Thứ Tư, 14 tháng 2, 2018

Mấy biệt danh xưa của Chó

Chó là một loài vật thân thiết, có thể nói là một người bạn của con người từ rất xa xưa, thậm chí có dân tộc còn coi chó là tổ tiên của mình (như tộc Di ở Vũ Lăng coi Bàn Hồ- một con chó của Đế Khốc - là tổ tiên mình). Chính vì vậy, từ xưa tới nay đã nhiều chú chó được lưu danh trong thơ văn sách vở, thậm chí nhiều tên riêng của chúng đã trở thành tên phiếm chỉ chung như một biệt danh của chó. Nhân dịp xuân Mậu Tuất sắp sang, Châu Hải Đường xin nói về mấy biệt danh của Chó thường xuất hiện trong thơ văn, sách vở xưa.


1Hoàng Nhĩ (tai vàng):
Theo “Tấn thư – Lục Cơ truyện”, Lục Cơ (261  303) tự Sĩ Hành, người Hoa Đình, Ngô quận là nhà văn, nhà thơ, tác gia nổi tiếng đời Ngụy Tấn. Thuở thiếu thời, ông rất ham săn bắn, nên khi còn ở đất Ngô có người môn khách dâng tặng một con chó hay, tên là Hoàng Nhĩ. Sau, Lục Cơ đến Lạc dương làm quan, đem theo cả con Hoàng Nhĩ đi cùng. Con chó rất thông minh, hiểu được tiếng người. Cơ từng cho người khác mượn, cách xa hơn ba trăm dặm, mà con chó vẫn biết đường tự về nhà. Ở nơi đất khách lâu ngày, không có tin nhà, Cơ nhân nói đùa với con chó rằng: “Nhà ta từ lâu tuyệt không âm tín, mi có thể giúp ta đem thư hỏi thăm về nhà không?” Con chó vui vẻ vẫy đuôi kêu lên như bằng lòng. Cơ bèn thử viết thư, cho vào ống trúc, buộc vào cổ chó. Con chó bèn ra đường dịch lộ, chạy nhanh về hướng đất Ngô, thẳng đến nhà Cơ. Người nhà Cơ lấy thư ra xem xong, chó lại xủa lên mấy tiếng như giục giã. Người nhà bèn viết thư hồi âm, lại bỏ vào ống trúc, buộc cổ cho nó mang đi về Lạ Dương. Tính ra, nếu người đi thì mất năm mươi ngày, mà con chó chỉ đi mất nửa tháng. Về sau con Hoàng Nhĩ chết, Cơ bèn khâm liệm, sai người đem về làng chôn cất ở cách nhà Cơ hai trăm bước. Người trong thôn gọi đó là “Hoàng Nhĩ trủng”.
Đến nay, trong dân gian Trung Quốc vẫn truyền tụng câu chuyện “Trung cẩu tống tín” (Chú chó trung thành đưa thư). Sách “Tùng Giang phủ chí” cũng chép “Hoàng Nhi trủng” ở phía nam Phủ thành. Lý Hạ đời Đường trong bài thơ “Thủy vi Phụng lễ, ức Xương Cốc sơn cư” (mới được làm chức Phụng lễ lang, nhớ nơi sơn cư ở Xương Cốc), có câu: “Khuyển thư tằng khứ lạc; Hạc bệnh hối du Tần” (犬書曾去洛,鶴病悔遊秦). Trương Chứ đời Nguyên trong bài “Dư Bá Trù quy Triết đông giản Quận thú vương Cư Chính” cũng viết: “Gia tín thập niên Hoàng Nhĩ khuyển; Hương tâm nhất dạ bạch đầu ô.” Thẩm Thuyên Kỳ trong bài “Đáp li mị đại thư ký gia nhân” có câu: “Âm trần hoàng nhĩ gián; Mộng tưởng bạch mi lương” (音塵黃耳間,夢想白眉良). Lâm Cảnh Hi đời Tống có bài thơ “Hoàng Nhĩ trủng”, Viên Khải đời Minh cũng có bài thơ: “Quá Hoàng Nhĩ mộ hữu cảm”. …
Các nhà thơ đời sau cũng thường dùng chữ “Hoàng Nhĩ” trong thơ ca của mình như một biệt danh của chó, chứ không còn là riêng chỉ việc đưa thư theo điển cố Lục Cơ nữa. Ví như Nguyên Chẩn trong “Hữu phong thể” có câu: “Hoa chúc diệm cao hoàng nhĩ phệ; Liễu đê phong tĩnh tử lưu thanh” (樺燭焰高黃耳吠,柳堤風靜紫騮聲.). Trương từ đời Tống trong bài “Quá Hồng thành tử” có câu: “Phệ nhân hoàng nhĩ xuyên li tẩu; Hoán tử thanh cư xuất hộ nghênh”, hay Trần Doãn Bình đời Tống trong bài “Đài thượng” cũng có câu: “Đinh ninh hoàng nhĩ hưu kinh phệ, Bất thị nhàn nhân định bất lai”. …


2Ô Long:
Theo “Sưu thần ký” của Đào Tiềm, truyền rằng đời Tấn có Trương Nhiên người Cối Kê, trong nhà nuôi một con chó, tên là Ô Long. Có tên đày tớ tư thông với vợ Nhiên, định giết Nhiên, con Ô Long bèn cắn tên đày tớ mà cứu chủ. Người đời sau nhân đó gọi chó là Ô Long theo tên con nghĩa khuyển ấy. Phùng Chí đời Đường trong “Vân tiên  tạp ký” cũng chép chuyện này.
“Thái Bình quảng ký” quyển 417, lại có truyện Vi Thiện Tuấn, chép theo “Tiên truyện thập di” của Đỗ Quang Đình đời Đường, viết: Vi Thiện Tuấn người Đỗ Lăng, Kinh Triệu, đi khắp nơi chu du cầu đạo. Tuấn thường đem theo một con chó, gọi là Ô Long, đến đâu cũng chia đôi phần ăn cho nó. Con chó lại bị ghẻ, rụng hết cả lông, nhưng Tuấn cũng không ghét bỏ. Tuấn có người anh, làm tăng ở chùa Tung Sơn, đã lên trưởng lão. Tuấn sắp thành tiên, bỗng nói với mọi người rằng: “Ta còn có món nợ chưa trả xong.” Rồi bèn vào núi gặp anh. Chúng tăng thấy Tuấn là em của sư trưởng, nhiều năm xa cách nay mới trở về, thì đều kính trọng. Mỗi khi Tuấn lên nhà trai thực, đều dắt theo con chó bên mình, chia thức ăn cho cùng ăn. Mọi người lấy làm ghét, bèn bẩm với trưởng lão, trưởng lão nổi giận, bèn gọi tới trách mắng, rồi đánh cho mười mấy roi, và đuổi ra khỏi chùa. Thiện Tuấn lạy tạ nói: “Túc trái của tôi đã trả xong rồi, lần này sẽ không quay về nữa, xin cho tắm rửa sạch sẽ rồi sẽ đi.” Trưởng lão bằng lòng. Tuấn tắm xong dắt chó mà đi, con chó đã dài tới sáu bảy thước, đi đến trước điện, bèn hóa ra một con rồng, dài mấy chục trượng. Thiện Tuấn bèn cưỡi rồng bay lên trời, làm vỡ một góc mái điện, dấu tích đến nay vẫn còn.
Vì vậy, về sau, người ta còn dùng chữ “Ô Long” như một biệt danh của chó. Bạch Cư Dị đời Đường có câu thơ: “Ô long ngọa bất kinh; Thanh điểu phi tương trục” (烏龍臥不驚,青鳥飛相逐), Lý Thương Ẩn cũng có câu: “Dao tri tiểu các hoàn tà chiếu; Tiện sát ô long ngọa cẩm nhân” (遙知小閣還斜照,羨殺烏龍臥錦茵).

3Hàn Lư:
Hàn Lư vốn là tên một giống chó lông đen, có tiếng ở nước Hàn xưa. (Chữ “Lư” nguyên có nghĩa là sắc đen). “Chiến quốc sách – Tần sách 3” có câu: “Đem nước Tần với quân sĩ dũng mãnh, xe ngựa sẵn nhiều như vậy mà đối chọi lại chư hầu, thì có khác chi xua Hàn Lư đuổi thỏ nhãi vậy.” Ngũ Mại đời Tống có câu: “Phần võng hủy độc thỉ; Phóng ưng trục hàn lư” (焚綱毀毒矢,放鷹逐韓盧) Hồng Quán đời Minh trong bài thơ “Cung từ 7” có câu: “Hoa âm trường nhật ngọa hàn lư” (花陰長日臥韓盧) …

4Sài Cữu:
Sách “Nhĩ nhã dực - Thích thú 2” – “Sài” (sói) chép: Người đời truyền rằng, chó là cậu của sói, nên khi sói thấy chó thì quỳ phục xuống như bái lạy.” Vì vậy người ta cũng gọi chó là “Sài cữu”. “Sự vật dị danh lục – Thú súc – Khuyển” dẫn “Dậu dương tạp trở” của Đoàn Thành Thức cũng nói như vậy.

5Địa Dương:

Lý Thời Trân đời Minh trong “Bản thảo cương mục – Thú 1 – Cẩu”, viết: “Người đất Tề gọi chó là Địa dương (dê đất). 
...

Xuân Mậu Tuất
CHĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét