?
Phổ Đà bên núi có linh cầm.

Tôi đọc bài thơ cũng vài lần, nhưng thật ra đến hôn nay, mới dịch được thành thơ và hiểu nó kỹ lưỡng hơn, khi đọc được xuất xứ của câu chuyện "Dương Thái Chân dạy vẹt trắng tụng tâm kinh" trong "Dương Thái Chân ngoại truyện" thuộc tập " "Đường Tống truyền kỳ" thế này:

"Quảng Nam tiến cống một con vẹt trắng, hiểu được tiếng người, gọi tên là “Tuyết Y Nữ”. Một sớm, con vẹt bay lên đài gương của quý phi, tự nói rằng: “Tuyết Y Nữ tối qua mộng thấy bị chim ưng bắt.” Vua bảo Quý phi đem “Tâm kinh” dạy vẹt, nó đều đọc tụng được thuộc lòng. Về sau, vua và quý phi đến chơi biệt điện, để Tuyết Y Nữ đậu trên đòn kiệu cùng đi. Bỗng đâu có một con chim ưng bay đến, bắt lấy con vẹt quắp chết. Vua và Quý phi than thở mãi không nguôi, bèn đem vẹt chôn trong vườn, gọi là Anh Vũ trủng (mộ vẹt)."

Nhân lại được thấy, bức tranh vẽ dương Quý phi chơi đùa cùng vẹt trắng của đại danh họa gia Trương Đại Thiên (T.Q), mới hay, chẳng những Quý phi, mà ngay cả con vẹt trắng của Quý phi từ lâu cũng đã thành đề tài cho văn thơ hội họa vậy.

(Ảnh: Bài thơ "Nghĩ Dương Thái Chân giáo bạch anh vũ ..." trong tập "Đông Dã Học Ngôn" của Phạm Đình Hổ)

水潦 Thủy Lạo - Nguyễn Án

Vừa được bác Chang Feng tặng cuốn sách "Thơ văn Nguyễn Án", đặc biệt thích một bài thơ rất "hợp thời nghi" của cụ - bài Thủy Lạo (Nước Lụt). Trong đó có hai câu 5, 6: 將子雞棲屋;依人犬上床。(Gà dẫn con đậu nóc, Chó theo người lên giường) có thể nói là thấm thía, nếu chẳng phải người trong cảnh đó thì chẳng thể viết được vậy.
Nhân trong cuốn sách tuy hầu hết các bài đã được dịch thơ, nhưng bài Thủy Lạo chưa dịch, nên xin dịch vụng mấy vần cùng các tác giả.
水潦
雨漲河堤決;
吾居成澤鄉。
魚龍時出沒;
原野共蒼茫。
將子雞棲屋;
依人犬上床。
東南諸路水;
聞道更堪傷。
Phiên âm:
Thủy Lạo
Vũ trướng hà đê quyết;
Ngô cư thành trạch hương.
Ngư long thời xuất một;
Nguyên dã cộng thương mang.
Tương tử kê thê ốc;
Y nhân khuyển thượng sàng.
Đông nam chư lộ thủy;
Văn đạo cánh kham thương.
Dịch thơ:
Mưa lụt đê sông vỡ;
Nhà thành xứ đầm hoang.
Cá rồng thường ẩn hiện;
Đồng ruộng thảy mênh mang.
Gà dẫn con đậu nóc;
Chó theo ai lên giường.
Nước đông nam các lộ,
Nghe nói càng tang thương.
(C.H.Đ)