Lục Du (1125 - 1201) tự Vụ
Quan, hiệu Phóng Ông, người Sơn Âm (nay là Thiệu Hưng - Triết Giang) là nhà thơ
yêu nước vĩ đại thời Nam Tống. Năm Thiệu Hưng thứ 23 (1153) ông tham gia kỳ thi
ở bộ Lễ và đỗ đầu, đứng trước Tần Huân là cháu Tần Cối, vì thế làm Tần Cối nổi
giận mà bị truất miễn. Thời Tống Hiếu Tông ông trải làm các chức: Khu mật viện
Biên tu; Thông phán ở Kiến Khang, Quỳ Châu... Sau ông chuyển sang làm việc dưới
trướng của Vương Viêm và Phạm Thành Đại. Thời Quang Tông từng giữ chức Bảo
Chương các Đặc chế. Lục Du trọn đời chủ trương đánh Kim, do vậy liên tục bị bãi
miễn, cuối đời ông bị bức hồi hương, sống cuộc sống thanh bần cuối đời. Lục Du
để lại gần vạn bài thơ, thành tựu về từ và tản văn cũng rất lớn. Ông có các tập
sách như: "Kiếm Nam thi cảo", "Vị Nam văn tập", "Lão học
am bút ký" ....
Xin giới thiệu với các bạn bài "Thư Sào Ký" của ông.
THƯ SÀO KÝ
(Lục Du)
Lục tử đã ở tuổi già sức yếu,
nhưng vẫn không bỏ việc đọc sách, đặt tên cho phòng của mình là Thư Sào (tổ
sách).
Có người khách đến hỏi:
"Chim thước làm tổ ở trên cây, tổ của nó xa chỗ người; Chim én làm tổ trên
xà nhà, tổ của nó gần chỗ người. Tổ của chim phượng, người ta cho là điềm lành,
tổ của chim cú, thì người ta phá bỏ. Chim sẻ không biết làm tổ, hoặc đoạt lấy tổ
của chim én, là kẻ hung tợn trong chuyện làm tổ; Chim cưu không biết làm tổ, nhờ
chim thước nuôi con hộ rồi bỏ đi, thì có ở trong tổ cũng là kẻ vụng về trong
chuyện làm tổ. Đời thượng cổ có họ Hữu Sào, ấy là nói khi người ta chưa có nhà
cửa phải sống trên tổ. Dân đời vua Nghiêu bị khốn về nạn nước dâng, cũng lên
cao mà làm tổ, ấy là tổ để tránh nạn. Đời trước, ở nơi thâm sơn cùng cốc, có những
kẻ học đạo, cũng sống trên cây như ở tổ , ấy là tổ để ẩn cư. Gần đây những đệ tử
làng say, có kẻ leo cả lên đầu ngọn cây, say xỉn hò hét, thì ấy lại là tổ của
cuồng sĩ. Nay ngài may mắn có nơi để ở, cửa chính cửa sổ, tường vây tường bao,
cũng có thể coi là một ngôi nhà, thế mà lại gọi là "Tổ" là cớ làm
sao?"
(Chân dung Lục Du - Tranh của Thế Nam (TQ) |
Lục tử đáp: "Anh thật giỏi biện bác, nhưng ấy là vì chưa vào phòng của tôi đấy thôi. Trong phòng của tôi, hoặc gác trên tủ, hoặc bầy trước mặt, hoặc bừa bãi như chăn gối trên giường, cúi ngửa nhìn khắp bốn xung quanh, chẳng thấy gì ngoài sách. Tôi ăn uống thức ngủ, ốm đau rên rỉ, buồn lo than giận, chưa từng có lúc nào không cùng với sách. Khách khứa không đến, vợ con không gặp, đến như gió mưa sấm chớp biến đổi cũng có khi không biết. Gián hoặc cũng có ý muốn đứng dậy, nhưng sách rối bời vây kín, như lấp gai rào, đến độ không đi ra nổi, chỉ còn biết cười mà bảo: "Đây chẳng phải cái tổ mà ta nói đây sao?" Bèn dẫn khách đến phòng xem. Khách ban đầu không thể bước vào nổi, đến lúc vào rồi, lại không thể đi ra được, bèn cười lớn mà bảo: "Giờ thì tôi tin đúng là tổ thật!"
Khách đi rồi, Lục tử than rằng: "Những việc trong thiên hạ, kẻ chỉ được nghe chẳng thể biết rõ bằng kẻ được thấy, kẻ chỉ được thấy chẳng thể biết tường tận bằng kẻ dự vào việc đó. Chúng ta chưa đến được chỗ áo bí của đạo, từ ngoài bờ rào mà cứ bàn luận bừa, liệu có được không?" Nhân viết lại để tự nhắc nhở mình.
Ngày mồng 3 tháng 9 năm Thuần
Hi thứ 9 (1182), họ Lục tự Vụ Quan người Phủ Lý viết bài ký.
(Châu Hải Đường dịch)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét