俳體雪香亭雜詠
- 亭在故汴宮仁安殿西
(I)
洛陽城闕變灰煙;
暮虢朝虞只眼前.
為向杏梁雙燕道,
營巢何處過明年.
(II)
落日青山一片愁;
大河東注不還流.
若為長得熙春在;
時上髙層望宋州.
(III)
暖日晴雲錦樹新;
風吹雨打旋成塵.
宮園深閉無人到;
自在流鶯哭暮春.
Bài Thể Tuyết Hương Đình Tạp Vịnh
- Đình tại cố Biện cung Nhân An điện tây
(Thập ngũ thủ tuyển tam)
(I)
Lạc Dương(1) thành khuyết biến hôi yên,
Mộ Quắc triêu Ngu(2) chỉ nhãn tiền.
Vi hướng hạnh lương song yến đạo,
Doanh sào hà xứ quá minh niên?
(II)
Lạc nhật thanh sơn nhất phiến sầu,
Đại hà đông chú bất hoàn lưu.
Nhược vi trường đắc Hi Xuân(3) tại,
Thời thướng cao tằng vọng Tống châu(4)?
(III)
Noãn nhật tình vân cẩm thụ tân,
Phong xuy vũ đả toàn thành trần.
Cung viên thâm bế vô nhân đáo,
Tự tại lưu oanh khốc mộ xuân.
Dịch nghĩa:
Ở đình Tuyết Hương ngâm vịnh tản mạn theo lối trò hát
(Đình ở phía tây điện Nhân An trong Biện Cung xưa)
(Mười lăm bài chọn ba)
(I)
Đô thành Lạc Dương đã hoá tra tro than cả; Chuyện sớm Quắc chiều Ngu đã thấy nhãn tiền rồi. Xin hỏi đôi én trên đầu cột mái nhà kia; Sang năm biết xây tổ ở nơi nào để được yên ổn?
(II)
Mặt trời lặn, dãy núi xanh trùm một mảnh tâm sầu; Sông lớn kia chảy mãi về phía đông có bao giờ quay trở lại đâu. Biết làm sao để giữ gác Hi Xuân còn mãi; Để ta thường được lên tầng gác cao trên đó mà ngóng về Tống Châu.
(III)
Nắng ấm, mây trong, mọi cây cỏ đều tươi đẹp như gấm thêu; Khi gió vùi, mưa dập thì phút chốc hoá ra tơi bời bụi đất. Vườn cung đóng kín, không người nào đến; Mặc cho con chim oanh một mình khóc ngày xuân muộn.
Dịch thơ:
(I)
Lạc Dương thành quách hoá tro tàn,
Sớm Quắc chiều Ngu chỉ nhãn tiền.
Hỏi én mái nhà rằng có biết,
Sang năm xây tổ chốn nào yên?
(II)
Núi biếc chiều hôm một mảnh sầu,
Xuôi đông nước chảy trở về đâu?
Làm sao giữ lấy Hi Xuân mãi,
Để được thường lên ngóng Tống châu.
(III)
Mây quang nắng ấm cỏ hoa tươi,
Gió dập mưa vùi hoá tả tơi.
Cửa nhặt vườn cung ai đến nữa,
Khóc xuân còn độc cái oanh thôi.
Chú thích:
Ngày 19 tháng Tư năm Thiên Hưng thứ 2 đời Kim Ai Tông (1233), tướng thủ thành Biện Kinh là Thôi Lập đã đầu hàng quân Mông Cổ, đem nộp hơn năm trăm người là tôn thất của nhà Kim cho quân Mông Cổ áp giải đến Thanh Thành (ở phía nam huyện Đăng Phong - Hà Nam ngày nay). Lúc này Nguyên Hiếu Vấn bị buộc phải nhận chức Tả tư Viên ngoại lang do Thôi Lập phong cho. Sau khi hậu phi, tôn thất nhà Kim rời cung, nhà thơ vào xem cung điện, tận mắt trông những dấu tích của sự hưng vong, trong lòng vô cùng cảm khái, ông đã viết chùm thơ này thể hiện nỗi đớn đau tuyệt vọng của một kẻ di thần mất nước. Bài thể, tức thơ làm theo lối trò hát, chỉ những bài thơ mà nội dung có tính chất chơi đùa. Chùm thơ nói về nỗi đau buồn mất nước được cố ý gọi là "bài thể" thực ra càng thể hiện nỗi bi thương sâu sắc của ông. Đình Tuyết Hương ở rất sâu trong nội cung, vì vậy tác giả mượn hình ảnh này để ngâm vịnh chuyện nội cung. Ở đây chọn các bài: 2, 3, 13 trong chùm 15 bài này.
(1) Lạc Dương: tên một kinh đô nổi tiếng ở Trung Quốc xưa. Đây tỉ dụ Biện kinh.
(2) Quắc, Ngu: tên hai nước chư hầu thời Chu. Nước Quắc, còn gọi là Bắc Quắc, và nước Ngu đều nằm ở khu vực Bình Lục, Sơn Tây ngày nay. Theo "Xuân Thu Công dương truyện - Hi Công nhị niên" ghi chép: Mưu thần nước Tấn là Tuân Tức dâng kế lên Tấn Hiến Công, xin mượn đường qua nước Ngu để đánh nước Quắc, khi đánh xong Quắc quay trở về thì tiện đường diệt nốt nước Ngu. Rồi nói: "Nếu nhà vua dùng kế này của thần, thì có thể hôm nay được nước Quắc mà chỉ hôm sau được thêm cả nước Ngu nữa vậy". Tấn Hiến Công y kế thực hiện, quả nhiên diệt được cả hai nước Ngu, Quắc. Đây chính là câu chuyện "Mượn đường diệt Quắc" nổi tiếng trong lịch sử. Ở đây, Nguyên Hiếu Vấn muốn nói Biện Kinh và Quy Đức (nơi Kim Ai Tông đang trú giữ) có mối quan hệ mật thiết với nhau, Biện kinh đã bị diệt thì sớm muộn nhà Kim khó lòng mà giữ được Quy Đức.
(3) Hi Xuân: tức gác Hi Xuân ở Biện Kinh, được xây dựng thời Tống Huy Tông. Theo "Quy Tiềm Chí" của Lưu Kì, khi quân Mông Cổ vây đánh Biện Kinh, người trong thành dỡ cả nhà cửa để giữ thành, riêng gác Hi Xuân vì xây dựng kiên cố, không thể dỡ nổi.
(4) Tống Châu: tức phủ Quy Đức, vị trí ở phía nam huyện Thương Khâu - Hà Nam ngày nay. Lúc này Kim Ai Tông đang đóng giữ ở đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét