Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

VĂN HỌC TRONG LÒNG TÔI - Phùng Ký Tài

                                                                                                           (Châu Hải Đường dịch)


Văn học chân chính cũng giống như tình yêu chân chính, là đi tìm hạnh phúc trong sự khổ đau.

I.

Có người nói tôi là kẻ may mắn trong văn học, có người nói tôi có phúc tướng, có người nói tôi gặp thời vận tốt. Những bạn nói các câu này, tất nhiên còn ẩn chứa bên trong một thâm ý khác nữa.
Tôi thì tin rằng, ai từng là người bất hạnh trong cuộc sống, thì người đó đã có điều kiện để trở thành kẻ may mắn trong văn học. Ai từng phải đầm mình lặn lội trong dòng sông tai họa của cuộc sống, thì người đó có thể trở nên một kẻ có phúc tướng sáng láng. Sau khi cuộc đời cướp bóc bạn một trận thỏa thuê, nó mới đem văn học tặng lại cho bạn. Văn học là kết quả khổ đau của cuộc sống, cho dù thứ quả ấy có một hương vị thật ngọt ngào.
Tôi lớn lên trong thời gian mười năm đại động loạn. Cuộc sống rất khắc nghiệt, nó không đùa với tôi. Bởi vì không có con đường gập ghềnh của cuộc sống, không có hoạn nạn mài dũa, không có hi sinh, thì cũng sẽ không có văn học với sức sáng tạo chân chính, có phát hiện, có giá trị. Ngược lại, tôi thường oán trách cuộc sống quá ưu ái và khoan dung đối với mình. Nếu như nó đẩy tôi đến những tầng sâu hơn nữa, tôi có thể đã tìm thấy chân lý thực sự của cuộc sống một cách sâu sắc hơn. Giữa hưởng lạc và khổ đau, người thực sự có chí hướng ở văn học, nhất định sẽ sẵn sàng lựa chọn điều thứ hai.
Vì thế, tôi lại thừa nhận rằng, mình là người may mắn.
Cuộc đại động loạn và đại biến cách ấy, khiến xã hội từ hình phẳng trở thành hình lập thể, từ đơn nhất trở nên rối loạn, trong cái vỏ đã nẻ toác như mai rùa, lộ rõ màu sắc từ tận tầng đáy. Màu sắc dưới đáy thường là màu cơ bản. Sông hồ biển cả chỉ trong những cơn sóng to gió lớn mới lộ ra tất cả những gì ẩn chứa bên trong mình. Phàm người ta khi trải qua những sự biến lớn, lại được nhận thức đến cùng, chắc chắn có thể có được những tài sản tinh thần quý báu không gì so sánh được. Bởi vì giá trị giáo huấn của nó không hề thua kém kinh nghiệm của sự thành công. Từ trong đó, tôi đã học được những thứ mà hàng trăm năm thái bình thịnh trị chưa chắc có thể học được. Cho nên khi chúng tôi cầm bút lên, chẳng cần phải tự cho là kẻ đa tình, làm bộ làm tịch, để viết lên thơ gượng nói sầu. Nội tâm sung túc và no đủ, cái cần thiết chỉ là ngôn ngữ giản dị sáng sủa và chính xác. Chúng tôi dường như chỉ cần nói ra một chút về sự thật những gì tai nghe mắt thấy, đã làm cảm động lòng người hơn cả những gì mà một tác giả có sức tượng tưởng giỏi nhất thời xưa hư cấu ra. Trước tiên, cái tôi thu hoạch được là trách nhiệm xã hội nghiêm túc, và phát hiện ra thứ tôi có thể dùng để thể hiện trách nhiệm với xã hội là giấy và bút. Tôi rót trách nhiệm ấy vào bầu mực trong quản bút, cây bút trở nên thật nặng nề, nếu tôi đem tất cả những gì trong quản bút ấy dốc ra trang giấy – đó chính là cái mà tôi mong mỏi, cái mà tôi tìm kiếm, văn học trong lòng tôi.
Cuộc sống biến đổi từng giây từng phút không ngừng. Văn học lần theo dấu vết của nó.
Tư tưởng và cuộc sống, cũng giống như Tolstoy nói, là một chiếc xe ngựa phi nhanh từ sườn núi xuống dốc, không rõ là ngựa kéo xe hay là xe đẩy ngựa. Nhà văn cần phải vươn ra tất cả những xúc tu cảm nhận và những xúc giác có thể thăm dò, luôn tìm đến những nơi sâu xa của cuộc sống, cùng với những người trong thời đại của mình đau đớn suy nghĩ tìm tòi con đường để đi tới một ngày mai hạnh phúc trong lý tưởng. Nếu như không phải như thế, văn học cao thượng sẽ không còn tồn tại.
Văn học là một sứ mệnh, cũng là một sự phục dịch suốt đời vừa ngọt ngào vừa đau khổ. Chẳng trách thường có người mắng tôi là ngu ngốc. Không sai, đúng là ngu ngốc! Quá nửa những sự việc trong cuộc đời này, chính là do những kẻ ngốc thằng đần làm ra bằng kiểu này hay kiểu khác.

II.

Tìm kiếm văn học, là sự tìm kiếm của nhà văn đối với cuộc đời.
Cuộc đời rộng lớn như sa mạc mênh mông không có đường đi, càng không có người dẫn đường, chỉ có một cái đích đẹp đẽ, xa xôi không nhìn thấy được cắm trong tim mình. Đi thế nào đây? Không biết. Trong chuyến đi dài và gian khó này, có khi sẽ hoang mang vì không biết phương hướng, có khi sẽ vì quá cô đơn mà do dự không tiến bước, có khi trong lòng tràn đầy tự tin, mạnh mẽ như cọp, có khi lại nắm tay đấm thùm thụp vào cái đầu trống rỗng của mình. Bất kể là hưng phấn, bằng lòng, kiêu ngạo, hay là chán nản, tự ti, hối hận, tất cả đều từng xâm chiếm lòng mình. Tâm tình giống như thời tiết, khi nóng khi lạnh. Cõi lòng thì tựa bầu trời, khi sáng khi tối. Đó là cuộc chiến đấu giữa niềm tin và phần yếu đuối trong ý chí. Mỗi một bước đi của cuộc đời đều cùng lúc vừa phải chống đỡ với những khó khăn từ bên ngoài, vừa phải vượt qua những chướng ngại của chính mình, mới có thể tiến bước lên phía trước. Tiền đồ của xã hội mọi người đều cùng nhau phấn đấu để giành lấy, nhưng con đường của cá nhân thì phải tự mình mở mang từng chút một. Vừa mở mang, vừa đi, đến chết cũng không biết mình đã đi được bao xa. Người chân chính đều sử dụng sự nghiệp của mình để tìm kiếm giá trị của cuộc sống. Nhà văn còn phải trực tiếp tìm hiểu hàm nghĩa của giá trị ấy.
Tìm kiếm văn học, cũng là sự tìm kiếm của nhà văn đối với nghệ thuật.
Trên cánh đồng hoang của nghệ thuật, cũng phải trải qua sự vất vả tìm kiếm đường đi. Tất cả những con đường mà người trước đã đi qua, đều là con đường ở phía sau lưng mình. Chỉ có đi ngao du tham quan thắng cảnh, mới có những con đường quen thuộc có đầy đủ xe pháo chờ đón sẵn sàng. Nhà văn nghiêm túc phải có những phát hiện cho cuộc sống của chính mình, sáng tạo phương thức biểu đạt phù hợp. Nói một cách nghiêm túc, mỗi một phương thức, chỉ thích hợp với một nội dung biểu đạt nhất định của nó, một nội dung khác lại cần phải tìm kiếm một phương thức mới khác.
Văn học không cho phép sự giống nhau, bất kể là với người khác hay là bới chính mình. Đối với nhà văn, ngay một câu cách ngôn chí lý đã dùng qua cũng không thể lại xuất hiện dưới ngòi bút của mình, nếu không sẽ mắc lỗi sao chép của chính mình.
Tuy nhiên, vượt qua người khác không dễ, vượt qua chính mình còn khó hơn. Một nhà văn dựa vào sự trải nghiệm, cảm thụ và phát hiện cuộc sống cũng như kiến giải mỹ học riêng có của mình, có thể vượt qua người khác, sự vượt trội đó trên thực tế cũng là một sự khác biệt. Nhưng một khi anh ta đã lộ ra diện mạo của mình, nếu muốn khác với chính mình, đổi một khuôn mặt khác, thì còn khó khăn hơn rất nhiều. Do vậy, đại đa số những tác phẩm tạo nên tên tuổi của nhà văn, chính là đỉnh cao trong sáng tác của họ. Nếu muốn vượt qua đỉnh cao đó, thì cũng giống  như phải tự mình đứng lên vai của mình vậy. Có người tìm cách thay đổi hình thức nghệ thuật, có người bận rộn gom thêm nội dung cuộc sống. Nhưng, nếu chỉ dựa vào sự mới mẻ về nghệ thuật, cuối cùng chỉ có thể khiến cho tác phẩm biến thành một cái vỏ chói mắt nhưng nhẹ hều. Vội thu gom những chất liệu từ trong cuộc sống, lại không phải một sớm một chiều có thể gặt hái được. Nghệ thuật là một triền dốc, giữa chừng không thể dừng lại, nếu anh không trèo lên anh sẽ bị trôi tuột xuống. Mỗi một nhà văn đều phải trải qua những thời kỳ buồn khổ với sáng tác. Có người bước được ra khỏi nỗi buồn khổ ấy, có người sụp đổ trong nỗi buồn khổ ấy. Bất kỳ sự vật gì cũng đều có hạn chế, bên ngoài hạn chế đó mới là giới hạn cuối cùng. Sức người chỉ cho phép đạt đến giới hạn cuối cùng, nếu không sớm muộn cũng có một ngày, tôi nhất định sẽ bó tay hết cách, tằm già nến cạn, chỉ còn biết chính mình bắt chước mình, bạn đọc sẽ hét vào mặt tôi: “Ông Phùng! Ông đến đây là hết rồi!”. Giống như một câu ngạn ngữ Nga: “Chó già không biết diễn trò mới”. Sự thay thế trên văn đàn cũng vô tình như sự đào thải của tự nhiên, vì thế phải đem hết toàn bộ con người mình vẽ nên một đường parabol không đẹp lắm, để ném ra văn đàn. Điều ấy cũng không hề gì, chỉ cần ta từng lưu lại một chút gì đó ở nơi ấy, thế là đủ.
Đã sống thì đừng sống hoài sống phí, đó là hạnh phúc và an ủi lớn nhất của cuộc đời. Nhưng, nếu như tôi đem nỗ lực suốt đời ra chỉ để có thể góp thêm cho văn học một cái gì mới, thì đó sẽ là việc đáng tiếc nhất suốt cuộc đời tôi.
Tôi sẽ nói mình: Đúng là một thằng ngốc!

III.

Một nhà văn cần có những tố chất gì?
Khả năng tưởng tượng, khả năng phát hiện, khả năng cảm thụ, khả năng quan sát, khả năng nắm bắt, khả năng phán đoán; Tư duy hình tượng sống động và tư duy logic nghiêm túc; Tri thức về cuộc sống tổng hợp và sự bồi dưỡng về nghệ thuật toàn diện nhiều nhất có thể. Phải khéo, phải vụng, phải linh hoạt, phải mềm dẻo, phải có sự ham muốn khám phá thế giới xung quanh, phải nuôi dưỡng mẫn cảm đối với từng chi tiết riêng có các sự vật muôn hình muôn vẻ, phải nắm bắt được chắn chắn và chuẩn xác từng cử chỉ điệu bộ, dáng vẻ lời nói, nét mặt nụ cười của đủ loại kiểu người. Và đối với tất cả những điều đó, mênh mông nhất hay chi li nhất, hữu hình hay vô hình, vận động hay tĩnh lặng, rõ ràng rành mạch hay mông lung mơ hồ, đều phải có khả năng biểu đạt ra một cách chuẩn xác. Ngòi bút phải như mũi kim của nghệ nhân thêu đất Tương, bố cục phải như Napoleon bày trận, trong tay mình gần như thật sự có phép thuật, đem tất cả những thứ không có sự sống ấy thổi vào một linh hồn cho chúng trở nên sống động linh hoạt. Ngoài ra còn cần phải có cảm giác linh mẫn, tình cảm tràn đầy, tầm mắt rộng lớn. Nội tâm của nhà văn là một vũ đài nhỏ, là mô hình thu nhỏ của vũ đài xã hội, tất cả những gì của cuộc sống, qua sự nhào nặn của nghệ thuật, đều diễn lại ở đó. Hơn nữa nó còn phải không ngừng thay đổi nhân vật, phông cảnh, không khí và cảm hứng. Biểu hiện cao nhất khả năng của nhà văn, là sáng tạo ra những nhân vật mới mẻ, có đầy đủ ý nghĩa điển hình và giá trị thẩm mỹ ở trên sân khấu đó.
Mình đã có được bao nhiêu trong số những tố chất đó? Không biết là thiếu bao nhiêu, mà biết cũng không làm được gì. Trước khi sinh ra đã thiếu hụt, sau khi sinh ra cũng không thể thêm vào. Hơn nữa trong văn học nghệ thuật, sở đoản có thể biến thành sở trường, điểm thiếu sót là điều kiện cần có để tạo nên một phong cách nào đó. Chữ của nhà thư pháp viết tay trái, bức tranh của họa sĩ bị tật về mắt, bài hát có giọng khàn làm mọi người say mê của một ca sĩ nói tiếng khàn, cũng giống như vẻ đẹp của vầng trăng khuyết mà trăng tròn không thể thay thế được. Không ít các nhà văn không đủ khả năng xây dựng những tác phẩm đồ sộ, đã trở thành những bậc thầy về truyện ngắn tinh tế lung linh. Không có một nhà văn nào là có đầy đủ các điều kiện, nhưng họ đều có những sở trường về nghệ thuật riêng của mình. Nhà văn còn phải có một tài năng, đó là biết về mình, đi vào sở trường, tránh sở đoản, phát huy ưu thế, khiến cho khí chất của mình trở thành nét đặc sắc về nghệ thuật, cùng với việc thành công về nghệ thuật, cũng là thành công về con người mình.
Nhận thức về mình không hề dễ hơn nhận thức về thế giới. Nhà văn có thể nhìn thấy rất rõ người khác, nhưng với bản thân mình thường rất mơ hồ, và không tỉnh ngộ. Tôi đã viết đủ các thể loại tác phẩm, đến nay không biết loại nào thực sự là của mình. Có cái thiên về triết lý, có cái lại chú trọng trữ tình, có cái đau buồn, có cái hài hước, tôi đều cảm thấy tất cả là của mình. - Đau buồn mới là khí chất của tôi? Vui sướng mới là hóa thân của tôi? Tôi là người suy nghĩ sâu xa hay là tùy hứng? Tôi làm sao lúc thì cổ đại lúc lại hiện đại? Bỗng nhiên thì đi vào tình điệu nước ngoài, bỗng nhiên lại đi vào phong vị quê hương? Tôi giống như thày bói xem voi, lúc này thì sờ được vào cái chân to lớn vững chãi, lúc sau lại sờ đến cái tai vừa rộng vừa mềm, lúc nữa lại sờ đến cái ngà vô cùng sắc nhọn. Cái gì cũng thấy giống mình, cái gì lại cũng chẳng phải mình. Có người hỏi phong cách của tôi là gì, tôi cười bảo: Tôi không quan tâm đến điều đó. Tất cả sức lực của tôi là để làm việc, là đem hết tất cả những gì mình có dâng hiến cho bạn đọc. Phong cách không chỉ là vẻ ngoài của tác phẩm, nó là một chỉnh thể vừa hài hòa vừa phức tạp. Nó giống như một con người, tồn tại một cách thực sự rõ ràng, nhưng lại khó nói ra cho rành mạch. Trong tác phẩm của mình, nhà văn ngoài việc miêu tả rất nhiều sinh mệnh ra, còn có một sinh mệnh nữa, đó chính là sinh mệnh của nhà văn. Phong cách là khí chất của nhà văn, là hơi thở của một sinh mệnh sống động, là một linh hồn khác biệt với vẻ đẹp riêng của nó mà ta có thể cảm nhận được.
Vì thế, nhà văn đã biến sinh mệnh của mình thành từng cuốn từng cuốn sách. Cho đến một ngày sinh mệnh của anh ta kết thúc, thì những cuốn sách mà anh ta viết, những cuốn sách làm rung động trái tim, làm dâng tràn tình cảm, làm cháy lên yêu ghét, những cuốn sách tỏa ra khí chất riêng có của anh ta, vẫn còn trên cõi đời giống như chính bản thân nhà văn vậy. Nếu như thứ nhà văn để lại không phải chính mình, không phải là cuộc sống mà anh ta cảm nhận được một cách thiết thực, không phải là sáng tạo mà là bắt chước, thì tự nhiên nó sẽ bị hậu thế thậm chí ngay hiện thế phế bỏ.
Nhà văn phải chịu đem bản thân mình trao cho độc giả. Viết ra những điều mình nghĩ, không sợ chính mình trong tương lai có thể phản đối chính mình của ngày hôm nay. Com tim khi cầm lên cây bút giống như lòng thành của một tín đồ, thánh thiện và bình thản. Phép tắc của tư tưởng là trong sạch và ngay thẳng, phép tắc của nội dung là chân thực, phép tắc của nghệ thuật là cái đẹp. Không lấy văn chương để trang điểm cho mình, chỉ có thể phủ định và thay đổi bản thân mình để hoàn thiện cho nghệ thuật. Nhà văn khi phê phán thế giới cần phải có dũng khí, khi phê phán chính mình cần phải có dũng khí lớn hơn. Độc giả mong muốn được nhìn thấy những nhân vật chân thực mà không nhất định phải hoàn mỹ trong tác phẩm, cũng mong muốn nhìn thấy một nhà văn thật sự dù có thể tự mâu thuẫn với chính mình. Sau khi vứt bỏ tất cả mọi thứ của mình, văn học sẽ tự nhiên ra đời, cũng giống như mặt trời khi đốt cháy chính mình mới tỏa ra ánh sáng.
Nếu như nhà văn biến chính mình thành tác phẩm, thì tên tuổi trên tác phẩm, cũng giống như cái rốn trên cơ thể người, có thể có, có thể không, hoàn toàn vô dụng, chẳng qua là theo tập quán, không có cái tên ấy thì dường như chưa phải là một cơ thể đầy đủ mà thôi – Xin nói vui một câu như vậy. Tôi muốn nói rằng, nhà văn không cần hưởng thụ một cái gì bên ngoài văn học. Đó chính là văn học trong lòng tôi!
                                                                                                
                                                                                       Thiên Tân -Tháng 1/1984

                                                                                     (Văn Nghệ Trẻ số 23 /2013) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét