Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2022

TÔI TỰ VẼ MINH HỌA TRUYỆN - Phùng Ký Tài

    Vẽ tranh minh họa cho truyện của chính mình, là một niềm vui thích khác biệt, tranh vẽ cũng là kiểu vẽ khác biệt.

    Khi nhà văn viết ra nhân vật, thì dung nhan diện mạo, lời nói nụ cười của nhân vật vốn đã rõ ràng rành mạch từ trước trong lòng mình rồi, sau đó mới dùng bút viết ra những nhân vật ấy. Nhưng nhà văn có thể viết ra nhân vật một cách sống động là được rồi, sao lại còn phải vẽ ra nữa? Vẽ minh họa cho truyện là việc của họa sĩ mà. Vậy, vì sao lại có những nhà văn thích làm công việc này? Ví dụ như Victor Hugo, Thackeray, Mayakovsky... Một mặt là vì những tác gia này có sở trường hội họa; những người biết vẽ tranh thường luôn không ngăn được tình cảm, đem hình tượng trong trí óc mình vẽ ra. Trong bản thảo của Pushkin và Lermontov, chẳng phải hai ông thường vẽ một số hình người nho nhỏ đó ư? Lại nữa, vì có những tác gia rất quan tâm đến hình thức và mỹ cảm của cuốn sách, ví dụ như Lỗ Tấn tiên sinh, dẫu rằng không vẽ tranh, nhưng lại từng thiết kế bìa cho không ít những cuốn sách mà mình viết hay biên soạn. Nhìn đơn thuần từ góc độ trang trí, thiết kế bìa của Lỗ Tấn tiên sinh rất có phong vị, có đại khí, cảm nhận về hình họa rất mạnh, tính thẩm mỹ phong phú.

Tôi vẽ tranh minh họa cho truyện của chính mình hoàn toàn xuất phát từ một niềm cảm hứng. Có lúc viết xong truyện, nhân vật vẫn còn hiển hiện sống động trong trí óc mình, tôi vốn xuất thân là họa sĩ, liền không ngăn nổi việc đem nhân vật vẽ ra. Đến khi gửi bản thảo cho báo chí, lại đem cả truyện cả tranh cùng gửi đi. Biên tập thấy tranh minh họa là tôi tự vẽ, cảm thấy thú vị, bèn cùng cho in cả một thể. Vào thập niên 80 của thế k trước, một số tiểu thuyết của tôi như Gót sen ba tấc, Khách đến trong đêm tuyết in trên tạp chí Thu hoạch, hay Kể chuyện Vương Mông, Trong sương mù ngắm Luân Đôn in trên Văn hối nguyệt san, đều là cùng in cả văn chương và minh họa. Như vậy, chuyện tự viết tự vẽ, trong sự tự hưởng thụ cũng sẽ đem lại cho độc giả một chút niềm vui thích. Có điều, những việc này làm rất tùy hứng, thuận tay mà vẽ ra, mấy năm gần đây tôi thực sự quá bận rộn, rất ít viết tiểu thuyết, phần nhiều viết những tùy bút tư tưởng với rất nhiều lo nghĩ, việc tự vẽ tranh minh họa bèn giữa chừng đứt đoạn.

Tôi vẽ minh họa cũng rất tùy ý. Vẽ đã tùy ý, ngay cả chuyện dùng bút cũng là tùy tiện với tay lấy được cái bút nào trên bàn viết thì dùng cái bút ấy, phần đa là dùng bút máy, bút chì, bút bi, bút lông. Vẽ tả ý đơn giản, lại đều mang một chút cảm giác khôi hài, cái này đại khái có liên quan đến việc tôi thích vẽ biếm họa. Biếm họa là một trong những nội dung trong cuộc sống gia đình của tôi, tôi thường lấy chủ đề từ những chuyện cười trong cuộc sống gia đình thường nhật, đối tượng vẽ trong tranh phần lớn là vợ, con, bè bạn, người quen và chính bản thân mình, vẽ ra cho vui, và khi vẽ bản thân mình thì phần nhiều là tự trào. Vì thường vẽ luôn, nên tôi đã rèn được lối vẽ chỉ trong mấy nét bút mà đủ thần thái sống động, có điều đây là “văn hóa gia đình” mang tính riêng tư, nên trước nay chưa bao giờ đem phổ biến ra.

(Minh họa truyện Trương Đại Lực)

Nhưng có một lần tôi đã dùng bút pháp biếm họa này để tự vẽ minh họa. Đó là vào thập niên 80 thế kỷ trước, sau khi đi thăm Mỹ trở về, tôi đã viết hơn bảy mươi bài tùy bút so sánh quan niệm của Trung Quốc và phương Tây, đăng báo. Tập tùy bút ấy phần lớn được tôi sử dụng bút pháp hài hước gây cười, rất phù hợp với cách vẽ biếm họa của mình, nên tôi bèn thuận tay vẽ luôn minh họa. Mỗi bài viết một bức tranh, vẽ liền bảy mươi bức, sau đó, còn xuất bản thành một cuốn sách tự vẽ minh họa, là cuốn Hải ngoại thú đàm.

Lần này, tôi vẽ minh họa cho tập Tục thế kỳ nhân cũng là như vậy. Một là cảm hứng rất tức thời, ngay sau khi viết xong truyện, nhân vật vẫn còn hiển hiện đủ màu sắc âm thanh trong trí não mình; Hai là, bản thân tập truyện này đã có sẵn tính hài hước, rất phù hợp cho việc sử dụng hình thức biếm họa mà tôi sở trường để vẽ minh họa. Đầu tiên, tôi vẽ nhân vật của mấy truyện trong một cuốn sổ, không ngờ rằng càng vẽ càng hăng say, như mũi tên bắn ra không thể thu về được nữa, qua nửa tháng, tôi đã vẽ được một cuốn dày. Cũng có khi, cùng một nhân vật vẽ liền mấy bức với tư thế khác nhau, thần thái khác nhau. Mỗi một truyện chọn lấy một nhân vật, thế là cuốn tranh minh họa này liền được ra đời.

(Minh họa truyện Dương Súng Chạc)

Trước đây, cũng từng có người đã vẽ minh họa cho cuốn Tục thế kỳ nhân này, ví dụ như dịch giả người Nhật Bản Kimiko Namura đã vẽ rất đẹp. Nhưng, người khác vẽ là vẽ Tục thế kỳ nhân trong lòng họ, còn tôi vẽ là Tục thế kỳ nhân trong lòng tôi. Những nhân vật này sinh ra từ trí óc của tôi, tôi biết từ tính khí bẩm sinh cho đến cái chau mày liếc mắt của họ là thế nào. Hơn nữa, tôi đã sống cả cuộc đời ở Thiên Tân, hiểu rõ sức mạnh từ tận xương tủy, hiểu rõ kiểu cậy mạnh hiếu thắng, cũng như lòng nhiệt thành, tính sĩ diện, lại cả chút gàn dở đến đáng yêu của người Thiên Tân. Tôi vẽ, chính là vẽ ra những cái đó.

Vậy thôi, tôi đã có một tập truyện mà mình tự vẽ tranh minh họa rồi. Bây giờ chỉ nghĩ sẽ lại viết vẽ một cuốn sách khác./.

(Theo Tục Thế Kỳ Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét