Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

Viên Mai - Tuỳ Viên Thi Thoại (trích dịch)

Q1 - Tiết 2:
Ông Dương Thành Trai (Dương Vạn Lý – đời Tống) nói: “Xưa nay, trời phú cho những kẻ vụng về, thường giỏi nói những câu kiểu cách vần điệu, mà không hiểu lắm thú vị phong nhã. Vì sao vậy? Vì kiểu cách vần điệu chỉ là cái khung. Có giọng nói mồm miệng đều dễ dàng miêu tả nên. Còn thú vị phong nhã thì chuyên tả tính linh, chẳng phải bậc thiên tài thì không làm được.”
Tôi rất mến câu nói ấy. Nên biết có tính tình thì sẽ có cách luật, cách luật chẳng nằm ngoài tính tình. Trong ba trăm thiên kinh Thi, đến một nửa là chuyện của những người thôn quê, những kẻ thiếp phụ suất ý ngôn tình, vậy ai làm ra cách thức, mà ai làm ra lề luật? Đến nay những người nói về cách luật vần điệu, hỏi có ra khỏi phạm vi ấy không? Huống những bài ca của ông Cao, ông Vũ, lại khác với ba trăm thiên ấy, cái cách thức của “Quốc phong” cũng khác với “Nhã”, “Tụng”: vậy cách luật há lại nhất định sao? Hứa Hồn có câu: “Ngâm thi hảo tự thành tiên cốt; Cốt lý vô thi mạc lãng ngâm.” (Ngâm thơ dường tự thành tiên cốt; Trong cốt không thơ chớ rống ngâm). Thơ là tại cốt cách bên trong chớ chẳng phải ở cách luật bên ngoài vậy.
Q1 - Tiết 6:
Tôi (Viên Mai) làm thơ, rất không thích chuyện điệp vần, họa vần cùng việc dùng mượn vần của người xưa. Cho rằng thơ là để nói tính tình, chỉ cần thỏa cái sở thích của mình mà thôi. Trong một vần có trăm ngàn chữ, cho mình lựa chọn, chữ nào đã dùng rồi nếu thấy chưa phù hợp vẫn có thể đổi chữ khác, làm sao phải bó buộc vào một hai chữ trong vần đó mà thôi? Đã bó buộc, thì không thể không theo cái tiết tấu của nó, đã bị hạn chế bởi tiết tấu của nó thì làm sao nói được thỏa cái tính tình của mình? Sách “Trang tử” có câu: “Quên chân đi, là giày vừa vặn vậy.” Tôi xin nói thêm: “Quên vần đi, là thơ tự nhiên lưu loát vậy.”

Q1 - Tiết 14:
Nếu mến vẻ quật cường mạnh mẽ của văn Xương Lê (Hàn Dũ), thì hẳn nên coi nhẹ loại văn bài thể, thế nhưng trong “Đằng Vương Các tự” Hàn Dũ lại nói: “Nếu được nối thêm vào sau ba ngài họ Vương, thì thực vinh hạnh biết bao!”. Nếu yêu vẻ khoáng đạt rộng rãi của Đỗ Thiếu Lăng, thì hẳn nên coi nhẹ những nhà thời Sơ Đường, thế nhưng trong thơ của Đỗ Thiếu Lăng lại viết: “Vương, Dương, Lư, Lạc đương thời thể; Bất phế giang hà vạn cổ lưu.” (Thể thơ của các ông Vương (Bột), Dương (Quýnh), Lư (Chiếu Lân), Lạc (Tân Vương) thời ấy; Thực như sông bể từ xưa vẫn chảy không ngừng.) Nếu yêu vẻ mới mẻ cao siêu của Hoàng Sơn Cốc (Hoàng Đình Kiên), thì hẳn nên coi nhẹ phái Tây Côn, thế nhưng thơ của họ Hoàng lại viết: “Nguyên Chi như để trụ; Đại Niên nhược sương hộc. Vương, Dương lập bản triều; Dữ thế tác phu quách.” (Nguyên Chi (tức Vương Vũ Xưng) như móng trụ của nhà cửa; Đại Niên (tức Dương Ức) như chim hồng hộc trải qua sương tuyết. Hai ông Vương, Dương dựng nên nền thơ ca của triều ta; Các ông đã xây nên thành quách (thi ca) vững vàng cho đời vậy.) Người đời nay, còn chưa được nhìn thấy cửa họ Hàn (Dũ), họ Liễu (Tông Nguyên) mà đã vội gạt bỏ thơ ca Lục triều; chưa được mảy da lông của họ Lý (Bạch), họ Đỗ (Phủ) mà đã coi thường thơ ca của họ Ôn (Đình Quân), họ Lý (Thương Ẩn), những kẻ nhỏ nhen thiển cận như vậy nhiều lắm!
(....)

(Cuốn Tuỳ Viên Thi Thoại này không biết bao gờ mới lại dịch tiếp được! Hiii ...Đúng là tham vọng quá lớn!)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét