Khu phố Hoa Viện ở ngoài cửa Sùng Văn kinh thành, có mấy ngàn nhà dân, đều sống bằng nghề trồng hoa cảnh. Có một thiếu nữ, phụng dưỡng cha già sống ở khu phố ấy, cũng sinh nhai bằng nghề đó. Cha cô mắc bệnh hen suyễn, hàng năm đến kỳ lại mắc bệnh. Năm ấy, bệnh tình của ông phát nặng hơn, chỉ nằm trên giường, kêu rên không dậy được, thầy thuốc đến xem bệnh cũng không chữa trị được. Người con gái mất ăn mất ngủ, ngoài mặt thì an ủi cha già, nhưng trong bụng thì riêng vô cùng buồn khổ.
Gặp dịp có một bà lão hàng xóm tụ tập một đoàn đàn bà con gái, định đến núi Nha Kế hành hương. Cô gái bèn hỏi lỏm rằng: “Vì sao phải vào núi hành hương?” Bà lão nói: “Có người là vì thường bị đau ốm, có người là vì không có con, ai nấy đều cầu mong được như tâm nguyện của mình. Thánh mẫu trên núi rất linh thiêng, chẳng gì cầu không được.” Cô gái hỏi: “Từ đây đến núi Nha Kế bao nhiêu dặm?” Bà lão nói: “Hơn một trăm dặm.” Cô gái nói: “Một dặm là bao nhiêu dài?” Bà lão nói: “Ba trăm sáu chục bước.” Cô gái ghi nhớ lấy trong lòng. Đến tối đợi người cha ngủ yên, cô gái bèn lẻn ra ngoài sân, tay cầm một nén hương, thầm ghi nhớ lấy số dặm đường, rồi đi vòng quanh sân, vừa đi vừa bái lạy, trong bụng thần khấn: Con là một đứa con gái thân thể yếu đuối, cha già bệnh nặng, trong nhà lại không có một ai, nên không thể lên núi hành hương được. Bây giờ con xin ở nơi đây, tính toán số dặm đường, số bước chân, kính cẩn mỗi bước bái lạy một vái, cũng coi như mình đến trước núi báu, đích thân bái vọng thánh tượng, phù hộ cho cha con được lành bệnh nặng, trường thọ khỏe mạnh. Con xin nguyện rằng từ nay sẽ thêu hình Phật, ăn chay trường, trọn đời đỉnh lễ bái Phật.” Cứ như vậy, cứ có thời gian rảnh rỗi là cô gái lại ra sân đi quanh, nhất bộ nhất bái, ngày đêm không nghỉ, đến hơn nửa tháng.
(Tranh vẽ Bích Hà Nguyên Quân) |
Truyền rằng trên núi Nha Kế có thờ vị thần Sơn Đỉnh Bích Hà Nguyên Quân, nổi tiếng linh ứng khắp một dải kinh kỳ. Trên từ hậu phi trong cung cấm, đại thần trong triều cùng các vương công quý tộc, dưới đến bách gia trăm họ, vào tháng tư hàng năm, ai cũng lên núi hành hương lễ bái, xe ngựa đến dự hội đông như nước chảy. Từ lúc gà gáy canh năm thì người ta bắt đầu vào điện thắp hương, gọi là “dâng nén hương đầu”. Nén hương đầu nhất định phải do sứ giả trong cung vua và đại thái giám đốt, còn những người khác, không một ai dám tranh đốt trước. Khi ấy có một đại thái giám họ Triệu, phụng ý chỉ của Hoàng thái hậu, đến đốt hương đầu. Vừa mới mở cửa đại điện, đã trông thấy có hương cắm trên bát nhang, hương hỏa đã được thắp đầy đủ. Ngụy thái giám đại nộ, trách mắng người thủ nhang, nói: “Hương của lão Phật gia vẫn còn chưa thắp, sao lại cho người khác thắp hương đầu trước?” Thủ nhang vô cùng kinh hãi nói: “Một khi Ngụy gia ngài còn chưa đến, thì đại điện này đâu có dám mở. Tiểu nhân thực sự không hiểu hương hỏa này là từ đâu ra.” Ngụy công thầm nghĩ: “Lúc mình đến, thì đại điện mới được mở khóa, trông trong lư hương thì tro hương vẫn còn chưa đầy một thốn. Chuyện này thực là kỳ quái đáng sợ. Ngày mai ta sẽ đến sớm hơn một chút nữa vậy, xem xem thế nào.” Bèn vội dặn dò với thủ nhang rằng: “Chuyện đã rồi, ta cũng chẳng truy cứu nữa, ngươi phải đặc biệt cẩn thận, sớm ngày mai, ta sẽ lại đến để dâng hương đầu.” Nói xong liền đi.
Thủ nhang sợ phạm tội, bèn cùng những người trong miếu cả đêm trực ban tuần phòng. Mới canh tư, Ngụy thái giám đã đến. Vừa bước vào cửa điện, lại đã thấy trên bát hương hương hỏa đã thắp đầy đủ cả, có một người con gái đang quỳ lạy dưới đất. Tất cả mọi người đều kinh hãi vô cùng. Người con gái kia nghe thấy tiếng người, thì giật mình đứng dậy, bỗng nhiên không thấy đâu nữa. Mọi người ai cũng cho đó là ma. Ngụy công nói: “Lẽ nào trước mặt thần phật mà ma quỷ dám công nhiên xuất hiện chứ? Nhất định là có nguyên do gì khác, ta sẽ có cách đối phó chuyện này.” Bèn dâng hương thứ hai. Rồi thái giám xuống dưới cửa đền, kê ghế ngồi, cho tụ tập hết khách hành hương lại, kể lại rõ thực tình, đồng thời mô tả kỹ lưỡng cô gái, từ tuổi tác đến dung mạo, áo quần. Khách hành hương đều lấy làm ngạc nhiên. Cuối cùng, có một bà lão, sau khi nghe Ngụy thái giám mô tả, cúi đầu nghĩ ngợi hồi lâu rồi nói: “Cứ như những gì Ngụy gia ngài vừa nói, thì lẽ nào đó là đứa con gái hàng xóm nhà con? Làm sao nhất nhất từng lời ngài mô tả lại đều giống hệt với nó như thế?” Ngụy công hỏi: “Đó là đứa con gái hàng xóm thế nào, mà lại có thể biến hóa như thế?” Bà lão nói: “Con bé ở khu phố Hoa Viện, vốn là một đứa con gái rất hiếu thảo.” Ngụy thái giám vỗ đùi nói: “Thế thì chẳng có gì kỳ quái cả!”
Ngụy thái giám vội vàng phi ngựa về cung, phục mệnh hoàng thái hậu. Rồi ông bí mật tìm đến nhà người con gái, vào thăm, thấy quả nhiên chính là cô gái ở trên đại điện đền thờ bữa trước. Ông thử hỏi han, cô gái cứ tình thực mà đáp lời rằng: “Con tuy không ra khỏi cửa, nhưng cứ thấy tựa hồ như thân trải qua nơi ấy. Bệnh tật của cha già nay được khỏi hẳn, cũng là nhờ bồ tát linh ứng phù trì.” Ngụy thái giám cảm thán nói: “Lòng chí thành có thể cảm động thần linh, đúng là lòng hiếu thảo tột bực.” Ông bèn nhận cô gái làm nghĩa nữ, coi như con đẻ của mình. Cha già của cô lại được an hưởng thêm ba chục năm no ấm, sống đến trăm tuổi mới qua đời. Cô gái sau lấy chồng họ Trương ở Đại Hưng, của hồi môn rất nhiều, trị giá đến mấy ngàn lạng bạc, đều là một mình Ngụy thái giám lo lắng cho. Nhà người con rể vì vậy cũng đời đời là nhà phú thương.
(Trích "Dạ Đàm Tùy Lục")
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét