Thứ Hai, 4 tháng 2, 2019

Chuyện Ngày Giáp Tết Của Một Hàn Sĩ Dưới Ngòi Bút Châm Biếm Của Hòa Bang Ngạch


“Dạ Đàm Tùy Lục” của Hòa bang Ngạch được khắc in lần đầu vào năm Kỷ Hợi niên hiệu Càn Long (1779), có lẽ vì thế chăng, mà dù đã được dịch và biên tập xong từ lâu, nhưng phải đến Tết năm Kỷ Hợi 2019 được “vấn thế” một cách tòa diện (toàn bản). Một điểm trùng hợp ngẫu nhiên nữa là, truyện đầu tiên của tác phẩm – truyện “Thôi Tú Tài” cũng lại là một truyện mà trường đoạn chủ yếu nhất của nó là viết về tình cảnh của một kẻ hàn nho trong những ngày giáp Tết. Và câu chuyện có thể nói là một trong những minh chứng cho chủ trương của tác phẩm, mà như trong lời giới thiệu đầu cuốn sách đã nói, khi so sánh nó với “Liêu Trai Chí Dị” của Bồ Tùng Linh, rằng:
“Nếu đem so sánh, giữa “Liêu Trai Chí Dị” và “Dạ Đàm Tùy Lục”, thì cả hai tuy cùng là những chuyện truyền kỳ chí quái nói về ma quỷ hồ ly, nhưng xét về mặt phản ánh cuộc sống, phê phán hiện thực thì mỗi tác phẩm lại có một đặc sắc khác nhau. Trong “Dạ Đàm Tùy Lục”, việc vạch trần và phê phán những mặt xấu xa của hiện thực thường cao hơn hẳn việc miêu tả và hướng đến một thế giới lý tưởng đẹp đẽ ảo tưởng. Do vậy, nếu như nói “Liêu Trai Chí Dị” phần nhiều là thể hiện một vẻ đẹp lý tưởng của chủ nghĩa ly kỳ lãng mạn, thì “Dạ Đàm Tùy Lục” lại bộc lộ nhiều hơn một không khí hung bạo của chủ nghĩa hiện thực thô sơ.”
Mời các bạn thưởng thức một đoạn trong truyện “Thôi Tú Tài” – truyện đầu tiên của tác phẩm “Dạ Đàm Tùy Lục”, để có thể thấy phần nào ngòi bút châm biếm hiện thực sâu cay của Hòa Bang Ngạch.


"Bậc tiên hiền ở phủ Phụng Thiên là Lưu công, từ khi chưa hiển đạt, vốn vẫn là con nhà thế gia. Khi còn tuổi trẻ, tính phóng khoáng hiếu khách, tiêu pha không bao giờ bủn xỉn, xe ngựa dập dìu, trước nhà lúc nào cũng đông như chợ, người qua lại ai cũng phải ngưỡng mộ, dù là Mạnh Thường quân nước Tề, Bình Nguyên quân nước Triệu cũng không hơn được.
Một hôm có vị khách là Thôi Nguyên Tố đến đưa danh thiếp, Lưu tiếp kiến, hỏi đến gia thế, bản quán, Thôi đáp: “Tôi là tú tài ở Lâm Cù, Sơn Đông, lên kinh đô đã hai mươi năm rồi. Nghe nói ngài vốn hiếu khách, nên đến làm thực khách vậy.” Lưu mừng lắm, hai bên cùng qua lại với nhau, thỉnh thoảng lại chu cấp cho tiền gạo. Thôi cứ độ mươi ngày lại đến, đến lần nào cũng vay mượn, người nhà đều ghét là kẻ nghèo hèn, riêng Lưu không lấy làm phiền, lần nào cũng cho được như ý, chưa từng trái bao giờ. Cứ như vậy đã hơn hai năm.
Bỗng nhà Lưu gặp liền mấy biến cố lớn, của cải mất gần hết. Lại ba năm nữa, thì nghèo đến không còn gì. Lại đi thi mấy bận không đỗ, thân cố ai nấy đều coi thường, đem chuyện được mất lỗi lầm của Lưu làm kể truyền miệng lẫn nhau, dần dần đến độ không gặp gỡ hỏi thăm nữa. Nô bộc trong nhà Lưu cũng bỏ đi, luôn luôn có kẻ cố ý phạm lỗi để mong bị đuổi, cuối cùng chỉ còn lại một người lão bộc. Trong nhà Lưu cũng chỉ có một vợ, một con trai, một con gái mà thôi.
Gặp dịp tháng Chạp sắp hết, mà nhà Lưu chỉ có áo trâu, vại rỗng, không có gì để đón năm mới.  Người con gái giỏi làm thơ, đùa ngâm rằng:
Chết buồn mưa tuyết mấy hôm liền;
Bông vón xui ai khắp chốn tìm.
Tết đến mà như Hàn Thực tiết;          
Trong bếp vì chưng cũng cấm yên.
Lưu thấy thế cười bảo: “Bây giờ hai vai lạnh sởn da gà, nếu có thể đem nấu mà ăn, thì cũng được bữa no. Giờ nghe thơ con, thật khiến ta thấy hổ thẹn.” Nhân lại họa rằng:
Năm nay năm trước khoảng trời liền;
Trước áo cừu nay bông rách tìm.
Nhắn bảo đông quân đừng báo tết;
Xuân sang sức cạn bếp đành yên!

Vợ giận lừơm bảo: “Bạn bè quý hóa ngày xưa, cần gì là đáp ứng ngay, những kẻ đến ăn không đâu phải chỉ có một người. Nay năm hết tết đến, đến cái ăn cũng không có, còn không nghĩ tính toán cách nào, lại còn dở dói họa thơ với con, chắc là ngồi đợi chết đói, mà làm sẵn bài phúng điếu đấy hẳn?” Lưu nói: “Vậy muốn ta đi ăn trộm hay sao?” Vợ nói: “Ăn trộm cũng được! Chỉ sợ ông cũng chẳng có cái tài ấy đâu! Nhà Chu tri huyện ở ngoài cửa Thuận Thành, khi còn hoạn nạn, ông ta vốn cũng là chỗ tri giao với ông, một ngày không gặp là không chịu nổi. Nghe nói hiện nay ông ấy vì có tang mà đang ở nhà, bổng lộc sung túc, sao ông không viết thư cho ông ấy, nhờ ông ấy giúp cho trong lúc cấp bách này?”  Lưu nói: “Nếu bà không nói, thì tôi cũng quên mất.” Liền viết thư, sai lão bộc đưa đi.
Sẩm tối, ngưỡi lão bộc trở về tay không, vừa vào cửa liền chửi ngay: “Đúng là đồ táng tận lương tâm, không nên quen biết với hắn ta nữa! Mới đầu, người giữ cửa chối rằng hắn đi ra ngoài không ở nhà, tôi đã không tin. Đến khi hắn ra cửa tiễn khách, tôi gặp được rồi. Hắn trâng trâng hai mắt, cầm thư trở vào. Tôi giục giã mấy lần, mới truyền lời ra rằng bận việc, không rảnh rỗi để viết thư phúc đáp được. Chỉ có thể nhờ nói lại giùm với ông rằng ông ta hiện giờ trăm việc cần chi dùng, trong túi không có một đồng, đang còn lo không biết mượn đâu ra, thực sự không giúp được như lời ông … Kẻ táng tâm như vậy, nếu còn quen biết, chẳng phải hỏng hết danh tiết ư!” Lưu đã mong mỏi một ngày trời, tưởng rằng được như ý, nay nghe như thế, không ngăn được buồn rầu.
Vợ đay nghiến bảo: “Bạn tri giao chẳng nhờ cậy được rồi. Còn bạn thân từ thuở ấu thơ, đâu phải là quen biết sơ sài. Ông Dương ở phía bắc thành, chẳng phải là bạn thân từ thơ ấu của ông ư?” Lưu lấy làm phải, lại viết thư gửi tới. Dương từ chối rằng buôn bán thất bát, thua lỗ cả tiền vốn, không có tiền giúp. Lưu vỗ đùi than rằng: “Loại bạn bè đầu môi chót lưỡi ấy, vốn chẳng lạ gì. Muốn có người hiểu mà giúp tiền bạc, chẳng thể không nhờ những bạn đạo nghĩa.” Bèn khêu đèn viết thư, nói hết tâm can, hôm sau giao cho lão bộc đưa đến Cận công tử ở phía nam thành.
Cận công tử là hậu duệ nhà sĩ hoạn quý tộc, ruộng vườn khắp quanh kinh thành. Công tử với Lưu vốn là thế giao, vô cùng thân thiết, mỗi khi hội ngộ cùng nhau, đều tối ngày sáng đêm, bàn toàn những khí tiết trung nghĩa, đạo lớn ở đời, cùng khích lệ chỉ bảo lẫn nhau, tình nghĩa không khác huynh đệ một nhà, có thể nói là đã đứng vững chân, không theo thói tục, một lòng học theo hiền nhân đời xưa. Cận công tử xem thư xong, lập tức phúc đáp, nói: “Thẹn rằng tri kỷ thì đáng phải lập tức tuân mệnh. Nhưng tiếc rằng tâm có thừa mà lực không đủ, đành thúc thủ vô sách. Ngài chỉ cần gắng sức noi theo chí hướng, chớ nên trễ nải bỏ bê, thì có lo gì nghèo khó! Vả chăng trời sinh ra Lưu quân, tất chẳng để cho khó nhọc, ngài hãy cứ đợi chờ, nhất định sẽ có ngày đại phú quý vậy. Chỉ có điều, một kẻ hiếu nghĩa như đệ, gặp khi nguy cấp thế này, mà lại ngồi nhìn bạn tốt gặp khốn, không thể đưa tay ra cứu giúp, thực đáng hổ thẹn, riêng mong người tri kỷ lượng thứ cho vậy!” Lưu phẫn uất, ném thư xuống đất nói: “Hơ hơ! Thường ngày móc gan ruột, nói đạo đức, nào là Dương, Tả, Nhậm, Lê! Mỗi khi ông ta sinh con trai con gái, ta từng đem trăm lạng vàng đến mừng. Nay khi ta cấp bách cần tiền, lại không chịu bỏ ra một đồng, còn đem những lời viển vông ra khuyên bảo. Gọi là bạn đạo nghĩa, là như thế này sao?”
Lão bộc khuyên bảo: “Bạn bè của chủ nhân, đại để chẳng có một ai thực sự là kẻ tri tâm đâu. Trong số họ hàng thân thích của ông cũng chẳng thiếu nhà phú quý. Sao không chịu khó mất mặt một chút, liên hệ với họ xem có cách nào không?” Lưu công buồn bã than bảo: “Bằng hữu là một trong năm đạo luân thường, mà còn gọi ba bận chẳng thưa, họ hàng thân thích sơ sơ, thì có hy vọng gì?”
Trong lúc chuyện trò, chợt nghe có tiếng gõ cửa, báo rằng Thôi tú tài đến. Vợ bảo: “Hừ! Người ta đã khốn khó cùng khổ đến bước này rồi, ông ta còn đến đẽo thịt kẻ trơ xương ư? Bây giờ đến khúc xương khô cũng chả còn nữa, vẫn còn đến vạc, e là chả có chỗ mà hạ dao đâu.” …”

Trong "Dạ Đàm Tùy Lục" có thể nói ngòi bút châm biếm phê phán hiện thực của Hòa Bang Ngạch trải rộng qua rất nhiều tầng lớp, từ quan lại, tăng lữ, cường hào địa chủ cho tới học trò, nho sinh ... Mà ở mỗi một tầng lớp, mỗi một hạng người, cho đến nay dường vẫn thấy thấp thoáng đâu đây trong xã hội của chúng ta.