Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

“Tế Điệt Cảo” của Nhan Chân Khanh - Thiên hạ đệ nhị hành thư

“Tế Điệt Cảo” hay “Tế Điệt Thiếp” gọi đầy đủ là “Tế Điệt Quý Minh Văn Cảo” (Bản thảo bài văn tế cháu là Quý Minh) là một trong những tác phẩm thư pháp còn lại của nhà thư pháp nổi tiếng đời Đường – Nhan Chân Khanh. Tế Điệt Cảo được tôn xưng là “Thiên hạ đệ nhị hành thư” trong tam đại hành thư thư pháp thiếp (Đệ nhất là “Lan Đình tự” của Vương Hi Chi, và đệ tam là “Hàn Thực thiếp” của Tô Đông Pha), và là một trong 10 danh thiếp truyền thế của Trung Hoa.




Nhan Chân Khanh (709 – 785) tự Thanh Thần, thường được người đời gọi là: Nhan Bình Nguyên, Nhan Lỗ Công, xuất thân trong một gia đình danh gia vọng tộc ở thôn Đôn Hóa, huyện Trường An tỉnh Thiểm Tây (nay là ngoại ô TP Tây An), là cháu 7 đời của Nhan Sư Cổ đời Bắc Tề (nhà văn học, học giả nổi tiếng từng chú giải sách Hán Thư). Ông là một vị quan thanh liêm, trung trực không ngừng đấu tranh vì sự thống nhất và an định của quốc gia, chống lại các gian thần khi ấy như: Dương Quốc Trung, Lư Kỷ, khi loạn An Sử nổ ra, ông lại anh dũng ngoan cường chiến đấu chống lại các phần tử phản loạn An Lộc Sơn, Lý Hi Liệt …và hi sinh vì nước. Có thể nói thành tích cả về chính trị lẫn thư pháp của ông đều đáng để người đời truyền tụng và ngưỡng vọng.

Năm Thiên Bảo thứ 12 đời Đường Huyền Tông (753) Nhan Chân Khanh bị Dương Quốc Trung bài xích, ra làm chức Thái thú Bình Nguyên (nay là Đức Châu, Sơn Đông), đến năm Thiên Bảo thứ 14 (755) An Lộc Sơn và Sử Tư Minh nổi dậy ở Phạm Dương (phía nam Bắc Kinh ngày nay) bắt đầu thời kỳ loạn An Sử nổi tiếng trong lịch sử. Các quận ở Hà Bắc nhanh chóng bị quân phiến loạn đánh chiếm, duy có quận Bình Nguyên của Nhan Chân Khanh dương cao cờ nghĩa, khởi binh chống giặc và được suy tôn là thủ lĩnh. Khi ấy người anh họ của ông là Nhan Cảo Khanh làm thái thú ở Thường Sơn (nay là Chính Đinh, Hà Bắc) phái người con thứ 3 là Nhan Quý Minh liên hệ với Nhan Chân Khanh để hợp tác chống giặc. Nhan Cảo Khanh và quan trưởng sử Viên Lịch Khiêm bày kế giết tay chân của An Lộc Sơn, Lý Khâm Tấu trấn thủ ở ải Thổ Môn (nay là Tỉnh Kinh, Hà Bắc) cũng đoạt lại được Thổ Môn. Tình thế có chuyển biến tốt, Nhan Cảo Khanh lại phái con trưởng là Nhan Tuyền Minh áp giải tù binh về Trường An báo tiệp, đồng thời xin thêm quân cứu viện. Không ngờ, trên đường khi qua Thái Nguyên, bị tiết độ sứ Thái Nguyên là Vương Thừa Nghiệp giữ lại, Vương muốn mạo nhận công lao, liền án binh, không cứu. An Lộc Sơn biết tin Hà Bắc có biến, phái Sử Tư Minh hồi binh trở lại Thường Sơn. Quân của Nhan Cảo Khanh bị cô lập, chiến đấu kịch liệt 3 ngày lương cạn, tên kết, cuối cùng thành bị phá và bị bắt làm tù binh. Bọn Nhan Quý Minh bị sát hại, nhà họ Nhan bị giết hơn 30 người. Nhan Cảo Khanh bị áp giải đến Lạc Dương, vẫn anh dũng bất khuất, đầu tiên bị giặc chặt 1 chân, rồi bị lăng trì đến chết. Đến tận tháng 5 năm Càn Nguyên nguyên niên (758) Nhan Cảo Khanh mới được triều đình truy tặng chức Thái tử Thái bảo, ban thụy là Trung Tiết. Nhan Chân Khanh khi ấy nhậm chức Thái thú Bồ Châu, sau khi nghe được tin này, liền phái con trưởng của Cảo Khanh là Nhan Tuyền Minh đến Thường Sơn, Lạc Dương để tìm di hài của Quý Minh và Cảo Khanh, chỉ tìm thấy đầu của Quý Minh và một phần di cốt của Cảo Khanh. Nhan Chân Khanh đã viết bản thảo văn tế người cháu là Quý Minh này để tạm thời an táng phần thi cốt tìm được. (Trần Hưng Đạo trong bài Hịch Tướng Sĩ từng nhắc đến tấm gương hi sinh anh dũng của Nhan Cảo Khanh trong đoạn đầu - phần nêu gương các anh hùng nghĩa sĩ đời xưa, như sau: “Cảo Khanh nhất viễn thần dã, khẩu mạ Lộc Sơn nhi bất tòng nghịch tặc chi kế. Tự cổ trung thần nghĩa sĩ, dĩ thân tuẫn quốc, hà đại vô chi?” (Cảo Khanh, một bề tôi xa, miệng mắng Lộc Sơn chẳng chịu theo mưu kế của giặc. Từ xưa, bậc trung thần nghĩa sĩ xả thân vì nước đời nào chẳng có!) )

Tế Điệt Cảo của Nhan Chân Khanh được viết năm Càn Nguyên nguyên niên đời Đường (758) theo lối hành thư trên giấy bản kích thước 28,2 x 75,5 cm, bao gồm 23 hàng, mỗi hàng từ 11 đến 12 chữ không giống nhau, tổng cộng 234 chữ. Trải qua thời gian, tác phẩm từng được lưu giữ tại Nội phủ đời Tuyên Hòa nhà Tống, qua tay Trương Yến, Tiên Vu Khu đời Nguyên, Ngô Đình đời Minh, Từ Càn Học, Vương Hồng Tự đời Thanh, và Nội phủ nhà Thanh, hiện nay được lưu giữ tại viện Bảo tàng Cố cung ở Đài Bắc. Trên tác phẩm hiện có thể thấy nhiều dấu triện khác nhau như: Triệu thị Tử Ngang thị, Đại Nhã, Tiên Vu, Khu, Tiên Vu Khu Bá Kỷ Phụ, Từ ….

Về thư pháp, Tế Điệt Cảo có 3 đặc điểm chính là:

1. Có bút pháp viên chuyển mạnh cứng của triện thư: tức lấy viên bút trung phong làm chính và tàng phong thu bút. Những chỗ chuyển triết hoặc hóa phồn thành giản, cứng đẹp tự nhiên, hoặc đột ngột dừng bút, đè bút thật mạnh. Chỗ liền nối, bút viên ý gộp, thống khoái lâm ly …

2. Mở ra lối kết thể chương pháp tự nhiên: Bản thảo này khác hẳn phong cách tú dật đẹp đẽ, mậu mật thanh gầy của Nhị Vương, lối kết thể trở nên rộng mở, tự nhiên, thưa thoáng. Hành khí giữa các chữ tùy tình cảm mà biến hóa.không để tâm đến khéo hay vụng, nhưng khoanh gạch xóa sửa chữ có thể thấy rải rác, chính sự vô tâm đó càng khiến bức chữ mang nét đẹp tự nhiên. Công lực thư pháp không hề có nét dụng công mà chỉ là công lực tự nhiên do rèn luyện mà mang lại, khiến bức thiếp biến hóa sinh động, qua nét chữ thấy rõ tình cảm, nỗi niềm bi phẫn trong lòng người viết.

3. Mặc pháp khô sít, sinh động: Trong bản thảo này, số nét viết với mực khô sít khá nhiều, màu mực đậm mà khô. Điều này có liên quan tới các công cụ mà Nhan Chân Khanh sử dụng khi viết (bút kiêm hào hoặc ngạnh hào ngắn và cùn, mực đậm và giấy bản) Những nét bút khô và mạch bút liền nối có thể cho ta quá trình hành bút cũng như nét kỳ diệu trong sự thay đổi của bút phong, có tác dụng rất lớn cho người học hành thảo thư.

Nội dung của thiếp Tế Điệt Cảo:

Duy Càn Nguyên nguyên niên, tuế thứ Mậu Tuất, cửu nguyệt Canh Ngọ sóc, tam nhật Nhâm Thân. (xóa 2 chữ: “tòng phụ”) Đệ thập tam thúc, ngân thanh Quang lộc đại phu (thiếu chữ đại), sứ trì tiết Bồ châu chư quân sự, Bồ châu Thứ sử, Thượng khinh xa đô úy, Đan Dương huyện khai quốc hầu Chân Khanh, dĩ thanh chước thứ tu, tế ư vong điệt tặng Tán thiện Đại phu Quý Minh chi linh viết:
Duy nhĩ đỉnh sinh; Túc tiêu ấu đức; Tông miếu hồ liễn; Giai đình lan ngọc (xóa 4 chữ: “phương bằng tích thiện”) Mỗi úy nhân tâm; Phương kỳ tiển cốc.

Hà đồ, Nghịch tặc khai hấn; Xưng binh phạm thuận. Nhĩ phụ (xóa 2 chữ: “(…) chế” đổi thành “Bị hiếp” rồi lại xóa) kiệt thành; Thường Sơn tác quận. Dư thời thụ mệnh; Diệc tại Bình Nguyên. Nhân huynh ái ngã; (xóa chữ: “khủng”) Tỉ nhĩ truyền ngôn. Nhĩ ký quy chỉ; Viên khai thổ môn. Thổ môn ký khai; Hung uy đại kiển. (xóa 6 chữ: “tặc thần ủng chúng bất cứu”) Tặc thần (xóa chữ “ủng”) bất cứu; Cô thành vi bức. Phụ (xóa chữ “cầm”) hãm tử tử; Sào khuynh noãn phúc. Thiên bất hối họa; Thùy vi đồ độc? Niệm nhĩ cấu tàn; Bách thân hà thục? Ô hô ai tai!
Ngô thừa thiên trạch; Di mục (xóa 3 chữ: “hà đông cận”) hà quan. (xóa 2 chữ: “Nhĩ chi”) Tuyền Minh tỉ giả; Tái hãm Thường Sơn. (xóa chữ “đề”) Huề nhĩ thủ thấn; (xóa 4 chữ: “diệc tự Thường Sơn) Cập tư đồng hoàn. Phủ niệm thôi thiết; Chấn điệu tâm nhan. Phương sĩ (xóa 2 chữ không rõ là chữ gì) viễn nhật. (lại xóa 1 chữ không rõ) Bốc nhĩ u trạch. (xóa chữ “phủ”) Hồn nhi hữu tri. Vô ta cửu khách. Ô hô ai tai! Thượng hưởng!

Dịch nghĩa:

Niên hiệu Càn Nguyên năm thứ nhất, nhằm năm Mậu Tuất, tháng 9 ngày mồng một là ngày Canh Ngọ, đến mồng 3 là ngày Nhân Thân. Chú thứ 13 là Chân Khanh chức Quang Lộc đại phu mang ấn bạc dây xanh, quản các việc quân sự ở Bồ Châu, Bồ châu Thứ sử, Thượng khinh xa đô úy, tước Khai quốc hầu huyện Đan Dương, đem rượu nhạt thức quê mà tế trước vong linh cháu là Quý Minh được tặng chức Tán thiện Đại phu rằng:

Nhớ cháu xưa khi mới sinh ra, từ nhỏ đã nêu cao đức hạnh. Thực như hồ liễn làm rạng rỡ cho tông miếu, lan ngọc gây tiếng thơm cho sân thềm. Trong lòng ai cũng vui mừng, Mong muốn nên hay nên tốt.

Nào ngờ đâu, quân nghịch tặc gây hấn; nổi binh xâm phạm. Cha cháu dốc lòng trung, làm chức quận ở Thường Sơn. Chú khi ấy cũng nhận mệnh, đang giữ đất Bình Nguyên. Nhân huynh thực thương ta, sai cháu đưa tin đến. Đến lúc cháu trở về, lại lấy lại được đất Thổ Môn. Đất Thổ Môn lấy lại rồi, quân hung đồ phải khốn đốn. Thế mà tên tặc thần không cứu, khiến cô thành lại bị vây bức. Làm cho cha bị bắt, con hi sinh. Thực là tổ nhào trứng lật! Hỡi trời có hối vì gây họa, bởi ai gây chuyện ác độc này. Ngẫm cháu chịu cảnh tàn sát, dẫu có trăm thân nào chuộc? Ô hô ai tai!

Chú được ơn vua, đến làm chức châu mục ở nơi quan hà (Bồ Châu). Chỉ có Tuyền Minh là người ruột thịt, lại đến Thường Sơn đưa thủ thấn (quan tài chỉ có đầu) của cháu cùng trở về đây. Thấy cháu lòng thêm xót xa thương nhớ, ruột quặn lòng đau. Cháu hãy đợi đến ngày sau, chọn được nơi đất tốt xây mộ. Linh hồn cháu như có thấu cho, xin chớ oán thán phải làm khách trọ mãi. Ô hô ai tai! Thượng hưởng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét