Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

CHUYỆN MA Ở LÀNG

 Có lẽ một trong những thứ chuyện vừa hấp dẫn người ta đồng thời lại vừa khiến người ta sợ hãi, đó chính là chuyện ma. Ai cũng sợ ma nhưng vẫn thích nghe chuyện ma, đặc biệt là bọn trẻ con. Mỗi khi được nghe xong một câu chuyện ma, cả lũ chúng lại ngồi dúm sát lại với nhau, mắt tròn xoe, và sẵn sàng chui ngay vào chăn nếu có thể. Thế nhưng những khi đêm xuống, mưa rơi, bên ngọn đèn dầu nhỏ như hạt đỗ, hầu như đứa trẻ nào cũng muốn được người lớn, ông bà kể chuyện ma cho nghe.

Mà ở làng quê đến lắm là ma. Những chuyện ma dường như cứ qua mỗi khoảng thời gian lại dầy thêm lên vậy. Phải chăng vì khung cảnh tĩnh lặng của những ngôi làng lẻ loi giữa bốn bề đồng ruộng mênh mông, cùng cái âm u rập rạp của những bờ tre, bụi dứa, cái cổ kính rêu phong của những ngôi miếu, mái đình, cái thần bí khó hiểu cũng những hàng câu đối đắp bằng vữa đã tróc lở ít nhiều trên những cột cổng nhà, từ đường, … đã thành nơi ẩn náu cho những “con ma” được nghe rất nhiều, mà ít khi thấy mặt ấy?

Làng tôi cũng là một ngôi làng như vậy. Cho đến khi tôi đã nhớ được chuyện rồi, thì ở làng cũng không còn nhiều di tích cổ xưa lắm. Đình thì bị Pháp phá, lấy những cái cột gỗ lim to hàng ôm mang lên phố huyện dựng bốt Nhân Mục. Chùa, văn chỉ, miếu bà làng thì sau hồi cải cách cũng bị phá sạch .. nhưng những địa danh liên quan như: Ao chùa, Ao đình, ruộng văn chỉ … vẫn còn cả. Cái hồi ức của những người từng chứng kiến khi còn di tích, cùng cái tưởng tượng mơ hồ của những người chỉ được nghe tên mà không thấy hình, càng khiến những nơi ấy trở nên thần bí hơn.

Duy có mấy cái miếu đông đống ở bốn góc làng thì vẫn còn nguyên, dẫu khói tàn hương lạnh, nhưng cái bát hương cổ bằng đất nung, cùng hàng câu đối tróc lở và những bụi cây um tùm phủ gần kín vẫn giúp những cái đông đống trở thành nỗi ám ảnh, kinh hãi của lũ trẻ mỗi khi trời đã xẩm tối mà phải đi qua đó. Thực sự khi còn bé, tôi cũng không biết miếu đông đống thờ ai, về sau lớn hơn, tôi mới biết đó là nơi thờ thần đất. Ông tôi có kể chuyện rằng, khoảng thời kháng Pháp, có ông S vốn người rất khỏe, nhà ở gần cái đông đống góc tây bắc làng, một tối đi về khuya qua miếu, thấp thoáng dưới ánh trăng, bất chợt thấy trong miếu có một người đen như bôi bùn chui vào đông đống. Cho là kẻ gian, ông S vội bám theo chui vào miếu, rồi túm ngay lấy kẻ ấy lôi ra. Kẻ kia giằng co rất mạnh, nhưng không thoát, thế là hai bên cứ vật lộn lẫn nhau. Mỗi khi ông S đè được hắn xuống, lập tức hắn lại lật ngược được ngay. Ông thầm nghĩ, cái làng nay chưa thằng nào vật được tao, thế thì hẳn là kẻ gian từ đâu đến, nên lại càng giữ chặt. Cứ thế, bao nhiêu lần vẫn không bên nào chịu thua. Bỗng đâu có tiếng gà gáy sáng gần đó, ông S ngoảnh ra nhìn hướng tiếng gà, đến khi quay lại thì đã không thấy người kia đâu nữa. Bấy giờ ông mới dựng tóc gáy sởn da gà, hốt hoảng chạy về nhà. Hôm sau thì ốm to, hàng tuần mới khỏi. Hóa ra là ông đã vật nhau với thần đất.

Làng nhiều tre, nghe nói ngày xưa, lúy tre phía bắc làng bề dày phải hàng chục mét, người ta còn đào hầm bí mật vào giữa bụi tre! Đi trên những đường làng ngõ xóm, tre hai bên đường đan nhau như đường hầm, ngày hè đi mát phải biết. Nhưng đêm xuống thì có lẽ bất cứ chỗ nào cũng có thể có hai con ma ngồi trên hai ngọn tre vít xuống chắn đường trêu người nào đi khuya một mình. Nó vít xuống đến xát đường, không cho đi qua. Định bước qua thì nó lại nâng ngọn tre lên, định chui qua thì nó lại đè ngọn tre xuống! Và, ngay giữa trưa hè thôi, cũng nghe thấy tiếng ma đưa võng kẽo kẹt trên nhưng ngọn tre!

Bên đông làng có cái ao hạ điền, rộng, và trong. Nhiều người hay ra đó bơi, nhưng ở đó có con ma trâu. Cứ đêm trăng sáng nó lại hóa thành con trâu đẫm mình, vẫy vùng giữa ao! Đi dọc con đường phía nam làng tới sát bên thôn Tràng – cách làng tôi một quãng đồng – có một cây đa, tuy đã trồng từ lâu cây cũng khá cao, nhưng rất còi cọc, lá ít cành thưa, trông vô cùng ký quái. Dưới gốc đa, người ta hay bỏ mảnh sành, mảnh sứ, chai lọ vỡ, đá gạch vụn … dần dà thành một cái đống, nên vẫn gọi là “cây đa Đống Sành”. Ở đó cũng là nơi có ma! Con ma ấy thường hay hóa ra hình một khối lửa đỏ, to như cái nồi đất, đi lừ lừ sang phía cuối làng tôi – chỗ ấy cũng có một cái đông đống - rồi lại theo đường đó đi quay về. Rất nhiều người nhìn thấy khối lửa ma ấy, nên gọi nó là “ma Đống Sành”.


Con ma nổi tiếng nhất ở làng tôi phải kể đến con ma ở giữa làng – ao nhà ông M. Làng tôi nhiều ao lắm, hầu như nhà nào cũng có ao, một là vì làng xưa ở gần cửa sông vốn đất trũng, sông nước nhiều, hai là người ta thường đào đất lập nền, đắp nhà trình tường, thành thử có một cái nhà, thì lại có một cái ao. Nhưng cái ao nhà ông M là một trong những ao to, chỗ bụi dứa ở góc ao còn có cả hang rái cá cơ mà! Hồi ấy, không có nước máy, tất cả trông chờ vào nước mưa, nước giếng. Mà nước giếng nhà tôi tuy trong nhưng nhiều chua, không ăn được, nên  những khi lâu không có mưa, mẹ tôi còn phải vào tận cầu ao nhà bà Lý – cũng bắc xuống ao ấy – để gánh nước về đánh phèn, dùng làm nước ăn. Nhưng khu giữa làng ấy, và chính ao ấy, có một con ma hay trêu lắm. Một trong những chuyện chúng tôi thường được nghe kể là chuyện về ông X. Một khuya ông X đi tháo nước ruộng về, khi qua chỗ ao nhà ông M thì thấy từ trên ngọn dừa một hình người trắng lóa nhảy thùm xuống ao. Ngỡ mình nhìn gà hóa cuốc, chứ chỉ là quả dừa rụng mà thôi, ông X cứ mặc kệ, lẳng lặng đi. Đi mấy bước thì tới ngã tư giữa làng, ông rẽ tay trái, là chỗ lại có một cái ao – ao nhà ông H - anh trai ông nội tôi. Sát cạnh ao, bên này  đường là nhà bà T, nên bà cũng bắc cầu ao xuống ao ấy. Vừa rẽ bước chân, thì ông X thấy trên cầu ao nhà bà T có một người như đang ngồi tắm. Tưởng là bà T, ông chào: “Bà T sao tắm muộn thế!” Bất chợt người kia từ từ ngoảnh mặt lại phía ông, cất tiếng cười khanh khách rồi nhảy ùm xuống ao. Ông X bấy giờ mới nghĩ là ma, cắm cổ chạy thẳng về nhà. Sau ông ốm rụng tóc đầu rồi chết!

Chỗ giữa làng ấy, còn nhiều người nói thấy ma lắm, nhưng không ai “được” thấy như ông X. Bà ngoại tôi kể, có lần đi qua, cứ thấy có bà già đi phía trước, mà hỏi không thưa, đuổi không kịp. Ông nội tôi thì nói, có bận khi sang nhà ông H - anh ông – cứ có con chó trắng chạy phía trước, mà khi ấy cả làng cấm chó, thế rồi bất chợt nó cũng biến mất không thấy đâu cả.

Nhưng có lẽ một chỗ có nhiều ma nhất là trước cổng nhà ông khóa Th. Gọi thế, chứ ông khóa Th đã mất từ lâu rồi, giờ chỉ còn con cháu ông ở đấy thôi. Xưa, ông khóa Th làm thầy đồ dạy chữ nho cho học trò trong làng, và làm cả thầy pháp chuyên nghề bắt ma. Ông khóa bắt ma cao tay lắm, người ta nói, ông đi bắt ma ở đâu cũng mang về trói vào gốc dừa trước cổng nhà, nên trước cổng nhà ông rất nhiều ma. Có người đi đến đấy còn bị ma bịt mắt, “trói” ở đó, cứ loanh quanh luẩn quẩn bên gốc dừa không về được nhà! Nhưng chuyện li kỳ nhất, là chuyện ông gả chồng cho ma. Số là, một bận trên đường đi cúng cho người ta về nhà, trời nắng nóng, ông khóa vào nghỉ chân nhờ một nhà bên đường. Anh nông dân chủ nhà bưng nước ra mời, cùng ngồi nói chuyện, ông nhân hỏi đến chuyện vợ con, anh nông dân mới nói vì mình nghèo quá nên chưa có tiền lấy vợ. Ông khóa thương tình, bèn bảo: “Thế này, tôi có đứa cháu họ xa mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhưng được cái chịu thương chịu khó lắm. Thấy anh tình cảnh cũng khổ, nếu anh đồng ý, hôm nào tôi sẽ dắt cháu tôi sang cho làm vợ anh.” Anh nông dân thấy vậy mừng rỡ, quỳ sụp xuống lạy, bảo: “Nếu được cụ vun vén cho như thế thì sống tết chết giỗ, chúng cháu không dám quên công ơn cụ!” Ông khóa vui vẻ gật đầu, rồi ra về. Ít lâu sau, quả nhiên ông khóa dẫn theo một cô gái sang tận nhà anh nông dân bảo đó là cháu mình, nay đưa sang cho làm vợ anh, miễn khỏi cần lễ lạt cỗ bàn gì cả. Anh nông dân vui mừng tưởng bắt được vàng. Khi cô gái đi vào buồng trong, ông khóa nói nhỏ với anh: “Con bé trông thế thôi, nhưng hay bị trúng gió! Cái vòng dâu tránh gió đeo trên cổ tay nó ấy, anh chớ có tháo ra nhé! Không thì hối không kịp đâu.” Anh nông dân nhất nhất vâng lời, ông khóa bèn ra về. Hai vợ chồng anh nông dân quả nhiên sống với nhau hòa thuận vui vẻ, người vợ ít nói, chăm chỉ, hay lam hay làm. Mấy năm thì hai người có với nhau một đứa con trai. Một hôm, người vợ chợt bảo chồng: “Đấy mình xem, tôi ăn ở với mình mấy năm nay, mà mình có thấy tôi phải gió lần nào đâu? Nhẽ chừng có con xong đàn bà “đổi máu” chăng? Cái vòng này đeo làm lụng bất tiện lắm, mình cứ cắt phăng nó ra giúp tôi …” Anh nông dân nghe vợ nói cũng có lý, bèn cầm dao chặt cái vòng ra cho vợ. Ai dè vòng vừa chặt xong, thì người vợ hiền lành của anh bỗng nhiên đứng sững lên, nhe nanh xõa tóc, cười khanh khách một tràng, rồi bảo: “Tao vốn không phải người mà là ma! Chỉ vì lão thầy pháp bắt tao đeo vòng dâu yểm bùa làm vợ mày, thành thử phải ở đây bấy nay. Tuy mày cũng không tội tình gì, nhưng đứa con là của chung, tao phải lấy một nửa mới đi được!” Nói rồi nó túm ngay lấy đứa con xé ra làm đôi quăng lại một nửa, xách theo một nửa đem đi mất! Còn anh nông dân thì kinh sợ đến chết giấc, mãi mới hồi tỉnh lại được. Lại nói, ông khóa hôm ấy ăn cơm xong, đương ngồi uống nước thì bỗng thấy “con ma” xuất hiện đi vào cửa. Giật mình, ông vừa hỏi: “Sao mày không ở nhà chồng, lại về đây làm gì?”, còn chưa dứt câu thì con ma đã xông vào cấu cổ ông. Ông khóa bị bất ngờ, không kịp bắt quyết, nên bị nó cấu cổ chết! Câu chuyện nghe đầy huyền hoặc, nhưng bọn trẻ con chẳng đứa nào không tin là thật!

Ông tôi còn kể rằng, ở rìa làng xưa, (mà bây giờ cũng đã thành ra trong làng rồi), có một cái gò nhỏ vì hình thù hẹp, dài, một đầu nhọn, nên gọi là Cái Dùi. Gò Cái Dùi mọc đầy những bụi dứa dại lớn, chẳng ai vào được bao giờ, nên thành ra một nơi người ta hay vứt những đứa bé sơ sinh chết yểu ở đấy(!). Vâng đúng thế! Tôi còn cẩn thận hỏi lại, và ông tôi nói cho biết tường tận rằng: Ngày xưa, điều kiện y tế, dinh dưỡng thiếu thốn, trẻ sơ sinh chết nhiều lắm. Mà người ta nghĩ trẻ con thì chết đi sẽ đầu thai về nhà khác, thịt xương tan thành đất, nên ít khi chú ý đến việc chôn cất hay thờ cúng trẻ nhỏ. Mỗi khi có đứa trẻ sơ sinh chết, nhà khó thì bó chiếu, nhà khá thì mua hai cái máng lợn gỗ mới, đặt đứa nhỏ vào, úp hai cái máng lợn lại, buộc lạt lại rồi đem ra Cái Dùi dúi vào bụi dứa, thế là xong(!). Thế rồi, một năm trong làng nhiều trẻ sơ sinh chết quá, có nhiều nhà con ranh, con lộn rất nhiều, nên cả làng phải họp nhau đi mời thầy phù thủy về cúng trừ cho cả làng. Sau khi đi quanh làng xem xét, ông thầy phù thủy nó: Tất cả duyện do là ở gò Cái Dùi mà ra cả. Sau khi lập đàn cúng tế, thầy phù thủy bảo cả làng gom rơm rạ tới, chất cả lên gồ Cái Dùi, rồi châm lửa đốt! Lửa cháy rừng rực, thầy phù thủy đi quanh gồ phi phù niệm chú, một hồi lâu chợt thấy từ giữa gồ có một con lợn nái lao ra, dẫn theo một đàn lợn con, cùng chạy thẳng xuống sông cái! Thầy phù thủy bảo, con lợn nái ấy chính là mẹ ranh, còn đàn lợn con là những trẻ chết yếu ở đó lâu ngày bị dẫn dắt thành con ranh con lộn trong làng. Kể từ sau đó, chuyện con ranh con lộn không còn, và làng cũng không ai đem xác trẻ sơ sinh ra chôn dúi ở đấy nữa. Ông tôi còn nói, từ sau khi đàn lợn xuống sông, có lẽ vẫn oán hận, nên từ bấy, bờ sông phía bên xã tôi bị đàn lợn giũi phá, nên cứ ngày một lở xuống, ngày xưa chạy một thôi dài mới hết bãi, mà nay sông đã ăn sát đến gần đê rồi!

Dẫu nghe như vậy, nhưng tôi chưa từng một lần thấy ma ở làng mình bao giờ cả! Những đêm trăng sáng, bọn trẻ chúng tôi còn kéo nhau đi chơi trốn tìm, chơi đuổi bắt khắp làng, chẳng bao giờ thấy có gì lạ lùng cả! Bà tôi chép miệng bảo: “Từ hồi bom đạn, ma nó sợ đi hết cả rồi!” Chả biết có đúng không? Lẽ nào ma còn sợ bom đạn hơn người?

Nhưng một điều tôi thấy rất rõ, đó là, ở làng bây giờ cây cối tre pheo đã gần như không còn mấy, và đèn điện đã sáng choang khắp đường ngang ngõ dọc, đừng nói là “ma”, mà ngay đến những câu chuyện ma “dễ thương” được kể vào những buổi tối gió mưa sùi sụt, trăng lặn sương mờ cũng hiếm có khi nào thấy nữa.

Đầu tháng Cô hồn 2019

CHĐ

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2022

Vương Gia Trang Trên Mặt Địa Cầu - Tất Phi Vũ

Tôi rất thích lũ vịt, chúng có tất cả có tám mươi sáu con. Đội trưởng đem số vịt ấy giao cả cho tôi, rồi nói rành rọt: “Tám mươi sáu con. Mày đếm xong rồi, chỉ được thêm, không được bớt.” Tôi không cách nào đếm được. Không phải là tôi không biết đếm số, nếu như có thời gian, tôi có thể đếm được từ một đến một ngàn. Nhưng tôi không thể đếm rõ được lũ vịt này. Bọn chúng không ngừng di chuyển, không con vịt nào chịu ngoan ngoãn đứng yên dù chỉ một phút. Tôi đếm một lượt, tám mươi sáu con vịt bị tôi đếm thành một trăm lẻ hai. Con số ấy không thể tin theo được. Con số chỉ là số chết, còn lũ vịt thì sống. Cho nên con số vĩnh viễn sẽ lớn hơn số vịt.

Hàng ngày, cứ trời vừa sáng là tôi phải đi chăn vịt. Tôi lùa tám mươi sáu, cũng có thể là một trăm lẻ hai con vịt ra bờ sông, lại men theo bờ sông lùa chúng đến đầm Ô Kim. Đầm Ô Kim là một nơi rất tuyệt, nó ở ngoài cùng phía đông làng tôi. Đó là một vùng mặt nước vô cùng rộng lớn, nhưng nước rất nông. Dưới đáy nước mọc đầy rong le. Vì nước nông, nên sóng trên mặt đầm Ô Kim không lớn. Những cái lá rong le dài im lìm đứng thẳng, từng sợi từng sợi, nhờ sức nước nâng thêm càng vươn cao tăm tắp. Dưới nước không có gió, gió không thổi, nên cỏ chẳng động.

Thế giới dưới mặt nước là thiên đường của lũ vịt. Dưới đáy nước, tôm tép, cá thòng đong đếm không xuể. Cái ấy chỉ cần nhìn là thấy rõ. Lũ vịt cứ tới đầm Ô Kim là không kịp chờ đợi, vội vàng phao câu chổng lên giời, cái cổ vươn hết cỡ, dồn hết sức lực, ăn lấy ăn để dưới mặt nước. Vì sao vịt phải có một cái cổ dài? Nguyên nhân chính là ở chỗ này. Cá không có cổ, cua không có cổ, tôm cũng không có cổ. Những loài vật ở dưới nước chẳng có giống nào cần dùng đến cổ cả, chũng chỉ cần há miệng ra là được rồi. Ví dụ điển hình nhất phải kể đến con trai, toàn thân nó chỉ là một cái miệng: môi trên, môi dưới, lưỡi, thế là hết. Thế giới dưới nước là thế giới chỉ cần há miệng chờ ăn.

Đầm Ô Kim cũng là thiên đường của tôi. Tôi chèo chiếc thuyền tam bản, lướt băng băng trên mặt nước. Trên mặt nước có cả một thế giới hoàn chỉnh. Những lúc buồn tình, tôi cũng giống như một con vịt, lao ùm một cái xuống dưới mặt nước, mở to mắt, bơi như cá qua những đám rong le dưới nước nông. Cái thế giới ấy là nước làm ra, không khí cũng trong suốt, cũng thấu quang. Chúng ta hô hấp trong không khí, còn lũ cá hô hấp dưới nước, cái chúng hít vào là nước, và thở ra cũng là nước. Nhưng có một điểm không giống nhau, nếu như chúng ta khóc, thì nỗi buồn đau của chúng ta sẽ biến thành nước mắt, lăn xuôi theo hai bên má chúng ta mà chảy xuống. Còn lũ cá tôm thì khác, nước mắt của chúng là từng chuỗi từng chuỗi bọt khí, từ dưới nổi lên trên, biến thành từng cái từng cái bong bóng trên mặt nước. Khi tôi đang dừng thuyền lại trên mặt nước, tôi cảm thấy mình đang trôi nổi trên một tầng không cao vọi xa tít không gì chạm tới được. Tôi là một con chim trần trụi, tôi lại là một đóa mây gầy guộc chỉ có da bọc xương.

(Minh họa của Lý Hiểu Lâm)

Tôi đã tròn tám tuổi rồi. Theo lý mà nói, tôi không phải đi chăn vịt vào lúc này, mà phải ngồi trong lớp học nghe thầy cô kể chuyện về Lưu Hồ Lan, kể chuyện về Lôi Phong. Nhưng tôi không thể được như vậy. Tôi phải đợi đến khi tròn mười tuổi mới có thể đến trường được. Công xã của chúng tôi có quy định, trẻ con mười tuổi đi học, mười lăm tuổi tốt nghiệp, tốt nghiệp xong sẽ là một lao động chính. Thư ký của công xã nói rồi, chế độ học tập “rút ngắn” rồi, giáo dục “cách mạng” rồi. Cách mạng không thể dây dưa được, phải nhanh, tốt nhất là phải nhanh hơn cả dao xén. “Xoạch” một cái là đâu ra đấy!

Nhưng bố tôi thì ngày càng có hứng thú nồng nàn hơn với màn đêm. Ngày nào bố tôi cũng chờ đợi, ông ấy đợi trời tối. Những ngày này bố tôi đột nhiên say mê vũ trụ. Những khi đêm khuya thanh vắng, ông ấy thích ngồi lặng trong bóng tối đặc quánh cùng với những ngôi sao ở xa tít tắp. Bố tôi đứng trên bờ ruộng, một tay cầm đèn pin, một tay cầm cuốn sách – cuốn “Trong vũ trụ có gì” được ông ấy mang từ thị trấn về mấy hôm trước. Suốt một đêm bố tôi cứ ngửa cổ lên, một mình đối diện với bầu trời đầy sao đó. Nhìn thấy chỗ nào quan trọng, bố tôi lại cúi xuống, bật đèn pin, lật giở những trang sách ra. Cử chỉ của bố tôi vô cùng thần bí, hành động của ông ấy khiến tôi tin rằng, vũ trụ chỉ tồn tại vào ban đêm. Trời vừa hửng, phương đông đỏ ối, mặt trời lên, vào lúc ấy vũ trụ thực sự biến mất, chỉ còn lại một thế giới đầy những lợn và lợn, chó và chó, người và người.

Bố tôi là một người ít nói. Chúng tôi rất ít khi nghe thấy ông nói một câu ra một câu đầy đủ. Hai câu nói mà bố tôi hay nói nhất là “Có”, và “Không”. Đối với bố tôi mà nói, hai câu mà ông ấy cần phải trả lời kỳ thực cũng chỉ là “Có” và “Không”. Thời gian còn lại ông đều im lặng. Trong những đêm hè im lặng ấy, bố tôi đã trở nên đam mê với vũ trụ, cũng có thể chính là những ngôi sao kia. Bầu trời sao mênh mang vô tận, sao sáng đầy trời vẫn không đủ chiếu sáng mặt đất. Những ngôi sao có màu xám bạc, nhấp nháy phát sáng, còn vũ trụ lại một màu đen kịt. Trước nay tôi vẫn không cho rằng những ngôi sao kia là hữu dụng. Dẫu cho có một số ít những ngôi sao hơi ngả sang màu đỏ, nhưng tôi vẫn một mực cho rằng chúng hoàn toàn chẳng có chút tác dụng gì cả. Vũ trụ chỉ là mặt trời. Ở trước mặt của mặt trời thì vũ trụ vĩnh viễn là cái phụ theo, thứ yếu, đèn lụi lửa tàn mà thôi.       

Trong đêm tối, đôi mắt bố tôi mở căng ra rất lớn, nhưng vừa đến khi trời sáng, thì lại dại đờ cả ra. Trừ lúc ăn cơm ra thì miệng bố luôn ngậm chặt. Tất nhiên, còn cả lúc hút thuốc nữa. Bố tôi hút một cái tẩu. Lúc bố tôi cởi trần ngồi trên bờ ruộng hút thuốc, nhìn rõ ra là một người làm ruộng. Nhưng thi thoảng cũng có khi bố tôi hút một điếu thuốc lá cuốn giấy. Những khi bố tôi hút thuốc lá điếu thì lạ lẫm lắm, nhưng trái lại như vậy mới giống với chính bản thân ông ấy hơn. Bố ngồi nghiêm chỉnh ở sân giếng trời, bắt chân chữ ngũ, ngón tay vừa dài vừa trắng. Điếu thuốc lá được ông kẹp giữa hai ngón tay, lặng lẽ tỏa một làn khói xanh. Khói thuốc tan ra rồi, còn vấn vít trên trán ông mãi. Bàn tay của bố đúng là một kỳ tích, phơi nắng không đen, xuyên qua lớp da tôi có thể nhìn thấy những mạch máu màu xanh da trời. Da trên khắp người bố đều đen trùi trũi. Thế nhưng da trên bàn tay lại hoàn toàn cự tuyệt với ánh nắng. Tình hình cũng tương tự như vậy với da trên mông của ông ấy. Những lúc bố tôi tắm, cái mông của ông cũng bắt mắt như thế, lộ rõ ra hình dáng chiếc quần lót, trắng đến phát sáng, ngạo nghễ vô cùng, tỏa ra một vẻ ương ngạnh đến bướng bỉnh. Trên người bố vĩnh viễn có hai nơi khác hẳn với phần còn lại, đó là bàn tay và cặp mông.

Ban ngày, hai con mắt bố tôi dại lắm, ngẫu nhiên có lúc ông mở to mắt ra, thì cũng là lòng trắng thì nhiều mà lòng đen thì ít. Có một nữ nhà thơ ở Bắc Kinh, trong bài thơ của mình cô ấy viết: “Đêm đen đã cho anh một đôi mắt đen; Nhưng anh lại đem nó đổi thành đôi mắt trắng.” Tôi cảm thấy cô nhà thơ ấy nói thật đúng. Tôi có cả ngàn lý do để tin rằng, người mà cô ấy đang nói chính là bố tôi.

Bố tôi đem cuốn “Trong vũ trụ có gì” từ thị trấn về, đồng thời mang theo về cả một tấm “Bản đồ Thế giới” nữa. Bản đồ thế giới được bố tôi dán lên vách chái nhà. Chẳng ai ngờ được rằng, tấm bản đồ thế giới ấy lại gây ra một xáo động khá lớn ở Vương Gia Trang này. Đại khái sau khi ăn cơm tối xong, thì mọi người đã kéo nhau tới chen chật cả nhà tôi, chủ yếu là những người trẻ tuổi, để cùng xem thế giới. Họ không nói gì, tôi cũng không nói gì. Nhưng chuyện ấy không gây trở ngại cho nhận thức cơ bản về thế giới này của chúng tôi: Thế giới là men theo trung tâm bức xạ là “Trung Quốc” mà mở rộng ra, giống như một cục bột bị ai đó dùng chày cán bột cán mỏng ra, khiến nó lan dài tung tóe ra khắp bốn xung quanh, vì thế mà nảy sinh ra bảy châu và bốn đại dương. Cống hiến của Trung Quốc cho thế giới, chỉ cần xem tấm “Bản đồ Thế giới” này là đã biết hết không thiếu điều gì rồi.

“Bản đồ Thế giới” cũng sửa lại cho chúng tôi một cách nhìn nhận sai lầm về thế giới. Về thế giới này, mọi người ở Vương Gia Trang vẫn luôn cho rằng: thế giới là một mặt phẳng hình vuông, lấy Vương Gia Trang làm trung tâm, và vươn dài ra khắp bốn hướng đông tây nam bắc. Bây giờ xem ra không đúng như thế. Sự mở rộng của thế giới khác xa rất nhiều những gì chúng tôi dự liệu, mà nó cũng không phải hình vuông, mà là một hình trái xoan. Hai hình dấu ngoặc lớn ở hai bên trái phải trên bản đồ đã nói rõ ràng vấn đề này.

Xem bản đồ xong, mọi người cùng rời khỏi nhà tôi. Chúng tôi tới ngoài cửa văn phòng đại đội, theo từng độ tuổi mà chia thành mấy nhóm nhỏ một cách rất tự nhiên. Chúng tôi bắt đầu thảo luận. Khái quát lại là nói về mấy điểm thế này: Thứ nhất, rốt cuộc thế giới lớn bằng đâu? Nó to bằng mấy cái Vương Gia Trang của chúng tôi? Trên bản đồ cái gì cũng có, thậm chí ngay cả Mỹ Đế quốc, Liên Xô Xét lại cũng đều có, vậy mà vì sao lại không có Vương Gia Trang của chúng tôi? Tất cả mọi người ở Vương Gia Trang đều biết Vương Gia Trang ở đâu, bản đồ kia dựa vào cái gì mà lại bỏ qua chúng tôi? Câu hỏi này chúng tôi hoàn toàn buộc phải phản ánh lên chi bộ Đảng của Đại đội. Thứ hai, điểm này là của Vương Ái Quốc đưa ra, Vương Ái Quốc nói, nếu như chúng ta cứ không ngừng đào sâu xuống dưới đất như đào giếng ấy, đào không nghỉ, thì chúng ta sẽ đào đến chỗ nào? Thế giới nhất định có một nền tảng, cái này là khẳng định, nhưng cái nền tảng ấy ở đâu? Cái gì đã nâng chúng ta lên? Cái gì đã chống giữ cho chúng ta? Nếu như cái vật chống đỡ cho chúng ta ấy bị mất đi, thì chúng ta sẽ rơi đến chỗ nào? Câu hỏi ấy thu hút tất cả mọi người. Mọi người cùng tụ tập lại một chỗ, hiển nhiên, bắt đầu lo lắng. Chúng tôi không thể không bộc lộ sự quan tâm sâu sắc của mình với câu hỏi này. Tất nhiên, đáp án là không có. Vì không có đáp án, nét mặt chúng tôi đều vô cùng nặng nề, có thể nói là hoàng hôn u ám. Vẫn là Vương Ái Quốc phá vỡ sự im lặng trước tiên, đưa ra một câu hỏi càng khiến người ta kinh hãi hơn – câu hỏi thứ ba: nếu như chúng ta ra khỏi cửa nhà và cứ thế đi thẳng về phía trước, thì nhất định sẽ đi đến tận cùng của thế giới, nếu là ban ngày còn đỡ, chẳng may là ban đêm, thì bước thêm một bước, chúng ta nhất định sẽ rơi xuống vực sâu không đáy. Cái vực sâu ấy chắc chắn là động không đáy không còn nghi ngờ gì nữa. Như thế cùng tức là, sau khi chúng ta rơi xuống đó, chẳng những không bị chết rơi, cũng không bị chết đuối, mà chỉ có thể không ngừng rơi, cứ rơi liên tục, rơi mãi mãi. Câu nói của Vương Ái Quốc thu hút chúng tôi vô cùng, chúng tôi cảm nhận thấy được sự sợ hãi, sợ hãi khôn cùng, sợ hãi vô biên vô tận. Vì sợ hãi, chúng tôi ngồi dúm sát lại bên nhau. Nhưng, câu nói của Vương Ái Quốc lập tức bị nghi ngờ. Vương Ái Bần nhanh chóng nói, điều ấy là không thể. Vương Ái Bần bảo, nó đã xem bản đồ vô cùng kỹ lưỡng, tận cùng của thế giới không phải là lục địa, mà chỉ là đại dương, cũng không có đường, chúng ta không thể đi tới đó được. Vương Ái Bần lại bổ sung thêm, trên bản đồ đã vẽ rất rõ ràng, bên trái của thế giới là Đại Tây Dương, bên phải của thế giới cũng là Đại Tây Dương, chúng ta làm sao có thể đi bộ ra giữa Đại Tây Dương được? Vương Ái Bần nói rất có lý. Nghe được câu nói của nó chúng tôi đều thở phào một hơi, đồng thời vô cùng cảm kích trong lòng. Nhưng Vương Ái Quốc lập tức phản bác, nó bảo, nếu như chúng tôi ngồi trên thuyền thì thế nào? Câu nói của Vương Ái Quốc lại ném chúng tôi vào vực sâu không đáy, tình thế khá là nghiêm trọng, có thể nói là nguy trong sớm tối. Phải, nếu như là chúng tôi ngồi trên thuyền thì sao? Nếu như chúng tôi ngồi thuyền, thì sẽ không chỉ có chúng tôi rơi mãi mãi, mà còn thêm cả một chiếc thuyền tam bản nữa. Tổn thất ấy sẽ không cách nào bù đắp được. Mấy đứa trẻ còn nhỏ tuổi chúng tôi đều cúi thấp đầu xuống. Nói thực là, chúng tôi đã không dám nghe thêm gì nữa rồi. Trong lúc nghiêm trọng nhất ấy, lại là Vương Ái Bần bước ra gánh vác. Vương Ái Bần không phản kích trực diện Vương Ái Quốc, mà trực tiếp đưa ra một kết luận cho chúng tôi, “Điều ấy không thể nào!” Vương Ái Quốc nói: “Vì sao lại không thể?”. Vương Ái Bần hơi cười, nói, nếu như thuyền đã rơi xuống, “vậy thì xin hỏi, nước trên khắp thế giới này đều chảy đi đâu?”

Nước trên khắp thế giới đều chảy đi đâu?

Chúng tôi quay ra nhìn con sông Cá Chép ở phía sau lưng. Nước vẫn nguyên dưới sông, không hề được lắp thêm đôi cánh nào, cũng không hề gầm thét lao đi, yên tĩnh như một miệng giếng. Chúng tôi đã nhìn thấy niềm hy vọng. Lòng yên dạ vững. Chúng tôi vững tin rằng, nước còn ở đây thì chúng tôi vẫn còn ở đây. Vương Ái Bần đã cứu vớt chúng tôi, đồng thời đã cứu được thế giới. Chúng tôi đều cùng nhìn Vương Ái Bần, trong lòng tràn đầy yêu mến và tôn kính. Nó đã lập lên được một công lao bất hủ cho thế giới này.

Nhưng, tôi vẫn chưa yên lòng, hoặc cũng có thể nói, tôi vẫn còn nghi hoặc. Ở bên rìa Đại Tây Dương, làm sao nước trên khắp thế giới này lại không chảy đi nhỉ? Rốt cuộc là sức mạnh nào đã gìn giữ cho Đại Tây Dương? Bỗng nhiên tôi nhớ đến tấm “Bản đồ Thế giới”. Có thể khẳng định rằng, hình dạng sơ khai nhất của thế giới nhất định là một hình vuông, rìa của Đại Tây Dương chắc chắn vốn là một đường thẳng. Cái đường hình dấu ngoặc lớn trên bản đồ chỉ có thể nói rõ một vấn đề, đó là nó bị nước biển đẩy ra, giống như một vòng cung, uốn cong đi, lực uốn rất căng, có đầy nguy cơ có thể vỡ bung. Nhưng, rốt cùng thì nó vẫn chưa vỡ. Đó thực là một sức mạnh kỳ dị, một sức mạnh không thể nghĩ bàn, một sức mạnh mà chúng ta không dám thừa nhận. Nhưng, đó là một sức mạnh có thật.                                  

Chúng ta hoàn toàn có thể giả thiết rằng, một khi rìa của Đại Tây Dương bị vỡ ra, nước biển sẽ giống như những ngôi sao băng trên trời, biến mất trong màn đêm vô tận. Nước lúc nào cũng dắt tay nhau, chúng chỉ cần nhận ra có chỗ vỡ là tất cả nước trên khắp thế giới này đều bị chỗ vỡ ấy hút sạch, nước của sông Cá Chép ở Vương Gia Trang chúng tôi cũng sẽ ào ào kéo nhau đi hết. Đến khi ấy, đáy sông huyền bí chắc chắn sẽ lộ rõ ra trước mắt chúng tôi, trên đáy sông khắp nơi đều là rong le, tôm cá, cua, trai, lươn, thuyền và vịt, có khi chỗ bến thuyền nhà tôi còn lộ diện ra đồng năm hào mà năm ngoái tôi đánh rơi xuống dưới đó. Nhưng, năm hào có thể mua lại được tất cả nước trên khắp thế giới này không? Không hết hai ngày là thế giới này mùi hôi thối sẽ bốc lên tận trời rồi. Tôi ngây ra ở đó. Lòng tôi tựa như vũ trụ trong đêm mùa hạ, mỗi một ngôi sao chính là một cái hang sâu.

Tôi chưa về nhà, mà tìm thẳng tới chỗ bố tôi. Tôi muốn tìm thấy đáp án, tìm sự an toàn từ chỗ bố. Bố tôi đứng trên bờ ruộng, một tay cầm sách, một tay cầm đèn pin, ngửa mặt, dồn hết tâm trí vào một việc ấy. Ánh sao đầy trời, soi ánh lẫn nhau, cả thế giới này chỉ còn lại tôi và bố. Tôi gọi: “Bố ơi!” Bố không để ý tới tôi. Rất lâu sau, bố tôi mới nói: “Chúng ta qua đây xem chòm sao Đại Hùng. Đây là Dao Quang, đây là Khai Dương, lần lượt tới Ngọc Hành, Thiên Quyền, Thiên Cơ, Thiên Tuyền, Thiên Xu, Bắc Đẩu thất tinh chính là bảy ngôi sao này. Con trai, bây giờ chúng ta men theo hai sao Thiên Tuyền và Thiên Xu với năm lần khoảng cách ấy. Đây! Cái này! Ngôi sao sáng nhất ấy!” Bố tôi vừa nói, vừa bật cái đèn pin trong tay ông. Bầu trời đêm lập tức xuất hiện một cột sáng thẳng tắp màu xám bạc, biến mất ở nơi xa tít không nhìn thấy được bên lề vũ trụ. Bố tôi nói: “Có trông thấy không? Đó chính là Bắc Đẩu.” Tôi không trông thấy. Tôi không đủ nhẫn nại để quan tâm đến câu hỏi này. Tôi nói: “Vương Gia Trang rốt cuộc ở đâu?” Bố nói: “Chúng ta ở trên địa cầu. Địa cầu cũng là một ngôi sao trong vũ trụ.” Tôi ngẩng đầu lên nhìn vào bầu trời đêm. Tôi nhất định phải tìm thấy địa cầu ở trong vũ trụ, xem xem địa cầu tỏa sáng ở đâu. Tôi cầm lấy cái đèn pin từ trong tay bố, soi rọi khắp nơi, tìm kiếm khắp nơi, sao sáng lung linh, nhưng không có một chỗ nào ánh đèn pin bị phản quang trở lại. Không có ánh sáng phản quang lại thì đèn pin cũng mất hết ý nghĩa. Tôi lo lắng, nói: “Địa cầu ở đâu?” Bố tôi bật cười. Trong tiếng cười của bố có một niềm hạnh phúc khác thường, giống như ánh sáng từ những ngôi sao. Có một chút mềm yếu, có một chút miễn cưỡng. Bố xoa xoa đầu tôi, nói: “Về đi ngủ thôi!” Tôi nói: “Địa cầu ở đâu ạ?” Bố bảo: “Địa cầu không thể dùng mắt mà tìm được, phải dùng chân của con để tìm.” Bố tôi nhìn ra màn đêm đen bốn phía xung quanh, đưa tay phẩy phẩy những con đom đóm bên cạnh mình, do dự hồi lâu, mới nói: “Chúng ta không nói những chuyện trên địa cầu.” Tôi dúi cái đèn pin vào tay bố, quay ngoắt đầu chạy đi. Chạy cách rất xa rồi, tôi mới quay về phía bố tôi mắng một câu lớn: “Bảo rồi, bố đúng là bị thần kinh!”  

Tôi ngồi trên chiếc thuyền tam bản, tám mươi sáu, cũng có thể là một trăm lẻ hai con vịt vây bốn xung quanh tôi. Chúng đang ra sức ăn, ra sức uống. Chúng hoàn toàn không hiểu được nỗi lo lắng trong lòng tôi. Muôn dặm không mây, vũ trụ đã không còn nữa rồi, trên trời chỉ còn một vừng mặt trời. Nước trên đầm Ô Kim phản chiếu ánh mặt trời, tỏa sáng lên người tôi. Khắp trên người tôi đầy những ngấn nước, những ngấn nước màu đen, rung rinh lay động. Nhưng, điều ấy chẳng thể nói lên được mảy may gì, rằng khắp nơi trong người tôi đều là ánh sáng thấu qua. Trên đầm Ô Kim chỉ có tôi, cùng với tám mươi sáu, cũng có thể là một trăm lẻ hai con vịt của mình. Tôi thừa nhận là tôi hơi sợ. Vì tôi đang ở trên mặt nước, đang ở trên thuyền. Tôi rất lo sợ nước trên đầm Ô Kim chuyển động, tôi lo sợ nó sẽ ào ào quên mình đổ về một nơi xa. Đối với nước mà nói, tôi biết rõ lắm, một khi chúng đã trở lên chuyển động, thì chỉ nháy mắt sẽ biến thành một con lươn trơn tuồn tuột, mà anh có ra sức thế nào cũng chẳng thể tóm chặt chúng lại được. Cuối cùng, anh chỉ có thể đứng nhìn chúng kéo nhau đi xa, với hai bàn tay không.

Tất cả những điều ấy đều do tấm “Bản đồ Thế giới” gây ra. Nhưng tôi không định oán trách gì tấm “Bản đồ Thế giới” ấy. Dầu cho không có tấm bản đồ đáng chết ấy, thì thế giới có thế nào cũng nhất định vẫn như thế thôi. Những nguy hiểm vẫn thực sự tồn tại. Tôi thậm chí còn giận lây cả bố tôi, nỗi phiền phức của nhân gian to lớn như vậy, mà bố vẫn chẳng thèm hỏi chẳng thèm lo, lại còn đi có tâm trạng đi xem việc vũ trụ để làm gì? Sao Bắc Đẩu có sáng hơn nữa cũng chỉ là một cái mụn của bầu trời đêm, nó vĩnh viễn không thể biến thành tài sản của tập thể, vĩnh viễn không thể biến thành con vịt thứ tám mươi bảy hoặc là một trăm lẻ ba. Thậm chí không thể biến thành cái hạt vừng thứ tám mươi bảy hoặc là một trăm lẻ ba được.

Nhưng, nguy hiểm trong bất kỳ lúc nào cũng có sức mê hoặc. Nó khiến tôi rơi vào một sự tưởng tượng không ngừng không nghỉ. Ý nghĩ của tôi men theo mặt nước đầm Ô Kim điên cuồng tiến về phía trước, như gió xô chớp giật, chạy thẳng tới Đại Tây Dương. Đại Tây Dương rất lớn, lớn hơn cả đầm Ô Kim với hồ Đại Túng, đột nhiên, nước biển bẻ cong một góc chín mươi độ, lao thẳng xuống phía dưới. Khi ấy tất nhiên anh chi mong ước mình biến thành một con chim, rồi men theo mặt cắt của Đại Tây Dương, cũng là mép ngoài của thế giới, mà bay thẳng xuống. Anh sẽ nhìn thấy cá hố, cua ghẹ, cá heo, cá mập yêu tinh, cá mực, cá dưa, chúng ở dưới đáy sâu của Đại Tây Dương bơi lội rất ung dung. Chúng lượn lờ ở bên rìa của thế giới, ý chừng muốn xông ra ngoài. Nhưng, rìa thế giới đã chặn chúng lại. Những con cá lao vào “choang” một cái, bị bật ngược trở lại, giống như con chim sẻ trong lớp học bị ô cửa kính chặn lại vậy. Dựa vào đó, tôi phát hiện, rìa của thế giới nhất định là được một loại vật chất tương tự như thủy tinh cố định chặt lại. Vật chất ấy cũng thấu quang như thủy tinh, cũng kín mít ngăn được gió như thủy tinh. Có thể khẳng định, loại vật chất ấy là băng. Chính là băng đã ngăn chặn nước biển chảy ra ngoài, là băng đã giữ gìn sự ổn định vững chắc cho thế giới.

Tôi cầm cây sào tre lên, đập một cái xuống mặt nước. Mặt nước “thùm” một tiếng, lũ vịt vươn cao cổ lên, hốt hoảng bỏ chạy về phía trước. Tôi phải mang theo lũ vịt của mình, cùng đi một chuyến đến bên rìa của thế giới, xem thử thế nào.    

Tôi lùa lũ vịt ra khỏi đầm Ô Kim, đến hồ Đại Túng. Hồ Đại Túng nhìn không thấy bờ đâu, tôi tin chắc rằng, xuyên qua hồ Đại Túng, chỉ cần vượt tiếp qua Thái Bình Dương, tôi sẽ có thể tới được Đại Tây Dương.

Tôi không thể đi xuyên qua hồ Đại Túng. Sự thực là, tiến vào hồ Đại Túng không bao lâu, tôi đã hoàn toàn mất phương hướng. Tôi vẫn tràn trề hăng hái, tràn trề quyết tâm, chỉ có điều không tìm được phương hướng. Nhìn ra mặt hồ mênh mông, tôi thở dài một tiếng, bao nhiêu hăng hái quyết tâm đều rơi tuột hết sạch.

Sáng hôm sau, tôi được hai người xã viên dùng một chiếc thuyền tam bản khác kéo về. Lũ vịt không còn. Lần thám hiểm không thành công ấy đã tổn thất nặng nề, nó khiến cho Đội sản xuất số hai chúng tôi vĩnh viễn mất đi tám mươi sáu cũng có thể là một trăm lẻ hai con vịt. Hai người xã viên không giao tôi cho bố, mà trực tiếp giao tôi cho đội trưởng. Đội trưởng đưa một tay, xách tai tôi lên, kéo vào văn phòng đại đội. Bí thư chi bộ đại đội ở đó. Bố tôi cũng ở đó. Bố vô cùng khiêm nhường, đang mời thuốc tất cả mọi người, châm thuốc cho tất cả mọi người. Bố vừa trông thấy tôi lập tức chạy lại, lớn tiếng hỏi: “Vịt đâu?” Tôi lấy hết sức trợn trừng hai mắt, nói: “Rơi hết xuống rồi.” Bố tôi nhìn sang đội trưởng, lại quay sang nhìn bí thư chi bộ đại đội, quát to: “Rơi đi đâu?” Tôi nói: “Rơi xuống rồi. Vẫn đang tiếp tục rơi xuống.” Bố nhìn vào tôi thật kỹ, sờ sờ tay lên trên trán tôi. Tay bố rất trắng, lạnh ngắt. Bố giáng cho tôi một cái bạt tai. Tôi ngã vật xuống đất, đồng thời chìm luôn vào giấc ngủ. Nghe mọi người ở trong thôn nói, sau khi tôi ngã xuống đất bố còn đá cho tôi một cái vào người, và nói với bí thư chi bộ đại đội rằng tôi có bệnh thần kinh. Sau đó, người ở Vương Gia Trang đều gọi tôi là “thằng thần kinh”. “Thằng thần kinh” từ đó thành tên của tôi, tôi vô cùng thích thú. Chí ít, nó đã nói nên một điểm rằng, vào năm tám tuổi, tôi đã được ngang hàng với bố mình rồi./.           

Châu Hải Đường dịch

(Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội số 995 & 996, T8-9/2022)

 

 

Giới thiệu Tác giả:

(Nhà văn Tất Phi Vũ)

Tất Phi Vũ, sinh năm 1964 tại Hưng Hóa, Giang Tô, tốt nghiệp Học viện Sư phạm Dương Châu, là giáo sư Đại học Nam Kinh, nhà văn đương đại Trung Quốc, chủ tịch Hội nhà văn tỉnh Giang Tô. Ông bắt đầu sáng tác từ giữa thập niên 80 thế kỷ 20, lần lượt cho ra mắt các truyện ngắn “Phụ nữ thời cho con bú”, “Vương Gia Trang trên mặt địa cầu” .. . Tháng Hai, năm 1998 Tất Phi Vũ giành giải thưởng Văn học Lỗ Tấn lần thứ nhất cho thể loại truyện ngắn. Tháng Ba năm 2010, ông giành giải thưởng văn học Châu Á Man (Man Asian Literary Prize) với tiểu thuyết “Ngọc Mễ” (Ba chị em); Tháng Tám năm 2011 ông giành giải thưởng Văn học Mao Thuẫn lần thứ 8 với tiểu thuyết “Tẩm Quất”. Tháng Mười hai năm 2013 Tất Phi Vũ giành giải thưởng văn học Nhân Dân cho thể loại truyện ngắn. Ông là chủ tịch hội nhà văn tỉnh Giang Tô từ tháng 12/2020 đến nay.   

Ở Việt Nam hiện đã có hai tiểu thuyết của Tất Phi Vũ là “Bình Nguyên” và “Tẩm Quất” được dịch và giới thiệu tới bạn đọc.

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2022

TÔI TỰ VẼ MINH HỌA TRUYỆN - Phùng Ký Tài

    Vẽ tranh minh họa cho truyện của chính mình, là một niềm vui thích khác biệt, tranh vẽ cũng là kiểu vẽ khác biệt.

    Khi nhà văn viết ra nhân vật, thì dung nhan diện mạo, lời nói nụ cười của nhân vật vốn đã rõ ràng rành mạch từ trước trong lòng mình rồi, sau đó mới dùng bút viết ra những nhân vật ấy. Nhưng nhà văn có thể viết ra nhân vật một cách sống động là được rồi, sao lại còn phải vẽ ra nữa? Vẽ minh họa cho truyện là việc của họa sĩ mà. Vậy, vì sao lại có những nhà văn thích làm công việc này? Ví dụ như Victor Hugo, Thackeray, Mayakovsky... Một mặt là vì những tác gia này có sở trường hội họa; những người biết vẽ tranh thường luôn không ngăn được tình cảm, đem hình tượng trong trí óc mình vẽ ra. Trong bản thảo của Pushkin và Lermontov, chẳng phải hai ông thường vẽ một số hình người nho nhỏ đó ư? Lại nữa, vì có những tác gia rất quan tâm đến hình thức và mỹ cảm của cuốn sách, ví dụ như Lỗ Tấn tiên sinh, dẫu rằng không vẽ tranh, nhưng lại từng thiết kế bìa cho không ít những cuốn sách mà mình viết hay biên soạn. Nhìn đơn thuần từ góc độ trang trí, thiết kế bìa của Lỗ Tấn tiên sinh rất có phong vị, có đại khí, cảm nhận về hình họa rất mạnh, tính thẩm mỹ phong phú.

Tôi vẽ tranh minh họa cho truyện của chính mình hoàn toàn xuất phát từ một niềm cảm hứng. Có lúc viết xong truyện, nhân vật vẫn còn hiển hiện sống động trong trí óc mình, tôi vốn xuất thân là họa sĩ, liền không ngăn nổi việc đem nhân vật vẽ ra. Đến khi gửi bản thảo cho báo chí, lại đem cả truyện cả tranh cùng gửi đi. Biên tập thấy tranh minh họa là tôi tự vẽ, cảm thấy thú vị, bèn cùng cho in cả một thể. Vào thập niên 80 của thế k trước, một số tiểu thuyết của tôi như Gót sen ba tấc, Khách đến trong đêm tuyết in trên tạp chí Thu hoạch, hay Kể chuyện Vương Mông, Trong sương mù ngắm Luân Đôn in trên Văn hối nguyệt san, đều là cùng in cả văn chương và minh họa. Như vậy, chuyện tự viết tự vẽ, trong sự tự hưởng thụ cũng sẽ đem lại cho độc giả một chút niềm vui thích. Có điều, những việc này làm rất tùy hứng, thuận tay mà vẽ ra, mấy năm gần đây tôi thực sự quá bận rộn, rất ít viết tiểu thuyết, phần nhiều viết những tùy bút tư tưởng với rất nhiều lo nghĩ, việc tự vẽ tranh minh họa bèn giữa chừng đứt đoạn.

Tôi vẽ minh họa cũng rất tùy ý. Vẽ đã tùy ý, ngay cả chuyện dùng bút cũng là tùy tiện với tay lấy được cái bút nào trên bàn viết thì dùng cái bút ấy, phần đa là dùng bút máy, bút chì, bút bi, bút lông. Vẽ tả ý đơn giản, lại đều mang một chút cảm giác khôi hài, cái này đại khái có liên quan đến việc tôi thích vẽ biếm họa. Biếm họa là một trong những nội dung trong cuộc sống gia đình của tôi, tôi thường lấy chủ đề từ những chuyện cười trong cuộc sống gia đình thường nhật, đối tượng vẽ trong tranh phần lớn là vợ, con, bè bạn, người quen và chính bản thân mình, vẽ ra cho vui, và khi vẽ bản thân mình thì phần nhiều là tự trào. Vì thường vẽ luôn, nên tôi đã rèn được lối vẽ chỉ trong mấy nét bút mà đủ thần thái sống động, có điều đây là “văn hóa gia đình” mang tính riêng tư, nên trước nay chưa bao giờ đem phổ biến ra.

(Minh họa truyện Trương Đại Lực)

Nhưng có một lần tôi đã dùng bút pháp biếm họa này để tự vẽ minh họa. Đó là vào thập niên 80 thế kỷ trước, sau khi đi thăm Mỹ trở về, tôi đã viết hơn bảy mươi bài tùy bút so sánh quan niệm của Trung Quốc và phương Tây, đăng báo. Tập tùy bút ấy phần lớn được tôi sử dụng bút pháp hài hước gây cười, rất phù hợp với cách vẽ biếm họa của mình, nên tôi bèn thuận tay vẽ luôn minh họa. Mỗi bài viết một bức tranh, vẽ liền bảy mươi bức, sau đó, còn xuất bản thành một cuốn sách tự vẽ minh họa, là cuốn Hải ngoại thú đàm.

Lần này, tôi vẽ minh họa cho tập Tục thế kỳ nhân cũng là như vậy. Một là cảm hứng rất tức thời, ngay sau khi viết xong truyện, nhân vật vẫn còn hiển hiện đủ màu sắc âm thanh trong trí não mình; Hai là, bản thân tập truyện này đã có sẵn tính hài hước, rất phù hợp cho việc sử dụng hình thức biếm họa mà tôi sở trường để vẽ minh họa. Đầu tiên, tôi vẽ nhân vật của mấy truyện trong một cuốn sổ, không ngờ rằng càng vẽ càng hăng say, như mũi tên bắn ra không thể thu về được nữa, qua nửa tháng, tôi đã vẽ được một cuốn dày. Cũng có khi, cùng một nhân vật vẽ liền mấy bức với tư thế khác nhau, thần thái khác nhau. Mỗi một truyện chọn lấy một nhân vật, thế là cuốn tranh minh họa này liền được ra đời.

(Minh họa truyện Dương Súng Chạc)

Trước đây, cũng từng có người đã vẽ minh họa cho cuốn Tục thế kỳ nhân này, ví dụ như dịch giả người Nhật Bản Kimiko Namura đã vẽ rất đẹp. Nhưng, người khác vẽ là vẽ Tục thế kỳ nhân trong lòng họ, còn tôi vẽ là Tục thế kỳ nhân trong lòng tôi. Những nhân vật này sinh ra từ trí óc của tôi, tôi biết từ tính khí bẩm sinh cho đến cái chau mày liếc mắt của họ là thế nào. Hơn nữa, tôi đã sống cả cuộc đời ở Thiên Tân, hiểu rõ sức mạnh từ tận xương tủy, hiểu rõ kiểu cậy mạnh hiếu thắng, cũng như lòng nhiệt thành, tính sĩ diện, lại cả chút gàn dở đến đáng yêu của người Thiên Tân. Tôi vẽ, chính là vẽ ra những cái đó.

Vậy thôi, tôi đã có một tập truyện mà mình tự vẽ tranh minh họa rồi. Bây giờ chỉ nghĩ sẽ lại viết vẽ một cuốn sách khác./.

(Theo Tục Thế Kỳ Nhân

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2022

BÁNH BƠ NƯỚNG - Uông Tăng Kỳ (Trung Quốc)

 

Tiêu Thắng đi theo bố đến Khẩu Ngoại.

Tiêu Thắng vừa tròn bảy tuổi, bắt đầu sang tuổi thứ tám. Mấy năm nay nó vẫn ở với bà nội. Công việc của bố nó thường chẳng cố định ở chỗ nào, lúc thì sửa sang hồ chứa nước ư, lúc lại đại luyện gang thép ư. Mẹ nó cũng bị điều đi điều lại. Bà nội sống một mình ở quê, nên quạnh quẽ vô cùng. Năm nó lên ba, thì đã được cho đưa về quê rồi. Nó sống ở quê, ăn toàn củ cải, cải trắng, bánh kê, bánh ngô mà lớn lên.

Bà nội chẳng hơi đâu mà quản nó. Bà còn ối việc. Lúc nào bà cũng tìm kiếm những mảnh vải vụn khâu vá lại để may áo dài, may áo ngắn, may quần, may áo bông, may quần ấm cho nó. Quần áo của nó đều do từng mảnh từng mảnh vải ráp lại với nhau, vệt xanh, vệt chàm, nhưng vô cùng sạch sẽ. Bà nội còn khâu giày cho nó. Tự tay bà làm mũi giày, cắt mẫu, khâu đế, rồi khâu lại. Lúc nào bà cũng bảo nó: “Cái chân cháu nó có răng, có mỏ đấy hẳn?”; “Chân cháu làm bằng sắt hay sao thế!?” Rồi bà lại làm món ăn cho nó. Bánh bột kê, bánh bột ngô, củ cải bắp cải xào với trứng gà, cá vụn rim. Nó thì suốt ngày chạy chơi ở ngoài. Mỗi khi bà nội làm cơm nước xong xuôi, lại chạy ra đầu ngõ gọi: “Thắng ơ… ời…! Ở đâu thì về ăn cơm …!”

Về sau thì có nhà ăn tập thể. Bà nội đem hai cái xoong trong nhà nộp cho chính quyền, và lấy cơm từ nhà ăn mang về ăn. Đúng là tuyệt cú mèo! Bánh bao bột mì, bánh bột chiên, tôm muối chua xào với đậu phụ, cà nhồi thịt, thịt xỏ lợn! Ông đầu bếp ở nhà ăn mặc bộ quần áo trắng, đội chiếc mũ trắng, đi đi lại lại trong làn khói trắng bốc hơi nghi ngút của nồi hấp, cầm cái xẻng gõ vào bên thành nồi, lại còn lớn tiếng quát gọi. Người cũng béo lên, lợn cũng béo lên. Đúng là tuyệt cú mèo!

Sau đó thì không được nữa rồi. Lại vẫn là bánh bột kê và bánh bột ngô.   

Sau đó thì trong bánh bột kê có lẫn cám, trong bánh bột ngô có mạt lõi ngô xay ra, rát họng lắm. Người cũng gầy đi, lợn cũng gầy đi. Năm ngoái, muốn bắt con lợn cũng phải nhọc sức. Năm nay, cứ đưa tay ra là tóm chắc ngay được chân sau con lợn, vừa xô một cái, nó liền đổ ịch ra ngay. Bánh độn ăn chẳng ra gì, nhưng Tiêu Thắng ăn vẫn thấy rất ngon. Nó đói.

Bà ăn không lấy gì làm ngon. Bà lấy cơm từ nhà ăn về, bẻ nửa cái bánh, nhai suốt nửa ngày. Còn lại bao nhiêu, đều để Tiêu Thắng ăn cả.

Bà vốn đã không được khỏe.  Căn bệnh hen suyễn của bà mùa đông năm nào cũng tái phát. Ban ngày còn đỡ, đến đêm thì rất khó mà chịu nổi. Tiêu Thắng nằm trên lò sưởi, nghe thấy tiếng bà lên cơn hen suyễn khừ khừ khừ khừ. Đến lúc ngủ dậy rồi, vẫn nghe thấy tiếng cơn suyễn khừ khừ của bà. Nó nghĩ, bà đã bị hen khừ khừ cả đêm. Thế nhưng bà vẫn còn tiếp tục hen khừ khừ, vừa khừ khừ vừa đi đến nhà ăn lấy bữa sáng cho nó, lấy những cái bánh bột kê, bột ngô đã được độn thêm.

Mùa đông năm ngoái bố về thăm bà nội. Năm nào bố cũng về nhà vào mùa đông. Bố mang về nửa túi gai khoai tây, một dây nấm rơm khô, lại thêm hai lọ bơ. Bố bảo, khoai tây là bố được chia, nấm rơm là bố tự hái, tự phơi lấy, còn bơ thì phải “đi cửa sau” mới kiếm được. Bố nói, bơ được làm từ sữa bò, rất “dinh dưỡng”, bảo bà quết vào bánh mà ăn. Khoai tây thì bà mượn nồi về hấp lên, luộc lên, bỏ vào bếp lò nướng lên, cho Tiêu Thắng ăn. Nấm rơm đến tết mới ăn một bận. Còn bơ thì bà bảo bố mang đi: “Con đem đi mà ăn. Đồ quý như thế này!” Bố nhất định bắt bà để lại. Bà đành để số bơ lại, nhưng chưa từng ăn bao giờ. Bà đem hai lọ bơ cất vào trong tủ, thỉnh thoảng lại lấy giẻ lau lau. Bơ là cái gì không biết? Được làm từ sữa bò cơ? Qua lớp vỏ thủy tinh, có thể trông thấy nó có màu vàng nhạt. Năm ngoái nhà thằng Tiểu Tam sinh thêm em Tiểu Tứ, Tiêu Thắng trông thấy mẹ Tiểu Tam lấy bột hoa thông bôi rôm cho Tiểu Tứ. Màu của bơ trông tựa như màu phấn hoa thông. Sắc bơ bóng láng, trông thật đẹp. Bà bảo, cái này có thể ăn được đấy. Tiêu Thắng không muốn ăn. Nó đã bao giờ ăn đâu, nên chẳng thấy thèm.

Sức khỏe bà ngày một kém. Lúc trước, bà đi lấy bánh ở nhà ăn, có thể đi một mạch về đến nhà. Bây giờ thì bà không thể như thế nữa rồi. Đi đến bên gốc cây liễu ngoẹo cổ là bà phải dừng lại nghỉ một lúc. Bà nói với các ông bà cụ cao tuổi rằng: “Chỉ e là tôi qua được mùa đông, cũng chẳng qua nổi mùa xuân đâu!” Tiêu Thắng biết đó không phải là một câu nói hay ho gì. Đó là một câu mà người ta hay mắng vật nuôi trong nhà: “Này! Trông bộ dạng kém cỏi của mày! Qua được mùa đông, cũng chẳng qua nổi mùa xuân!” Quả nhiên, mùa xuân không dễ gì qua được. Ông già bà cả trong thôn liên tiếp nối nhau qua đời. Trên thị trấn có một hợp tác xã nghề mộc, vốn chuyên đóng đồ gia dụng, sửa chữa cày bừa, nhưng đều phải gác lại cả mọi việc, đổi sang đóng quan tài. Bên ngoài thôn mọc thêm nhiều ngôi mộ mới, cắm nhiều cành phan trắng. Bà nội không ổn nữa rồi, toàn thân bà đều phù thũng, lấy ngón tay ấn ấn, liền thành một chỗ trũng lớn, rất lâu mới đầy lại. Bà nhờ người viết thư gọi con trai mình về.

Bố chạy về tới nhà, thì bà nội đã tắt thở rồi.

Bố xin hợp tác xã nghề mộc lấy cái tủ trong buồng bà sửa thành một cỗ quan tài để mai táng cho bà. Buổi tối, bố ngồi trên lò sưởi của bà, nước mắt tuôn rơi suốt một đêm.

Lần đầu tiên trong đời, Tiêu Thắng biết thế nào là “chết”. Nó biết, “chết” chính là “không còn nữa”. Nó không còn bà nữa rồi. Nó nằm trên cái gối, trên gối vẫn còn mùi tóc của bà. Nó khóc.

Bà khâu cho nó hai đôi giày. Làm xong, bà bảo: “Cháu lại đây, thử đi xem.” “Bà đợi cháu một tí!” Rồi vù một cái, nó chạy vụt đi. Tiêu Thắng tỉnh dậy, nó để chân không rồi thử hết cả hai đôi giày. Một đôi vừa vặn với chân, một đôi rộng một chút. Bàn chân trần của nó chạm vào đế giày bằng vải, cảm nhận được cả đường chỉ khâu đế giày của bà, nó cất tiếng gọi “Bà ơi!”, rồi nức nở khóc mãi.

Bố đi thăm hỏi các ông các bác trong thôn, rồi thu dọn đồ đạc trong nhà, lấy những cái nồi bát gáo chậu còn dùng được chất cả vào trong một cái sọt to. Lại đem đôi giày mà bà nội khâu cho Tiêu Thắng bỏ vào sọt. Đem hai lọ bơ còn chưa đụng vào tí nào cũng bỏ cả vào sọt. Khóa cửa lại, rồi dắt Tiêu Thắng lên đường.

Tiêu Thắng không quen ở với bố. Nó ở với bà đã quen rồi. Mới đầu nó không nói năng gì cả. Nó nhớ nhà, nhớ bà, nhớ cây liễu ngoẹo cổ ấy, nhớ đôi ngỗng trắng tinh của nhà Tiểu Tam, nhớ chuồn chuồn, nhớ muồm muỗm, nhớ chú cào cào mỗi khi cất cánh bay lên phát ra tiếng xành xạch, để lộ cả lượt cánh màu hồng đào mềm mại bên dưới cái cánh xanh cứng hơn bên ngoài … Về sau, ở với bố quen rồi. Bố là bố mà! Hai bố con đi ô tô, ngồi tàu hỏa, sau đó lại đi ô tô. Bố tốt lắm. Bố luôn khơi gợi cho nó nói chuyện, kể cho nó rất nhiều chuyện ở Khẩu Ngoại, nó ngày càng nói nhiều hơn, hỏi hết cái này đến cái khác. Nó dần nảy sinh một sự thích thú rất nồng nàn với “Khẩu Ngoại”.

Nó hỏi bố, sao lại gọi là Khẩu Ngoại? Bố bảo, “Khẩu Ngoại” nghĩa là khu vực bên ngoài vùng Trương Gia Khẩu, lại cũng gọi là “Bối Thượng”. “Vì sao gọi là Bối Thượng?” – Nó cứ tưởng chữ “Bối” ở đây là một con đê bối. Bố bảo, cứ đợi lúc nào đến con sẽ biết.

Quả tình thì “Bối” là một quả núi lớn sườn trơn dốc. Đỉnh núi bằng phẳng, rất giống một con đê bối, nhưng mà lớn lắm! Xe ô-tô lấy hết ga chạy lên trên. Xe bò đi rất khó nhọc, tựa hồ đến thở cũng không thở nổi, liên tục gằn từng tiếng khừng khừng. Lên được núi lớn rồi, ối chà, một vùng đất bằng rộng lớn! Đúng là bằng phẳng thật! Vừa phẳng vừa rộng, cứ như được láng đều vậy. Làm sao có thể phẳng được như thế này! Xe ô-tô lên được mặt đê rồi, thì vui vẻ hẳn, không còn kêu khừng khừng nữa, êm ro ro chạy thẳng về phía trước. Lên mặt đê rồi, không khí cũng đột nhiên thay đổi hẳn. Dưới đê là mùa hè, mà lên đến mặt đê rồi thì cứ như mùa thu, bỗng nhiên mát mẻ hẳn. Trên đê, dưới đê, cứ y như được cắt bằng dao, bằng phẳng thật! Xa xa là mấy qủa đồi nhỏ, tròn xoe. Đến một cái cây cũng không có. Ở quê nó có rất nhiều cây. Cây du, cây liễu, cây hòe. Còn đây không biết là chỗ nào, mà chẳng có lấy một cái cây gì cả! Chỉ có một khoảnh đất bằng rộng lớn, xanh biếc, mọc đầy những cỏ. Có đất. Khoảng đất này lớn thật. Từ ngọn đồi này, tựa như có một tấm vải lớn, kéo thẳng tới ngọn đồi kia. Mảnh đất này rốt cuộc rộng bao nhiêu? Bố bảo nó: Có một người nông dân dắt một con trâu mẹ đi cày, cày một lượt, đến lúc trở về thì con trâu mẹ dắt thêm một con nghé non, đã ba tuổi rồi!

Xe ô-tô đã đến thị trấn của huyện có tên là huyện Cô Nguyên. Đó là bến cuối cùng của họ. Một cỗ xe bò đến đón họ. Bộ dạng cỗ xe ấy thật buồn cười, hai bánh xe là hai cái bánh gỗ, lại không được tròn lắm, cứ lộc cà lộc cộc lăn về phía trước. Tiêu Thắng nằm ngửa mặt trên xe bò, trên đầu là bầu trời xanh rất rộng. Xe bò đi chậm lắm, còn không nhanh bằng nó đi bộ. Có lúc, nó nhảy xuống đất hái mấy bông hoa dại, đi một chặp, rồi lại trèo lên xe.


Việc trồng trọt ở nơi này cũng không giống như ở những vùng phía trong. Ở đây không có cao lương, cũng không có ngô, chỉ trồng mạch, trồng vừng. Mạch thì rất sạch sẽ, cứ như được lấy nước tắm rửa, chải gội cho vậy. Vừng thì được che bằng những cái ô nhỏ màu xanh, trông rất nho nhã, chẳng giống rau mầu, mà cứ y như một loại hoa để xem chơi.
 

Ồ, một cánh đồng hoa thạch thảo thật lớn. Thạch thảo thì quê nó cũng có, nhưng không cao to như ở đây, cao đến ngang eo người lớn, nở những bông hoa như cánh bướm to bằng bàn tay. Nhìn không biết đến đâu là cùng. Một cánh đồng thạch thảo thật lớn! Cả đời này Tiêu Thắng cũng không quên được. Nó cứ như đang ở trong một giấc mơ vậy.

Xe bò cứ đi mãi, đi mãi. Bố bảo: Đến rồi! Nó ngồi lên nhìn: cả một cánh đồng khoai tây, đều đang nở hoa, màu phấn hồng, màu xanh tím nhạt, màu trắng … Nhìn ngút tầm mắt, tựa như trời vừa đổ một trận mưa tuyết. Những bông tuyết theo gió bay phất phơ, khiến nó hơi hoa mắt. Không xa có một dãy nhà, tường đất, cửa kính. Đó chính là “Trạm nghiên cứu Khoai tây” mà bố đang công tác.

Từ trong nhà có một người chạy ra. “Mẹ …!” Nó vừa nhìn là nhận ra ngay! Mẹ chạy lại, vươn tay ôm chặt nó vào lòng.

Tiêu Thắng sẽ ở lại nơi này, ở cùng với bố và mẹ nó.

Nếu có cả bà cùng tới đây thì tốt biết bao.

Bố của Tiêu Thắng học ngành nông nghiệp, nhưng mấy năm nay toàn làm những việc đâu đâu. Bà nội hỏi bố: “Làm sao họ cứ điều con đi hết chỗ này đến chỗ khác như thế?” Bố nó đáp: “Vì con dễ bắt nạt.” Chẳng ai muốn tới Trạm nghiên cứu Khoai tây cả, vì ngại xa xôi. Bố nó thì bằng lòng. Mẹ nó học hội họa, mấy năm trước chuyên vẽ mấy bức tranh hai em bé nhổ một cây củ cải lớn mà nhổ không nổi này, rồi một quả đậu mà phía trên nếu dương cánh buồm lên thì có thể làm được cái thuyền này. Mẹ cũng bằng lòng cùng bố đến đây, để vẽ “Khoai tây đồ phả” – tất cả những hình vẽ về cây khoai tây.

Mẹ bưng cơm lên cho mọi người ăn. Là bánh bột ngô thực sự, và hai bát cháo to. Mẹ bảo, cháo này nấu từ hạt lòng vực, hơi giống như hạt kê, nhưng nhỏ hơn kê. Bát cháo xanh ngăn ngắt, rất sánh, rất thơm. Lại còn một đĩa tây cá diếc, rất to. Bố bảo, cá diếc ở nơi khác rất ít có con nào hơn một cân, còn cá diếc trong “đầm” ở đây có con nặng tới một cân hai. Cá diếc ăn hạt lòng vực, béo lắm. Lòng vực chín rồi, gió thổi hạt bay đầy xuống đầm, nên cá có hạt lòng vực ăn. Tiêu Thắng ăn no căng cả bụng.

Bố nói, phải đưa Tiêu Thắng đến cùng vì có ba lý do: một là bà nội đã mất rồi, ở quê chẳng còn ai cả; Hai là Tiêu Thắng đến tuổi đi học rồi, sau kỳ nghỉ hè sẽ đến một trường tiểu học cách đó không xa xin học; Ba là ở đây ăn uống cũng đầy đủ hơn một chút. Khẩu Ngoại đất rộng người ít, làm lụng cũng dễ hơn một chút. Ở đây, ruộng mỗi người tự giữ lại cũng được năm mẫu! Tùy nghi cày cuốc một mảnh cũng có thể trồng trọt được chút gì. Bố và mẹ bèn khai hoang một mảnh đất ở bên trạm nghiên cứu, trồng khoai tây, bí ngô. Khoai tây đã có hoa rồi, bí ngô cũng đã có nụ. Chẳng bao lâu nữa là có cái ăn.

Trạm nghiên cứu khoai tây rất vắng vẻ, tất cả không có bao nhiêu người. Có bố, mẹ, và mấy người công nhân. Công nhân thì đều có nhà riêng. Ở trong trạm chỉ có một nhà Tiêu Thắng. Chỗ này, đúng là yên tĩnh. Cả ngày không nghe thấy một âm thanh gì, ngoài tiếng gió thổi qua những bông lúa mạch, sàn sạt như một cơn mưa nhỏ. Thi thoảng có một con chim én nhỏ cất tiếng kêu chí chách.

Hàng ngày bố đội một chiếc mũ rơm ra đồng cùng làm việc với những công nhân, làm cỏ cho khoai tây. Cũng có lúc bố đọc sách, tra cứu tài liệu. Mẹ thì cứ sáng dậy lại đi khắp nơi hái một nắm tướng hoa khoai tây, một nắm tướng lá khoai tây mang về cắm vào lọ, dồn hết tinh thần nhìn vào nó, rồi vẽ từng nét từng nét một. Những bông hoa mẹ vẽ giống hệt những bông hoa thật! Tiêu Thắng ngày nào cũng theo mẹ ra đồng, lúc quay về giày và gấu quần đều ướt đẫm vì sương. Hai đôi giày mới bà làm cho nó vẫn chưa đi. Giày và hai lọ bơ đều được mẹ cất vào tủ khóa lại.

Ban ngày không có việc gì, nó bèn chạy chơi khắp nơi, đi lang thang. Ở đây rộng lắm, không có gì ngăn cản hết, chạy rất xa, ngoảnh đầu lại vẫn nhìn thấy dãy phòng của trạm nghiên cứu, không thể lạc được. Nó chạy ra đồng cỏ đi xem bò, xem ngựa, xem dê.

Cũng có lúc nó ra chăm chút cho vườn bí ngô, khoai tây của nhà mình. Dẫy cỏ một tí, rồi ra giếng khoan lấy nửa thùng nước đem lại tưới. Việc này chẳng phải là chơi. Tiêu Thắng đợi để được ăn chúng. Nhà Tiêu Thắng cũng không nấu cơm, mà lấy thức ăn từ nhà ăn của đại đội. Đồ ăn của nhà ăn càng ngày càng kém đi. Cháo lòng vực đã không còn nữa rồi. Bánh bột ngô cũng không còn nữa rồi. Bây giờ ăn bánh bo bo đỏ, với canh rau cải ngọt. Tiếp theo đây, có nhẽ sẽ còn kém nữa. Tiêu Thắng đã hơi sợ bị đói rồi.

Nó học được việc hái nấm. Đầu tiên là mẹ dẫn nó đi hái hai lần, sau đó thì tự nó cũng biết đi hái. Sau cơn mưa xuống, mặt trời vừa ló lên, không khí ẩm ướt lép nhép, là nấm sẽ mọc lên. Lũ nấm sinh sôi rất kỳ lạ, đều mọc ở trong cái “vòng nấm”. Tiêu Thắng cúi thấp đầu xuống, nghiêng mắt nhìn xem, xa xa trên đồng cỏ có một vòng tròn cỏ mọc sẫm màu khác thường, xanh đen xanh đen đi, thấp thoảng trong đó có thể nhìn thấy mấy cái chấm trắng, đó chính là một “vòng nấm” tròn xoe. Nấm sẽ mọc trên vòng tròn cỏ sẫm mầu ấy. Phía trong vòng tròn không có, phía ngoài vòng tròn không có. Vòng nấm sẽ cố định ở đó. Năm nay nấm mọc, sang năm lại mọc. Chỗ nào có vòng nấm, những người dân ở đó đều biết cả.  

Có một cái vòng nấm như phát cuồng, nó không ngừng mọc nấm, lớn nhanh như thổi, mọc nấm liền ba ngày ba đêm, cứ như có ma, nhìn đến phát sợ. Bảy tám nhà quanh đó đều tới hái, lấy dây xâu lại, treo dưới mái hiên nhà. Nhà nào cũng treo ba bốn xâu. Mọi người bảo, cái vòng nấm này sang năm sẽ không mọc nấm nữa, nó chết rồi. Tiêu Thắng cũng hái được một ít. Nó thích thú vô cùng, trong lòng như mở cờ. “Mày giỏi lắm! Mày giỏi lắm! Nhiều ghê! Nhiều ghê!” Nó phát tài rồi.

Làm sao nó lại thích thú như thế? Nấm có thể ăn được mà!    

Tiêu Thắng vừa lấy dây xâu những cây nấm, vừa rơi nước mắt. Nó nhớ đến bà. Nó muốn gửi cho bà hai xâu nấm. Bây giờ thì nó đã biết, bà nó chết vì đói. Người ta không phải chết ngay lập tức vì đói, mà sẽ chết một cách từ từ vì đói.

Bánh bo bo đỏ ở nhà ăn càng ngày càng không ngon, vì độn thêm cám. Canh lá cải ngọt cũng càng ngày càng khó nuốt, vì chẳng có tẹo mỡ nào. Nó ghét thứ bánh bo bo đỏ độn cám ấy, ghét thứ canh cải ngọt không có dầu mỡ ấy!

Nó vẫn đi lang thang, chạy chơi khắp nơi.

Bên ngoài nhà ăn đại đội bỗng náo nhiệt hẳn lên. Đầu tiên là người ta cho kéo một xe bò “gạch dê” đến. Tiêu Thắng hỏi bố, đó là cái gì. Bố nó bảo: “Gạch dê” - “Gạch dê là gì?” – “Phân dê đem ép chặt lại, cắt thành từng miếng từng miếng.” – “Dùng làm gì ạ?” – “Đốt!” – “Cái này đốt được ư?” – “Đốt tốt lắm đấy! Lửa rất đượm.” Sau đó người ta chuyển đến một cái bếp to. Rồi giết hơn mười con dê. Tiêu Thắng đứng bên cạnh xem làm thịt dê. Nó chưa từng được xem giết thịt dê bao giờ. Ồ, không rơi một giọt máu ra ngoài, một tấm da dê được lột ra nguyên lành!

Việc này để làm gì vậy?

Bố bảo, sắp hội nghị cán bộ ba cấp!

“Sao lại gọi là Hội nghị cán bộ ba cấp?”

“Đợi con lớn lên rồi sẽ biết!”

Hội nghị cán bộ ba cấp, tức là cán bộ ba cấp ăn cỗ.

Đại đội vốn có hai nhà ăn, nhà ăn phía nam, và nhà ăn phía bắc, ở giữa cách một khoảng sân, trên sân lại che một cái rạp nhỏ, trời mưa cũng có thể đi qua lại giữa hai nhà ăn được. “Xã viên” vốn được chia ra ăn cơm ở hai nhà ăn. Nay có hội nghị cán bộ ba cấp, thì tất cả mọi người đều chen nhau dồn sang ăn ở nhà ăn phía bắc cả. Nhà ăn phía nam để trống, dành cho các cán bộ tham dự hội nghị.

Hội nghị cán bộ ba cấp họp trong ba ngày, ăn cỗ ba ngày. Bữa trưa ngày thứ nhất là thịt dê, nấm rơm tẩm bột. Ngày thứ hai, thịt kho, cơm trắng. Ngày thứ ba, bánh bột mì bơ nướng. Bữa tối thì chỉ qua loa láo nháo thôi.

“Xã viên” và “cán bộ” cùng ăn cơm một giờ. Xã viên ăn ở nhà ăn phía bắc, cán bộ thì ở nhà ăn phía nam. Nhà ăn phía bắc vẫn là bánh bo bo đỏ, canh cải ngọt. Người trong nhà ăn phía bắc ngửi mùi thức ăn từ nhà ăn phía nam bay sang, lại bảo: “Thịt dê, nấm rơm tẩm bột, thơm quá, thơm quá!”, “Thịt kho, cơm trắng thơm quá, thơm quá!” “Bánh bơ nướng, thơm quá, thơm quá!”

Tiêu Thắng mỗi bữa đi lấy cơm cũng ngửi thấy mùi thơm thức ăn từ nhà ăn phía nam. Thịt dê, cơm trắng, nó cũng chẳng lạ gì. Nó đã từng thấy, cũng từng ăn rồi. Nhưng bánh bơ nướng thì nó chưa từng được ngửi mùi lần nào. Thơm thật, ngửi thấy mùi thơm đó, chỉ muốn được ăn một miếng.

Về đến nhà, vừa ăn cái bánh bo bo đỏ, nó vừa hỏi bố: “Vì sao họ lại được ăn bánh bơ nướng?”

“Vì họ tham dự hội nghị.”

“Hội nghị làm sao lại được ăn bánh bơ nướng?”

“Họ là cán bộ.”

“Cán bộ làm sao lại được ăn bánh bơ nướng?”

“Ôi dào! Sao con hỏi lắm thế! Ăn bánh bo bo đỏ của con đi!”

Đang nuốt miếng bánh bo bo đỏ, mẹ Tiêu Thắng bỗng nhiên đứng dậy, dốc chút bột mì trắng tinh trong hũ ra, rồi lại lấy từ trong tủ ra một lọ bơ mà bà nội còn chưa hề đụng tới, mở lắp nọ, xắn ra một miếng to, tìm lấy một nắm đường trắng, đánh đều, rồi cán làm hai cái bánh bột mì trộn bơ, bỏ vào lò nướng chín. Cái bánh bơ tỏa mùi hương thơm ngào ngạt, y như mùi thơm bốc ra từ nhà ăn phía nam. Mẹ để cái bánh bơ trước mặt Tiêu Thắng, nói:

“Ăn đi con, đừng hỏi nữa.”    

Tiêu Thắng ăn hai miếng, đúng là ngon thật. Bỗng nhiên nó nhệch miệng bật khóc thành tiếng, rồi gọi to một tiếng: “Bà ơi!”

Mắt mẹ nó cũng ngân ngấn lệ.

Bố bảo: “Đừng khóc nữa, ăn đi.”

Tiêu Thắng vừa ròng ròng nước mắt, vừa ăn cái bánh bơ. Nước mắt chảy cả vào miệng nó. Bánh bơ nướng thì ngọt, còn nước mắt thì mặn chát.     

Châu Hải Đường dịch

(TC VNQĐ số 986 - 987, tháng 4-2022)

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2022

BÊN LỀ BẢN THẢO - Tản văn Giả Bình Ao

 Một câu chuyện như thế nào mới là câu chuyện của Trung Quốc?

Hiện nay rất nhiều tác phẩm nghệ thuật, bao gồm cả các tác phẩm văn học, có khá nhiều sự thể hiện của văn hóa Trung Quốc. Nhưng đó đều là những cái có từ đời Minh, Thanh trở về sau này, trong khi thời kỳ Minh, Thanh lại là thời kỳ suy bại của xã hội Trung Quốc, chứ không phải thời kỳ lớn mạnh và hưng thịnh của xã hội Trung Quốc.

Những cái như quyền cước, đèn lồng, múa sư tử, ăn sủi cảo, múa rối bóng…, chỉ là một số nhân tố trong văn hóa Trung Quốc, chỉ là những thứ nông, mỏng, vụn vặt, bề ngoài. Nhân tố không phải là điển hình, văn hóa Trung Quốc nhất định phải tìm đến được cái tinh túy, cái căn bản của văn hóa Trung Quốc.

Tỉ như, lịch mặt trăng và sự hình thành nên âm dương ngũ hành trong văn hóa Trung Quốc, là cách nhìn của dân tộc Trung Hoa đối với vũ trụ tự nhiên, đối với sự sống. Những cách nhìn này đã hình thành nên phương thức tư duy của dân tộc Trung Hoa thế nào, và quan điểm triết học của nó ra sao? Ví dụ như Nho giáo, Thích (Phật) giáo, Đạo giáo của Trung Quốc, Đạo thì nói về thiên nhân hợp nhất, Thích thì nói về sự chuyển hóa của tâm, Nho thì nói về tu dưỡng đối với bản thân và trung dung trong việc xử thế. Ba tôn giáo này đã ảnh hưởng đến sự cấu thành và vận hành xã hội của Trung Quốc như thế nào?

Tỉ như, trừ Nho, Thích, Đạo ra, trong dân gian Trung Quốc lại cũng đồng thời cho rằng vạn vật hữu linh, và kính sợ trời. Những cái điển hình, những cái hạt nhân này trong văn hóa Trung Quốc, mới hình thành nên tư duy và tính cách của người Trung Quốc. Nó trọng chỉnh thể, trọng hỗn độn, trọng tượng hình, trọng đạo đức, trọng quan hệ, trọng trật tự. Đi sâu vào tìm hiểu những cái này, mới có thể nhìn rõ được xã hội Trung Quốc, mới có thể hiểu được rất nhiều sự tình phát sinh ra trong xã hội ấy.

(Huyền Trang - Giả Bình Ao vẽ)

Lối tư duy, tính cách, tôn giáo và triết học ấy của người Trung Quốc, đã tiến lên một bước ảnh hưởng và đi liền với thẩm mỹ của người Trung Quốc, hình thành nên một đặc điểm riêng của nó, khác hẳn so với phương Tây. Từ lâu tôi đã từng nói, sáng tác của chúng ta, ở cảnh giới của tác phẩm phải học tập của phương tây, ở tầm nhìn của tác phẩm phải nhìn rõ được cái chủ lưu của toàn nhân loại, nhưng ở hình thức biểu hiện của tác phẩm lại bắt buộc phải là thứ của dân tộc Trung Hoa.

Tôi xin lấy một ví dụ, khi chúng ta chưa đi máy bay, chúng ta cho rằng trời có râm có tạnh, trăng có khuyết có tròn, mây có tan có tụ. Nhưng khi chúng ta đi máy bay rồi, mới phát hiện ra rằng phía trên những tầng mây đều là ánh nắng mặt trời, xuyên qua bất cứ một đám mây nào, bất kể đám mây ấy có gây ra mưa rào hay mưa đá hay sấm chớp …, thì khi xuyên qua rồi, cũng đều là ánh mặt trời. Giả như coi ánh mặt trời ấy là điểm chung của cả nhân loại, thì tác phẩm của chúng ta nhất định phải xuyên qua những đám mây ấy để đến được tận nơi có ánh mặt trời. Và đồng thời, chúng ta đều tồn tại dưới một đám mây nào đó, dẫu cho đám mây ấy đang đổ mưa, hay sa băng đá, chúng ta cũng không cần phải từ dưới đám mây này, chạy sang dưới một đám mây khác, mà hãy từ dưới đám mây ấy nỗ lực xuyên qua nó để đến nơi có ánh mặt trời.

Đám mây ấy là môi trường sống của chúng ta, xuyên qua nó, lại là hình thức thể hiện của chúng ta. Để xuyên qua tầng mây của mình, tôi cũng đã từng đem hý kịch của chúng ta so sánh với kịch nói của phương tây, đem tranh thủy mặc của chúng ta so sánh với tranh sơn dầu của phương tây, đem Trung y của chúng ta so sánh với Tây y. Hý kịch thì tả ý (ước lệ) nhiều hơn, còn kịch nói thì tả thực nhiều hơn. Tranh thủy mặc thì đường nét nhiều hơn, tranh sơn dầu thì mảng miếng nhiều hơn. Trung y thì tổng hợp là nhiều hơn, còn Tây y thì phân tích lại nhiều hơn. Tôi nói những điều này, đại khái ý là: trong khi đọc và hiểu những câu chuyện của Trung Quốc, không những phải nhìn thấy câu chuyện ấy có ly kỳ không, có náo nhiệt không, có tuyệt vời không, mà quan trọng hơn phải xem câu chuyện ấy được kể thế nào, xem tư duy, phương pháp, ngôn ngữ của nó có phải là kiểu Trung Quốc hay không.

     Châu Hải Đường dịch

(Viết & Đọc số Mùa hạ 2022)


Thứ Tư, 20 tháng 4, 2022

VỀ VIỆC ĐỌC SÁCH - Lỗ Tấn (Trò chuyện tại trường Trung học Tri Dụng, Quảng Châu ngày 16.7.1927)

 Nhân các thầy ở trường trung học Tri Dụng muốn tôi có một buổi diễn thuyết tại trường, cho nên ngày hôm nay tôi đã đến và được gặp mặt các bạn tại đây. Thực ra tôi cũng không có cái gì đáng để nói cả, bỗng nhiên nghĩ đến, trường học là nơi đọc sách, vì vậy tôi xin tùy tiện nói một chút về việc đọc sách. Đó chỉ là những ý kiến của cá nhân tôi, tạm đưa ra để các bạn tham khảo, chứ thực cũng không có gì đáng để gọi là diễn thuyết cả.

Nói đến đọc sách, tựa hồ đó là một việc rất rõ ràng, chỉ cầm đem sách ra đọc là được rồi. Nhưng không hề đơn giản như vậy. Ít nhất là có hai kiểu: một là đọc sách vì công việc, và hai là đọc sách vì sở thích. Gọi là đọc sách vì công việc, ví dụ như học sinh vì phải lên lớp, giáo viên vì phải giảng bài, nếu không mở sách ra đọc thì sẽ khá nguy hiểm. Tôi nghĩ, trong các bạn đang ngồi ở đây, nhất định có một số bạn có kinh nghiệm thế này: có người không thích toán, có người không thích vật lý, nhưng không thể không học được, nếu không, sẽ không thể hoàn thành chương trình, không thể lên lớp, và nó sẽ phương hại đến sinh kế tương lai của các bạn. Bản thân tôi cũng như vậy. Vì tôi làm thầy giáo, nên cũng có lúc không thể không đọc loại sách mà mình không thích, nếu không như vậy, chỉ e rằng không bao lâu sẽ ảnh hưởng ngay đến bát cơm của mình. Chúng ta đã thành thói quen, cứ nói đến đọc sách, bèn cảm thấy đó là một việc rất cao thượng, kỳ thực việc đọc sách như thế này, cũng chẳng khác gì việc một ông thợ mộc mài lưỡi cưa, ông thợ may sửa kim chỉ cả. Chẳng những không có gì là cao thượng, mà có khi còn rất đau khổ, rất đáng thương.  Việc bạn muốn làm, thì lại không cho bạn làm, còn việc bạn không muốn làm, thì lại không làm không được. Đó là vì giữa công việc và sở thích không thể hợp nhất được lại với nhau. Nếu như mọi người đều có thể làm những việc mà mình yêu thích, mà ai nấy vẫn có cơm ăn, thì hạnh phúc biết bao. Song, xã hội hiện nay còn chưa làm như vậy được, cho nên phần lớn những người đọc sách hầu như chỉ là đọc một cách miễn cưỡng và đau khổ vì công việc của mình mà thôi.

Bây giờ, tôi xin nói đến việc đọc sách vì sở thích. Đó là việc xuất phát từ tự nguyện, không hề bắt buộc, tách rời hoàn toàn khỏi những quan hệ lợi ích. Tôi nghĩ, việc đọc sách vì sở thích, cũng giống như người mê bài bạc vậy, ngày nào cũng chơi, tối nào cũng chơi, liên tục chơi, có khi bị cảnh sát bắt rồi, nhưng sau khi được thả ra lại tiếp tục chơi. Các bạn nên biết rằng, một người thực sự mê bài bạc thì mục đích của họ không phải ở kiếm tiền, mà ở cái thú của bài bạc. Bài bạc thì có cái thú thế nào, tôi là người ngoại đạo, cũng không hiểu lắm. Nhưng tôi có được nghe những người mê bài bạc nói, nó lý thú ở chỗ từng lá từng lá bài anh bốc lên, đều luôn biến hóa vô cùng. Tôi nghĩ, phàm những người mê đọc sách, có thể tay không rời quyển sách, thì nguyên nhân cũng là như vậy. Trong mỗi một trang sách, anh ta đều thấy một thú vị vô cùng sâu sắc. Tất nhiên, nó cũng có thể giúp mở mang tinh thần, tăng thêm tri thức nữa. Nhưng tôi không đề cập đến những điều này, vì nếu tính đến những điều ấy, thì cũng giống như những con bạc có ý định ở việc kiếm tiền rồi, việc này, trong đám con bạc mà nói, thì cũng bị coi là hàng hạ phẩm.

(Lỗ Tấn trong thư phòng)

Nhưng, ý tôi, hoàn toàn không phải là khuyên các bạn nên bỏ học, để đi đọc những cuốn sách mà mình thích đọc. Thời điểm ấy còn chưa đến. Cũng có thể trước sau không bao giờ đến, mà nhiều nhất chỉ là, sau này có thể tìm cách khiến cho mọi người nảy sinh thêm nhiều hơn hứng thú với những việc mình không làm không được mà thôi. Tôi đang nói rằng, các bạn thanh niên thích đọc sách, rất có thể đọc thêm những cuốn sách ngoài những cuốn bổn phận phải đọc của mình, tức là những cuốn ngoài sách học ở trường, chứ không phải chỉ có ôm chặt lấy những cuốn giáo khoa. Nhưng xin chớ hiểu lầm, tôi không hề nói rằng, tỷ như trong giờ ngữ văn, nên đọc trộm những cuốn như “Hồng lâu mộng” giấu dưới ngăn bàn. Mà là nói rằng, trong lúc rảnh rỗi sau khi đã làm xong bài tập, các bạn có thể đọc xem các loại sách khác, dù rằng có cuốn không liên quan gì đến chuyên môn của mình cả, cũng nên rộng đọc. Ví như người học Vật Lý, thì nên đọc thêm sách văn học, người học Văn Học, thì nên đọc thêm sách khoa học, xem xem những nghiên cứu của người khác về lĩnh vực ấy rốt cuộc là như thế nào. Như vậy, thì với những người khác, việc khác, có thể có những hiểu biết sâu hơn. Trung Quốc hiện nay có một cái tật rất lớn, đó là người ta hầu như đều cho rằng những gì mà mình học mới là thứ học vấn hay nhất, tuyệt nhất, quan trọng nhất, còn những cái khác đều vô dụng, đều không đáng để nói. Những người làm những việc không đáng để nói ấy, rồi tương lai tất chết đói. Kỳ thực là, thế giới không hề giản đơn như vậy, thứ học vấn nào cũng đều có chỗ dùng của nó, muốn xác định xem cái nào mới là hàng đầu là rất khó. Cũng may rằng, chúng ta có đủ mọi kiểu người, chứ giả như trên thế giới tất cả đều là nhà văn, chỗ nào cũng chỉ thấy nói đến nếu không phải là “phân loại văn học” lại là “cấu tạo của thơ”, thì không biết sẽ vô vị đến đâu.

Nhưng những điều tôi vừa nói trên, chỉ là những hiệu quả kèm theo có được mà thôi. Khi đọc sách theo sở thích, thì bản thân người ta tự nhiên không tính toán đến những cái đó, cũng giống như đi chơi công viên vậy, cứ thoải mái mà đi, vì thoải mái đi, cho nên không thấy mệt, vì không thấy mệt, cho nên cảm thấy thú vị. Nếu như một quyển sách cầm đến tay, mà trong lòng luôn nghĩ rằng, “Mình đang đọc sách đây!”, “Mình đang ra sức đây!”, như vậy sẽ rất dễ mệt mỏi, và vì thế mà giảm mất cả thú vị, hoặc giả sẽ biến thành một việc khổ sở.

Tôi thấy thanh niên ngày nay, vì hứng thú mà đọc sách là có, và tôi cũng luôn luôn gặp những câu hỏi khác nhau của họ. Bây giờ, tôi xin nói một chút về những điều suy nghĩ của mình, nhưng chỉ giới hạn ở phương diện văn học, bởi vì tôi không hiểu lắm về những lĩnh vực khác.

Thứ nhất, là chúng ta thường không có sự phân biệt rõ giữa văn học và văn chương. Thậm chí có người đã bắt tay vào làm công việc phê bình văn chương, cũng không tránh khỏi lỗi ấy. Thực ra, nói một cách đại khái, cái này rất dễ phân biệt. Những người nghiên cứu về lịch sử hay lí luận văn chương, là những nhà văn học, nhà nghiên cứu; Còn những người làm thơ, viết kịch, tiểu thuyết, là những người làm văn chương, mà như thời xưa vẫn nói là văn nhân, và bây giờ thì gọi là nhà sáng tác. Nhà sáng tác không hiểu chút nào về văn học sử hay lý luận văn học cũng không hề gì cả, và nhà văn học không làm nổi một câu thơ cũng không sao. Thế nhưng trong xã hội Trung Quốc vẫn hiểu rất sai lầm rằng, anh viết được mấy thiên truyện ngắn, thì liền cho rằng anh nhất định phải hiểu được khái luận về tiểu thuyết, làm được mấy câu thơ mới, liền muốn anh phải nói về nguyên lý của thơ. Tôi cũng thường gặp những bạn thanh niên muốn viết tiểu thuyết, bèn trước tiên đi mua sách về cách thức viết tiểu thuyết và lịch sử văn học để đọc. Cứ như tôi thấy thì, dẫu các bạn ấy có đọc nát mấy cuốn sách đó, cũng không có tác dụng gì với việc sáng tác của các bạn ấy cả.

Trên thực tế, hiện nay cũng có một số người làm văn chương, có khi cũng đi làm thầy giáo. Nhưng đó là bởi vì công việc sáng tác ở Trung Quốc không kiếm ra tiền, không nuôi nổi bản thân mình. Nghe nói, những tiểu thuyết gia ở Mỹ viết một truyện vừa, cũng có giá tới hai ngàn Mỹ kim. Còn Trung Quốc, người khác tôi không biết thế nào, chứ bản thân tôi thì truyện ngắn gửi tới nhà sách lớn, mỗi truyện được trả hai mươi đồng. Vì thế đương nhiên, phải tìm một việc khác, ví dụ như làm thày giáo, diễn giảng văn học. Nghiên cứu thì phải dùng đến lý trí, phải bình tĩnh lạnh lùng, còn sáng tác thì cần tình cảm, chí ít cũng phải có chút lửa nóng, và thế là chợt nóng chợt lạnh, làm cho đầu óc quay cuồng – Đó cũng là nỗi khổ của vấn đề công việc và sở thích không thể hợp làm một vậy. Nếu chỉ có khổ thì cũng coi như thôi không nói nữa, nhưng kết quả còn là chẳng việc gì làm được ra hồn cả. Chứng cứ của nó là, các bạn thử giở lịch sử văn học thế giới ra xem, những người trong đó, cơ hồ chẳng có ai là kiêm làm giáo viên cả.

Lại còn một cái hỏng nữa, ấy là khi đã làm giáo viên rồi, không tránh khỏi sẽ có những chỗ tránh né. Giáo viên phải có khuôn khổ của giáo viên, không thể tùy ý nói những điều mình muốn nói. Nói như vậy, có thể sẽ có người phản bác rằng: Vậy ông cứ thoải mái nói những điều mình muốn nói là được rồi, hà tất phải cẩn trọng như thế. Nhưng đó chỉ là những câu nói cho có khi chưa vào việc mà thôi, một khi xảy ra việc rồi, tự nhiên kẻ ấy cũng sẽ theo số đông mà công kích anh vậy. Mặt khác, bản thân người thầy giáo, dẫu rằng có tự cho mình phóng khoáng đến mức nào, thì trong ý thức rốt vẫn không tránh khỏi luôn có một khuôn khổ. Cho nên, ở nước ngoài, những cái gọi là “Tiểu thuyết giáo sư” cũng không ít, nhưng không có mấy ai khen hay, ít ra là nó luôn khó tránh khỏi có những chỗ khoe khoang học thức khiến người ta chán ớn.

Cho nên, tôi nghĩ rằng, nghiên cứu văn học là một việc, còn làm văn chương lại là một việc khác.

Thứ hai, tôi thường được hỏi rằng: Muốn làm về văn học, thì nên đọc sách gì? Đây thực sự là một câu hỏi rất khó trả lời. Trước đây cũng có mấy vị tiên sinh đã kê ra danh mục dài một loạt các loại sách cho thanh niên đọc. Nhưng cứ như tôi thấy, cái đó không hề có tác dụng gì, bởi vì tôi cảm thấy đó đều là những cuốn sách mà bản thân vị tiên sinh kê danh mục sách ấy muốn đọc, hoặc giả chưa hẳn đã muốn đọc. Tôi cho rằng, nếu muốn theo cách cũ, thì chẳng gì bằng tạm căn cứ vào “Thư mục vấn đáp” của Trương Chi Động mà đi tìm theo. Còn nếu muốn theo cách mới, nghiên cứu văn học, thì tự mình trước hết hãy đọc các loại sách sổ tay, như “Khái luận Văn học mới” của Honma Hisao, “Biểu tượng của sầu khổ” của Kuriyagawa Hakuson, “Luận chiến văn nghệ Nga Xô” của Voronsky, sau đó hãy tự mình thử suy nghĩ, mà tiếp tục đọc rộng thêm. Bởi vì, lý luận của văn học không giống như toán học, hai lần hai nhất định là bốn, cho nên chúng rất trái khác nhau. Như cuốn sách thứ ba kể trên, chính là tranh luận giữa hai phái văn chương của Nga, - tôi xin nói thêm một câu, gần đây nghe nói, đến tiểu thuyết của Nga cũng không có mấy người xem, dường như cứ thấy một chữ “Nga” là giật mình, kỳ thực những sáng tác mới của Nga Xô đã từng có ai giới thiệu đâu, hiện nay có mấy cuốn được dịch in, thì đều là những tác phẩm trước cách mạng, mà tác giả của nó ở bên nước ấy đều đã bị coi là phản cách mạng rồi. Nếu muốn thử đọc những tác phẩm văn nghệ, thì trước hết nên đọc những cuốn tuyển chọn của các danh gia, từ đó cảm thấy tác phẩm của ai khiến bản thân mình thích đọc nhất, rồi sau sẽ tìm đọc tập riêng của tác giả đó, tiếp theo nữa lại từ lịch sử văn học xem xem vị trí lịch sử của tác giả ấy. Nếu như muốn biết một cách tường tận, thì xem một vài cuốn truyện ký của người ấy, là có thể hiểu rõ được đại lược rồi. Nếu chuyên chỉ có đi hỏi người khác, thì mỗi người có một sở thích khác nhau, rốt sẽ chỉ là ông chẳng bà chuộc vậy.

Thứ ba, tôi xin nói mấy câu về việc phê bình. Hiện nay, vì các xuất bản phẩm quá nhiều, - kỳ thực là có bao nhiêu đâu, nhưng vì độc giả không khỏi có chỗ phân vân, bèn trông đợi ở việc phê bình, vì vậy mà các nhà phê bình cũng được dịp nổi lên. Cái gọi là phê bình này, đối với độc giả, chí ít là những độc giả tương cận với tôn chỉ của nhà phê bình ấy, là hữu dụng vậy. Nhưng ở Trung Quốc hiện nay, nhẽ nên tạm thời có một cách nói khác. Thường thường có người nhầm tưởng rằng, nhà phê bình nắm quyền sinh sát với việc sáng tác, chiếm vị trí tối cao trong văn đàn, vì vậy anh ta bèn bỗng nhiên biến thành nhà phê bình. Trên linh hồn anh ta đã treo một cây đao. Nhưng sợ rằng lập luận của mình còn chưa kín kẽ, thì anh ta bèn chủ trương chủ quan. Cũng có lúc anh ta sợ quan sát của mình người khác không coi trọng, thì lại chủ trương khách quan. Có lúc anh ta nói bài viết của mình căn bản là hoàn toàn đồng tình, có lúc lại đem người bị phê bình mắng nhiếc đến không còn đáng một đồng. Phàm những bài viết phê bình của Trung Quốc, tôi càng xem càng thấy mơ hồ, nếu như cho nó là thật, thì sẽ không còn lối nào mà đi nữa. Người Ấn Độ đã sớm biết việc này, nên có một câu chuyện ví dụ rất phổ biến, thế này: Có một ông già cùng đứa con trai dắt theo một con lừa chở hàng đi chợ bán. Bán hàng xong, đứa con cưỡi lừa về, còn ông già đi theo sau. Người đi đường bèn trách cứ người con, rằng không có hiểu biết gì, để cho ông già tuổi cao phải đi bộ. Hai người họ bèn đổi chỗ cho nhau, người cha cưỡi lừa, người con đi bộ. Nhưng người đi đường lại nói ông già nhẫn tâm, bắt con đi bộ. Ông già vội đỡ cả đứa con cùng lên yên ngồi. Người đi đường trông thấy thế lại nói rằng cha con ông tàn ác, kéo cả hai người lên lưng con lừa. Vì vậy hai cha con ông già lại cùng nhau xuống đi bộ cả. Đi chưa được bao lâu, thì lại thấy có người chê cười họ, bảo họ ngốc nghếch, để con lừa đi không mà không cưỡi. Thế là, ông già đành quay sang than thở với đứa con rằng: Chúng ta chỉ còn mỗi một cách thôi, đó là hai cha con ta khiêng con lừa này mà đi! Bất luận là đọc, hay là viết, nếu như lại đi hỏi ý hết người nọ người kia, thì kết quả cuối cùng thường sẽ là khiêng lừa mà đi vậy.

Nhưng tôi hoàn toàn không phải là muốn mọi người không đọc phê bình, chỉ là nói rằng, sau khi đọc rồi, vẫn phải tự mình đọc cuốn sách ấy, tự mình suy nghĩ, tự mình làm chủ. Đọc các loại sách khác cũng vậy, vẫn phải tự mình suy nghĩ, tự mình quan sát. Nếu chỉ đọc sách, sẽ biến thành một cái tủ sách, dẫu cho tự mình cảm thấy thú vị, nhưng thú vị ấy kỳ thực đã dần dà trở nên khô cứng, dần dà chết đi rồi. Trước đây, tôi từng phản đối việc các bạn thanh niên ẩn mình vào trong các phòng nghiên cứu, chính là vì ý này. Đến nay, có một số học giả, vẫn còn đem câu nói ấy coi là một tội trạng của tôi đấy.

Nghe nói, ông Bernard Shaw ở nước Anh, có nói một câu với ý thế này: Thứ tệ nhất trên thế gian này là những kẻ đọc sách. Bởi vì, họ chỉ biết xem tư tưởng nghệ thuật của người khác, mà không dùng cái của chính bản thân mình. Đó cũng chính như Schopenhauer nói là: để kẻ khác phi ngựa trong não mình. Khá hơn một chút là những người suy nghĩ. Bởi vì, họ có thể dùng sức sống của chính bản thân mình, nhưng vẫn không tránh khỏi có những điều nghĩ suông. Cho nên, tốt hơn cả là những người quan sát, họ dùng con mắt của chính mình để đọc bộ sách sống của thế gian này.

Câu ấy rất chính xác, kinh nghiệm thực tế luôn đúng đắn hơn nhiều so với đọc, nghe, hay nghĩ suông. Trước đây tôi đã từng ăn trái vải khô, trái vải đóng hộp, trái vải đã qua nhiều năm, và từ những thứ này suy tưởng về những trái vải tươi. Đến nay, sau khi đã ăn rồi, thì thấy nó hoàn toàn khác với những điều tôi đã suy tưởng. Nếu như tôi không đến Quảng Đông mà ăn trái vải tươi, thì vĩnh viễn tôi sẽ không biết điều ấy. Nhưng đối với câu nói của Shaw, tôi vẫn muốn có thêm một lời bàn  trung lập. Vì Shaw là người Ái Nhĩ Lan, lập luận của ông không tránh khỏi có chút chưa thỏa đáng. Tôi cho rằng, giả như tìm lấy một người quê mùa chưa từng trải ở Quảng Đông, bảo anh ta đi từ Thượng Hải đến Bắc Kinh, hoặc một nơi nào đó, sau đó hỏi xem anh ta quan sát được những gì, thì e những điều anh ta quan sát được sẽ rất hạn chế, bởi vì anh ta chưa từng rèn luyện qua kỹ năng quan sát. Cho nên, muốn quan sát, thì trước tiên vẫn phải trải qua quá trình suy nghĩ và đọc sách.

Tóm lại, ý tôi rất đơn giản: Chúng ta hãy tự mình đọc sách, tức là đọc sách như một sở thích, thỉnh giáo người khác đại để sẽ chẳng tác dụng gì, chỉ nên trước tiên đọc rộng rãi nhiều thể loại, sau đó chọn lựa và đi vào một hoặc vài lĩnh vực tương đối chuyên sâu mà mình yêu thích. Nhưng, chuyên chỉ đọc sách cũng có tệ bệnh của nó, vì vậy tất yếu phải tiếp xúc với hiện thực xã hội, khiến cho những cuốn sách mà mình đọc được sống trở lại.

CHÂU HẢI ĐƯỜNG dịch

(Tạp chí Sông Hương 363 Tháng 5/2019)