Tạ Mai Trang tự Tế Thế, khi làm chức Hàn lâm, mướn ba người ở:
một người giảo hoạt, một người thật thà, một người ngốc nghếch. Gặp dịp các vị
cùng làm trong quán đến Tạ gia mở hội Thù du nhân tiết Trùng cửu, thưởng cúc,
ăn cua, chủ khách cùng vui thỏa chí. Rượu uống đã ngà say, một vị khách nói:
“Chúng ta hết hứng rồi. Gọi đâu được mấy đứa ca kỹ đến đây trợ tửu nhỉ?” Tên giảo
hoạt nói: “Có!” Lại sợ tên ngốc kia làm rối loạn hỏng việc, bèn xin chủ nhân kiếm
việc gì cho hắn đi chỗ khác, đồng thời bảo tên thật thà ra canh cửa, còn mình
thì đích thân đi tìm ca kỹ. Tên giảo hoạt còn chưa về tới nơi, tên ngốc đã quay
về rồi. Trông thấy hai nàng ca kỹ ôm đàn tì bà, dẫn theo bốn năm đứa nhỏ đang đứng
trước cổng, liền lấy làm lạ, hỏi: “Chúng mày đến đây làm gì?” Tên giảo hoạt
nói: “Phụng mệnh chủ nhân mời họ đến.” Tên ngốc trừng mắt lớn tiếng quát bảo:
“Ta ở dưới cửa ngài mười mấy năm nay, chưa từng thấy hạng người này ra vào bao
giờ, chủ nhân nhất định là uống say rồi nên mới bảo thế.” Bèn vung nắm đấm, đuổi
đám ca kỹ đi hết. Khách khứa kéo nhau tan về, Tạ Tế Thế vô cùng bực mình với
tên đày tớ ngốc ấy.
Một tối, Tạ Tế Thế đốt nến, uống rượu soạn sách. Khí trời rất
lạnh, bình rượu đã dốc cạn, mà mặt mũi chưa thấy ấm hồng lên. Tên đày tớ giảo
hoạt đưa mắt ra hiệu cho tên thật thà lại đi mua thêm rượu. Lúc mua rượu về, nửa
đường thì gặp tên đày tớ ngốc. Tên ngốc đoạt lấy bình rượu, về đến nhà khuyên
ngăn Tạ Tế Thế rằng: “Hôm nay hai bình, ngày mai ba bình, chỉ có tăng chứ không
có giảm. Mua nhiều thì tốn tiền, uống nhiều thì tổn sức, chỉ có hại chứ không
ích gì.” Tạ Tế Thế đành miễn cưỡng nghe theo lời hắn mà thôi không uống nữa.
Sau Tạ Tế Thế đổi nhậm chức ngự sử, một buổi vào chầu sớm, bảo
thư đồng cầm đèn, dầu trong đèn đổ ra làm bẩn cả triều phục của Tạ. Tên đày tớ
giảo hoạt dậm chân bảo: “Đúng là không tốt lành!” Tạ Tế Thế nhân thế nổi giận,
sai tên đày tớ thật thà đánh đòn thư đồng, tên ngốc liền tiến lên ngăn lại, lại
khuyên bảo: “Tôi từng nghe chủ nhân nói, cổ xưa từng có người bị đày tớ làm đổ
canh vào áo, để nến cháy râu, nhưng không hề cáu giận, lẽ nào chủ nhân lại chỉ
có thể nói mà không thể làm như vậy ư?” Tạ Tế Thế chuyển cơn giận sang tên ngốc,
bảo: “Ngươi muốn được tiếng là chính trực hả, hay là muốn ra ân với người để
hòng được báo đáp?” Tên ngốc đáp bảo: “Những cái ấy tôi đều không dám. Ân huệ
là ân huệ của chủ nhân, chứ đày tớ thì có ân huệ gì? Tôi chỉ học theo cách ngu
trung, nhưng chủ nhân lại nói tôi muốn được tiếng chính trực. Hiện nay chủ nhân
làm chức gián quan, ngày sau quỳ trước sập rồng nói điều phải trái với hoàng đế,
ở chốn triều ban tranh việc được hay không được với đại thần, coi việc mất ấn
thụ chả khác gì mất đôi giày rách, cam chịu việc biếm trích như được về nhà, lẽ
nào chủ nhân cũng là vì muốn lấy tiếng ngay thẳng mà làm ư? Người khác cũng cho
rằng chủ nhân là vì muốn được tiếng trung trực mà làm ư?” Tạ Tế Thế không đáp lại
được, ngoài mặt thì cảm tạ, mà trong tâm thì càng thêm tức giận hắn. Từ đó, tên
đày tớ giảo hoạt liền thừa cơ, ngày đêm tìm kiếm lỗi của tên đày tớ ngốc, xúi bẩy
tên thật thà cùng bẩm chuyện thị phi với Tạ Tế Thế, khuyên chủ nhân đuổi tên ngốc
đi.
Về sau, gặp lúc Tạ Tế Thế nhân bị tội phải hạ ngục, nhưng tội
còn chưa định, không lâu sau lại phụng mệnh đi lính ra biên ải. Lúc ra khỏi ngục
sửa soạn hành trang để đi, thì tên đày tớ giảo hoạt trốn đi mất, tên đày tớ thật
thà cũng ra sức xin được cho đi nơi khác, chỉ có tên đày tớ ngốc phủi tay áo,
tiến lên bẩm: “Bây giờ là lúc chủ của ta báo quốc, cũng là lúc chúng ta báo ơn
chủ! Nô tài xin đi cùng!” Bèn mua ngựa đóng xe, may màn đệm, chuẩn bị lương thảo,
cùng đi với Tạ. Tạ Tế Thế thấy vậy thì chợt thở dài bảo: “Ta xưa nay luôn cho rằng
đứa giảo hoạt có ích, đứa thật thà có thể dùng. Bây giờ mới biết rằng, đứa giảo
hoạt có ích nhưng không thể dùng, mà đứa ngốc thì có thể dùng; Đứa thật thà có
thể dùng nhưng kỳ thực thì vô dụng, mà đứa ngốc thì lại hữu dụng!” Bèn nhận tên
ngốc làm nghĩa tử, đặt tên là Tráng Tử.
Đến nơi quân doanh, chưa được bao lâu, tiền bạc đã tiêu hết, chỉ
còn cách bán cả áo da, ngựa tốt đi. Thời gian lâu dài, dần dà không nghĩ ra được
cách gì nữa. Tráng Tử hàng ngày phải vác súng, đi xa hơn mười dặm, săn bắn hươu
nai, lợn thỏ, để lo bữa cho Tạ Tế Thế. Một hôm, Tráng Tử vì đuổi theo một con
hươu chui vào trong bụi cỏ rậm, một lát bị vướng ngã, thấy chân lún sâu xuống đất
đến hơn một thước. Rút được chân lên nhìn xuống, thấy dưới hố đất cát có ánh
kim loại trắng lấp loáng. Đếm thử xem, thấy có đến hai chục khối lớn, phải đến
một ngàn lạng, bèn lấy ra mang về. Tạ Tế Thế đem việc ấy báo lên tướng quân. Tướng
quân nghe xong rất kinh ngạc, hỏi rõ duyên do, mới biết là do Tráng Tử phát hiện
ra, liền vỗ đùi nói: “Giữa chốn sa mạc, làm gì có vàng bạc giấu? Đó là ông trời
ban cho để khen thưởng cho đứa nghĩa bộc của ông đấy!” Bèn đem vàng ấy trả lại
cho Tạ Tế Thế. Tạ gọi Tráng Tử lại, thưởng cho nó áo cừu, dê ngựa, và mười lạng
vàng. Từ đó, những vương hầu ngoài ải đều đặc biệt tôn kính Tạ Tế Thế.
Đến khi Tạ được xá tội cho về, đến vùng Hồ Tương làm quan,
Tráng Tử lại khuyên ông mạnh dạn lui bước. Tạ Tế Thế bèn từ quan, ẩn cư trong
chốn lâm tuyền, di dưỡng tuổi trời. Tráng Tử sống đến chín mươi tuổi, không bệnh
mà mất. Mọi người đều cho rằng đó là vì trung nghĩa mà được báo đáp.
(Trích trong "Dạ Đàm Tùy Lục")
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét