Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Đoạn kết cuộc đời Danh kỹ Lý Sư Sư

Lý Sư Sư là một danh kỹ nổi tiếng tài hoa sống cuối thời Bắc Tống tại Đông Kinh (Khai Phong), mà cũng đã khá quen thuộc với khán giả Việt Nam qua một số phim dã sử Trung Quốc. Các nhà làm phim đã khai thác nhân vật này ở các khía cạnh khác nhau, trong những giai đoạn khác nhau. Thế nhưng đoạn kết cuộc đời của Lý Sư Sư thực sự như thế nào, có lẽ vẫn còn nhiều tranh cãi. Dưới đây là một bài viết CHĐ sưu tầm và dịch từ tài liệu tổng hợp của Trung Quốc để mọi người tham khảo.

Những câu chuyện về Lý Sư Sư tuy không thấy trong chính sử, nhưng trong dã sử hay các thoại bản dân gian thì có thể thấy rất đầy đủ và sinh động. Trong "Thuỷ Hử Truyện", tác giả sách này đã viết về Lý Sư Sư với quan hệ mật thiết tới việc chiêu an các anh hùng Lương Sơn Bạc, và nhờ vậy mà cô đã trở thành một nhân vật phong lưu tột bực trong những năm Chính Hoà thời Tống Huy Tông. Về sau, cô lại trở thành một hình mẫu đặc thù cho các văn nhân mượn để châm biếm những ông vua hoang dâm vô độ. Sử Mộng Lan đời Thanh có bài thơ: "Vi Tống diễm đề từ" (Đề từ cho bức tranh người đẹp đời Tống) như sau:

Tống sử cao tiêu đạo học danh,
Phong lưu thiên tử khước đa tình.
An An Đường dữ Sư Sư Lý,
Tận đắc thừa ân nhập cấm thành.

(Tạm dịch:

Tống sử nêu cao người học đạo,
Phong lưu thiên tử cũng đa tình.
An An Đường với Sư Sư Lý,
Đều được ơn vua đến Cấm thành.)

(Đường An An cũng là một danh kỹ ở Hàng Châu được Tống Lý Tông rất sủng ái)

Những câu chuyện về Lý Sư Sư phần nhiều được thấy trong các bút ký của người thời Tống. Trong "Quý Nhĩ Lục" của Trương Đoan Nghĩa, "Mặc Trang Mạn Lục" của Trương Bang Cơ đều nói đến Lý Sư Sư là một người dịu dàng, phong nhã, từng giao lưu với các nhà viết từ nổi tiếng như Chu bang Ngạn, Tiều Xung Chi, và hai ông đều có thơ, từ lưu tặng. Sách "Thanh Nê Liên Hoa Ký" thì chép: "Danh kỹ Lý Sư Sư ở ngõ Kim Tuyến trong thành Đông Kinh, tài nghệ và dung mạo đều tuyệt trần. Huy Tông từ những năm Chính Hoà về sau, thường vi hành ngồi kiệu nhỏ, với vài nội thần dẫn đường đến chơi nhà Lý Sư Sư." Nhưng vi hành thế nào cũng không thể che giấu mãi được, chuyện hoàng đế đến chơi nhà kỹ nữ thời đó quả thực là một chuyện "kinh thiên động địa" ở kinh đô, nên ai cũng biết. Lý Sư Sư nhờ có thể đầu gối má kề với vua nên quyền thế nghiêng ngửa một thời, thậm chí như sách "Úng Thiên Toả Ngữ" nói: "Tướng giặc ở Sơn Đông là Tống Giang, tính chuyện quy thuận, bèn trốn đến Đông Kinh tìm gặp Lý Sư Sư." Sau đó, Tống Huy Tông đã cố tình tạo ra một cái vỏ bọc là khách buôn cho Lý Sư Sư rồi công khai đưa vào hoàng cung phong làm Doanh Quốc Phu nhân, Lý Minh phi.

Tuy nhiên ngày vui ngắn chẳng tày gang, chẳng bao lâu thì Huy Tông do sợ hãi uy lực nước Kim, phải truyền ngôi cho thái tử Triệu Hoàn tức Tống Khâm Tông, rồi trốn vào trong cung Thái Ất xưng là Đạo Quân Giáo chủ. Lý Sư Sư mất chỗ dựa, bị phế làm thứ dân, và đuổi khỏi cung, nhà cửa, gia sản đều bị tịch biên.

Cũng có thuyết nói, Sư Sư tự thấy trong nhà nhiều của cải, khó trách khỏi tai hoạ, bèn nhân khi quân Kim gây loạn ở Hà Bắc, "đem hết của cải được ban tặng khi xưa, giao nộp cho phủ doãn Khai Phong, xung vào của công để giúp quân lương ở Hà Bắc" (Theo "Lý Sư Sư ngoại truyện").

Nhưng dù thế nào thì qua lần đại biến động đó, Lý Sư Sư trong nhà cũng "sạch như chùi". Chẳng bao lâu, quân Kim lại vây đánh Khai Phong lần thứ 2, bắt Huy Tông, Khâm Tông và tôn thất họ Triệu đem về phương bắc, chuyện về Lý Sư Sư từ đó về sau có nhiều người chép, nhưng mỗi người một khác.

Tác phẩm khuyết danh thời Nam Tống - "Lý Sư Sư Ngoại Truyện" có thể nói là đã ghi chép tường tận nhất, rằng: "Sau khi người Kim phá Biện Kinh, chủ soái giặc là Thát Lãn đòi tìm Sư Sư, nói: "Chúa ta đã biết đến tên Sư Sư, tất phải bắt sống. Tìm nhiều ngày vẫn chưa thấy, bọn Trương Bang Xương (hàng thần nhà Tống - CHĐ) dò theo tông tích, bắt được, đem hiến vào doanh trại quân Kim. Sư Sư liền mắng rằng: "Ta chỉ là một kỹ nữ hèn kém, nhưng đã chịu ơn vua yêu mến, thì thà chết chứ không có lòng khác. Còn như các người, chức cao lộc hậu, triều đình nào có phụ bạc gì các người, mà các người lại tìm cách chém giết muôn dân, huỷ hoại tông miếu?" Nói rồi rút cây trâm trên đầu tự đâm vào cổ, nhưng không chết, bèn bẻ ra nuốt vào bụng mà chết." Tác giả cũng bình luận: "Xem tiết tháo cuối đời của Sư Sư, lẫm liệt khác nào trang hiệp sĩ, không thể coi là kẻ phàm dung được!"

Hoàng Đình Giám đời Thanh trong "Lâm Lang Bí Thất Tùng Thư" cũng ca ngợi chuyện Lý Sư Sư tuẫn tiết vì nước: "Sư Sư không chỉ nổi tiếng tài sắc một thời, mà xem tiết tháo quyên sinh khảng khái lúc sau cùng, chẳng khác bậc trượng phu lẫm liệt. Chỉ bất hạnh là phải hãm thâm vào chốn ti tiện, chẳng được vào nơi màn trướng quân cơ, để tranh nêu tên tuổi ở sử xanh."

Nhưng sau này, có nhiều người dị nghị về chuyện đó, giáo sư Đặng Quảng Minh trong "Đông Kinh Mộng Hoa Lục Chú" cho rằng: "Xem chuyện này có thể thấy ngay đây là chuyện bịa đặt do người cuối đời Minh viết." Lỗ Tấn cũng xếp cuốn ngoại truyện này vào thể loại truyện truyền kỳ, và biên tập vào "Đường Tống Truyền Kỳ Tập". Nhà viết kịch Tống Chi Đích nói: "Những điều tác giả "Lý Sư Sư ngoại truyện" viết hoàn toàn là truyền kỳ, e rằng cảm khái nhiều hơn là sự thực. Có lẽ ông muốn mượn chuyện trung nghĩa của Sư Sư để chê trách thời thế bấy giờ mà thôi."

Chuyện về Lý Sư Sư sau khi Biện Kinh thất thủ, còn có người cho rằng, cô bị bắt làm tù binh đưa về phương bắc, ép gả cho một tên lính già ốm bệnh, kết thúc cuộc đời một cách nhục nhã. Đinh Dược Cang người đời Thanh trong "Tục Kim Bình Mai" đã tán đồng theo cách nói này.

Nhưng lại có thuyết nói: Khi tướng Kim là Thát Lãn theo danh sách các phụ nữ được bọn hàng thần Trương Bang Xương đưa lên để bắt về hoàng cung nhà Kim, thì Lý Sư Sư đã đi tu, trở thành một nữ đạo sĩ rồi, nên không nằm trong số đó nữa. Có thể nói, các tiểu thuyết gia tuỳ vào mục đích của mình đã thêm bớt và tạo ra rất nhiều kết cục cho nhân vật này.

Thực ra ngay thời Nam Tống đã có những ghi chép về chuyện cuối đời của Lý Sư Sư. Sách "Thanh Nê Liên Hoa Ký" nói: "Loạn Tĩnh Khang, Sư Sư chạy xuống phía nam, có người từng gặp cô ở vùng Hồ - Tương, thấy già nua tiều tuỵ, không còn phong thái như ngày trước."

Sách "Mặc Trang Mạn Lục" cũng nói: "Khoảng niên hiệu Tĩnh Khang, Lý Sư Sư và bọn Triệu Nguyên Nô ... đều bị tịch thu gia sản. Sư Sư lưu lạc đến đất Triết, sĩ đại phu đều mời đến nhà để nghe hát, nhưng đã tiều tuỵ, không còn phong thái như xưa." Ở đây chỉ có điểm khác với "Thanh Nê Liên Hoa Ký" về địa điểm mà Sư Sư đến, đó là Triết Giang chứ không phải Hồ Nam.

Đầu đời Thanh, Trần Thẩm trong "Thuỷ Hử Hậu Truyện" cũng nói theo cách này, cho rằng đầu thời Nam Tống, Lý Sư Sư lưu lạc đến Lâm An (tức Hàng Châu) ngụ cư dưới núi Cát Lĩnh bên Tây Hồ, vẫn sống bằng nghiệp xướng ca như cũ. Trong thoại bản "Tuyên Hoà Di Sự" đời Tống, cũng có những ghi chép tương tự như trên, nhưng lại thêm vào mấy câu: "sau lưu lạc đến vùng Hồ - Tương, làm vợ một khách buôn."

Có lẽ vì vậy mà Lưu Tử Huy thời Tống đã có bài thơ "Biện Kinh Ký Sự Thi" như sau:

Liễn cốc phồn hoa sự khả thương,
Sư Sư thuỳ lão quá Hồ Tương.
Lũ kim đàn bản kim vô sắc,
Nhất khúc đương niên động đế vương

(Tạm dịch:

Xe ngựa phồn hoa chuyện khá thương,
Sư Sư già lão đến Hồ - Tương.
Áo vàng đàn phách nay đâu nhỉ,
Một khúc năm xưa động đế vương.)

Kết cục buồn đau dễ gợi lòng trắc ẩn với chính người đương thời như vậy có lẽ là đúng hơn cả với cuộc đời của danh kỹ này chăng?.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét