Thứ Ba, 3 tháng 8, 2021

CHỢ CÁ (Mạc Ngôn)

Tinh mơ, Phượng Châu - bà chủ quán rượu Ngư Hương đẩy cánh cửa sổ mở ra mặt phố, nhìn xem phong cảnh bên ngoài. Đêm qua trời đổ một trận mưa không to cũng chẳng nhỏ, trên con đường lát bằng những phiến đá xanh vẫn còn đọng những vũng nước mưa cùng vẩy cá phát ánh bạc lấp lánh. Những chỗ không có nước đọng cũng sạch bong sáng loáng. Hơi nước trên mặt đường chầm chậm bốc cuộn lên, đợt đậm đợt nhạt, đợt sáng đợt tối. Đoạn phố lát đá xanh ấy là phố Chợ Cá nổi tiếng ở hương Đông Bắc của huyện Cao Mật, mùi cá tanh nồng nặc nhờ hơi nước triều càng bốc lên mạnh hơn. Gió từ bể nam và gió từ bể bắc, cứ kẻ thổi qua người thổi lại, khiến cá từ bể nam và cá từ bể bắc cùng tụ tập cả ở đây. Những phiến đá xanh trên phố đã nhuộm đầy nhớt cá, dịch tôm, và dãi cua.

Mặt trời qua làn sương mù tỏa ánh sáng hồng. Mấy cửa hàng đối diện đang hạ những tấm ván cửa. Ông chủ cửa hiệu tạp hóa Vu Mắt Sẹo đứng trước cửa, lấy hết sức nhổ một bãi đờm ra giữa phố. Mấy người làm công kín nước giếng té ào ào lên đường. Đức Sinh cũng hạ ván mở cửa, lấy nước dội rửa bậc thềm trước quán ăn. Hai bên phố cùng té nước sang phía đối diện, tựa hồ muốn đẩy hết mùi cá tanh sang nhà bên kia vậy.

“Đức Sinh, đừng dội nữa!” – Phượng Châu nói to.

Đức Sinh ngoảnh lên cửa sổ cười cười, nói: “Cô ơi, hôm nay là ngày phiên chợ, người mua bán đông lắm đấy, có cần gọi em gái cháu đến giúp thêm không?”

Đức Sinh hơn hai mươi tuổi, từng làm đầu bếp cho Đảng bộ huyện, bây giờ làm đầu bếp cho quán rượu Ngư Hương. Quán rượu mặt bằng nhỏ, bày bốn cái bàn, ngồi được mười mấy người. Đức Sinh là cháu họ gần của bà chủ Phượng Châu. Phượng Châu nhìn thấy Đức Sinh lấy tạp dề buộc ngang lưng lau tay, rồi lội qua những vũng nước đọng trên phố Chợ Cá, bước vội đi. Nó đi gọi em gái mình là Đức Tú đến giúp việc trong bếp. Đó là một cô gái khỏe khoắn, trên khuôn mặt ửng hồng lúc nào cũng dính mấy cái vẩy cá màu xám bạc, nhà ở mé đông thị trấn, phơi cá khô bán. Cứ đến quán rượu là lúc nào nó cũng gọi Phượng Châu là cô ngọt xớt.

Sương mù dần tan. Mặt trời đỏ dậy, giống như một cô gái xấu hổ thẹn thùng. “Cái l…!” Cô nghe thấy giọng khàn đặc của một người đàn bà đang chửi ở mãi xa. Cái đấu cột cờ[1] sơn màu đỏ son chót vót từ sâu phía trong, cao vượt lên khỏi mái ngói màu xám của cửa hàng đối diện. Đó là cổng lớn nhà Lưu cử nhân. Đã là thời Dân quốc rồi, mà cái của nợ ấy vẫn được nhà họ Lưu lấy làm tự hào lắm, một năm mấy lần sơn lại. “Cột đấu họ Lưu, Cái l… con đĩ; Thứ năm năm lại sơn; Thứ ngày ngày rửa kỹ.” Thị trấn này thường thường lưu truyền những câu vè như thế, chẳng biết tác giả là ai cả. Lưu đội trưởng – đội trưởng đội bảo an, thề ở quán rượu Ngư Hương rằng phải tra ra kẻ nào đã đặt ra câu vè ấy. “Chỉ cần tao tra ra đứa nào,” – Lưu đội trưởng đập mạnh tay lên bàn, lớn tiếng nói – “Thì tao cắt cu nó cho chó xơi!” Ông ta cởi khuy áo quân phục  màu vàng đất, để lộ ra cây súng lục đeo bên hông trên cái thắt lưng da rộng bản. Đội bảo an có hai mươi mấy người, đóng trong ngôi miếu lớn ở đầu phía tây phố Chợ Cá, nhiệm vụ của họ là bảo vệ trị an địa phương, nhưng không thấy họ làm việc bắt trộm cướp gì cả, chỉ thấy vào sáng những ngày phiên chợ họ lại tập chạy, khẩu hiệu hô váng cả giời.

Họ chạy dọc theo con đường lát đá xanh lại. Mười tám người, chia thành hai hàng. Lưu đội trưởng chạy ở ngoài đội hình, miệng ngậm một cái còi thép, thổi toét toét. Tiếng còi với nhịp chạy của đội hình chẳng ăn nhập gì với nhau, loạn xị bát nháo. Đội viên đội bảo an đều mặc quân phục màu vàng, lưng thắt dây da bò. Ai cũng sắc mặt xám ngoét, đôi môi thâm xì, ánh mắt tán loạn, chẳng có chút tinh thần gì cả. Những chỗ lõm trũng trên đường đá có nước đọng, họ lại nhảy loi choi mà tránh né ra. Trên đường chạy qua chỗ cửa sổ quán Ngư Hương, ai nấy cùng ngoảnh mặt ngước mắt lên nhìn, tựa như đang chào khi qua lễ đài vậy. Cửa sổ quán biến thành đài duyệt binh. Mấy chục cái chân đều không tránh né vũng nước đọng nào cả, khiến vang lên những tiếng lội ào ào. Trên chân họ đều là những chiếc ủng cao su đen, nông dân chưa được xỏ chân bao giờ. Trong đám lính này, chỉ có Nhan Tiểu Cửu chưa đến. Còn lại chẳng ai ra gì.

Tất cả nhìn trước thẳng!” – Lưu đội trưởng nghiêng đầu nói – “Bà chủ quán có sức mạnh thật đấy, kéo nghiêng được cổ hai mươi anh em rồi!”

“Cái cổ rùa của anh chẳng cũng bị kéo nghiêng sang phía ấy đó thôi?”

Ông ta cười hì hì, cầm cái còi đưa lên miệng thổi, vừa dùng ngón tay trên hai bàn tay làm một động tác biểu thị chuyện làm tình, vừa chạy về phía trước.

(Minh họa của HS Tô Chiêm)

Tôm cá bắt đầu được chuyển lên chợ. Những người buôn cá dường đều mặt đỏ tía tai, cổ nối gân, giọng khàn, trên tay dính đầy vẩy cá. Bọn họ ai cũng có một chỗ cố định của mình, chẳng ai xâm phạm địa bàn của người khác. Những người buôn cá đều chân đồng vai sắt, mỗi người một cái đòn gánh bằng gỗ hòe vừa dài vừa rộng, hai giành cá to. Xuống Nam Hải là một trăm năm mươi dặm, lên Bắc Hải là một trăm sáu mươi dặm. Bất luận là đi Nam Hải hay Bắc Hải cũng đều gánh hai trăm cân cá đi và về trong hai ngày. Trên cảng cá ở Nam Hải hay Bắc Hải, đều có bóng dáng của những người buôn cá. Chỗ ngay dưới cửa sổ của Phượng Châu là địa bàn của cha con Lão Cảnh. Những người bán cá đến sớm đều đặt ngang đòn gánh, mở giành cá, bày cá mẫu ra, mở ghế gấp ra ngồi, hút thuốc canh cá. Thời gian vẫn sớm, khách còn chưa đi chợ.

Lại một hồi lâu, trên con phố lát đá xanh mới trở nên náo nhiệt. Những người bán cá chen nhau kéo đến, những quai giành đựng cá bằng da sống ma sát với đòn gánh phát ra những tiếng kĩu kịt vui tai. Họ cất tiếng nói to hỏi han nhau, vang dậy cả nửa con phố. Những con cá hố xám bạc, những con cá thu trắng xanh, những con cá đù đỏ nâu, những con cá chim xám tía, những con cá mực trơn nhẫy tuồi tuội, những con tôm hùm mặc giáp đeo gươm, bày đầy hai bên đường. Mùi cá tanh đậm đặc đến ớn lạnh nhuốm đầy bầu không khí trên phố. “Gánh Sáu” đến rồi. “Vương Lão Ngũ” đến rồi. “Lừa Đen” đến rồi. “Trình Tú tài” đến rồi. “Lão Pháp Hải” đến rồi. “Mèo Khỉ” đến rồi… Trên phố thấp thoáng rất nhiều gương mặt mà Phượng Châu quen thuộc. Riêng chỉ còn thiếu hai gương mặt mà cô quen nhất – Lão Cảnh và con trai anh ta – Tiểu Cảnh. Trên con đường đá xanh cách hai bước trước cửa sổ vẫn trống không. Đó là chỗ bán hàng của Lão Cảnh và Tiểu Cảnh, thường thường hai cha con anh ta luôn đứng đây sớm nhất. Người sớm nhất hóa ra muộn nhất. Phượng Châu cảm thấy trong lòng trống vắng, rồi sau đó lại lờ mờ một cảm giác chẳng lành, tựa hồ có một con rắn nhỏ đang bò quẩn quanh trong chỗ trống vắng ấy. Chẳng có lẽ họ gặp cướp trên đường? Hay là bị thương hàn? Những đội viên đội bảo an tan buổi tập luyện túm năm tụm ba kéo nhau tản mạn quay về, những màu áo vàng chen lẫn với màu áo đen của những người bán cá, tựa như giữa đàn cá thu lạc vào mấy con cá đù vàng. Đám lính đều là những con mèo đói, thiếu bọn họ, phố Chợ Cá thực sự mất hết ý nghĩa. Bọn họ phần đa đều mắc bệnh nghiện thuốc, nghiện rượu, nghiện bạc, nghiện gái, ngoài các chứng nghiện ấy lại còn thêm nghiện cá nữa. Mười mấy “ông lính” ấy là con giun ký sinh trong chợ cá trên con phố đá xanh này. Có chúng thì mọi người không thoải mái, nhưng không có chúng thì có lẽ lại càng không thoải mái. Đám lính đang “mua” cá. Miệng nói là mua, nhưng chỉ là chọn lấy con cá nào to xách đi, chứ chẳng một người nào cởi hầu bao rút tiền. “Ông lớn tối qua tay thối vận đen, thua bạc, cứ tạm ghi sổ nhé, ông chủ!” “Lão tổng, ngài nói đùa gì thế? Ăn có con cá, chúng tôi xin cung kính.” Đám lính xách cá, tên nào tên nấy vẻ mặt tươi cười, thản nhiên kéo đi. Không có một tên nào đến quán nhậu Ngư Hương cả, bọn chúng chưa đủ phẩm cấp. Người ăn cá uống rượu ở quán Ngư Hương là Lưu đội trưởng cơ. Ông ta là người nắm binh quyền trong tay ở thị trấn này, có thể chỉ huy hai mươi mấy tay súng. Theo như ông ta tự nói thì ông ta tốt nghiệp ở trường sĩ quan bên Nhật Bản, nhưng chẳng ai muốn đi chứng minh là ông ta nói khoác làm gì. Địa phương cỏn con này, có thêm mấy người có trình độ học hành lại là chuyện hay.

Lưu đội trưởng xách một con cá tráp đỏ vào quán rượu. Con cá ấy nặng chừng năm sáu cân, Phượng Châu đã sớm liếc thấy rồi. Cá tráp đỏ là thứ cá ngon nhất hạng, không đi thành đàn bao giờ, rất khó bắt. Thịt nó trắng như tuyết, xếp từng lớp như nhánh tỏi, không tanh. Ăn thịt rồi, còn bộ xương có thể nấu được một nồi canh ngon. Gã kia hôm nay cây xăm tinh tường thật, chỉ nháy mắt đã lôi được từ đáy giành cá ra con cá này. “Mèo Khỉ” tiếc đứt ruột, đến nỗi mắt nháy liên tục, nhưng bộ mặt đưa đám vẫn cố nở nụ cười: “Lưu đội trưởng. Con cá này là giữ cho ông lớn Vu. Ông ấy …”

“Hừ! Ông lớn Vu ăn được, chẳng lẽ ông đây không ăn được ư? Mày không nói là giữ cho con lừa già Vu Bạt tai ấy, thì có khi tao còn không đòi của mày. Nhưng mày đã nói thế thì tao lại nhất định phải xách đi mới được.” Vừa nói, tay Lưu đội trưởng vừa sờ vào hộp súng đeo bên thắt lưng vỗ vỗ, khuôn mặt đỏ phồng lên, ra bộ dạng vô cùng tức giận vì bị làm nhục quá lắm.

“Mèo Khỉ” nói: “Ông ngoại con ơi, ông cứ việc xách cá đi cho, chớ có vỗ vỗ mãi cái thứ ấy nữa, kẻo con sợ chết khiếp mất.”

“Biết sợ thế thì được. Lúc nào mà đến nó mày cũng không sợ nữa, thì việc sẽ hơi phiền đấy.” – Rồi Lưu đội trưởng để “Mèo Khỉ” lấy sợi cói xỏ vào mang con cá, xách đi, nói vẻ hảo hán – “Cứ bảo Vu Bạt tai đi tìm tao là được!”

Mèo Khỉ nói: “Không dám! Không dám! Ông ngoại cứ việc đi cho ạ.”

“Đức Sinh!” - Lưu đội trưởng vừa vào quán đã cất tiếng gọi to – “Con cá tráp đỏ này mang đi làm đi, hôm nay là mồng tám tháng tư, lão Diêm vương mừng sinh nhật, tao với cô mày uống rượu uyên ương giao bôi!”

Đức Sinh vẫn chưa quay về. Nghe thấy Lưu đội trường hét gọi ngông nghênh quá, Phượng Châu đẩy cánh cửa nhỏ thông ra ngoài gian quán, lười biếng rời khỏi cửa sổ bước ra.

“Bà chủ, lại bị đau tim ư?” – Lưu đội trưởng chau mày nói – “Lúc nào gặp tôi là cô cũng ra bộ dạng Tây Thi bị ốm như thế. Thế mà cứ gặp Lão Cảnh, Tiểu Cảnh là mặt lại ửng hồng, như con báo cái. Lão gia cung phụng cô lẽ nào vẫn còn chưa đủ ư? Tất sẽ có ngày lão gia đây sẽ quăng hai khối đá ngáng chân ấy, nhổ hai cái gai trong mắt ấy đi.”

Phượng Châu ho một tiếng, nói: “Mau ngậm cái miệng dơ của ông lại! Bà đây chỉ có một mình ông bao cả đấy à?”

Lưu đội trưởng thấy trong quán không có ai, vẻ mặt thèm thuồng sấn lại, vươn cái tay còn dính đầy vẩy cá tráp sờ vào ngực Phượng Châu, nói: “Lão gia muốn học theo chàng bán dầu kia, độc chiếm lấy đóa hoa khôi này[2]!”

Phượng Châu lạnh lùng nhìn đội trưởng Lưu, để mặc những ngón tay nhớp nháp như con cá chình của ông ta tùy ý bò khắp khuôn ngực mình. Một người đàn ông tựa bóng ma, lặng lẽ không một tiếng động từ gian trong quán rượu lướt ra, đáp xuống sau lưng Lưu đội trưởng. Ông ta vươn hai cánh tay run run rẩy rẩy, túm chặt lấy đầu đội trưởng Lưu, miệng cằn nhằn: “Mi là ai? Để đấy ta sờ xem.” 

Mười ngón tay trắng xanh, nhỏ dài của ông ta, tựa như những xúc tu đầy giác bám của con bạch tuộc. Đầu đội trưởng Lưu như co nhỏ lại dưới bàn tay ông ta, mặt cũng biến sắc. Bàn tay đang rờ rẫm khắp ngực Phượng Châu mềm nhũn như bún buông thõng xuống. Bàn tay người đàn ông kia tựa hồ có một thứ phép thuật, hóa ra một tấm lưới vô hình không nhìn thấy được, giam giữ chặt Lưu đội trưởng lại. Lưu run rẩy như cầy sấy để mặc cho ông ta sờ nắn.

“Lưu đội trưởng!” – Bàn tay của của gã mù dừng lại tại chỗ yết hầu của Lưu, rồi đột nhiên buông ra, gã ho hắng, sờ lần đến bên một cái bàn ngồi xuống, lớn tiếng gọi: “Đức Sinh! Ta muốn uống trà.”

Phượng Châu cũng nói lớn: “Anh đợi chút. Đức Sinh nó về nhà gọi Đức Tú rồi!”

Gã nói: “Em vẫn còn đau tim chứ?”

Phượng Châu đáp: “Vẫn còn.”

Gã nói: “Em phải học như anh, uống trà đặc vào. Em là bị độc cá công vào tim, cả đời em đã ăn bao nhiêu cá rồi?”

Đức Sinh đã dẫn Đức Tú về tới nơi. Đức Tú vóc người cao lớn, giống như một con cá trắm tươi bụng đầy trứng. Cô ta cất tiếng chào cô thật to. Gã mù gọi Đức Sinh, đòi lấy trà. Lưu đội trưởng đã lấy lại được sức sống, nói: “Anh cả mù, cái món Âm hồn bát quái chưởng của anh đúng là lợi hại. Anh sờ vào tôi một lần mà đến nửa năm tôi không làm ăn gì được với đàn bà cả”

Đức Sinh xách một bình trà lớn bằng đất nung miền Nam lên, để vào giành ủ, đưa đến trước mặt gã mù, nói: “Thưa chú, trà đây ạ.”

“Trà ngon, trà ngon! Đức Sinh, đi làm việc của cháu đi, chú có bình trà này là được rồi.” Gã mù đưa mũi hít lấy hít để một cách tham lam, nói: “Không uống trà, thì không sống được quá năm mươi tuổi ở cái phố chợ cá này. Độc cá công tâm mất.”

Gã mù uống trà, tất cả tinh thần đều chăm chú vào việc ấy, mà bước vào cảnh giới vong ngã, quên cả bản thân mình. Phượng Châu xách con cá tráp đỏ, nhìn nhìn, rồi ném vào trong chậu, nói: “Đức Sinh, con cá này của Lưu đội trưởng, ông ấy muốn ăn thế nào, thì ông ấy sẽ bảo nhé.”

Lưu đội trưởng chằm chằm nhìn Đức Tú nói: “Tôi muốn cô làm cho tôi.”

Đức Tú nói: “Được thôi. Việc đội trưởng Lưu đã dặn thì đến Ba Đen cũng không dám không làm!”

Lưu đội trưởng giật mình sững người giây lâu, nhìn thần thái tự nhiên của Đức Tú, cánh mũi khịt khịt, rồi bật ho mấy tiếng khó chịu.

Phượng Châu ôm lấy ngực, đôi môi tái xanh, quay lại chỗ cửa sổ. Quang cảnh trên chợ cá lại thân thiết ùa vào tầm mắt cô. Trình Tú Tài bày ra một giành cá chình. Những con cá trơn nhẫy ấy phát ánh sáng lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời, khiến cô cảm thấy buồn nôn. Cô nhớ đến cảnh tượng vào một buổi sáng cách đây khá lâu, một người đàn ông đã lấy một con cá chình nhét vào miệng một người đàn bà. Tuy Phượng Châu không nhìn thấy gương mặt chính mình, nhưng cũng biết rằng mặt mình đã tái nhợt, giống như màu da bụng của một con cá nheo đã chết. Đôi môi nhất định tím tái rồi, giống như mắt của con cá trắm vậy. Phía trước cửa sổ vẫn trống không, cha con Lão Cảnh vẫn chưa thấy đâu cả.

Đội trưởng Lưu ngồi sau lưng Phượng Châu, vươn tay sờ nắn cô, nói: “Em Phượng Châu à, em thật là nhẫn tâm đấy, nói không thèm để ý đến tôi là không để ý ngay. Thế cái thằng Lão Cảnh, một thằng bán cá khắp người tanh ngoéo mùi cá, rốt cuộc có cái gì hay? Tôi mà tức lên tôi bẹp hết giành cá của nó, chặt gẫy đòn gánh của nó.”

Phượng Châu không quay đầu lại, chịu đựng ông ta lần mò khắp trên người mình, nói: “Lưu đội trưởng, với thân phận, địa vị của ông, ông muốn tìm đàn bà nào mà chẳng được? Làm sao ông cứ phải nhọc lòng đến phiền một người đàn bà khắp người toàn mùi cá tanh như tôi làm gì? Tôi như thế nào, đâu phải ông chưa từng nếm trải qua rồi, ông tha cho tôi có được không?”

Đội trưởng Lưu nói: “Đúng là một trinh nữ, muốn thủ tiết cho Lão Cảnh đây! Cái hang cắc cớ của cô, cá chình cũng chui vào rồi, cá trắm cũng chui vào rồi, cá thu cũng chui vào rồi, cá hố cũng chui vào rồi, còn giả vờ chính chuyên cái gì.”

Phượng Châu nói: “Các thứ cá đều nếm trải cả rồi, nên mới biết cá ngừ là đáng giá nhất!”

Lưu nói: “Cô định làm gì? Vứt cái quán này, bỏ gã mù kia, chạy theo Lão Cảnh?”

Cô nói: “Tôi dựa vào cái gì mà vứt cái quán này? Dựa vào cái gì mà bỏ anh mù? Tôi không đi đâu cả, tôi trải ổ chăn ấm đợi Lão Cảnh đến ngủ.”

Lưu nói: “Được, được, được! Lại để cho Lão Cảnh thối tha kia độc chiếm hoa khôi!”

Những con cá trên phố mời gọi đến vô số ruồi nhặng, những người bán cá đều phải phe phẩy cái quạt lá đề đuổi chúng đi. Một gã ăn mày, tay trái bưng cái mũ bông rách, tay phải cầm con dao cạo, xuất hiện ở chợ cá. Hắn đứng trước mặt những người bán cá đưa cái mũ bông ra, trợn mắt giương mày nói: “Đưa tiền đây!”

Người bán cá vừa thấy bộ dạng ấy của hắn, thì biết ngay hạng “rạch mặt” này còn khó chịu hơn cả giống nhặng đầu xanh, vội vàng móc túi ra lấy một tờ tiền giấy dính đầy mùi cá tanh, để tống khứ ông kễnh ấy đi. “Mèo Khỉ” không biết là phạm phải hạng đầu bò đầu bướu gì, giọng quang quác nói: “Thế này còn buôn bán cái gì nữa? Nửa buổi sáng rồi, mà đến một cái vẩy cá cũng không bán được, đã phải biếu không hai con cá tráp đỏ rồi, lính cướp thì cũng thôi, chứ cái thứ chó ghẻ như mày mà cũng bá đạo thế à? Kiếp trước ông vay nợ chúng mày hay sao?”

Tên rạch mặt cầm cái mũ rách dí vào tận mũi “Mèo Khỉ”, nói to: “Đưa tiền đây!”

“Mèo Khỉ” nói: - Không có tiền! Mày đi đi!

Tên rạch mặt giơ con dao cạo lên, nói: “Không đưa tiền, tao rạch mặt!”

“Mèo Khỉ” nói: “Mày có cắt cả đầu xuống tao cũng không có tiền.”

Những người bên cạnh khuyên bảo: “Lão Tôn, cho nó mấy đồng lẻ cho nó đi đi, kẻo lỡ việc buôn bán ra.”

“Mèo Khỉ” nói: “Buôn dọc bán ngang cũng đều chẳng xong, nó muốn rạch mặt thì cho nó rạch đi!”

Tên rạch mặt la lên oai oái, kêu to: “Đời bất công quá, áp bức người ta không sống được nữa thế này à?” Rồi nó đưa con dao cạo lên, rạch lên trán một nhát, rách da lòi thịt, máu chảy đầm đìa, lại đưa bàn tay, quệt lên mặt một cái, lập tức trông mặt mũi dữ dằn, khiến người khác phải sợ run từ trong xương tủy run ra.

Những người rỗi việc trong chợ cùng vây lại xem, bọn vô lại trộm vặt nhân cơ hội luồn qua những khe chân người lấy trộm cá của “Mèo Khỉ”.

Lưu đội trưởng cầm khẩu súng lục đi lại, dí nòng súng vào sườn những người đứng xem, rẽ ra một lối đi, bước đến trước mặt tên rạch mặt, ấn mũi súng vào dưới cằm nó, cười khẩy nói:

“Vương A Cẩu, mày luyện được cái ngón nghề này từ bao giờ thế? Phố Chợ Cá này là chỗ cho mày kiếm ăn đấy à? Thích rạch mặt? Được thôi, rạch đi, tiếp tục rạch nữa đi, chứ một vết thương cỏn con ấy thì vu vạ được ai? Rạch! Rạch đủ bốn mươi tám nhát cho tao, thì tao thưởng cho mày hai đồng bạc trắng!”

Tên rạch mặt Vương A Cẩu ném con dao, quỳ xuống đất nói:

“Lưu đội trưởng, xin tha cho tôi. Trong nhà tôi còn mẹ già tám mươi, chỉ dựa vào tôi kiếm cho miếng cơm ăn …”

“Mẹ mày đã chết từ tám hoánh nào rồi, còn dám nói dối tao!” – Lưu đội trưởng vừa mắng, vừa rút cái còi ra, thổi toe toe, mấy tên lính đang đi xoi mói kiếm cớ vặt tiền trên phố chợ cùng chạy cả lại.

Lưu đội trưởng nói: “Đem tên gây rối trật tự trị an xã hội này ra bờ sông xử tử!”

Mấy tên lính như hùm như sói xông tới, bẻ giật tay tên rạch mặt, lôi nó đi. Tên rạch mặt bấu hai chân xuống đất, kêu lên thất thanh:

“Đội trưởng tha mạng! A Cẩu không dám làm thế nữa …”

Lưu đội trưởng cười nhạt nhìn “Mèo Khỉ”. “Mèo Khỉ” trên trán toát mồ hôi lạnh, hai chân run lẩy bẩy.

“Mèo Khỉ! Ăn con cá tráp của mày, là tao hạ cố đến mày đấy. Mày tưởng là bản đội trưởng đây không mua nổi một con cá ư?” – Vừa nói, Lưu vừa vỗ vỗ vào bên sườn – “Có nó tức là có tiền! Mày nói xem, tao còn thiếu mày bao nhiêu tiền? Có cần mày chửi khắp phố thế không?”

Mèo Khỉ xoa xoa bàn tay, rồi vừa vả bôm bốp vào mặt mình, vừa chửi: “Đánh! Đánh! Đánh chết mày đi cái thứ không ra gì!”

Lưu đội trưởng lầm bầm chửi rồi đi đến bên cửa sổ, nói:

“Cứ như chúng tôi ăn uổng cơm ấy! Hừ, có chúng tôi ở đây, bọn côn đồ lưu manh mới không dám làm bậy, không có chúng tôi, chỉ e là chẳng có một ngày được bình yên đâu.”

“Lấy được uy phong rồi! Ông có bản lĩnh thì diệt trừ thằng đầu gấu Ba Đen đi!” – Phượng Châu bám trên khung cửa sổ nói.

“Cô nghĩ là tôi không làm sao diệt trừ nổi tên ấy ư?” – Lưu nói – “Những chuyện này, đàn bà con gái các cô căn bản không hiểu được đâu!”

Phượng Châu bĩu môi, không thèm nhìn ông ta nữa. Khi ấy, Đức Tú đã chạy ra cửa quán gọi to:

“Lưu đội trưởng, cá của ông chín rồi. Anh cháu bảo ông ăn ngay cho nóng, kẻo để nguội lại tanh.”

“Bà chủ, cô cùng ngồi tiếp tôi chứ?”

“Tôi đâu có cái phúc ấy.”

Lưu đội trưởng ngập ngừng bước vào trong quán. Những cái vẩy cá lấp lóa làm Phượng Châu chói mắt. Một con chó ghẻ ngậm một con cá thu lớn chạy trên đường đá, những người bán cá ngồi hai bên đường cùng nhất tề hô đuổi đánh, nhưng không một ai đứng dậy. Con chó ghẻ ngậm cá cứ thủng thẳng chạy đi. Trước cửa sổ vẫn trống không, nhưng trong lòng Phượng Châu còn trống vắng hơn nữa. Cô hỏi Vương Lão Ngũ:

“Lão Cảnh và Tiểu Cảnh trên đường xảy ra chuyện gì hay sao?”

Vương Lão Ngũ nói: “Tám phần là bị con hồ ly tinh trắng ở trên Doanh trấn, dưới Bắc Hải mê hoặc rồi!”

Phượng Châu nói: “Lão Ngũ chết tiệt! Tôi hỏi nghiêm túc đấy.”

Lão Ngũ nói: “Thì tôi cũng trả lời cô nghiêm túc đấy chứ! Cô không biết đâu, trên đời này có hai loại đàn ông không nên giao thiệp, đó là hai loại đàn ông nào? Là lính tập, và buôn cá. Những thớ thịt trắng muốt như tuyết của con bạch hồ ly ấy, ăn một lần lại muốn ăn lần nữa, càng xuống dưới lại càng hay … Ha ha ha … một gò Bạch hổ chẳng sợi cỏ mọc … Cảnh đại ca chẳng phải là một con Thanh long – rồng xanh đấy ư?”

Tiểu Nguyên đang ở bên cạnh cũng nói chõ vào: “Cảnh đại ca có phải là con rồng xanh không, thì chỉ có bà chủ biết!”

Phượng Châu mắng: “Tiểu Nguyên, nhà người bên tây nuôi lừa, nhà cậu bên đông cũng phải vươn cổ ba ba ra đấy hẳn!”

Tiểu Nguyên cười hì hì, nói: “Tiên cô à, bao giờ cũng phải cho chúng tôi nếm một bữa tươi với, ai đời ba chục tuổi đầu rồi mà chưa sờ vào da bụng đàn bà con gái bao giờ.”

Cô nhổ một bãi nước bọt về phía Tiểu Nguyên, mắng bảo: “Đem câu ấy về mà lừa mẹ cậu ấy! Mấy tên buôn cá ranh ma các cậu, có đêm nào mà không bò lết trên bụng đàn bà!”

Tiểu Nguyên nói: “Thế Lão Cảnh thì thế nào?”

Cô nói: “Cả lũ các ông, chỉ có mình Lão Cảnh là người thực thà.”

Lão Ngũ nói: “Thực thà? Tay Lão Cảnh này ấy … Ôi chà, kia chẳng phải là con lừa của Tiểu Cảnh hay sao?”

Phượng Châu vươn cả nửa người ra ngoài cửa sổ, ngoảnh về phía đông trông ngóng. Từ phía mặt trời mọc, một con lừa với bộ lông tỏa sáng đang chạy lại. Trong đám buôn cá, duy nhất một người không dùng đòn gánh gánh cá mà dùng một con lừa chở cá, đó chính là thằng Tiểu Cảnh gầy còm mười bốn tuổi. Bình thường, từ sáng sớm ngày phiên chợ, Lão Cảnh gánh hai giành cá, với cái đòn gánh to bóng loáng, tựa như một con chim lớn đang lướt bay. Còn Tiểu Cảnh thì đuổi con lừa gùi hai giành cá trên lưng, cắm cúi chạy theo sau Lão Cảnh cũng nhanh như gió. Móng con lừa nhỏ gõ lên đường đá xanh những tiếng cốp cốp cốp cốp, một chuỗi âm thanh dài liên tục … Những lúc ấy, con sóng trào dâng trong tim Phượng Châu khó mà lặng tĩnh được, giống như một người vợ đang trông ngóng chồng, con trở về vậy.

Con lừa nhỏ lững thững đi xuyên qua chợ cá, dừng lại trên đoạn phố lát đá trước cửa sổ của Phượng Châu. Nó cúi đầu, đứng im không động đậy. Ánh mắt ngạc nhiên của những người bán cá đều đổ dồn cả lại.

Phượng Châu nhảy ra khỏi cửa sổ, mở lắp giành đeo hai bên hông con lừa ra.

Cô kêu to lên một tiếng, rồi đổ khuỵu xuống dưới chân lừa.

Hai cái giành con lừa gùi trên lưng không có cá. Trong giành bên trái là đầu của Lão Cảnh, trong giành bên phải là đầu của Tiểu Cảnh.

 

Châu Hải Đường dịch

(In trên VNQĐ số 969, cuối tháng 7-2021)



[1] Đấu cột cờ: là một cột cao, phía trên để hình đấu gỗ, là biểu tượng Khôi tinh – sao chủ văn chương đỗ đạt. Tục thời phong kiến của Trung Quốc xưa, những nhà có người thi đỗ cử nhân, tiến sĩ thì được dựng cột đấu cao sơn đỏ để hương thôn biết. Vì thế người ta coi cột đấu là biểu tượng vinh dự cho gia đình.

[2] Chàng bán dầu độc chiếm hoa khôi: là tên một truyện trong tập “Tỉnh thế Hằng ngôn” của Phùng Mộng Long, kể chuyện danh kỹ nổi tiếng kinh thành Sằn Dao Cầm cuối cùng lấy chàng bán dầu Tần Chung.


 

(Nhà văn Mạc Ngôn)

Mạc Ngôn tên thật là Quản Mô Nghiệp, sinh ngày 17 tháng 2 năm 1955, tại Cao Mật, Sơn Đông. Tuổi thơ của ông nằm trọn trong thời kỳ “Ba năm khốn khó” (tức ba năm thời kỳ Đại Nhảy Vọt 1959 – 1961) trong lịch sử Cận đại Trung Quốc, điều ấy đã ảnh hưởng sâu sắc đối với ông. Năm 1966, ông vì Đại Cách mạng Văn hóa nên phải bỏ học, lao động ở nông thôn suốt 10 năm, với công việc chủ yếu là làm nông nghiệp: trồng cao lương, trồng bông, chăn bò, cắt cỏ… Năm 1976 ông tham gia quân đội, từng làm các chức vụ tiểu đội trưởng, nhân viên bảo mật, quản lý thư viện, giáo viên, cán sự … Trong bốn năm làm nhân viên quản lý thư viện trong bộ đội, ông đã đọc rất nhiều sách văn học, triết học cũng như lịch sử … có lẽ cảm hứng sáng tác văn chương đã đến với ông từ những năm tháng ấy. Tháng 5/1981 Mạc Ngôn phát biểu truyện ngắn “Xuân dạ vũ phi phi” (Đêm xuân phơi phới mưa) trên song nguyệt san “Liên Trì” ở Bảo Định, Hà Bắc. Năm 1984 ông được tác gia Dư Hoài Trung đặc biệt mời tham gia ứng tuyển vào khoa Văn học của Học viện Nghệ thuật Giải phóng quân. Năm 1985 ông trở nên nổi tiếng với truyện vừa “Củ Cải Đỏ Trong Suốt” sau khi đăng trên tạp chí “Trung Quốc tác gia”, năm 1986 lại khiến văn đàn rung động với tiểu thuyết “Cao Lương Đỏ” – tiểu thuyết mà ngay năm sau đó đã được Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim truyện và ông đảm nhiệm vai trò biên kịch. Những năm sau đó ông liên tục có nhiều sáng tác như: “Thiên đường toán đài chi ca” - Cây Tỏi Nổi Giận (1988), “Thực thảo gia tộc” – Gia Tộc Ăn Cỏ (1989), “Tửu quốc” (1993), “Phong nhũ phì đồn” – Báu Vật Của Đời (1996), “Hồng thụ lâm” -  Rừng Cây Đỏ (1999), “Đàn Hương Hình” (2001), “Tứ thập nhất pháo” (2003), “Sinh tử bì lao” – Sống Đọa Thác Đầy (2006) … Năm 2009 Mạc Ngôn xuất bản tiểu thuyết “Oa” - Ếch. Năm 2011, ông nhận Giải thưởng văn học Mao Thuẫn với tác phẩm này. Mạc Ngôn giành được giải Nobel văn học năm 2012 và trở thành nhà văn (quốc tịch) Trung Quốc đầu tiên nhận giải thưởng ấy. Đến nay, nhiều tác phẩm của Mạc Ngôn với đủ thể loại: tiểu thuyết, tạp văn … đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Trên VNQĐ số này chúng tôi xin giới thiệu với độc giả truyện ngắn “Chợ Cá” của ông – một truyện ngắn đã được tuyển chọn vào tập “Một trăm Truyện ngắn Kinh điển Trung Quốc 1901 – 2000”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét