Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

Phi Lai Thảo Thụ

 

Rằm tháng Tám năm ngoái, tôi nhận được cuốn sách mới của nhà văn Phùng Ký Tài gửi tặng – cuốn “Thế giới Thư phòng”, đọc cuốn sách ấy quả là như được nhà văn mời vào chơi trong thư phòng của mình, được ông kể cho nghe những mẩu chuyện về rất nhiều kỷ vật trong thư phòng của mình (tất nhiên còn rất nhiều “văn phòng chi bảo” khác mà ông chưa kể hết). Nhưng, trong số những câu chuyện ông kể trong cuốn sách, có cả những thứ chẳng phải vốn ở trong văn phòng. Tôi nhớ mãi câu chuyện “Phi Lai Thụ” trong cuốn sách ấy. Trong câu chuyện, Phùng Ký Tài kể: trong bồn cây đã chết ngoài cửa sổ của ông chợt một hôm lại thấy có một cái cây nhỏ xanh tươi mọc lên. Nhà văn không biết đó là cây gì, sau hỏi mọi người, mới biết đó là một cây du: hạt (quả) cây du đã theo gió bay vào bồn đất cũ ấy, nhờ nước mưa, sương đêm, nảy mầm và mọc lên. Ông đã rất vui khi thấy trên mái nhà mọc cây xanh. Rồi đó, vì nhiều công việc bận, không thường ở thư phòng, lắm lúc vài ngày không tưới nước cho nó, khiến cây du nhỏ khi khô lúc héo, thế nhưng nó vẫn lớn dần lên càng ngày càng cao, khiến ông lo rằng không biết nó cao nữa thì thế nào? Cuối cùng ông đã nhờ người chuyển nó đến học viện của mình, trồng xuống đất bên một khối đá. Và cái cây đã được nước được gió, phát triển nhanh chóng, tỏa bóng mát xanh thành một cảnh trí của học viện. “Có người hỏi gọi nó là gì, tôi nghĩ lại thân thế của cái cây: là một trái du khô nhờ gió thổi bây tới, bèn cười bảo: “Gọi nó là Phi Lai Thụ (cây bay tới) đi!”

Đọc câu chuyện, tôi thấy cây du ấy quả thực may mắn. Và chợt nhớ lại chính bản thân tôi cũng từng chẳng phải chỉ một lần có những “Phi Lai Thụ” của mình. Khoảng năm 1996, 1997 khi vừa tốt nghiệp đại học, tôi về Hải Phòng làm việc. Nhà tôi ở trên tầng ba của khu tập thể Kim khí trên đường Máy Tơ. Trên “chuồng cọp” phía sau nhà, tôi cũng trồng mấy chậu cây cảnh. Bỗng một hôm trên chậu hoa loa kèn (bây giờ người ta hay gọi là huệ tây, chứ khi ấy chỉ gọi chung cả là hoa loa kèn) có một cái cây nhỏ mọc lên. Tôi là người thích cây cối từ nhỏ, thậm chí từ khi còn bé tôi chỉ cần nhìn cây non mới nảy mầm cũng biết đó là cây gì, vì vậy tôi nhận ra ngay nó là một cây hoa sữa. Trên quãng phố dưới khu tập thể nhà tôi có mấy cây hoa sữa lớn. Quả cây sữa sau khi già, khô, sẽ tách ra và những cái hạt nhỏ có lông tơ nhẹ sẽ theo gió bay khắp nơi. Đây chắc hẳn là hạt khô của nó bay lên đến bồn đất nhà tôi mà mọc lên. Đến khi cái cây lớn thêm một chút, thì tôi nghĩ chắc phải đưa nó xuống trồng dưới đất mới ổn. Nhân một lần về quê, tôi bèn đem nó về theo, và trước mắt trồng trong vườn nhà, rồi đợi có dịp sẽ trồng ở mé đường nào đó vừa làm bóng mát, vừa để hoa nở thơm xóm thơm làng – bấy giờ ở làng quê tôi chưa có cây hoa sữa ở đâu cả, trồng một cây cũng tốt. Tôi trồng trong vườn được ít lâu thì ông nội tôi đem nó ra trồng trước sân nhà thờ họ, định để cho có bóng mát mà hoa nở cũng thơm cả làng. Tôi vui mừng lắm, được trồng ở đó thì còn gì bằng.

Bẵng đi ít lâu, một bận tôi về quê chợt nghe ông tôi bảo: “Hôm trước, anh T làm dự án trồng cây trang trí ở khu di tích Trạng Trình, có nói cây hoa sữa trồng ở sân nhà thờ họ, ít nữa lớn lên hoa nó nở thì cả xóm chịu không nổi mùi hương, thôi để đem xuống trồng trong khu di tích cụ Trạng.” Tôi nghe xong, chợt bâng khuâng nửa buồn nửa vui. Cây hoa sữa ấy được trồng vào trong khu di tích thì cũng tốt quá, nhưng từ nay tôi sẽ mất “liên lạc” với nó rồi. Bởi làm sao biết cây hoa sữa nào trong khu ấy là “Phi Lai Thụ” của tôi nữa?

("Phi Lai Thảo" - Rau Mương)

Rồi tôi cũng thay đổi công việc, chuyển nhà nhiều nơi khác nhau nữa. Nhưng vốn thích cây cỏ, nên không đi đâu tôi không thể trồng được một vài cái cây, dẫu lớn hay nhỏ. Rồi lại một lần nữa có một cây hoa sữa “phi lai” bồn cây nhỏ của tôi. Tiếc rằng tôi đã cố giữ cây hoa sữa ấy mãi, đến khá lớn rồi, nhưng sau cũng không thể tìm một chỗ tốt đẹp cho nó. Quả thực là buồn khi những cái cây còn đang tràn trề sức sống nhưng lại không thể sống tiếp được. Vì thế với mỗi cái hạt tôi đều muốn nó có thể nảy mầm, với mỗi cái cây tôi đều muốn nó có thể có nơi đi về tốt đẹp, có thể lớn lên xanh tốt hết mình. Một cây quất, hay cây đào ngày tết cũng vậy – Vì thế nhiều khi biết không thể “cưu mang”, nên ngày Tết tôi chỉ mua cành đào, hết tết bỏ cũng không “áy náy lương tâm”.

Gần đây, trong chậu lan mạc xuân lại chợt có một cái cây nhỏ mọc lên, nhìn quen quá, mà chưa nghĩ ra là cây gì. Mấy hôm sau “trí nhớ xưa cũ” của tôi mới nhợt à lên nhận ra đó chính là cây Rau Mương – một loại cây dại mọc hoang thôi, nhưng nghe đâu nó là loại cây có thể làm thuốc chữa dạ dày, mà tôi từng thấy có bạn FB nào đó từng hỏi thăm tìm kiếm không ra. Chợt nhớ lại, hồi mấy nhóc nhà tôi còn bé, mỗi khi bị sốt tôi hay đi ra ngoài đường tìm những cây nhọ nồi mọc hoang hái ít ngọn về giã nát, buộc vào cổ tay để giảm sốt. Khi ấy, có khi đêm tối lang thang mãi mà không tìm được một cây nào. Mỗi khi bắt gặp bên một lối đi hoang vắng có mấy cây nhọ nồi xanh tươi mọc lên lại thấy mừng như bắt được của. Bèn đem cây rau mương trồng vào một chậu đất cũ hiện không trồng cây gì. Chậu đất ấy có thể cho nó đủ sống trọn đời. Và biết đâu, vào một lúc nào đó, nếu có một người nào đó chợt cần đến nó, thì tôi sẽ xin trao lại cái cây ấy để người cần đến có thể tiếp tục chăm sóc nó.

Tuy nhiên, nếu gọi với cái tên Phi Lai thì chắc cây Rau mương này phải gọi là “Phi Lai Thảo” chứ chắc không thể gọi là “Phi Lai Thụ” được nhỉ. Chợt nghĩ, không biết có cái hội “Cứu Hộ Cây Cỏ” như cứu hộ chó, mèo không? Lại chẳng biết liệu có người nào muốn cứu hộ những cái cây “Phi Lai thảo thụ” như mình không nhỉ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét