Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

CHẠY BỘ BUỔI SÁNG – Truyện ngắn Phùng Ký Tài (Châu Hải Đường dịch)

I.
Thế giới ngày nay, không hút thuốc, chống ô nhiễm và chạy bộ buổi sáng đã dần dần trở thành ba việc xếp trong danh mục các mối quan tâm hàng đầu trong cuộc sống nhân loại. Xưa nhờ có họ Toại Nhân(1), con người mới không còn là động vật ăn lông uống máu nữa, nhưng giờ chỉ mong là khói thuốc trước khi bước sang thế kỷ tiếp theo sẽ bị cấm tiệt. Không khí trên thế giới cũng sẽ hồi phục lại sự trong sạch thuần khiết như thời đại cuộc sống điền viên hồi trung thế kỷ, có dưỡng khí dồi dào, cho người ta yên tâm mà hít thở thoải mái. Còn chạy bộ buổi sáng – thói quen tốt có thể giúp mạnh khỏe sống lâu này, trở thành sở thích chung của mọi người, thì mới nở rộ thành phong trào trong thế kỷ này … vì thế bây giờ càng ngày càng nhiều người dậy sớm, sắm đồng hồ báo thức, mua giày chạy, người cao người  thấp, người béo người gầy, trong màn sương sớm mịt mù, họ có mặt khắp đường to ngõ nhỏ, trên quốc lộ thẳng tắp ngoại ô, hay xung quanh các công viên. Người ta ôm những kỳ vọng khác nhau: sống lâu, khỏe mạnh, hay giảm béo …bước chân chạy cũng đủ tư thế, chẳng ai quan tâm đến ai. Những tiếng bước chân ấy phá tan sự tĩnh lặng của buổi sáng, dẫn trước sự huyên náo của thành phố.
Hôm ấy, trên con đường dưới bóng rặng cây xanh ngắt bên ngoài công viên Thắng Lợi, mà các nhà thơ nơi này tôn vinh là “hành lang thiên nhiên”, xuất hiện hai người chạy bộ khiến người khác phải chú ý: một người là đàn ông, cao gầy đeo kính mắt, mặc chiếc áo sơ mi trắng, cổ hồ cứng; một người là đàn bà, to béo phốp pháp, với một bộ ngực đồ sộ, no căng, trông như hai con bồ câu đang nhảy nhót trước ngực. Hai người họ đều ở tuổi quá trung niên. Trông họ giống như chú Ống Sậy và bác Cà Chua trong một bộ phim hoạt hình cho trẻ em. Hai người sánh vai cùng chạy, tốc độ rất chậm, trông như cảnh quay chậm trong phim. Họ chưa chạy được mấy đã mồ hôi đầm đìa, thở hổn hển như trâu, có thể thấy rõ đó là hai người mới tập chạy. Trong con mắt những người bên cạnh, họ giống như một đôi vợ chồng đang hạ quyết tâm cùng rèn luyện.
Thực ra không phải thế. Hai người họ chỉ là ngẫu nhiên sánh vai nhau chạy chưa được ba phút đồng hồ. Người đàn ông gầy gò ấy là kỹ sư ở viện nghiên cứu công nghiệp hóa chất, họ Đào, từng làm kỹ sư trưởng cho một nhà máy chế biến muối, nên người ta thường quen gọi ông ấy là “trưởng Đào”. Trong thời kỳ mười năm tai họa(2) ông “được cách mạng” đến độ thân tàn ma dại, tuy mới sắp sáu chục tuổi đầu, mà da dẻ đã hằn sâu đầy những nếp nhăn, khắp cơ thể chỗ nào cũng có thể nhìn thấy hình thù những khúc xương dưới da, cái đầu đã trụi mất một nửa càng lộ rõ dấu hiệu suy kiệt sớm. Nhiều năm rồi ông không dám lộ diện trước mặt mọi người, rất ít ra phố. Năm ngoái ông được “giải phóng”, rồi được khôi phục công tác, từ trong nhà bước ra ngoài, bước đi chập chững như trẻ con mới tập đi. Mắt nhìn giấy tờ chỉ được mười phút đồng hồ là chữ nghĩa nhòa nhoẹt hết, chẳng còn nhìn rõ cái gì với cái gì nữa. Nhưng ông đã có một kế hoạch lớn vô cùng mạnh mẽ, ông muốn làm một công trình nghiên cứu có mức độ khó cao. Thời gian có thể phải mất bảy năm, mà phải là bảy năm với thể lực và tinh thần sung mãn. Thế mà tinh thần và thể lực ấy đã được dùng để ứng phó với các kiểu đe dọa và uy hiếp hết cả rồi, giờ tìm ở đâu?
Ông có một người bạn cũ, ông Lý, là một bác sĩ, có cặp lông mày vừa đen vừa cứng. Nếu như anh đứng từ xa và chưa nhìn rõ mặt mũi ông ta thế nào, thì vẫn có thể nhìn thấy hai vệt ngắn màu đen trên mặt ông ấy, y như hai đốm đen trên mắt gấu trúc vậy. Ông ta hay nói đùa, miệng lưỡi nanh lọc, nhưng tâm địa lại tốt vô cùng. Nhiều năm nay, ông trưởng Đào có nỗi đau đớn về thể xác cũng như tinh thần gì, đều nói với ông ấy để mong xin một liều thuốc chữa. Vừa rồi, trưởng Đào đã trình bày những nỗi khổ đau mới của mình với bác sĩ Lý. Bác sĩ Lý nghe xong, liền đe ngay:
-         Anh mà như thế này, thì chả làm gì cả, cũng chỉ sống được nhiều lắm là năm năm nữa thôi.
-         Thế tôi phải làm sao? – Trưởng Đào nói, trong lòng dường như có một cái khóa đã sập lại.
-         Trước hết anh phải cai tiệt thuốc lá!
-         Điều này không vấn đề. Anh có thể đảm bảo tôi sống được bảy năm nữa không? Tôi cần bảy năm là đủ rồi.
Đôi lông mày dày đậm của bác sĩ Lý giật nhướng lên vẻ tinh nghịch, trên khóe môi nhíu một nụ cười, hai mắt liếc bên nọ lại bên kia, trong lòng dường tính toán điều gì, tựa hồ bây giờ ông đang khống chế cửa ải chính cho sinh mệnh trưởng Đào vậy. Ông bảo:
-         Anh dậy sớm chạy bộ đi!
-         Chạy bộ? Mỗi ngày chạy bao lâu?
-         Khoảng một tiếng rưỡi gì đó. Nhưng ngày nào cũng phải chạy đều.
-         Có thể sống thêm được mấy năm? – Ông dường như đang mặc cả với bác sĩ Lý.
-         Mười năm đấy! – Bác sĩ Lý nói đùa như thật.
-         Mười năm?! – Trưởng Đào kinh ngạc kêu lên, rồi dùng ngay bộ óc nhanh như máy tính điện tử của mình tính toán, miệng nói ra thành lời – Mỗi ngày dùng mất một tiếng rưỡi chạy bộ, chiếm khoảng hai phần mười thời gian có thể dùng để làm việc. Bác sĩ nói, như thế có thể sống được mười năm. Trong mười năm thì chạy bộ mất đi hai năm, vẫn còn lại tám năm. Hà hà, thế là thừa đủ rồi! Rồi ông cũng nói vẻ đùa cợt nhưng lại vô cũng chân thật như bác sĩ Lý – “Được rồi, tôi sẽ chạy bộ buổi sáng!”
Thế là ông dậy sớm, xỏ đôi giày đá bóng cũ của con trai, đến đây chạy bộ. Hôm nay là ngày mở màn đầu tiên, mới chạy được mấy chục bước, ông đã vô tình cùng chạy sánh đôi với người đàn bà hồng hào béo tốt này.
Đời người ta, có được cái gì, mà không phải trả một cái giá nào đó. Muốn sống thêm mấy năm càng khó khăn hơn nhiều. Trưởng Đào chạy tổng cộng được hai trăm bước đã cảm thấy toàn bộ số sức lực ít ỏi của mình hết sạch, hai cổ chân như đeo hai khối đá, lết đi cũng không lết nổi. Cổ họng cũng trở nên bé như sợ dây thép, mỗi một hơi hít vào, vừa mới đến cuống họng lại bị chặn lại bật ngược trở ra, trong phổi dường không có chút không khí nào, mệt như chết đến nơi. Ông đứng lại, y như một con cá ngớp lên mặt nước, mắt trợn tròn, miệng há to, cố hết sức mà thở.
Bà béo kia đứng lại bên cạnh ông, khuôn mặt đỏ như quả dưa hồng chín nục. Hai tay bà ta chống hai bên nạnh sườn vừa to vừa tròn như cái bom bia, hổn hển thở ra thành tiếng. Giá như miệng bà ta để trước cái van bơm hơi ở bánh ô-tô, thì đảm bảo có thể thổi căng nó lên được. Nhưng bà ta cười, cứ y như vớ được cái gì vậy, vô cùng đắc ý, chứ không khốn khổ như trưởng Đào thế.
Hai người họ đứng nhìn nhau thở hồi lâu, chẳng ai cất lời nói gì cả.
-         Anh lần đầu chạy hả? – Bà béo ưỡn ngực, hơi lấy lại được trạng thái bình thường trước ông.
-         Ờ …vâng, dạ vâng. – Trưởng Đào vẫn chưa hoàn toàn lấy lại tình trạng bình thường, giọng nói còn bị át đi bởi hơi thở từ khí quản dồn ra.
-         Tôi cũng mới chạy lần đầu – Bà béo lại hỏi – Anh mệt không?
-          Mệt thì mệt rồi. Nhưng … nghe nói là có thể sống lâu mạnh khỏe. – Trưởng Đào thở hổn hển gượng nói.
-         Tôi thì chả mong sống lâu trăm tuổi. Chỉ cần có thể sống thoải mái bảy năm nữa là hài lòng thỏa dạ lắm rồi! – Bà béo vừa lau mồ hôi vừa nói.
Trưởng Đào vừa gật gật đầu đáp lại chợt sững người ra. Sao, bà ấy cũng muốn cuộc đời dài thêm bảy năm nữa ư? Người bạn chỉ vừa mới cùng chạy với ông chưa đầy một trăm mét, hóa ra lại có mong ước về quãng đời sắp tới dài ngắn y như ông vậy?
II.
Từ đó bọn họ kết bạn với nhau, có lẽ là bởi họ đều là người mới chạy. Bà béo khắp người chỗ nào cũng có mỡ thừa, và những khối thịt nung núc mềm nhũn. Chỉ cần cử động người là toàn thân rung rinh lay động, y như một chiếc túi ni-lon đựng đầy dầu ăn, đứng lại rồi vẫn còn lay động mãi không dừng. Điều đó trở thành một gánh nặng khi bà chạy bộ, nó khiến tốc độ của bà ta vừa vặn phù hợp với tốc độ sức suy lực kiệt của trưởng Đào.
Kết bạn cũng có cái hay, có thể thúc giục, lôi kéo, và đốc thúc lẫn nhau. Họ hẹn nhau mỗi ngày đúng năm giờ sáng thì cùng có mặt ở đầu phố. Gặp mặt rồi, cười với nhau một tiếng cho biết, rồi tiếp tục chạy mươi bước, lại gật đầu với nhau lần nữa, giống như hai búp bê đồ chơi đã vặn cót cùng chạy lật đật. Nhưng lần nào người đến đầu phố đợi đối phương trước cũng luôn là bà béo. Bà béo thích mặc chiếc áo thể thao màu xanh mực, đứng đó trông rất giống một cái bục bưu chính. Còn trưởng Đào? Thường là ông đến muộn. Về sau càng buổi đực buổi cái, ba ngày đánh cá, hai ngày phơi lưới. Hai người quen nhau rồi, bà béo mới phê bình ông một câu khách sáo:
-         Ông thiếu quyết tâm.
Trên khuôn mặt khô xác, không có mỡ của Trưởng Đào nở một nụ cười ngượng nghịu. Thực ra, ông đến muộn hoàn toàn không phải do lười nhác, mà chính là do chạy bộ kích thích sự hứng thú và mong muốn làm việc, đã khiến ông thức khuya làm việc, cho nên thường thường buổi sáng không bò dậy nổi. Đối với ông, cái ông mong muốn là sức lực và thời gian cần cho dự án đó. Một khi đã có sức khỏe rồi, sao lại không dùng? Cho đến lúc sức lực đã hết, mệt mỏi không gượng được nữa, ông mới lại nhớ đến lời bác sỹ Lý, nhớ đến chuyện chạy bộ. Khi đó ông mới lại đến với con đường dưới tán cây, gặp bà béo như mặt trời ngày ngày đúng giờ nhô lên ấy, ngượng ngùng nói một câu tỏ ý xin lỗi:
-         Từ nay trở đi, nói gì thì nói, tôi cũng phải kiên trì!
Ông vẫn chưa thực hiện được lời thề của mình. Còn bà béo ấy thì đúng giờ như một chiếc đồng hồ chạy tốt, giống như một người máy cứ thao tác theo đúng lập trình không sai một li, nghiêm túc thực hiện ý chí của mình. Trừ những ngày mưa to hay gió bắc từ cấp sáu trở lên, còn không một ngày nào mà bà ta bỏ qua. Trưởng Đào khâm phục nghị lực của bà ấy, đồng thời cũng lấy làm khó hiểu vô cùng về khởi nguồn của nghị lực ấy, cứ đoán mò đủ kiểu. Đặc biệt là, việc bà béo ấy nói với ông, cũng muốn kéo dài cuộc sống thêm bảy năm. Kỳ quái thật! Bảy năm ấy đối với bà ta có ý nghĩa đặc biệt gì không?
Một hôm, trưởng Đào ở nhà, tay kẹp điếu thuốc ngồi trên chiếc ghế song có tay vịn, suy nghĩ về một vấn đề khó trong công trình nghiên cứu chưa hoàn thành của mình. Bỗng có người gọi, vợ ông ra mở cửa. Qua câu chuyện của vợ với người khách đến nhà, ông nhận ra đó là bác sĩ Lý đến chơi, liền vội vã dụi điếu thuốc vẫn còn quá nửa, ném vào trong cái ống nhổ, bước ra cửa phòng đón bác sĩ Lý vào.
-         Thế nào rồi, bác trưởng Đào? Chạy bộ có hiệu quả không? – Bác sĩ Lý vừa bước vào vừa nói.
-         Tốt lắm, tốt lắm, thực sự có hiệu quả rõ ràng, tinh thần sức khỏe đều tiến triển, đến ngủ trưa cũng không muốn ngủ nữa. - Trưởng Đào cười hớn hở nói.
Bác sĩ Lý liếc nhìn đống sách vở, bản vẽ, tài liệu chất cao như núi trên cái bàn lớn bên cạnh và con mắt thiếu ngủ thâm quầng của trưởng Đào, đôi lông mày đậm của ông ta lại nghịch ngợm nhảy nhướn lên, trêu chọc bảo: “Không ngủ trưa thì tôi tin. Nhưng e là có chút sức khỏe rồi, đến ngủ tối cũng không chịu ngủ ấy chứ! Tôi còn ngờ rằng anh chạy bộ cũng chỉ là kiểu tùy hứng thôi. Thuốc cũng chưa cai hẳn!” Bác sĩ Lý cố ý hít hít cái mũi mấy cái, biểu thị ông có chứng cứ xác đáng từ hơi thuốc nhận ra trong phòng.
-         Không, không! – Trưởng Đào cuống lên xua xua cẳng tay gầy dài nghêu nói – Tôi công nhận, thi thoảng cũng có hút mấy hơi, nhưng chạy bộ thì tôi kiên trì rồi.
Vợ trưởng Đào đứng bên cạnh bảo: “Ông nghe bác ấy nói chưa! Một tuần chạy ba ngày cũng đã tốt lắm rồi.”
Bác sĩ Lý bật cười. Mặt trưởng Đào đỏ bừng lên, vội nói như chữa ngượng: “Bác Lý này, bác đừng nghe bà ấy. Tôi có một người bạn, đã hẹn ngày ngày gặp nhau ở đầu con đường chỗ vườn cây ngoài công viên Thắng Lợi để cùng chạy với nhau. Không tin, bác cứ ra đấy mà xem.”
-         Thật à? Là ai thế?
-         Vô tình gặp nhau ở đấy ấy mà. Một bà béo lắm.
-         Ồ?! – Bác sĩ Lý như nhận ra người quen – Có phải là bà Dương không?
-         Đúng rồi! Bác biết bà ấy?
-         Vô tình biết thôi – Giọng điệu bác sĩ Lý bỗng trở nên khắc bạc – Thân hình như cái vại nước đúng không? Nhưng nói vại nước cũng chưa chuẩn bằng nói thùng dầu, vì là toàn thân bà ta chỗ nào cũng là mỡ. Đó cũng là tôi khuyên bà ấy chạy bộ đấy! Nếu không sớm muộn bà ấy cũng bị mỡ dìm chết.
Câu nói của bác sĩ Lý khơi dậy sự tò mò của trưởng Đào. Ông không đừng được phải hỏi:
-         Bác đã biết bà ấy, vậy có chuyện này không rõ bác có biết không. Bà ấy nói với tôi, bà ấy chạy bộ không phải để sống lâu trăm tuổi, mà chỉ cần sống được bảy tám năm nữa là đủ. Mà tôi cũng giống thế, chỉ cần sống bảy tám năm. Bác nói xem có trùng hợp không, kỳ lạ không! Chỉ tội là tôi không biết bà ta cần sống bảy năm nữa là vì việc gì?
Bác sĩ Lý bỗng cười vang ha hả vẻ thích thú, cười đến nỗi hai bên má cũng như cái cằm ông rung lên bần bật, đôi lông mày đậm giống như hai con sâu róm đen nhảy nhót. Rồi nụ cười dần dần thu cả lại vào góc miệng đang ẩn chứa một ý vị khắc bạc. Ông đưa ra lời giải cho câu hỏi lý thú này của trưởng Đào:
-         Bà ấy nói bà ấy chạy bộ để có thể “sống thêm bảy tám năm nữa” cũng là tôi nói với bà ấy thế. Vừa hay là, tôi cũng nói với anh như vậy. Ai mà biết rằng hai người lại gặp nhau! Ông chồng bà béo ấy trước giải phóng có mở một xưởng sơn dầu, nhiều tiền lắm. Bà béo ấy chả phải làm gì, chỉ ngồi ăn không. Hồi đầu Cách mạng Văn hóa, tài khoản bị ngân hàng phong tỏa. Năm ngoái có chính sách mới ra, tất cả được trả lại cho bà ấy, có tới bảy tám ngàn đồng. Chồng bà ấy chết rồi, không con không cái, có mấy nhà họ hàng, quan hệ cũng không tốt. Bà ấy mới muốn tự mình tiêu cho bằng hết số tiền đó. Bà ta vốn đã không phải là gầy, đến lúc có tiền tiêu pha, lại càng phát phì thêm lên, béo đến nỗi buộc dây giày cũng khó. Đấy có lẽ đúng là loại người mà như Lê-Nin nói là “béo đến phát buồn”. Bà ấy đến tìm tôi, hỏi tôi xem phải làm thế nào. Tôi bảo, bà phải ăn kiêng, ít dùng dầu mỡ. Bà ấy không nghe, bảo: “Thà là sống ít đi mấy năm, chứ cứ phải ăn cho ngon lành. Đến ăn ngon mà cũng không được ăn, thì hỏi sống còn có ý nghĩa gì?”. Tôi nói: “Nếu bà cứ như thế, tất sẽ làm cho tim  mạch phải gánh gánh nặng, may ra chỉ sống được bốn năm năm nữa.” Bà ấy cuống lên, nói mình phải sống được bảy năm nữa trở ra, nếu không sẽ phải để tiền thừa lại cho người khác, nhưng bà ta lại chẳng muốn để lại cho ai cả. Tôi liền nghiêm giọng nói với bà ấy: “Thế thì bà phải dậy sớm chạy bộ đi! Chạy bộ có thể giúp bà tiêu hao mỡ thừa trên người, lại có thể giúp ăn ngon miệng. Nếu như bà kiên trì ngày nào cũng chạy, thì chuyện sống thêm bảy tám năm không thành vấn đề. Bà không cần phải lo về khoản tiền ấy nữa, chắc chắn sẽ sử dụng hết!” Thực ra chỉ là câu tôi nói đùa thế, ai ngờ bà ấy lại chạy thật! Hà hà …”
Vợ chồng trưởng Đào nghe xong, cười đến phát sặc. Vợ trưởng Đào nói với bác sĩ Lý:
-         Bác tệ quá, để cho bà béo ấy ngày ngày phải dậy từ gà gáy.
-         Không, không. Bà ấy chạy thế, thực sự sẽ có ích cho sức khỏe.- Bác sĩ Lý nói.
Trưởng Đào nhấc cái kính mắt xuống, lấy cái khăn tay mềm bằng sa trắng lau một lượt nước mắt cười văng xung quanh kính, bảo:
-         Nhưng phải nói bà ấy có nghị lực hơn tôi. Ngày nào cũng rất đúng giờ có mặt, tôi phải phục bà ấy.
-         Điều đó tất nhiên rồi! – Bác sĩ Lý bỗng trở lại vẻ nghiêm túc, dường như ông muốn nói mấy câu thật trịnh trọng, ngữ điệu cũng trầm lắng xuống. Ông quay mặt lại phía trưởng Đào nói – “Một người sống vì người khác, thì thường sẽ quên đi chính mình. Một người sống vì chính mình, thì thường muốn đặt mình lên vị trí hàng đầu trong cuộc sống. Ở phương diện đối xử với bản thân, tất nhiên anh không so được với bà ấy.”
Bác sĩ Lý thường ngày vốn thích nói bông đùa, bỗng lại thốt ra những câu nói đầy triết lý như vậy, khiến trưởng Đào nghe rất nhập tâm, cứ gật đầu liên tục để tán đồng. Vợ trưởng Đào ở bên cạnh bảo:
-         Bác sĩ Lý, lời ông nói rất đúng. Nhưng mà ông Đào nhà tôi dễ lại vin vào câu này của ông, mà không chịu rèn luyện mất.
Bác sĩ Lý nghe xong, quay mặt sang nhìn ông kỹ sư già đã trải qua nhiều năm bị thời cuộc hiểm nguy chà đạp mà vẫn còn nguyên chí lớn trong lòng, khiến người khác phải kính nể, nói với tất cả sự ấm áp, chân thành:
-         Anh trưởng Đào, chúng ta cũng nên yêu quý bản thân mình, đó đâu phải là vì chúng ta. Đúng không?
III
Một năm sau, một ngày chủ nhật đầu xuân, bác sĩ Lý đang ngồi ăn cơm sáng ở nhà. Từ ngoài cửa sổ mở hé, một làn gió xuân thổi tới, mang theo hơi thở của những mầm non mới nhú, khơi gợi niềm hứng thú làm việc của ông. Ông dự tính ăn sáng xong, sẽ dùng thời gian cả một ngày hiếm có này, phiên dịch một chương khá dài trong cuốn sách ngoại văn về y học. Lúc ấy chợt có người đến thăm, ông lật đật mở cửa, đứng chặn trước cửa là một người đàn bà to khỏe chắc chắn, mặt mũi hồng hào. Ông vẫn còn chưa kịp nhận ra là ai, thì người đàn bà ấy đã nói oang oang:
-         Tôi là Dương đây ạ! Ông không nhận ra tôi à?
Ồ, hóa ra đó là bà béo dậy sớm chạy bộ ấy. Ông mời bà ấy vào phòng, cùng ngồi đối diện với nhau. Nhìn ngắm khắp một lượt, bà béo ấy so với ngày xưa đúng là thay đổi khiến người ta phải kinh ngạc, giống như một con gà mái béo đã luộc qua nước sôi sùng sục, thịt trên người đều co săn cả lại, cái bụng căng tròn ra cũng đã gọn hơn, không còn cảm giác núng na núng nính nữa. Cái cằm trước kia tròn xoe xệ thành hai lớp, giờ cũng bớt đi một lớp, hiện rõ hình cái cằm. Hai con mắt sáng sủa có thần, như người đời Tống vẽ mắt chim, dùng sơn sống điểm mắt, vừa đen vừa bóng vậy. Chân bà ta đi một đôi giày đá bóng màu xanh lam, cánh tay vắt một chiếc áo gió, một tay cầm chiếc túi lưới bên trong là một tảng thịt bò tươi rất lớn. Nhìn dáng vẻ, chắc là bà ấy mới chạy bộ trở về, tỏa ra một khí thế và sức sống của gốc cây già xanh tươi trở lại. Bà ấy hào hứng nói với bác sĩ Lý: “Tôi nghe lời bác sĩ, dậy sớm chạy bộ, đúng là rất tốt! Khỏe khoắn cả người, ngồi cũng không yên, phải dậy đi ra chợ, đi một lần cả nửa ngày mà chẳng mệt mỏi gì. Tì vị cũng rất tốt, ông xem tảng thịt bò trong túi này, tôi một bữa có thể ăn hết bay. Mà này, ông nhìn xem, xem bắp chân tôi này …” – bà vừa nói vừa kéo ống quần, để lộ ra bắp chân to chắc, cổ chân vừa hơi động đậy, thì bắp chân đã cuộn lên khối cơ bắp hình trái xoan rắn câng câng. Bà ấy nhìn thấy trong ánh mắt bác sĩ Lý một sự kinh ngạc, rất đắc ý và tự hào, lại khoe tiếp: “Tôi luôn kiên trì ngày nào cũng chạy. Ông có biết không, rất nhiều người không kiên trì, chạy được một thời gian lại không chạy nữa. Tôi không thế. Tôi chạy!”
-         Tôi biết. Có một người cùng chạy với bà được mấy tháng rồi không chạy nữa!
-         Ai?
-         Kỹ sư trưởng Đào. Một ông cao gầy, đeo kính mắt ấy. Không biết bà còn nhớ không?
-         Nhớ, nhớ rõ lắm! Ông cũng biết ông ấy à? Ông này kém lắm. Chưa từng bao giờ chạy liên tục được ba ngày trở lên, cứ bữa đực bữa cái. Gần một năm nay, chẳng thấy bóng dáng ông ấy đâu nữa. Loại người này ý chí kém cỏi, không có quyết tâm, chẳng làm nên được việc lớn gì cả! – Bà ta khinh miệt bĩu môi – Tôi không coi loại người ấy ra gì!
Bác sĩ Lý ngó khuôn mặt béo tốt của bà ta, nhờ có dinh dưỡng và chăm sóc tốt nên sắc mặt càng sáng láng, nở một nụ cười châm chọc:
-         Nhưng theo như tôi biết, ông ta đã hoàn thành một việc lớn rồi đấy!
-         Việc gì thế?
-         Ông ta nghiên cứu ra một phương pháp chế biến muối mới, lại tự động hóa toàn bộ, làm sản lượng nâng cao kinh người, gấp mấy chục lần.
-         Vâng – Bà béo chẳng có vẻ gì rung động, tiện mồm lại hỏi – Ông ấy vẫn khỏe chứ ạ?
-         Không! Ông ấy làm việc suốt ngày suốt đêm, quỵ rồi. Vừa hoàn thành công trình nghiên cứu thì bị tắc mạch máu não, phải vào nhập viện, e là ngay cả việc muốn bình phục lại cũng còn khó!
-         Thế nghiên cứu ra rồi để làm gì, người thì hỏng rồi! Tôi thì ngược lại chả tội gì đày đọa thân xác mình.  Sức khỏe tốt cũng là một sự hưởng thụ. Nếu như ông ấy cũng chạy bộ với tôi, thì đã không đến nỗi quỵ, ông ấy phải chạy mới đúng! – Bà béo nói. Khí lực bà ta rất tốt, nói chuyện cứ oang oang như quát.
-         Bà nói cũng phải. Năm kia, khi ông ấy bắt đầu công trình nghiên cứu này, sức khỏe kém lắm. Mà nghiên cứu công trình này, phải cần thời gian bảy năm ….”
-         Sao cơ? Cũng là bảy năm? – Bà béo sững người, liên tưởng đến bản thân mình, cảm thấy thật là trùng hợp.
-         Vâng! Bảy năm, cũng giống như bà, cũng cần đến bảy năm. Tất nhiên, bảy năm ấy dùng làm gì thì hoàn toàn khác. Tôi khuyên ông ấy chạy bộ, cũng nói với ông ấy, “kiên trì chạy hàng ngày, có thể sống thêm bảy tám năm trở nên.” Thế là ông ấy chạy. Nhưng sau đó, công trình nghiên cứu của ông ấy có bước đột phá, không cần phải mất bảy năm, chỉ cần khoảng một năm là đủ rồi. Thế là ông ấy không chịu bỏ ra mỗi ngày hơn một tiếng đồng hồ để chạy bộ nữa, sợ không thể đưa ra kết quả nghiên cứu một cách nhanh nhất. Ông ấy không chạy nữa, bò ra bàn, làm liền một mạch bốn trăm ngày, làm đến kiệt sức!”
-         Cái kiểu người thật không thể hiểu nổi …  - Bà béo lắc đầu chán ngán.
Bác sĩ Lý cảm thấy lời nói của bà béo chỉ biết coi việc tiêu hóa thức ăn làm mục đích cuộc sống kia, chẳng phải chỉ là sỉ nhục riêng trưởng Đào, mà còn sỉ nhục cả chính mình. Ông không đừng được bảo:
-         Thế đấy! Có rất nhiều người mà thái độ ứng xử với mạng sống của mình, thật sự khiến người khác không thể hiểu nổi. Đó là do nhận thức khác nhau của mọi người đối với giá trị của cuộc sống. Đúng không?
Bà béo nghe xong, tuy mơ hồ nhưng cũng cảm thấy được trong lời nói và ánh mắt của đối phương, đều lộ rõ một sự giễu cợt với mình. Bà ta cáo từ ra về trong tâm trạng không được vui vẻ.
Cho đến hôm nay, mỗi sáng sớm, trên con đường ướt đâm sương đêm dưới tán cây bên ngoài công viên Thắng Lợi, vẫn có thể thấy một đàn bà béo tốt đang chạy bộ như hồi nào. Tất nhiên bà ta là một người chạy lão luyện rồi. Hai bắp chân đã được rèn luyện lâu ngày to chắc như chân trâu đực, sải những bước chạy nhẹ nhàng, mềm dẻo, lại có tiết tấu. Sau lưng áo phông một vầng mồ hôi thấm ướt to như cái bánh đa. Hơn thế nữa, không có một ngày nào là bà ta gián đoạn. Trong màn mưa bay bay mịt mù, bà ta còn cầm cả cái ô cán nhựa vải đen để chạy, dù rằng hình ảnh ấy trong con mắt những người đi đường nó thật buồn cười./.

(Châu Hải Đường dịch)

Chú thích:
(1) Họ Toại Nhân: tức Toại Nhân thị, theo truyền thuyết cổ Trung Quốc là người tìm ra lửa, dạy người cổ đại biết ăn đồ ăn chin.
(2) Mười năm tai họa: chỉ thời gian mười năm Cách mạng Văn hóa Trung Quốc từ 1966 đến 1976.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét