Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2025

SAU CUỘC RƯỢU - Lăng Thúc Hoa (Trung Quốc)

 Đêm khuya, khách khứa đã về hết. Trên chiếc ghế bành lớn giữa phòng khách, một người đàn ông chừng hơn ba mươi tuổi đã say mềm, đang ngủ say sưa. Một đôi vợ chồng trẻ, mặt ai cũng đỏ hồng vì hơi rượu, ngồi bên lò sưởi, thì thầm tâm sự. Cả căn phòng tràn ngập một bầu không khí yên tĩnh ngọt ngào. Người vợ bỗng nhiên đứng dậy nói: “Chúng mình sơ ý quá, Tử Nghi nằm đây ngủ mà không lấy cái gì đắp cho anh ấy. Đợi em lấy tấm chăn chiên để anh đắp cho anh ấy. Anh tắt hết đèn điện ở bên kia đi, cho anh ấy khỏi chói mắt, ngủ không thoải mái.”

“Để anh đi lấy cho.” – Người đàn ông vội vàng đứng lên nói.

Người vợ trẻ không đáp lời, nhanh chóng quay lưng đi ôm tấm chăn lại, bảo:

“Anh nhẹ tay cởi cho anh ấy đôi giày ra đi. Rồi tung chăn đắp lên cho anh ấy từ vai đến chân, để anh ấy ngủ cho ngon.” Cô nhìn chồng mình cởi giày, đắp chăn cẩn thận cho người đàn ông đang ngủ ấy, rồi lại bảo: “Chúng ta cứ ngồi lại ở đây thôi. Lát nữa anh ấy tỉnh dậy nhất định muốn uống trà, uống nước. Vừa nãy anh ấy nói, anh ấy không về nhà, cái ghế bành ở đây còn thoải mái hơn cái giường ở nhà anh ấy nhiều.” - Cô nói rồi lại ngồi xuống – “Ôi chao! Gia đình anh ấy thật chẳng ra làm sao, anh ấy đáng thương thực.”

Người đàn ông vẫn ngồi tựa vào vợ mình, trong phòng  chỉ còn lại một bóng đèn chụp nhỏ, rất tối; Lửa trong lò sưởi sát tường tỏa ra một thứ ánh sáng màu đỏ cam êm ái soi lên gương mặt hai người. Chậu mai đặt trên kỷ nhờ hơi  ấm trong nhà đã nở rộ, tỏa hương thơm ngát ngọt nào. Người đàn ông ấy ngắm nhìn vợ mình, rồi nheo mắt cười bảo:

“Thái Thiều, anh  cũng say rồi.”

“Chẳng phải anh nói là mình uống không bao nhiêu à?” – Người vợ mỉm cười nói.

“Anh không phải là say rượu, mà là say vì khung cảnh này cơ … Cả mắt, mũi, tai, miệng, cho đến linh hồn anh đều say rồi … Trái tim anh lại càng say. Em sờ thử xem, xem nó đang đập nhanh thế nào!” – Anh vừa nói vừa ngồi sát vào bên cạnh Thái Thiều.

Thái Thiều quay sang nhìn anh ta nửa như cười, nửa như không, rồi lại quay sang nhìn người đang say ngủ, nói: “Anh lại còn không chịu nhận là đã uống say nữa. Anh thử nghe xem chính mình đã đem hết cả tai, mũi, miệng, mắt, linh hồn, trái tim mình mà phô ra rồi đấy. Chỉ là mặt anh không đỏ như Tử Nghi thôi.  Anh ấy hôm nay đúng là say thật rồi!”

Người đàn ông tựa như không nghe thấy vợ mình nói gì, vẫn cứ nheo đôi mắt say,  kéo tay cô, nói: “Em thân yêu, làm sao anh có thể không say khắp toàn thân được? Một con người thế này, một đêm tốt lành thế này, một căn nhà đẹp đẽ bình yên thế này, đều khiến anh thưởng thức được! Bình thường, được ngồi trong một căn phòng đẹp đẽ thư thái như thế này, ngắm nhìn từng món từng món đồ vật đều do ý trung nhân của mình bố trí sắp đặt, đã khiến anh say đắm trong lòng rồi, trông thấy em từ xa đi lại, trái tim anh đã lay động không thể làm chủ nổi nữa rồi. Bây giờ, ngồi ngay trước mắt anh là một nàng tiên nữ, nơi anh đang ở là một cung điện tuyệt trần, tai anh được nghe tiếng nhã nhạc của tâm hồn, mũi anh được ngửi mùi hương ngào ngạt đến tiêu hồn, đừng nói là hương thơm của hoa mai, hoa hồng không thể sánh được, mà đến mùi hương của hoa sen nếu đem so, cũng còn hiềm là lẫn chút hơi đắng của lá sen cơ đấy. Còn miệng  anh, nó vừa mới được nếm những hương  vị ngon lành mà người trong lòng của anh đặc biệt để tâm làm ra – Ôi, anh còn có thể được nếm cái mùi vị tựa như hương hoa mà chẳng phải hương hoa, tựa như mật ngọt mà chẳng phải mật ngọt, tựa như rượu thơm mà chẳng phải …”

“Đủ rồi, đủ rồi! Anh say thật rồi. Lại còn đem những câu sến súa ấy ra trêu chọc em nữa. Anh nói nho nhỏ thôi, kẻo lại đánh thức Tử Nghi dậy đấy.”

Người đàn ông cầm bàn tay vợ mình lên ra sức hôn hít, rồi lại ngẩng đầu nhìn cô nói: “Em cũng hơi say rồi hả? Sắc hồng trên má em, có loài hoa nào có thể sánh được với màu sắc khả ái  ấy? Hoa đào ư? E là thô tục quá. Mẫu đơn ư? Diễm lệ  quá! Hoa cúc ư? Lạnh nùng quá! Hoa mai ư? Lại gầy quá. Tất cả đều chẳng thể so được.” – Vừa nói anh ta vừa ngồi sát lại gần hơn một chút – “Ôi! Không cần phải nói đến cái gì khác, chỉ cần nói về đôi nét mi này thôi, có cái gì sánh nổi đây? Đem sắc núi xa mà so, anh e là nó nhạt quá; Mày ngài - cong quá, lá liễu - thẳng quá, trăng non - lạnh quá.  Đều chẳng phải, đều chẳng phải! Vẻ đẹp của đôi mày, thật chẳng kém gì vẻ đẹp của đôi mắt, làm sao người ta thường lại không nhắc đến đôi mày nhỉ?”

Tối nay, Thái Thiều dường như không giống như bình thường, bao nhiêu lời của Vĩnh Chương – chồng cô – nói, cô đều uống cạn từng từ từng từ vào trong tâm khảm mình. Mắt cô liên tục ngó nhìn sang người đang nằm ngủ bên kia, đến lúc này mới ngắt lời Vĩnh Chương, nói: “Tối nay, đầu em cũng hơi quay cuồng … Em uống rượu rồi không thích nói nhiều, anh thì cứ thao thao bất tuyệt như thế mà không thấy khát à?”

Vĩnh Chương  vẫn chưa hết niềm cảm hứng, lắc lắc đầu lại tiếp tục nói:

“Thái Thiều, anh nói thật đấy, vẻ đẹp của làn mi cũng rất quan trọng nhé. Thế nhưng, thường khi mới gặp mặt, người ta không nhìn thấy vẻ xấu đẹp của làn mi. Cái này phải vào lúc đối diện với nhau trong đêm yên tĩnh mới cảm nhận được. Ôi, làn mi của em, thật sự là đẹp đến kỳ lạ!”

“Vĩnh Chương, em mặc kệ anh đấy, anh toàn lôi em ra mà trêu đùa thôi.” Cô hơi nhún vai, nói, rồi quay mình, xây lưng lại phía Vĩnh Chương. 

“Anh nào dám!” – anh ta vội vàng phân bua, rồi đưa tay nhè nhẹ xoay Thái Thiều quay lại – “Là anh đang ca ngợi tạo hóa đã đưa một nàng tiên nữ thế này hạ phàm để cho anh cung  phụng thân gần, anh thực tâm cung phụng còn không đủ, chứ đâu dám đùa bỡn … Anh tin là, một người có vẻ bề ngoài thực sự đẹp, thì tâm hồn nhất định cũng sẽ đẹp. Ví như tâm hồn của em, nào có lúc nào không đem lại niềm vui cho anh, khiến anh phải ca tụng. Cứ lấy căn buồng này mà nói, có cái gì không phải qua bàn tay em đụng vào thì mới được mọi người khen ngợi đâu? Giả sử có ai đó đem ngôi vua đến xin đổi, thì đừng nói là người yêu này của anh, mà ngay cả một đồ vật nào trong căn nhà này, anh nhất định cũng tống gã vào nhà thương điên.”

Dáng vẻ Thái Thiều lúc này tựa hồ như nghe mà chẳng thấy, với dáng vẻ có một chút hơi men, cô tựa đầu mình vào vai  Vĩnh Chương, nhìn sang người đang ngủ bên kia. Vĩnh Chương vẫn tiếp tục nói: “Ôi, ba ngày nữa là năm mới rồi, anh có thể kính dâng em một chút gì nhỉ? Em đã trao cho anh bao nhiêu vinh quang và hạnh phúc, dẫu có nói hết cả một đêm hôm nay cũng chẳng nói hết được một phần trăm. Em thân yêu, hãy mau nói cho anh biết, em muốn có cái gì? Không cần phải tiếc tiền. Cái gì mà em muốn, là anh sẽ rất vui sướng được chi tiền.”

Thái Thiều nghe xong, ngẫm nghĩ một chút, sau đó vẫn nhìn ngóng sang người đang nằm ngủ. Lúc này, Tử Nghi đang ngủ say sưa, hai má đỏ hồng tựa như được đánh phấn. Đôi mắt đầy những suy tư thần bí đang khép hờ đầy thư thái. Đôi mày đen nhánh, vươn thẳng về hai bên tóc mai rất rõ nét. Khóe miệng anh, thường ngày luôn tuôn tràn những lời nghị luận và những câu hài hước, bây giờ đang cong cong khép lại nhẹ nhàng, bên má tươi tắn mang theo một nét cười êm. Dáng điệu ấy, thường ngày Thái Thiều thực sự chưa từng được thấy qua. Bình thường, dung nghi của anh đều vô cùng kính cẩn nho nhã, chứ không hề có vẻ đẹp đẽ ấm nhuần như sau khi say rượu thế này. Thái Thiều lặng lẽ ngây nhìn hồi lâu, khuôn mặt bỗng nhiên nóng bừng. Cô đáp lời Vĩnh Chương:

“Em chẳng cần gì cả, em chỉ muốn anh bằng lòng cho với em một thứ … chỉ cần một giây thôi.”

“Em mau nói đi,” – Vĩnh Chương nói, vẻ rất hào hứng – “Tất cả mọi thứ của anh đều là của em. Đừng nói là một giây, mà cả ngàn vạn năm cũng được.”

“Em muốn … Nói ra em hơi ngại.”

“Em đừng lo.”

“Anh ấy …”

“Anh ấy nhất định chưa tỉnh đâu, em cứ yên tâm nói đi.”

“Em, em chỉ muốn hôn một cái lên má anh ấy, anh có cho phép không?”

“Thật ư, Thái Thiều?”

“Thật! Đúng là thế đấy!”

“Thật à? Như thế sao được? … Tối nay em cũng uống say rồi phải không?”

“Không có say, em không có say. Em kể cho anh nghe, vì sao em lại nảy ra đề nghị như thế, thì anh sẽ phải bằng lòng với em nhé. Từ khi em quen biết với Tử Nghi em đã vô cùng khâm phục anh ấy. Cử chỉ dáng vẻ của anh ấy, nói năng văn chương của anh ấy, cách anh ấy đối đãi với mọi người mọi việc, đều luôn khiến em yêu mến. Chỉ bởi vì anh ấy là người đã có vợ, nên em vĩnh viễn không dám thổ lộ ra nửa câu nào tỏ ý ái mộ anh ấy cả. Nhưng anh ấy lại phải ở trong một gia đình rất không như ý, nên em rất thương cảm cho anh ấy.”

“Anh ấy cũng rất khen ngợi em với anh, và rất mến mộ anh. Nhưng vì người mến mộ anh nhiều quá, nên anh cũng không để ý. Anh cũng biết rằng em rất khâm phục anh ấy, nhưng anh không biết em lại yêu mến anh ấy như thế.”

“Nhỏ tiếng thôi. Để em nói xong tâm sự của mình đã. Em bẩm sinh ra đã có một cái tính cách kỳ lạ là rất yêu thích bút mực văn chương, anh biết rồi đấy, mỗi khi được thấy những văn chương thập phần kỳ diệu, là đều nghĩ đến phong thái dung nghi của tác giả. Văn chương bút mực tuy đẹp đẽ đấy, nhưng phong thái, nói năng của người viết lại không nhất định đã đẹp đẽ. Chỉ có anh ấy là thực sự khiến em phải yêu mến thôi. Ôi, mặt nào của anh ấy cũng đều tốt cả! … Trước nay em chưa từng dám nói ra câu này với ai, e là kẻ tục nhân sẽ hiểu lầm. Hôm nay, nói năng dáng vẻ của anh ấy sau khi rượu say lại càng khiến em say đắm trong lòng. Em nghĩ đến tình cảnh phiền muộn trong nhà anh ấy  - một người vợ không hề có chút tình cảm nào, những ông chú bà thím không hề quan tâm đến gì khác ngoài việc ngửa tay xin tiền, thì lại không khỏi động lòng thương xót vô cùng. … Anh ấy thật đáng thương! …  Anh thân yêu, anh ấy là một người cao thượng tốt đẹp như thế mà không có ai thương yêu anh ấy, thì thật là một điều đáng tiếc!” 

“Ờ! Vì thế nên nên em muốn đến kiss[1] anh ấy hả Thái Thiều?”

“À, cũng bởi vì khi nãy, em càng nhìn anh ấy, càng động lòng thương mến vô cùng không thể ngăn lại được, nên em mới cảm thấy khó chịu nổi, nếu em không thể biểu lộ ra.” Cô túm chặt lấy tay Vĩnh Chương nói – “Anh nhất định phải bằng lòng với  em.”

Nét mặt Vĩnh Chương lộ rõ vẻ khó xử, nhưng vẫn mỉm cười nói:

“Thái Thiều, em hãy nghĩ một yêu cầu khác có được không? Anh không thể bằng lòng cho em …” Thái Thiều không đợi Vĩnh Chương nói xong, liền ngắt lời anh:

“Em tin anh là người yêu em nhất,  làm sao anh lại rốt không thể đồng ý với yêu cầu ấy của em? … Ngay cả Tử Nghi, anh cũng vô cùng yêu quý anh ấy cơ mà …”

“Em yêu, em đúng là đã uống say rồi. Tình yêu đương vợ chồng, với tình yêu thương bè bạn không hề giống nhau! Có điều, anh cũng không hiểu, vì sao anh rất thích em cũng yêu quý bạn bè của anh giống như anh, nhưng anh không thể cho phép em hôn anh ấy được.” Vĩnh Chương vội vàng phân trần.

“Em không có uống say, không say thật mà!” – Thái Thiều nói gấp gáp – “Anh phải bằng lòng cho em. Chỉ cần một giây đồng hồ kiss anh ấy thôi, là em thoải mái trong lòng rồi. Lẽ nào anh lại không tin tưởng em ư?” – Cô nhìn chằm chằm vào Vĩnh Chương.

Vĩnh Chương nhìn vẻ mặt vô cùng kiên quyết của Thái Thiều, đáp lại:

“Không hề có chuyện anh không tin tưởng em, nhưng anh cảm thấy anh không thể đáp ứng yêu cầu này của em.”

“Nếu như không phải là anh không tin được  em, thì làm sao anh lại không bằng lòng?” Thái Thiều đứng lên, nói rất khẩn thiết.

“Em thực sự không thể không kiss anh ấy ư?”

“Đúng, em sẽ mãi không thể thoải mái, nếu em không thể kiss anh ấy một lần.”

“Được!” – Vĩnh Chương nói rất quả quyết.

Thái Thiều đứng dậy bước đi hai bước, bỗng nhiên cô lại quay trở lại kéo tay Vĩnh Chương bảo:

“Anh đi cùng em qua đó.”

“Anh ngồi ở đây đợi em, chẳng cũng thế à, sợ cái gì mà phải có người đi cùng?”

“Không! Anh phải  đi cùng em!”

“Anh không thể đi cùng em qua đó được. Hơn nữa, nếu anh đi cùng em, thì chả hóa ra là anh không tin tưởng  em sao? Em nghĩ xem có phải không?”

Thái Thiều không đáp lời, đi tiếp, rồi bỗng lại đứng lại nói:

“Tim em đập mạnh quá, anh không được rời đi đâu đấy.”

“Được, anh đã đồng ý ở đây với em mà.”

“Em đi nhé.” Thái Thiều nói xong liền nhẹ nhàng tiến lại phía chiếc ghế bành lớn Tử Nghi đang nằm ngủ. Càng đến gần, khuôn mặt Tử Nghi càng thấy rõ ràng hơn, con tim Thái Thiều lại càng đập nhanh hơn. Đến khi cô đi tới trước cái ghế, thì tim cô lại càng đập thình thịch gấp gáp loạn nhịp hơn. Cô lúc này, mặt nóng đến khác thường, tim đập đến khác thường, lặng ngây đứng nhìn chăm chăm vào Tử Nghi, lát sau trên mặt hơi nóng đã lui đi, trong tim cũng chợt ngưng bặt những tiếng đập dồn dập mạnh mẽ. Thái Thiều hối hả bước dồn, quay lại trước mặt Vĩnh Chương, không nói câu nào, cúi đầu ngồi xuống. Vĩnh Chương  thấy cô, vội hỏi:

“Thế nào rồi,  Thái Thiều?”

“Không có gì. Em không muốn kiss anh ấy nữa.”

Châu Hải Đường dịch

 


Giới thiệu tác giả:





Lăng  Thúc  Hoa (1900 – 1990) nguyên tên là Lăng Thụy Đường, nguyên quán Quảng Đông, sinh ra và lớn  lên ở Bắc Kinh, tốt nghiệp Đại học Yên Kinh, là một nữ họa sĩ, nữ tác gia Trung Quốc được chú ý trong thời kỳ Dân quốc. Sinh ra trong một gia đình quan lại có truyền thống thư họa ở Bắc Kinh, vì thế từ nhỏ bà đã được  huân tập trong một môi trường văn chương bút mực, điều ấy đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tài năng thiên bẩm, sở thích cũng như cuộc sống của bà. Trên cả hai khía cạnh văn chương và hội họa bà đều những thành tựu ưu tú đặc biệt.

Năm 1923 bà có tác phẩm đầu tay “Đời người con gái quá thê lương”. Năm 1930 bà xuất bản hai tập truyện ngắn “Đàn bà” và “Trẻ con” (Sau đổi tên là “Hai anh em”), năm 1935 làm chủ biên tờ phụ bản “Hiện đại Văn nghệ” của “Vũ Hán nhật báo”. Năm 1947 bà cùng con gái sang Luân Đôn theo chồng, từ đó định cư ở châu Âu. Năm 1953, “Cổ vận” - tiểu thuyết tự truyện viết bằng tiếng Anh của bà được  xuất bản tại Anh. Bà từng giảng dạy  ở nhiều trường Đại học  ở Singapore, Canada, Anh … Từ năm 1972 đến 1981 bà nhiều lần quay về Trung Quốc, vẽ tranh viết văn, xuất bản nhiều tác phẩm giới thiệu văn hóa nghệ thuật của Trung Quốc ra thế giới bằng tiếng Anh, được hầu hết giới trí thức Anh tán thưởng. Năm 1989 bà quay về Bắc Kinh và mất ở đây vào tháng Năm, năm 1990.

Truyện ngắn “Sau cuộc rượu” (tên gốc “Tửu hậu”) – một truyện ngắn thành  danh của Lăng Thúc Hoa - được bà sáng tác năm 1925, sau khi được Đinh Tây Lâm cải biên thành kịch bản “Sau cuộc rượu”, trên văn đàn đã có hàng loạt những tác phẩm loại này ra đời, được người ta gọi là “Tửu hậu phái”. Điều ấy cho thấy sự chú ý và ảnh hưởng nhất định của truyện  ngắn này từ khi nó mới ra đời, trong thời điểm xã hội lúc bấy giờ. 



[1] Kiss: hôn (tiếng Anh) – nguyên văn chữ dùng của tác giả.

Thứ Hai, 6 tháng 1, 2025

VĂN CHƯƠNG TRONG VẠI NƯỚC - Tô Đồng

 

Trước sau tôi vẫn cho rằng, mộng văn chương của mình, đã được manh nha nảy những  hạt mầm đầu tiên từ một vại nước.

Khi tôi còn nhỏ, nước máy tự chảy đến từng nhà vẫn còn chưa phổ biến, cư dân ở mỗi một phố cùng  dùng chung một vòi nước công cộng, vì thế nhà nào nhà nấy đều phải có một cái vại chứa nước. Cái vại nước của nhà tôi chễm chệ “hùng cứ” một góc bếp, tựa như một người khổng lồ với cái bụng lớn lạnh lùng đứng đó, lại cũng giống như một thành viên vô cùng uy quyền trong nhà. Tôi còn nhớ, việc ra vòi nước gánh nước, phần lớn là do hai chị gái tôi đảm đương. Hai chị tôi có đôi thùng tôn, ra hứng lấy đầy nước vào đó rồi ghé vai gánh về nhà, với vẻ tức giận thường thấy khi người ta phải làm những việc không chủ động làm, rồi ào ào đổ nước vào trong vại. Tôi dĩ nhiên chỉ khoanh tay đứng bên cạnh xem, nhìn thấy trong vại chớp mắt nước đã dâng cao, nước trong nuốt dần thành vại màu nâu sẫm, tự nhiên có một niềm hưng phấn khó tả. Bây giờ nhớ lại, niềm hưng phấn ấy là vì tôi có một bí mật, tâm điểm của bí mật ấy liên quan đến một con trai ở dưới đáy vại nước.     

Xin cho phép tôi được kể lại câu chuyện vô cùng ngây thơ này. Chuyện rằng, có một chàng trai nghèo tốt bụng nhặt được một con trai người ta vứt đi ở bên sông, chàng thương tình mang nó về nhà, thả vào vại nước duy nhất trong nhà để nuôi. Theo đúng như mô-típ kể chuyện đồng thoại, con trai ấy tất nhiên không phải là một con trai bình thường, giữa hai mảnh vỏ trai có một người ở trong đó, một nàng tiên! Chẳng biết là để báo ơn cứu mạng, hay là vì vướng phải lưới tình, mỗi ngày khi chàng trai ra ngoài làm việc, nàng tiên lại từ trong vại nước bước ra, sắp cơm dẻo canh ngọt để sẵn lên bàn cho chàng, rồi lại chui vào trong vỏ trai của mình. Còn chàng trai nghèo đang ăn bữa nay chưa biết bữa mai ấy, từ đó trở nên no cơm ấm áo, thoát khỏi cảnh nghèo khó của mình một cách diệu kỳ.

Bây giờ tôi vẫn còn thấy ngượng khi phân tích xem vì sao khi còn nhỏ được nghe người lớn kể không biết  bao nhiêu câu chuyện đồng thoại vô cùng lý thú như vậy, mà tôi lại chỉ say mê với câu chuyện về nàng tiên sống trong vỏ con trai ấy? Nếu không phải là do gien ưa nhàn nhã  ghét mệt nhọc bẩm sinh, thì có thể đó là có tâm lý chờ đợi một chiếc bánh nướng từ trên trời rơi xuống của những người bình thường. Đến nay tôi vẫn còn nhớ như in những khoảnh khắc mở nắp đậy vại nước ra: khi cái nắp vại được mở ra, thì một giấc mơ hư ảo và náo nhiệt cũng được bung nở.      


Chăm chú nhìn vào vại nước là cách đọc sớm nhất của tôi, và cũng là cách đọc mà đến nay tôi vẫn còn hoài niệm. Cách đọc ấy vừa tràn đầy ý thơ, cũng tràn đầy hư không. Bất luận là thi ý hay hư không, đều phải trải qua thời gian để lĩnh hội. Tôi chưa bao giờ được thấy câu chuyện đồng thoại xuất hiện trong vại nước nhà mình, sang nhà người khác mở nắp vại nước của nhà khác cũng vậy. Chỉ có nước, không có con trai nào, càng không có nàng tiên nào cả. Thi thoảng mẹ tôi mua trai ở chợ về, chuẩn bị để nấu với đậu phụ, tôi lại nảy ra ý nghĩ tìm một kết cục khác cho con trai, tôi luôn cảm thấy nên thả nó vào vại nước thử xem sao. Tôi đã từng thử một lần, nhưng con trai ở trong vại nước khiến nước có mùi tanh nên cuộc thử nghiệm nhanh chóng bị phát hiện. Người trong nhà lập tức vớt con trai trong vại nước ra ném đi, bảo: “Trong vại nước làm sao nuôi trai được? Mày xem xem, vất vả mãi mới gánh được vại nước, giờ không dùng được nữa rồi! Cái thằng oắt này, trông mặt mũi sáng sủa mà rõ là ngốc!”

Tôi vẫn luôn tin rằng, tất cả những sáng tác nghệ thuật vô cùng nghiêm túc của người lớn đều chịu ảnh hưởng bởi lòng hiếu kỳ thuở nhỏ. Còn với những người được gọi là nhà văn, lòng hiếu kỳ của họ đều hóa thành những con chữ hữu dụng hoặc vô dụng, bị đào thải hoặc được lưu lại. Ở khía cạnh lòng hiếu kỳ, nhân vật mà họ đóng vai may mắn nhất cũng kỳ quặc nhất, tựa hồ cùng lúc có cả may mắn và bất hạnh. Lòng hiếu kỳ của họ muôn hình vạn trạng, vì không có giá trị thực dụng và phương hướng cụ thể nên dường có vẻ mơ hồ. Chỉ dựa vào cái lòng hiếu kỳ mơ hồ này, mà lại phải đưa ra những giải phẫu và thuyết minh sắc bén nhất đối với thế giới hiện thực, vì vậy công việc này có lúc đã khiến tôi cảm thấy đó là số mệnh, là thách thức, và cũng là một kỳ tích.

Một công việc mang tính kỳ tích thì cần phải cố gắng một cách kỳ tích. Trong thời thơ ấu của mình, kỳ tích mà tôi mong đợi đều ở cả một chiếc vại nước. Thời gian trôi qua, đã mang theo chiếc vại nước ấy đi, cũng mang theo mất cả một phần kỳ tích. Trước nay tôi vốn không thích mỹ hóa quá mức cuộc sống ấu thơ, cũng không muốn ngồi trên cây cổ thụ hồi ức phô trương quá mức tình cảm của mình, nhưng tôi tuyệt không đành lòng vứt bỏ ký ức về chiếc vại nước trong thời niên thiếu. Bao nhiêu năm qua, kỳ thực tôi vẫn luôn đang viết về động tác không ngừng mở nắp vại nước ấy – nào ai biết được, đó là động tác chờ đợi, hay là động tác kiếm tìm? Từ trong một chiếc vại nước không nhìn thấy cuộc đời, nhưng có thể nhìn thấy con trai ấy. Trong con trai ấy không nhìn thấy nàng tiên, nhưng có thể nhìn thấy tia sáng le lói của kỳ tích./.


Giới thiệu Tác giả:

Tô Đồng, vốn tên Đồng Trung Quý, sinh năm 1963 tại thành phố Tô Châu tỉnh Giang Tô, là nhà văn đương đại Trung Quốc, đại biểu của phái Tiên phong. Năm 1980 Tô Đồng thi đậu vào khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Bắc Kinh, năm 1983 bắt đầu có tác phẩm ra mắt. Năm 1985 ông xuất bản tiểu thuyết “Cuộc đào vong năm 1934”, năm 1988 xuất bản tiểu thuyết “Thê thiếp thành quần” – tiểu thuyết sau đó đã được đạo diễn Trương Nghệ Mưu dựng thành bộ phim “Đèn lồng đỏ treo cao” nổi tiếng. Năm 2009, ông xuất bản trường thiên tiểu thuyết “Hà ngạn”, và giành được Giải thưởng Văn học Châu Á MAN (Man Asian Literary Prize).  Năm 2013, Tô Đồng xuất bản trường thiên tiểu thuyết “Hoàng tước ký”  - bộ tiểu thuyết đã giúp ông giành Giải thưởng Văn học Mao Thuẫn lần thứ 9 năm 2015. Ngoài ra ông còn từng giành nhiều giải thưởng văn học với nhiều thể tài tác phẩm khác. Hiện Tô Đồng là Phó chủ tịch Hội nhà văn tỉnh Giang Tô, Ủy viên đoàn chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc. Nhiều tác phẩm của Tô Đồng đã được dịch ra các ngôn ngữ như Anh, Pháp, Đức, Ý …  Ở Việt Nam, đã có xuất bản tác phẩm “Thê thiếp thành quần” (tên Việt: Đèn lồng đỏ treo cao cao – Hoài Vũ dịch, và Đèn lồng đỏ treo cao – Nguyễn Vạn Lý dịch), “Hà Ngạn” (tên Việt: “Con thuyền không bến đỗ” – Lê Thanh Dũng dịch).

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2024

NƯỚC ANH VÀ GIA TỘC CỦA TÔI - Diêm Liên Khoa (TQ)

 1.

Đế quốc Anh, với gia tộc của tôi, chính là một cục đờm to vĩnh viễn không có cách nào để nhổ ra khỏi miệng được. 

Tận đến khi đã chín mươi hai tuổi mà ông nội tôi mỗi khi nhắc đến đất nước ở xa xôi mãi bên trời tây ấy, vẫn còn như ngửi thấy mùi hôi thối kinh khủng trước cửa nhà xí, đến nỗi phải quay đầu đi nhổ phì một bãi nước bọt xuống đất.

Trước khi quyết định sang Anh, tôi nhất quyết trước tiên phải về thị trấn nhỏ ven biển ấy, về nhà thăm ông nội đã ở cái tuổi xưa nay hiếm của tôi. Cha tôi công tác ở thành phố, mẹ tôi cả đời đều ở cái thị trấn cổ kính nơi quê nhà ấy vừa để giữ đất đai, cũng là để trông nom ông nội. Trong những năm tháng khi tôi còn nhỏ, ông nội đã y như một gốc hòe già cổ thụ, cong queo, sần sùi, xum xuê cành lá, ngày nào cũng chống cây ba-toong, dạo khắp những con đường của thị trấn, ngửi mùi tanh của biển từ phía bên kia núi, kể đi kể lại những câu chuyện với mọi người, tựa như ông chính là một tiêu bản và ký ức của thị trấn này, giống như một cuốn sách có tranh minh họa từ thời xưa để lại. Ông kể đủ mọi chuyện trên giời dưới đất, nhưng câu chuyện lảm nhảm mãi không bao giờ hết vẫn là về nước Anh Cát Lợi mà tất cả mọi người trong trấn đều cảm thấy xa lạ, và những người Anh mắt xanh mũi lõ mà tất cả những người trong thị trấn hiện còn sống đều chưa ai từng nhìn thấy .   

Khi ấy, ông nội lại xoa xoa đầu của cậu thiếu niên là tôi, chỉ lên con đường ngoằn ngoèo trên dốc núi, nói, con đường sắt xuyên qua đúng ngay dưới chân núi ấy, vươn tới tận bến cảng bên bờ biển. Chúng nó chất những quặng đồng, quặng vàng của thị trấn, lên những đoàn tàu lửa nhả đầy khói trắng, vận chuyển thẳng xuống những con tàu lớn đang đậu cập vào trên bến cảng, rồi đem những kho báu ấy của đất nước ta, kéo còi hơi tu tu, mang về cái đế quốc Đại Anh đáng chết ấy của chúng. Ông tôi bảo, những cái cột buồm biết phun mây nhả khói trên những con tàu lớn của Anh quốc ấy, cao vút tưởng chọc trời, khiến những con chim biển chưa từng trông thấy những cột buồm cao như thế, thường thường bay đâm bổ vào những cái cột buồn tây dương ấy đến vỡ đầu, tóe máu.

Nói về cái chết của những con chim ấy, kỳ thực chính là một kiểu khí tiết của người Trung Quốc.

Nhưng khi nói đến khí tiết, dường như ông tôi hơi cảm thấy hụt hơi. Ông tôi nhớ đến ông nội của chính ông – một người sống bằng nghề khai khoáng trong thị trấn. Vị thương nhân phương bắc ấy chỉ vì hút thuốc phiện mà đã phải đem mỏ đồng chỉ cách thị trấn có vài dặm đường của mình bán cho một thương nhân cùng tuổi người Anh. Đem đất đai nhà cửa của gia tộc vốn chiếm đến hơn nửa ở cả hai bên con phố chính của thị trấn, cũng hút dần hút mòn từng miếng một vào trong cơn đê mê của mình, đem chìa khóa của những nhà cửa tiệm buôn, cùng từng tờ từng tờ văn tự, đệ cả vào tay những người họ khác. Cuối cùng, cùng với cái bến cảng ngoài bờ biển bên kia núi càng ngày càng lớn hơn, lòng núi bên này cũng bị đào càng ngày càng rỗng không hơn, mà cửa tiệm và mỏ đồng của gia tộc nhà tôi, rốt cũng ngày càng ít đi, rơi vào tay kẻ khác. Cho đến tận khi một gia tộc lớn giàu có, vinh hoa phú quý, chỉ còn sót lại một ngôi nhà tàn tạ, ông nội của ông nội tôi sau khi bán nốt đi cỗ xe ngựa cuối cùng đã vận chuyển đất đá, quặng đồng cho mình suốt mấy chục năm, vào một tiệm thuốc phiện trên thị trấn, hút một chầu thuốc đã đời, đến khô kiệt cả linh hồn, đã quay về và treo cổ chết ở thanh xà ngang trên lầu cổng nhà mình. 



2.

Hiện giờ, tôi là một nhà văn.

Hai mươi mấy năm trước, khi tôi mới lên học khoa văn một trường Đại học ở Bắc Kinh, ông nội từng cầm tay tôi, đi trên con phố trước nhà mình ở thị trấn, chỉ vào một ngôi nhà lầu từng là hàng nhuộm, bảo, nếu không phải vì ông nội của ông hút thuốc phiện, thì ngôi nhà này chính là của nhà chúng ta. Ông tôi lại chỉ vào những ngôi nhà từng là niềm vinh dự của gia tộc nhà tôi ở hai bên dọc theo con phố mà chửi rủa: “Mẹ cha nó, bọn mũi lõ chẳng có gì là tốt đẹp cả!” Rồi ông ngoái đầu, di chân, nhổ phì một bãi nước miếng xuống đất. Lúc sau, dẫn tôi đến cây cầu cũ ở đầu con phố, ông tôi chỉ về phía dãy núi mờ mờ ở tít tận đằng xa, nói tiếp: Quặng ở đằng kia kìa! Đường sắt ngầm trong lòng núi, chính là ở dưới chỗ ngọn núi cao nhất ấy.

Tôi nhìn theo hướng tay ông nội chỉ, ngoài ruộng đồng, núi non, và khe suối ra, còn có một thứ nữa, đó là mùi biển nửa tanh nồng nửa ẩm thấp phảng phất bay trong không khí. Tôi không biết mình nên nói gì với ông, bèn hỏi một câu vu vơ: “Ông oán hận nước Anh à?”

Ông nội quay sang nhìn tôi, tựa hồ nhìn vào hy  vọng tương lai của mình, đưa tay lên xoa xoa đầu tôi, cười nhăn nhó, bảo, điều hối tiếc lớn nhất của gia tộc ta, không phải là ông nội của ông nội cháu hút thuốc phiện, không phải là người nước Anh đến đào quặng vàng, quặng đồng của thị trấn ta đem đi, mà là: trong gia tộc chúng ta không có ai có cơ hội để có thể xiên một lưỡi dao vào tim người Anh.

Ba ngày trước khi lên máy bay sang Anh quốc, tôi về thăm thị trấn nhỏ nơi quê nhà ấy. Bấy giờ, những thứ hải sản mang từ biển vào vốn đều là những sinh mệnh còn sống bơi nguây nguẩy, tươi rói trong những bể nước, những chậu lớn để dọc bên đường, nhưng mùi vị bốc lên đến lưng trời thì đều là những mùi cá ươn tôm thối đã chết từ lâu. Những ngôi nhà, những căn lầu trên mặt phố, hơn một trăm năm trước từng là của nhà tôi, trong vòng hơn hai chục năm nay đã nhanh chóng biến mất gần hết, tựa như gió cuốn mây bay. Thay kế vào đó là hết dãy này đến dãy khác những nhà tầng, cửa hiệu, từ trên xuống dưới đều được ốp bằng gạch men trắng và kính, cứ như cái thị trấn cổ và đất nước cổ kính này đều bị bao bọc trong gạch men và kính vậy.

May mắn là nhà tôi – căn nhà cũ xây bằng gạch men xanh đã bị năm tháng chất chồng đè nặng ấy – vẫn như một di tích tọa lạc dưới gốc mấy cây cổ thụ ở đầu cùng phía đông con phố. Ông nội chín mươi hai tuổi của tôi cũng  giống như một di tích, nằm trong căn buồng phía nam ở nhà trên. Chính trong gian nhà ấy, khi tôi nói với ông, tôi phải sang Anh, ông tôi dù phải nằm bẹp trên giường ba năm nay, nhưng đôi mắt đã nhòe mờ bỗng nhiên sáng rực lên, chằm chằm nhìn vào tôi tựa như đang nhìn một người mà ông không hề quen biết, tận đến khi ánh mặt trời xuyên qua cửa sổ rọi lên mặt tôi đến nóng bỏng, ông mới nhờ ánh sáng ấy, nhận ra được rõ người đang ngồi bên giường trước mặt, chính là thằng cháu đích tôn của mình  – cái thằng đi học ở Bắc Kinh và ở lại đó ngày qua ngày viết tiểu thuyết ấy.

“Cháu đi đâu?”         

“Đi Anh ạ!”

Có thêm câu hỏi và câu trả lời ấy, ông nội mới tin chắc vào lời tôi nói, trên gương mặt nhăn nheo với làn da màu sáp vàng, đầu tiên hơi có một chút vẻ hồng nhuận và thư giãn mềm mại,  rồi đến khi đã biết rõ tôi thực sự phải đi sang nước Anh, thì vẻ hơi hồng nhuận tươi mềm ấy liền biến mất, và dần dần thay vào đó là một màu cứng đanh sắt lạnh, dường như người đang ngồi ở đầu giường không phải ông mà chính là một pho tượng bằng sáp không hề có một chút màu sắc của tia máu hồng nào. Cứ như vậy một lúc sau – một lúc mà dài như thiên trường địa cửu – ông nội nắm lấy hai bên vai tôi lắc mạnh. Trong khi ông lắc vai tôi, tôi nghe thấy tiếng chuyển động của những đốt xương đã cứng ngắc khắp người ông, giống như một cỗ máy đã rất lâu không sử dụng, không còn dầu mỡ, đang hoạt động. Sau đó, ông tôi lấy từ trong cái rương đóng bằng những tấm ván gỗ tử đàn phía sau lưng ra một cái hộp gỗ nhỏ, độ chừng rộng hai tấc, cao hai tấc nhưng dài tới tám tấc, cũng làm bằng gỗ tử đàn đỏ tía. Ông dùng tay trái đỡ cái hộp, tay phải kéo tay tôi, rồi cầm tay tôi đặt lên trên mặt cái hộp gỗ dài ấy, khuôn mặt sáng bừng, đôi môi hơi run rẩy. Ông run run nói: “Cuối cùng nhà ta cũng có người đến được nước Anh của chúng rồi.  Di nguyện của tổ tông mấy đời nhà ta là, có cơ hội rồi, nhất định phải xỉa một nhát dao vào tim người Anh.”

Đôi tay của ông tôi run rẩy như ngọn đèn trước gió. Trong khi run rẩy, những sợi gân xanh già nua nhăn nheo trên tay ông giật giật như những sợi dây đàn đang rung. Trong lúc những sợi dây đàn ấy đang hòa tấu, tôi nghe thấy rất rõ ông nội tôi thay mặt cho tất cả tổ tiên trăm năm trước của mình nói với  tôi: Cuối cùng nhà ta cũng có người đến được nước Anh của chúng rồi. Cháu nhất định phải xỉa một nhát dao vào đúng tim người Anh bọn chúng.”        

3.

Chuyến thăm của tôi đến nước Anh, trước sau tổng cộng mười ngày.

Trừ một buổi diễn thuyết trong chương trình hoạt động văn hóa “Trung Quốc ngày nay” tổ chức ở South Bank, Luân Đôn ra, thì còn tổ chức thêm một buổi diễn thuyết và nói chuyện về văn học ở khoa Đông Phương của Đại học Cambridge nữa, còn lại chỉ là du lịch tham quan với danh nghĩa là giao lưu văn hóa mà thôi. Ăn thì toàn đồ tây chính cống, ở thì khách sạn được xếp hạng sao, những người cùng đi với tôi, ngoài phiên dịch ra, còn có dịch giả tiểu thuyết đáng kính của tôi, biên tập viên và người phát hành của nhà xuất bản, cùng với một đôi vợ chồng tài hoa xuất chúng người Anh và con của họ. Vợ chồng họ là nhà thơ và nhà văn, sống trong một biệt thự ở làng quê ngay bên cạnh di tích Stonehenge của nước Anh. Trên khu vực được che phủ bởi những khối đá lớn ấy của công trình Stonehenge, họ đã khiến tôi cảm nhận được một bầu trời và thảo nguyên khác hẳn, một tình thú và văn hóa khác hẳn với Trung Quốc. Sau đó tôi lại theo họ đến tham quan phố người Hoa, viện Bảo tàng, Bảo tàng mỹ thuật, nhà thờ lớn, thăm mộ Karl Marx và nhà cũ của Engels – bạn thân ông, làm những việc mà bất cứ người Trung Quốc nào lần đầu tiên đến nước Anh cũng sẽ làm: chụp ảnh và lưu niệm, cảm thán và xuýt xoa. Chỉ duy nhất có một điều không giống, đó là sâu trong tâm trí mình, trước sau tôi vẫn nhớ kỹ câu nói ấy của  ông nội: Trong gia tộc chúng ta, cuối cùng cũng đã có người có thể đến được nước Anh của chúng rồi!    

Câu nói ấy khiến tôi vào đêm cuối cùng trước khi rời Luân Đôn, đã nhân lúc đêm khuya người vắng, một mình rời khỏi khách sạn Holiday ở trung tâm thành phố, đi bộ trên con phố lớn của Luân Đôn, ngắm nhìn những kiến trúc cổ kính đều có tuổi đời từ mấy trăm đến cả ngàn năm, đặt bàn chân lên con đường lát đá phiến đã in hằn rất sâu những dấu bánh xe, nhắm hướng  sông Thames tiến bước. Trên phố lớn Luân Đôn không có mùi cá ươn tôm chết của quê tôi, cũng không có mùi tanh đất bùn của ruộng đồng và cây cối đặc hữu của miền bắc Trung Quốc. Trong mùi biển ướt nhuận giữa bầu không, và hơi nước của sông Thames bay la đà trên mặt đường phố, đan xen với mùi gạch mục từ những tòa kiến trúc cổ kính và mùi tháng năm của những khối đá đã được chạm trổ ở khắp mọi nơi. Trên đường phố, thi  thoảng vẫn thấy  những chiếc xe taxi còn chạy, cùng những anh chàng, những cô nàng mũi cao chẳng biết đã đi tiệc tùng vui vẻ ở đây trở về, khi họ đến trước mặt tôi đều nhẹ bước chân lại, để ý nhìn tôi, dường như có chút thiếu tin tưởng bởi vẻ khác lạ nước ngoài của tôi.

Tôi đã đến được một cây cầu trên sông Thames như thế, nhìn ngắm vòng quay lớn mà người ta vẫn gọi là “Con mắt Luân Đôn”, ngồi đó rất lâu,  suy nghĩ rất lâu, tận đến khi có một cô gái A Rập bán hoa tươi từ đâu đi tới, cầm một bó hoa hồng còn lại chưa bán hết đến trước mặt và hỏi thử tôi có mua không, thì tôi mới đứng dậy từ chỗ ngồi bên lan can đá ở đầu cầu.

Hai chúng tôi dùng tay ra hiệu với nhau, dưới ánh đèn tôi đã mua toàn bộ số hoa hồng của cô ấy, rồi đi lên phía giữa cầu. Chính trên giữa cây cầu cổ kính ấy, tôi dỡ bó hoa, cầm từng bông từng bông hoa một thả xuống mặt nước sông Thames. Khi cúi đầu nhìn xuống từ lan can cầu, tôi trông thấy từng bông từng bông hoa đang rơi xuống, mùi hương hoa nồng nàn sực nức còn lưu mãi bên cánh mũi tôi. Và từng bó từng bó hoa trôi trên mặt nước sông Thames, thấp thoáng ẩn hiện, như những chiếc thuyền mui vẫn luôn có thể nhận ra khi bập bềnh trôi trên những con sông của Trung Quốc trong những ngày mưa.

4.

Khi tôi từ Anh quốc trở về thì ông nội tôi đã qua đời.         

Chín mươi hai tuổi,  không bệnh mà mất. Đến khi tôi lại từ Bắc Kinh trở về được đến quê, thì ông nội đã được mọi người trong thị trấn an táng trên dãy núi cao nhất, án ngữ phía tây, mà ông đã chỉ cho tôi xem.  Dãy núi ấy kéo dài, nhấp nhô, ngoằn ngoèo uốn lượn, một bên là biển lớn mênh mông vô tận, một bên là thị trấn nhỏ cổ kính mà nhà tôi từng rất giàu có ở đấy. Và, ở trong  lòng dãy núi ấy, là con đường hầm và mỏ đồng đã bị người Anh moi sạch.

Phần mộ ông nội, chính ở trên quang cảnh của tháng năm và thế núi ấy. Vô cùng bình thường, một nấm đất vàng, đến ngay cả những mầm cỏ mới còn chưa kịp mọc.

Tôi ngồi trước mộ ông, trên tay cầm cái hộp gỗ tổ truyền mà khi tôi sang Anh quốc ông đã đích thân giao vào tận tay cho tôi. Trong cái hộp đó là một lưỡi dao găm để trong vỏ dao làm bằng da bò. Ông nội bảo, sau khi ông nội của ông qua đời, thì cha của ông đã cầm cây dao ấy lên thị trấn, đi đến hầm mỏ và bến cảng, nhất tâm muốn dùng nó để đâm chết một, hai người Anh. Nhưng kết quả là, không phải ông không gặp được người Anh nào, mà là vì vô vàn nguyên nhân khác khiến ông gặp được họ nhưng không thể ra tay.  

Sau đó nữa, thì lưỡi dao cùng di nguyện này đã được cha của ông đặt vào tay ông.             

Lại qua mấy chục năm, ông nội liền đem lưỡi dao ấy giao phó cho tôi. Ông nội bảo: “Cầm lấy nó. Nhà ta cuối cùng cũng có người có thể đến được đất nước của chúng rồi.” Nhưng khi tôi giấu ông nội đem lưỡi dao ấy cất vào góc tường trong ngôi nhà cũ của mình, tôi nói với ông: “Ông cứ an lòng, cháu đem lưỡi dao này sang nước Anh. Cháu sẽ không để lưỡi dao này phải đi suông một chuyến sang Anh đâu!” 

Vì câu nói ấy mà ông nội bóp chặt lấy tay tôi, rồi vào chính cái đêm mà tôi lên đường ông đã không bệnh mà mất.

Ông đã chết một cách thanh thản và thỏa mãn.

Khi tôi ngồi dưới chân nấm mộ của ông, nhìn xuống thị trấn già nua từng có vô số gia sản của gia đình mình, ngửi mùi biển khơi bay lại từ cách đó mấy chục dặm, trên tay cầm cái hộp đựng dao bằng gỗ tử đàn, tôi nghĩ mình nên viết một cuốn tiểu thuyết về lịch sử ân oán giữa gia tộc của tôi với nước Anh. Tên  của cuốn tiểu thuyết ấy là “Nước Anh và gia tộc của tôi.”

(Châu Hải Đường dịch)   

 

 

 Giới thiệu tác giả:

Diêm Liên Khoa sinh năm 1958, tại Lạc Dương, Hà Nam, nhà văn đương đại Trung Quốc, giáo sư viện Văn học, Đại học Nhân dân Trung Quốc, giáo sư Văn hóa Trung Quốc, Đại học Khoa kỹ  Hongkong.

Tốt nghiệp Đại  học Hà Nam  năm 1985, tốt nghiệp khoa Văn học, Học  viện Nghệ thuật Giải Phóng Quân năm 1991. Năm 1997, ông  cho ra đời truyện vừa “Ngày, Tháng, Năm”, năm 1998 là tiểu thuyết “Nhật quang lưu niên”, tiếp đó là “Kiên ngạnh như thủy” (2001),  “Thụ hoạt” (2003), cùng năm ông giành giải thưởng Văn  học Lão Xá lần 3. Năm 2006 ông cho ra  đời tiểu thuyết “Đinh trang mộng”, 2008 là “Phong nhã tụng”, năm 2011 tiểu thuyết “Tứ thư” của ông được xuất bản tại Hongkong. Ông cũng giành được  nhiều giải thưởng văn học khác như: Giải thưởng Văn học Kafka năm 2014, Giải thưởng Văn học Hoa ngữ Newman lần thứ 7 năm 2020,  Giải thưởng Danh dự Trọn đời giành cho tác gia quốc tế của Hiệp hội Văn học Hoàng gia Anh năm 2021. Mấy năm gần đây, Diêm Liên Khoa liên tục có tên  trong danh sách đề cử trao giải Nobel Văn học hằng năm. Ở Việt Nam cũng đã có nhiều tiểu thuyết của ông được dịch, giới thiệu và được độc giả đón nhận nồng nhiệt như: “Kiên ngạnh như thủy”,  “Tứ thư”, “Đinh  trang mộng”, “Ngày tháng năm”, “Phong nhã tụng”, …     

MAI NỞ VÌ AI - Từ Huệ Phần (TQ)

 Anh ta mặc một bộ cổ phục, trên tay ôm một cành mai, nếu chẳng phải là vì bộ cổ phục ấy hơi hoa mỹ quá, thì thực sự trông giống hệt như một vị cổ nhân vừa xuyên không đến đứng trước mặt tôi.

Mấy hôm trước, tôi đột nhiên nhận được điện thoại của anh ta, hỏi tôi có còn nhớ ra anh ta vốn từng là học trò của tôi không. Tất nhiên là tôi còn nhớ, hồi ấy anh ta là một thiếu niên có năng khiếu hội họa thiên bẩm, những bài tập về mỹ thuật thường luôn được tôi khen ngợi. Tuy rằng sau khi anh ta tốt nghiệp, thầy trò cũng không hay qua lại với nhau, nhưng tôi cũng biết sau khi anh ta ra trường vẫn liên tục hoạt động trong lĩnh vực hội họa.

Giữa một ngày tuyết rơi, chợt có mùi hương hoa mai thanh nhẹ thoảng đưa tới khiến tôi thực sự cảm động, hân hoan đón anh ta vào nhà.

Vừa ngồi yên vị, anh ta đã lấy từ trong phong bì ra một tờ báo gấp phẳng phiu, chỉ vào một bài viết đăng trên báo cho tôi xem. Hóa ra đó là một bài viết của tôi gửi đăng trên tờ báo buổi chiều ít hôm trước.

“Thưa thầy, em vừa mới được biết thầy còn viết báo nữa. Bài viết “Mai nở vì ai” này của thầy, lấy hoa mà ví người, thật trúng thói tệ hiện nay, rất nhiều câu trong bài viết đã nói đúng tiếng lòng của em. Em vẫn còn nhớ, trong các giờ học vẽ, khi dạy chúng em vẽ hoa mai, thầy còn kể cho chúng em nghe những câu chuyện về cổ nhân đã yêu mến hoa mai thế nào, tỉ như chuyện coi mai là vợ hạc là con của Lâm Hòa Tĩnh đời Tống, hay chuyện hoa mai bên ao rửa bút của Vương Miện đời Nguyên. Thầy còn giới thiệu cho chúng em những bậc cao thủ về vẽ mai trên họa đàn xưa nay …” Trong khi anh ta bước vào miền ký ức của mình, thì trước mắt tôi cũng hiện ra lần lượt từng khuôn mặt non tơ trong phòng học khi ấy.

“Thầy còn nhớ Đại Hùng – tay tinh nghịch nhất trong lớp em hồi ấy chứ? Bận ấy, học vẽ hoa mai, thầy nói là có thể đề mấy câu thơ lên bức tranh của mình, Đại Hùng đã đề lên bức tranh của cậu ta câu thơ: “Mai Hoa, Mai Hoa tớ yêu cậu; Giống như chuột nhắt yêu hũ gạo”, kết quả khiến cho cô bạn Lâm Mai Hoa cùng bàn với cậu ta phải ức đến phát khóc lên.”

“Em vẫn còn nhớ những buổi học mỹ thuật hồi xưa rành mạch như thế đúng là hiếm có đấy. Mấy bạn cùng học ấy em vẫn giữ liên lạc thường xuyên chứ?” – Tôi hỏi.

“Phần lớn là không liên lạc gì ạ. Lớn lên rồi, mỗi người có một cuộc sống riêng ở một nơi, em cũng bận quá, tất cả sức lực bây giờ chủ yếu là tập trung vào việc vẽ tranh thôi, bình thường cũng chỉ qua lại với những người trong phạm vi hoạt động của mình được thôi ạ.”   

“Ồ, thế hôm nay làm sao em lại rảnh rang mà tới đây?”

“Thầy cứ nói thế ạ! Mấy hôm trước em đọc được bài viết này của thầy, thực sự hối hận vì đã không sớm đến thăm thầy. Em cũng giống thầy ở một điểm là cũng yêu hoa mai đấy. Tinh thần của hoa mai khiến người ta phải say đắm vô cùng!” Tiếp đó, anh ta lấy từ trong ống quyển mang theo bên người ra một cuộn tranh hoa mai, chậm rãi trải ra.

(Hoa mai - tranh của Vương Thành Hỉ - TQ)


Ái chà, mực đượm, màu tươi, ý tình tiêu sái, thật khiến người xem mê mẩn!

“Trước đây em vẽ rất nhiều đề tài, nhưng đến tuổi trung niên cũng chưa thành danh được ở mảng nào, hai năm lại đây em đổi hướng, chuyên chú vẽ tập trung vào một đề tài hoa mai thôi. Thưa thầy, thầy cho em xin ý kiến ạ.”

“Ồ, em rất có ý tưởng, cũng rất mạnh dạn, mượn dùng được cả một số khái niệm của hội họa hiện đại.”

“Thầy đúng là bậc chuyên gia ạ. Suy nghĩ của em là, bất kỳ bức tranh nào đều phải thoát khỏi khuôn khổ của cổ nhân, hoa mai làm sao cứ nhất định phải vẽ ra vẻ cô lãnh thanh cao? Thời đại đã thay đổi rồi, mắt thẩm mỹ của người ta cũng đã thay đổi, hoa mai của em, em phải để nó bung nở, rực rỡ, náo nhiệt. Về mặt hình thức biểu hiện, em cũng hết sức ‘dùng mọi biện pháp’ …”

Anh ta thao thao bất tuyệt, khiến tôi dẫu muốn nói ra một số ý kiến của mình, nhưng đều bị chặn đứng lại hết.

Anh ta ngưng lại rồi, tôi không biết nói gì kiếm cớ để nói, chỉ vào câu đề tự trên tranh hỏi: “Mấy câu này là em tự nghĩ lấy rồi viết à?”

“À, cái này thì không phải, thường ngày em xem được những câu đề từ hay ho trên tranh của người ta thì chép lại, cũng có lúc thì em trích lấy mấy câu trong thơ từ đời Đường đời Tống, rồi tùy nghi mà dùng thôi.”

“Cái ấn này khắc mấy chữ “Mai Đạo Nhân” là chỉ…?” – Tôi hơi lấy làm nghi hoặc, vì nhớ rằng đó là tên hiệu của Ngô Trấn – nhà danh họa đời Nguyên.

“Đây là tên hiệu em tự lấy cho mình, để khích lệ bản thân làm người phải giống như hoa mai vậy, hiên ngang chịu gió sương mà vẫn ngạo nghễ nở hoa.”

“Như thế tất nhiên là tốt, nhưng bây giờ có tí thời gian nào mà đọc sách không?”

“Không giấu gì thầy, em thực sự rất bận, mùa xuân năm nay em có cái triển lãm một trăm bức tranh hoa mai, sắp tổ chức ở thành phố ta, sau khi kết thúc lại phải mang sang triển lãm ở Hongkong. Không biết thầy có biết không, bạn Lâm Mai Hoa mà em nhắc đến khi nãy, về sau lấy một thương gia giàu có ở Hongkong. Triển lãm của em ở Hongkong lần này chính là nhờ bạn ấy giúp giới thiệu kết nối đấy ạ.”

Tôi đột nhiên ngộ ra một chút gì đó, hỏi: “Hôm nay em đến thăm thầy, còn có việc gì khác nữa không?”

Anh ta nghe tôi hỏi thế thì chợt hơi có vẻ thẹn, nói: “Em đến thăm thầy là chính, nhưng tất nhiên em cũng muốn nhờ thầy viết cho em một bài giới thiệu một chút cho em trên tờ buổi chiều. Thầy biết đấy, hiện nay đều như vậy cả, muốn có một chút tiếng tăm, bán được tranh, mà không có ai tung hô quảng bá thì khó lắm ạ!”

“Ôi, tôi có phải chuyên môn viết phê bình nghệ thuật gì đâu, tôi không viết được.”

“Không, không, không. Thầy nhất định phải giúp em, thầy cứ viết tùy nghi, tờ Buổi chiều diện độc giả rộng, ảnh hưởng rất lớn đấy ạ.” Vừa nói anh ta vừa rút ra một tờ giấy gấp vuông vắn nói – “Em đã vạch ra mấy cái gạch đầu dòng, để thầy tham khảo.”

Tôi đọc lướt qua một lượt, có mấy điểm cả thảy, nhưng chủ yếu nhắm đến hai vấn đề: một là, tác phẩm cao nhã tranh giống như người; hai là, nhân phẩm thanh đạm không màng danh lợi.

Sau khi anh ta đi rồi, tôi liền mắc vào một nỗi khổ tâm: viết thế nào đây? Nói mấy câu giả dối trái với lòng mình ư? Bỗng nhiên điện thoại đổ chuông, một giọng nói từ đầu bên kia truyền lại: “Thưa thầy, vừa rồi em có để một phong bì trong ngăn kéo tủ trong buồng vệ sinh nhà thầy, bên trong đó có một chút bồi dưỡng gọi là cảm tạ thầy đã vất vả viết giúp em bài báo ạ …”

(Châu Hải Đường dịch – Theo “Trung Quốc vi hình tiểu thuyết tinh tuyển 2019”)              

 

Giới thiệu tác giả:

Từ Huệ Phần, nhà văn đương đại Trung Quốc, hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội, là một nhà văn chuyên sáng tác trong lĩnh vực truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa ngữ văn Trung học và Đại học, đồng thời bà cũng có nhiều truyện ngắn mini được lựa chọn vào các tập tinh tuyển toàn quốc hàng năm. 

         

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2024

Cha ông ta “cập nhật” sử Trung Quốc thế nào?

 Trong Chuyên đề “Hiểu Việt Nam”1 , tháng 8/2023, tôi có đăng toàn bộ bản dịch tác phẩm “An Nam truyện” của Vương Thế Trinh đời Minh (Xin lưu  ý, “An Nam truyện” của Vương Thế Trinh là tác phẩm khác, không  liên quan gì với “An Nam truyện – Chi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa” do Châu Hải Đường dịch và biên soạn). “An Nam truyện” của Vương Thế Trinh gồm 2 quyển, ghi chép các sự kiện lịch sử của An Nam từ Tần Hán đến đời Gia Tĩnh nhà Minh, trong đó tập trung chính là các sự kiện từ đầu đời Minh đến sau khi Mạc Đăng Dung xin hòa. Tác phẩm tuy còn sơ sài, nhưng cũng cung cấp thêm cho  chúng ta một số chi tiết có thể bổ sung thêm cho chính sử của ta, cũng như các cuốn sách ghi chép về lịch  sử khác ….



Đọc “An Nam truyện” của Vương Thế Trinh, tôi đặc biệt lưu ý đến một chi tiết, đó là:  Tháng Giêng, năm Hồng Vũ thứ 30 (1397),nhà Minh sai Hành nhân Trần Thành, Lã Nhượng sang dụ An Nam trả đất (?), bọn Thành, Nhượng có gửi thư cho vua Trần Thuận tông rằng: ““Sứ giả bất tài, làm nhục mệnh sáng của chúa thượng, rất lâu vẫn không quyết được, chẳng biết lấy gì để phục mệnh chúa. Nay, sứ giả xin viện cổ dẫn kim, phân tích lợi hại mà nói cho các quan chấp sự biết. Thời Hậu Hán, Trưng Trắc làm phản, Mã Viện đánh diệt được, lập cột đồng để làm ranh giới trong ngoài, là một trong Ngũ quản từ đời Đường Ngu. Đến thời Tống, [An Nam] mới tự dựng lên, Càn Đức vào cướp biên cương, Quách Quỳ đến đánh dẹp, bắt được ngụy Thái tử Hồng Chân[1]. Càn Đức sợ mới cắt các đất Quảng Nguyên, Môn Châu, Tư Lãng, Tô Mậu, Quang Lang xin hàng. Nhà Nguyên mới có thiên hạ, thì tiên vương của các ngươi là Quang Bính xưng thần nộp cống trước tiên. Đến Nhật Huyên nối thì đổi tiết, vì vậy [Nguyên] Thế tổ đến đánh. Nhật Huyên phải chui rúc cỏ gai, đi thuyền trốn tránh ra hải đảo, thành quách tông miếu, xã tắc nhân dân cơ hồ không còn gì. Nhật Tốn xét những mất mát đời trước, thỉnh mệnh với nhà Nguyên, có nói rằng: “Trước nay, thiên sứ hạ cố đến tiểu quốc, việc nghênh tống chỉ dừng lại ở Lộc Châu, vì sợ mắc tội mạo phạm lấn vượt, nên không dám đi qua Khâu Ôn vậy.” Như thế thì đất từ Khâu Ôn trở về phía bắc không phải của nước ngươi, rất rõ ràng vậy. Nay, nước ngươi lại vượt Uyên, Thoát, quá Như Ngao, Khánh Viễn mà có hết những đất ấy. Phải chăng nhân khi cuối đời Nguyên loạn lạc mà thừa cơ may giành được chăng. Hôm Hành nhân mới bước xuống xe, quần thần của vương đều nói: Đất này từ xưa vốn thuộc An Nam, mà không nói bắt đầu thế nào. Chẳng phải là khoác lác mà lừa dối ta ư? Chắc hẳn là vương sợ phải tội vì việc xâm phạm đất đai nên cố tự che dấu chăng? Chúa thượng là bậc thần thánh, tất chẳng kể tội cũ của vương mà bằng lòng cho vương sửa lỗi vậy. Hãy tính cho kỹ.”

Nhà Trần bèn gửi thư lên bộ Hộ của nhà Minh, tranh biện rằng:  “Kính thấy, thượng ty vì nhận được bản tấu của phủ Tư Minh về việc [nước tôi] xâm chiếm đất đai, sai Hành nhân Trần Thành, Lã Nhượng đến hạ quốc, bắt phải trả lại. Hạ quốc trộm nghĩ, năm huyện Khâu Ôn, Như Ngao, Khánh (Viễn), Uyên, Thoát từ xưa vẫn cung đốn tô thuế phu dịch cho hạ quốc, đời đời không bỏ. Mà Đồng[2] Đăng là đất của huyện Uyên, đường mà sứ thiên triều qua lại. Người Bằng Tường, phủ Tư Minh hàng năm vẫn bàn giao tiếp nhận phu kỵ với người huyện Uyên của hạ quốc ở Duy Quan, Pha La thuộc địa giới Bằng Tường. Nay người Tư Minh lại nói, hạ quốc lập trạm ở Đồng Đăng thuộc huyện ấy để xâm chiếm. Làm sao lại trái ngược như thế? Ôi! Lập trạm mà lại là có ý mưu tính lấy đất ấy ư? Đất từ xưa vẫn thuộc nước tôi, làm sao lại còn phải đợi mưu tính lấy? Ôi, sở dĩ dựng nhà cửa ấy, là vì thượng ty đã có lệnh ngăn chặn vượt qua địa giới, nên mới tạm dựng để tiện cho quan lại nghỉ đêm vậy, xong việc thì lại rút đi, chứ nào phải là để dự trù việc xâm phạm đâu? Lại nói, thời Nguyên, đại quân hai lần đánh Giao Chỉ, khi hồi quân thì dựng trại Vĩnh Bình, đặt quân trấn giữ, đòi người Giao giúp lương hưởng. Trộm xét, quân Nguyên hai lần đến đánh nhưng phần đa đều bất lợi phải quay về. Sử sách tuy tránh né mà không ghi tường tận, nhưng [chép] đến Trấn Nam vương thì nói: vương ở ải Nội Bàng, quân giặc kéo đến đông để chặn đường quân rút về. Vương bèn từ huyện Đơn Ba[3], kéo theo đường tắt Lộc Châu ra khỏi cửa quan. Như thế thì có thể biết rõ quân thế, tường tận đường về, há có chuyện hồi quân Vĩnh Bình mà dựng trại để trấn giữ cùng đòi người Giao [Chỉ] phải giúp lương hưởng ư? Lại nói, hạ quốc vượt quá cột đồng hơn hai trăm dặm, xâm chiếm năm huyện thuộc Khâu Ôn. Cột đồng tính từ khi mới dựng đến nay đã hơn một ngàn ba trăm năm mươi năm, núi khe biến thiên, ai còn có thể biện nhận được? Lại nói, bắt hỏi lão nhân là Hoàng Bá Nhan, có nói cho biết rằng như thế, như thế... Bá Nhan cũng là người Tư Minh, há chẳng cùng một mong muốn ư? Dẫu có một ngàn Bá Nhan cũng làm sao tin cho được?(…)


Xem bức thư tranh biện này, có một điểm khiến tôi phải lưu ý, đó là: các bộ sử thư của Trung  Quốc xưa, thường sau khi một triều mới lên thay triều cũ, mới cho bề tôi căn cứ vào các ghi chép, tài liệu về triều cũ (ví dụ như Thực lục … chẳng hạn) mà biên soạn một bộ  sử của triều cũ ấy. Nhà Minh sau khi giành được ngôi từ tay nhà Nguyên, mới cho bọn Tống Liêm biên soạn bộ “Nguyên sử”, và hoàn thành  vào năm Hồng Vũ thứ 3 (1370). Trong đó, Quyển 209 -  Ngoại di 2 - An Nam là những ghi chép về Việt Nam. Đọc lại truyện này quả nhiên có chép đúng như vậy:

“…Trấn Nam vương (Thoát Hoan) đến cửa ải Nội Bàng, quân giặc (tức quân nhà Trần) kéo đến rất đông, vương đánh phá được. Sai Vạn hộ Trương Quân đem ba ngàn quân tinh nhuệ đi chặn hậu, ra sức đánh, ra được khỏi ải. Quân do thám cho biết Nhật Huyên cùng Thế tử, và Hưng Đạo vương chia hơn ba mươi vạn quân, đóng giữ Nữ Nhi quan và núi Khâu Cấp, nối nhau hơn trăm dặm để chặn đường về quân Nguyên. Trấn Nam vương bèn từ huyện Đơn Kỷ chạy sang Lộc Châu, theo đường tắt mà ra, đến châu Tư Minh. Lệnh cho Ái Lỗ dẫn quân về Vân Nam, còn Áo Lỗ Xích thì đem các quân quay về bắc. 

Như vậy, với thời gian từ 1370 đến (trước) 1397, ở trình độ in ấn và thông tin khi ấy, có thể thấy nhà Trần đã “cập nhật” khá nhanh sử sách của Trung Quốc có liên quan đến chính triều đại của mình, để cũng chính từ đó tìm ra lý lẽ bảo vệ biên  giới, cương thổ của nước ta trước đối phương. Trong khi, việc tiếp xúc với những sách vở như vậy vào thời gian ấy không hề dễ dàng (đơn cử như trường hợp sứ giả Đặng Nhữ Lâm đời Trần, sang sứ nhà Nguyên năm 1301, đã bị ngăn cấm trong việc sao chép sách vở, vẽ hình cung điện … như thế nào.)

Một ý nữa được người xưa thẳng thắn nhắc đến trong đoạn thư trên, đó là câu: “… quân Nguyên hai lần đến đánh nhưng phần đa đều bất lợi phải quay về. Sử sách tuy tránh né mà không ghi tường tận,…” Có thể thấy, cha ông ta đã hiểu  rất rõ về tình trạng “tốt khoe, xấu che” ấy trong việc ghi chép sử sách của triều đình phương Bắc. Vì thế khi tiếp xúc với các ghi chép về lịch sử từ các nguồn khác nhau, đặc biệt từ các nguồn đối lập, chúng ta luôn cần có một sự tỉnh táo, và cũng không nên lấy làm lạ, khi Tống sử ghi chép rất sơ sài về cuộc kéo quân đi chinh phạt nhà Lý, hay tương tự như vậy ở các bộ sử khác …

Về sự kiện Trần Thành, Lã Nhượng sang nước ta đòi đất nói trên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư không có ghi chép gì. Trong Minh sử - An Nam truyện thì lại có những ghi chép như sau (tuy không ghi chép rõ nội dung hai bức thư trao đổi giữa hai bên):

Thổ quan châu Tư Minh là Hoàng Quảng Thành tâu: “Từ khi nhà Nguyên đặt Tư Minh tổng quản phủ, quản hạt các châu huyện ở Tả Giang, phía đông đến châu Thượng Tư, phía nam đến cột đồng làm ranh giới. Nhà Nguyên đánh Giao Chỉ, chuyển cột đồng đi một trăm dặm, lập Vạn hộ phủ ở trại Vĩnh Bình, sai quân đến trấn thủ, lệnh cho người Giao Chỉ phải cung cấp lương hưởng cho quân. Cuối đời Nguyên loạn lạc, người Giao Chỉ công phá Vĩnh Bình, lại dời ngược cột đồng lên hơn hai trăm dặm, xâm đoạt đất năm huyện thuộc châu Tư Minh là Khâu Ôn, Như Ngao, Khánh Viễn, Uyên, Thoát. Gần đây lại báo với Nhâm thượng thư đặt trạm dịch ở đất Đỗng Đăng của Tư Minh. Thần từng dâng tấu, được ơn vua cho Dương thượng thư đến xem xét thực tình. Xin bệ hạ sắc cho An Nam đem đất năm huyện trả lại cho thần, vẫn lấy đồng trụ vạch làm địa giới.” Hoàng đế sai Hành nhân Trần Thành, Lã Nhượng sang truyền dụ, nhưng Quý Ly vẫn nhất định không nghe theo. Thành tự viết thư dụ Nhật Côn, Quý Ly lại gửi thư tranh biện, và viết thư giúp Nhật Côn đưa tới Hộ bộ (nhà Minh). Bọn Thành về phục mệnh, (…)”

Đọc thêm những ghi chép từ “Minh sử - An Nam truyện” này, các bạn sẽ lại hiểu thêm một chút về câu chuyện ấy. Rõ ràng, chân tướng của một sự kiện lịch sử có thể thấy rõ hơn qua nhiều thông tin đơn lẻ ở nhiều tài liệu khác nhau, đó chính là lý do, những người yêu lịch sử luôn tìm đọc rất nhiều tư liệu khác nhau để nhìn thấu đáo hơn về một câu chuyện lịch sử.

(Châu Hải Đường)                     



[1] Sử Trung Quốc chép nhầm, nước ta không có vị Thái tử nào là Hồng Chân cả.

[2] Đồng: Nguyên văn chép là Động (Đỗng)  洞.

[3] Đơn Ba (單巴): Nguyên sử- An Nam truyện chép là huyện Đơn Kỷ (單己).

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2024

CON MỘC – CÁI MỘC

Còn nhớ một giai thoại về truyện trạng Quỳnh, tôi đã đọc từ hồi còn bé, kể rằng: vì muốn được ngắm dung nhan cô Điểm nên Quỳnh thường chầu chực ở ngoài cửa trường nơi thầy Đoàn Doãn Nghi – thân phụ cô Điểm dạy học. Một bận, thầy Đoàn Doãn Nghi bắt gặp Quỳnh “rình mò” ngoài cửa, bèn gọi vào ra câu đối rằng: “THẰNG QUỶ ÔM CÁI ĐẤU ĐỨNG CỬA KHÔI NGUYÊN.” Quỳnh bèn đối lại rằng: “CON MỘC TỰA GỐC BÀNG NHÒM NHÀ BẢNG NHỠN.” Ông Nghi thấy Quỳnh đối đáp giỏi, rất phục, bèn tha không bắt tội. Sách cũng cẩn thận chú rằng: câu ra đối của ông Đoàn Doãn Nghi khó ở chỗ chữ Quỷ () và ch Đấu () hp li thành ch Khôi (); nhưng trng Qunh đã đối li được: bi, ch Mc () và ch Bàng () hp li thành ch Bng (). Song, nếu xét k, tuy v mt chiết t thì trng Qunh đã lựa được chữ Bảng trong chữ Bảng Nhỡn, mà đối với chữ Khôi trong Khôi Nguyên là hai thứ hạng trong thi cử xưa, nhưng câu ra đối thì còn là câu có ý nghĩa, chứ câu đối lại của trạng Quỳnh nếu chỉ là chiết tự chữ Bảng thành Mộc và Bàng thì có gì mà hay?

Trong các bạn, nếu ai thích chèo, chắc hẳn đã từng xem vở chèo cổ nổi tiếng “Xúy Vân”, hoặc nếu không thì, nhất định cũng từng xem tích hề chèo “Phù thủy sợ ma” trích từ vở chèo này. Trong trích đoạn hề chèo “Phù thủy sợ ma” ấy, có đoạn đối đáp giữa Hỉ đồng – tiểu đồng nhà Kim Nham với thầy phù thủy như sau:

“Hỉ đồng: Gặp được thầy lòng mừng khôn xiết, nay trong nhà vẫn chửa được yên, mời thầy về lập đàn chữa mộc ạ!

Thầy phù thủy: Chữa mộc hay là chữa tay co? Cứ mua mây về rồi thầy nức lại cho, đan cái mộc mới để làm gì cái mộc cũ ấy?

Hỉ đồng: Không! Mộc là con ma mộc kia ạ!

Thầy phù thủy: Mày cứ lòe tao! Tao lạ gì! Mộc mà có cái chữ “Lực” viết đằng sau, các quan mang đi đánh giặc đấy chứ gì?

Hỉ đồng: Không! Không! Con ma mộc mà nó cắn được cả người, nuốt được cả người cơ!”

Đoạn trò này là sau khi Xúy Vân giả điên giả dại để nhằm khiến Kim Nham phải viết giấy “Hưu thê” cho mình, mà đi theo Trần Phương, vì thế người nhà cho là bị ma làm nên đã đi kiếm thầy phù thủy về cúng trừ ma.

Qua mấy câu đối đáp này, thì dường như có một thứ ma quỷ được gọi là “Mộc” hay “ma Mộc”. Đồng thời lại có một đồ vật gọi là “cái mộc”, và hẳn là chúng đều khá thông dụng nên mới được dùng vào màn hề chèo vốn là trò gây cười trong sân khấu chèo, bởi chẳng ai lại đi kể truyện cười bằng những yếu tố khó hiểu để người nghe phải về đến nhà rồi mới hiểu mà cười bao giờ. Theo như mô tả của thầy phù thủy trong trích đoạn hề chèo trên, thì cái mộc được đan bằng mây, và dùng trong chiến trận (các quan đem đánh giặc).

Vâng. Chính thế, xin thưa, có một loại ma quỷ được gọi là Mộc, ma Mộc là một thứ ma quái trong cây gỗ; Và có một đồ vật được gọi là cái mộc – tức là một loại lá chắn, dùng để che chắn thân mình, tránh tên bắn, hay gươm giáo đâm chém, tương tự như cái khiên. Mộc có thể làm bằng gỗ, có hoặc không bọc da, cũng có thể đan bằng tre nứa, song mây …

Tuy nhiên, trong các từ điển gần đây, tiêu biểu là “Từ điển tiếng Việt” Hoàng Phê, mục từ Mộc hầu như chỉ có các trường nghĩa: 1. Cây mộc (hoa mộc, tức quế hoa); 2. Chỉ các thứ gỗ hay làm bằng gỗ; 3. Tính từ, mang ý nghĩa thô sơ, chưa gia công, trang sức … và 4. “Vật cầm tay để che đỡ cho gươm giáo khỏi đâm trúng người trong chiến trận xưa …”. Song không thấy nói đến nghĩa “ma mộc”.

Nhưng, xem thêm trong các từ điển cũ hơn, thì chúng tôi đã thấy có manh mối về “con ma mộc” này:

“Đại Nam quấc âm tự vị” của Huỳnh Tịnh Của, mục chữ “Mộc” có ghi nhận từ “Mộc đè” như sau: “Bị ma cây đè trong khi ngủ. Đương lúc nằm mơ màng, thình lình bắt cứng mình cứng mẩy, dường như bị vật gì đè. Người ta nói, ấy là tại cái cây mình dùng làm cột, buổi còn đứng trên rừng, có con chim gì tha thịt thú vật để trên ấy mà ăn, cho nên nó hóa ma.” Hóa ra đúng “mộc” là thứ “ma cây” thực. Và, cái chúng ta bây giờ quen gọi là “bóng đè” thì xưa được gọi là “mộc đè”. (Xem thêm trong “Từ điển Annam – Latinh” năm của J.L. Taberd, năm 1838, mục từ Mộc, cũng có cụm “Mộc đè”, giải nghĩa là: pressio nocturna – cũng tức là bóng đè, tuy nhiên không giảng kỹ như Huỳnh Tịnh Của).

Bây giờ, trở lại với câu đối “CON MỘC TỰA GỐC BÀNG NHÒM NHÀ BẢNG NHỠN” của trạng Quỳnh, có lẽ chúng ta đã thấy hết cái lý thú trong đó: ngoài “ngón” chơi chữ chiết tự đã nói ở trên, thì việc đem “con (ma) Mộc” đối với “thằng Quỷ” - mà hầu hết các sách chẳng giải thích - đích thực là “chọi nhau chan chát”.

Tiếc rằng đến nay, “con Mộc” gần như đã vắng bóng trong hầu hết các từ điển, còn “cái mộc” tuy có được ghi nhận, nhưng việc sử dụng trong nói, và viết cũng đều vô cùng hãn hữu.

Nhân đây, xin gửi các bạn hình vẽ khiên và mộc trong sách “Hiểu biết về Việt Nam” của Pierre Huard và Maurice Durand, trong đó trên mặt trước tấm mộc quả nhiên có chữ “Lực” () - n chng cho điu mà thy phù thy nói trong tích trò Phù thy s ma trên. Và hình v Cái Khiên mây cũng như hình Tp mc trong tp sách K thut ca người An Nam”.

(26,27 Mộc; 28,29 Khiên -
Hình trong sách "Hiểu biết về Việt Nam)

(Tập Mộc)
(Cái Khiên Mây)