Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Trúc Lâm tiểu hòa thượng tam sinh ký

(Chí Thiện huynh nhã chính!)

Khoảng niên hiệu Hưng Long đời Trần, có nhà họ Giả ở phủ Ninh Vân, cả hai vợ chồng đều đã lớn tuổi mà chưa có con. Hai ông bà phát tâm tạc tượng Quan Âm tống tử cung tiến lên chùa trên Thúy Sơn, lại nhất tâm ăn chay cầu xin ban cho một mụn con. Một hôm bà nằm mơ thấy đức Quan âm Đại sĩ đến trao cho một đứa con trai, lại dặn về sau hãy cho nên chùa hầu hạ tam bảo thì hậu vận mới tốt. Quả nhiên Giả phu nhân sau đó có mang, kịp đủ chín tháng mười ngày sinh được một trai, đặt tên là Xích Văn. Xích Văn lớn lên dung mạo uy nghi phúc hậu, tính tình hào sảng, nhưng rất nghịch ngợm, nhiều khi khiến ông bà Giả phát phiền. Nhớ lại câu Quan âm nói trong giấc mộng năm xưa, tuy chỉ có một trai, nhưng lo cho con, bà cũng bảo ông hay là cho Xích Văn lên chùa hầu hạ tam bảo một thời gian.
Bấy giờ ở xứ Đông nổi lên ba vị tổ thiền phái Trúc Lâm, nối nhau trụ trì trên núi Yên Tử, danh vọng vang khắp cửu châu, ra tận hải ngoại. Đến lúc ông bà Giả tính cho Xích Văn lên chùa thì đã là đời vị tổ thứ ba là Huyền Quang.
Nghe tiếng tam tổ đã lâu, thấy cha mẹ nói cho lên chùa học tập, Xích Văn bèn xin được lên Yên Tử tầm sư. Vào được sơn môn rồi, Xích Văn được giao cho việc hàng ngày quét dọn tự viện và kê cấp bậc đá lên xuống từ chùa trên đỉnh mây xuống mãi chân núi.
Một bận tam tổ đi vân du về, thấy lối lên xuống bụi bám lá rụng, gọi Xích Văn bảo sao không quét dọn, Xích Văn thưa một câu: “Thạch kính hữu trần phong tự tảo” (Lối đá có bụi, gió tự quét). Huyền Quang  thấy câu ấy có ý thú, gật gù khen, rồi bảo: “Ngươi biện bạch thật hay. Vậy ta giao cho ngươi viết nốt câu thơ đối lại cho thành một cặp. Nếu đối được thì ta tha tội trễ nải cho, bằng không thì phải đòn.”
Xích Văn lĩnh ý, hẹn tối sẽ trình câu đối lên.
Quá giờ Tuất, sư vẫn chưa thấy Xích Văn đến, cho người ra ngoài gọi vào, thì thấy Xích Văn đang nằm ngủ, mà cổng chùa cũng không đóng. Người ấy quay về bẩm lại với sư, sư thân hành xuống xem thực hư ra sao, thấy đúng như vậy, liền gọi Xích Văn dậy hỏi. Văn đáp: “Bạch thầy! Đó là câu đối của con làm như lời thày bảo đó ạ!” Sư hỏi: “Đối thế nào?” Văn đáp: “Thiền môn vô tỏa nguyệt thường lâm.” (Cửa thiền không đóng, trăng thường vào)
Sư giật mình khen ngợi, nghĩ thầm: Xưa kia, Lục tổ cũng là kẻ nấu bếp không biết chữ. Nay ta gặp đứa quét dọn này, thực cũng gần như vậy. Nhưng xem ra trong văn khí chốn thiền quan, mà không dứt được phong nguyệt, khó mà tu thành. Vậy hãy cho lên hầu cận nơi ta, để ta dạy bảo thêm.
Từ ấy Xích Văn được thầy Huyền Quang cho lên ở gần bên mà dạy bảo cho chữ nghĩa phật pháp. Vốn là người thong minh, nên Văn học hành tấn tới, chữ viết rất đẹp, lại giỏi thư pháp, chữ ai cũng bắt chước được y như chính người đó viết ra.
Bấy giờ, có kẻ xiểm nịnh, đưa lời gièm pha lên đức Anh Tông, nói xấu tam tổ. Anh Tông liền bảo cung nhân là Điểm Bích lên Yên Tử thử lòng Tam Tổ. Tuy nhiên, Điểm Bích lên chùa đã gần nửa năm vẫn không thể thử được lòng sư, lo buồn lắm. Một bận, Xích Văn nhân rảnh rỗi đi vòng quanh dạo chơi, chợt thấy người con gái vô cùng xinh đẹp đang ngồi khóc bên bụi trúc cạnh sườn non, Văn chợt động lòng, tiến lại hỏi han, nàng kể lại sự tình, đoạn ôm chầm lấy Văn xin được giúp cho, nếu không e khó tránh khỏi tội chết. Xích Văn lần đầu tiếp xúc với nữ nhân, chợt tâm thần rạo rực, bao nhiêu lời kinh sách bay đi đâu hết, cũng ôm lấy Điểm Bích mà nói: “Chuyện ấy không khó gì, để ta giúp cho. Nàng định thử sư thế nào cứ chiều ta thế ấy, tất được như ý …”
Điểm Bích không còn bấu víu vào đâu đành phó thác vào một tay Văn. Nhưng một mực không cho Văn động đến, bảo cứ giúp xong rồi tất đền ơn. Văn bèn ngẫm nghĩ, rồi theo tình ý của mình mà làm một bài thơ nôm, lại bắt chước chữ của sư mà viết rằng:

Vằng vặc trăng mai ánh nước;
Hiu hiu gió trúc ngâm sênh.
Người hòa tươi tốt cảnh hòa lạ;
Mâu Thích Ca nào thuở hữu tình.

Điểm Bích được thơ, được chữ, bèn mang ngay về dâng lên Anh Tông. Lập tức triều đình cho sứ giả đến mời Huyền Quang về kinh. Xích Văn thấy thầy bị bắt đi, ân hận thời đã muộn, chạy theo ra mãi xa, rồi sau không làm sao được đâm đầu xuống vách núi tự vẫn …
Bỗng Văn thấy ngã lộn dưới gốc tùng già, rồi bỗng đâu xuất hiện liền hai tên quỷ đầu trâu mặt ngựa, cùng lôi đi. Đến một tòa thành, thấy biển đề hai chữ “Phong Đô” mới biết là mình đã xuống âm ti rồi. Quỷ lại dẫn Văn vào một tòa điện, nhìn lên thấy một vị vương mặt đen dữ tợn, hai bên có các phán quan đứng hầu.
Vương đập bàn hặc tội, cho lôi đi trừng trị. Sau mấy vòng tra khảo, quỷ sứ lôi Văn rã rượi xác xơ về trước điện, một vị phán quan đứng bên liền tâu: “Tên Giả Xích Văn này vì lòng tà dâm đã phạm giới luật, lại làm hại đến thầy mà không biết. Nhưng xét ra cũng chưa được Điểm Bích kia cho biết nỗi xuân tình. Xin đại vương hãy cho y lên làm kiếp rận để thỏa lòng nhìn ngắm.”
Vương gật đầu. Bọn quỷ sứ lôi ngay Văn ấn vào một cái túi đen kịt. Chớp mắt lại thấy sáng lòa, nhìn quanh thấy toàn những rận mà con nào con nấy to như mình. Nhìn rộng hơn nữa, thấy toàn những cây gì nhẵn trơn đen bóng, lớn bằng cổ chân. Mới biết mình đã thành kiếp rận mà đang ở trên đầu một vị lão nhân nào rồi.
Hóa ra đó là một viên quan án sát. Lão quan tuổi đã sáu ba nhưng còn tráng kiện. Xích Văn giờ đây là rận, chợt giận viên phán quan ăn nói hai lời, bảo cho mình được ngắm nhìn mỹ nữ, mà rốt cuộc lại tống lên đầu một lão già thế này thì có ức chết được không? Văn cũng tỉnh táo, sợ rằng cắn lão già nhiều thì tất phải chết sớm, nên thường tối đến mới cắn, còn thường biết nằm im, hoặc có đi lại cũng nhẹ nhàng. Chính vì vậy nên có bận chu du lên tận chòm râu của lão mà lão không biết.
Một hôm đang núp trong chòm râu quan ngài thì chợt có mấy kẻ đồng liêu kéo đến chuyện trò hệ toàn những chuyện nào tên lái buôn Dương Mãnh ở ngoài bờ bể, lại đến chuyện quan thị lang Phạm Bảo Ngự ở trong triều đường. Rận nghe không hứng thú gì. Bỗng lại nghe mấy quan rủ nhau ra chơi phố Bình Khang, không biết có gì hay mà mấy quan ngài hào hứng lắm, thành thử rận cũng tò mò nằm im nhìn xem.
Đến nơi, mới biết đó là chốn thanh lâu kỹ viện, từ xa đã nghe mùi phấn sáp thơm tho, tiếng nói cười rổn rảng. Rận thầm lấy làm mừng, bỗng một mỹ nhân chạy đến bá vai án sát đại nhân kéo vào phòng kín. Rận càng luống cuống cuối cùng rơi tuột khỏi chòm râu quan lớn, rớt thẳng xuống một quả đồi tròn trịa nhẵn trơn như bôi sáp mà mềm hơn nhung.
Rận đành lần mò xuống dưới. Hóa ra vị phán quan đã không lừa mình. Đây chẳng phải cơ hội cho mình thooar sức mà ngắm mỹ nhân ư? Trong bóng tối nhờ nhờ, nó len lỏi giữa bờ khe hẹp của hai quả đồi, đi mải miết. Đi mãi, tới một bình nguyên rộng. Nơi đây đã khá yên tĩnh, nhưng cả một khoảng mênh mông trống trải, không bụi cây ngọn cỏ. Chỉ độc một bờ giếng cạn nằm chơ vơ.

Rận tiếp tục lê bước, nó không dám mạo hiểm nơi miền đất lạ. Cuối khoảng mênh mông, ngay khi vừa vượt qua một sườn dốc nhỏ, một ốc đảo um tùm đột ngột hiện ra. Dọc hai bên khe lạch nhỏ xâp xấp một thứ nước ánh lên trong ánh sáng mờ ảo, um tùm một loài cỏ lạ, được xén tỉa kỹ càng. Một nơi trú ẩn tuyệt vời như nó từng có. Quá mệt, Rận chỉ kịp vạt đám cỏ êm mượt như nhung ra lấy chỗ nằm rồi thiếp đi trong nồng nàn hương cỏ…

Bỗng ánh sáng chói choang lên làm nó thức giấc. Vươn vai, Rận định bụng mò ra bờ lạch vục nước đánh răng rồi tắm nhẹ một chút. Nhưng nó đứng chết trân. Nó dụi mắt, lần 1, lần 2, rồi lần 3 nữa … Nó còn cấu vào đùi mình xem nó tỉnh hay mê. Điều kỳ lạ bậc nhất từ khi cha sinh mẹ đẻ tới giờ nó chưa bao giờ từng gặp, đang hiển hiện rõ mồn một, như không thể rõ ràng hơn: nó lại thấy mình vẫn ở nơi xưa chốn cũ, nơi đám râu ria rậm rạp của lão đại nhân đáng kính! Hận quá, nó nhảy luôn xuống lạch nước tự vẫn.

Chớp mắt, rận lại thấy mình là Xích Văn đã đang quỳ mọp trước công đường ở Phong Đô. Xích Văn oán hận bẩm trình lên vị vương giả và các phán quan, rằng tuy đúng như lời phán quan nói, nhưng kiếp rận thì thực không thể thấy gì.

Vị vương giả quay sang phán quan lần trước cười ha hả bảo:  “Ngài thực là làm khó nó quá! Tô Tử Chiêm ở nước Tống có câu thơ rất hay rằng: “Bất thức Lư sơn chân diện mục, Chỉ duyên thân tại thử sơn trung”. Ngài cho nó làm rận mà đi ngắm mỹ nhân, thì khác nào đứng trong hang mà ngắm núi Lư Sơn chứ? Thôi đã có nhã ý như vậy, thì cho hắn lại làm kiếp người vậy.”
Vị phán quan lại bảo: “Xin tuân mệnh đại vương, có điều, chẳng phải chỉ để hắn biết “Lư sơn chân diện mục” thôi đâu, cái nợ phong nguyệt, cái duyên thiền môn hắn vẫn còn phải đeo đẳng đấy ạ!”
Vị vương giả gật đầu, tức thì quỷ xứ lại lôi Văn quăng vào cái túi đen như lần trước.

Lần này Xích Văn đã được giáng sinh làm người, làm con nhà họ Phi ở trấn Sơn Nam, lấy tên là Chí Thiện. Vì có căn duyên xây bậc chùa khi xưa, nên từ nhỏ đã thích việc xây đắp, lớn lên thạo nghề thổ mộc, có thể giám sát chỉ đạo hàng trăm người cùng lúc. Vẫn nhớ niềm mong mỏi thổ lộ với Phán quan nên lần này, mới quá tuổi thành niên, Phi đã lập tức đòi cha mẹ hỏi cho cô nương nhà họ Vi ở Bố Hải Khẩu, nhanh chóng có liền hai con, một trai một gái.

Nhưng vì túc duyên phong nguyệt cùng nợ thiền môn nên Phi không ở yên được ở quê nhà, dù vợ một mực cản ngăn vẫn nhất quyết lên kinh dựng thêm một cơ nghiệp ở bên sông Tô Lịch. Phủ đệ của Phi ở đó rộng rãi to lớn, đi xe từ ngoài cổng vào phải qua mấy lớp cửa, cầu thang ngoắt nghéo mấy lớp mới đi hết các tầng. Trong dinh lại đặt riêng một chỗ gọi là Lê Hương Viện để cho các ca nương cầm khách luyện rèn ca múa.
Một bận nhàn hạ, dạo chơi ngắm cảnh Tây Hồ, Phi vô tình sải bước qua cửa chùa Linh Sơn, hốt nhiên rùng mình như nhận ra điều gì, dấn bước đi vào, thấy mấy tên đồ gàn đang nghịch mực, Phi cũng len vào nghịch chơi, bỗng nhiên chữ nghĩa thơ phú ở đâu như dồn vào trong đầu, không cần học mà thông thạo chữ nghĩa. Từ ấy lại tự động cạo hết tóc trên đầu không khác gì một vị thầy tăng.
Tính ưa phong thú, lại sẵn chữ trong bụng, nên Phi cũng thường hay đề vịnh, mà thường là trêu chọc bỡn cợt không kiêng ai. Khi xây lại cổng phủ, Phi tự đề đôi câu đối rằng:

Kim cổ đồng chinh, triêu mộ càn khôn khai hạp;
Ngọc tiêu dao sắt, thần hôn vân vũ hòa ca.
(Trống vàng, chiêng đồng, sớm tối càn khôn đóng mở;
Đàn dao, sáo ngọc, chiều hôm mây mưa hòa ca)

Kim cổ đồng chinh ý nói mặt trăng mặt trời, mà cũng là nói cảnh viện Lê Hương đàn sáo trống chiêng vui vẻ cả ngày, song cái ý nghịch ngợm đọc qua đã thấy rõ vậy.
Hay khi xuân về, tân khách đến chúc tụng, bạn chữ nghĩa thơ văn cũng có, bạn thổ mộc tượng ngõa cũng nhiều, Phi lại đề đôi câu đối rằng:

Thư sử lâu đài trường kiến trúc;
 Văn chương để trụ cửu bồi đôn.
(Thư sử lâu đài xây dựng mãi;
Văn chương nền móng đắp bồi lâu)
Khiến ai đến xem được cũng đều thấy lý thú.

Lại có bận, có vị nhạc sư đến thăm viện Lê Hương, biết tiếng thư pháp của Phi liền xin được tặng cho hai chữ. Phi liền viết luôn hai chữ “Lạc Đạo” (Vui với đạo) Chữ Hán Lạc với Nhạc đồng một chữ, đạo (lý) với đạo (chích) đồng âm. Vị nhạc sư đi rồi, Phi mới quay sang tả hữu nói: Ấy “Lạc Đạo”, cũng như là “NHạc Đạo” vậy! Khiến ai nấy đều bật cười. Ấy phàm những chuyện phong thú của Phi là như thế …

Khoảng niên hiệu Phú Trọng, chính sự nhũng nhiễu, lòng dân rối loạn, không biết quy về đâu, thành thử trò tà ma đồng cốt nổi lên, con người chỉ biết gửi niềm tin vào đấng tối cao, thánh thần ma quỷ. Tự viện đình đền miếu mạo mọc lên khắp nơi. Triều đình cũng dựng lên không biết bao nhiêu là tự viện quy mô cực kỳ to lớn. Các trấn Sơn Nam, Yên Quảng, Tam Đới đều có các đại thiền viện. Phi vì có tài thổ mộc, nên được triều đình trưng vời ra đốc sát việc dựng đại bảo tháp ở Thiền viện Trúc Lâm ở Tam Đới.

Thiền viện dựng trên đỉnh non, rộng hàng ngàn mẫu, kiêm mấy quả núi, trên đó tụ tập hàng trăm tăng ni đến tu hành. Phi đốc công dựng tháp cũng phải ở trên tự viện ăn chay, nằm mộng, sớm trống chiều chuông, nghe kinh thính pháp, âu cũng là túc trái tiền duyên từ kiếp trước vậy. Ban đầu Phi còn giữ ý cẩn thận, sau ở lâu dần quen tính hay trêu bỡn mọi người, giờ ở trên núi cao, chỉ có sư sãi, nhưng cũng không từ.

Có bận xuống núi về kinh, dong chơi qua tận bờ bắc Đức Giang, đến lúc lên thiền viện, trò chuyện với các vị tăng trẻ, có người hỏi: “Bác về kinh có chuyện gì hay, xin kể cho nghe?” Phi ngẫm nghĩ rồi bảo: “Nhân đi đường làm được bài thơ đọc cho các ngài nghe. Thơ rằng:

Yên viên cô tịch cô liêu các;
Thiếu nữ đơn sầu mộng cố nhân.
Môn ngoại hốt văn như hữu khách;
Khai cầu chỉ kiến vũ liên xuân.

Các sư tăng vốn không biết bên bờ bắc Đức Giang có chỗ gọi là Yên Viên, vốn lắm kỹ nữ, nên đều trầm ngâm khen ngợi. Riêng Phi lấy làm thú, cứ cười ngặt nghẽo mãi.

Trên thiền môn ăn chay lâu ngày, Phi không chịu được. Nên thỉnh thoảng lại trốn xuống dưới núi đi chơi bời ăn uống. Xứ Tam Đới nổi tiếng lắm trâu, nên Phi thường cứ xuống núi là tìm đến nơi có quán thịt trâu mà ăn. Có bận ăn thịt uống rượu ngà say, đến lúc trăng tà, Phi mới ngất ngưởng cầm theo bầu rượu trèo lên núi mà về. Dưới ánh trăng thấp thoáng, Phi chợt thấy như có vị sư đi lướt qua nói: “Chốn cửa phật từ bi, ông chớ có làm ô uế mới được!” Phi ngẩng lên nhìn thì lại chẳng thấy ai cả, cho là say quá tai ù, liền về nhà đi ngủ.

Được ít hôm, thèm thịt, Phi lại nhân đêm hôm, mò xuống núi. Lần này mới đến lưng núi, bỗng thấy một quán hàng hình như mới mở ra, dựng dưới gốc cây thị lớn. Trong quán, đèn đuốc ấm áp, rượu thịt ngon lành, Phi liền vào ăn uống say sưa, đến khuya mới về. Về đến phòng rồi, Phi mới hay là quên mất chìa khóa, ngẫm nghĩ lại, hình như để trên đầu bàn ăn. Đành bấm bụng quay lại quán để tìm. Leo hết nửa dốc, mới trông thấy quán hàng thấp thoáng bên gốc cây thị cổ, Phi đã hơi mừng, cố đi nốt quãng đường. Cách một đoạn, chợt nghe thấy có tiếng gà rừng gáy sớm. Phi ngoái cổ sang bên tiếng gáy nhìn, đến lúc quay lại, thì đã không thấy quán hàng đâu nữa. Bên gốc cây thị cổ chỉ còn mấy tảng đá hộc. Phi đi đến nơi, thì chìa khóa của mình đúng là trên một tảng đá. Chợt Phi thấy bụng đau quằn quại, nôn nao khắp người, vội chạy ra bên mé rừng móc họng nôn mửa. Chỉ thấy từ trong họng nôn ra, không phải thịt trâu mà toàn sâu bọ, giun dế! Phi hãi quá biết là bị ma trêu, vội chạy thẳng lên núi, trốn vào phòng mình.

Từ ấy Phi không dám xuống núi nữa, chỉ quanh quẩn ở trên Thiền viện. Một hôm, đi vòng ra phía quả đồi sau núi chơi, Phi chợt thấy mấy mảnh vườn rau, đồi chè do sư ni trên Thiền viện tự trồng lấy cái ăn. Thơ thẩn dạo quanh, chợt trông thấy xa xa một ni cô đang hái chè, Phi lượn lại gần bắt chuyện, thấy ni cô mặt hoa da phấn, trong bộ quần áo nâu xồng giản dị càng lộ vẻ thanh tân kiều diễm. Bàn tay nhỏ mềm, dài như măng ngọc, khiến búp chè hái trong tay cũng như ánh sáng hẳn lên. Hỏi ra mới biết vốn là con nhà khuê các, chỉ vì hận tình đời đen bạc duyên phận hẩm hiu, nên mới đến Thiền viện chưa lâu. Phi thầm nghĩ, người trông thế ấy, tình bởi thế kia, chắc gì đã dứt được duyên phàm mà yên thân cửa Phật? Nghĩ xong chợt nổi ý muốn được gần gũi, nhưng chưa kịp nói thêm thì ni cô đã từ biệt đi khuất.


Phi về ngẫm nghĩ, tính kế lại được gặp ni cô. Dò hỏi mới biết thường sáng sớm ni cô ấy đã phải ra sau đồi hái lá chè để dùng cả ngày trong viện. Vì vậy bèn định sẵn một kế trong đầu.

Sáng hôm sau nữa, Phi thức dậy từ gà gáy, ra sau suối tắm, rồi ngồi gần đồi chè rình xem. Ít lâu quả thấy ni cô đeo gùi đi lên, Phi bèn mặc quần áo ướt, chạy lên trước lối vào vườn chè nằm vật xuống. Ni cô đi tới, thấy có người bất tỉnh, quần áo ướt cả, cho là đã nằm đó từ đêm, lại nhận ra là người hôm trước bèn xốc dậy đỡ vào lều canh phía trên. Đoạn đặt Phi nằm xuống mà ủ cỏ khô, rồi lại cởi quần áo của Phi ra rồi lấy một lần áo của mình thay cho. Đang mặc cho Phi thì Phi chợt bừng dậy, giả vờ bảo: “Thôi chết, sao cô lại cởi quần áo của tôi ra như thế? Kẻ tu hành mà lại một mình cởi quần áo dị phái, không sợ ư?” Chỉ thấy ni cô mỉm cười nói: “Phật dạy, cứu một người phúc đẳng hà sa, há tôi lại giữ đạo hạnh không đâu, mà để ngài nằm chết ở đấy ư? Vả chăng, chấp sắc thì có sắc, chấp tướng thì có tướng, không chấp vào sắc tướng, thì sắc tướng còn có thấy nữa không? Xưa quỷ vương đưa người con gái ra trước mặt đức Phật, mà Phật chỉ thấy như cái túi da đựng máu huyết. Nhà nho các ngài lại cũng hay nói chuyện ông Liễu Hạ Huệ ôm nữ nhân cả đêm, mà không sợ bẩn thanh danh. Ngài không nghe chuyện ấy ư?”

Phi nghĩ thầm, dưới vỏ văn tự bóng bẩy ấy, lòng vả hẳn như lòng sung thôi. Bèn cầm lấy tay ni cô mà ôm lấy, nhưng ni cô chỉ bảo nằm im sưởi ấm, khỏe rồi hãy về phòng.

Nghĩ trêu gợi trần tâm ni cô như vậy không được, mấy hôm sau nữa, Phi lại cuộn một bức tranh xuân cung, rồi cũng lựa khi ni cô ra đồi chè, tiến đến trò chuyện. Xong từ biệt rồi, đưa cuộn tranh nói: “Có bức tranh đẹp, tặng ni cô xem chơi.” Ni cô giở ngay ra xem. Phi đứng phía trước, đợi xem sắc diện ý tứ thế nào, chỉ thấy ni cô nói: “Tranh này đẹp lắm, truyện Tô Tử Chiêm có bảy người thiếp, mà Phật Ấn đến chơi bước qua bảy lò lửa, tưởng chỉ có trong sách, hóa lại có người vẽ nên tranh.” Rồi vẫy Phi lại xem, Phi khấp khởi đến gần thì thấy tranh ấy lại là tranh vẽ Phật Ấn đang bước trên mấy lò lửa! Phi lấy làm ngạc nhiên, giận kẻ nào đã đánh tráo tranh của mình.

Một bận, có vị Lạt-ma từ phương tây đến đàm đạo giao hữu ở ngôi chùa lân cận, Thiền sư viện chủ dẫn chư tăng ni đi bái phỏng, số tăng ni ở lại cũng ít. Biết ni cô mới đến, không được đi lần này, Phi mừng lắm. Đến tối, bèn lẻn đến dưới cửa sổ gõ cửa, nói là đêm trăng sáng muốn mời ni cô ra ngoài đàm đạo. Ni cô nói: “Nếu ngài đoán được tục danh của ta thì ta sẽ ra.” Đoạn đưa giấy và bút ra cửa. Phi liền viết ba chữ: “Thạch Bất Tùy” (Họ Thạch, chẳng theo ư?) Ni cô cười bảo: “Ngài cũng tài thật, ta đúng họ Thạch. Vậy hãy lên chòi canh trên đồi đợi ta.”

Phi lên đồi trước, lát sau thấy ni cô đến. Ánh trăng trung tuần sáng tựa ban ngày. Nhìn vẻ đẹp ni cô dưới ánh trăng mờ càng thêm hư ảo, như hư như thực, tựa Hằng Nga mới giáng trần, như Lạc Thần trên sóng nước. Phi chẳng chần chừ gì, lôi luôn vào lòng mà ôm ấp, ni cô chẳng nói chẳng rằng chỉ để mặc cho Phi thỏa chí. Vuy vầy suốt đêm, đến tận lúc Phi thiếp đi lúc nào không hay.

Sáng hôm sau, có bọn trẻ lên sau đồi chùa lấy củi, chợt trông thấy một người không quần không áo, đang nằm ôm lấy tảng đá mà ngủ. Nhìn lại thì hóa là Phi. Bèn lay mãi, Phi mới dậy. Chúng hỏi: Sao một mình ông lại ôm phiến đá nằm đây thế này? Phi ngơ ngác không biết nói sao, vơ quần áo mặc lại về phòng, trong lòng nghi hoặc, không biết chuyện hôm qua là thế nào? Lúc sờ đến túi áo, chợt thấy có một tờ giấy viết rằng: “Ta đã mấy lần khuyến cáo, mà ông lòng dục ý tà vẫn không dứt bỏ được? Có còn nhớ Điểm Bích xưa chăng? Ta nay đã sửa tâm mấy kiếp theo về chính pháp rồi, sao ông vẫn ngàn năm không dứt tính cũ vậy? Chỉ vì có chút duyên hội ngộ xưa kia, vả còn chút nợ nần, nên mới giúp nốt lần cuối này thôi.” Lại có một bài thơ dài …hai câu cuối là:
“…Phải qua mấy vạn lỗi lầm;
Thời ta mới chạm uyên thâm cõi thiền.”

Phi hốt nhiên giác ngộ, từ bấy giờ chuyên tâm thành kính mà dựng Phật tháp. Quả đến mùa xuân năm sau thì tháp xây xong. Phi trở về kinh sư, dọn dẹp phủ đệ, giải tán cả viện Lê Hương, dời hết ca nương cầm khách đi nơi khác.

(Hết)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét