Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Nhân chuyện “Sư Tử đá”, nói về tên một nhân vật Việt Nam trở thành danh từ chung ở Trung Quốc

Vừa qua trên các phương tiện thông tin đại chúng có đưa một số tranh luận xung quanh việc sư tử đá tạo hình kiểu Trung Quốc xuất hiện nhiều trong các kiến trúc truyền thống của Việt Nam. Đồng thời cũng xuất hiện quan điểm của một số người về những tên gọi của nhân vật lịch sử Trung Quốc hay câu chữ trong sách vở Trung Quốc có nguồn gốc từ tiếng Việt, tuy có thể nhận thấy ngay đó là sự khiên cưỡng rất ngây thơ, cụ thể như tên Việt vương Câu Tiễn thực ra theo tiếng Việt là “Cu Tí” bị người Trung Quốc phiên âm thành Câu Tiễn; hay chữ “Hảo cầu” trong câu Kinh Thi “Quân tử hảo cầu” vốn là chữ “Hiếu kều” .v.v. Trong khi có một điều ít ai biết, đó là có một tên riêng của nhân vật Việt Nam đã trở thành một danh từ chung ở Trung Quốc từ rất lâu và còn sử dụng đến ngày nay. Đó là nhân vật Lý Ông Trọng.

Về nhân vật Lý Ông Trọng, sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Phần Ngoại kỷ, quyển I có chép như sau: “Canh Thìn, năm thứ 37 [221 TCN], (Tần Thủy Hoàng Lữ Chính năm thứ 26). Nước Tần thôn tính cả 6 nước, xưng hoàng đế. Bấy giờ người Từ Liêm, Giao Chỉ ta, là Lý Ông Trọng, người cao 2 trượng 3 thước, lúc ít tuổi đến hương ấp làm lực dịch, bị trưởng quan đánh, bèn bỏ sang nước Tần làm quan đến chức Tư lệ hiệu úy. Thủy Hoàng lấy được thiên hạ, sai ông đem quân đóng giữ đất Lâm Thao, uy danh chấn động nước Hung Nô. Khi tuổi già, về làng rồi chết. Thủy Hoàng cho ông là người kỳ lạ, đúc đồng làm tượng, để ở cửa Tư Mã ở Hàm Dương, bụng tượng chứa được mấy chục người, ngầm lay thì chuyển động được, Hung Nô tưởng đó là hiệu úy còn sống, không dám đến xâm phạm (Triệu Xương nhà Đường làm đô hộ Giao Châu, đêm thường nằm chiêm bao thấy cùng Ông Trọng giảng bàn sách Xuân Thu, Tả Truyện, nhân hỏi chỗ ở cũ, rồi dựng đền thờ. Khi Cao Vương đi đánh Nam Chiếu, thần thường hiển linh giúp sức. Cao Vương cho sửa lại đền thờ, tạc gỗ làm tượng, gọi là [tượng] Lý hiệu úy. Để ở xã Thụy Hương huyện Từ Liêm)

Đình/Đền Chèm - H.N (Ảnh St)

Các tài liệu khác như “Lĩnh Nam Chích Quái”, “Việt Điện U Linh” đều có những ghi chép tương tự. Sách “Lĩnh Nam Chích Quái” của Vũ Quỳnh và Kiều Phú, cho biết thêm thông tin, Lý Ông Trọng còn có tên là Lý Thân, Tần Thủy Hoàng đúc đồng làm tượng mới đặt hiệu là Ông Trọng, và “đền Lý hiệu úy nay thuộc xã Thụy Hương, huyện Từ Liêm (xưa gọi là xã Thụy Hàm, nay gọi là xã Thụy Hương) ở bên bờ sông Cái cách kinh thành 15 dặm”.  Sách “Viện Điện U Linh” của Lý Tế Xuyên thì cho biết thêm: “Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu (đời Trần), sắc phong Anh Liệt Vương, đến năm thứ tư, gia phong hai chữ Dũng Mãnh, năm Hưng Long thứ hai mươi, gia phong Phụ Tín Đại Vương.”
Như vậy có thể thấy đền thờ Lý Ông Trọng đã có từ lâu và đến đời Trần vẫn được tiếp tục duy trì, đồng thời được gia phong tên hiệu nhiều lần. Phạm Sư Mạnh (đời Trần) cũng từng nhắc đến đền thờ Lý Ông Trọng trong bài thơ Họa Đại Minh Sứ Đề Nhĩ Hà Dịch 3 (Họa thơ sứ giả nhà Minh đề trạm dịch Nhĩ Hà – bài 3) của mình: “Văn Lang thành cổ sơn trùng điệp, Ông Trọng từ thâm vân đạm nùng” (Văn Lang thành cổ non trùng điệp; Ông Trọng đền thiêng mây nhạt nồng). Trong dân gian Lý Ông Trọng vẫn được tôn xưng là Đức Thánh Chèm, đến nay dân ba làng Thụy Phương, Hoàng Mạc, Liên Mạc hàng năm vẫn tổ chức lễ hội tưởng nhớ ông ở đình, đền Chèm từ 14 – 16 tháng Năm (Âm Lịch).
Như vậy Lý Ông Trọng – một nhân vật Việt Nam đã trở thành một danh tướng lẫy lừng thời Tần, mà uy danh còn chấn động cả Hung Nô. Câu chuyện lịch sử mang tính huyền thoại ấy có lẽ đã dừng lại ở đây. Nhưng có một điều chúng ta còn chưa biết, đó là sau khi Tần Thủy hoàng cho đúc tượng đồng lớn để ngoài cửa Tư Mã ở Hàm Dương thì cách làm ấy và tên gọi “Ông Trọng” đã dần dần được lan truyền ra khắp Trung Quốc: Người ta bắt đầu cho đúc hay tạc những pho tượng người để hai bên các kiến trúc, lăng tẩm coi như một vị thần trừ mọi tà ma, và đều gọi những pho tượng ấy là “Ông Trọng”.
Sớm nhất có thể thấy trong “Sử ký sách ẩn” của Tư Mã Trinh (tự Tử Chính, người Hà Nội nay là Thấm Dương, Hà Nam, niên hiệu Khai Nguyên – Đường Huyền Tông làm chức Triều tán đại phu, Hoằng Văn quán học sĩ, biên tập “Sử ký Sách ẩn” 13 quyển) đời Đường chú câu viết về việc Tần Thúy hoàng đúc mười hai người đồng - “Chú vi kim nhân thập nhị” - trong “Sử Ký quyển 48 – Trần Thiệp thế gia” là: “Các trọng thiên thạch, tọa cao nhị trượng, hiệu viết Ông Trọng” (Mỗi pho nặng một ngàn thạch, ngồi cao hai trượng, gọi là Ông Trọng). Như vậy có thể thấy việc đặt tượng Ông Trọng đã xuất hiện từ đời Tần.  Trong “Tam Quốc chí – Ngụy chí – Minh Đế kỷ” Bùi Tùng Chi chú cũng có câu: “Ngụy Minh đế Cảnh Sơ nguyên niên, phát đồng chú vi cự nhân nhị, hiệu viết Ông Trọng” (Năm Cảnh Sơ nguyên niên đời Ngụy Minh đế (Tào Phi), cho lấy đồng đúc hai tượng người to lớn, gọi là Ông Trọng)
Liễu Tông Nguyên đời Đường cũng từng nhắc đến Lý Ông Trọng trong bài thơ: “Hành Dương dữ Mộng Đắc phân lộ tặng biệt” (Chia tay ở Hành Dương làm tặng Mộng Đắc-Lưu Vũ Tích): “Thập niên tiều tụy đáo Tần Kinh; Thùy liệu phiên vi Lĩnh Ngoại hành. Phục Ba cố đạo phong yên tại; Ông Trọng di khư thảo thụ bình…” (Nghĩa là: Mười năm tiều tụy đến kinh đô nhà Tần; Ai biết lại bị đày đi ra đất Lĩnh Ngoại. Đường cũ Phục Ba (Mã Viện) từng đi gió sương vẫn còn; Di tích cũ của Ông Trọng cỏ cây đã kín…)
Thẩm Thuyên Kỳ đời Đường cũng nhớ đến Ông Trọng khi bị đày sang Giao Chỉ, trong bài thơ “Độ An Hải nhập Long Biên” (Vượt An Hải vào Long Biên) có câu: “Úy Đà tằng ngự quốc; Ông Trọng cửu du tuyền” (Đất nước của Úy Đà từng cai trị, Con suối nơi Ông Trọng chơi từ xưa)
Chuyện về Lý Ông Trọng tiếp tục được ghi chép với nội dung tương tự như “Viện Điện U Linh” trong các sách sử Trung Quốc khác như: “Minh nhất thống chí” hoàn thành năm Thiên Thuận thứ 5 đời Minh, hay “Quảng Dư Ký” – Quyển 9 – “Thiểm Tây –Lâm Thao phủ-Danh thần”; “Sơn Đường Tứ Khảo” – Quyển 149 – “Thần Kỳ Thần” viết khoảng niên hiệu Vạn Lịch  đời Minh, hay “Thuyết Lược” – quyển 5 – “Nhân kỷ”, “Thiên Trung Ký” – quyển 21 – “Trường nhân” … (Tuy nhiên những sách này viết muộn hơn, nên đều chép là Nguyễn Ông Trọng, có lẽ đã tham khảo các sách của Việt Nam viết sau đời Trần, nên đã sửa họ Lý thành Nguyễn. Nhà viết kịch nổi tiếng đời Minh – Thang Hiển Tổ, trong bài thơ “Hạ Châu loạn” (Loạn lạc ở Hạ Châu) cũng nhắc lại chuyện Ông Trọng và cho Ông Trọng họ Nguyễn: “Bất tín Tần nhân Nguyễn Ông Trọng; Chú kim chung đắc trấn Lâm Thao” (Chẳng tin Nguyễn Ông Trọng đời Tần, Đem vàng đúc có thể trấn giữ được đất Lâm Thao)
(Tượng Lý Ông Trọng và phu nhân ở Đình Chèm - Ảnh St)

Như vậy rõ ràng sự tích về Lý Ông Trọng ở Việt Nam, sau đời Minh phổ biến được biết đến là Nguyễn Ông Trọng đã tồn tại từ rất lâu, và lưu truyền qua các thời đại ở Trung Quốc.
Cùng với đó sau khi Tần Thủy Hoàng đúc tượng đồng gọi là Ông Trọng, qua đời Tam Quốc dần dần tên Ông Trọng đã được dùng để chỉ chung những pho tượng người cao lớn đặt trước cung điện. Rồi lại diễn tiến ra người ta dùng từ “Ông Trọng” gọi cả những tượng người được đặt trước lăng mộ. Rõ ràng nhất có thể thấy trong “Lịch viên Tùng thoại” phần “Lăng mộ” mục “Vũ Túc vương mộ” của Tiền Vịnh đời Thanh viết, có câu: “Hoa biểu nhất đôi, thạch mã, thạch dương, thạch hổ câu toàn, thạch ông trọng lưỡng đôi, thạch tướng quân nhất đôi” (Cột hoa biểu một đôi, ngựa đá, dê đá, hổ đá đều đủ, ông trọng đá hai đôi, tướng quân đá một đôi). Sớm hơn trước đó, trong thơ ca từ đời Tống, ta đã có thể thấy từ “ông trọng” với nghĩa là tượng đá trước mộ được nói đến rất nhiều.
Lưu Khắc Trang (Tống) trong bài thơ “Đề Hải Lăng Từ Thần Ông mộ” (Đề mộ Từ Thần Ông ở Hải Lăng) có câu: “Thu phần ông trọng tương thù đáp” (trước nấm mồ thu, chỉ có tượng ông trọng thù đáp với mình)
Hay Cát Thiên Dân (Tống), trong bài thơ “Sơn trung đề cổ mộ” (Đề ngôi mộ cổ trong núi) cũng có câu: “Hoại đạo thượng tồn ông trọng thủ; Truyền gia tri thị tử tôn thùy?” (Con đường cũ hỏng vẫn còn tượng ông trọng đứng giữ; Truyền lại biết con cháu là ai?)
Nhà thơ nổi tiếng nước Kim là Nguyên Hiếu Vấn, sống vào thời gian giặc Nguyên Mông bắt đầu tấn công nước Kim, đuối nhà Tống xuống phía Nam cũng từng nhắc đến tượng ông trọng trước mộ: “Ông trọng di khư thảo cức thu” (Bên gò hoang tượng ông trọng lẫn với cỏ gai mùa thu) trong bài thơ “Trấn Châu dữ Văn Cử, Bách Nhất ẩm” (Cùng uống rượu với Văn Cử, Bách Nhất ở Trấn Châu)
Đời Minh tên gọi “ông trọng” dùng cho tượng đá trước mộ vẫn tiếp tục được sử dụng, Lý Diên Hưng trong bài thơ “Vãn Trương Cập Dân lão tiên sinh” (Viếng Trương Cập Dân lão tiên sinh) có câu: “Mộ môn ông trọng khiếu thu phong” (Cửa mộ ông trọng kêu gió thu). Hay Vương Trĩ Đăng trong bài “Khốc Viên tướng công nhị thủ” (Khóc Viên tướng công hai bài) cũng viết: “Mộ tiền ông trọng thạch vi nhân” (Trước mộ ông trọng khắc đá thành người)
Như vậy có thể nói liên tục qua nhiều thời kỳ, câu chuyện về Lý Ông Trọng vẫn được lưu truyền ở Trung Quốc, và dần dần tên “Ông Trọng” được dùng làm một danh từ riêng để chỉ các tượng người được đúc bằng kim loại hay làm bằng đá, ngọc, đặc biệt với nghĩa là tượng người đặt trước lăng mộ. Danh từ chung ấy đến nay vẫn được sử dụng, có mặt trong các từ điển, và vẫn được giải thích bằng câu chuyện về Lý (Nguyễn) Ông Trọng người Việt Nam.
Tóm lại, trong quá trình giao lưu văn hóa, giữa các quốc gia lân cận đều có những giao thoa qua lại với nhau. Đặc biệt là hai nước có quan hệ mật thiết lâu đời như Việt Nam và Trung Quốc, giữa ngôn ngữ, truyền thuyết, phong tục, tập quán có những nét tương đồng, học tập lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, khó có thể phân định rạch ròi, và không thể bởi một hay vài hiện tượng nhỏ lẻ mà e ngại có thể thay đổi được cả một lịch sử và tinh thần của dân tộc.

Châu Hải Đường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét