Có người tên là Đàm Cửu mở một cửa hàng hoa ở kinh thành. Một
bận, Đàm vâng lệnh cha mẹ đến Yên Giao thăm họ hàng, lúc cưỡi lừa ra cửa thì trời
đã về chiều. Trên đường đi, Đàm thấy một bà già, áo quần lam lũ, nhưng lại
cưỡi một con ngựa trán trắng, yên cương rất hoa lệ, đi sát theo sau chàng, hỏi:
“Chàng trai trẻ định đi đâu?” Đàm Cửu nói cho bà ta biết chỗ mình muốn tới, bà
già nói: “Từ đây đến Yên Giao còn mấy chục dặm nữa, trên đường đi lại có rất
nhiều hồ đầm, chẳng dễ dàng gì. Cậu không nghe thấy ư, gió đã đưa tiếng chuông
từ trong thành vẳng lại, tối muộn lắm rồi. Đồng không mông quạnh thế này, dám bảo
không gặp phải kẻ xấu ư? Lều cỏ nhà ta ở ngay gần đây, sao không đến đấy ở tạm
một đêm, rồi ngày mai đi sớm cũng chẳng lo gì.” Đàm vốn trong bụng đã hơi sợ,
nghe được lời bà già, thì vô cùng cảm kích. Bà già ấy bèn cưỡi ngựa đi trước dẫn
đường về nhà mình.
Men theo con đường nhỏ hoang vu, đi độ hơn
hai dặm đường, thì thấp thoáng trông thấy trong lùm cây có ánh đèn. Bà già cầm
roi ngựa, trỏ bảo: “Đến kia rồi!” Hai người cùng ra roi chạy tới, thì thấy có
hai gian nhà thấp, tường đất cao đến vai. Bà già xuống ngựa mở cửa, mời khách
vào nhà. Chỉ thấy trong nhà trống không, chẳng có đồ vật gì, chỉ có một ngọn đèn
treo trên vách, một thiếu phụ trẻ đang nằm trên lò sưởi cho con bú. Bà già gọi
bảo: “Có khách đến đấy, con mau dậy đi!” Thiếu phụ chậm rãi ngồi dậy, sửa lại
mái tóc, khiến đứa trẻ cất tiếng khóc oa oa. Bà già bèn lấy từ trong tay áo ra
một cái bánh nướng đưa cho đứa bé, nó mới nín không khóc nữa. Đàm Cửu nhìn nàng
thiếu phụ ước độ hai mươi tuổi, ngấn lệ còn đầy trên mặt, thần sắc vô cùng thê
thảm. Bà già nói: “Con dậy đun trà, ta đưa con ngựa đi một lát sẽ về ngay.” Nói
xong, liền ra dắt ngựa đi. Thiếu phụ bẻ cành củi đến bên đèn châm lửa, rồi đi
đun trà. Chỉ thấy cô ta mặc chiếc áo ngắn vải điều, váy vải xanh, và đôi tất
chân vải chàm, chân đi đôi hài đỏ gót cao đã rách đế, trông rất tàn tệ, để lộ cả
một cánh tay, một bên bắp chân và hai gót. Đàm Cửu còn ít tuổi, ăn nói ngập ngọng,
không dám hỏi han, chỉ thấy thương cảm trong lòng. Một lát, bà già trở về, nói:
“Tôi đi trả ngựa, khiến cho cậu phải ngồi một mình. Bên kia người ta nghe thấy
nói có khách đến, cũng muốn chiêu đãi. Tôi từ chối rằng, đêm đã muộn quá rồi,
người ta nhờ tôi ngỏ ý tới cậu.” Đàm Cửu liên mồm cảm tạ. Bà lão nói: “Đi lại
đã nửa ngày, chắc hẳn cậu khách cũng đói lắm rồi. Con chuẩn bị cơm nước đi, ta
ra cho con lừa ăn một chút.” Đàm nói: “Làm phiền các vị thế này, vãn bối làm
sao đành dạ? Đồ ăn cho lừa thế nào, đến khi đi nhất định xin được gửi trả chút
đỉnh.” Bà già xua tay bảo: “Không cần nói năng khách sáo thế, đồ ăn cho lừa thì
đáng bao nhiêu?”
Cho lừa ăn xong, thì thiếu phụ bưng cơm nước
lên. Bát sành niêu đất vô cùng thô lậu, lại bẻ cành rào để làm đũa, lấy chậu
thau thay bình rượu. Món nhắm đều là cá thịt, nhưng nguội, mùi vị không ngon.
Bà già đưa đèn lại gần, mời Đàm uống rượu, Đàm chối rằng không biết uống, bèn
ăn cơm luôn. Cơm cũng nguội lạnh, Đàm chỉ gắng gượng ăn lấy một bát, rồi thiếu
phụ bưng mâm bát đi. Mọi người cùng ngồi trò chuyện, thiếu phụ ngồi sát bên đèn
bắt chấy cho con. Đàm Cửu nói: “Nghe giọng lão bà nói, dường như không phải người
kinh thành. Nương tử thì lại ăn mặc theo lối người Mãn, dám hỏi các vị là người
ở đâu?” Bà già nói: “Đúng như lời cậu nói, nhà tôi vốn là họ Hầu ở Phượng
Dương. Vì gặp năm đói kém mất mùa, nên mới lưu lạc đến kinh thành, may thuê vá
mướn, cố gắng kiếm ăn qua ngày. Sau mới lấy Hác Tứ, là người thôn này, đã gần
ba mươi năm rồi, ông ấy cũng đã già lão rồi. Tôi sinh hạ được một trai một gái.
Con gái đã gả cho người ta, còn con trai thì làm thợ gạch, ở trong thành. Ông
lão vì tuổi cao sức yếu, làm công cho một quán rượu ngoài làng, bưng rượu rửa
bát cho người ta. Ngày mai cậu đi qua chỗ ấy, nếu trông thấy một ông già râu bạc,
mặt đầy nếp nhăn nheo, sau tai có một cái bướu to bằng quả trứng gà, thì chính
là ông lão nhà tôi đấy. Đứa con dâu họ Dư, vốn là tỳ nữ nhà người ta. Chủ cũ của
nó là Ba tham lĩnh, đã về hưu từ lâu, đứa con trai nhỏ đã tập ấm chức ấy. Chính
là nhà mà tôi mượn ngựa khi nãy đấy.” Đàm nói: “Xem ra nhà bà lão cũng thanh bần,
làm sao phải đem cơm rượu thịnh soạn như thế mà đãi khách chứ?’ Bà già cười
nói: “Cậu bỗng nhiên đến lều cỏ làm khách, chúng tôi trong khi vội vàng đâu có
thể phút chốc chuẩn bị được tiệc rượu chu đáo như thế? Cũng may là vừa vặn gặp
tiết Trung nguyên, chúng tôi theo lệ được chia một phần rượu thịt đồ tế lễ còn
dư của nhà Ba tham lĩnh. Chúng tôi đang lấy làm hổ thẹn vì lỗi mình, đâu dám
nói là tiếp đãi thịnh soạn chứ?”
Đàm Cửu ngồi lâu, cảm thấy mệt mỏi, lại
không tiện đòi hỏi chỗ ngủ, bèn lấy ống điếu ra, lại gần bên đèn châm hút. Thiếu
phụ ấy cứ đưa mắt ngó cậu mãi, lộ vẻ muốn được hút thuốc. Bà già nhận ra ý của
cô ta, bèn đập đập tay nói: “Con dâu tôi nó thèm thuốc, cũng muốn xin hút,
không biết cậu có cho nó được thỏa cơn thèm một bận không?” Đàm đưa túi thuốc
cho cô ta. Bà già nói: “Gần đây túng quẫn, đã nửa năm không được trông thấy thứ
này rồi, lấy đâu ra điếu đóm chứ?” Đàm cửu bèn đưa tẩu cùng đồ hút, tất tật cho
cô ta. Người con dâu hút thuốc vẻ rất ngon lành, đôi mày đang chau dúm lại nhất
thời thư giãn đê mê. Bà già trông thấy, gật đầu nói: “Lão tôi sống trên đời đã
hơn sáu chục năm, không biết mùi vị hút thuốc nó ra sao, thực sự không hiểu nổi
người nghiện thuốc làm sao lại thèm thuốc đến thế.” Đàm Cửu nói: “Tôi cũng
không hiểu thế nào, nhưng đã không biết hút thì thôi, chứ biết hút rồi thì một
khắc cũng không rời được. Thà rằng không có cơm ăn, chứ không thể không có thuốc
hút.” Bà già bật cười khanh khách. Đàm nói: “Cô đã nghiện thuốc thế này, thì
sau tôi nhất định sẽ mua một bộ tẩu hút cùng thuốc lá đến biếu cô.” Bà già gật
gật đầu mà cảm tạ.
Đàm Cửu ra ngoài đi tiểu, thì trông thấy dải
ngân hà đã ngả về phía trời tây, vầng trăng lặn thấp qua vòm lá, ước độ canh
tư. Bà già trong nhà nói to bảo: “Cậu khách thỉnh thoảng lại ngáp, nên để cậu ấy
đi ngủ thôi.” Đàm ứng thanh đáp: “Vẫn còn ngồi chơi được lúc nữa.” Bà già nói:
“Chớ nên miễn cưỡng ngồi cố, ngày mai còn phải đi đường. Tôi còn có một việc
xin giúp, mong cậu lưu tâm cho.” Đàm hỏi: “Có việc gì vậy?” Bà già buồn bã nói:
“Ngày mai cậu đi qua quán rượu, nếu như trông thấy ông lão nhà tôi, thì phiền cậu
nói giúp một câu, giục ông ấy mau mau chuyển cho mấy quan tiền. Cậu chỉ việc
nói, trong nhà đồ ăn thức dùng đã cạn cả rồi.” Đàm Cửu nói: “Nhất định tôi sẽ hết
sức bảo giúp.” Bà già lại đỏ mặt, ngượng bảo: “Trong nhà nghèo túng, không có một
cái giường chăn chiếu tử tế, tối nay, phiền cậu phải vất vả rồi!” Đàm Cửu nói:
“Chỉ dám nhờ một khoảnh đất, ngủ nhờ qua một đêm yên ổn, đã là đội ơn bà lão hậu
tặng lắm rồi, đâu dám mong muốn gì thêm nữa?” Nói rồi bèn ai nấy đi nằm.
Đàm mệt mỏi vô cùng, vừa ngả lưng liền ngủ
say như chết. Sau nằm mơ chợt tỉnh, thấy tiếng côn trùng kêu rả rích bên tai,
ánh đom đóm lập lòe trước mắt. Đàm lập tức giật mình ngồi bật dậy, hóa ra là
mình đang nằm ngủ dưới gốc thông, sương thu đã thấm ướt cả áo sống, lạnh thấu tận
xương, con lừa đang được buộc dưới gốc cây, thỏa thuê ăn cỏ. Không thấy có nhà
cỏ đâu, bà già cùng người con dâu cũng đều không thấy bóng dáng đâu nữa. Chỉ thấy
có ngôi mộ cũ sạt lở, sụt xuống trong đám cỏ gai. Đàm Cửu không ngăn được tóc
gáy dựng ngược, vội vàng kéo con lừa nhảy lên lưng, tắc tắc chạy miết.
Chạy được độ dăm ba dặm đường, chân trời dần
hé ánh mai, Đàm mới hơi bình tâm trở lại. Đến Yên Giao, làm xong việc rồi, lại
men theo lối cũ mà về, đến một quán rượu nhỏ thì tạm dừng lại nghỉ chân. Bỗng
nhiên Đàm trông thấy một ông lão đang rửa bát, rất giống như người mà bà già họ
Hầu đã mô tả, bèn tiến lại hỏi thăm, quả nhiên chính là Hác Tứ, thì trong lòng
vô cùng kinh ngạc. Đàm bèn kéo Hác Tứ vào một chỗ vắng, kể lại chuyện mình gặp
được đêm qua cho nghe. Hác Tứ rỏ nước mắt nói: “Đúng như cậu nói, đó chính là
người vợ đã mất, đứa con dâu và cháu nội của tôi. Bà lão qua đời đã hai năm, đứa
con dâu thì mất vì đẻ khó, cùng cháu nội đều chết cả một đêm. Ai ngờ ở dưới cửu
tuyền lại cùng cư trú một chỗ chứ?” Đàm Cửu cũng rất thương cảm, lại hỏi: “Ba
tham lĩnh là người thế nào?” Hác Tứ nói: “Đó là phụ thân của viên tá lĩnh ở kỳ
nọ, đã mất hơn chục năm rồi. Chỗ trồng nhiều cây lớn ở phía bắc, chính là phần
mộ của ông ấy. Đứa con dâu đã mất của tôi chính là nữ tỳ nhà ông ấy. Vợ chồng
chúng tôi vốn là người trông nom phần mộ cho Ba tham lĩnh. Năm ngoái mưa tuyết
lớn, chỗ ở bị đổ sập cả, quan tá lĩnh chưa có tiền sửa sang lại, từ đó tôi
không có chỗ dung thân, cho nên mới đến đây làm công, láo nháo sống qua ngày.
Hôm qua là tết Trung nguyên, rằm tháng bảy, tá lĩnh đến thăm mộ, lại đốt thuyền
giấy, ngựa giấy. Chỉ không biết bà nhà tôi mượn con ngựa để đi đâu, làm gì.”
Đàm Cửu cảm khái than thở hồi lâu, bèn mở túi lấy ra năm trăm đồng tặng cho Hác
Tứ, bảo ông ấy mua lấy một ít tiền giấy, áo mã, chớ để cho âm hồn dưới địa phủ
phải chịu đói chịu rét. Hác Tứ khóc mà bái tạ. Đàm Cửu về nhà rồi, không muốn
thất tín với ma, liền sắm ngay hai bộ đồ hút thuốc bằng giấy, một gói thuốc, rồi
quay trở lại chỗ ngôi mộ cũ, khấn khứa một hồi, mà phần hóa. Lại tìm đến chỗ mộ
của Ba tham lĩnh, quả nhiên là ở cách mấy chục bước về phía bắc, tùng bách rậm
rạp um tùm, lại có cả một tấm bia mới, chữ khắc trên bia vẫn còn nhận rõ được cả./.
(Trích "Dạ Đàm Tùy Lục" của Hòa Bang Ngạch)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét