Con đường trải nhựa liên tục trồi lên thụt xuống không ngớt, tựa như được trải trên đầu những ngọn sóng biển. Tôi đi bộ trên con đường quốc lộ chạy qua khu đồi núi ấy, thấy mình giống như một con thuyền. Năm ấy tôi mười tám tuổi, mấy sợi râu vàng vàng dưới cằm tôi đón gió phất phơ, đó là chòm râu đầu tiên đến đó "định cư", cho nên tôi đặc biệt trân trọng chúng. Tôi đi trên con đường ấy trọn vẹn một ngày, đã nhìn thấy rất nhiều núi và rất nhiều mây. Tất cả núi, tất cả mây đều khiến tôi liên tưởng đến những người quen thuộc. Tôi đã hướng về phía chúng mà gọi to lên biệt hiệu của họ. Cho nên, mặc dù đã đi cả một ngày nhưng tôi chẳng hề thấy mệt chút nào. Tôi đã đi hết cả một buổi sáng như vậy, và bây giờ đang bước vào thời gian cuối buổi chiều, chính xác hơn là đã nhìn thấy mái tóc của hoàng hôn. Nhưng tôi vẫn chưa bước chân vào một quán trọ nào.
Đi trên đường, tôi gặp không ít người, nhưng họ
đều không biết phía trước mặt là nơi nào, phía trước có quán trọ hay không. Họ
đều nói với tôi thế này: “Anh đi lên đấy xem xem!” Tôi thấy họ nói rất phải, thực
sự là tôi đang đi tới đó xem đây. Nhưng tôi vẫn chưa bước chân vào một quán trọ
nào cả. Tôi cảm thấy nên tự mình để tâm đến chuyện quán trọ này.
Tôi lấy làm lạ là mình đã đi cả một ngày mà chỉ
một lần gặp ô-tô. Lúc ấy là buổi trưa, khi đó tôi vừa nghĩ đến việc bắt xe,
nhưng chỉ mới có ý muốn bắt xe thôi, chứ chưa để tâm đến chuyện quán trọ. Khi ấy
tôi chỉ cảm thấy bắt xe một bận thì thật vô cùng tuyệt vời. Tôi đứng bên đường
hướng về phía chiếc ô-tô ấy vẫy tay, tôi cố gắng vẫy tay một cách sành điệu,
nhưng người tài xế không thèm để mắt đến tôi. Chiếc ô-tô giống như người tài xế,
cũng không thèm nhìn tôi, chỉ phóng vụt qua trước mắt tôi rồi mất hút con mẹ
hàng lươn. Tôi lấy hết sức chạy đuổi theo sau xe một hồi. Tôi làm như vậy chỉ
là cao hứng, bởi vì lúc đó tôi còn chưa lo lắng về chuyện quán trọ. Tôi đuổi
theo cho tận tới khi chiếc ô-tô khuất bóng hẳn mới thôi, rồi tự cười ha hả thật
to với chính mình. Nhưng tôi nhanh chóng phát hiện, cười to quá sẽ ảnh hưởng đến
việc hô hấp, vì thế tôi lập tức ngưng lại không cười nữa. Tôi lại tiếp tục vui
vẻ hăng hái lên đường, nhưng trong bụng thì bắt đầu cảm thấy hối hận, hối hận
vì khi nãy không cầm theo một cục đá to trong bàn tay đưa ra vẫy xe thật sành đời
ấy.
Bây giờ tôi thực sự muốn bắt xe, vì hoàng hôn
đã sắp tới rồi, mà quán trọ thì vẫn còn ở trong bụng mẹ nó chưa đẻ ra. Nhưng cả
một buổi chiều tôi không hề bắt gặp một cái ô-tô nào cả. Nếu bây giờ có xe mà
chặn lại, thì tôi nghĩ tôi nhất định có thể chặn được. Tôi sẽ nằm ngang ra giữa
đường, và dám chắc rằng tất cả những xe ô-tô sẽ đều phải phanh gấp lại bên cạnh
tôi. Nhưng bây giờ ngay cả tiếng động cơ của xe ô-tô cũng không nghe thấy. Bây
giờ tôi chỉ có thể đi tiếp xem thế nào thôi. Đúng vậy, đi tiếp xem thế nào.
Đường quốc lộ gập ghềnh lên xuống, những đỉnh
dốc cao luôn dụ dỗ tôi, dụ dỗ tôi hộc tốc chạy lên để xem phía sau đó có quán
trọ không. Nhưng lần nào cũng chỉ nhìn thấy lại một cái dốc cao khác, và ở giữa
đó là một đoạn võng khiến người ta phải thất vọng. Mặc dù như vậy, nhưng tôi vẫn
hết lần này đến lần khác chạy lên đỉnh dốc, lần nào cũng chạy thục mạng. Bây giờ
tôi lại tiếp tục chạy lên một đỉnh dốc nữa. Lần này thì tôi đã nhìn thấy. Nhưng
cái tôi nhìn thấy không phải là quán trọ, mà là một cái ô-tô. Cái xe đang đỗ lại
ở hướng ngược chiều với tôi, nó đậu ở chỗ đoạn đường võng thấp xuống. Tôi trông
thấy người tài xế đang chổng mông rõ cao, trên mông anh ta là ráng chiều. Tôi
không nhìn thấy cái đầu của anh tài xế, đầu anh ta đang chúi vào trong đầu xe.
Cái nắp capo xe, đang được dựng cao nghiêng nghiêng, trông giống như một cái miệng
đang há hoác ra. Trên thùng xe chất một đống những sọt tre cao ngất. Tôi nghĩ,
trong những sọt ấy nhất định là chứa đầy hoa quả. Tất nhiên, tốt nhất đó là chuối
tiêu. Tôi nghĩ, trên cabin của anh ấy hẳn là cũng có, như vậy thì nếu tôi ngồi
được vào đó là có thể lấy ăn được rồi. Có điều, chiếc xe đang chạy ngược tới chỗ
tôi vừa đi khỏi, nhưng tôi đã không để ý đến phương hướng nữa rồi. Bây giờ tôi
cần quán trọ, không có quán trọ thì cần xe ô-tô, mà ô-tô thì đang ở trước mặt.
Tôi hào hứng chạy tới, hướng về phía người tài
xế cất tiếng chào: “Xin chào, anh hai!”
Người tài xế dường như không nghe thấy, vẫn
lúi húi làm việc gì đó.
“Anh hai, hút thuốc!”
Khi ấy anh ta mới lấy hết sức, chui đầu ra khỏi
capo xe, rồi vươn bàn tay đen xì xì lại, kẹp lấy điếu thuốc mà tôi đưa mời. Tôi
vội vàng châm lửa cho anh ta, anh ta ngậm điếu thuốc trên môi, hít mấy hơi, rồi
lại chui đầu vào trong sửa tiếp.
Thế là tôi có lí để yên lòng rồi. Chỉ cần anh
ta nhận điếu thuốc của tôi, thì anh ta phải cho tôi lên xe. Tôi bèn đi lòng
vòng quanh chiếc xe xem, đi lòng vòng là để trinh sát xem bên trong sọt đựng
cái gì. Nhưng mắt tôi không nhìn ra được, bèn lại dùng mũi hít ngửi, mà nhận ra
là mùi hương táo. Táo cũng không tệ, tôi nghĩ như thế.
Không
bao lâu thì anhta đã sửa xong xe, bèn đậy lắp capo nhảy xuống. Tôi vội vàng chạy
lại nói: “Anh hai, em muốn xin nhờ xe.” Không ngờ, anh ta đưa bàn tay đen nhem
nhẻm đẩy mạnh tôi một cái, thô bạo nói: “Cút đi!”
Tôi tức đến không nói được câu gì, còn anh ta
thì thong thả mở cửa xe chui vào, rồi khởi động cho xe nổ máy. Tôi biết, nếu để
lỡ cơ hội lần này thì sẽ không còn cơ hội nào nữa. Tôi biết, bây giờ phải chơi
tất tay rồi. Vì vậy bèn chạy ngay sang mé xe bên kia, cũng kéo mở cửa xe nhảy
lên. Tôi đã sẵn sàng đánh nhau một trận với anhta trong buồng lái. Lúc chui vào
xe, trước hết tôi quát vào mặt anh ta một câu: “Trên miệng anh vẫn còn ngậm điếu
thuốc của tôi đấy!” Khi ấy, xe đã bắt đầu chuyển động.
Nhưng anh ta lại cười hì hì, quay sang nhìn
tôi đầy vẻ hữu hảo, khiến tôi nghi hoặc không hiểu ra làm sao. Anh ta hỏi: “Cậu
đi đâu?”
Tôi nói: “Đi đâu cũng được.”
Anh ta lại thân thiết hỏi, trong khi vẫn đang
nhìn tôi: “Có muốn ăn táo không?”
“Lại còn phải hỏi.”
“Ra đằng sau lấy đi.”
Anh ta lái xe nhanh như thế, tôi dám bò ra khỏi
buồng lái ra thùng sau ư? Vì vậy tôi đành bảo: “Thôi vậy.”
Anh ta nói: “Đi lấy đi.” Mắt anh ta vẫn nhìn
vào tôi.
Tôi nói: “Đừng nhìn nữa. Quốc lộ không ở trên
mặt tôi đâu.”
Khi ấy anh ta mới quay đầu lại nhìn đường đi.
Ô-tô chạy về hướng mà tôi đã từ đó đi tới đây.
Tôi thư thái ngồi trên ghế xe nhìn ra ngoài cửa sổ, cùng nói chuyện phiếm với
anh tài xế. Bây giờ tôi với anh ta đã thành bạn bè rồi. Tôi đã biết anh ta làm
vận tải cá thể. Chiếc xe ô-tô này là của chính anh ta, táo cũng là của anh ta.
Tôi còn nghe thấy tiếng tiền kêu rổn rảng trong túi áo anh ta. Tôi hỏi: “Anh
đang đi đâu?”
Anh ta đáp: “Cứ lái đi rồi xem thế nào.”
Câu nói ấy gần như giống y anh em của tôi nói,
câu ấy mới thân mật làm sao. Tôi cảm thấy mình với anh ta càng gần gũi thêm một
chút. Tất cả mọi thứ bên ngoài cửa xe có lẽ tôi đều quen thuộc cả, những ngọn
núi kia, những đám mây kia đều khiến tôi liên tưởng tới một loạt những người
quen thuộc khác, vậy là tôi lại gọi một loạt những biệt hiệu khác lên.
Bây giờ tôi căn bản không để ý gì đến quán trọ
nào nữa, chiếc ô-tô này, anh tài xế này, cái ghế ngồi này khiến tôi thấy an tâm
thuận lẽ. Tôi không biết cái xe phải đi đến chỗ nào, anh ta cũng không biết.
Hơn nữa, trước mặt là nơi nào đối với chúng tôi mà nói cũng không có quan trọng
cấp thiết gì. Chúng tôi chỉ cần cái xe còn lái được, thì sẽ lái về phía trước
xem sao.
Nhưng ô-tô lại có sự cố. Lúc đó chúng tôi đã
là bạn bè tốt đến không thể tốt hơn rồi. Tôi khoác tay lên vai anh ta, anh ta
khoác tay lên vai tôi. Anh ta đang kể chuyện đương của mình cho tôi nghe, đúng
lúc đang chuẩn bị nói đến cảm giác lần đầu ôm bạn gái thì cái xe sinh chuyện.
Cái xe xảy ra sự cố khi đang lên dốc. Khi ấy nó đột nhiên chết máy, giống như
con lợn chết vậy, bỗng dung không động đậy gì nữa. Anh tài xế lại bò lên đầu
xe, lại lật cái “môi trên” ấy dựng hoác lên, lại chui đầu vào chữa. Tôi ngồi
trên buồng lái. Tôi biết anh ta bây giờ lại đang chổng ngược mông lên trời,
nhưng cái “môi trên” của cỗ xe đã chắn mất tầm nhìn của tôi, tôi không nhìn thấy
cái mông anh ta. Nhưng tôi vẫn nghe được tiếng sửa xe của anh ấy.
Một lúc sau thì anh ta đã cất đầu lên, đậy lắp
capo xuống. Lúc ấy, tay anh ta càng đen thêm. Bàn tay bẩn thỉu lau đi lau lại
vào áo, rồi nhảy xuống đất đi lại.
“Sửa xong rồi?” – Tôi hỏi
“Toi rồi, không sửa được.” – Anh ta nói.
Tôi nghĩ, thôi xong. “Vậy làm thế nào?” – Tôi
hỏi.
“Đợi xem sao thôi.” – Anh ta nói hững hờ.
Tôi vẫn ngồi trên xe, không biết nên làm thế
nào. Bây giờ, tôi lại nghĩ đến chuyện quán trọ gì đó. Lúc này, mặt trời đã xuống
núi rồi, ráng chiều bốc lên như những đám hơi nước. Quán trọ lại hiện lên trong
đầu óc tôi như thế, hơn nữa mỗi lúc nó lại càng dần lớn hơn lên, chẳng bao lâu
đã lèn chặt cả đầu óc tôi. Lúc này, trong đầu tôi không còn óc nữa, trong hộp sọ
chứa khối óc đã mọc lên một cái quán trọ.
Người tài xế lúc này đang đứng giữa đường tập
bài thể dục theo đài, anh ta làm từ động tác đầu tiên cho đến động tác cuối
cùng vô cùng nghiêm túc. Tập thể dục xong, lại chạy bộ bước nhỏ quanh cái xe.
Có lẽ anh ta cũng đã ngồi lỳ trong buồng lái lâu quá rồi, bây giờ anh ta cần
rèn luyện thân thể một chút. Nhìn anh ta đang hoạt động ở bên ngoài, tôi cũng
không thể ngồi yên trong xe được, bèn mở cửa xe nhảy xuống. Nhưng tôi không tập
thể dục theo đài, cũng không chạy bộ. Tôi đang nghĩ về quán trọ và chỉ quán trọ.
Khi ấy tôi trông thấy từ trên dốc có năm người
cưỡi xe đạp đi xuống. Trên gác-ba-ga phía sau mỗi chiếc xe đạp đều chở theo hai
cái sọt rất to xỏ trên đòn tre. Tôi nghĩ, có lẽ họ là nông dân ở gần quanh đây,
đi bán rau về. Trông thấy có người đi tới, trong lòng tôi vô cùng mừng rỡ, bèn
bước lên trước đón gọi: “Chào các bác ạ!”
Năm người ấy, đạp xe đến trước mặt tôi bèn nhảy
xuống. Tôi vui mừng bước lại, hỏi: “Gần đây có quán trọ nào không ạ?”
Họ không đáp lời, mà hỏi lại tôi: “Trên xe chở
cái gì?”
Tôi nói: “Táo đấy!”
Năm người ấy đẩy xe đạp đi đến bên cạnh ô-tô,
hai người trong bọn họ trèo lên trên xe, rồi vần ngay xuống mười sọt táo. Ba
người ở dưới mở lắp sọt ra, rồi đổ táo vào sọt của họ. Tôi nhất thời không hiểu
chuyện gì đang xảy ra nữa, cảnh tượng ấy khiến tôi há miệng tròn mắt. Đến khi
hiểu ra, tôi bèn xông tới, mắng hỏi: “Các ông định làm gì vậy?”
Chẳng ai trong số họ thèm quan tâm đến tôi, cứ
tiếp tục đổ táo. Tôi xông tới túm chặt lấy tay một người trong bọn họ, kêu to:
“Có kẻ cướp táo này!” Khi ấy, một quả đấm đã táng ngay một cú trời giáng vào giữa
mũi tôi, khiến tôi bắn ra xa mấy mét. Bò dậy rồi, vừa đưa tay sờ lên, thì cái
mũi đã nhũn bét không phải là gắn vào mà chỉ là treo vào trên mặt tôi, máu tươi
chảy tuôn tràn như những giọt nước mắt đau buồn. Nhưng khi tôi nhìn được rõ
ràng gã đô con to khỏe vừa đánh mình ấy thì năm người bọn chúng đã nhảy lên xe
đạp phóng đi rồi.
Ngay khi ấy, trên dốc lại có rất nhiều người
cưỡi xe đạp đi xuống, phía sau mỗi cái xe đều có hai cái sọt to, trong đám người
đạp xe ấy có cả một số trẻ em. Họ hò nhau kéo tới như ong, lập tức vây lấy cái
xe ô-tô. Một số người nhảy lên trên xe, những sọt táo được rầm rập hạ xuống,
táo trong mấy cái sọt bị đánh rách chảy òa òa ra như máu trong mũi tôi vậy. Họ
đều điên cuồng chất táo vào sọt của mình. Chỉ một loáng, tất cả số táo trên xe
đã bị hạ xuống đất hết. Khi ấy, từ trên dốc lại có mấy cái xe công nông xoành
xoành chạy xuống. Những cái công nông cũng dừng lại bên cạnh ô-tô. Một đám đàn
ông nhảy xuống và bắt đầu chất táo lên công nông. Những cái sọt không lần lượt
bị ném ra từng cái một. Bấy giờ, những quả táo đã lăn lóc khắp mặt đất, tất cả
bọn họ đều như những con cóc ngồi xổm xuống nhặt táo.
Vào lúc đó, tôi dường như quên mất bản thân
mình, hăng tiết nhảy xổ lại, lớn tiếng quát mắng: “Đồ kẻ cướp!”. Vậy là lại
hàng loạt những cú đấm đá xông tới đón chào tôi. Tất cả mọi chỗ trên khắp toàn
thân tôi, tựa hồ cùng bị đánh một lúc.
Lúc tôi gượng hết sức bò được dậy khỏi mặt đất, mấy đứa trẻ con lại cầm táo ném
vào tôi. Những quả táo ném vào đầu tôi vỡ ra, nhưng đầu tôi thì không. Tôi đang
định xông tới đánh lũ trẻ ấy thì một cái chân đã đá mạnh vào ngang hông tôi.
Tôi chực kêu lên một tiếng, nhưng trong miệng không thốt ra được một âm thanh
gì. Tôi ngã bệt xuống đất, không bò dậy nổi nữa, chỉ có thể nhìn bọn họ rối loạn
tranh nhau cướp táo. Tôi bắt đầu đưa mắt tìm kiếm người tài xế ô-tô. Lúc này gã
ta đang đứng mãi đằng xa nhìn về phía tôi ha hả cười lớn. Tôi liền biết ngay, bộ
dạng mình lúc này chắc chắn còn hay ho hơn cái mũi khi nãy rồi.
Lúc ấy đến phẫn nộ tôi cũng không còn đủ sức nữa
rồi. Tôi chỉ có thể đưa mắt nhìn xem tất cả những việc đã khiến mình tức giận đến
cực độ như thế. Kẻ khiến tôi tức giận nhất chính là gã tài xế kia.
Từ trên dốc lại có một số xe công nông và xe đạp
chạy xuống. Chúng cũng nhảy vào tham gia cuộc cướp bóc này. Tôi trông thấy táo
trên mặt đất càng ngày càng ít, nhìn xem một số kẻ rời đi và một số kẻ kéo tới.
Những kẻ đến muộn bắt đầu ra tay với cái xe ô-tô. Tôi nhìn thấy họ tháo cửa
kính xe xuống, gỡ lốp xe ra, rồi lại dỡ hết cả những ván gỗ thùng xe. Sau khi lốp
bánh xe bị tháo đi, cái xe ô-tô tỏ rõ dáng vẻ cúi đầu đau đớn đến thảm hại. Nó
nằm xệp xuống mặt đất. Mấy đứa trẻ con thì đi nhặt những cái sọt không vừa bị vứt
ra. Tôi thấy mặt đất càng ngày càng sạch sẽ, người cũng càng ngày càng ít đi.
Nhưng khi ấy tôi chỉ có thể nhìn xem, bởi vì, ngay đến sức lực để mà phẫn nộ
tôi cũng không còn nữa rồi. Tôi ngồi bệt trên mặt đất, không thể dậy nổi, tôi
chỉ có thể dùng ánh mắt của mình quét qua quét lại.
Bây giờ thì bốn xung quanh đã trống không vắng
ngắt, chỉ có một cái xe công nông còn dừng lại bên cạnh chiếc ô-tô đang nằm xệp
trên mặt đất. Có một người đang đứng bên cạnh cái ô-tô nhìn nghiêng nhìn ngó, ý
chừng muốn xem xem còn gì có thể lấy đi được không. Xem xét một hồi, bọn chúng
mới lần lượt từng người một trèo lên xe công nông, nổ máy chạy đi.
Khi ấy, tôi đã trông thấy gã tài xế kia cũng
nhảy lên trên công nông rời đi. Sau khi gã ngồi lên chỗ ghế ở đầu xe rồi, còn
quay lại phía tôi cười vang ha hả. Tôi trông thấy trong tay gã ôm cái ba-lô màu
đỏ của tôi. Gã đã cướp mất ba-lô của tôi đi rồi! Trong ba-lô có quần áo và tiền
của tôi, lại còn đồ ăn và sách nữa. Nhưng gã đã cướp mất ba-lô của tôi đi rồi!
Tôi nhìn theo chiếc xe công nông đang leo lên
dốc, rồi mất dạng, nhưng vẫn còn nghe thấy tiếng của nó, song chẳng bao lâu đến
những âm thanh ấy cũng không còn nữa. Bốn xung quanh thoắt bỗng trở nên tĩnh lặng.
Trời cũng bắt đầu ập tối xuống rồi. Tôi vẫn ngồi trên mặt đất. Khi ấy, vừa đói,
vừa rét nhưng tôi chẳng còn gì cả.
Tôi ngồi ở đó rất lâu, rồi mới chậm chạp bò dậy
được. Lúc bò trở dậy tôi đã rất khó khăn, bởi vì mỗi khi hơi động đậy một chút
là toàn thân lại vô cùng đau đớn. Nhưng tôi vẫn đã bò dậy. Tôi tập tễnh dò từng
bước lại bên cái xe. Bộ dạng cái ô-tô ấy thật vô cùng thảm hại, nó toàn thân
thương tích nằm bẹp ở đó. Tôi biết, mình cũng khắp người thương tích như thế.
Màn đêm đã hoàn toàn tối đen, bốn xung quanh
không có một cái gì. Chỉ có cỗ xe thương tích đầy mình, và tôi khắp người
thương tích. Tôi vô cùng đau buồn nhìn chiếc ô-tô, cái xe cũng vô cùng đau buồn
nhìn tôi. Tôi vươn cánh tay ra vỗ về nó. Toàn thân nó lạnh ngắt. Trời khi ấy bắt
đầu nổi gió. Gió rất to. Tiếng cây lá trên núi lay động nghe tựa tiếng sóng biển.
Âm thanh ấy khiến tôi sợ hãi, khiến tôi cũng giống như cỗ xe: toàn thân lạnh ngắt.
Tôi mở cửa xe, chui vào bên trong. Ghế xe
không bị bọn chúng lấy đi, điều ấy khiến tôi cảm thấy được an ủi trong lòng một
chút. Tôi nằm xuống trong buồng lái. Tôi ngửi thấy mùi dầu chảy thoảng tới. Cái
mùi ấy giống như mùi máu từ trong người tôi chảy ra. Bên ngoài, gió càng ngày
càng to, nhưng nằm trên ghế xe tôi bắt đầu cảm thấy đã hơi ấm áp. Tôi biết, sâu
trong đáy lòng mình cũng rất ấm áp. Tôi cứ luôn luôn tìm kiếm quán trọ, không
ngờ rằng quán trọ mi rốt cuộc lại ở đây.
Tôi nằm trong trái tim của chiếc ô-tô, nhớ đến
một buổi trưa trời trong nắng ấm vô cùng, ánh mặt trời khi đó thật đẹp. Tôi còn
nhớ mình đã thích thú chơi nghịch ở bên ngoài suốt nửa ngày, sau đó mới về nhà.
Từ ngoài cửa sổ tôi trông thấy bố đang sửa soạn một cái ba-lô màu đỏ trong
phòng. Tôi bám lên cửa sổ hỏi: “Bố, bố định đi đâu à?”
Bố tôi quay người lại, ôn tồn bảo: “Không, đây
là để cho con đi ra ngoài.”
“Cho con đi ra ngoài?”
“Phải, con đã mười tám tuổi rồi, con nên đi để
hiểu biết một chút về thế giới bên ngoài rồi.”
Sau đó tôi bèn khoác ba-lô màu đỏ đẹp đẽ ấy lên vai. Bố vỗ vỗ nhẹ vào sau gáy tôi, tựa như vỗ vỗ vào mông ngựa. Thế là tôi thích thú chạy vụt ra khỏi cửa, giống như một con ngựa tràn đầy hưng phấn phóng đi một cách sung sướng.
Bắc Kinh, 16-11-1986
(Châu Hải Đường dịch)
(Đăng trên TC Văn nghệ Quân đội số 977, Tháng 11/2021)
Năm 2003, bản
dịch Anh văn tiểu thuyết “Hứa Tam Quan bán máu” đã giành giải phát hiện mới của
Barnes & Noble ở Mỹ. Năm 2004 Dư Hoa được trao Huân chương Hiệp sĩ về Văn học
và Nghệ thuật của Pháp. Năm 2005, 2006 ông lần lượt xuất bản hai phần của tiểu
thuyết “Huynh đệ”, cuốn sách từng gây tranh cãi ở Trung Quốc vì viết theo chủ
nghĩa hiện thực cực đoan. Tám năm sau khi xuất bản tiểu thuyết “Ngày thứ bảy” (năm
2013), năm 2021 này ông mới tiếp tục xuất bản tiểu thuyết mới nhất “Văn thành”,
sau một số tập tạp văn in rải rác trong thời gian 2015 – 2018.
Các tác phẩm
của Dư Hoa như “Phải sống”, “Hứa Tam Quan bán máu”, hay “Huynh đệ” … đều đã được
xuất bản ở Việt Nam. Truyện ngắn “Tuổi 18 rời nhà đi xa” là một trong những truyện ngắn được sáng tác
từ sớm của Dư Hoa, và đã góp phần xác định vị trí của ông trong dòng văn học
Tiên phong của Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét