Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2021

NGUYỄN SIÊU SỬA THƠ ?

Mới đây, tôi được người bạn là nhà báo Nguyễn Học cho xem một bức ảnh của người Pháp chụp đình Trấn Ba trong khu di tích đền Ngọc Sơn vào năm 1896 với cỡ ảnh khá lớn. Qua bức ảnh ta có thể thấy khi ấy đình Trấn Ba còn nằm sát mép nước chứ chưa lui sâu vào như hiện nay, giữa đình dựng bia, mặt chính quay ra hồ, mặt lưng quay vào trong, có 4 chữ lớn: “Văn Xương miếu bi” - hiện nay đã không còn. Đặc biệt trên phần cổ giữa hai mái đình có mảng điêu khắc nhiều hình trang trí và ở giữa là một bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt mà nhờ ảnh có size lớn, có thể đọc được dễ dàng nội dung:

一水中浮地;

長流倒載天。

扁舟迎送客;

日午宿花邊。

Nhất thủy trung phù địa;

Trường lưu đảo tải thiên.

Biên chu nghênh tống khách;

Nhật ngọ túc hoa biên.

(Nghĩa là:

Một vùng nước, ở giữa có đất nổi lên;

Dòng (nước) dài mang theo bầu trời soi bóng xuống.

Chiếc thuyền nhỏ đưa đón khách;

Ban trưa đậu ngủ bên hoa.)  

(Ảnh chụp Trấn Ba Đình năm 1896)

Đọc bài thơ, tôi nhận ngay ra đó chính là bài thơ của Phương Đình – Nguyễn Siêu – người khởi xướng và góp công lớn trong việc xây dựng tu bổ di tích đền Ngọc Sơn để có diện mạo như ngày nay, mà tôi nhớ không lầm thì nó có tiêu đề là “Lâu thượng ngẫu đắc” (Ngẫu nhiên làm khi ở trên lầu). Nhưng, hai câu sau của bài thơ thì tôi cứ ngờ ngợ dường như có sai khác gì đó với bài mình đã biết.

Cất công lần dở lại hai quyển “Anh Ngôn thi tập” của Phương Đình ra tìm đọc lại, quả nhiên cảm giác của tôi đã hoàn toàn chính xác. Bài thơ trên là bài thứ nhất trong hai bài ngũ ngôn tứ tuyệt “Lâu thượng ngẫu đắc nhị tuyệt” của Nguyễn Siêu. Và quan trọng hơn, đúng là hai câu thơ đầu thì hoàn toàn thống nhất, nhưng hai câu thơ sau của bài thơ in trong sách có thể nói là khác biệt rất nhiều. Cụ thể bài thơ ấy (tôi xin phép chỉ nói về bài thứ nhất này) trong sách là:

一水中浮地;

長流倒載天。

漁舟春送客;

廽棹宿花邊。

Nhất thủy trung phù địa;

Trường lưu đảo tải thiên.

NGƯ chu XUÂN tống khách;

HỒI TRẠO túc hoa biên.

(Nghĩa là:

Một vùng nước, ở giữa có đất nổi lên;

Dòng dài mang theo bầu trời soi bóng ngược xuống.

Thuyền câu, mùa xuân tiễn khách;

Quay chèo trở về đậu ngủ bên hoa.) 

Mấy chữ tôi viết in hoa, tức là những chữ đã thay đổi so với bài thơ trên cổ mái đình Trấn Ba. Các bạn có thể thấy, hai câu thơ với 10 chữ mà đã sửa lại đến 4 chữ, thì có thể nói là sửa không ít (40%). Vậy bài thơ trên đình Trấn Ba có phải chính xác là thơ của Nguyễn Siêu? Nếu phải, vì sao lại có sự sai khác này? Và, ý nghĩa của việc sửa chữa, nhuận sắc ấy thế nào?

Trước hết, xin nói về bài thơ trên đình Trấn Ba. Chúng ta đều biết, năm 1865, Nguyễn Siêu là một trong những người chủ trì việc hưng công tôn tạo đền Ngọc Sơn và xây dựng mới thêm nhiều hạng mục cho cụm công trình mà nổi bật nhất là: Tháp Bút, Đài Nghiên, cầu Thê Húc, đình Trấn Ba, đồng thời ông cũng để lại nhiều văn chương và bút tích ở đó qua các bài văn bia, các bài minh (trên đài Nghiên), chí (trên tháp Bút), câu đối … Cụm công trình được thực hiện trong thời gian ba năm (1865 – 1868), và bức ảnh của Pháp chụp năm 1896, cách nhau chừng 30 năm, nhìn vào mức độ rêu phong, hư hại ở một số vị trí, thì khả năng đình Trấn Ba trong ảnh vẫn là ngôi đình nguyên bản từ khi mới dựng. Như vậy, với vị trí vai trò chủ chốt của Nguyễn Siêu trong công cuộc xây dựng cụm công trình này, cộng thêm việc bài thơ (dù có xuất nhập vài chữ) được in trong Anh Ngôn Thi Tập của ông, có thể khẳng định bài thơ trên đình Trấn Ba chính là thơ của Nguyễn Siêu, thậm chí có thể nghĩ rằng đó cũng chính là bút tích của ông.

(Hình bài thơ trên đình Trấn Ba)

Vậy vì sao bài thơ in trong Anh Ngôn Thi Tập, hai câu cuối lại có sai khác như vậy? Tất nhiên là vì bài thơ đã được sửa chữa. Nhưng ai làm việc ấy? Sở dĩ tôi đặt vấn đề như vậy, vì tập thơ không được in khi Nguyễn Siêu còn sống, mà lại được in sau khi ông qua đời khá lâu, do các học trò thu thập trước tác của ông in lại. Mà như lời tiểu dẫn do Vũ Nhự  - học trò của ông, viết năm Tự Đức 35 (1882) là: “Hơn mười năm sau khi thầy mất, học trò chúng tôi mới cùng nhau lo việc khắc in tác phẩm của thầy. In được Tùy bút lục 6 quyển, Địa chí 5 quyển, Văn tập 5 quyển, Thi tập 4 quyển …” Đó chính là điểm khó cho chúng ta xác quyết ai đã sửa hai câu thơ trên. Việc biên chép thu thập thơ văn từ xưa đến nay đều không thể tránh khỏi việc vô tình hay cố ý sửa chữa lại một vài chữ. Vì vậy không thể loại trừ khả năng học trò đã sửa lại thơ của Nguyễn Siêu. Nhưng, việc một tác giả sau khi làm thơ rồi, lại suy nghĩ và tự sửa chữa lại thì cũng không hề ít hơn. Khắp cổ kim đông tây đều có rất nhiều, nên mới có thành ngữ “thôi xao” để nói chuyện dụng tâm cân nhắc câu chữ sửa thơ. Vả chăng, hai câu thơ có 10 chữ mà sửa tới 4, trong khi “bản gốc” của thầy vẫn còn nguyên ở đình Trấn Ba kia, thì dẫu thơ có ra sao, cũng không học trò nào dám sửa. (Một minh chứng ngẫu nhiên lý thú là: trong bản sách lưu tại Thư viện quốc gia người đọc trước đây khả năng cũng đã nghe/xem/biết về bài thơ ở đình Trấn Ba rồi chăng, nên đã sửa lại bằng mực son một chữ Nghênh vào cạnh chữ Xuân (xem ảnh). Tuy nhiên, chỉ sửa một chữ này.) Vì vậy, theo thiển ý, tôi cho rằng: chính Nguyễn Siêu đã sửa lại hai câu thơ này của mình trong di cảo để lại. Nhưng bài thơ trên đình Trấn Ba vì được dựng lên rồi nên không thể sửa lại nữa, đành để nguyên như vậy. Có lẽ đó chính là bài thơ mà ông đã ngẫu hứng (đúng như tiêu đề “Ngẫu đắc” của nó) viết ngay trong quá trình xây dựng công trình và đề luôn tại chỗ mà chưa dụng công nhuận sắc kỹ lưỡng. Song cũng chính nhờ đó, mà ta thêm hiểu rõ về nội dung hai câu đầu của bài thơ: “Nhất thủy trung phù địa” chính là nói về đảo Ngọc (Ngọc Sơn) và “Trường lưu đảo tải thiên” chính là mặt nước hồ Gươm, chứ không phải một cù lao trên một dòng sông nào khác. Hơn nữa hình ảnh “con thuyền đưa khách” chính là tình hình thực tế khi ấy, lúc mà cầu Thê Húc còn chưa được xây dựng xong xuôi.

(Bài thơ "Lâu thượng ngẫu
đắc nhị tuyệt" in trong
Anh Ngôn Thi Tập)

Bây giờ ta hãy đọc kỹ lại hai câu thơ để xem trước và sau khi được Phương Đình sửa chữa, để thấy chúng khác nhau thế nào. Câu thơ trước, trên đình Trấn Ba: 

“Biên chu nghênh tống khách; Nhật ngọ túc hoa biên”

(Chiếc thuyền con đưa đón khách; Buổi trưa nằm nghỉ bên hoa).

Câu thơ sau khi sửa, in trong Anh Ngôn Thi Tập:

“NGƯ chu XUÂN tống khách; HỒI TRẠO túc hoa biên.”

(Thuyền câu, mùa xuân tiễn khách; Quay chèo trở về đậu ngủ bên hoa.) 

Hình ảnh chủ đạo cũng là ấn tượng nhất của hai câu thơ trước và sau đều là hình ảnh chiếc thuyền đậu ngủ bên hoa, một hình ảnh đẹp khép lại bài thơ nhỏ này. Xét về cơ bản thì tứ thơ không khác nhau bao nhiêu. Nhưng đọc kỹ ta có thể thấy, hai câu thơ sau khi được sửa chữa giàu hình ảnh hơn rất nhiều. Nếu như câu thơ trước cho ta thấy hình ảnh “chiếc thuyền con đưa, đón khách”, thì câu thơ sau, đó là “chiếc thuyền câu”, vào một ngày “mùa xuân” “tiễn khách” rời đi. Nếu như chiếc thuyền con đưa, đón khách, khiến chúng ta có cảm giác như đó là công việc thường xuyên của nó, và nó, tuy nhỏ, nhưng là chiếc thuyền chuyên làm công việc ấy. Thì câu thơ sau lại cho thấy đó là một cảnh riêng có duy nhất: chiếc thuyền ở đây là thuyền câu, chứ không phải là thuyền đưa đón khách, nhưng việc của nó lúc này được dùng vào việc đưa tiễn người khách rời đi, và về thời gian thì cụ thể hơn: đó là vào một ngày xuân. Chính vì nó chỉ làm công việc tiễn khách lần này thôi, nên sau khi tiễn khách rồi, nó quay chèo trở lại (hồi trạo), và nghé đậu lại liền “bên hoa”, mà không cứ rằng phải là giờ “giữa buổi trưa” như những con thuyền chuyên làm việc đưa đón khách khác.

Con thuyền chuyên đưa đón khách dẫu có “cảm tình” với người khách thế nào, thì cũng không thể bằng “tình cảm” của con thuyền câu đối với người khách duy nhất của nó. Tất nhiên ấy là nói thay cho người chủ thuyền. Có thể nói, hình ảnh “chiếc thuyền đưa đón khách, buổi trưa đậu lại” là một “hằng cảnh” (cảnh thường có), còn hình ảnh “chiếc thuyền câu tiễn khách, quay chèo về đậu lại” lại là một “biệt cảnh” (cảnh cá biệt, riêng có). Hằng cảnh cũng có nét đẹp của hằng cảnh, nhưng trong trường hợp này thì biệt cảnh mới là hình ảnh đặc sắc, bất chợt, mà phải có một con mắt, một tâm hồn tinh tế mới nhận ra.

Bây giờ, xin lại nói lại về chữ “xuân”. Một chữ tưởng chừng như chỉ là để bổ vào khi không có chữ “nghênh” nữa, nhưng theo tôi, đó thực sự là một dụng tâm tinh tế của Nguyễn Siêu. Chữ “xuân” ở câu này có thể nói chính là “nhân” cho chữ “hoa” ở câu tiếp theo. Mùa xuân và hoa, xưa nay đã như một cặp bài trùng, dẫu trong thi văn hay thực tế. Chính vì khi ấy là mùa xuân, nên con thuyền mới sẵn có hoa mà ghé đậu. Và người khách kia hẳn cũng là khách chơi xuân, thưởng hoa không còn nghi ngờ gì nữa. Mùa xuân và hoa, tiễn khách và quay chèo, hai câu thơ sau khi sửa chẳng những có lớp lang, hợp logic mà còn có hiệu quả hô ứng đặc biệt

Việc làm thơ, rồi lại tự mình sửa thơ xưa và cả nay đều có và vẫn luôn tồn tại. Nhưng phần nhiều nó chỉ được kể trong các tập thi thoại, giai thoại văn chương. Có thể nói tư liệu hình ảnh và văn bản chính xác về bài thơ “Lâu thượng ngẫu đắc” của Nguyễn Siêu này là một ví dụ cụ thể trực quan nhất cho chúng ta thấy công việc mài giũa (trác ma) câu từ trong sáng tác của một nhà thơ từng được tôn xưng là “Thần” (Thần Siêu) ấy. Và quả tình phải công nhận rằng, sau khi sửa lại 4 chữ trong hai câu thơ của một bài thơ 4 câu, 20 chữ, thì ý cảnh, tình tứ của bài thơ đã hoàn toàn khác hẳn.

Tiếc rằng, hiện chưa tìm được ảnh cũ chụp mặt khác của đình Trấn Ba xưa, nên không biết ở những mặt ấy, có bài “Lâu thượng ngẫu đắc” thứ hai, hay những bài thơ nào khác của Phương Đình hay không? Nhưng chỉ qua một bài thơ nhỏ này cũng cho ta thấy tài năng và tâm huyết đối với mỗi câu thơ nhỏ của bậc thầy văn chương Phương Đình – Nguyễn Siêu. 

                                                                                                                          Châu Hải Đường

                                                                                                                                 (10-7-2021)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét