Trước
sau tôi vẫn cho rằng, mộng văn chương của mình, đã được manh nha nảy những hạt mầm đầu tiên từ một vại nước.
Khi
tôi còn nhỏ, nước máy tự chảy đến từng nhà vẫn còn chưa phổ biến, cư dân ở mỗi
một phố cùng dùng chung một vòi nước
công cộng, vì thế nhà nào nhà nấy đều phải có một cái vại chứa nước. Cái vại nước
của nhà tôi chễm chệ “hùng cứ” một góc bếp, tựa như một người khổng lồ với cái
bụng lớn lạnh lùng đứng đó, lại cũng giống như một thành viên vô cùng uy quyền
trong nhà. Tôi còn nhớ, việc ra vòi nước gánh nước, phần lớn là do hai chị gái
tôi đảm đương. Hai chị tôi có đôi thùng tôn, ra hứng lấy đầy nước vào đó rồi
ghé vai gánh về nhà, với vẻ tức giận thường thấy khi người ta phải làm những việc
không chủ động làm, rồi ào ào đổ nước vào trong vại. Tôi dĩ nhiên chỉ khoanh tay đứng bên cạnh xem, nhìn thấy trong
vại chớp mắt nước đã dâng cao, nước trong nuốt dần thành vại màu nâu sẫm, tự
nhiên có một niềm hưng phấn khó tả. Bây giờ nhớ lại, niềm hưng phấn ấy là vì
tôi có một bí mật, tâm điểm của bí mật ấy liên quan đến một con trai ở dưới đáy
vại nước.
Xin
cho phép tôi được kể lại câu chuyện vô cùng ngây thơ này. Chuyện rằng, có một
chàng trai nghèo tốt bụng nhặt được một con trai người ta vứt đi ở bên sông,
chàng thương tình mang nó về nhà, thả vào vại nước duy nhất trong nhà để nuôi.
Theo đúng như mô-típ kể chuyện đồng thoại, con trai ấy tất nhiên không phải là
một con trai bình thường, giữa hai mảnh vỏ trai có một người ở trong đó, một
nàng tiên! Chẳng biết là để báo ơn cứu mạng, hay là vì vướng phải lưới tình, mỗi
ngày khi chàng trai ra ngoài làm việc, nàng tiên lại từ trong vại nước bước ra,
sắp cơm dẻo canh ngọt để sẵn lên bàn cho chàng, rồi lại chui vào trong vỏ trai
của mình. Còn chàng trai nghèo đang ăn bữa nay chưa biết bữa mai ấy, từ đó trở
nên no cơm ấm áo, thoát khỏi cảnh nghèo khó của mình một cách diệu kỳ.
Bây giờ tôi vẫn còn thấy ngượng khi phân tích xem vì sao khi còn nhỏ được nghe người lớn kể không biết bao nhiêu câu chuyện đồng thoại vô cùng lý thú như vậy, mà tôi lại chỉ say mê với câu chuyện về nàng tiên sống trong vỏ con trai ấy? Nếu không phải là do gien ưa nhàn nhã ghét mệt nhọc bẩm sinh, thì có thể đó là có tâm lý chờ đợi một chiếc bánh nướng từ trên trời rơi xuống của những người bình thường. Đến nay tôi vẫn còn nhớ như in những khoảnh khắc mở nắp đậy vại nước ra: khi cái nắp vại được mở ra, thì một giấc mơ hư ảo và náo nhiệt cũng được bung nở.
Chăm
chú nhìn vào vại nước là cách đọc sớm nhất của tôi, và cũng là cách đọc mà đến
nay tôi vẫn còn hoài niệm. Cách đọc ấy vừa tràn đầy ý thơ, cũng tràn đầy hư
không. Bất luận là thi ý hay hư không, đều phải trải qua thời gian để lĩnh hội.
Tôi chưa bao giờ được thấy câu chuyện đồng thoại xuất hiện trong vại nước nhà
mình, sang nhà người khác mở nắp vại nước của nhà khác cũng vậy. Chỉ có nước,
không có con trai nào, càng không có nàng tiên nào cả. Thi thoảng mẹ tôi mua
trai ở chợ về, chuẩn bị để nấu với đậu phụ, tôi lại nảy ra ý nghĩ tìm một kết cục
khác cho con trai, tôi luôn cảm thấy nên thả nó vào vại nước thử xem sao. Tôi
đã từng thử một lần, nhưng con trai ở trong vại nước khiến nước có mùi tanh nên
cuộc thử nghiệm nhanh chóng bị phát hiện. Người trong nhà lập tức vớt con trai
trong vại nước ra ném đi, bảo: “Trong vại nước làm sao nuôi trai được? Mày xem
xem, vất vả mãi mới gánh được vại nước, giờ không dùng được nữa rồi! Cái thằng
oắt này, trông mặt mũi sáng sủa mà rõ là ngốc!”
Tôi
vẫn luôn tin rằng, tất cả những sáng tác nghệ thuật vô cùng nghiêm túc của người
lớn đều chịu ảnh hưởng bởi lòng hiếu kỳ thuở nhỏ. Còn với những người được gọi
là nhà văn, lòng hiếu kỳ của họ đều hóa thành những con chữ hữu dụng hoặc vô dụng,
bị đào thải hoặc được lưu lại. Ở khía cạnh lòng hiếu kỳ, nhân vật mà họ đóng
vai may mắn nhất cũng kỳ quặc nhất, tựa hồ cùng lúc có cả may mắn và bất hạnh.
Lòng hiếu kỳ của họ muôn hình vạn trạng, vì không có giá trị thực dụng và
phương hướng cụ thể nên dường có vẻ mơ hồ. Chỉ dựa vào cái lòng hiếu kỳ mơ hồ
này, mà lại phải đưa ra những giải phẫu và thuyết minh sắc bén nhất đối với thế
giới hiện thực, vì vậy công việc này có lúc đã khiến tôi cảm thấy đó là số mệnh,
là thách thức, và cũng là một kỳ tích.
Một
công việc mang tính kỳ tích thì cần phải cố gắng một cách kỳ tích. Trong thời
thơ ấu của mình, kỳ tích mà tôi mong đợi đều ở cả một chiếc vại nước. Thời gian
trôi qua, đã mang theo chiếc vại nước ấy đi, cũng mang theo mất cả một phần kỳ
tích. Trước nay tôi vốn không thích mỹ hóa quá mức cuộc sống ấu thơ, cũng không
muốn ngồi trên cây cổ thụ hồi ức phô trương quá mức tình cảm của mình, nhưng tôi tuyệt
không đành lòng vứt bỏ ký ức về chiếc vại nước trong thời niên thiếu. Bao nhiêu
năm qua, kỳ thực tôi vẫn luôn đang viết về động tác không ngừng mở nắp vại nước
ấy – nào ai biết được, đó là động tác chờ đợi, hay là động tác kiếm tìm? Từ
trong một chiếc vại nước không nhìn thấy cuộc đời, nhưng có thể nhìn thấy con
trai ấy. Trong con trai ấy không nhìn thấy nàng tiên, nhưng có thể nhìn thấy
tia sáng le lói của kỳ tích./.
Giới thiệu Tác giả:
Tô Đồng, vốn tên Đồng Trung Quý, sinh năm 1963 tại thành phố Tô Châu tỉnh Giang Tô, là nhà văn đương đại Trung Quốc, đại biểu của phái Tiên phong. Năm 1980 Tô Đồng thi đậu vào khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Bắc Kinh, năm 1983 bắt đầu có tác phẩm ra mắt. Năm 1985 ông xuất bản tiểu thuyết “Cuộc đào vong năm 1934”, năm 1988 xuất bản tiểu thuyết “Thê thiếp thành quần” – tiểu thuyết sau đó đã được đạo diễn Trương Nghệ Mưu dựng thành bộ phim “Đèn lồng đỏ treo cao” nổi tiếng. Năm 2009, ông xuất bản trường thiên tiểu thuyết “Hà ngạn”, và giành được Giải thưởng Văn học Châu Á MAN (Man Asian Literary Prize). Năm 2013, Tô Đồng xuất bản trường thiên tiểu thuyết “Hoàng tước ký” - bộ tiểu thuyết đã giúp ông giành Giải thưởng Văn học Mao Thuẫn lần thứ 9 năm 2015. Ngoài ra ông còn từng giành nhiều giải thưởng văn học với nhiều thể tài tác phẩm khác. Hiện Tô Đồng là Phó chủ tịch Hội nhà văn tỉnh Giang Tô, Ủy viên đoàn chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc. Nhiều tác phẩm của Tô Đồng đã được dịch ra các ngôn ngữ như Anh, Pháp, Đức, Ý … Ở Việt Nam, đã có xuất bản tác phẩm “Thê thiếp thành quần” (tên Việt: Đèn lồng đỏ treo cao cao – Hoài Vũ dịch, và Đèn lồng đỏ treo cao – Nguyễn Vạn Lý dịch), “Hà Ngạn” (tên Việt: “Con thuyền không bến đỗ” – Lê Thanh Dũng dịch).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét