Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2018

Từ Phù Tang đến Dâm Bụt


Trước nay, khi nói đến Phù Tang, chúng ta thường nghĩ ngay đến đất nước Nhật Bản đáng mến, mà không để ý rằng, nó cũng là tên một loại cây thực tế, chứ không phải chỉ là cây dâu thần huyền thoại. Và hơn thế nữa, chính từ cái tên này, đã gợi ý cho tôi truy nguyên lại cái tên chính xác của loài hoa rất đỗi thân thuộc với làng quê Việt Nam xưa nay. Hoa Dâm Bụt.
Cây Phù tang, trong “Bản Thảo cương mục – Mộc bộ” của Lý Thời Trân đời Minh, có chép như sau (Tôi xin dịch đại lược):
(Mục viết về Phù Tang trong "Bản Thảo Cương Mục")

Phù Tang: Các tên khác: Phật Tang (Theo “Phi tuyết lục”), Chu Cận, Xích Cận (theo “Thảo mộc trạng”), Nhật Cập.
Thời Trân nói: Nơi mặt trời mọc ở Đông Hải có cây Phù Tang. Loại hoa này đẹp rực rỡ như mặt trời, lá nó tựa lá dâu, nhân lấy đó mà so sánh (ý nói gọi là Tang). Người sau ngoa truyền ra gọi là Phật Tang. Tức là một loại khác của Mộc Cận vậy. Cho nên các tên như Nhật Cập (Chu Cận, Xích Cận) cũng cùng là  chỉ cây ấy.
Tập giải: Phù Tang sản ở phương nam, chính là một loại khác của Mộc cận vậy. Cành nhánh nó mềm yếu, lá xanh sẫm, hơi chát như dâu. Hoa nó có ba màu đỏ, vàng, trắng. Loại hoa đỏ càng quý, gọi là Chu cận. Kê Hàm trong “Thảo mộc trạng” nói: Chu cận, còn có tên Xích Cận, và Nhật Cập, xuất xứ Nam Lương quận. … Hoa của nó sắc đỏ sẫm, năm cánh, lớn như hoa Thục quỳ … có nhị là một dải dài, … ngày nở mấy trăm đóa, sớm nở tối tàn, bắt đầu từ tháng Năm cho tới giữa đông thì hết hoa. Cắm cây là mọc.
Như chúng ta đã biết: Cận, Mộc cận, Chu cận … chính là cây dâm bụt. Đồng thời, qua đoạn mô tả đặc tính của cây, cành, lá, hoa, cách cắm cành trồng cây…  ở trên, thì càng thêm khẳng định Phù Tang cũng chính là dâm bụt.
(Hoa Dâm Bụt)

Điều ấy, kể không có gì phải nói lại nữa, nhưng có một điểm khiến chúng ta phải suy nghĩ đó là cái tên Phật tang. Chữ Phật tang, rõ ràng có thể là đọc trại từ Phù tang sang, và trở thành một tên biệt xưng nữa của Mộc Cận. Mà sau này nó cũng được nhiều người dùng thay cả cái tên Phù Tang để chỉ Nhật Bản. (Kỷ Hiểu Lam trong “Duyệt Vi thảo đường bút ký”)
Vấn đề đặt ra, là chữ Phật lại nghĩa là Bụt, và Phật Tang, nếu dịch sang tiếng Việt, thì nghĩa: cây Dâu (của) Bụt (Phật). Rõ ràng có một nét tương đồng giữa tầm vóc, hình lá của dâm bụt với cây dâu mà chúng ta đã không còn để ý đến lâu nay. Rất có thể tên nguyên thủy của loài cây này trong tiếng Việt chính là cây Dâu Bụt, và trong quá trình truyền thừa ngôn ngữ, từ Phù Tang – Phật Tang – Dâu Bụt, sau nhiều biến thiên nó đã bị đọc trại thành Dâm Bụt như hiện nay./.

20.7.2018
Châu Hải Đường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét