(Mộng Khê Bút Đàm của Thẩm Quát - học giả đời Tống gồm hơn 20 cuốn là một bộ tùy bút, trong đó Thẩm Quát viết về khá nhiều lĩnh vực từ văn hóa nghệ thuật đến khoa học, y học ... Quyển 17 chuyên viết về Thư Họa. CHĐ xin dịch một đoạn đầu quyển 17 này để các bạn xem chơi! - CHĐ)
Người thâu tàng thư hoạ, phần lớn ưa theo danh tiếng. Ngẫu nhiên nghe thấy bảo là bút tích của các nhà: Chung, Vương, Cố, Lục thì tranh nhau mua, đó gọi là “nhĩ giám” (giám thưởng bằng tai) vậy. Lại có kẻ xem tranh mà lấy tay sờ vào, truyền nhau là màu sắc không dính ngón tay là bức vẽ hay, cái này so với “nhĩ giám” lại còn kém hơn nữa, gọi là “gõ xương nghe tiếng”.
Ông Âu Dương có một bức tranh cổ, vẽ một khóm mẫu đơn, phía dưới lại vẽ một con mèo, nhưng chưa thấy hết sự tinh thô trong đó. Quan thừa tướng là ông Ngô Chính Túc vốn là tình thông gia với ông Âu Dương, trông thấy bức tranh liền bảo: “Đây là bức vẽ hoa mẫu đơn vào đúng giữa trưa đây. Làm sao mà biết thế? Hoa nở hết độ mà sắc khô, đó là mẫu đơn khi mặt trời đứng bóng. Mắt con mèo lòng đen thành một sợi chỉ, đó là mắt con mèo lúc chính ngọ. Nếu hoa có sương thì cánh cụp mà sắc nhuận. Mắt mèo sáng và chiều thì lòng đen hình tròn, mặt trời lên cao thì nó nhỏ hẹp lại, chính ngọ thì mảnh như sợi chỉ vậy.” Đó cũng là người giỏi hiểu rõ tâm ý cổ nhân vậy.
Bức bích hoạ cũ ở chùa Tướng Quốc, là do Cao Ích vẽ. Trên đó vẽ cảnh các nhạc công đang chơi nhạc, rất là thú vị. Người ta phần lớn cho rằng bức vẽ có chỗ sai là vẽ người chơi đàn tỳ bà đang gảy ở dây dưới, trong khi các tay chơi sáo lại đang chơi ở chữ thứ tư. ở chữ thứ tư, tỳ bà phải ở dây trên, ở đây lại gảy mà che dây dưới, đó là lầm vậy. Ta cho là không có chuyện lầm. Thổi sáo nhấc ngón tay thì mới có tiếng, gảy tỳ bà thì ngón tay đi qua mới có tiếng, ở đây tay che trên dây dưới, tức là tiếng ở dây trên vậy. Cao Ích, vẽ được như vậy, thực có thể biết đã dụng tâm đến thế nào.
Cái tuyệt diệu của thư hoạ, phải lấy tinh thần mà cảm nhận, chứ không thể lấy hình khí mà cầu được. Những người xem tranh ở đời này, phần lớn mới có thể chỉ ra những hình tượng, vị trí, màu sắc tỳ vết mà thôi, còn đến những dụng tâm nghĩa lý sâu xa trong đó, ít có người thấy được. Ông Ngạn Viễn trong “Hoạ Bình” nói: Vương Duy vẽ vật, thường phần nhiều không để tâm đến chuyện bốn mùa, như khi vẽ hoa thường vẽ cả đào, hạnh, phù dung, hoa sen vào cùng một cảnh. Nhà ta có giữ bức tranh “Viên An ngoạ tuyết” của Vương Ma Cật (Vương Duy), có vẽ cây chuối trong tuyết, đó là sự đắc tâm ứng thủ, ý đáo tiện thành, tự nhiên nhập thần mà đắc thiên ý, chuyện đó khó mà nói với những kẻ tục nhân được.
Tạ Hách nói: “Tranh của Vệ Hiệp, tuy hình chưa đủ cái thần diệu, nhưng lại có khí vận, vượt khỏi quần hùng, khoáng đại tuyệt bút.” Lại như bài thơ “Bàn Xa Đồ” của Âu Văn Trung viết: “Cổ hoạ hoạ ý bất hoạ hình; Mai thi vịnh vật vô ẩn tình. Vong hình đắc ý tri giả quả; Bất nhược kiến thi như kiến hoạ.” (Tranh xưa họa ý mà không họa hình; Thơ Mai thi vịnh vật mà không ẩn dấu tình cảm gì sau đó cả. Người biết quên hình được ý thực ít ỏi; Nếu không thế thì đã thấy thơ cũng như thấy tranh rồi). Đó thực là biết về tranh vậy.
Vương Trọng Chí xem tranh ở nhà ta, rất thích bức tranh “Hoàng Mai Xuất Sơn Đồ” của Vương Duy, bức tranh vẽ hai người là Hoàng Mai và Tào Khê, khí vận rất thần kỳ, đều giống như hệt. Đọc sự tích hai người, lại xem tranh vẽ, có thể tưởng như thấy người thật vậy.
Sách “Quốc Sử Bổ” chép: “Có người đem bức tranh “Án Nhạc Đồ” cho Vương Duy xem, Duy bảo: “Đây vẽ khúc Nghê Thường ở vào phách thứ nhất, lớp thứ ba đây mà!” Người khách chưa cho là thật, cho dàn nhạc tấu khúc ấy, quả nhiên như vậy, khi ấy mới tin.” Đây đúng là chuyện của những kẻ hiếu kỳ dựng lên. Phàm vẽ cảnh tấu nhạc, chỉ vẽ được một tiếng, xong kim thạch quản huyền cùng dùng ở chữ thứ nhất, thì khúc nào mà chẳng có, há chỉ có phách thứ nhất, lớp thứ ba khúc Nghê Thường thôi sao? Hoặc có thể là phách trong nhịp múa hay cử động khác, có âm thanh đặc biệt để mà kiểm nghiệm chăng? Nhưng cũng không phải. Khúc Nghê Thường phàm có 13 lớp, 6 lớp trước không chia phách, đến lớp thứ 7 mới gọi là “điệp biến”, từ đây mới chia thành phách để mà múa. Cho nên Bạch Lạc Thiên (Cư Dị) có câu thơ: “Trung tự phách hoặc sơ nhập phách” (Lớp giữa réo rắt bắt đầu vào phách). “Trung tự” tức là chỉ lớp thứ 7 vậy, chứ lớp thứ ba làm gì có phách? Thế mà nói: “Phách thứ nhất lớp thứ ba”, thì có thể biết là bịa đặt rồi.
Lại có chuyện: có người xem bức tranh “Đàn Cầm Đồ” bảo: “Đây là tranh vẽ người đang chơI khúc “Quảng Lăng Tán” đây mà!” Chuyện này còn có thể tin được, bởi vì trong khúc Quảng Lăng Tán có một số thanh âm mà những khúc nhạc khác không có, kiểu như tiếng bát tiếng sái vậy.(…)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét