I. Từ chữ "Niết" đến cách hiểu câu cuối 1 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Cao:
Trong cuốn "Thơ văn Nguyễn Cao" tác giả GS Phan Văn Các sưu tầm, phiên dịch chú giải, do nhà xuất bản KHXH in năm 1992 có bài thơ: "Quá Kim Anh huyện Xuân Bảng xã vũ trung dữ Tán tương Đào niên huynh thoại đồn điền sự", như sau:
"Kim Anh mộng lý vãng lai tần;
Phong vũ kim triêu ấp lộ trần.
Thu thảo mãng tùng Xuân Bảng địa;
Mã sơn hình thế Tản Viên lân.
Thiên hoài ngô thổ đa tân kiến;
Thả hỉ điền mưu cộng cố nhân.
Thuỳ đạo thử phi đồ báo niệm;
Niết trung Vị thượng nhất kinh luân!"
Và chú thích rằng:
"Niết trung, Vị thượng: Niết là nước nhuộm đen. Vị là dòng sông nước trong nổi tiếng ở vùng Cam Túc, Thiểm Tây. Cả thành ngữ có nghĩa: trong bất cứ hoàn cảnh nào."
Cảm thấy chữ "Niết" 涅 ở câu này ý nghĩa khá mơ hồ, vả chăng nếu muốn nói đến "trong và đục" thì người xưa thường dùng chữ "Kinh Vị" (sông Kinh nước đục, sông Vị nước trong) chứ không dùng chữ Niết bao giờ. Rất may mắn cuối sách có in photo bản nguyên văn chữ Hán của bài thơ. Chữ trong văn bản gốc viết hành thư cũng không quá khó đọc, xem lại nguyên văn câu cuối thì tôi thấy chữ được phiên âm thành "Niết" trong sách không phải là chữ "Niết" 涅 mà là chữ "Hoàng"湟. Và tác giả đã nhầm nó thành chữ Niết. Câu cuối của bài thơ là: "Hoàng trung Vị thượng nhất kinh luân" (湟中渭上一经纶).
Vậy câu này nghĩa là gì?
Nếu bạn đọc nhiều thơ văn cổ, bằng cảm nhận của mình cũng có thể thấy ngay ở đây chắc chắn ẩn chứa một điển cố sâu xa nào đó và nó phải có sự liên quan đến chủ đề bài thơ. Đúng vậy, trong câu kết bài thơ này, Nguyễn Cao đã nhắc đến hai điển cố về Triệu Sung Quốc và Gia Cát Lượng, có liên quan chặt chẽ đến chuyện "thoại đồn điền sự" như đầu đề bài thơ.
Trước hết xin giải nghĩa chữ Hoàng: Hoàng là tên một con sông - sông Hoàng nằm ở tỉnh Thanh Hải - TQ. Hoàng Trung chỉ vùng đất nằm hai bên sông Hoàng.
Triệu Sung Quốc (137 - 52 trước CN) tên tự là Ông Tôn, là một nhà quân sự, danh tướng thời Tây Hán. Cuối thời Hán Vũ Đế, người Khương ở địa bàn Thanh Hải ngày nay thường xuyên quấy nhiễu. Khi ấy Triệu Sung Quốc được phái đánh dẹp. Đến bên sông Hoàng ông thiết lập trận địa vững vàng cố thủ để chống cự lại với quân Khương. Để đảm bảo lương thực cho quân lính, ông kiến nghị triều đình thực hiện việc "đồn điền ở Hoàng Trung", tức là quân lính sẽ tham gia cày cấy lấy lương ăn, với 12 điều lợi ích của việc đó, như: không làm nghề nông bị bỏ bễ, giảm chi phí vận chuyển, giảm lao dịch ... Chiến thuật ấy có tác dụng lớn, và được áp dụng mãi về sau này.
Còn Gia Cát Lượng thì mọi người biết quá rõ rồi, Gia Cát Lượng cũng đã ứng dụng phép "đồn điền" trong cuộc chiến tại Kỳ Sơn năm Kiến Hưng thứ 12, đánh nhau với Tư Mã Ý. Đó là lần cuối cùng Gia Cát lượng tiến hành bắc phạt. Quân Nguỵ do Tư Mã Ý chỉ huy cố thủ không ra đánh. Khổng Minh liền dùng chiến thuật "đồn điền" cho lính cùng ở với dân làm ruộng trên bãi sông Vị thuỷ và đã có khả năng chiến thắng nếu như ông không qua đời sau đó.
Lưu Khắc Trang đời Tống trong: "Thư sự tam tuyệt cú" (Ba bài tuyệt cú ghi lại chuyện) ghi lại một năm đói kém mất mùa dưới thời Tống, từng viết: "Thục tướng tích tằng canh Vị thượng; Hán gia kim hữu địch Hoàng trung" (Tướng nước Thục xưa từng cày ruộng trên bờ sông Vị, Nhà Hán đến nay vẫn thu được thóc ở Hoàng trung) nói về cả hai điển tích trên.
Như vậy câu thơ cuối của Nguyễn Cao có ý so sánh việc đồn điền của ông Đào với việc làm của Triệu Sung Quốc, Gia Cát Lượng, và đó đều là sự thể hiện của một tài năng kinh bang tế thế.
"Hoàng trung Vị thượng nhất kinh luân"
Nghĩa là: Cùng một tài kinh luân như người đồn điền ở Hoàng Trung, kẻ đồn điền trên bờ Vị vậy.
Vậy là từ việc đọc sai một chữ, đến việc không biết về điển cố, cũng như sự võ đoán đã làm bản dịch bị sai và mất hẳn ý tứ sâu xa của bài thơ.
II. Thiệu Ung Vương Tích đâu rồi; Để xem "hối quá" là người nào đây?
Cũng trong cuốn "Thơ văn Nguyễn Cao" của tác giả GS Phan Văn Các nói trên, có bài thơ "Tửu hậu hối quá" như sau:
"Nhất dạ hoan phùng tiện giác đa;
Ngôn ngôn tiếu tiếu hựu ca ca.
Hứng thâm vong khước nhân thuỳ ngã;
Tỉnh hậu hoàn giao hối thậm ma?
Vương tích vị ưng khan tận tuý;
Nghiêu thiên do thả ái vi đà.
Huống kim bán thị sơ diên hội;
Đồng cổ tri đương xuất nại hà?
(Bản dịch chi tiết xin mời xem trang sách kèm theo)
Tác giả PVC có chú thích về hai chữ "Vương tích" và "Nghiêu thiên" như sau:
(1) Vương tích: tích tức tích tượng. Vương tích là những dấu vết hay những điềm báo trước sự nghiệp của bậc vương giả.
(2) Nghiêu thiên: Trời Nghiêu, thời thịnh trị thanh bình.
Chữ "Nghiêu thiên" quả cũng thường nghe rồi, "Nghiêu thiên Thuấn nhật" chẳng hạn là nói những năm tháng thịnh trị như thời Nghiêu Thuấn. Nhưng thấy chữ "Vương tích" giả thích có vẻ thiếu thuyết phục, nhất là khi đem đối với "Nghiêu thiên", lật xem lại nguyên văn chữ Hán gốc thì hoá ra đúng là có vấn đề thật. Ngày xưa bà Hồ Xuân Hương có câu thơ: "Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc". Chữ "thiên" ở đây thì tôi thấy rõ là đã "nhô đầu dọc rồi. Lại nữa, chữ "tích" ở đây cũng không phải là tích = dấu vết, mà là tích = công trạng, thành tích.
Hai câu ấy phải đọc lại là:
Vương Tích vị ưng khan tận tuý;
Nghiêu Phu do thả ái vi đà.
Vương Tích ở đây là chỉ Vương Tích - nhà thơ thời sơ Đường. Vương Tích (585-644), tự Vô Công, hiệu Đông Cao tử, là em danh nho đời cuối Tuỳ là Vương Thông. Ông nổi tiếng ham rượu. Vì ham rượu nên không làm quan ở kinh mà xin đi xa để tiện uống. Thế mà vẫn bị đàn hặc phải về quê ẩn cư, Sau đến đời Đường Vũ Đức lại ra làm chức đãi chiếu, quan thị trung Trần Thúc Đạt biết tính ham rượu nên đặc biệt cấp cho mỗi ngày một đấu rượu, nên khi ấy người ta gọi là "Đấu tửu học sĩ". Sau bỏ quan về ở ẩn ở Đông Cao thường ví mình với Đào Tiềm, Nguyễn Tịch (cũng là những "cây" rượu).Chữ "khan tận tuý" còn có ý gợi đến câu thơ của Vương Tích trong bài "Quá tửu gia": "Nhãn khan nhân tận tuý; Hà nhẫn độc vi tinh!" (Mắt thấy mọi người say cả, Sao đành một mình mình tỉnh!)
Còn Nghiêu Phu tức Thiệu Ung - học giả nổi tiếng đời Tống. Thiệu Ung (1011-1077) tự Nghiêu Phu, thuỵ hiệu Khang Tiết, là nhà triết học, dịch học nổi tiếng. Là người tài cao hiểu rộng, nhưng ông không làm quan. Trong một bài "Tiểu Xa Ngâm" ông viết: "Tính hỉ ẩm tửu; Ẩm hỉ vi đà. Ẩm vị vi đà; Khẩu tiên ngâm nga."
Như vậy hai câu thơ của Nguyễn Cao có nhắc đến chuyện uống rượu của Vương Tích và Thiệu Ung (Thiệu Nghiêu Phu) với nghĩa như sau:
(Văn chương như) Vương Tích cũng không nên để mình say khướt như mọi người;
(Tài năng như) Nghiêu Phu cũng chỉ thích hơi lâng lâng thôi.
Vậy mà nó thành ra như trong sách các bác đã xem đó.
Ngoài ra đọc lại, thấy Tg PVC còn nhầm khi phiên âm chữ Khởi (dậy) phiên thành Hậu (sau) ở câu 4, tuy nhiên không gây sai lệch quá nhiều.
Mới hay, chữ Hán không viết hoa tên riêng thật là tai hại quá, khiến cho GS của chúng ta không nhận ra đó là tên của hai người đời xưa. Hay nói chính xác là mới nhậ được một nửa cái tên mà thôi.
Nhân đây, xin nói thêm về hai câu cuối bài thơ trên:
Hai câu này dùng điển cố trong Kinh thi - Tiểu nhã bài "Tân chi sơ diên", người dịch đã nhận ra điều đó, nhưng lại dịch không đúng ý tác giả.
Nguyên câu trong kinh Thi là: "Do tuý chi ngôn, Tì xuất đồng cổ". Đồng cổ nghĩa là con dê đực không sừng, chỉ chuyện vô lý không có thật. Ý kinh Thi nói: do say rượu mà nói ra những sự việc sai lầm không đúng.
Câu cuối của Nguyễn Cao không phải như PVC dịch là: "Dê con biết nên ra mắt như thế nào", mà là: "(Do say) Đã trót nói những chuyện không đúng, như "dê không sừng", giờ biết làm sao đây?"
...................
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét