Khác với văn xuôi hiện đại, văn xuôi cổ trung đại Việt Nam
cũng như Trung Quốc (tiểu thuyết chữ Hán) đều có không ít thơ từ, và quả thực
ít nhiều là một khó khăn và thách thức cho người dịch. Dẫu rằng, như nhiều bạn
chia sẻ, dù sao dịch thơ từ trong tiểu thuyết, văn xuôi có thể liến phiến, dễ
dãi hơn dịch thơ ca chính thống. Nhưng có thế nào thì dịch thơ vẫn đòi hỏi phải
lựa chữ tìm vần, đảm bảo niêm luật, cho nên, nhiều khi dịch thơ chẳng đáng mấy
chữ, nhưng lại mất khá nhiều thời gian công sức. Riêng với tôi, tôi thường tự đặt
ra một nguyên tắc với mình là:
1. Nếu là thơ, thì có thể dịch thành thơ theo
nguyên thể, hoặc lục bát hay song thất lục bát (hai loại hình sau thường dùng
khi dịch thơ trường thiên). Và nếu dịch thơ tứ tuyệt, hay bát cú Đường Luật thì
bắt buộc phải đảm bảo chuẩn niêm luật, đối ngẫu.
2. Nếu là từ: bắt buộc phải dịch nguyên điệu.
Riêng bấy nhiêu đó, thực ra đã khiến nhiều người ớn ngại khi
dịch thơ ca trong các tác phẩm văn học chữ Hán cổ. Chính vì vậy mà nhiều thơ ca
thường bị lược bỏ bớt đi, dẫu rằng quả tình nhiều bài cũng hơi “nhiêu khê”, dài
dòng. Ấy thế mà, dịch thơ trong văn chương cổ lại còn bị “nâng tầm” thêm một mức
độ nữa, là Họa Vần.
Họa vần, tức là các bài thơ khác nhau dùng chung một chữ làm
vần. Dịch thơ họa vần, ngay cả khi chỉ là thơ ca chuyên nghiệp, đôi khi bản dịch
cũng không thể đảm bảo được cũng là bài thơ họa vần, huống chi lại là thơ từ điểm
xuyết trong tiểu thuyết? Thế nhưng nếu bản dịch lại cũng đảm bảo đúng là thơ họa
vần thì còn gì hơn nữa!
Tôi đã dịch một số tác phẩm văn chương cổ, mà trong đó số lượng
thơ ca không hề nhỏ, đến nỗi dù là người thích thơ, nhưng nhiều khi cũng ngán
hãi. Trong cuốn “Dạ Đàm Tùy Lục” mới được Nhã Nam xuất bản, có thể nói là cuốn
có ít thơ, từ nhất, nhưng trong số ấy lại có mấy bài thơ, từ là thơ họa vần, và
tôi cũng đã gắng dịch nó thành những bài thơ dịch cũng cùng vần với nhau.
Trong chuyện đầu tiên trong tập sách – truyện “Thôi Tú Tài”
(truyện này đầu tiên mà chơi luôn ba bài thơ, trong đó hai bài họa vần, một bài
trường thiên, nhưng may thay phần lớn các truyện sau không có thơ mấy. Thật hú
vía!), có đoạn viết về Lưu công nhân ngày giáp tết nghèo túng không tiền, họa thơ với con gái như sau: Gặp
dịp tháng Chạp sắp hết, mà nhà Lưu không có gì để đón năm mới. Người con gái giỏi làm thơ, đùa ngâm rằng:
Nguyên văn:
悶殺連朝雨雪天,
教人何處覓黃棉。
歲除不比逢寒食,
底事廚中也禁煙。
教人何處覓黃棉。
歲除不比逢寒食,
底事廚中也禁煙。
Phiên âm:
Muộn sát liên triêu vũ tuyết
thiên;
Giao nhân hà xứ mịch hoàng miên.
Tuế trừ bất tỉ phùng Hàn Thực;
Để sự trù trung dã cấm yên.
Bản dịch thơ (trong sách chỉ in bản dịch):
Chết buồn mưa tuyết mấy hôm liền;
Bông vón xui ai khắp chốn tìm.
Tết đến
mà như Hàn Thực tiết;
Trong
bếp vì chưng cũng cấm yên.
Lưu
công nhân họa lại rằng:
Nguyên văn:
今年猶戴昔年天,
昔日輕裘今破棉。
寄語東風休報信,
春來無力出廚煙。
Phiên âm:
Kim niên do đới tích niên thiên;
Tích nhật khinh cừu kim phá miên.
Ký ngữ đông phong hưu báo tín;
Xuân lai vô lực xuất trù yên.
Trong bản dịch thơ, tôi cũng cố gắng dịch theo nguyên vận bài dịch trước
là:
Năm nay năm trước khoảng trời liền;
Trước áo cừu nay bông rách tìm.
Nhắn bảo đông quân đừng báo tết;
Xuân sang sức cạn bếp đành yên!
Lại trong truyện “Tú Cô” có tới hai đoạn các nhân vật họa
thơ với nhau. Đoạn đầu gồm ba bài:
Bài 1 – thơ của Tú Cô
Nguyên văn:
春雲一朵趁風來,
有意無心罨碧苔。
既有閒情能作雨,
如何舒卷上陽台。
Phiên âm:
Xuân vân nhất đóa sấn phong lai;
Hữu ý vô tâm yểm bích đài.
Ký hữu nhàn tình năng tác vũ;
Như hà thư quyển thướng dương
đài.
Bản dịch thơ:
Mây xuân một đóa gió đưa về;
Rêu biếc chăng hay có dạ che.
Nếu có nhàn tình mưa móc xuống;
Làm sao cuộn tỏa đến hiên xa?”
Bài họa của Điền
Lân:
Nguyên văn:
春雲一朵趁風來,
故意氤氳罨碧苔。
白日有情先作雨,
夜間打點上陽台。
Phiên âm:
Xuân vân nhất đóa sấn phong lai;
Cố ý nhân uân yểm bích đài.
Bạch nhật hữu tình tiên tác vũ;
Dạ gian đả điểm thướng dương đài.
Bản dịch thơ:
Mây xuân một đóa gió đưa về;
Rêu biếc êm hòa ý muốn che.
Ban sáng có tình mưa xuống trước;
Buổi đêm sẽ tính đến hiên xa.”
Bài họa thứ 2 của Tú Cô:
Nguyên văn:
坐待秋風出岫來,
東牆月已上莓苔。
娘家兄妹休迴避,
例有媼嶠玉鏡台。
Phiên âm:
Tọa đãi thu phong xuất tụ lai;
Đông tường nguyệt dĩ thướng môi
đài.
Nương gia huynh muội hưu hồi tị;
Lệ hữu Ôn Kiều ngọc kính đài.
Bản dịch thơ:
Ngồi đợi thu phong vượt núi về;
Tường đông trăng giọi lớp rêu che.
Anh em cô cậu xin đừng tránh;
Ngọc kính Ôn Kiều lệ chẳng xa.”
Cũng trong truyện “Tú Cô” còn có hai bài thơ họa vần của hai nhân vật
này trong buổi chia ly, như sau:
Thơ của Tú Cô:
Nguyên văn:
愁對空庭月影斜,
涔涔別淚恨無涯。
他時相訪應如夢,
認取棠梨一樹花。
Phiên âm:
Sầu đối không đình nguyệt ảnh tà;
Sầm sầm biệt lệ hận vô nha.
Tha thời tương phỏng ưng như mộng;
Nhận thủ đường lê nhất thụ hoa.
Bản dịch thơ:
Buồn trông sân vắng ánh trăng tà;
Oán hận đầm đầm giọt lệ sa;
Ngày khác thăm nhau xem tựa mộng;
Đường lê nhận lấy một cây hoa.”
Bài họa của Điền Lân:
Nguyên văn:
話別匆匆月已斜,
無端分手向天涯。
癡情不比浮梁客,
珍重東風撼落花。
Phiên âm:
Thoại biệt thông thông nguyệt dĩ tà;
Vô đoan phân thủ hướng thiên nha.
Si tình bất tỷ phù lương khách;
Trân trọng đông phong hám lạc hoa.
Bản dịch thơ:
Lời biệt chưa nguôi trăng đã tà;
Bỗng đâu rẽ lối góc trời xa.
Tình si chưa được ôm cầu chết;
Lưu luyến đông phong nhặt cánh hoa.”
Bài họa này, chữ Hám đành dịch
thoát nghĩa một chút, nhưng cũng diễn đạt được ý.
Trong chuyện “Đổng Như Bưu” lại có hai bài từ “Như
Mộng Lệnh” làm theo cùng vần như sau:
Bài “Như Mộng Lệnh” của A Duẩn:
Nguyên văn:
擲果潘郎風味,
傅粉何郎風致。
底事不同車,
忍作執鞭之士?
留意,
留意,
留意詢伊名字
Phiên âm:
Trịch quả Phan lang
phong vị;
Phó phấn Hà lang
phong trí.
Để sự bất đồng xa,
Nhẫn tác chấp tiên
chi sĩ?
Lưu ý,
Lưu ý,
Lưu ý tuần y danh tự.
Bản dịch từ:
Ném quả chàng Phan phong vị;
Dồi phấn chàng Hà ra vẻ.
Hà cớ chẳng cùng xe;
Chịu phận đánh roi riêng kẻ.
Để ý,
Để ý,
Để ý người tên chi thế?”
Bài “Như Mộng Lệch”
họa nguyên vận của A Nộn:
Nguyên văn:
漸識石榴滋味,
驀見蓮花標致。
有女正懷春,
誰是誘之之士?
留意,
留意,
留意印兒名字。
Phiên âm:
Tiệm thức thạch lưu
tư vị;
Mạch kiến liên hoa
tiêu trí.
Hữu nữ chính hoài
xuân;
Thùy thị dụ chi chi
sĩ?
Lưu ý,
Lưu ý,
Lưu ý Ấn Nhi danh tự.
Bản dịch từ:
Thạch lựu dần hay hương vị;
Bỗng thấy hoa sen tươi vẻ.
Thiếu nữ rộn tình xuân;
Mê hoặc hỏi rằng ai kẻ?
Để ý,
Để ý,
Để ý Ấn Nhi tên thế!”
Trên đây là mấy trường
hợp Thơ và Từ họa vần mà tôi đã cố gắng dịch cũng theo đúng thể thức họa vần
trong tác phẩm “Dạ Đàm Tùy Lục”. Dẫu rằng bản thân thơ từ này không phải xuất sắc
(vì chỉ là thơ từ điểm xuyết trong tiểu thuyết) và cũng có chỗ dịch chưa được như ý,
nhưng qua chuyện này hi vọng các bạn có thể thấy được sự dụng công trong công
việc của một người dịch thuật văn chương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét